Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 31: Khoảng Cách Tâm Hồn Bằng Không

Tác giả: Sara Imas
Chọn tập

Quan điểm của một số bậc phụ huynh Trung Quốc cho rằng người phương Tây, người Do Thái đối xử vô tình và lạnh nhạt với con cái là hết sức sai lầm. Người Do Thái có một câu cách ngôn rất minh triết: Con người có ba người bạn là con cái, của cải và việc thiện. Chỉ có một dân tộc phải vật lộn trong dòng chảy sinh tồn của máu và lửa, đồng thời phải đối mặt với khổ đau trong thời kỳ dài mới có thể cấu tứ ra câu cách ngôn này. Dân tộc Do Thái ý thức rõ, tương lai và hy vọng của xã hội đều được ký thác trên đầu mỗi sinh mệnh nhỏ bé đó. Các gia đình Do Thái quả đúng là “vương quốc của trẻ thơ.” Người Do Thái quan niệm phụ nữ mang thai phải được hưởng chế độ đặc biệt, ăn uống tẩm bổ thật tốt. Với gia đình nghèo, cả nhà thà nhịn đói chứ không để phụ nữ mang thai chịu đói. Đứa trẻ vừa chào đời đã trở thành trung tâm chú ý của cả gia đình. Nói theo cách của người Do Thái thì: “Một tuổi là quốc vương.”

Xét từ ý nghĩa này, người Do Thái cũng yêu thương, tôn trọng con cái giống như người Trung Quốc, chỉ có điều họ chú trọng nhiều hơn đến cách để thể hiện tình yêu thương.

Khi trẻ bước qua thời thơ ấu, phụ huynh Do Thái sẽ giữ tình yêu thương ở sâu trong lòng, duy trì khoảng cách nhất định với trẻ. Mọi tình yêu trên thế giới đều hướng đến mục đích chung là sự gắn kết, chỉ có một tình yêu luôn hướng đến sự phân ly là tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập, có khả năng tách rời cha mẹ, có thể đối diện với thế giới bằng nhân cách độc lập của mình chính là tình yêu đích thực cha mẹ nên dành cho đứa con của mình. Cha mẹ rút lui càng sớm, buông tay càng sớm, trẻ càng dễ thích nghi trong tương lai.

Tuy nhiên, cắt đứt cuống rốn không có nghĩa cha mẹ và con cái đường ai nấy đi, tâm sinh hiềm khích. Ngược lại, phụ huynh Do Thái cho rằng, nếu duy trì được một khoảng cách phù hợp và tinh tế giữa cha mẹ và con cái sẽ càng khiến cho trẻ thấu hiểu lòng cha mẹ, cảm nhận được sức mạnh của tình máu mủ, dù xa nhau vạn dặm cũng vẫn cảm thấy như ở gần bên.

Tạp chí Giáo dục gia đình của Israel có đề cập đến một đạo lý như sau: Nếu cha mẹ là cây cung thì con cái tựa như mũi tên. Cây cung tốt thì không có mũi tên tồi, cha mẹ cần hướng trẻ vào việc trau dồi trí tuệ, nhân cách. Bởi thế nên, bậc phụ huynh ẩn giấu phân nửa tình yêu thương của mình không phải là hoàn toàn vứt bỏ phân nửa tình yêu thương ấy, làm vậy tình cảm cha mẹ dành cho con cái càng trở nên lý trí, khoa học và nghệ thuật hơn, chứ không phải ngày càng trở nên nặng nề và mù quáng.

Trong giai đoạn trẻ đi học, thời gian cha mẹ xa con nhiều hơn là thời gian ở bên cạnh con. Có lần Huy Huy, khi đó đang học ở nước ngoài gọi cho tôi một cuộc điện thoại đường dài quốc tế. Tôi thấy giọng con trai qua điện thoại có phần không vui, tâm trạng cũng khá buồn bã, nhưng khi đó tôi đang ở Tel Aviv, nước xa sao không cứu được lửa gần, tôi bỗng cảm thấy vô cùng lo lắng, không biết làm cách nào mới có thể khiến thằng bé chịu nói ra tâm sự của mình.

“Con trai sao thế, có chuyện gì không vui à?” Tôi thận trọng hỏi.

Thằng bé hờ hững đáp: “Không có gì đâu, mẹ đừng lo”.

