Mưa dầm thấm lâu
Lặp lại là quá trình nhắc đi nhắc lại thông tin mà chúng ta muốn nhớ. Sử dụng phương pháp này tuy đơn giản nhưng lại có sức mạnh to lớn. Đây là cách thức hiệu quả nhất để giúp chúng ta ghi nhớ các thông tin trong cuộc sống.
Bạn mới làm quen với môn Hóa và phải nhớ hằng số Avogadro hay số 6,022×1023. Để ghi nhớ, bạn sẽ lặp lại 6,022×1023; 6,022×1023; 6,022×1023 nhiều lần trong đầu, thì thầm khi làm bài tập, thậm chí nói to khi học thuộc các công thức, định lý cho đến khi nó tự động xuất hiện trong đầu mỗi khi bạn cần. Đó là bản chất của sự lặp lại.
Trong học tập, chúng ta sử dụng phương thức này dưới nhiều dạng khác nhau. Đó có thể là lúc bạn ngồi “ôm” sách vở học thuộc các sự kiện lịch sử; nhẩm đi nhẩm lại bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, các công thức toán học, vật lý, hóa học…; luyện tập nhiều lần cùng một dạng bài.
Vậy làm sao chúng ta có thể tận dụng tối đa phương pháp này đối với việc ghi nhớ? Trước tiên, nếu muốn ghi nhớ bài giảng, ta nên ghi chú đầy đủ thông tin. Đây là lần lặp lại đầu tiên. Ngay sau buổi học hoặc thời điểm thuận tiện gần nhất, ta xem lại, chỉnh sửa, bổ sung cho phần ghi chú bài giảng của mình nếu cần thiết. Đây là sự lặp lại lần thứ hai. Lần lặp lại này sẽ giúp chúng ta có được sự chú tâm đầy đủ vào những thông tin mình đã ghi lại, từ đó liên kết chúng với những thông tin trước đó và thường xuyên xem lại chúng để củng cố vững chắc hơn kiến thức của mình theo thời gian.
Nếu cảm thấy không an tâm, chúng ta có thể truy bài cùng bạn bè trước mỗi kỳ thi. Hãy lặp lại bất kỳ kiến thức quan trọng nào.
Lan – một sinh viên xuất sắc là một ví dụ. Vốn là người rất chăm chỉ, cô sử dụng phương pháp lặp lại này trong suốt quá trình học tập của mình. Sau giờ học, Lan thường sắp xếp thời gian rảnh để bố trí lại những bài giảng của thầy cô theo cách riêng của mình. Lan tạo ra bài học theo phong cách cá nhân khiến chúng trở nên khoa học, dễ nhớ và dễ học hơn.
Ngoài ra, để củng cố và gia tăng khả năng lưu trữ thông tin trong bộ nhớ, bạn nên kết hợp các hình thức lặp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Ví dụ, đối với việc học từ mới trong môn Ngoại ngữ, chúng ta thường quen với việc thầy cô đọc trước, các trò lặp lại theo sau. Mỗi lần như vậy, bạn nên cố gắng vừa đọc theo thầy cô vừa ghi ra giấy và lặp lại nhiều lần. Sau đó, xem lại một lần nữa những gì bạn đã ghi. Như vậy bạn đã thực hiện được ba lần lặp. Tiếp tục đọc nó một vài lần nữa, viết ra giấy phiên âm và cách viết của từ. Đừng quên giới hạn số lượng từ bạn cần nhớ trong một ngày và nhớ lại những từ, cụm từ hôm trước đã học.
Để tăng thêm hiệu quả ghi nhớ, bạn nên đưa chúng vào ngữ cảnh phù hợp. Hình ảnh càng cụ thể, ta càng nhớ nhanh. “Gatto” trong tiếng Italia nghĩa là con mèo. Bạn có thể nói: “Tôi đang xem phim trong phòng thì thấy tiếng động, hóa ra con mèo “gatto” nhà tôi đang ăn vụng chiếc bánh ga-tô trên bàn bếp.”
Đơn giản nhưng mạnh mẽ, hãy lặp lại hoạt động phù hợp với cách trí não con người xử lý dữ liệu. Thông tin được hiển thị càng nhiều, trí não bạn càng dễ dàng phát hiện ra những điểm quan trọng trong đó. Phát hiện càng nhiều điểm quan trọng, trí não bạn sẽ càng chú tâm lưu giữ nó. Quá trình này diễn ra một cách tự nhiên. Bạn không thể tác động vào thông tin mà chỉ có thể lặp lại các thông tin đó một cách tích cực mà thôi, vì thế đừng quên bổ sung cách thức này vào trong bộ công cụ ghi nhớ của bạn nhé.
Nhớ những cụm từ tăng dần theo độ dài
Trước đây, đối với Minh, Văn học là môn rất “khoai”. Không chỉ vì cậu thiếu cảm xúc mà cậu còn gặp khó khăn khi nhớ các bài thơ, những trích đoạn hấp dẫn từ các truyện ngắn hay tiểu thuyết. Minh nhận ra nếu không cố gắng, mình có thể bị thi trượt. Cậu quyết tâm luyện tập theo những lời khuyên và tư vấn từ bạn bè và thầy cô.
Trước tiên, cậu bắt đầu đọc những đoạn có độ dài vừa phải một vài lần để trí não nhận biết thông tin. Sau đó, Minh ráp nối những đoạn nhỏ lại với nhau thành những đoạn lớn hơn và cứ thế cho đến khi nhớ được cả bài. Dần dần, cậu hình thành được thói quen nhớ lâu hơn, và thấy môn Văn không còn là một “cực hình” như trước đây nữa.
Lặp lại là một phương pháp tối ưu. Tuy nhiên, số lần lặp lại để ghi nhớ cũng phụ thuộc vào mức độ phức tạp của thông tin. Để ghi nhớ một số đơn giản như giá trị của số ”pi” chính xác với hai số thập phân: 3,14, bạn có thể chỉ cần vài lần lặp lại 3,14. Cũng số “pi” đó nhưng với giá trị chính xác đến 20 số thập phân như 3,14159265358979323846 thì phải lặp lại nhiều hơn với độ dài tăng dần. Đối với các trường hợp thế này, bạn cần lặp lại nhiều lần trong ngày, thậm chí bạn nên đầu tư thời gian ôn luyện đến khi nhớ hết chúng.
Học hỏi kỹ năng thực tế bằng cách lặp lại
Ông bà ta thường có câu “Học đi đôi với hành”, càng thực hành nhiều, bạn càng ghi nhớ sâu những kỹ năng mới. Bạn bỏ ra hàng giờ đồng hồ vẽ đi vẽ lại sơ đồ mạch điện môn Kỹ thuật, em trai của bạn dành cả kỳ nghỉ hè để tập chơi bóng hay nhóc tì nhà hàng xóm chiều nào cũng mang xe đạp ra sân khu tập thể tập đi…
Thực tế, phương pháp lặp lại không chỉ giúp chúng ta ghi nhớ thông tin, ý tưởng mà còn rất hữu ích trong quá trình học hỏi các kỹ năng thực tế.
Bạn nhớ mình bắt đầu tập đi xe máy như thế nào chứ? Đầu tiên, bạn được hướng dẫn bằng lý thuyết từ các bước kiểm tra phanh tay, phanh chân, đèn xi nhan, pha, kính chiếu hậu, còi, xăm lốp trước khi ngồi lên xe nổ máy. Nhưng chỉ đến khi cảm giác đạp chân thắng, tay phải vừa kéo ga vừa điều khiển tay lái hay vừa xi nhan vừa kéo còi và điều khiển hướng xe,… mới khiến bạn cảm thấy thực sự khó khăn và gượng gạo. “Trăm hay không bằng tay quen”, chỉ cần bạn thường xuyên luyện tập, những cảm giác trên dần trở nên quen thuộc hơn và trở thành một phản xạ tự nhiên của bạn.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn lao vào luyện tập. Cũng giống như trí nhớ, các giác quan của bạn sẽ không thể tiếp nhận nhiều thông tin cùng lúc. Bạn có thể rã rời và căng thẳng nếu vừa học đá bóng, bóng rổ, vừa học lái xe,… trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng sẽ khiến bạn rối bạn và chắc chắn không thể tiếp nhận được hết những thông tin quan trọng. Vì vậy, bạn cần dành thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi giữa các hoạt động.