Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 33: Gieo Nắng Cho Tình Yêu

Tác giả: Sara Imas
Chọn tập

Con cái là thiên sứ của cha mẹ, là phúc phận ông trời ban tặng cha mẹ; con cái là báu vật của cha mẹ, dù nghèo đói hay giàu có, đối với cha mẹ con cái mãi mãi là người quan trọng nhất; con cái là niềm vui của cha mẹ, dù cuộc sống khổ cực thì cha mẹ cũng đã có con là niềm an ủi; con cái là hy vọng của chúng ta, mọi vinh hoa phú quý đều không thể sánh bằng lòng hiếu thảo của con trẻ. Như lời bài hát Con yêu, con nghe chăng: “Con yêu, con nghe chăng? Không cần con báo đáp mẹ bất cứ điều gì. Đêm ngày nuôi dạy con đã mang đến cho mẹ thời khắc đẹp nhất cuộc đời…”

Nguồn năng lượng để duy trì nhịp đập của cả gia đình không phải là uy quyền, mà là sự lạc quan và tình yêu cha mẹ dành cho con. Chính sự lạc quan rộng mở và tình yêu thương vô bờ mới là cội nguồn tinh thần, là bến đỗ an toàn, là động lực không ngừng tuôn chảy trong trái tim mỗi thành viên trong gia đình.

Trong việc thể hiện tình yêu ấy, các bậc cha mẹ Do Thái coi trọng phương pháp biểu đạt có tính lạc quan hơn.

Lúc gần gũi con, cha mẹ Do Thái thường bảo trẻ rằng: “Sống vui vẻ và hạnh phúc mỗi ngày là mục tiêu của cuộc sống.” Đó cũng là tinh thần giáo dục gia đình của dân tộc Do Thái được truyền qua các thế hệ.

Chúng ta thường quan niệm, một ngày là khoảng thời gian được bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào lúc sẩm tối, nhưng người Do Thái lại nghĩ khác.

Một ngày của người Do Thái bắt đầu từ lúc mặt trời lặn. Rất nhiều người tò mò trước quan niệm thời gian kỳ lạ này: “Tại sao một ngày lại bắt đầu từ khi mặt trời lặn?” Người Do Thái cho rằng, so với cách tính thời gian bắt đầu bằng ánh sáng và kết thúc bằng bóng tối, cách tính thời gian bắt đầu bằng bóng tối và kết thúc bằng ánh sáng khiến con người ta cảm thấy hân hoan vui sướng hơn. Khi đặt chân vào một gia đình Do Thái, điều đầu tiên khiến bạn ấn tượng, chắc chắn là bầu không khí lạc quan của gia đình. Lạc quan là cội nguồn tinh thần các bậc phụ huynh Do Thái tạo ra cho con cái họ.

Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi lấy mình làm gương, dạy tôi phải luôn mỉm cười đối diện với khó khăn. Khi bị phát xít Đức bức hại, cha tôi đã xoay xở bỏ trốn đến Thượng Hải. Với hai bàn tay trắng, ông đã tạo dựng công việc buôn bán các loại rượu và thảm trải sàn bằng sự hiểu biết, tinh thần lạc quan điển hình của người Do Thái, bắt đầu gây dựng lại cuộc sống. Ông dốc hết tâm trí của mình vào việc dạy tôi trở thành một người biết vượt lên khó khăn, ông thường nói: “Sara, khi con thấy tâm trạng mình không tốt, hụt hẫng chính là lúc con tự coi mình là kẻ bất hạnh nhất trên thế giới. Nếu con biết còn có người khổ sở hơn con nhiều, cha tin con sẽ vô cùng trân trọng những điều mình đang có. Tựa như bóng tối làm nền cho ánh sáng, điều không may cũng làm nền cho may mắn. Khi con mỉm cười với cuộc sống, cuộc sống cũng sẽ mỉm cười lại với con.”

Tôi từng đọc một bài viết của Du Mẫn Hồng, Hiệu trưởng trường Tân Phương Đông, nói về cách tạo dựng cội nguồn tinh thần cho con cái của một gia đình tràn đầy tinh thần lạc quan và tình yêu thương. Du Mẫn Hồng đưa gia đình đi nghỉ, cả nhà cùng ngắm trăng bên bờ biển. Sau hơn một giờ ngắm trăng, ông lo con gái lạnh nên đề nghị mọi người quay về khách sạn. Nhưng con gái ông nói: “Con không về đâu, phải đợi đến khi trăng lên đến chỗ kia thì con mới về.” Câu nói của con gái khiến Du Mẫn Hồng nhận thấy tính quan trọng của việc để con lĩnh hội những ý thơ trong cuộc sống, và điều này cũng khiến ông ngộ ra rằng, chính thái độ sống tiêu dao, ung dung tự tại của cha ông năm xưa đã truyền lại tính cách cởi mở, thoải mái cho ông bây giờ. Khi gặp bất cứ khó khăn, trắc trở hay nỗi đau nào, tính cách này luôn phát huy tác dụng rất lớn.

Các bậc cha mẹ Do Thái coi tinh thần lạc quan và tình yêu thương là cội nguồn tinh thần, là huyết mạch sinh tồn của toàn gia đình. Còn tôi, chưa kịp suy nghĩ thấu đáo đã phải chấp hành nhiệm vụ này rồi.

Lúc mới trở về quê hương, mọi chuyện đều không như những gì tôi mường tượng, chuyện tốt đẹp thường chỉ đến sau những khó khăn. Ban đầu tôi cứ ngỡ ít nhất Cục Di dân Israel sẽ sắp xếp cho tôi sống ở một thành phố tầm cỡ như Haifa, không ngờ họ sắp xếp cho gia đình tôi đến thành phố Kiryat Shmona gần biên giới nước Lebanon láng giềng. Đó là một thành phố nhỏ nằm ở phía tây bắc của Hula Valley với hai mươi hai ngàn dân.

Ba đứa con của tôi chưa hiểu gì, vì đây là lần đầu tiên xuất ngoại, nên được đi máy bay là bọn trẻ đã thích chí lắm rồi. Rời sân bay ồn ào và đám người xa lạ, bọn trẻ tựa như những chú chim khách bé nhỏ, ríu rít lên xe ngồi, ô tô chạy thẳng về phía bắc Israel theo con đường quốc lộ nhấp nhô lên xuống. Đi, đi mãi, Dĩ Hoa và Huy Huy nhận thấy phong cảnh bên ngoài cửa xe càng lúc càng trở nên hoang vắng, so với Thượng Hải phồn hoa náo nhiệt cùng những tòa nhà chọc trời, nơi đây thật đơn điệu và yên ắng.

“Mẹ, sao chúng ta phải đến đây?”

“Vì đây là nơi đào tạo ra những viên chức ngoại giao xuất sắc nhất của Israel!” Đó là điều cán bộ của Cục Di dân cho tôi biết, tôi dùng nó vực dậy tâm trạng đang chuyển từ háo hức sang buồn chán của bọn trẻ.

Sau hơn ba giờ chạy, xe đến Kiryat Shmona, rồi dừng lại ở giữa những tòa nhà màu trắng vững chãi. Thật ra thành phố Kiryat Shmona cũng rất đẹp, xa xa là rặng núi tuyết cao ngất trời của Lebanon, còn ở ngay trước mắt là hoa cỏ cây cối xanh tươi rậm rạp.

Bọn trẻ lớn lên ở Thượng Hải, chưa bao giờ được nhìn thấy núi tuyết nên lúc đó chúng đã phấn chấn lại ngay. Hơn nữa, những vị chủ nhân trong tòa nhà màu trắng nghe nói là dân di cư từ Trung Quốc về, đều nhiệt tình ra thăm hỏi chúng tôi. Dựa vào chút vốn liếng tiếng Hebrew cổ được cha tôi dạy trước đây, tôi thực hiện một vài cuộc chuyện trò đơn giản với họ.

Đám trẻ hàng xóm nhiệt tình giúp chúng tôi mang hành lý lên tầng ba. Hệt như bố cục nhà tôi sống hồi nhỏ tại Hội Liên hiệp người Do Thái ở Thượng Hải, chỗ này cũng thiết kế tầng ba làm nơi ở, tầng trệt không có tường ngăn nên có thể dùng làm sân bóng cho bọn trẻ chơi đùa. Gia đình tôi ở căn hộ số chín gồm ba phòng ngủ, hai phòng khách và hai phòng vệ sinh với tổng diện tích sử dụng là hơn một trăm mét vuông, vừa đủ dùng. Tuy nhiên, căn hộ trống huơ trống hoác, không có đồ đạc gì cả, nên nhìn hơi thê thảm.

Bọn trẻ ôm hành lý của mình, vừa muốn đặt xuống lại vừa không muốn, thiểu não hỏi tôi: “Mẹ, tối nay chúng ta ở thế nào đây?”