Con cái hiểu chuyện ngược lại đôi khi càng khiến cha mẹ cảm thấy dằn vặt hơn. Dù biết ắt hẳn thằng bé đã gặp chuyện không như ý nào đó, song tôi không truy hỏi thêm nữa, chỉ an ủi nó: “Con trai, dù có chuyện gì đi nữa, con cũng đừng quá lo lắng, mọi chuyện rồi cũng qua thôi.” Vậy nhưng sau khi cúp máy, tôi vẫn thấy lấn cấn trong lòng, con cái là khúc ruột của người mẹ, nên nó rầu rĩ, tôi cũng thấy buồn theo. Huy Huy là đứa hướng ngoại, có chuyện gì thằng bé cũng chia sẻ với tôi ngay. Lần này chọn cách im lặng, nhất định là nó có chuyện khó mở lời.

Làm thế nào đây? Hai mẹ con xa cách trăm núi nghìn sông, làm thế nào tôi có thể cho con thấy sự quan tâm và ủng hộ của mình dành cho nó? Sau khi nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định cầm bút, viết cho con trai một bức thư:

Huy Huy yêu dấu!

Hy vọng khi con đọc được bức thư này của mẹ, tâm trạng của con đã khá hơn.

Trong cuộc sống, vô vàn nỗi lo lắng của chúng ta thực ra đều do chúng ta tự chuốc lấy. Đời người vô thường, nếu con nhìn nhận nó theo hướng tích cực hoặc tiêu cực thì nó sẽ tích cực hoặc tiêu cực như vậy. Mẹ muốn kể cho con nghe một câu chuyện rất thú vị:

Chiếc đồng hồ quả lắc mới lắp ráp được đặt ở giữa hai chiếc đồng cũ. Hai chiếc đồng hồ cũ “tích tắc”, “tích tắc” từng giây. Một trong hai chiếc đồng hồ cũ bảo chiếc đồng hồ mới: “Chạy đi nào, giờ cháu cũng cần làm việc rồi đấy. Song ta có phần lo là cháu chẳng thể chạy quá 32 triệu lần đâu.”

“Trời! 32 triệu lần.” Chiếc đồng hồ nhỏ vô cùng sửng sốt. “Bắt cháu làm việc nhiều như thế à? Cháu chẳng làm được, chẳng làm được đâu.”

Chiếc đồng hồ cũ còn lại liền bảo: “Cháu đừng nghe bác ấy nói linh tinh. Không cần phải sợ, cháu chỉ cần đung đưa quả chuông theo mỗi giây là được.”

“Trên đời này làm gì có việc đơn giản vậy.” Chiếc đồng hồ quả lắc bán tín bán nghi: “Nếu thế thì cháu sẽ thử xem sao.”

Chiếc đồng hồ mới nhẹ nhàng “tích tắc” theo từng giây, cứ thế không biết một năm trôi qua từ bao giờ và nó đã chạy được 32 triệu lần.

Sau khi con đọc hết câu chuyện này, mẹ muốn gửi cho con một bài hát cũ, đó là bài Auf Flügeln des Gesanges của Felix Mendelssohn, mẹ hy vọng bài hát đẹp và bình yên này sẽ giúp tâm trạng của con bình ổn trở lại.

Năm xưa, ông ngoại con từng bảo mẹ: “Tiếng hát là những tinh linh tồn tại mãi mãi. Vì dù vui vẻ hay đau buồn, tiếng hát đều có thể giúp con tìm thấy hạnh phúc.” Hồi đó mẹ còn nhỏ, không thể chia sẻ được với nỗi buồn của một người đã phải rời bỏ quê hương, ra nước ngoài lánh nạn là ông ngoại con, mẹ chỉ biết nép vào lòng ông, mơ hồ cảm nhận khúc nhạc du dương cùng ông.

Thời gian tựa như nước chảy qua cầu, chớp mắt mẹ đã đến độ tuổi của ông ngoại con năm nào, cuối cùng mẹ đã hiểu vì sao ngày ấy ông con hay nghe nhạc một mình. Chỉ cần giai điệu cất lên, dù vào bất kỳ lúc nào hay bất kỳ nơi đâu, dù tâm trạng chúng ta đang nóng vội hay thư thả, thì những phút giây tươi đẹp và êm dịu ấy cũng khiến con người cảm thấy cuộc sống hóa ra không khô khan và căng thẳng đến vậy.

Tôi ra cửa hàng băng đĩa nhạc mua đĩa Auf Flügeln des Gesanges của Felix Mendelssohn gửi kèm lá thư cho cậu con trai đang học ở Thượng Hải, thể hiện sự tin tưởng cùng lòng quan tâm tôi dành cho thằng bé, để nó hiểu rằng, dù hai mẹ con cách xa nhau, nhưng tôi vẫn có thể chia sẻ với nó mọi đắng cay ngọt bùi trên đường đời, nó không phải chiến đấu một mình.

Sau một thời gian, con trai tôi trịnh trọng tuyên bố với tôi qua điện thoại: “Mẹ, con nhận được thư mẹ gửi rồi, bản nhạc đó quả thực rất hay. Con cảm ơn mẹ!” Giây phút ấy tôi thấy lòng mình như ấm lại.

Vợ chồng tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có cùng cách nghĩ như vậy trong vấn đề giáo dục con cái. Họ cố gắng giữ khoảng cách hợp lý trong tình yêu, nắm tay con trượt patin, vỗ tay khen ngợi động viên và hòa mình vào cuộc sống của con. Chỉ cần con gái đưa giấy mời tham dự hoạt động xã hội, họ đều cố gắng đến dự. Họ luôn theo sát mọi biểu hiện của con gái ở trường, giữ liên lạc với thầy cô giáo của con…

Nếu các bậc cha mẹ muốn thúc đẩy trẻ tiến bước trên con đường tự lập, muốn một ngày nào đó mình có thể buông tay con ra, thì giữa cha mẹ và con cái cần phải có một khoảng “thời gian mật ngọt”. Như hồi con còn nhỏ, khoảng thời gian trước lúc trẻ đi ngủ chính là “thời gian mật ngọt.” Cha mẹ không nên cảm thấy khó chịu, phiền lòng với những câu hỏi liên miên của con, cũng đừng chán ghét việc kể đi kể lại cùng một câu chuyện cho con nghe mỗi đêm. Hãy tận dụng khoảng thời gian trước lúc trẻ ngủ để “nói chuyện tâm tình” với con, biến cảm giác gắn bó thành thứ “mật ngọt” điều hòa mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Khi bạn thật sự lắng nghe con cái, chúng sẽ dần dần học được cách chia sẻ những khúc mắc, hy vọng và mong muốn của mình với bạn. Những cái ôm, nụ hôn nhẹ và vuốt ve tràn đầy tình yêu thương của bạn sẽ làm dịu đi nỗi bất an trong con, khiến tâm tư trẻ trở nên thư thái và mãn nguyện, dễ đi vào giấc mơ đẹp. Dù cha mẹ có trò chuyện tán gẫu với con về bất cứ vấn đề gì thì đó cũng là một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ đối với trẻ. Kỳ thực, con trẻ suy nghĩ vô cùng đơn giản, chúng chỉ muốn hằng ngày cha mẹ quan tâm tới mình nhiều hơn, trò chuyện với mình nhiều hơn. Cho dù đó chỉ là một số chuyện vặt không vui xảy ra ở trường, thì việc cảm nhận được sợi dây liên kết gắn bó giữa cha mẹ và chúng vẫn là điều mà trẻ ao ước nhất.

Khi trao đổi, trò chuyện với các con, đôi lúc tôi sẽ kể cho chúng nghe những tình huống tương tự tôi từng gặp hồi nhỏ, rằng khi đó tôi đã xử lý ra sao, như lúc buồn, chịu thiệt hay thất vọng thì làm thế nào. Khi bọn trẻ biết tôi cũng đã từng phải đương đầu, vượt qua áp lực và phiền não, chúng chịu nghe lời tôi hơn. Tấm gương của người mẹ rõ ràng cũng sẽ khiến trẻ thêm can đảm, tự tin và có khả năng đề kháng áp lực tốt hơn.

Chung Nam Sơn, viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc trong một buổi báo cáo đã hồi tưởng về mẹ, người có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời của ông. Ông nói, cốt lõi trong tình yêu thương của mẹ là mãi mãi nắm tay dìu dắt và dõi theo đứa con. Ông chia sẻ: “Mẹ là người có ơn sinh thành, dưỡng dục ra tôi, về giáo dục, mẹ càng bỏ nhiều công sức dạy dỗ tôi hơn. Hồi tiểu học tôi học rất kém. Lên lớp 5, trong một lần đi thi, tôi bất ngờ đạt được thành tích cao, mẹ vui mừng bảo tôi: ‘Nam Sơn, con cũng được đấy chứ’. Lời mẹ nói làm lòng tự tôn trong tôi bỗng chốc bừng lên. Từ đó trở đi, tôi bắt đầu chăm chỉ học hành.”

Tình thân máu mủ giữa cha mẹ và con cái là mối liên hệ sẽ theo ta đến hết cuộc đời, “cha mẹ yêu mình, hiểu mình, ủng hộ mình, luôn luôn ở bên cạnh mình” là nguồn sức mạnh quan trọng nhất giúp con cái đứng lên tự đối diện với thế giới này.

Một số bí quyết nhỏ giúp phụ huynh nắm bắt tâm tư tình cảm của con

1. Cố gắng thu thập tư liệu về cuộc sống của con. Tạo hồ sơ tư liệu gia đình từ khi con ra đời, ghi lại những lời nói và việc làm của con. Qua đó, phụ huynh có thể nhìn ra ưu nhược điểm cũng như những tâm trạng phản ánh thói quen sinh hoạt, sở thích của con. Nhờ vậy, quá trình giáo dục sẽ đạt hiệu quả hơn.

2. Lắng nghe ý kiến của con trên nhiều phương diện. Phụ huynh thu thập tư liệu về trẻ trên nhiều phương diện có thể tránh được cái nhìn chủ quan, phiến diện về con, qua đó giúp họ nhận ra vấn đề bản thân mình thường xem nhẹ, bỏ qua. Với trẻ, thầy cô giáo là người chúng tin tưởng nhất, còn bạn bè là người thân thiết nhất. Cho nên thu thập tư liệu từ thầy cô giáo, bạn bè của trẻ là lựa chọn đúng đắn nhất của các bậc cha mẹ.

3. Trở thành bạn thân của con. Nếu không muốn con đóng chặt cánh cửa tâm hồn với bạn và biến bạn thành kẻ ngoài cuộc, thì các bậc cha mẹ không nên lúc nào cũng đặt mình vào vị thế bề trên. Sau khi cả nhà dùng bữa xong, phụ huynh có thể trò chuyện hỏi han, tâm sự cùng con. Rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa hai thế hệ, giúp cha mẹ nắm được tính nết, cá tính, hứng thú và sở thích của trẻ.

4. Trân trọng từng tiến bộ nhỏ của con. So sánh những thay đổi của con qua từng ngày, cha mẹ sẽ nhận ra sự tiến bộ và điểm sáng của con. Cha mẹ cần phải tuyên dương khích lệ, giúp con trải nghiệm thành công. Đó chính là điểm đột phá trong việc giáo dục con cái.

5. Kịp thời nắm bắt động thái tâm tư của con. Giúp con học cách giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống một cách đúng đắn, đồng thời truyền đạt lại cho con những kinh nghiệm, tư tưởng và giá trị của mình thông qua giao tiếp ngôn ngữ.

6. Chọn kênh kết nối phù hợp. Mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau, muốn làm được điều này phụ huynh cần lựa chọn cách trò chuyện phù hợp với trẻ dựa trên đặc điểm tính cách của nó. Ở đây chúng ta có hai cách. Một là cách nói thẳng: Cha mẹ thẳng thắn cho trẻ biết rõ thái độ của mình về vấn đề cần bàn. Ưu điểm của phương pháp này là đi thẳng vào vấn đề, tuy nhiên nó chỉ thích hợp với những đứa trẻ có tính cách hướng ngoại. Cách gián tiếp: Cha mẹ dùng một câu chuyện nhỏ hoặc một ví dụ nào đó khơi gợi hứng thú trò chuyện của trẻ sau đó dẫn dắt cuộc nói chuyện vào chủ đề cần trao đổi.

7. Tìm cơ hội trò chuyện thích hợp. Luôn có một vài vấn đề, sự việc phát sinh từ chính bản thân trẻ và môi trường xung quanh, việc cha mẹ kịp thời nắm bắt vấn đề, sự việc điển hình và tiến hành trao đổi, trò chuyện với trẻ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn bình thường, bản thân trẻ cũng dễ tiếp thu hơn.

8. Tạo bầu không khí thân ái, dễ chịu. Rất nhiều bậc phụ huynh bình thường rất ít khi trò chuyện, trao đổi với con, nhưng khi có vấn đề xảy ra, họ lại nghiêm khắc răn dạy trẻ, cứ như vậy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một lớn hơn. Vì vậy, muốn cuộc trò chuyện với trẻ đạt hiệu quả tốt hơn, cha mẹ cần tạo bầu không khí thân mật, gần gũi, pha trò, kể vài chuyện thú vị nhằm rút ngắn khoảng cách tình cảm giữa hai bên.

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky