Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 23: Càng Yêu Con Càng Cần Lùi Bước

Tác giả: Sara Imas
Chọn tập

“Bao bọc quá độ” và “nuôi chậm”

Tôi từng tham dự một buổi biểu diễn ca nhạc nhằm gắn kết tình cảm học sinh tại một trường tiểu học trong nước, các cháu say sưa thể hiện tài nghệ của mình. Khi chương trình vừa kết thúc, mọi người liền xúm quanh bà mẹ của cháu bé đã thể hiện bản nhạc Tristesse của Chopin hay tuyệt, nhao nhao hỏi: “Cháu nhà chị bắt đầu học đàn từ năm mấy tuổi? Luyện tập thế nào? Thầy nào dạy vậy?” Thực ra, tiếng đàn kia gợi lên trong lòng các bậc phụ huynh không phải là mong muốn thưởng thức mà là những sự bất an và so bì. Kết cấu gia đình “421”, “621” của Trung Quốc khiến người lớn đặt cược vào tương lai của con em mình “chỉ có thể thành công, không được phép thất bại”.

Không riêng Trung Quốc, mấy năm gần đây, các nước khác cũng xuất hiện hành vi cha mẹ “quá quan tâm”, “quá sốt sắng”, “quá can dự” vào cuộc sống của trẻ. Các học giả giáo dục dùng cụm từ “cha mẹ trực thăng” (helicopter parents) để miêu tả những người cha người mẹ “bao bọc quá độ” con cái, lúc nào cũng bay lượn trên đầu và theo sát nhất cử nhất động của trẻ.

Thậm chí, họ thường nảy sinh những biểu hiện tiêu cực như vui mừng, đau buồn quá mức, chỉ vì một chút thành công hay thất bại của con. “Cha mẹ trực thăng” vô tình bay càng nhanh, quản càng chặt, chỉ e một khi giảm tốc độ họ sẽ phá hủy cuộc đời của mình và cả cuộc đời của con.

Các bậc “cha mẹ trực thăng” nghĩ rằng càng vất vả công lao của họ càng lớn, nhưng thực tế, sự bao bọc quá mức của họ có phát huy hiệu quả hay không? Điều đáng lo là các bậc “cha mẹ trực thăng” không đắn đo khi dùng thời gian nghỉ ngơi của mình đưa con tới các lớp phụ đạo, trong khi con đã chán ngấy lớp học đó hoặc có sở thích khác. Họ bỏ ra mấy trăm tệ cho một lớp phụ đạo chẳng khác nào ném đá lướt qua mặt nước, phụ huynh tiêu tốn biết bao nhiêu tiền, còn con cái phải mang tội. Họ không tiếc tiền đóng cho con theo học trường điểm, nhưng đến khi nhận thấy thành tích học tập của con chẳng có chút khởi sắc thì cứ như là ngày tận thế sắp đến tới nơi. Họ quyết định nghề nghiệp sau này của con, không làm bác sĩ thì phải làm giáo viên hoặc nghệ sĩ lớn, cho dù nhiều khi ngoài miệng cha mẹ không nói ra tâm ý muốn con mình thành rồng, nhưng trong tiềm thức vẫn cương quyết muốn bồi dưỡng chúng thành anh tài. Thấy trẻ vẫn chậm chạp bước đi trên con đường dẫn tới ước mơ, phụ huynh đứng trước vạch xuất phát, lòng nóng như lửa đốt, tại sao nó không hiểu chuyện? Tại sao nó không nỗ lực, không tiến bộ, không xuất sắc?

“Cha mẹ trực thăng” không ngừng đặt ra các câu hỏi: Rốt cuộc con tôi làm sao thế này? Tại sao dạy con lại khó đến vậy? Đối với tất cả những vấn đề có liên quan đến trẻ, cha mẹ trực thăng hiếm khi tìm hiểu nguyên nhân từ chính bản thân mình, trước sau họ vẫn luôn tin rằng tất cả những gì họ làm đều vì muốn tốt cho con, đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến đối với con, hoàn toàn không biết tình yêu của họ đang dần trở nên nặng nề, cố chấp, lẫn lộn hay thậm chí mất phương hướng.

Tại sao lại có “cha mẹ trực thăng.” Các chuyên gia giáo dục Israel cho rằng, cha mẹ trực thăng bị rơi vào cạm bẫy của tình yêu, lầm tưởng rằng yêu con tức là phải quét sạch mọi trở ngại, dốc toàn bộ sức lực giúp con giành chiến thắng ở ngay vạch xuất phát. Giá trị quan của quan niệm này chỉ như những bong bóng xà phòng, một lúc nào đó ắt hẳn sẽ vỡ tung ra. Khác với cách “quá bao bọc” của “cha mẹ trực thăng”, phụ huynh Israel nhiệt tình làm “chiến sĩ bí mật”, đưa ra nhiều phương pháp giáo dục khác nhau nhưng đều mang lại hiệu quả tương tự như “nuôi chậm”, “giáo dục chậm”.

Có lần, tôi đến thăm nhà một thầy giáo của Muội Muội, trong lúc thầy giúp tôi chuẩn bị hoa quả ở phòng khách, cậu con trai chưa đầy ba tuổi của ông loay hoay cắm chìa vào ổ khóa. Thằng bé muốn mở cửa phòng ngủ, nhưng do không với tới và không cắm đúng chìa vào ổ khóa, nên nó không làm sao mở được cửa. Thấy thằng bé lóng ngóng vụng về, tôi vội vàng bước tới, định giúp nó một tay, nào ngờ ông thầy giáo cản lại. Ông ấy nói: “Chị cứ kệ nó, cứ để cho cháu tự mày mò một lúc.” Quả nhiên, thằng bé loay hoay lúc lâu, cuối cùng cũng mở được cửa, nó sung sướng vỗ tay.

Khi trẻ em Israel bước vào năm học cuối cấp một, phụ huynh tuyệt đối sẽ không giúp trẻ hoàn thành mọi việc, mà chỉ xuất hiện vào những thời khắc quan trọng. Họ bảo vệ trẻ trong bóng tối nhưng không vượt quá chức phận của mình. Nhà trường bầu ra hội trưởng hội phụ huynh, chức trách của ông ta là tổ chức buổi gặp mặt định kỳ cho các phụ huynh và thầy cô giáo trong khu vực nhất định. Hội trưởng hội phụ huynh ở trường của con trai tôi đưa ra ý kiến: Tham quan (không cần nhiều), giao lưu (cũng không cần nhiều), không lo lắng (thái quá), trông đợi vào sự thay đổi và tin tưởng trẻ. Tức là cha mẹ lùi lại phía sau trẻ, chỉ làm quân sư có trách nhiệm tham mưu, quan sát, nhắc nhở trẻ, chứ không ôm đồm mọi việc.

Theo quan niệm giáo dục gia đình của người Do Thái, cha mẹ “quá bao bọc” là một kiểu xâm phạm tâm hồn con trẻ và cũng là xem thường nhu cầu trưởng thành của chúng, làm giảm khả năng miễn dịch, khả năng tự lo liệu và thích nghi của chúng. Phụ huynh càng lái “trực thăng”, con càng trở thành thai nhi quá hạn, rồi phụ huynh lại càng cảm thấy con cần phải được “bao bọc” hơn nữa. Cứ tiếp tục luẩn quẩn như vậy trong một thời gian dài, mọi chuyện sẽ chuyển biến tồi tệ, con trẻ thiếu tính độc lập, khả năng kiên nhẫn, sự chịu đựng và ý thức kém. Sau này lớn hơn, đứa trẻ ngày càng bộc lộ rõ những khuyết điểm đó khiến phụ huynh lúc nào cũng điên đầu trách mắng: “Con xem con đi, lớn thế rồi mà vẫn không hiểu chuyện, còn phải để mẹ nhọc lòng lo nghĩ. Thật làm mẹ tức chết!” Dưới danh nghĩa của tình yêu, các bậc phụ huynh chỉ có vất vả mà không có công lao.

Tôi từng nghe tâm sự của một tri thức trẻ mới lên chức mẹ, cô ấy tự nhận mình là người mẹ cần mẫn, đảm đang, đáng tiếc hiệu quả nuôi dạy con cái lại hoàn toàn trái ngược với những gì cô ấy mong đợi. “Từ khi biết mình mang thai, cháu đã đọc vô số sách dạy cách nuôi con. Vì muốn nuôi con một cách khoa học ngay từ giai đoạn đầu đời của trẻ, kể từ khi con trai cất tiếng khóc chào đời, cháu đã tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc cho con bú theo như trong sách, nếu quá thời gian quy định, cháu đều nhẫn tâm rút đầu vú ra, bất kể đó là thời điểm con cháu thèm ăn nhất. Để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con, cháu thường thái nhuyễn rau củ, ép nước hoa quả cho nó ăn. Đến khi con cháu đi nhà trẻ, dù có ông bà đưa đi đón về, nhưng cháu vẫn cảm thấy không yên tâm, sau khi tan ca, cháu vác cái xác mệt mỏi rã rời chạy như bay về nhà, chỉ lo con gặp chuyện gì bất trắc. Trước khi đi ngủ, dù mệt đến mấy, cháu cũng sẽ đi rửa chân tay mặt mũi cho con, cháu sợ nó rửa không sạch, vẫn còn vi khuẩn. Đến cơ quan, cháu thường xuyên nói chuyện với ông thầy MSN, để tránh lơ là từng giai đoạn phát triển của con. Trong quá trình nuôi dạy, cháu luôn hết lòng vì con, không hề lười biếng, nhưng còn kết quả? Con trai cháu không những không có được những thành tích như cháu kỳ vọng ở từng độ tuổi, ngược lại nó còn bộc lộ rất nhiều thói hư tật xấu khiến cháu vô cùng chán nản. Chắc là tại cháu cho con ăn thức ăn quá nhỏ, nên nó rất kén ăn. Nó không ăn quen đồ ăn ở nhà trẻ, không tiêu hóa được thức ăn, thành thử cứ mười giờ trưa hằng ngày bà ngoại phải cho nó uống nước ép trái cây qua tường rào của nhà trẻ. Khi tất cả các bạn nhỏ trong nhà trẻ đi rửa tay trước lúc ăn cơm, nó luôn là đứa chậm chạp, lề mề nhất, đến khi ăn cơm, nó cứ ngồi nhìn ngang nhìn dọc, vì nó quen ở nhà mọi người đuổi theo nó bón cơm. Đáng lo là, khi tham gia hoạt động mẹ và bé, gặp chút chuyện là nó lại quay sang nhìn cháu dò hỏi, không có một chút chính kiến nào. Gặp chuyện không vừa ý, mồm nó lại méo xệch, cháu cũng nghi hoặc, liệu có phải do mỗi buổi tối cháu đọc quá nhiều truyện cho nó nghe, nên bây giờ nó mới nhạy cảm như vậy. Khổ tâm nhất là nhà hàng xóm của chúng cháu có một cô bé xấp xỉ tuổi con trai cháu, cha mẹ con bé đều làm ở khoa tim mạch của bệnh viện Đại học Y nên rất bận, căn bản không có thời gian chế biến các kiểu món ăn cho con giống như cháu. Lúc đầu, cháu còn lo họ sẽ làm con chậm lớn, nhưng đến giờ biểu hiện của con gái họ ở nhà trẻ được cô giáo hết lời khen ngợi, nó có thể tự lo liệu rất nhiều việc, biết chào hỏi cô giáo và chơi cùng các bạn trong nhà trẻ, bữa trưa tự ngồi xúc cơm ngon lành. Làm việc gì cũng có chủ kiến của mình, đọc sách gì, chơi trò gì đều theo chủ trương của nó. Thấy con bé rất “chững chạc”, cha mẹ nó càng ngày càng ung dung thoải mái, cháu lại nghĩ đến đứa con cháu hết lòng nuôi nấng càng ngày càng làm cháu mệt mỏi, thật sự là tinh thần cháu rất suy sụp!”

Người mẹ trẻ tự phản tỉnh: “Tại sao cháu dốc hết tâm huyết vào việc nuôi con nhưng lại thành ra kết cục như vậy! Thay vì làm một người mẹ bao bọc con quá mức, cần mẫn, chịu khó nhưng không thu được kết quả tốt, cháu có nên đổi phương pháp để đạt hiệu quả cao hơn không?”

Nghĩ lại hồi mới trở về, tôi cũng là một bà mẹ “trực thăng.” Buổi trưa mỗi ngày, tôi đều mang bữa trưa cho con gái. Giống như ngày trước ở Thượng Hải, đối với bọn trẻ, tôi “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, tôi là một bà mẹ Trung Quốc điển hình. Khoảng mười một giờ trưa hằng ngày, dù bận rộn đến đâu, tôi cũng vội vàng dọn dẹp nhà cửa, cất cơm và thức ăn nóng hổi vào cặp lồng, mang tới trường cho con gái. Những khi trời lạnh, tôi còn bọc khăn lông ra bên ngoài cặp lồng cho cơm khỏi nguội. Thầy cô và bạn bè ở trường của con gái tôi, bao gồm cả bác bảo vệ đều quen mặt “bà mẹ Trung Quốc” là tôi. Tôi mới đi tới cổng trường, họ đã chào: “Trời ơi, bà mẹ Trung Quốc lại tới đưa cơm à!” Bạn học của con gái tôi cũng cười nhạo con bé, nói nó lớn như thế rồi mà vẫn để mẹ tới đưa cơm. Vài thầy giáo cũng kể cho tôi nghe rất nhiều cách giáo dục con cái của người Do Thái, khuyên tôi nên buông tay. Một phụ huynh người Do Thái còn mau miệng nói với tôi: “Chị có thật sự mong muốn con mình thành công không? Biết rút lui vào lúc thích hợp. Chị phải buông tay thì chúng mới bay cao được.” Về sau, tôi không đưa cơm cho con gái nữa, tôi nghĩ con bé sẽ không thích ứng được. Không ngờ, con bé như trút được gánh nặng, nó thở phào nói với tôi: “Cuối cùng con cũng không bị các bạn cười nhạo nữa rồi!”

Có lẽ, ban đầu từ bao bọc quá độ (Overparenting) mang hàm nghĩa tốt. Nghe nói nguồn gốc của từ này có liên quan đến Douglas MacArthur, vị tướng nổi tiếng của Mỹ. Năm đó, MacArthur vào Học viện Quân sự West Point, mẹ ông thuê hẳn một nhà trọ gần trường, giám sát ông, nghe đâu bà ấy có thể dùng ống nhòm nhìn rõ con trai mình có đang học tập chăm chỉ hay không.

Nhưng, trong thế kỷ XXI, từ “bao bọc quá độ” mang ý nghĩa kịch tính hơn rất nhiều, giống như một chiếc phanh ô tô không ăn, thể hiện sự kỳ vọng của cha mẹ trực thăng đối với “đứa trẻ hoàn hảo” (perfect child) của mình. Các bậc phụ huynh can thiệp vào mọi mặt cuộc sống của con, từ lựa chọn nhãn hiệu sữa chua, quần áo, khẩu vị ăn vặt đến kết hợp thực đơn, từ sắp xếp lịch học âm nhạc, học hội họa, thể dục đến vấn đề vui chơi, kết bạn, thậm chí mục tiêu của cuộc đời, lựa chọn hướng đi, người lớn đều quản hết. Phụ huynh đuổi theo trẻ, giúp trẻ mặc quần áo, rửa mặt, ăn cơm, thu dọn đồ chơi, cắt trái cây thành từng miếng nhỏ bón vào miệng trẻ, trẻ hơi khó chịu trong người cha mẹ đã cuống lên chạy chữa, không có bệnh thì bồi bổ cho khỏe, dẫn đến dư thừa chất dinh dưỡng khiến tỷ lệ trẻ em béo phì gia tăng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn sắp xếp lo liệu toàn bộ cuộc sống của con, không màng đến suy nghĩ của trẻ. Thế nhưng, những bậc cha mẹ có hành vi quá bao bọc con như vậy lại cho rằng bản thân họ là người hiểu con nhất, phản đối người khác đưa ra bất kỳ ý kiến gì về cuộc sống và cách giáo dục đối với con cái họ.

Các nhà giáo dục học rất lo lắng về hiện tượng này, cố gắng tìm biện pháp giúp các bậc “cha mẹ trực thăng” rút lui một cách hợp lý.

Không chỉ ở Israel, mà tại Mỹ, một số bà mẹ đã sáng tạo ra từ Momtini. Các bà mẹ Mỹ đang dần ý thức được tình yêu thương cha mẹ “trực thăng” dành cho con cái là có thiếu sót, nên họ mới viết “Momtini” vào từ điển.

“Momtini” là một từ ghép được tạo thành từ từ “mom” (mẹ) trong tiếng Anh và “martini” tên một loại rượu cocktail, nghĩa đen là “bà mẹ uống rượu.” Những bà mẹ Mỹ như thế này thường tổ chức các buổi dã ngoại cùng con cái họ. Bọn trẻ uống nước cam hoặc ăn bánh ngọt, mải mê chơi đùa, trong khi các bà mẹ thảnh thơi uống rượu martini, hưởng thụ thời gian của mình. Tuy rằng các bà mẹ không nên uống rượu trước mặt con trẻ, nhưng không thể phủ nhận từ momtini biểu đạt được mong muốn của các bà mẹ Mỹ, họ muốn thoát khỏi hình ảnh “bà mẹ trực thăng”, muốn tìm cuộc sống thuộc về mình, điểm này nhận được rất nhiều sự tán đồng từ các bà mẹ Mỹ.

Khi xét lại những mối nguy hại của việc “quá bao bọc” con cái, sau đó quan sát phương pháp lùi một bước của các bậc phụ huynh Do Thái, tôi dần hiểu rằng “nuôi chậm” là quan niệm giáo dục có hiệu quả cao hơn. Nếu như nói sự thành bại trong vai trò làm cha mẹ dựa vào hiệu quả và thành tích của con cái trên đường đời sau này, thì những người cha người mẹ 100 điểm không được coi là chuẩn mực của thành công, thay vào đó, những người cha người mẹ 80 điểm mới là những người có thành tích tốt hơn.

Tiến sĩ James, nhà giáo dục uy tín có một câu danh ngôn nói về các bậc cha mẹ thời đại mới rất có sức thuyết phục, ông nói: “Một phụ huynh 100 điểm, tuyệt đối không phải là một phụ huynh thành công. ‘Tình yêu’ của họ giống như con dao hai lưỡi, vừa thương con vừa hại con.” Trần Hạc Cầm, nhà giáo dục trẻ em nổi tiếng của Trung Quốc cũng từng lên tiếng: “Tốt nhất người làm mẹ chỉ nên dùng một tay.”

Có một bộ ảnh ghi lại quá trình sinh trưởng của cây hồ dương, giảng giải bí quyết trồng hồ dương của chuyên gia Bồi Lâm, cũng có ngụ ý nhắc nhở các bậc cha mẹ xem xét lại cách nuôi dạy con cái “quá bao bọc” với “nuôi chậm.” Nếu chúng ta bón nhiều phân bón cho cây hồ dương, rễ của nó sẽ không ăn sâu xuống lòng đất, chỉ chạy lòng vòng trên mặt đất. Còn nếu chúng ta kiểm soát một lượng phân bón phù hợp, rễ của cây hồ dương sẽ tự cắm sâu xuống, xuyên qua các tầng đất, chạm tới mạch nước ngầm nằm trong lòng đất. Rễ đâm sâu như vậy, sợ gì cây hồ dương không sum suê cành lá. Sợ gì cây dễ bị giông bão quật đổ?

Nguyên lý sinh trưởng của cây hồ dương cũng tương tự như cách nuôi dạy trẻ, muốn cây sinh mệnh của con sâu rễ tốt cây, không bị khuất phục trước giông bão, cha mẹ không được tưới quá nhiều nước và phân bón cho nó. Họ cần có con mắt nhìn xa, khuyến khích con tự vươn rễ, đó mới là “yêu con tính kế lâu dài cho con’’.

Đôi khi phụ huynh thường coi nhẹ quy luật phát triển và khả năng thích nghi của con, đặt quá nhiều kỳ vọng hoặc quá vội vàng, nôn nóng. Sự bao bọc quá mức của họ không những tăng thêm cảm giác thất bại ở trẻ, mà còn khiến chúng mất đi động lực phấn đấu. Trên đường đời vạn dặm, tình thương của cha mẹ luôn nồng đượm trải dài năm tháng, “nuôi chậm” giống như phụ huynh xây dựng từng trạm xăng trên đại lộ, vừa cổ vũ con dốc sức chạy về phía trước, vừa đảm bảo nó có thể tiến xa hơn.

Phương pháp bồi dưỡng nuôi chậm

1. Lắng nghe là một liều thuốc bổ. Lắng nghe không có nghĩa là cha mẹ dạy trẻ “con cần phải làm như thế nào”, “con không nên làm gì.” Lắng nghe chỉ đơn giản là cha mẹ làm một thính giả có lòng nhẫn nại, khéo hiểu ý con và vỗ về tâm hồn con những lúc chúng cảm thấy tủi thân.

2. Khi con đột nhiên gặp vấn đề khó khăn, khó tránh khỏi những biểu hiện chần chừ, lưỡng lự, thậm chí còn không biết phải xử trí ra sao. Cha mẹ cần giúp con làm rõ suy nghĩ của mình, cho chúng một cơ hội trao đổi.

3. Cha mẹ cần phải có phản ứng kịp thời khi con tự giải quyết thành công một việc nào đó. Ngoài ra, ý kiến của cha mẹ chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là mệnh lệnh.

4. Trong cứng ngoài mềm. Đừng để cho con cảm thấy cha mẹ giám sát và điều khiển tất cả các hoạt động của chúng, nếu không cha mẹ sẽ dễ làm hao mòn khả năng tự xử lý những vấn đề đột xuất của con.

5. Nếu con có bản tính nhu nhược, nhát gan, thiếu khả năng quyết đoán. Cha mẹ không nên làm con bị kích động, mà cần dẫn dắt, gợi mở để con nói ra nỗi sợ hãi trong lòng mình, cần thông cảm với những nỗi lo lắng, băn khoăn của chúng, tiếp nhận cảm nhận của chúng, đồng thời bày tỏ thái độ ủng hộ.

6. Cha mẹ nên tích cực đưa con đến những nơi công cộng, rèn luyện tầm nhìn của chúng, loại bỏ nỗi lo sợ đối với môi trường lạ và tăng tính thích nghi khi gặp vấn đề đột xuất.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky