Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đánh thức con người phi thường trong bạn

Chương 13: Mười Ngày Thử Thách Tâm Trí

Tác giả: Anthony Robbins
Chọn tập

“Thói quen có thể là người đầy tớ tốt nhất,

hoặc là người chủ tệ nhất”.

-NATHANIEL EMMONS

Tính kiên định…đó là điều mọi người chúng ta đều theo đuổi. Chúng ta không muốn tạo ra những kết quả nhất thời. Chúng ta không muốn cảm thấy vui vẻ trong chốc lát. Chúng ta không muốn chỉ hăng hái từng lúc. Dấu hiệu của một nhà vô địch là tính kiên định và kiên định đúng nghĩa là kết quả của những thói quen của chúng ta.

Tôi tin chắc giờ đây bạn đã hiểu tôi viết cuốn sách này và cả đời tôi, là với mục đích nâng cao chất lượng đời sống chúng ta một cách đáng kể.

Điều này chỉ có thể đạt được nhờ có hành động quyết liệt theo một phương thức mới. Như tôi đã từng nhấn mạnh nhiều lần, chỉ biết phải làm gì mà thôi không đủ: bạn còn phải làm điều bạn biết. Chương này được viết ra nhằm giúp bạn thiết lập những thói quen tuyệt hảo – những tiêu điểm kiểu mẫu để giúp bạn tối ưu hóa ảnh hưởng của bạn trên chính mình và trên người khác.

Tuy nhiên, để nâng đời sống chúng ta lên một mức cao hơn, chúng ta phải hiểu rằng, cùng một mẫu suy nghĩ đã từng dẫn chúng ta đến thành công hiện tại sẽ không đương nhiên dẫn chúng ta đến nơi chúng ta muốn đến. Cần đẩy suy nghĩ của chúng ta lên một mức mới để có thể kiểm nghiệm được mức thành công mới trong lãnh vực phát triển bản thân và nghề nghiệp.

Để làm điều này, chúng ta phải dứt khoát phá vỡ những rào cản sợ hãi để giành quyền kiểm soát tâm trí mình. Những thói quen cũ làm cho tâm trí chúng ta bị chi phối bởi những vấn đề nhất thời phải được dứt khoát phá vỡ. Trước tiên, chúng ta phải thiết lập một quyết tâm trọn đời tập trung nhắm vào các giải pháp và vui thích cảm nhận sự tiến triển. Trong sách này, bạn được biết đến những dụng cụ và chiến thuật hiệu quả để làm đời sống bạn phong phú hơn, sung mãn, vui thú và phấn khởi hơn. Nhưng nếu bạn chỉ đọc mà không sử dụng, thì chẳng khác gì bạn mua về một máy vi tính mới cực mạnh nhưng không bao giờ lấy nó ra khỏi thùng, hay mua một chiếc Ferrari đời mới nhất rồi bỏ nó trong gara để mặc cho bụi bặm phủ đầy.

Vì thế bạn hãy để tôi giúp bạn một chương trình đơn giản cắt đứt những thói quen cũ trong suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử, một con đường có thể giúp bạn điều khiển những chọn lựa mới hiệu quả và làm cho nó hoàn toàn nhất quán.

Nhiều năm trước đây, tôi gặp một tình trạng dễ thất vọng và tức giận. Hình như đi đâu hay làm gì tôi cũng có vần đề. Lúc đó, tôi không có thói quen tìm giải pháp bằng cách suy nghĩ tích cực. Dầu sao tôi tự cho mình là “thông minh” và người thông minh thì không coi điều gì là tích cực khi nó không thực sự tích cực! Và quanh tôi cũng có rất nhiều người ủng hộ quan điểm đó của tôi (và họ cũng thất vọng trong đời họ giống như tôi).

Thực ra lúc đó tôi rất tiêu cực và nhìn sự vật chỗ nào cũng tồi tệ hơn trong thực tế. Tôi dùng tâm trạng bi quan của mình làm lá chắn. Tôi luôn luôn tìm cách tự vệ để tránh phải khổ. Tôi cố làm mọi cách để không cảm thấy thất vọng nữa. Nhưng khi đi theo kiểu mẫu này, tuy tôi có tránh được đau khổ thì cũng không cảm nhận được niềm vui. Thái độ này đã ngăn cản tôi tìm ra những giải pháp và giam giữ tôi trong những giới hạn của mình với lập trường là “phải sống thực tế”.

Thực ra, cuộc đời đòi sự quân bình. Nếu chúng ta để mình trở thành loại người không muốn chấp nhận có cỏ dại đang đâm rễ trong vườn cây của mình, chúng ta sẽ bị hủy diệt vì những ảo tưởng của mình. Ngược lại, thái độ sợ hãi của những người luôn tưởng tượng rằng vườn cây của mình mọc um tùm và đầy cỏ dại không thể nào diệt được, cũng là một thái độ tự hủy hoại. Con đường đúng là thái độ quân bình. Người có thái độ này luôn mỉm cười khi thấy cỏ dại mọc lên, vì họ biết rằng khi đã phát hiện ra được cỏ dại, họ có thể hành động ngay lập tức để diệt chúng.

Chúng ta không được bi quan khi nhìn thấy cỏ dại. Chúng là một phần của cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải nhìn chúng, thừa nhận chúng, tập trung tìm giải pháp và lập tức có hành động để loại trừ ảnh hưởng của chúng trong đời sống chúng ta.

Chúng ta cần luyện tập công việc diệt cỏ trong khu vườn tâm trí chúng ta. Chúng ta phải có khả năng nhận ra lúc nào chúng ta bắt đầu có một thói quen tiêu cực – không dằn vặt mình, cũng không ở lỳ trong thói quen đó – nhưng chỉ cần đơn giản phá vỡ thói quen đó ngay khi phát hiện ra nó và thay thế nó bằng những hạt giống mới đem lại thành công cho tâm trí, tình cảm, thân xác, tinh thần và nghề nghiệp. Phá vỡ những thói quen tiêu cực này thế nào?

1. Bạn cần xác định rõ bạn muốn gì. Nếu thực sự bạn muốn có cảm giác đam mê, vui sướng và làm chủ đời sống bạn, thì bạn phải biết bạn muốn gì.

2. Bạn phải tìm ra đòn bẩy nơi mình. Hãy để cho ước muốn xa tránh đau khổ và đạt vui sướng trở thành động lực thúc đẩy bạn làm những sự thay đổi để đưa cuộc sống bạn lên bậc cao hơn.

3. Bạn phải cắt đứt thói quen tiêu cực. Cách tốt nhất là theo “chế độ ăn kiêng tinh thần”. Chế độ ăn kiêng tinh thần là cơ hội để bạn loại bỏ những thói quen tiêu cực tai hại trong cách suy nghĩ và cảm nhận do cuộc sống theo phản xạ của cảm xúc và theo nếp sống tâm trí vô kỷ luật.

Tôi đề nghị với bạn chế độ ăn kiêng tinh thần sau đây:

Trong mười ngày, bắt đầu ngay từ hôm nay, bạn hãy quyết tâm kiểm soát mọi khả năng trí óc và cảm xúc của bạn bằng cách quyết định ngay lập tức không chiều theo bất kỳ tư tưởng hay cảm xúc tiêu cực nào trong suốt mười ngày liên tiếp.

Nghe có vẻ đơn giản phải không bạn? Và quả thực nó rất đơn giản. Nhưng những người đã từng bắt đầu áp dụng chế độ ăn kiêng tinh thần này đều phải ngạc nhiên khi khám phá ra rằng tâm trí họ rất thường hay đi vào những suy nghĩ vô ích, sợ hãi, lo lắng, hay tai hại.

Tại sao chúng ta lại dễ để mình chiều theo những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những căng thẳng và đau khổ trong cuộc đời như thế? Câu trả lời đơn giản là: vì chúng ta nghĩ rằng nó có ích thật. Nhiều người luôn sống trong trạng thái âu lo. Họ thường tập trung vào khía cạnh xấu nhất của tình huống và như thế nó gây ra cho họ sự sợ hãi và thất vọng.

Ngược lại, nếu chúng ta sử dụng những dụng cụ đơn giản trong sách này, chúng ta có thể thay đổi trạng thái lo âu của mình ngay bằng cách tập trung vào một giải pháp. Bạn có thể tự hỏi mình, “tôi cần làm gì ngay bây giờ để thay đổi tình hình?”

Bạn hãy nhớ, mục tiêu của chúng ta không phải là phủ nhận những vấn đề của cuộc đời, nhưng là đưa mình vào những trạng thái tâm trí và cảm xúc tốt hơn để có thể tìm ra những giải pháp và hành động để thực hiện những giải pháp đó.

Nếu bạn quyết định thực hiện 10 ngày thử thách tâm trí như tôi đề nghị, thì trong 10 ngày liên tiếp, bạn sẽ cố gắng để chú tâm 100 phần trăm thời giờ của mình vào những giải pháp và không để chút thời giờ nào vào những vấn đề!

Có 4 qui luật đơn sơ nhưng quan trọng cho 10 ngày thử thách. Bạn hãy nhớ các qui luật sau:

QUI LUẬT 1.

Trong 10 ngày liên tiếp, bạn hãy từ chối không để trí óc suy nghĩ đến những ý tưởng hay cảm xúc tiêu cực. Từ chối chiều theo những vấn đề tiêu cực hay những ngôn từ hoặc ẩn dụ tác hại.

QUI LUẬT 2.

Khi bạn thấy mình bắt đầu tập trung vào một ý tưởng tiêu cực nào, hãy lập tức dùng những kỹ thuật bạn đã học để định hướng lại chú ý của bạn sang một tình trạng cảm xúc tích cực hơn. Bạn hãy đặt câu hỏi, “có gì còn chưa hoàn hảo?” Hỏi như thế là bạn đã giả thiết sự việc sẽ đạt tới chỗ hoàn hảo.

QUI LUẬT 3.

Trong 10 ngày liên tiếp, bạn hãy bảo đảm mình tập trung suốt đời vào các giải pháp chứ không vào các vấn đề. Khi vừa chớm thấy một vấn đề, bạn hãy nghĩ tới một giải pháp ngay.

QUI LUẬT 4

Nếu bạn thấy mình trì trệ – nghĩa là thấy mình chiều theo một tư tưởng hay tình cảm tiêu cực – đừng dằn vặt mình! Sẽ không có vấn đề gì nếu bạn thay đổi ngay tình trạng này. Mục tiêu của chương trình này là giữ Mười ngày liên tiếp không chiều theo hay có một tư tưởng tiêu cực.

Bạn nên nhớ là chỉ có bạn mới là người có thể làm cho chương trình 10 ngày thử thách tâm trí tác dụng cho mình. Chỉ có bạn có thể làm một quyết tâm để thực hiện cho đến cùng.

Sau cùng, một trong những công cụ quí giá nhất để tạo sự thay đổi là không chỉ cắt đứt thói quen cũ của mình, mà phải thay đổi bằng một điều gì mới. Và một trong những phương pháp hiệu quả để làm điều này là: đọc sách nhiều.

Các lãnh đạo là những người đọc sách nhiều

Lâu lắm rồi, một trong các ông thầy của tôi là Jim Rohn đã dạy tôi rằng việc đọc những gì chất lượng, bổ ích, giá trị, thì còn quan trọng hơn cả việc ăn uống. Thầy ghi khắc vào đầu óc tôi ý tưởng là phải đọc sách mỗi ngày ít nhất là 30 phút. Thầy thường nói, “Có thể bỏ một bữa ăn, nhưng đừng bỏ đọc sách”. Tôi nhận ra đây là một nhân tố quí giá giúp tạo sự khác biệt trong đời mình. Vì thế, trong khi bạn đang thanh lọc đầu óc mình khỏi những thói quen cũ, bạn cần tăng cường nó bằng việc không ngừng đọc lấy những điều mới. Và những chiến luợc quí báu để bạn sử dụng trong 10 ngày thử thách tâm trí này.

Chương này đã đề nghị với bạn một cuộc thử thách tâm trí. Nó là một cơ hội và lời mời gọi để bạn đòi hỏi bản thân mình nhiều hơn là người khác mong đợi ở bạn và để bạn đón nhận được những phần thưởng do quyết tâm của bạn mang lại. Đây là lúc để đem ra thực hành những điều bạn đã học. Chương tiếp theo sẽ bàn về Hệ thống chủ đạo để điều khiển mọi quyết định của bạn trong suốt cuộc đời.

Chọn tập
Bình luận