“Các con đừng lo, để mẹ nghĩ xem nào.” Lúc đó, tôi không biết mình lấy đâu ra sự can đảm vô song đó. Nhân lúc mặt trời còn chưa lặn, tôi vội vàng chạy xuống tầng dưới tìm mấy thùng các tông, xé thành từng tấm, trải xuống sàn nhà rồi dỡ chăn đệm trong hành lý mang theo ra, bốn mẹ con mới tạm coi là có chỗ ngả lưng. Đến khi những người hàng xóm mang bữa tối sang, chúng tôi bắt đầu ngày đầu tiên của cuộc sống mới ở Israel. Tâm trạng bọn trẻ như thời tiết tháng sáu, thoắt cái đã nắng vàng rực rỡ. Trong màn đêm u tối, tôi và bọn trẻ chơi trò oẳn tù tì, nắm tay to nắm tay nhỏ vung lên hạ xuống chung một nhịp, căn hộ sơ sài đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.

Trước khi đi ngủ, tôi ôm bọn trẻ bảo: “Các con, mọi thứ khắc có thôi. Dù nơi đây không phồn hoa bằng Thượng Hải, song nó mang đến chiếc nôi cho sự trưởng thành của các con và một ngôi trường hoàn toàn mới mẻ. Các con có biết người Do Thái đã tạo ra cho thế giới biết bao nhân tài không? Họ chính là những tấm gương cho các con noi theo. Sau nửa năm nữa, các con học tốt tiếng Hebrew, mẹ sẽ cố gắng chuyển nhà đến Tel Aviv hoặc Jerusalem, mẹ mong các con sẽ có một tương lai tươi sáng. Mẹ yêu các con. Mẹ hứa sẽ cho ba anh em một cuộc sống hạnh phúc.”

Cuộc sống lật sang trang mới. Theo quy định của nhà nước, mỗi người dân di cư mới chuyển đến Israel đều phải đến học ở trường ngôn ngữ, tham gia khóa đào tạo tiếng Hebrew từ ba đến sáu tháng. Tiếng Hebrew là ngôn ngữ dân tộc của người Do Thái, được xem là thứ ngôn ngữ lâu đời nhất trên thế giới hiện nay. Điểm khác biệt lớn nhất của tiếng Hebrew so với tiếng Trung là tiếng Hebrew có rất ít hình dung từ. Chẳng hạn khi miêu tả một sự vật, bạn sẽ phải sử dụng rất nhiều phép so sánh. Để rèn luyện khả năng so sánh cho các con trong thời gian ngắn nhất, mỗi tối tôi và bọn trẻ ngồi quây quần bên bàn ăn cùng chơi trò ngôn ngữ. Tôi chịu trách nhiệm đặt câu hỏi, ba đứa con tranh nhau trả lời. Ví dụ như tôi hỏi: “Các con, ai hình dung ra được ngày tối trời nhất thì như thế nào nhỉ? Hôm nay mẹ có món đùi gà, ai trả lời đúng sẽ được ăn trước!”

“Ngày tối trời nhất là: tối đen như mực!”

“Chưa phải là câu trả lời hay nhất!”

“Ngày tối trời nhất là: giơ tay ra trước mặt cũng không thấy gì!” Câu trả bằng tiếng Hebrew của Dĩ Hoa là hay nhất. Dĩ Hoa được cắn một miếng đùi gà trước tiên, ba đứa cười lăn với nhau.

“Yeheyebesedr (mọi thứ nhất định sẽ tốt hơn)”. Đây là câu đầu tiên tôi nói với bọn trẻ vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, nó cũng là câu cửa miệng quen thuộc của các bậc cha mẹ Do Thái.

Chỉ là một người phụ nữ bình thường, vào thời điểm đó tôi có lý do để buồn bã khóc lóc, thậm chí vô cùng lo sợ cho tương lai sau này; nhưng trên cương vị một người mẹ trưởng thành, tôi cần dùng thái độ lạc quan, kiên cường, để ung dung đối mặt với mọi chuyện, tôi phải làm tốt vai trò đầu tàu gia đình của mình. Thực tế cuộc sống là tài liệu giảng dạy tốt nhất trong việc giáo dục con cái, thái độ nhiệt tình, kiên trì, không ngại khó và ý chí kiên cường của cha mẹ trong cuộc sống sẽ là trụ cột tinh thần vững chãi nhất của trẻ khi đứng trước khó khăn.

Trở về Israel, quần áo mấy mẹ con mang theo từ Thượng Hải không phù hợp với hoàn cảnh ở đây, chúng tôi liền nhặt quần áo trong giá đựng quần áo cũ ngoài đường đem về dùng. Điểm khác biệt giữa người Do Thái và người Trung Quốc, đó là người Do Thái thường giặt sạch, xếp gập gọn gàng những bộ đồ họ không dùng đến, rồi mang ra đặt vào giá đựng quần áo cũ cạnh thùng rác để những người nghèo khó có thể lấy về dùng. Có một thời gian, quần áo của cả nhà chúng tôi đều lấy từ đó.

Mấy năm sau, tình hình kinh tế của gia đình khấm khá hơn, chúng tôi cũng làm như vậy, giặt sạch, gấp gọn chỗ quần áo cả nhà không dùng đến rồi mang ra xếp cạnh thùng rác, tặng lại những người cần sự giúp đỡ. Sau đó, tôi cẩn thận dặn Huy Huy: “Nếu thấy người khác mặc quần áo của nhà mình, con không được nói đó vốn là quần áo của tôi!”

Không ngờ, ngày hôm sau Huy Huy chạy về nhà rối rít nói: “Mẹ, mẹ ơi, con nhìn thấy một người Liên Xô mặc quần áo của nhà mình! Nhưng con không nói gì đâu, con giả vờ mình không nhìn thấy, rồi đi lướt qua ông ấy.”

“Làm tốt lắm. Đúng là con ngoan của mẹ!” Biết tôn trọng người khác, bạn mới thật sự yêu thương họ, đồng thời nó cũng thể hiện nhân cách của chính con người bạn.

Trước đây khi chúng tôi nhặt quần áo thừa của người khác, lúc nào tôi cũng nghĩ Dĩ Hoa và Huy Huy đã đến tuổi thiếu niên, nếu chẳng may bạn học ở trường chúng bảo: “Ô! Quần áo cậu mặc là đồ của tớ” thì không biết bọn trẻ sẽ ra sao? Nên ở nhà tôi đã phải dặn trước mấy đứa: “Nếu có ai nói, quần áo các cậu mặc là đồ của tớ, thì các con phải nói là, cảm ơn cậu đã giúp đỡ.” Tôi nhắc nhở chúng tuyệt đối không được đáp trả: “Quần áo là do tớ nhặt ở chỗ thùng rác, cậu dựa vào cái gì mà nói là của mình?” Tôi mong bọn trẻ trân trọng sự giúp đỡ của người khác, dù sự giúp đỡ đó là trực tiếp hay gián tiếp.

Bọn trẻ chưa bao giờ hỏi tôi liệu chuyện này có xảy ra không, song tôi tin nếu thật sự có ai nói: “Quần áo bạn mặc là của tớ”, bọn trẻ sẽ lịch sự cảm ơn người đó.

Bức ảnh trên tôi chụp năm hai mươi hai tuổi tại một công viên ở Thượng Hải. Hôm đó, do tâm trạng không vui nên tôi đến công viên dạo, thấy có máy ảnh ở đấy nên tôi mới chụp tấm này. Lúc bấy giờ tôi không nhìn thấy bất kỳ lối thoát hay chút hy vọng nào trong cuộc sống. Vì nghĩ đến lời răn dạy của cha tôi lúc sinh thời, và cũng là để động viên mình, tôi đã chụp bức ảnh này và còn viết một bài thơ vào mặt sau tấm ảnh:

“Trong mùa tươi đẹp nhất này,

Em không biết vì sao em không nghe thấy tiếng ca của anh,

Vì sao em không nhìn thấy nụ cười anh,

Anh hãy hát,

Anh hãy nhảy,

Chớ giày vò bản thân vô vọng trong đợi chờ vô ích.”

Bên dưới là tấm hình tôi chụp năm 1992, vào ngày thứ hai trong lần quay về quê hương. Khi đó tôi còn chưa giỏi tiếng Hebrew, còn những suy nghĩ đang chất chứa như một tảng đá nặng trĩu trong lòng. Khi đi qua sạp hoa tươi, tôi quyết định chụp một bức ảnh trước sạp hoa với mong muốn bước chân và tâm trạng mình cũng tươi tắn như những bông hoa, để nụ cười của tôi có thể mang lại lòng can đảm và sức mạnh cho các con.

Từ khi tự mình xây dựng gia đình, trở thành mẹ của ba đứa con, chưa có giây phút nào tôi quên lời dạy từ người cha Do Thái của mình: Hãy để gia đình tràn ngập lời ca tiếng hát. Mọi người thường nói vợ chồng nghèo khó luôn gặp trăm chuyện sầu khổ, hoàn cảnh kinh tế gần như là thứ có khả năng phá vỡ sức mạnh liên kết trong một gia đình nhiều nhất. Thực tế, những yếu tố khiến sức liên kết của gia đình khó có thể tách rời nhất chính là sự lạc quan và tình yêu thương của cha mẹ. Chính trong lúc các bậc làm cha làm mẹ chúng ta đang tìm đủ mọi cách đáp ứng nhu cầu này yêu sách nọ của con, liệu chúng ta có bao giờ nghĩ đến thứ quan trọng nhất chúng ta cần mang lại cho con là gì không? Nó không phải là vật chất, mà là tinh thần không chịu đầu hàng trước bất cứ nghịch cảnh nào, là phẩm chất đạo đức kiên cường, sự tự tin của cả gia đình, là tình yêu thương vô điều kiện, tính hiệu quả của vị thế người lớn trong gia đình đối với con trẻ. Chỉ có tinh thần lạc quan và tình yêu thương ấy mới tạo nên cội nguồn tinh thần vững vàng cho gia đình, mới khiến tình yêu thương cha mẹ, gia đình trong trẻ còn mãi khi chúng rời xa gia đình.

Bồi dưỡng thái độ lạc quan cho con

1. Cha mẹ và con cái cần phải xác lập niềm tin thay đổi tính cách. Cha mẹ nên nhận biết rõ ràng tính cách bi quan của trẻ. Tính cách có thể được uốn nắn, cha mẹ cần giúp cho con xác lập niềm tin rằng trẻ hoàn toàn có thể hình thành sự lạc quan trong tính cách của mình.

2. Giúp con phân tích bản thân mình một cách đúng đắn, hướng dẫn con thảo luận về tâm trạng tiêu cực. Khuyến khích con miêu tả sinh động nỗi lo lắng của chúng, vì cách miêu tả sinh động, giàu sắc thái sẽ giúp trẻ thư giãn và mang tác dụng trị liệu.

3. Tăng cường mối liên hệ tình cảm giữa trẻ với bạn bè của chúng. Tình bạn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách lạc quan ở trẻ. Cha mẹ cần khuyến khích con cái vui chơi với các bạn cùng độ tuổi, để trẻ học được cách giao tiếp vui vẻ, hòa nhã với người khác.

4. Giúp trẻ điều chỉnh tâm trạng của bản thân. Hướng dẫn trẻ học cách tự gạt bỏ chướng ngại tâm lý, học cách kịp thời hóa giải tâm trạng bi quan.

5. Tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao và làm việc nhà. Những hoạt động này không những giúp trẻ xóa bỏ cảm giác bất lợi và tâm trạng tiêu cực, nó còn giúp trẻ thấy được rằng bản thân trẻ có thể tự kiểm soát và điều khiển thế giới bên ngoài, bồi dưỡng cảm giác thành tựu và lòng tự tin của trẻ.

6. Giảm ham muốn chiếm hữu vật chất ở trẻ. Hãy giúp trẻ hiểu rằng hạnh phúc của cuộc đời không thể đánh đồng với sự giàu có về vật chất. Khi giảng giải đạo lý này với trẻ, cha mẹ nên hạn chế ham muốn vật chất của con.

7. Để trẻ có hứng thú phong phú. Nói về hứng thú và sở thích, cha mẹ hãy cung cấp cho trẻ nhiều kiểu lựa chọn khác nhau, cho trẻ những hướng dẫn thiết yếu, vì cuộc sống tràn đầy hứng thú sẽ dễ tạo cho con người cảm giác hạnh phúc.

8. Làm gương cho con noi theo. Cha mẹ tự kiểm điểm xem bản thân mình có vô tình lan truyền cảm giác lo lắng, buồn chán thái quá cho con hay không. Tuy cha mẹ không nên bảo vệ con quá mức, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cha mẹ không cần bảo vệ con trong chừng mực vừa phải.

9. Khi gia đình đang phải đương đầu với thử thách, cha mẹ càng phải lấy mình làm gương, ung dung đối diện với thử thách của cuộc sống, để trẻ cảm nhận được quyết tâm chiến thắng khó khăn cùng ý chí kiên cường của bạn. Bạn có thể tự nhủ với bản thân một số câu động viên trước mặt trẻ, đừng xem thường những câu nói tự khích lệ bản thân, vì trẻ có thể học cách tự khích lệ bản thân và tâm thế bình tĩnh từ chính bạn.

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky