Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Luyện Trí Nhớ

Phần 12: Nhớ Tên Và Khuôn Mặt

Tác giả: Alphabooks biên soạn

 

Chúng ta, ai cũng thích được người khác nhớ và gọi tên mình một cách trìu mến mỗi khi gặp mặt. Đó là cảm giác hài lòng khi trở thành người quan trọng trong tâm trí người khác. Bạn cảm thấy sao nếu ai đó gọi nhầm tên bạn? 

Chính vì vậy, việc ghi nhớ tên, khuôn mặt đem lại những điều kỳ diệu trong công việc lẫn cuộc sống. Nó tạo ra thiện cảm, góp phần tạo dựng niềm tin. Một học sinh mới nhớ được tên và khuôn mặt mọi người trong lớp chỉ sau một hai buổi học sẽ gây ấn tượng hơn đối với bạn bè. 

Không chỉ vậy, ghi nhớ tên, khuôn mặt sẽ giúp chúng ta tăng thêm sự tự tin ở bản thân, tránh các tình huống lúng túng khó xử. Nếu một người nào đó gọi tên bạn nhưng bạn lại không thể nhớ tên họ thì thật xấu hổ. Tệ hại hơn, bạn không thể nhớ được tên ai đó và hỏi lại tên họ trong khi họ hy vọng rằng bạn có thể nhớ được tên họ. 

Trong công việc cũng vậy. Hãy tưởng tượng bạn đang tham gia một hội nghị và có rất nhiều nhân vật quan trọng tham dự. Tuy nhiên, bạn không thể nhớ được tên và thậm chí là khuôn mặt họ? Phải làm sao đây?

Nếu bạn lỡ rơi vào tình huống đó, đừng vội mặc cảm. Dù sao, bạn cũng đã mắc lỗi, hãy rút kinh nghiệm và bắt đầu học cách ghi nhớ ngay từ bây giờ. Khi nhớ một ai đó, đừng chỉ nhớ tên của họ mà phải cả khuôn mặt họ nữa. 

Trước khi bước vào từng kỹ thuật ghi nhớ, bạn cần nắm rõ ba bước sau: 

Bước 1: Trước mỗi cuộc gặp gỡ, hãy xem như bạn không quen biết bất cứ ai, nhiệm vụ của bạn là phải ghi nhớ họ. 

Bước 2: Chú ý và quan tâm tới từng người bạn trò chuyện, thường xuyên nhắc đến tên họ trong cuộc trò chuyện. 

Bước 3: Liên kết tên và đặc điểm của họ với những gì bạn biết.

Nhớ tên

Hãy vận dụng tất cả các phương pháp bạn vừa đọc được vào việc ghi nhớ tên của mọi người. Khi ai đó cho bạn biết tên, hãy trân trọng khoảng thời gian đó và chú ý đến tên họ. Tập trung vào âm thanh mà họ nói. Quan sát miệng họ và xem cách họ phát âm. Nếu người đó nói tên Lan hay Peter Pike hoặc Elizabeth, hãy xem cấu hình miệng của họ khi phát âm tên mình. 

Nếu bạn không nghe rõ, đừng ngại, hãy đề nghị họ nhắc lại. Vì một lý do gì đó, mọi người thường xấu hổ khi nói rằng: “Tôi xin lỗi, tôi không nghe rõ tên anh. Anh có thể nhắc lại được không?” Chẳng có gì phải xấu hổ về điều đó cả. Bởi tên mỗi chúng ta là sở hữu đáng tự hào của mỗi người và nó cần được thể hiện rõ ràng nhất. Việc bạn hỏi lại thông tin khi nghe không rõ chứng tỏ bạn đang quan tâm đến họ. 

Tiếp đến, hãy áp dụng phương pháp lặp lại. Khi gặp lại người quen, bạn nên tự giới thiệu tên mình trước để tránh gây khó xử cho họ trong trường hợp họ không nhớ tên bạn. Hãy đến gần, trò chuyện và tự giới thiệu.

“Chào Lan, mình là Huy. Chúng ta đã gặp nhau tại hội diễn văn nghệ hè vừa rồi. Lâu rồi không gặp, bạn khỏe không?” 

Không dài dòng, nhưng vẫn đầy đủ ý muốn truyền tải, cách tiếp cận này sẽ giúp bạn tạo được cảm tình trong mắt người đối diện.

Khi nghe một ai đó tự giới thiệu tên, hãy thì thầm cái tên này trong đầu. Sau đó lặp lại ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Cố gắng phát âm đúng tên của mọi người để thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến họ.

“Chào Ngọc An, rất vui được gặp bạn. Mình là Thùy Trâm. Không biết Ngọc An đang học trường nào vậy? À! Thì ra Ngọc An học ở Đại học Bách Khoa. Còn Trâm học bên Kinh Tế.”

Sau khi nhắc lại tên người đó một vài lần, bạn có thể áp dụng phương pháp liên tưởng. Tự nhủ thầm và liên kết tên người đó với một ca sỹ nổi tiếng, thậm chí là trùng tên với người thân trong gia đình hay một người bạn thân v.v…để gia tăng tính liên kết trong trí não bạn. 

Một phương pháp ghi nhớ khác là liên kết hình ảnh. Nếu ấn tượng với vẻ ngoài của người đối diện, bạn có thể liên kết những đặc điểm này với tên của họ. 

Ngọc An là người dịu dàng, làn da mịn màng trắng trẻo và có răng khểnh rất duyên. Chúng ta có thể nhớ cô ấy với hình ảnh “An khểnh”.

Thảo Nguyên, cô bạn vừa nói chuyện trong buổi hội thảo về phương pháp học tập, có phong cách nói chuyện cuốn hút, nhẹ nhàng khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Bạn có thể gọi cô ấy là “Nguyên diễn giả”.

Một cách thức khác giúp bạn ghi nhớ tên hiệu quả là biết được ý nghĩa của cái tên đó. Mỗi cái tên luôn chứa đựng một ý nghĩa riêng. Nắm được điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn. Nó sẽ giúp bạn tạo được cái nhìn thiện cảm với người đối thoại, đặc biệt là người nước ngoài.

Suri theo tiếng Ba Tư nghĩa là Hoa hồng đỏ, còn trong tiếng Do Thái nghĩa là Nàng công chúa. Shiloh Nouvel – Shiloh trong tiếng Do Thái nghĩa là Chúa Cứu thế, Nouvel – tiếng Pháp nghĩa là mới mẻ. Vậy, Shiloh Nouvel có nghĩa là Chúa Cứu thế mới. 

Trong trường hợp bạn trò chuyện với một nhóm người, có thể họ sẽ giới thiệu tên mình rất nhanh. Vì vậy bạn khó có thể ghi nhớ được chúng ngay. 

Lúc này, bạn đừng cố gắng nhớ tên họ. Hãy đề nghị họ nhắc lại tên để bạn nắm rõ hơn. Sau đó nhắc lại: “Rất vui được gặp các bạn: Phương, Hằng, An, Huy.”

Bây giờ, hãy áp dụng phương thức viết tắt. Bạn thu được PHAH từ tên các bạn trên (theo các chữ cái đầu). Hình dung họ là nhóm sinh viên trường Mỹ Thuật chuyên vẽ PHÁcHọa chân dung. 

Dĩ nhiên những chứ cái này không nhất thiết phải sắp xếp theo thứ tự lần lượt từng người. Bạn có thể sắp xếp chúng thành những nhóm từ bạn thích, ví dụ: HAPH – HẢiPHòng.

Nhớ khuôn mặt 

Muốn nhớ ai đó, bạn không chỉ phải nhớ tên của họ mà còn phải ghi nhớ cả khuôn mặt. Khi nghe người đối diện giới thiệu tên, bạn nên tập trung vào cách phát âm, đồng thời quan sát khuôn mặt của người đối thoại. Việc này giúp kết nối tên của người đó với khuôn mặt và giúp bạn kết nối âm thanh với hình ảnh. Tuy nhiên, bạn không nên nhìn chằm chằm vào họ. Việc này khiến cho người đối diện cảm thấy không thoải mái và khó chịu. Bạn phải khéo léo quan sát để ghi nhớ tốt nhất khuôn mặt họ, đồng thời không khiến họ cảm thấy bị đe dọa hoặc lúng túng.

Cách tốt nhất bạn nên quan sát là từ góc nhìn 20 đến 30 độ. Không nhìn trực diện hoặc nhìn nghiêng mà chọn vị trí quan sát tốt theo cả ba chiều. Thông qua góc nhìn này hãy quan sát những đặc điểm thú vị hoặc đặc biệt của khuôn mặt. Gương mặt ấy tròn hay trái xoan? Có má lúm đồng tiền hay không? Tóc xoăn hay tóc thẳng? v.v…

Liên tưởng so sánh 

Bạn hãy chú tâm vào các bức hình dưới đây. Tưởng tượng mình đang trò chuyện với họ.

Rose Bernet là diễn viên múa. Hãy quan sát cô ấy. Trông cô ấy đang lo lắng về điều gì. Điểm nổi bật của cô ấy là chiếc mũ nhung đỏ. Chúng ta sẽ tạo sự liên tưởng giữa tên cô ấy và những đặc điểm này.

Trước tiên chúng ta chuyển tên cô ấy thành những hình ảnh âm thanh dễ nhớ. Liên tưởng Rose với hoa hồng đỏ và họ Bernet với burn-net (cháy dây theo dây chuyền). Bạn hãy hình dung Rose đội chiếc mũ làm bằng những cánh hoa hồng đang lo lắng ngước nhìn ngọn lửa đang lan rộng thiêu rụi khu căn hộ cô đang ở.

Lần sau khi bạn gặp một cô gái đầu đội mũ nhung đỏ, bạn sẽ nhớ ngay đến cảnh tượng cô ấy lo lắng đám cháy theo dây chuyền thiêu rụi căn nhà của cô ấy. “Mũ nhung đỏ” làm liên tưởng đến Rose Bernet. Cô ấy chắc chắn là Rose Bernet.

Đây là Bill Smovolka. Dễ dàng nhận ra điểm nổi bật của anh chàng là mái tóc dài và đôi môi thâm dày. Bạn hãy thử biến chân dung anh ấy thành một bức tranh biếm họa như hình bên. 

Bill có mái tóc bù xù và đôi môi thâm dày vì ngày nào cũng hút thuốc và uống rượu (Smo – volka). Vừa thất nghiệp vừa nghiện ngập nên ngày nào anh ta cũng phải đối mặt với các hóa đơn (Bill). Bạn đã ghi nhớ được “ma men” Bill Smovolka.

Quan tâm đến mọi người

Đôi khi chúng ta nhớ được tên và khuôn mặt của người khác một cách tự nhiên. Họ có những đặc điểm, phong cách gây ấn tượng với bạn ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Bạn nhớ đến họ đơn giản vì bạn cảm thấy yêu thích họ.

Chúng ta có xu hướng nhớ những người ta yêu thương. Vì thế hãy quan tâm đến những người xung quanh nhiều hơn nữa. Hãy hỏi những câu hỏi quan trọng và tìm kiếm các chủ đề thú vị. 

Tóm lại, muốn ghi nhớ một ai đó, hãy tuần tự thực hiện ba bước sau: quan tâm đến tên – quan tâm đến khuôn mặt – kết hợp chặt chẽ hai yếu tố này với nhau.

 

Bình luận