Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 6: Tổng Kết Quan Niệm Và Phương Pháp Dạy Con Của Các Bậc Phụ Huynh Do Thái

Tác giả: Sara Imas
Chọn tập

Tổng kết quan niệm và phương pháp dạy con của các bậc phụ huynh Do Thái, tôi quy nạp cuốn Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương thành sáu nội dung, chia sẻ với các bậc cha mẹ trên thế giới. Tôi không khoe khoang phương pháp dạy con của mình chỉ vì tôi đã nuôi dạy chúng trở thành triệu phú. Bởi lẽ tôi cũng từng là một bà mẹ không tìm được phương hướng, từng bị một bà mẹ khác phê bình tình mẫu tử của mình có chất lượng kém, vậy nên tôi càng thấu hiểu tâm tình của các bậc cha mẹ ngày nay.

Cũng chính vì vậy, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và cả quá trình phấn đấu của mình với các bạn. Làm mẹ cũng cần phải phấn đấu sao? Cương vị cao cấp duy nhất của các bà mẹ nhận được mà không cần dựa vào bằng cấp, đó chính là cương vị làm mẹ. Chỉ có điều, người giữ cương vị này phải có kiến thức uyên thâm, “thi đầu vào’’ thì dễ, “tốt nghiệp’’ mới khó. Maksim Gorky chẳng phải đã từng nói “sinh con là việc ngay cả gà mái cũng làm được, nhưng yêu con lại là việc khác’’ đó sao?

Người Trung Quốc có câu “không ai giàu ba họ’’ là vì đời chúng ta giàu nên cứ nghĩ con cháu mình ngày sau cũng sẽ giàu sang, nào ngờ thế hệ sau cậy thế ăn chơi trác táng, không quá ba đời toàn bộ của cải trong nhà đều đội nón ra đi. Qua thực tiễn giáo dục của người Israel, tôi nhận thấy rất nhiều tài sản của các gia tộc đều được truyền từ đời này sang đời khác, đi sâu vào bên trong có thể thấy, người Do Thái không chỉ truyền lại của cải vật chất, mà còn truyền lại tố chất và kỹ năng sinh tồn, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Vì vậy, người Israel có thể giàu cả ba đời và thậm chí còn hơn thế nữa, quan trọng là cách cha mẹ truyền lửa cho con cái như thế nào.

Tôi đã ghi lại trong cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương ba nội dung chính, những phương pháp tương ứng về những kinh nghiệm, nỗ lực và những suy nghĩ về ba đứa con của tôi. Nó không chỉ là cuốn sách tham khảo dành cho các gia đình không mấy khá giả, mà còn thôi thúc những gia đình thượng lưu đổi mới cách nhìn nhận về tình thương đối với con cái. Hy vọng rằng, cuốn sách này có thể đem đến cho các bậc cha mẹ sự lĩnh ngộ và sự giúp đỡ hữu ích.

(1). Yêu con trên nguyên tắc có làm có hưởng

Nguyên tắc có làm có hưởng là tinh hoa giáo dục sinh tồn của người Do Thái, nó thu được hiệu quả thực tế rất tốt, khiến cho con cháu của người Do Thái trở nên tài giỏi và giàu có, dù phiêu bạt đến bất cứ nơi nào, sự nghiệp của họ cũng như cá gặp nước. Theo quan điểm của phụ huynh Do Thái, các loại kỹ năng được dạy trong trường học như âm nhạc, vũ đạo, hội họa hay quần vợt, tất nhiên đều cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhà trường không thể cung cấp cho trẻ một “sân huấn luyện” kinh nghiệm sống. Vì vậy trong vấn đề giáo dục, người Do Thái gạt bỏ rất nhiều thứ phù phiếm, họ coi giáo dục sinh tồn là ưu tiên hàng đầu, với mong muốn sau này lớn lên mỗi đứa trẻ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cách làm này phát huy hiệu quả rất tốt đối với tất cả trẻ em, nhất là ở độ tuổi trên mười, hiệu quả càng rõ nét. Đứa trẻ trở nên giỏi giang hơn những gì cha mẹ tưởng tượng, ý thức thời gian, ý thức tự lập, ý thức trách nhiệm được phát triển một cách đồng đều.

Trong các buổi họp phụ huynh, người Do Thái thường thảo luận vấn đề làm sao thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng. Họ cho rằng, những đứa trẻ chỉ hoàn thành xuất sắc bài vở trên lớp thôi chưa chắc sẽ thành công trong cuộc sống, nói cách khác, những đứa trẻ chỉ hoàn thành xuất sắc bài vở trên lớp không có nghĩa là chúng sẽ gặp thuận lợi khi thực hiện giá trị cá nhân và giá trị xã hội trong cuộc sống tương lai. Tạp chí Giáo dục gia đình của Israel từng làm một cuộc điều tra cho thấy: Tỷ lệ thất nghiệp giữa những đứa trẻ thích làm việc nhà và những đứa trẻ không thích làm việc nhà là 1:15, thu nhập bình quân của những đứa trẻ thích làm việc nhà cao hơn những đứa trẻ không thích làm việc nhà 20%. Trẻ em hiểu lý luận lao động ngay từ khi còn nhỏ, tìm được phương hướng cuộc đời trên cơ sở không ngừng trải nghiệm, ngày sau càng dễ thành công trong sự nghiệp.

(2). Trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn

“Trì hoãn thỏa mãn” là một trong những phương pháp giáo dục quan trọng của các bậc phụ huynh Israel.

Ba thế hệ của một gia đình cùng yêu thương gắn bó.

Có thể chia các cách thỏa mãn ham muốn của con người ra làm mấy loại sau: Trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn, thỏa mãn trước, thỏa mãn tức thời và thỏa mãn quá mức. Phương pháp giáo dục tốt luôn đề cao “trì hoãn thỏa mãn” và “khéo léo từ chối thỏa mãn.” Còn “thỏa mãn trước” là việc làm dại dột, “thỏa mãn quá mức” thì chỉ lãng phí công sức.

Phụ huynh Israel thường trao đổi, đối thoại với con em mình để chúng hiểu lý do vì sao cha mẹ trì hoãn những yêu cầu của chúng. Họ bảo trẻ: Nếu con thích chơi thì con cần phải có thời gian để chơi đúng không. Con sẽ đạt được mong muốn của mình khi con thi được vào trường điểm và có được thành tích xuất sắc. Sau này con có thể tìm được một công việc rất tốt, kiếm được rất nhiều tiền, đến lúc đó, con sẽ có nhiều thời gian vui chơi và đồ chơi của con cũng đắt tiền hơn. Nhưng nếu con đi sai trật tự thì toàn bộ hệ thống sẽ không hoạt động bình thường, con sẽ có rất ít thời gian vui chơi và chỉ sở hữu một vài thứ tồi tệ, phần đời còn lại, dẫu con nỗ lực làm việc đến đâu cũng không có đồ chơi, không có niềm vui.

Các vị phụ huynh cũng thường đưa ra những kiến giải của mình về “học cách cự tuyệt” trong quan niệm giáo dục gia đình. Messiah, nhà giáo dục Do Thái nổi tiếng đã sớm chỉ ra: “Về phương diện giáo dục gia đình, dạy trẻ không được phép làm chuyện gì là vô cùng quan trọng.”

Trước hết, phương pháp giáo dục “trì hoãn thỏa mãn” khiến con biết nhẫn nại, giúp con hiểu thế giới này không dành cho một mình nó, con không thể dễ dàng có được tất cả những gì mình muốn. Bên cạnh đó, “trì hoãn thỏa mãn” cũng làm tăng khả năng chịu đựng của con khi bị từ chối, bồi dưỡng chỉ số AQ – nhân tố quan trọng đưa đến thành công. Không chỉ có vậy, “trì hoãn thỏa mãn” còn rèn luyện ý chí, từ đó khiến tâm lý của chúng biết co biết duỗi và có tính “đàn hồi” hơn. Trong học tập, con cũng nhẫn nại hơn.

(3). Lùi một bước, biết buông tay (Leave alone)

Juterbi, nhà tư tưởng Do Thái có một câu danh ngôn được các bậc phụ huynh Do Thái thuộc nằm lòng. Ông nói: “Hãy để cho trẻ tự giải quyết chuyện của mình. Nếu cha mẹ quá che chở cho trẻ thì sẽ làm mất sự tự tin ở trẻ. Khi lớn lên, đứa trẻ đó chắc chắn không có được tính cách độc lập, càng không thể đạt được những thành tựu xuất sắc.” Karl Marx, danh nhân Do Thái cũng từng nói: “Con người cần biết đi, cũng cần biết ngã, vì chỉ có vấp ngã, anh ta mới biết đi.”

Vì sao phụ huynh khó buông tay? Khi đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời, nó và người mẹ vẫn được nối với nhau bằng cuống rốn, chảy chung một dòng máu, cho nên buông tay trở thành vấn đề nan giải. Quy tắc giáo dục gia đình của người Do Thái nhắc nhở các bậc cha mẹ: Mọi tình yêu trên thế giới đều hướng đến mục đích chung là sự gắn kết, chỉ có một tình yêu luôn hướng đến sự phân ly là tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập sau khi rời khỏi cha mẹ, có thể đối diện với thế giới bằng chính nhân cách độc lập của mình, đó mới là tình yêu thương đích thực cha mẹ nên dành cho con cái. Cha mẹ rút lui càng sớm, buông tay càng sớm, trẻ càng dễ thích nghi trong tương lai.

Phụ huynh Do Thái cho rằng, không chịu rút lui, không chịu buông tay, cha mẹ sẽ bồi dưỡng chúng trở thành những “thai nhi quá hạn”, “gieo nhân rồng nhưng lại thu về bọ chét”, như vậy là phụ lại tấm lòng cha mẹ dành cho một sinh mệnh hoàn hảo, là sự thất bại của cha mẹ trong cách dạy con. Những vị phụ huynh thật sự biết nghĩ cho hạnh phúc của con cần phải trao cho trẻ nhiều cơ hội sáng tạo, tìm kiếm thông tin bên ngoài, chứ không đứng mũi chịu sào, một tay lo hết mọi việc, che khuất tầm nhìn tương lai của chúng.

Nếu đánh giá công việc làm cha làm mẹ dựa vào thành quả của các bậc phụ huynh, thì những cha mẹ 100 điểm không được coi là tiêu chuẩn của thành công, thay vào đó, những cha mẹ 80 điểm mới thực sự có thành tích tốt hơn.

Phụ huynh Do Thái không làm quản gia bao đồng, họ xác định vị trí của mình là quân sư, có trách nhiệm tham mưu, quan sát, nhắc nhở con cái. Dù con cái họ có một khởi đầu chậm nhưng chúng có thể kiên trì đi hết chặng đường cho tới khi đến đích.

Dân tộc Do Thái không tự nhận mình thông minh hơn các dân tộc khác, nhưng dân tộc chỉ chiếm 0,2% – 0,3% dân số thế giới này lại sản sinh ra vô số nhân tài: Karl Marx, Charles Darwin, Sigmund Freud, Albert Einstein, Karl Freund, Henri Bergson, Franz Kafka, Heinrich Heine, Frédéric Chopin, Jakob Bartholdy, Yehudi Menuhin, Marc Chagall, Charlie Chaplin… Từ năm 1901, có thể nói người Do Thái đã độc chiếm chiếm giải Nobel, vì có tới 32% số người đoạt giải Nobel là người Do Thái, cao gấp một trăm lần so với các dân tộc khác. Tại sao những nhân tài Do Thái nhiều hàng đầu trên thế giới? Lão Tử từng nói “cuộc hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân đơn lẻ”, chính phương pháp giáo dục trong gia đình đã đặt nền móng giúp người Do Thái đạt tỷ lệ thành công cao như vậy.

Một vị phụ huynh nào đó chưa hiểu về nghệ thuật dạy con có thể sẽ nói: Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương há chẳng phải là cư xử quá nhẫn tâm, quá tàn bạo, quá mất tính người đối với con cái hay sao?

Thật ra không phải vậy, “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” giúp trẻ có một xuất phát điểm tốt hơn cho cuộc sống sau này. Đó là cha mẹ ẩn giấu phân nửa tình yêu thương con cái của mình, chứ không hoàn toàn vứt bỏ phân nửa tình yêu thương ấy, làm vậy tình cảm cha mẹ dành cho con cái càng trở nên lý trí, khoa học và nghệ thuật, chứ không phải ngày càng nặng nề và mù quáng.

Có phụ huynh lo lắng: Liệu “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” có phá hoại tình cảm giữa tôi và con cái không?

Đặt ra câu hỏi này, chứng tỏ phụ huynh chưa hiểu được bản chất của phương pháp giáo dục gia đình “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”, đồng thời chưa hiểu được ý nghĩa của vế câu “vô cùng yêu thương” đứng sau vế câu “vô cùng tàn nhẫn”. Phương pháp này nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa yêu và dạy, dù vậy, yêu và dạy cũng cần có chừng mực, nếu chúng ta chỉ đẩy mạnh khía cạnh dạy dỗ, con trẻ sẽ trở thành tấm bia giáo dục, không cảm nhận được tình yêu thương cha mẹ dành cho mình, tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ đi vào bế tắc. Qua quá trình quan sát trẻ em Do Thái, tôi nhận thấy phương pháp giáo dục gia đình “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” không làm cha mẹ và con cái trở nên xa cách, ngược lại càng tăng tính liên kết trong gia đình, tăng thêm cảm giác an toàn của trẻ. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng gắn bó khăng khít hơn. Lấy thực tiễn giáo dục của gia đình tôi làm ví dụ:

1. Tôi thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng trong gia đình mình, rèn luyện kỹ năng làm việc nhà cho ba đứa con, bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng quản lý, ý thức trách nhiệm của chúng. Đồng thời, tôi cũng phải lèo lái gia đình bằng tình yêu thương, làm cho các thành viên tâm đầu ý hợp. Tôi hẹn bọn trẻ tới Princess Teahouse, bốn mẹ con cùng có những phút giây ấm áp bên nhau; tôi cùng chúng làm những chuyến “du lịch thời gian”, hưởng thụ hạnh phúc gia đình. Những lúc các con phần quả quýt ngọt nhất cho tôi, gắp cánh gà bỏ vào bát của tôi, trịnh trọng hứa hẹn cho tôi ba chiếc chìa khóa, trong lòng tôi dâng lên rất nhiều cảm xúc lâng lâng khó tả.

“Nguyên tắc có làm có hưởng” giống như một ngọn lửa, kích thích tố chất sinh tồn tiềm ẩn của các con tôi. Trong những cuộc lột xác của chúng, tình mẫu tử của chúng tôi chẳng những không phai nhạt, mà theo thời gian, các con ngày càng cảm kích tâm sức vất vả của mẹ và khâm phục sự hiểu biết của mẹ.

2. “Trì hoãn thỏa mãn” cũng là một trong những bài học quan trọng nhất. Khi con cái đưa ra yêu cầu, là người làm cha làm mẹ của chúng, bạn sẽ tiếp nhận hay từ chối yêu cầu? Làm sao cho con biết bằng lòng, không nằng nặc đòi hỏi? Làm sao cho con hiểu thứ đáng quý nhất không phải là những món quà đẹp đẽ, mà là người thân, là niềm vui, là yêu thương?

Tôi từng từ chối những yêu cầu quá đáng của các con nhưng bù lại tôi bỏ ra rất nhiều tâm huyết giải thích cho bọn trẻ hiểu rõ thứ gì mới thật sự ý nghĩa, làm chúng dần cảm nhận được sự giản dị và sâu lắng, lâu dài và ân cần của tình yêu.

3. Theo phương pháp “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”, cha mẹ càng yêu thương con cái càng phải lùi về phía sau một bước, cha mẹ giữ khoảng cách với con không có nghĩa là bỏ mặc chúng muốn làm gì thì làm, không chịu trách nhiệm gì hết. Mẹ con tôi vẫn thường xuyên chia sẻ, tâm sự cùng nhau. Cứ đến cuối tuần chúng tôi lại họp gia đình, cùng nhau sưởi nắng, tâm sự những chuyện phiền muộn. So với chuyện kinh doanh, việc nhà càng phải dụng tâm vun vén, vì vậy tôi chú ý trao đổi tư tưởng, tình cảm giữa tôi và bọn trẻ, khơi gợi, dẫn dắt các con suy nghĩ. Có lẽ vì vậy nên ba đứa con của tôi đều có tài ăn nói và kỹ năng phán đoán, trong đầu chúng hình thành ý nghĩ “tôi muốn trở thành người như thế này”, “mai sau tôi muốn làm…”, từng bước tiến dần đến thành công.

Nếu có phụ huynh hỏi: Tôi có phải thay đổi cách yêu thương con của mình theo cuốn sách quý Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương không? Xin thưa, thay đổi hay không tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi phụ huynh, lựa chọn đó chính là chiếc gương phản ánh giá trị quan niệm của họ.

Trong thế kỷ XXI, con cái chúng ta phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh khốc liệt, đứa trẻ nào có lòng tự tin, tư duy kiện toàn, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý công việc từ khi còn nhỏ, biết tích lũy kiến thức cho quá trình trưởng thành, sau này sẽ ung dung chủ động đối mặt với tương lai. Còn những đứa trẻ thiếu đi những kỹ năng trên đa phần là do được cha mẹ nuông chiều. Tôi tin rằng tất cả các bậc cha mẹ trên trái đất này đều có chung nhận định, chiều con là một kiểu giáo dục mang tính phá hoại. Song điều đáng lo là không ít bậc phụ huynh lún sâu vào sai lầm trong cách nuông chiều lại không hề nhận ra, bản thân họ chính là người mang đến cho con món quà đáng sợ nhất.

Chúng ta cần lưu ý, khi thực hiện phương pháp dạy con “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” trong điều kiện kinh tế gia đình khá giả, các bậc cha mẹ cần có trình độ cao hơn.

Trong giai đoạn hai cậu con trai của tôi trưởng thành, điều kiện kinh tế nhà tôi chỉ ở mức trung bình, nên hai anh em nó đủ hiểu sự vất vả của mẹ. Tôi thực hiện giáo dục sinh tồn và cách quản lý tài sản, nên hai đứa sớm biết giúp mẹ gánh vác việc nhà dựa vào sự thông minh và sức lao động của mình.

Cô cháu gái bé bỏng.

Thời kỳ trưởng thành của cô con gái út lại khác với hai anh trai, lúc này kinh tế gia đình khấm khá hơn nhưng tôi lại cảm thấy mình có nút thắt vấp phải một số mâu thuẫn khi dạy các kỹ năng sinh tồn cho con bé.

Sinh nhật lần thứ mười sáu của Muội Muội, khi con bé yêu cầu nhân viên phục vụ đổi cho nó một ly cam ép. Tôi khuyên con gái: “Muội Muội à, trà lúa mạch miễn phí ở đây uống rất ngon, mẹ nghĩ chúng ta không cần cam ép đâu.”

Hồi đó, con bé đang ở tuổi dậy thì, nghe tôi nói như vậy, nó lập tức nổi giận, đứng phắt dậy và quay người định bỏ đi. Tôi gọi con bé lại: “Muội Muội, nếu con muốn bỏ đi thì hãy mang theo những món quà sinh nhật mẹ chuẩn bị cho con.”

Muội Muội nghĩ một lúc, rồi quay lại. Tôi tặng quà sinh nhật và bao lì xì cho con bé, món quà sinh nhật là một đồ vật nó mong đợi từ lâu, còn trong bao lì xì, ngoài một ngàn sáu trăm tệ ra, tôi gửi nó tấm thiệp: Chúc con thuận buồm xuôi gió!

Đợi con gái nguôi giận, tôi từ từ giảng giải đạo lý cho con hiểu: “Muội Muội, không phải là mẹ không mua nổi một ly nước cam 18 tệ cho con. Nếu con đòi hỏi bất cứ thứ gì, mẹ cũng làm cho con thỏa mãn thì sẽ thành thói quen, con muốn gì được nấy. Trong xã hội này, ngoài mẹ ra, có ai cho con tất cả những thứ con muốn không? Hôm nay là sinh nhật tuổi mười sáu của con, thế mà mẹ lại từ chối yêu cầu con vào đúng ngày đặc biệt này, mẹ thật sự xin lỗi. Có điều, mẹ nhẫn tâm làm vậy là vì mẹ muốn con nhớ rằng, nếu mẹ nuông chiều con vô lối, đến khi ra ngoài xã hội, con sẽ chịu nhiều thua thiệt. Hôm nay mẹ giúp con lau nước mắt, e là ngày sau mẹ phải lau nước mắt cho con cả đời.”

Tôi từng kể lại chuyện từ chối cho con gái uống nước cam trong talk show tâm lý của đài truyền hình trung ương. Lúc đó, ông Dương Phượng Trì, chuyên gia tâm lý học và cũng là khách mời của chương trình dẫn ra câu chuyện ông từ chối con gái của mình. Ông nói: “Tôi bắt đầu nấu cơm cho con gái ăn từ khi nó còn rất nhỏ, vừa mới vào tiểu học. Những lúc bà xã đi công tác xa nhà, vào bếp nấu cơm đối với tôi là một cực hình. Một hôm trời nắng to, sau khi nấu cơm xong, tôi dọn thức ăn ra bàn, con gái tôi bĩu môi không ăn. Tôi hỏi: ‘Con không đói à?’ Con bé trả lời: ‘Con muốn ăn McDonald.’ Tôi nhắc khéo: ‘Cha nấu cơm cho con rồi mà.’ Nó phụng phịu: ‘Con không muốn ăn cơm cha nấu, con muốn ăn McDonald cơ.’ Tôi dứt khoát: ‘Không thể được.’ Con bé thắc mắc: ‘Tại sao ạ? Chả nhẽ cha không có tiền sao?’ Tôi giải thích: ‘Cha không thiếu gì tiền, nhưng đó là tiền do cha làm ra. Con muốn ăn McDonald thì đợi sau này con tự kiếm được tiền rồi mua cả bao tải McDonald về ăn hằng ngày, cha cũng không có ý kiến gì.”

Tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái là mãi mãi, nhưng liệu có thước đo nào đánh giá được chất lượng của tình yêu ấy không? Người Do Thái đã giải đáp câu hỏi vướng mắc trong lòng tôi. Tình yêu thương chất lượng cao của cha mẹ, đó phải là sự tàn nhẫn nhưng chất chứa yêu thương, là tình yêu thương có lợi cho con suốt cuộc đời.

“Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” là yêu con một cách lành mạnh, khoa học

Các bậc cha mẹ cần gia giảm tình yêu thương dành cho con cái theo từng độ tuổi khác nhau của chúng. Lúc con cất tiếng khóc chào đời đến lúc bi bô tập nói, chập chững những bước đi đầu tiên là thời điểm con chưa nhận thức được thế nào là đúng, sai, chưa thể chống lại bệnh tật và các tác nhân gây hại bên ngoài, giống như ngọn cỏ non yếu ớt, không chịu nổi gió sương. Khi đó, con cần sự che chở đặc biệt của cha mẹ, sợi dây tình cảm ruột thịt tựa như dòng suối mát, thấm nhuần quá trình trưởng thành của con, còn bản thân cha mẹ cũng nhận được niềm vui và thỏa mãn về mặt tinh thần khi nhìn con lớn lên mỗi ngày. Nhưng từ khi con bước vào thời thơ ấu, thời niên thiếu, cha mẹ nên gia giảm tình yêu thương sao cho hợp lý. Nếu không, thuốc bổ sẽ trở thành thuốc độc, khi đó thủ phạm lớn nhất hủy hoại tương lai của con, không ai khác chính là cha mẹ!

“Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là yêu con có chừng mực, có lý trí

Yêu là một nghệ thuật, trong đó nắm bắt tâm trạng của đối phương là điều khó nhất.

Yêu con cũng vậy, nhưng các bậc cha mẹ ngày nay chỉ mong ngày ngày được bế con trong vòng tay, âu yếm nựng nịu, nên vô tình biến tình phụ mẫu trở thành tình yêu cảm tính, mất đi lý trí. Đó là việc làm ích kỷ dưới danh nghĩa của tình yêu, phá hoại cả về tinh thần lẫn thể chất của con trẻ. Theo tôi, cha mẹ cần tha thứ cho những sai lầm của con bằng lý trí, nhưng đồng thời khuyến khích con sửa chữa sai lầm bằng nụ cười ấm áp, khiến cây sinh mệnh của con bám rễ sâu bền vào cuộc đời, đến khi trở thành đại thụ, cao vút tầng mây.

“Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là hy sinh cho con một cách có hiểu biết

Chỉ những người làm cha mẹ mới thật sự hiểu rằng đau khổ cũng là sướng vui, dâng hiến cũng là thu hoạch, hy sinh cũng là thỏa mãn. Vì vậy, cha mẹ càng yêu thương con cái bao nhiêu thì sự cho đi càng to lớn bấy nhiêu. Tình yêu ấy như những giọt nước mát lành nhỏ giọt vào trái tim con. Song bản năng sống thôi thúc con người không ngừng phá vỡ tổ kén, nếu quá nhiều vướng víu, ràng buộc của cha mẹ sẽ biến sự hy sinh và dâng hiến vì tình yêu ấy trở thành tấm song sắt kìm kẹp tâm hồn con.

Kỳ thực, cha mẹ cần phải hy sinh cho con cái một cách sáng suốt. Ở Grand Canyon nước Mỹ có một loài đại bàng, hằng ngày đại bàng mẹ bay 200 dặm chỉ để tìm những cành vạn tuế có gai về làm một cái tổ kiên cố, bên trên phủ lá cây, lông vũ, cỏ dại, cho chim con khỏi bị gai đâm. Chim non lớn dần theo thời gian, một hôm đại bàng mẹ sẽ cố tình phá cái tổ bình yên ấy, thấy vậy lũ chim con ra sức vỗ cánh, sau đó chúng đều biết bay. Cái tổ có gai vừa thể hiện tình yêu thương thầm lặng của đại bàng mẹ, vừa thể hiện sự hiểu biết rộng lớn của nó.

Cha mẹ biết yêu thương vì con

Tình mẫu tử là một đề tài cũ, nhìn vào lịch sử, các tích như: “Mẫu thân Mạnh Tử ba lần chuyển nhà”, “mẫu thân Nhạc Phi thích chữ lên lưng con” đã được người đời ca tụng hàng ngàn năm nay. Nhưng ở một khía cạnh khác, tình mẫu tử cũng được coi là một đề tài mới, vẫn biết tình mẫu tử là tình cảm máu mủ giữa người mẹ và đứa con, nhưng đặt trong hoàn cảnh xã hội hiện thực, tình mẫu tử không thể không chịu ảnh hưởng từ cuộc sống xã hội. Bởi vậy, tình yêu thương người mẹ dành cho con không chỉ đơn thuần là hành động bản năng của người mẹ. Xã hội đổi thay, thời đại tiến bộ, càng ngày càng tác động đến “biến số” của tình mẫu tử, khiến cho tình mẫu tử bao hàm thêm rất nhiều đặc trưng mới của thời đại.

Khi con tôi lên mười, nó đã quen với tình mẫu tử sâu nặng mà chán ngắt của bà mẹ 100 điểm, là tôi. Thông qua quá trình quan sát, học tập và thực tiễn giáo dục gia đình của các bậc cha mẹ Do Thái, tôi tự mình thực hiện cải cách quan niệm và phương pháp giáo dục. Đương nhiên, các con tôi cũng cảm thấy khó chịu một thời gian, nhưng dù sao cũng phải gióng trống cảnh tỉnh, thay đổi tuần tự từng bước.

Tôi rất biết ơn cuộc sống, biết ơn sự giao thoa giáo dục giữ người Do Thái và người Trung Quốc, khiến cho các con tôi có những cuộc lột xác kỳ diệu, nó lên men trong tính cách của chúng, giúp chúng đạt được thành tựu trong sự nghiệp từ khi còn trẻ. Đồng thời, điều đó cũng minh chứng cho những giá trị to lớn trong phương pháp giáo dục gia đình của tầng lớp Do Thái trung lưu, mặc dù nó đã bị một bà mẹ Do Thái sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải như tôi “Trung Quốc hóa’’, nhưng vẫn phát huy hiệu quả.

Tiếp theo chương I, tôi sẽ thuật lại một cách tỉ mỉ, kỹ càng những kinh nghiệm và sự quan sát của bản thân. Sở dĩ, tôi muốn chia sẻ những điều này với các bạn là vì môi trường giáo dục gia đình của Trung Quốc hiện nay đang gặp phải những vấn đề của thời đại mới.

Có bậc cha mẹ sẽ nói: Nói thì dễ, nghĩ thì dễ, làm mới khó. Muốn yêu thương con thì cứ yêu thương thôi! Không cần nhồi nhét thêm tư tưởng này nọ!

Các bậc phụ huynh xin hãy nghe tôi khuyên một câu: Bạn nuông chiều con tức là bạn sẽ làm hại con cả đời. Con trẻ dần mất tính tự lập, quen thói ăn bám cha mẹ, kỹ năng sinh tồn thấp kém, đến khi bạn rời bỏ thế giới này và chẳng còn thứ gì để ăn nữa, nó sẽ khóc than: “Mẹ, con hận mẹ!” Lúc đó, dù bạn có thương con nhường nào cũng không thể giúp con được nữa.

Chọn tập
Bình luận