Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 28: Đừng Làm Quản Gia, Hãy Làm Quân Sư

Tác giả: Sara Imas
Chọn tập

Cho con tự lựa chọn

Nhờ các bà mẹ Do Thái khai sáng, tôi đã lĩnh hội được nghệ thuật làm mẹ thâm thúy nhất không phải là trở thành một tổng quản ôm đồm hết mọi việc, mà phải là một quân sư có trách nhiệm “quan sát, nhắc nhở, tham mưu” cho con.

Người Do Thái có một câu danh ngôn chí lý: “Cha mẹ không tin con, chuyện gì cũng quyết định thay con chẳng khác nào tước mất cơ hội phát triển tự do của con. Đợi đến khi con cần tìm đến bạn để hỏi ý kiến hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, bạn hãy đưa ra quyết định của mình cũng chưa muộn, ngược lại còn mang lại hiệu quả tốt hơn những gì bạn mong đợi.”

Vì chịu ảnh hưởng từ những bà mẹ Do Thái ở xung quanh mình, nên đối với vấn đề của các con như cuộc sống ở trường lớp, quan hệ xã hội và tiền đồ tương lai, tôi xác định vị trí của mình là làm tham mưu cho bọn trẻ, cung cấp sự giúp đỡ giống như kim chỉ nam, chứ không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của chúng hay bắt ép chúng chấp hành mệnh lệnh. Bởi lẽ, cuộc đời không có đáp án chính xác như một câu hỏi toán học. Không ít cha mẹ muốn ở bên con, không ngại lựa chọn thay con. Nhưng thực tế họ không thể quyết định được tất cả mọi việc thay trẻ, phán đoán chính xác và lựa chọn sau cùng vẫn phải do trẻ tự quyết định. Ngay từ lúc này, các bậc cha mẹ hãy cung cấp cho trẻ nhiều động lực hơn, rèn luyện kỹ năng tự lựa chọn cho trẻ nhiều hơn.

Không sai, những kinh nghiệm chúng ta tích lũy trong mấy mươi năm cuộc đời đều hết sức quý giá. Nhưng cuộc đời không phải là con đường một chiều, nhất là cuộc đời còn dài của con trẻ. Xin các bậc làm cha làm mẹ đừng dùng giá trị quan của mình mà hoàn toàn áp đặt lên con cái, bởi lẽ những giá trị của cuộc sống luôn không ngừng biến đổi. Dựa vào kinh nghiệm sống của mình, việc chúng ta thật sự cần làm là giãi bày tâm sự cùng con: Con à, con hãy xem mình có hứng thú với cái gì, có năng khiếu gì? Con có thể có cuộc sống vui vẻ hay không? Con đã chuẩn bị tinh thần học tập suốt đời chưa? Là người cha người mẹ, chúng ta cần phải rèn luyện kỹ năng tự suy xét, kỹ năng tự lựa chọn, kỹ năng xây dựng hình tượng, kỹ năng tìm kiếm giá trị cho con em mình.

Ở Israel lưu truyền một câu ngạn ngữ trứ danh: Mục đích của giáo dục là mỗi người đều phải tôi rèn thành một người có tư tưởng độc lập. Câu nói này được thốt ra từ miệng Albert Einstein, một hậu duệ tài ba của người Do Thái.

Tôi có một người bạn thân làm bác sĩ ở Tel Aviv. Một hôm, chúng tôi nói chuyện về việc lựa chọn nghề nghiệp của con cái, ông bạn tôi nói:

“Khi con trai tôi nói thằng bé muốn thi vào trường Đại học y, tôi khuyên nó: nếu chỉ muốn thi vào trường y vì mục đích kiếm tiền, thì con cần phải suy nghĩ lại.”

Nghe ông bạn nói vậy, tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi: “Tại sao chứ? Không phải có rất nhiều học sinh lao đầu vào trường Y vì tương lai có thu nhập tốt hay sao?”

Ông bạn của tôi mỉm cười đáp: “Tôi không phản đối con tôi làm bác sĩ, nhưng nếu nó chỉ học y vì mục đích kiếm nhiều tiền, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ hối hận và cuối cùng cũng không thể trở thành một vị bác sĩ giỏi. Vì nghề bác sĩ vô cùng vất vả, trước hết phải mất bảy năm học đại học, đến khi làm bác sĩ ở viện, gần như ngày nào cũng không thể ngủ ngon. Rồi khi làm bác sĩ điều trị chính, dù có được một phòng khám riêng, nhưng hằng ngày cũng vẫn phải nói chuyện với những bệnh nhân mặt ủ mày chau, không có ngày, không có đêm.”

“Tôi hy vọng con tôi chọn con đường này vì lý tưởng chân chính chữa bệnh cứu người, vì sứ mệnh chân chính cứu tế thế nhân, chứ không phải vì mục đích là kiếm tiền. Tôi không muốn chi phối tương lai của con mình, nhưng tôi cần phải nhắc nhở để nó tự quyết định sau khi suy nghĩ lại lần nữa.”

Xét lại cách giáo dục gia đình của Trung Quốc hiện nay thường nhìn vào khía cạnh tương lai con trẻ có tiền đồ không, có tìm được công việc tốt không, có thể xuôi chèo mát mái suốt cuộc đời không. Nên hễ thấy trong nước hay trên thế giới xuất hiện một tuyển thủ tennis xuất sắc, phụ huynh lại đổ xô cho con học tennis; cho rằng làm minh tinh màn ảnh thì có tên tuổi sáng chói, nên cho con thi vào Học viện Biểu diễn Nghệ thuật; nhà người ta bồi dưỡng ra nghệ sĩ dương cầm, con mình cũng phải đi học dương cầm… Nào biết những con người ấy nổi danh vì tìm được hướng đi phù hợp với bản thân, họ từng trải qua biết bao nhiêu phiền não, nỗ lực, trở ngại và bài học xương máu! Các bậc phụ huynh chưa từng nghĩ đến những điều này, chỉ sắp đặt cuộc đời con theo giá trị quan của mình.

Là bậc sinh thành, phải chăng chúng ta nên để tay lên ngực tự hỏi: liệu chúng ta có mắc sai lầm trong nuôi dạy con cái chỉ vì tầm nhìn hạn hẹp của mình không? Chúng ta có khiến mai sau con cái thua trắng tay chỉ vì những sai lầm hôm nay không? Không ít phụ huynh thích chi phối, an bài, sắp đặt tất cả hướng đi của con em mình, bọn trẻ chỉ cần yên tâm học hành là được, còn những kỹ năng tự suy xét, kỹ năng tự lựa chọn, kỹ năng tự tìm kiếm bị xếp vào loại kỹ năng hạng hai, không được coi trọng. Nếu cha mẹ muốn con cái trở nên giỏi giang nhất bằng cách chịu khổ thay chúng thì rất khó thực hiện lâu dài. Khi những đứa trẻ quen được cha mẹ lo cho mọi việc bước ra ngoài xã hội, dẫu không bị ức hiếp, chúng cũng sẽ không được người khác xem trọng.

Điều này có sự khác biệt rất lớn so với quan niệm giáo dục trẻ em của các gia đình Israel, điểm nhìn của phụ huynh Israel là buông tay trẻ, bồi dưỡng kỹ năng suy nghĩ độc lập cho trẻ. Suy nghĩ được cấu thành từ những nghi ngờ và đáp án, nó là nền tảng của học tập. Họ dạy trẻ: học tập là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa trí tuệ, nhưng khả năng suy nghĩ mới có thể giúp bạn mở toang cánh cửa ấy ra và bước ra thế giới rộng lớn. Xuất phát từ quan niệm này, người Do Thái rất coi trọng việc trao đổi tư tưởng, tình cảm giữa cha mẹ và con cái, phụ huynh thường đối thoại, thảo luận cùng con, dẫn dắt, khơi gợi con suy nghĩ. Vì thế nên người Do Thái cũng có tài hùng biện và khả năng phán đoán tốt.

Trẻ em Trung Quốc ngày nay học rộng biết nhiều, thông minh hơn trước, song tâm hồn chúng lại chất chứa nhiều nghi hoặc hơn. Từ bé đã quen nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ và thầy cô, dẫn đến mất phương hướng giữa biển cả “không xác định được tọa độ cuộc đời”, trở thành người nghèo kỹ năng phán đoán.

Vu Đan, học thuật gia nổi tiếng kiêm giáo sư đại học Sư phạm Bắc Kinh nói về phương pháp giáo dục sai lầm: “Trẻ em Trung Quốc hiện nay là thế hệ đầy đủ nhất về mặt vật chất, nhưng cũng là thế hệ thiếu thốn nhất về mặt tinh thần. Bất luận là về phương pháp dạy học hay môi trường dạy học, giáo dục hiện nay đều ở thời đại có điều kiện tốt nhất, nhưng cũng là thời đại tồn tại rất nhiều sai lầm. Cách duy nhất để những đứa trẻ đang được ăn ngon mặc đẹp thoát khỏi sự buồn rầu chính là làm sao đưa chúng ra thế giới bao la rộng lớn, giúp chúng xây dựng được tọa độ cuộc đời. Trong thế giới của một đứa trẻ chỉ biết có Olympic toán học và tiếng Anh, chỉ tập đàn và thi cử, thì nó làm sao biết thế nào là lý tưởng, trách nhiệm và gánh vác xã hội.”

Làm sao giúp trẻ xây dựng tọa độ cuộc đời? Làm sao dạy trẻ biết đối mặt đối với những lựa chọn của chính mình?

Cha của Bill Gates từng nói: “Cho đến hôm nay, Gates có cái nhìn vô cùng ngoan cố về một số việc, nhưng tôi chọn cách bao dung và ủng hộ nó, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến những thành tựu sau này của nó.”

Dạo trước, Trung Quốc công chiếu bộ phim Ai nắm giữ tuổi thanh xuân của tôi, các bậc cha mẹ trong bộ phim cũng tương tự như các bậc cha mẹ ngoài thực tế, suốt ngày hoạch định cuộc đời của con cái. Họ định đoạt tất cả những đường hướng, bước đi quan trọng nhất của con: học cái gì, lấy người nào… dường như làm vậy mới tạo ra đứa con hoàn hảo, không tì vết.

Tôi và các đồng hương ở Trung tâm giao dịch kim cương Thượng Hải.

Thế hệ 8x, 9x hết sức ca ngợi bộ phim này, tôi có ghi lại một câu nói sâu sắc của nhân vật bà ngoại trong phim và thường chia sẻ với các bạn bè: “Rất nhiều bậc cha mẹ, cả đời đều không hiểu tâm lý của con mình. Nếu không thể thay đổi được kết quả, thì hãy hoàn thiện quá trình.”

Cuộc đời không có đáp án hoặc công thức rõ ràng và chuẩn xác. Thế giới càng phức tạp, càng đòi hỏi con người phải đưa ra những phán đoán và lựa chọn chính xác. Không ít cha mẹ muốn ở bên con, không ngại lựa chọn thay con. Nhưng, thực tế họ không thể quyết định tất cả mọi việc thay trẻ, phán đoán chính xác và lựa chọn sau cùng vẫn phải do trẻ tự quyết định. Ngay từ lúc này, các bậc cha mẹ hãy đem lại cho trẻ nhiều động lực hơn, rèn luyện kỹ năng tự lựa chọn cho trẻ nhiều hơn.

Cha mẹ Do Thái làm “tham mưu” của con

Khi Gordimer, nữ nhà văn Israel từng đoạt giải Nobel văn học, khi bàn về phương pháp giáo dục gia đình của dân tộc mình, bà chia sẻ: “Nền tảng trong giáo dục gia đình của chúng tôi là dân chủ, văn minh. Yêu cầu đầu tiên là các bậc cha mẹ phải tôn trọng lựa chọn của con cái, phụ huynh không bao giờ muốn ép buộc con, họ luôn khuyến khích chúng tôi tự suy nghĩ và đưa ra quyết định của mình.”

Đúng vậy, Gordimer nói không sai. Làm một bà mẹ di dân từ Trung Quốc sang Israel, bắt đầu tiếp cận với phương pháp giáo dục gia đình của người Do Thái từ năm bốn mươi bốn tuổi, tôi nhận ra trẻ em Do Thái nói nhiều hơn so với trẻ em Trung Quốc, thoạt nhìn giống như chúng đang tranh cãi ồn ào. Theo phương pháp giáo dục gia đình quen thuộc của người Trung Quốc chúng ta, con cái phải nghe lời cha mẹ, chứ không được phép tranh luận ngang hàng với cha mẹ. Nhưng, đến bất cứ nơi nào ở Israel, bạn đều dễ dàng bắt gặp cảnh cha mẹ và con cái đối thoại thẳng thắn với nhau. Cách giáo dục đối thoại như thế đòi hỏi cha mẹ phải có đủ tình cảm và tính nhẫn nại. Những bậc cha mẹ người Do Thái luôn xác định vị trí của mình là “tham mưu”, họ hết sức đề cao kỹ năng tự phán đoán, tự lựa chọn của con cái.

Có sinh viên Do Thái chăm chỉ học môn tâm lý học trong thời gian theo học lớp dự bị, nhưng đến khi vào đại học nó lại chuyển sang chuyên ngành luật và cuối cùng ra trường làm luật sư. Cũng có sinh viên đang học ngành triết học, đột nhiên chuyển sang ngành y. Những trường hợp học sinh hoặc sinh viên Do Thái tự thay đổi lựa chọn giữa chừng như vậy cực kỳ phổ biến. Vì chúng vẫn luôn tìm kiếm lĩnh vực phù hợp nhất với mình và cũng vì chúng tin rằng, chỉ có như vậy chúng mới phát huy cao độ khả năng của mình. Thậm chí những lựa chọn sai lầm còn giúp chúng làm giàu kinh nghiệm và mở rộng tầm nhìn.

Phụ huynh hãy giao cuộc đời của con trẻ cho chúng tự chịu trách nhiệm, hãy để chúng tự phân bổ thời gian học tập và giải trí, tự lựa chọn ngành nghề tương lai, tự quyết định sử dụng hai mươi bốn giờ mỗi ngày như thế nào… Làm vậy có rất nhiều điểm tốt, nhất là về bồi dưỡng kỹ năng tự lập cho trẻ, một loại kỹ năng mà có dùng tiền chúng ta cũng không mua được.

Khi con trẻ có kỹ năng tự lập, cha mẹ sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm hơn, vì chúng biết tự giác làm việc mà không cần cha mẹ phải yều cầu nhắc nhở, như vậy phụ huynh còn lo lắng điều gì nữa? Nhưng để đạt được hiệu quả này, các bậc cha mẹ cần phải nhớ, dù con trẻ có đưa ra những quyết định và hành động không giống với sự kỳ vọng của chúng ta, thì chúng ta cũng phải tin tưởng và ủng hộ chúng.

Năm Huy Huy vào đại học, tôi nói chuyện với thằng bé về ý định ban đầu của tôi là trong thời gian học ở khoa ngoại ngữ, tôi muốn nó chú ý nhiều hơn tới ngành du lịch, vì đây là một ngành khá triển vọng, bấy giờ các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm tới du lịch Trung Quốc. Nhưng Huy Huy lại có tầm nhìn vượt xa tôi.

Thằng bé thẳng thắn nói: “Hằng ngày con đều ra ngoài quan sát tìm hiểu, cuộc sống thực tế giúp con xác định được khả năng của mình. Con không muốn làm vì tiền, con không quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền. Giờ con vẫn đang suy nghĩ xem mình nên đi sâu vào ngành nào, hy vọng mỗi ngày của con đều trôi qua một cách có ý nghĩa.”

Đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực hay một ngành nghề nào đó là con đường thành công tất yếu của người Do Thái. Tôi phân tích con đường thành công của rất nhiều người Do Thái và nhận thấy, phần lớn họ đều đi sâu tìm hiểu một ngành nghề nhất định, sau khi trở thành người sành sỏi trong lĩnh vực đó, họ mới bắt đầu lập nghiệp. Ở Israel, khi nói chuyện với các thương nhân Do Thái, bạn cũng sẽ nhận ra, họ có tri thức và tầm nhìn rất rộng, không hổ danh là dân tộc có truyền thống mấy ngàn năm về các hoạt động trao đổi thương mại và thực tiễn thương mại phong phú.

“Vậy con nghĩ thế nào?”

“Con muốn thử sức ở ngành kim cương mẹ ạ.” Con trai giải thích với tôi, trong một lần làm phiên dịch cho ông chủ của một công ty kim cương Israel, nó nhận thấy bản thân mình có cái duyên kỳ lạ với kim cương. Để trở thành một người thành thạo trong ngành kim cương không phải là chuyện dễ, hơn nữa giám định và phân loại kim cương là công việc có tính kỹ thuật cao, đòi hỏi người hành nghề phải có sự tinh tế và nỗ lực gấp bội so với người bình thường. Và Huy Huy rất trân trọng cơ hội này.

Biết con trai mình muốn thử sức ở lĩnh vực kim cương, người làm mẹ như tôi cảm thấy vừa mừng vừa lo. Có luồng ý kiến cho rằng, từ “Jewel” (đá quý) trong tiếng Anh bắt nguồn từ từ “Jew” (người Do Thái), mặc dù ý kiến này không có cơ sở khoa học đáng tin cậy, nhưng chuyện người Do Thái biết khai thác đá quý làm đồ trang sức sớm nhất thế giới là sự thật. Kỹ thuật gia công kim cương và tư chất kinh doanh của người Do Thái bắt nguồn từ quá trình tích lũy kinh nghiệm trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Người Do Thái đã có lịch sử buôn bán trao đổi kim cương từ hơn ba ngàn năm trước, hiện tại Israel là quốc gia có trình độ tự động hóa gia công kim cương cao nhất thế giới, thương nhân kim cương ở các nơi trên thế giới cũng chủ yếu là người Do Thái. Bởi vậy, tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện con trai mình sẽ trở thành một thương nhân kim cương, thế mà thằng bé lại dám có ước mơ này. Điều khiến tôi lo lắng là, thương nhân kim cương người Do Thái là những nhà buôn có kiến thức rộng nhất thế giới, có một câu tục ngữ hình dung họ như thế này: Ngay đến những vấn đề hiếm thấy như “dưới đáy Thái Bình Dương có loài cá nào đặc biệt” họ cũng nắm rõ trong lòng bàn tay. Vậy làm sao Huy Huy có thể bước vào ngưỡng cửa cao như thế?

Song vốn đã xác định rõ vai trò làm tham mưu cho các con, nên tôi không chỉ tay năm ngón, việc tôi phải làm lúc này là nhắc nhở và ủng hộ con một cách thỏa đáng. Tôi nói: “Huy Huy, nếu con muốn dấn thân vào lĩnh vực kim cương thì từ giờ con hãy bổ sung những khóa học cơ bản về kim cương, nhưng con phải nhớ là không được làm lỡ việc học chuyên ngành chính của mình.”

Huy Huy chọn đúng ngành mình yêu thích, nó đầu tư nhiều công sức hơn so với mọi người, đồng thời nắm bắt được cơ hội của cuộc đời, khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về kim cương, nó thực hiện được ước mơ như những gì mình từng mong muốn, trở thành một thương nhân thành công, học thức uyên bác.

Quá trình trưởng thành của Huy Huy gợi cho tôi nhiều suy nghĩ, bây giờ là thời đại toàn cầu hóa, sự cạnh tranh giữa các nhân tài không hề mang những nét tương đồng so với trước đây. Những người làm cha mẹ phải buông lỏng xiềng xích trói buộc tâm hồn và chân tay con trẻ, cho chúng tự tìm kiếm tọa độ cuộc đời theo ý chí và lộ trình của chính bản thân mình.

Với đạo lý này, tôi nghĩ có lẽ nên dùng chính lời nói của Huy Huy thì có sức thuyết phục hơn. Có một lần, Huy Huy nói với tôi qua điện thoại: “Khi dạy dỗ chúng con, mẹ luôn giúp chúng con xác định tọa độ cuộc đời, khuyến khích chúng con xây dựng lý tưởng, suy nghĩ về con đường mình đã chọn. Con vô cùng biết ơn mẹ vì điều này. Sau này hiểu chuyện, con nghĩ lại, hồi chúng con còn nhỏ, một mình mẹ nuôi ba anh em con vất vả là vậy, cuộc sống cũng chẳng khá giả gì, đáng lẽ mẹ phải dạy chúng con kiếm thật nhiều tiền. Nhưng mẹ không hề làm vậy. Con đi theo cách giáo dục của mẹ, dốc sức theo đuổi lý tưởng của mình. Đến khi con học đại học ở Thượng Hải, mẹ còn ủng hộ con, cho con rất nhiều tiền đi học giám định kim cương, động viên con không nên nhìn vào cái lợi trước mắt mà phải phóng tầm mắt ra xa. Bây giờ, con đạt được thành công trong sự nghiệp, có điều kiện kinh tế tốt, có cuộc sống tự do, hạnh phúc, đó đều là món quà mẹ dành tặng cho con.”

Trong quá trình trưởng thành của cô con gái út, tôi cũng kiên định đứng trên cương vị “tham mưu trưởng.” Vào các ngày nghỉ, tôi thường hẹn con gái cùng đi uống trà chiều, trong tiếng nhạc du dương trầm lắng, hai mẹ con vừa uống trà vừa trò chuyện tâm tình về những ước mơ dễ thương của con bé. Đó là khoảng thời gian mật ngọt giữa tôi và con. Theo kinh nghiệm của tôi, những lời cha mẹ chia sẻ trong bầu không khí thân mật, gần gũi như thế dễ đi vào lòng con cái hơn là ra lệnh cho chúng khi nghiêm chỉnh ngồi trong nhà, ở đây phụ huynh thật sự phát huy được vai trò làm tham mưu của mình.

Hiện giờ, Muội Muội vừa mới tốt nghiệp cấp Ba và đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Israel. Tôi biết nó luôn mong quay trở lại Trung Quốc học đại học, có thời gian rảnh là nó lại vào các trang mạng Trung Quốc, lướt xem thông tin tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Tôi cũng biết, ước mơ của con bé là làm một nhà ngoại giao, nó muốn học chuyên ngành kinh tế chính trị để thực hiện mục tiêu này và vẫn luôn nỗ lực trải đường đến ước mơ bằng chính đôi bàn tay nhỏ nhắn của mình. Tôi bảo con gái, tôi cảm thấy tự hào vì nó có ước mơ, dám chịu trách nhiệm, bất luận sau này ước mơ làm nhà ngoại giao của nó có trở thành hiện thực hay không, tôi tin nhất định con bé sẽ vươn xa.

Các ngành nghề trong xã hội tương lai thay đổi liên tục, lúc thì IT là ngành “hot”, lúc thì ngân hàng là ngành “hot”, cha mẹ không có con mắt nhìn xa ngàn dặm, không thể giúp con cái lắp khung cho một ngành nghề ổn định. Bộ Lao động Hàn Quốc từng mở một cuộc điều tra về sự phát triển của các ngành nghề, dữ liệu cho thấy, tính đến năm 2009, Hàn Quốc có tổng cộng 12.490 ngành nghề khác nhau. Tăng hơn mười lần so với con số hơn 1.000 nghề ở 50 năm trước. Nền kinh tế tri thức thử thách kỹ năng lập kế hoạch cho sự nghiệp của giới trẻ, nên họ càng cần phải suy nghĩ, phán đoán, quyết định, thực thi và sửa đổi dựa trên năng lực của chính bản thân.

Ở thời đại này, nếu cha mẹ thật sự nghĩ cho hạnh phúc của con cái thì phải thay đổi quan niệm dạy con truyền thống, phải có con mắt dám vượt qua những định kiến đời thường, bản thân cha mẹ phải lùi một bước cho trẻ nhiều cơ hội sáng tạo, tìm kiếm thông tin bên ngoài, chứ không đứng mũi chịu sào, một tay lo hết mọi việc, che khuất tầm nhìn tương lai của trẻ.

Nếu con cái có cách nghĩ, hướng đi của mình và có quyết tâm thực hiện thì phụ huynh cần buông tay. Nếu phụ huynh có ý kiến khác, sau khi trao đổi với trẻ, tốt nhất vẫn nên để trẻ tự quyết định. Phụ huynh có thể cho trẻ noi gương những người bình thường nhưng có lý tưởng không tầm thường, để trẻ có thể tìm ra tọa độ cuộc đời dựa vào ý chí và lộ trình của chính mình. Vì chỉ có sự tin tưởng và ngưỡng mộ xuất hiện sau quá trình suy nghĩ sâu sắc mới là sự tin tưởng và ngưỡng mộ bền vững nhất, như một con thuyền vững lái, cho dù khởi hành có chậm, nhưng lại chở được chuyến hàng giá trị nhất khi cấp bến cuối cùng.

Bồi dưỡng kỹ năng lựa chọn cho con như thế nào

1. Cha mẹ vừa khuyến khích con chấp nhận thử thách, vừa rèn luyện cho con sự can đảm khi đối mặt với hậu quả.

2. Cha mẹ nên bồi dưỡng trí tò mò cho con, không nên dạy chúng tất cả mọi việc. Cha mẹ hãy để cho con em mình tự trải nghiệm, thất bại cũng là bài học.

3. Cha mẹ phải trao quyền lựa chọn cho con cái để chúng tự làm chủ cuộc đời mình.

4. Cha mẹ phải tin tưởng con. Tin tưởng có tác dụng kích thích tinh thần trách nhiệm hơn so với trừng phạt.

5. Con trẻ cần phải luyện tập, phải mắc sai lầm và phải làm lại lần nữa. Cha mẹ bồi dưỡng kỹ năng lựa chọn cho con cái cũng giống như bồi dưỡng các kỹ năng khác, trẻ có thể phải ngã vài lần, sau đó mới có thể leo lên một nấc. Thất bại sau mỗi sự lựa chọn đều có thể bồi dưỡng tinh thần tự chịu trách nhiệm cho trẻ.

6. Cha mẹ hãy lắng nghe những ý nghĩ nhiều khi là kỳ quặc của con. Chưa biết chừng, những phát kiến lạ lùng của con trong mắt cha mẹ sau này sẽ trở thành những sáng kiến làm chấn động cả thế giới. Cha mẹ đừng giam giữ trẻ trong quan niệm cố định, chúng ta cần từ bỏ ý nghĩ bảo thủ, tiếp nhận “đứa trẻ làm việc theo sở thích”, tán đồng và khen ngợi chúng nhiều hơn.

7. Khi bàn về kế hoạch tương lai của con, cha mẹ đừng tỏ ra lo lắng, sốt ruột, chúng ta hãy suy nghĩ cùng con và chọn thái độ đồng tình với ý kiến của con, không nên quá đề cao ý kiến của mình, vì những thứ cha mẹ cho là con đường tắt duy nhất để đi đến thành công, đôi khi lại trở thành vật cản trên con đường đi tới thành công riêng của chúng.

8. Tạo cho con cơ hội tìm hiểu thông tin và tự thể nghiệm, như chăm chỉ đưa con đi tham gia các cuộc triển lãm, trải nghiệm nghề nghiệp sinh động. Phụ huynh cùng con chú ý tới các thông tin về nghề nghiệp, giúp đỡ con xác định mục tiêu và kế hoạch cụ thể của mình.

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky