Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 11: Phát Huy Tố Chất Làm Giàu Ở Mỗi Đứa Con

Tác giả: Sara Imas
Chọn tập

Nguyên tắc có làm có hưởng khiến hai cậu con trai của tôi có một cuộc lột xác kỳ diệu. Với quy định không được để lỡ việc học, hằng ngày các con tôi rời khỏi nhà vào lúc sáu giờ ba mươi phút sáng, chúng vừa đi vừa bán hàng dọc theo con đường tới trường. Những hôm đắt hàng, nhanh chóng bán hết nem rán, chúng lại chạy về nhà lấy thêm; còn có những hôm sắp đến giờ vào học mà vẫn chưa bán hết nem rán, chúng sẽ đậy làn lại, tan học thì mang về nhà. Hôm nào buổi chiều tan học sớm, chúng tranh thủ ghé vào các nhà hàng và bán một ít nem rán. Tôi đưa ra một yêu cầu với bọn trẻ, đó là bán nem rán nhưng không được quên học hành, chúng luôn mang theo bên mình một cuốn sổ tay, vì thầy giáo từng nói, có từ tiếng Hebrew nào chưa biết, chúng nên hỏi những người lớn tuổi, sau đó ghi chép lại.

Tuy các con bán nem rán, một món ăn chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng tôi nhận ra, trong quá trình bán hàng, tính cách của cả hai đứa trẻ đều có sự thay đổi rất lớn.

Dĩ Hoa vốn là đứa hướng nội, không khéo giao tiếp với người khác, để nó đi bán nem rán chẳng khác nào làm khó nó, thằng bé sẽ không cảm thấy vui vẻ và thích thú. Dù có vài lần mang nem rán đến trường bán, nhưng Dĩ Hoa thường chỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách lén lút, không cảm thấy việc mình làm là đàng hoàng. Biểu hiện của nó đi ngược lại mong muốn ban đầu của tôi khi thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng. Vì mục đích của nguyên tắc này không phải là thôi thúc con cái kiếm tiền, mà là muốn bọn trẻ hiểu lý luận, học lao động, thay đổi cuộc sống theo hướng tính cực, giúp chúng xây dựng lý tưởng, bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm.

Tôi khuyến khích Dĩ Hoa giao lưu nhiều hơn với các bạn học người Do Thái, dù sao nói chuyện với bạn bè về cuộc sống trước đây ở Thượng Hải cũng là điều tốt, vì trẻ em Do Thái khá hiểu biết về marketing. Nói đến đây, tôi khuyên các bạn sinh viên Trung Quốc hiện nay đừng oán trách xã hội không tạo cho các bạn nhiều cơ hội làm việc hơn và chức vị tốt hơn, chúng ta không thể rèn luyện tố chất nghề nghiệp và quan niệm đầu tư của cải trong một sớm một chiều. Rất nhiều thành công đến từ sự tích lũy những năng lượng tích cực trong nhiều năm, người Do Thái nắm giữ nhiều của cải của thế giới cũng vì họ thường xuyên rèn luyện kỹ năng marketing ngay từ khi còn nhỏ.

Quả nhiên cơ hội nằm trong những chi tiết của cuộc sống, trong khi nói chuyện cùng các bạn về cuộc sống ở Thượng Hải, Dĩ Hoa phát hiện ra, các bạn Do Thái vô cùng hứng thú với văn hóa Trung Quốc. Có một hôm Dĩ Hoa tham gia một buổi biểu diễn cá nhân của cậu bạn cùng lớp tên là Sam, trở về nhà đột nhiên thằng bé phấn khởi hỏi tôi: “Mẹ, mẹ ơi! Con có thể bắt chước Sam mở tọa đàm ‘Đến với Trung Quốc’ không? Con còn có nhiều khuyến mãi hơn bạn ấy, mỗi bạn mua vé vào cửa sẽ được ăn miễn phí món nem rán Trung Quốc của nhà mình!”

Ý tưởng marketing của Dĩ Hoa đúng là một công đôi việc, làm tôi vừa kinh ngạc vừa cảm động. Ngay lập tức, cả nhà khẩn trương tập hợp, dốc toàn bộ sức lực giúp đỡ Dĩ Hoa mở buổi tọa đàm quảng bá món nem rán Trung Quốc.

Tọa đàm “Đến với Trung Quốc” ở trường học giành được thành công rực rỡ, thoáng chốc các bạn học Do Thái cũng nhìn Dĩ Hoa nhà tôi bằng con mắt khác, đó là sự tôn trọng và giá trị của lao động. Buổi tối hôm đó, mỗi người bỏ ra 10 agorot mua vé vào cửa nghe tọa đàm đều được nếm thử món nem rán chính hiệu của gia đình tôi. Cân nhắc đến giá thành của món ăn, Dĩ Hoa nhờ Huy Huy cắt mỗi cái nem rán thành mười phần, xếp ngay ngắn vào trong lòng chiếc đĩa điểm tâm nhỏ. Buổi tọa đàm đó, Dĩ Hoa tiếp đón tất cả hai trăm khán giả, vé vào cửa thu về 2000 agorot. Ngoài 500 agorot nộp cho nhà trường làm phí thuê địa điểm, Dĩ Hoa còn dư 1500 agorot. Chia chác 1500 kia như thế nào? Dĩ Hoa xử lý đâu ra đấy, nó lấy 300 agorot làm phí lao động, trả cho những người giúp nó cắt nem rán và phụ trách việc tiếp đón khách. Một ngàn hai trăm agorot, nó giữ lại 600 agorot, số còn lại dùng để mua điểm tâm ngon cho cả nhà cùng ăn.

Sự thay đổi của Huy Huy cũng làm tôi thay đổi cách nhìn. So với anh trai Dĩ Hoa, Huy Huy giỏi động não phân tích nhu cầu của người khác hơn. Thành phố Kiryat Shmona nằm ở phía bắc Israel, cư dân nơi đây khá coi trọng khẩu vị, Huy Huy nhắc nhở tôi: “Mẹ ạ, con nghĩ những người ăn cơm ở nhà hàng bên kia sẽ cần một ít vị cay, mẹ có thể làm cho con hai mươi cái nem rán cay không. Nếu như họ thích ăn, có lẽ con sẽ bán được nhiều hơn”.

Làm nem rán bao nhiêu năm, nhưng trước giờ tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề khẩu vị, nhu cầu của khách hàng để có những thay đổi tốt hơn. Tôi rất tôn trọng đề nghị của Huy Huy, thay đổi món nem rán Thượng Hải chính cống sang phiên bản Israel, chia ra nhiều loại khác nhau như, nem rán cay, nem rán cà ri, nem rán sô-cô-la, nem rán phô mai.

Quả nhiên những cải biến này đã đẩy mạnh lượng tiêu thụ nem rán. Những suy nghĩ và phân tích dựa trên nhu cầu thị trường cũng thể hiện được đầu óc kinh doanh của Huy Huy.

Đồng thời, Huy Huy cũng dần lĩnh hội tinh hoa quản lý tài sản của người Do Thái, học tập một bộ phận người Do Thái dấn thân vào những ngành nghề không cần đầu tư nhiều vốn, những công việc người khác không làm.

Từ nhỏ Huy Huy đã có ước mơ trở thành nhà văn, văn phong của nó rất hay. Thời tiểu học, các bài tập làm văn của nó thường được dùng làm bài văn mẫu. Sau này tới Israel, vì khoảng cách văn hóa, vì phong trào đọc sách của Israel có thể nói xếp hàng đầu trên thế giới, nên nó tạm gác lại ước mơ làm nhà văn. Trong môi trường người Israel thích đọc, thích viết, trình độ của nó đã là gì?

Vào ngày nghỉ, tất cả các quán cơm, cửa hàng và những địa điểm ăn chơi ở Israel đều ngừng kinh doanh, mọi người ở nhà cầu nguyện, ngay đến việc đi thăm hỏi người thân, bạn bè cũng là không đúng phong tục. Nhưng thật lạ là họ vẫn thực hiện hoạt động mua bán sách. Từ ban công nhìn xuống, bạn sẽ thấy bãi biển vắng lặng, đường phố lưa thưa, không một bóng người, cánh cửa sắt ở phía trước các hàng quán đều đóng im lìm, chỉ có hiệu sách còn mở cửa, bên trong chật ních người. Không chỉ hiệu sách, số lượng các nhà xuất bản và thư viện ở Israel cũng đứng đầu thế giới, quốc gia chỉ có năm triệu dân này có tới hơn chín trăm tạp chí khác nhau. Hơn nữa, giá thành của mỗi loại tạp chí cũng rất đắt. Nhưng dù là gia đình Do Thái tiết kiệm nhất đi nữa cũng đặt mua mấy tập san hoặc tờ báo; mua sách vở, báo chí là một khoản chi quan trọng mà các gia đình Do Thái không ngại chi tiêu.

Ở Israel, tôi cũng đặt mua rất nhiều tờ báo như người dân bản địa, tôi có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng không thể tiết kiệm các khoản đầu tư cho văn hóa và giáo dục. Các loại báo chí đó cũng phát huy công hiệu, thỏa mãn phần nào ước mơ làm nhà văn của Huy Huy. Thằng bé cố ý giấu mọi người viết một bài văn giới thiệu về phong tục tập quán ở Thượng Hải và cuộc sống của nó thời thơ ấu, viết xong nó gửi bản thảo cho biên tập viên của tòa soạn. Biên tập viên rất ấn tượng với cách hành văn giản dị, chân thành của Huy Huy, họ mở một chuyên mục riêng cho thằng bé, mỗi tuần nó gửi hai bài viết, mỗi bài khoảng một ngàn chữ, như vậy là mỗi tháng thằng bé có 8.000 agorot tiền nhuận bút.

Hồi nhà tôi mới chuyển về Israel, Muội Muội còn nhỏ nên tôi khá dè dặt mỗi khi giao việc cho con bé, phạm vi công việc của nó là giúp tôi và các anh nó làm một vài việc vặt trong nhà như: trải bánh đa nem, đếm số lượng nem rán, quét dọn phòng riêng. Sau này lớn hơn một chút, Muội Muội biết nấu trà đen và nướng bánh mì, mỗi buổi tối, con bé thường kỳ công nấu một ấm trà đen và nướng những lát bánh mì có hương vị khác nhau do nó tự nghĩ ra, cả nhà ngồi quây quần bên nhau vừa ăn uống vừa nói chuyện. Điểm tâm con bé làm có mùi vị kết hợp giữa phương Đông và phương Tây, hai anh trai của nó đều rất thích, nếu chúng tôi trả con bé tiền trà nước, điểm tâm, Muội Muội sẽ hí hửng bỏ tiền vào con lợn tiết kiệm, đến sinh nhật của hai anh, nó lại lấy tiền để dành ra mua thiệp chúc mừng tặng các anh.

“Đừng trả thù lao qua quýt vào buổi sáng ngày hôm sau” là một quy tắc cơ bản của các vị phụ huynh Do Thái khi thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng. Mỗi ngày tôi đều trả cho Dĩ Hoa và Huy Huy phần thưởng chúng đáng được nhận. Sau khi nhận tiền tiêu vặt từ thù lao lao động cho mẹ, các con tôi không mang tiền đi tiêu xài lung tung. Dĩ Hoa và Huy Huy tranh nhau mua điểm tâm và những món quà nhỏ cho các thành viên trong gia đình. Hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại vừa được chuyển tới đã biến mất tăm. Thỉnh thoảng có mấy tháng liền, tôi không trông thấy hóa đơn tiền điện thoại đâu, liền gọi điện hỏi cục bưu chính viễn thông, tại sao bưu điện không gửi hóa đơn cho chúng tôi?

“Quý khách đã thanh toán đầy đủ rồi mà!” Người ở đầu dây bên kia ngạc nhiên trả lời.

Qua mấy năm rèn luyện, Dĩ Hoa và Huy Huy không còn là những đứa trẻ quen cơm bưng nước rót như thời gian đầu chúng mới tới Israel nữa. Trước đây, chúng nghĩ bản thân mình là con chim bị tôi nhốt ở trong lồng nên cần phải được cho ăn. Nay, hai đứa nó thấy trong nhà dùng hết thứ gì thì sẽ tự động đi mua thứ ấy về bổ sung, mắm muối, kem đánh răng, bột giặt và cả thức ăn trong tủ lạnh, hầu như đều do chúng tự mua.

Hai anh em nó chia nhau, lần này anh mua, lần sau em mua, người nào mua người ấy trả tiền. Bọn trẻ nói, mỗi lần trả tiền nước hoặc mua sắm đồ dùng hằng ngày, chúng thấy mình có thể san sẻ gánh nặng cho mẹ, có thể đóng góp sức mình cho gia đình, không còn là đồ bỏ đi như lời bác hàng xóm từng nói, trong lòng bỗng có cảm giác thành quả và được thỏa mãn.

Tôi từng gặp rất nhiều phụ huynh, khi nhắc tới con cái, họ đều lắc đầu nguầy nguậy, vì các con của họ thiếu kỹ năng sinh tồn, thiếu năng lực cạnh tranh trong xã hội, không biết quản lý tài sản, họ đã đưa tiền lương hưu cho con mua nhà lại còn phải giúp con trả góp hàng tháng. Ngoài vấn đề giá nhà leo thang, khủng hoảng kinh tế ra, nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự xuất hiện của thế hệ ăn bám không phải là do bản thân con cái, mà là ở cha mẹ. Phụ huynh không cho con em làm việc nhà từ thuở nhỏ sẽ làm nhụt ý chí phấn đấu của con, không dạy con cách quản lý tài sản để cho chúng đến ba mươi tuổi mới vỡ ra được đầu tư là gì thì lúc đó đã muộn rồi. Từ nhỏ họ luôn dặn dò con cái, điểm số là quan trọng nhất, để đến cuối cùng kỹ năng sinh tồn của con ngày một thoái hóa.

Các bậc cha mẹ vì xót con, vì quan niệm giáo dục lạc hậu, nên cứ nghĩ rằng cha mẹ làm bức bình phong cho con mới là nhiệm vụ quan trọng nhất. Thật ra, làm như vậy không phải là mang đến cho con một ngày mai tươi sáng, tiền đồ xán lạn, mà họ đang dùng thành tích của con cái đổi lấy tiếng thơm trước mắt cho mình. Theo người Do Thái, mỗi đứa trẻ đều có tố chất trở thành triệu phú, sự nghiệp của chúng đều có thể lên như diều gặp gió, quan trọng là phương pháp giáo dục trong gia đình của các bậc cha mẹ có thể phát huy được những điều này hay không.

Chọn tập
Bình luận