Sau hình ảnh, âm thanh có lẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp bạn ghi nhớ tốt thông tin. Nếu như cảm nhận thị giác là sự nhận thức các hình ảnh trực quan thì cảm nhận thính giác lại là quá trình nhận thức âm thanh.
Chú tâm đến âm thanh
Đều chung cách thức tác động vào não bộ nhưng cảm nhận thính giác lại có một hạn chế so với cảm nhận thị giác. Trí não chúng ta không thể “vẽ” nên bức tranh về những gì chúng ta được nghe. Không chỉ vậy, phạm vi cảm nhận âm thanh hẹp hơn rất nhiều so với cảm nhận hình ảnh.
Chính vì vậy, bạn phải tăng cường độ chính xác của thông tin nghe được. Đó cũng là cách giúp bạn gia tăng sự chú tâm của mình vào âm thanh, từ đó cho phép bản thân nghiền ngẫm những thông tin nghe được.
Một người nghệ sĩ không cần nhìn vào giấy vẫn có thể tấu những bản nhạc một cách chính xác. Những người khiếm thị nhận biết được người quen thông qua giọng nói. Một thợ sửa xe lành nghề chỉ cần nghe tiếng động cơ nổ cũng có thể bắt bệnh được chiếc xe. Họ là những chuyên gia nắm bắt các sắc thái âm thanh và nhịp điệu giọng nói.
Để thực hành phương pháp này, trước hết bạn hãy nhắm mắt lại, lắng nghe mọi chuyển động xung quanh. Bạn cảm nhận được những gì? Tiếng gió thổi, tiếng trò chuyện, tiếng bước chân người qua lại hay tiếng ồn ào của các phương tiện giao thông?
Một học sinh sau những giờ học vất vả có thể ngủ ngon giấc mặc bao tiếng ồn ào, náo động xung quanh. Nhưng khi tiếng đồng hồ báo thức vang lên, ngay lập tức cậu tỉnh giấc.
Như vậy trong bộ não của cậu học sinh đó đã lập trình sẵn sự chú tâm vào âm thanh báo thức từ chiếc đồng hồ. Tại một thời điểm, nhận thức của cậu ấy hoàn toàn tập trung vào việc ngủ. Thời điểm tiếp theo, nhận thức càng lúc càng tập trung vào tiếng chuông báo thức và nhanh chóng tỉnh dậy khi nó vang lên.
Bạn có thể luyện tập sự chú tâm này bằng cách lắng nghe và ghi lại những gì bạn nghe được. Lắng nghe bài giảng của giáo viên và ghi chép theo cách thức của riêng mình. Lắng nghe các thông tin trên truyền hình hoặc radio và ghi lại những thông tin quan trọng.
Mỗi ngày luyện tập một vài phút, bạn sẽ gia tăng khả năng chú tâm của mình. Bạn sẽ nghe được nhiều hơn, chính xác hơn và nhớ tốt hơn.
Biến các con số thành giai điệu
Phần ghi nhớ con số sẽ được trình bày chi tiết trong phần sau. Tuy nhiên trong phần này, bạn có thể bắt đầu làm quen với bài tập nhỏ sau đây:
Khi gặp một dãy số cần nhớ, bạn hãy đọc to chúng một vài lần. Vừa đọc bạn vừa mường tượng ra hình ảnh các con số. Khi đó, bạn vừa ghi nhớ được hình ảnh, vừa nhận biết âm thanh của các con số. Hình ảnh và âm thanh sẽ hỗ trợ nhau, giúp bạn gia tăng khả năng ghi nhớ con số.
Trong trường hợp vì lý do an toàn (mã số ATM…) hoặc đang trong khu vực cần sự yên tĩnh, hãy tưởng tượng các con số đang nói gì. Sau đó ghi nhớ chúng theo đúng trật tự đã cho.
Âm nhạc và trí nhớ
Nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc rất hữu ích trong việc phát triển trí nhớ. Các bà mẹ đang mang thai được khuyên nghe nhạc để giúp trí não thai nhi phát triển. Các bác sĩ sử dụng liệu pháp âm thanh để chữa trị các bệnh lý hoặc các vấn đề về trí não.
Một môi trường yên tĩnh sẽ giúp tập trung tốt. Nhưng yên tĩnh tuyệt đối lại có thể gây tác dụng ngược lại. Đối với nhiều người, môi trường học tập quá yên tĩnh gây khó khăn cho việc học. Họ cảm thấy tù túng, khó chịu lẫn mệt mỏi.
Nếu gặp khó khăn khi góc học tập quá yên tĩnh, bạn có thể mở một bản nhạc với âm lượng vừa phải. Bạn nên chọn những bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu thoải mái. Việc học trên nền nhạc đó sẽ giúp bạn tập trung tốt, loại bỏ áp lực và căng thẳng.
Thơ ca và vần điệu
Trước khi lịch sử được chép lại, thơ ca và văn vần là một trong những phương thức giúp chúng ta ghi nhớ các sự vật hiện tượng. Đó cũng là cách để truyền đạt kinh nghiệm giữa các thế hệ với nhau.
Những thiên sử thi, trường ca, thậm chí những câu hát ru, những bài dân ca, đồng dao đều chứa đựng vô vàn thông tin quan trọng. Vần điệu trong các bài thơ hay nhịp điệu trong các bài dân ca, đồng dao làm cho chúng trở nên độc đáo, hấp dẫn và dễ nhớ. Vậy tại sao chúng ta không thử thơ ca hóa những điều mình cần ghi nhớ?
Với mỗi đối tượng bạn cần nhớ, thử tạo ra mối liên hệ giữa chúng với các vần điệu. Bạn có thể tạo một bản nhạc, một bài thơ từ chúng. Điều này giống như lúc bạn học bảng chữ cái:
“O tròn như quả trứng gà.
Ô thì đội mũ.
Ơ thời thêm râu.
P là I bị gù lưng.
Q là quả trứng một chân biết bò….”.
Hay biến bảng chữ cái tiếng Anh thành một bài hát: “A, B, C, D, E, F, G – H, I, J, K, L, M, N, O, P – Q, R, S – T, U, V – W, X ,Y, Z.”
Kỹ năng này đòi hỏi bạn đầu tư sự sáng tạo và nhiệt huyết của bản thân. Nhưng bù lại nó tạo ra các yếu tố thú vị và hấp dẫn. Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ hiệu quả hơn và khám phá ra tài năng tiềm ẩn của mình.