Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương khuyên các bậc phụ huynh, nếu thật sự nghĩ đến hạnh phúc của con, hãy lùi về phía sau, không làm một chiếc “trực thăng” lúc nào cũng bay lượn trên đầu trẻ, vì đó là hành động xâm phạm tâm hồn con trẻ và cũng là xem thường nhu cầu trưởng thành của chúng, làm giảm khả năng miễn dịch, khả năng tự lo liệu và thích nghi của con.
Tuy nhiên, cha mẹ lùi về phía sau không có nghĩa là bỏ mặc trẻ. Ở Israel, dù hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau, nhưng tất cả các bậc cha mẹ đều có chung một nguyên tắc hành động cơ bản nhất là “tôi có thể buông tay cho phép con tự do trong giới hạn”, còn nếu con vượt quá giới hạn này, cha mẹ sẽ không để trẻ tùy ý nữa.
Nếu bạn hỏi tôi có kinh nghiệm gì về việc lùi về hậu phương, buông tay song vẫn không bỏ mặc con tự tung tự tác, thì điều đầu tiên tôi nghĩ đến chính là các buổi họp gia đình của chúng tôi. Gần như hàng tuần, mỗi gia đình Israel đều có buổi họp mặt định kỳ. Theo chuyên gia giáo dục Israel: Thảo luận hoặc giải quyết vấn đề về con cái (từ bốn tuổi trở lên) trong buổi họp gia đình được tổ chức mỗi tuần một lần có thể giảm bớt rất nhiều rắc rối cho cha mẹ. Nhiều vấn đề có thể được giải quyết thông qua buổi họp gia đình, song đây chỉ là lợi ích phụ mà nó đem đến cho bạn. Lợi ích quan trọng hơn của buổi họp gia đình nằm ở chỗ, nó giúp trẻ học kiến thức sinh tồn, như nắm được cách giải quyết vấn đề, học hỏi kỹ năng giao tiếp, biết hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, bồi dưỡng trí sáng tạo, biết cách tổ chức thảo luận tập thể, biết chịu trách nhiệm và phát biểu cảm nhận, biết làm sao cho mọi người đều vui vẻ.
Các buổi họp gia đình đánh dấu quá trình chuyển biến tư tưởng của tôi và các con. Tôi xin chia sẻ một số tình tiết cụ thể trong buổi họp gia đình của chúng tôi. Buổi họp mở đầu bằng tách trà buổi sớm, thường do Muội Muội pha sau giờ ăn sáng thứ Bảy hàng tuần. Con bé mặc chiếc tạp dề nhỏ, bưng món điểm tâm dâu tây ngon mắt nó tự làm, cẩn thận đặt từng phần nhỏ xuống trước mặt mọi người.
Về cơ bản, người chủ trì buổi họp không phải là tôi, mà do bọn trẻ luân phiên đảm nhận. Ngoài người chủ trì buổi họp ra, mỗi buổi họp gia đình còn có một trợ lý chịu trách nhiệm hỗ trợ người chủ trì và đảm nhận các công việc như điều phối thời gian, ghi biên bản buổi họp, những “chức vụ” này cũng là do bọn trẻ lần lượt nhận làm. Chủ trì và trợ lý đảm bảo buổi họp được triển khai theo đúng trình tự, nhiệm vụ của những người còn lại là tham gia thảo luận. Khi bắt đầu buổi họp, mỗi thành viên trong gia đình đều phải tích cực tham gia xây dựng ý kiến, vì chủ đề thảo luận là những vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày nên mỗi thành viên đều cảm thấy mình có điều cần nói, còn một khi đã nói thì phải nói ra hết.
“Tình hình học tập tuần này thế nào?”, “Dạo này có đối xử tốt với bạn bè hay không?”, “Tuần này ai trực nhật tốt?”, “Thực đơn tuần này thế nào?”, “Làm sao học tiếng Hebrew nhanh hơn?”, “Nem rán bổ sung thêm vị cay liệu có đắt hàng không?”, “Thêm bột nêm gà sau cùng đỡ lãng phí hơn?”, “Cần chuẩn bị quà gì cho sinh nhật bạn học?”, “Con muốn tới tiệm bánh mì làm thêm liệu có được không?”, “Mẹ mở nhà hàng thì thế nào?”…vv.. Đó đều là những câu hỏi thảo luận trong buổi họp gia đình của chúng tôi. Nhìn qua, chúng đều là những vấn đề nhỏ nhặt, song thực tế lại rất quan trọng. Vào thời điểm thảo luận, đó thật sự là những vấn đề cấp bách chúng tôi cần phải giải quyết.
Buổi họp gia đình mang lại cho bọn trẻ cảm giác có một sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình với nhau, chúng nhận ra mẹ chính là hậu thuẫn của chúng. Những lúc khó khăn nguy nan, cần sự trợ giúp, mẹ nhất định sẽ xuất đầu lộ diện. “Bữa ăn ở Jerusalem” xuất phát từ chính sự thương thảo trong một buổi họp gia đình.
Sau khi đến Israel, Dĩ Hoa và Huy Huy lần lượt nhập học trường ngôn ngữ. Trường ngôn ngữ Israel dạy tiếng Hebrew bằng tiếng Hebrew. Trên cánh cổng chính của trường treo một khẩu hiệu: “Khi bước vào trường, bạn hãy nói tiếng Hebrew.” Đối với những em nhỏ mới đến Israel, thầy cô giáo sẽ dạy chúng bằng ngôn ngữ cử chỉ. Chẳng hạn như khi dạy đến từ “mở cửa” trong tiếng Hebrew, thầy cô sẽ làm động tác “mở cửa.” Với trường hợp ngôn ngữ cử chỉ không thể biểu đạt rõ ý nghĩa, thầy cô sẽ vẽ hình minh họa. Vì thế cho nên khi đứa trẻ cất tiếng nói, ngữ cảm tiếng Hebrew trong trẻ đã được hình thành, vấn đề ngôn ngữ nhanh chóng được giải quyết.
Trong một buổi họp gia đình, Dĩ Hoa và Huy Huy bảo tôi: “Mẹ, có vẻ như chúng con học tiếng Hebrew mà chẳng hiểu gì cả.” Sau khi trò chuyện với hai đứa, tôi nhận thấy nguyên nhân khiến chúng không qua được môn này không phải là do chúng không cố gắng. Nguyên nhân nằm ở chỗ, lớp học có quá nhiều học sinh Liên Xô cũ nên bất đắc dĩ giáo viên phải điều chỉnh phương pháp dạy học, dùng tiếng Nga xen lẫn tiếng Hebrew. Kết quả là Dĩ Hoa và Huy Huy bị lẫn giữa tiếng Hebrew và tiếng Nga.
Tôi cảm thấy có vấn đề, hồi đó Israel và Trung Quốc mới thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng tôi là gia đình Trung Quốc đầu tiên di dân về Israel. Ngoài hai anh em Dĩ Hoa và Huy Huy ra, ở trường ngôn ngữ của Israel không còn học sinh Trung Quốc nào khác, nên thầy cô giáo chắc chắn sẽ không đặt ra chế độ giảng dạy riêng biệt chỉ vì hai học sinh Trung Quốc. Giờ làm thế nào?
Đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi quyết định đến Cục Giáo dục Jerusalem ngay trong đêm đó. Khi tôi vất vả đến nơi thì trời đã tối đen như mực, Cục Giáo dục đã hết giờ làm. Tôi cũng không biết mình lấy đâu ra can đảm ngủ qua đêm dưới tòa nhà không bóng người qua lại đó. Sáng sớm hôm sau, tôi vào văn phòng làm việc của Cục trưởng và cuối cùng cũng mời được một giáo viên dạy tiếng Hebrew giỏi nhất ở địa phương cho hai cậu con trai của mình. Người thầy tôi mời về từ Jerusalem quả đúng là giáo viên dạy tiếng tốt nhất mà tôi từng gặp. Dưới sự dạy dỗ hết lòng của thầy, tiếng Hebrew của Dĩ Hoa và Huy Huy đã tiến bộ vượt bậc.
Sự thành công của giáo dục ngôn ngữ Israel đã gợi mở cho tôi nhiều ý tưởng. Hằng ngày tôi thu thập các loại hoa văn, cắt và phân loại các kiểu tranh ảnh trên giấy báo rồi đem dán lên tấm bìa các tông. Khi Dĩ Hoa và Huy Huy từ trường về, tôi đưa tấm bìa các tông cho hai đứa, bảo chúng nhặt ra những từ mình chưa biết để đến trường hỏi lại thầy cô hoặc hỏi bọn trẻ hàng xóm. Đó cũng là lý do các con tôi luôn tin mẹ là hậu thuẫn mạnh mẽ nhất của chúng. Vì chúng biết, vào những thời khắc quan trọng, chắc chắn mẹ sẽ xuất hiện.
Cũng trong một buổi họp gia đình, tôi trịnh trọng hỏi bọn trẻ: “Mẹ muốn mở một quán cơm Trung Quốc, các con thấy được không?” Tôi đề nghị từng đứa phát biểu ý kiến của mình. Lúc đó, cô con gái của tôi mới học tiểu học, song nó cũng có quyền phát biểu ý kiến. Nhiều năm sau, các con tôi đều đã trưởng thành, nhưng cho đến bây giờ, mấy đứa vẫn nhớ cả nhà từng ngồi họp bàn về “Kế hoạch tăng trưởng GDP của gia đình.”
Tuy tôi là người đề xuất họp gia đình hàng tuần, nhưng cũng chính tôi – một bà mẹ Trung Quốc, lại không hẳn thích ứng với kiểu dân chủ hoàn toàn, nên những hành động thiếu dân chủ xuất hiện trong các buổi họp đại đa số đều bắt nguồn từ tôi. Tôi thường vô tình mang quyền làm mẹ của mình ra áp đảo bọn trẻ. Song cách hành xử của tôi ngay lập tức vấp phải sự lên án và phê bình của các con. Chúng nghiêm mặt, trịnh trọng bảo tôi rằng: “Chúng con đề nghị mẹ chỉ phát biểu khi đến lượt mình, giờ chưa đến lượt mẹ.” Tôi vội vàng đáp: “Mẹ xin lỗi!” và đành tuân thủ chương trình làm việc của buổi họp, kìm nén uy quyền của mình, để các con có cơ hội thể hiện.
Israel có câu danh ngôn: Vì Đức Chúa Trời không thể chăm lo mọi việc nên ngài mới tạo ra người mẹ. Nói như vậy có nghĩa là người mẹ có đặc quyền trong tình huống đặc biệt. Tôi rất ít khi sử dụng thanh thượng phương bảo kiếm này, nhưng cũng có một số ngoại lệ, như trong vấn đề chọn trường của con cái. Môi trường xã hội của con là do bạn học của chúng quyết định, những người bạn này có thể trở thành bạn bè, đối tác làm ăn trong suốt đời của con, và đôi khi còn trở thành bạn đời của chúng. Ngoài ra, tố chất của giáo viên cũng có mối liên hệ mật thiết tới tố chất của từng học sinh. Vì vậy chọn trường là vấn đề lâu dài. Về vấn đề này, tôi từng có bất đồng với con gái và phải dùng đến thanh thượng phương bảo kiếm của mình. Khi đó, con bé không muốn đến trường tiểu học tôn giáo, vì trường tiểu học tôn giáo quy định giờ vào lớp sớm hơn các trường tiểu học công lập thông thường, lại còn quy định học sinh phải mặc váy đến trường và dành 40% thời gian học môn Do Thái học. Con gái tôi muốn học ở một ngôi trường nào đó sôi nổi, ồn ào hơn. Song tôi lại giúp nó tìm một trường tiểu học tôn giáo tốt nhất ở địa phương. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ rồi mới đưa ra quyết định này.
Từ thập kỷ 1950 của thế kỷ trước, Israel khuyến khích con em của dân di cư mới vào học trường tiểu học tôn giáo, học một số kiến thức và giá trị quan truyền thống cơ bản của dân tộc Do Thái qua các môn học (đặc biệt là lịch sử, văn học và địa lý) và hoạt động ngoại khóa của trường. Cách học này giúp thế hệ sau của dân di cư mới nhanh chóng vượt qua rào cản văn hóa Hebrew, nhanh chóng thích nghi với văn hóa Israel, hòa nhập cuộc sống nhà trường và môi trường xã hội nơi đây. Tôi nghĩ, sau này lớn lên có thể con gái tôi không thừa nhận văn hóa Israel, nhưng con bé không thể không hiểu gì về nó. Ví dụ như: bộ đồ ăn dùng trong các chế phẩm từ sữa bắt buộc phải sử dụng riêng với bộ đồ ăn dùng trong các món chế biến từ thịt. Cá, trứng, nước hoa quả và rau củ (thực phẩm Pareve) có thể ăn chung với các loại thịt hoặc chế phẩm từ sữa. Bộ đồ ăn dùng trong các chế phẩm từ sữa và bộ đồ ăn dùng trong các món chế biến từ thịt cần được sử dụng, rửa và cất riêng…
Để giúp con gái có một khởi đầu tốt đẹp trước khi đến trường tiểu học tôn giáo, tôi thuê gia sư hằng ngày đến nhà dạy con bé hai mươi hai chữ cái trong tiếng Hebrew suốt một tháng. Trong tiếng Hebrew, từ “sabra” nghĩa là “người Israel sinh ra và lớn lên ở địa phương”, là ngôn ngữ dân tộc của người Do Thái và cũng là một trong những ngôn ngữ lâu đời nhất trên thế giới. Nó là một phân nhánh của nhóm ngôn ngữ Semitic thuộc hệ ngôn ngữ Semito – Hamitic Trung Đông, không có chữ cái nguyên âm mà chỉ có hai mươi hai chữ cái phụ âm, chữ viết được viết từ bên phải sang bên trái. Văn Hebrew tuy đơn giản nhưng muốn giữ được nét dung dị, tự nhiên người viết cần phải hết sức cẩn thận. Tôi nhờ gia sư bắt đầu dạy con gái từ chữ cái đầu tiên đến chữ cái cuối cùng trong bảng chữ cái, còn con bé cứ học như vậy một tháng cho đến khi thuộc làu làu.
Hồi mới đến trường tiểu học tôn giáo, con gái chưa hoàn toàn hiểu tâm nguyện tôi. Nhưng sau khi học được ba năm, những nét văn hóa và lễ nghi này đã ăn sâu, bén rễ vào tâm hồn con bé. Muội Muội hiểu phong thổ và phong tục tập quán của Israel, con bé viết văn bằng tiếng Hebrew rất hay, kỹ năng tu từ cũng rất tốt. Nhờ nhận được sự giáo dục ổn thỏa nên con bé đã trở thành cô gái được mọi người yêu mến.
Gửi con gái theo học một trường tôn giáo, để cho con bé học cách trở thành cô gái nết na. Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn muốn tìm cơ hội để trò chuyện với con về quyết định thiếu tôn trọng của tôi đối với cá tính của con, tôi vẫn luôn muốn xin lỗi và nói với con rằng: lựa chọn này xuất phát từ toan tính riêng của người mẹ. Tôi tin, đến một ngày nào đó, khi tôi không còn tồn tại trên cõi đời này, thế hệ di dân thứ ba là những đứa cháu do con gái tôi sinh ra sẽ thấu hiểu nỗi khổ và tâm nguyện của bà ngoại nó.
Dù vậy, tôi cũng không kiên trì làm theo toan tính riêng của mình đến cùng. Sau khi con gái tốt nghiệp tiểu học, tôi thuận theo ý con bé, cho nó vào học ở một trường trung học cơ sở phổ thông. Bước vào cấp hai, thành tích tiếng Anh và toán học của con bé luôn đứng đầu lớp, đó là nhờ vào sự giáo dục vô cùng nghiêm khắc từ trường tiểu học tôn giáo.
Mười chín tuổi, con bé đã bắt đầu nhận được thành quả từ sự giáo dục của nhà trường trong những năm tháng đó, nó thông hiểu văn hóa và lễ nghi phong tục của Israel, được bạn bè Israel yêu mến và có mối quan hệ rất tốt với mọi người. Nó làm phiên dịch hỗ trợ Cục Cảnh sát, làm trợ lý cho luật sư, giúp các lao động Trung Quốc thưa kiện mà không gặp khó khăn gì về mặt văn hóa. Một hôm, đột nhiên con gái bảo tôi: “Nếu ban đầu mẹ không bắt con học trường tiểu học tôn giáo, có lẽ con sẽ mãi không hiểu được những điều sâu sắc trong tâm hồn.”
Cảm ơn sự trưởng thành của con gái.
Tuy ranh giới giữa lùi một bước và bỏ mặc là rất nhỏ, nhưng lại tồn tại sự khác biệt vô cùng lớn. Lùi một bước là một sách lược nhìn xa trông rộng trong giáo dục gia đình. Nhưng khi thực hiện phương án giáo dục đẩy trẻ lên “tuyến đầu” đúng lúc, những lúc trẻ cần được bảo vệ hoặc vấp phải khó khăn vượt quá tầm xử lý của chúng, phụ huynh phải có sự hỗ trợ trẻ thật kịp thời. Nói cách khác, cha mẹ cần đứng ở “cự ly an toàn” để bảo vệ, để trẻ biết rằng khi nguy cấp, mẹ nhất định sẽ xuất hiện!
Một số nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi tổ chức buổi họp gia đình
1. Ấn định thời gian họp hàng tuần và tất cả các thành viên trong gia đình đều phải có mặt đầy đủ.
2. Công bố trước chủ đề sẽ thảo luận trong buổi họp gia đình (ghi ra giấy), để mọi người trong nhà đều có thể viết ý kiến lên đó.
3. Cho trẻ viết lại thông tin quan trọng cùng những thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình.
4. Tránh can thiệp, cần tắt ti vi và máy nghe nhạc trong lúc họp.
5. Mở đầu buổi họp bằng lời tán thưởng và cảm ơn. Như vậy, mỗi người trong gia đình đều có cơ hội khen thưởng và được khen thưởng, cảm ơn và được cảm ơn.
6. Chú ý lắng nghe ý kiến của từng người, vì thảo luận và lắng nghe cảm nhận của người khác luôn khiến đối phương cảm động và chuyển biến tích cực.
7. Không to tiếng, chê bai, quát tháo hay cắt ngang lời người khác trong buổi họp.
8. Không chiếm dụng khoảng thời gian xem phim hoạt hình của trẻ làm thời gian tổ chức buổi họp.
9. Dành chút thời gian thảo luận về những việc, kế hoạch sắp tới như kỳ nghỉ.
10. Chuẩn bị một ít thức uống và đồ điểm tâm trước khi bắt đầu buổi họp gia đình để buổi họp thêm phần vui vẻ.