Hai người đàn ông đang ốm nặng, ở chung một phòng trong bệnh viện. Một người được phép ngồi trên giường một tiếng mỗi ngày để lọc khí phổi. Giường của ông gần với chiếc cửa sổ duy nhất của phòng. Người đàn ông còn lại phải nằm cả ngày trên giường.
Hàng ngày, hai người đàn ông lần lượt kể chuyện cho nhau nghe về gia đình, công việc, về những ngày phục vụ trong quân đội, những nơi họ đã đặt chân đến. Và mỗi buổi chiều, trong một tiếng được ngồi dậy “theo quy định”, người đàn ông ngồi gần cửa sổ luôn cố gắng kể cho người bạn cùng phòng nghe những điều ông nhìn thấy qua ô cửa nhỏ.
Một tiếng ngắn ngủi ấy luôn khiến cho người đàn ông nằm ở giường bên kia cảm thấy sức sống trong mình mạnh mẽ hơn, đó là lúc thế giới của ông rộng mở và trở n ên sống động hơn với những hoạt động và màu sắc của thế giới bên ngoài. Người bạn già kể cho ông nghe về một công viên rất đẹp với hồ nước xanh mát bên ngoài ô cửa, nơi những chú vịt và thiên nga thanh thản bơi trong nước, những đứa trẻ thả thuyền giấy với tiếng cười lanh lảnh hàng ngày. Những người yêu nhau tay trong tay ngồi bên những bông hoa rực rỡ như bảy sắc cầu vồng. Phía xa là những hàng cây cổ thụ và cảnh thành phố thanh bình. Ông thường nhắm mắt lại để tưởng tượng là những điều tuyệt vời ở phía ngoài ô cửa qua lời kể của người bạn già cùng phòng, với tất cả sự thích thú và niềm say mê cuộc sống.
Một buổi chiều ấm áp, người đàn ông bên cửa sổ kể cho ông nghe một cuộc diễu hành đang diễn ra ngoài phố. Mặc dù, ông không thể nghe thấy tiếng nhạc, không nhìn thấy đoàn quân chỉnh tề, nhưng ông có thể tưởng tượng ra những gì đang diễn ra thông qua lời miêu tả rất đẹp và sinh động của người bạn cùng phòng.
Một buổi tối muộn, người đàn ông nằm bên cửa sổ lên cơn ho liên tục. Có lẽ ông ta đang bị tắc ống khí quản ở phổi. Các bác sĩ, y tá cố gắng chạy chữa nhưng lực bất tòng tâm.
Một thời gian sau khi sức khỏe người đàn ông còn lại tốt hơn, các y bác sĩ chuyển ông sang chiếc giường cạnh cửa sổ. Bồi hồi nhớ lại người bạn cùng phòng người đàn ông cố gắng ngồi dậy thật chậm, để tự mình chiêm ngưỡng cuộc sống sôi động và đầy lôi cuốn bên ngoài. Nhưng tất cả những gì ông nhìn thấy chỉ là MỘT BỨC TƯỜNG MÀU TRẮNG!
Ông thấy tim mình thắt lại, những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Nguồn Internet
Câu chuyện cảm động về tình người trên đây cho ta biết được sức mạnh của trí tưởng tượng. Nó như thứ phép lạ giúp con người có thể vui sống và mau khỏi bệnh.
Trong cuộc sống, bạn cũng sử dụng trí tưởng tượng để vẽ nên những bức tranh, hình ảnh về các sự vật hiện tượng trong trí não. Khi bạn nghĩ về món gà quay, ngay lập tức hình ảnh một chú gà vàng ươm, béo ngậy kèm theo chén nước chấm dậy mùi cay nồng hiện ra trong trí não bạn.
Kỹ thuật tưởng tượng có sức mạnh to lớn giúp bạn ghi nhớ các sự vật hiện tượng nhanh chóng và dễ dàng. Bạn “chụp ảnh” các thông tin muốn ghi nhớ và sau đó tham khảo những hình ảnh này để gợi nhớ những chi tiết quan trọng.
Thực tế, tất cả các phương pháp và kỹ thuật ghi nhớ đều dựa trên nền tảng liên tưởng và tưởng tượng. Nói một cách khác, nếu muốn ghi nhớ bất cứ điều gì, bạn phải liên tưởng chúng với những gì bạn đã biết. Và tưởng tượng là công cụ để bạn thực hiện điều đó.
Nhưng trước tiên bạn cần phải rèn luyện cho mình một kỹ năng quan sát tốt. Nó sẽ giúp bạn tập trung vào các chi tiết chính của sự vật hiện tượng để liên tưởng chúng với những gì quen thuộc trong trí não của bạn.
Quan sát hình ảnh
Bạn tham gia một buổi tiệc sinh nhật. Trong lúc đang trò chuyện cùng bạn bè thì một người đến gần và hỏi: “Trông cậu quen thế. Mình gặp cậu ở đâu rồi thì phải!”
Tại sao người đó không nói: “Tên cậu quen quá. Mình nhớ đã thấy tên cậu ở đâu rồi thì phải!” Tại sao tất cả mọi người khi gặp người mình có cảm giác quen thuộc đều nói “trông mặt quen quen” mà không phải là “tên quen quen”?
Thực tế, bộ não của chúng ta xử lý hình ảnh chính xác và nhanh chóng hơn so với các hình thức khác. Chính vì vậy, hình ảnh về thông tin sự vật sẽ đập vào mắt chúng ta đầu tiên, sau đó chuyển đến não bộ và các giác quan khác để xử lý thông tin.
Khi bạn gặp ai đó, khuôn mặt, cử chỉ của họ sẽ được lưu trữ vào tâm trí bạn, nhiều khi là vô thức. Và khi gặp lại họ, bạn có cảm giác quen thuộc.
Tuy nhiên, không phải lúc nào trí não bạn cũng bắt kịp các hình ảnh cần nhớ. Nắm bắt hình ảnh sự vật, sự việc càng rõ ràng, bạn càng dễ ghi nhớ và tái hiện chúng mỗi khi cần.
Chẳng hạn, bạn tham dự một lớp học về Quảng cáo, tất cả bài giảng đều được trình bày bằng PowerPoint. Muốn ghi nhớ tốt bài giảng, bạn cần phải “tai nghe, mắt nhìn, tay ghi”. Hay nói cách khác, bạn vừa nghe giảng vừa theo dõi các kiến thức được hình ảnh hóa hiện trên màn chiếu. Càng quan sát tốt hình ảnh, bạn càng hiểu bài và ghi nhớ thông tin tốt hơn.
Bài tập
1. Lấy một trang giấy trắng (cỡ giấy A4), ghi lần lượt các số tự nhiên từ 1 đến 100 vào những vị trí bất kỳ trên mảnh giấy. Trong vòng 3 phút thử tìm theo thứ tự 100 số đó bằng cách khoanh tròn (nghĩa là bạn phải tìm ra số 1 trước khi tìm ra số 2).
Cũng trò chơi trên nhưng chơi với nhiều người. Các bạn thi xem ai tìm được nhiều số hơn. Sau đó nâng lên thành 200, 300 số …
2. Cho dãy số sau, trong vòng 1 phút, hãy tìm số không theo quy luật:
012345678910111213141516171819202122232425262728293031323334353637383940414243444454647484950515253545556575859 60.
3. Tìm các từ sau trong bảng dưới đây: MINDMAP, MEMORY, IMAGE, ATTEND, PISE, REPEAT, WORD, MUSIC, THINK, TRACT, POSITIVELY, ACRONYM, GORSY, TYPIC, PECK, APPLE, NOTE, TEST, WRAP, RAMP, PASS, GONE, EVENT
Giai điệu, vần điệu
Chúng ta thường có xu hướng nhớ giai điệu các bài hát, câu thơ nhanh hơn là trích dẫn một đoạn văn xuôi, hay một định lý, định luật hay khái niệm khoa học. Bộ não chúng ta có xu hướng “thích” nghe các thông tin kèm vần điệu hoặc nhịp điệu hơn là những thông tin truyền đạt thông thường.
Lấy ví dụ: Hai giáo viên cùng khoa, cùng trường nhưng tại sao trong mắt học trò một người được mệnh danh là “giáo sư ru ngủ” , còn một người có khả năng “thôi miên” và khiến các học sinh say mê nghe giảng. Sự khác biệt của họ không phải ở kiến thức, nội dung bài giảng mà ở phương pháp truyền đạt. Sức cuốn hút của người thầy “thôi miên” nằm ở các điểm nhấn nhá, sự trầm bổng của giọng nói, những khoảng ngắt nhịp, giao tiếp bằng ánh mắt, ngôn từ với học trò,… Chính phương pháp này mang đến cho các học trò một bức tranh sinh động về bài giảng bởi giai điệu, âm thanh hoặc vần điệu luôn giúp trí não tiếp nhận thông tin, kích hoạt các dòng ký ức nhanh chóng và dễ dàng.
Giai điệu, âm thanh hoặc vần điệu giúp cho trí não chúng ta tiếp nhận thông tin và gọi lại ký ức dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng như vậy là chưa đủ nếu bạn muốn ghi nhớ giai điệu ca từ của bài hát.
Bạn bắt gặp một bản nhạc hay. Bạn thích thú và muốn ghi nhớ nó. Nhưng khó lòng nhớ được khi bài hát cứ lướt qua đi rồi kết thúc. Lúc này bạn cần đến khả năng ghi nhớ bài hát. Bạn vừa nghe vừa hình dung ra bức tranh bài hát vẽ nên. Giả sử bạn muốn ghi nhớ bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải:
“Hà Nội mùa này…vắng những cơn mưa.
Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh.
Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp.
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về.”
Trong đầu bạn sẽ hiện lên: bức tranh Hà Nội phố vào một buổi chiều đông không buông nắng. Trên con đường Cổ Ngư, bạn đang dạo bước dưới hàng hoa sữa thơm lừng. Mỗi lời ca là một nét vẽ trong bức tranh tuyệt đẹp ấy.
Bạn hãy thả mình vào khung cảnh bài hát, tưởng tượng mình đang dạo phố trong cái se lạnh của cơn gió chiều đông, trong tiếng nhạc du dương của bài hát.
Khi bạn hòa mình vào nhịp điệu, lời ca của bài hát cũng có nghĩa bạn đang rất chú tâm vào nó. Những bức tranh bạn vẽ nên kết hợp với từng giai điệu làm cho chúng in sâu vào tâm trí của bạn. Điều này có thể in sâu đến mức chỉ cần giai điệu bài hát vang lên, những hình ảnh lập tức hiện ra trong tâm trí bạn.
Câu chuyện
Chúng ta đã đọc và nghe rất nhiều tác phẩm văn học khác nhau, từ những câu chuyện cổ tích cho đến các tác phẩm văn học trứ danh. Tuy nhiên, nhiều lúc khi đọc xong cả câu chuyện mà bạn vẫn không thể nắm được mạch truyện. Bạn dành nhiều thời gian theo dõi câu chuyện nhưng lại bỏ qua những chi tiết quan trọng, lẫn lộn giữa các chương, các nhân vật. Tâm trí bạn “rong chơi” ở nơi nào khác. Vậy làm sao khắc phục được điều này?
Trong quá trình đọc, bạn hãy cố gắng vẽ nên bức tranh toàn cảnh về câu chuyện hoặc cuốn sách trong trí não bạn. Hình dung trang phục, hình dáng, cử chỉ điệu bộ và hành động của các nhân vật trong truyện. Hòa mình vào diễn tiến câu chuyện. Cảm nhận âm thanh, hình ảnh trong câu chuyện bằng tất cả các giác quan. Tất cả những điều này sẽ giúp câu chuyện trở nên sống động, thực tế hơn, nhờ đó ghi nhớ chúng tốt hơn.
Để gia tăng hiệu quả cảm nhận, bạn cần gắn cảm xúc của mình vào diễn tiến câu chuyện. Tự đặt mình vào vị trí của nhân vật để cùng sống, cùng cảm nhận và hành động với nhân vật. Bạn sẽ trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh tưởng tượng trong câu chuyện và việc ghi nhớ chỉ còn là chuyện nhỏ.
Quá trình
Không giống như các câu chuyện và bản nhạc, các đề tài liên quan đến kỹ thuật, quy trình mang tính khoa học cao không có những từ miêu tả bóng bẩy hay sự kết nối cảm xúc. Tuy vậy bạn vẫn có thể sử dụng trí tưởng tượng để lưu giữ những hình ảnh trực quan minh họa cho các khái niệm và quy trình này.
Bạn đang học về cơ chế của động cơ đốt trong 4 thì. Thay vì cố gắng ghi nhớ những hoạt động diễn ra bên trong mỗi giai đoạn và kết quả của chúng, hãy hình dung toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Hình dung tất cả các bộ phận, chu trình không khí, phun nhiên liệu, đốt cháy, đẩy piston, xoay trục cam và sau đó kéo theo bánh xe chạy. Kỹ thuật này có thể được áp dụng cho bất cứ quá trình, chu kỳ hay hệ thống nào bạn muốn hiểu và ghi nhớ.
Tuy nhiên, hãy cố gắng hình dung ra càng nhiều chi tiết càng tốt. Bạn có thể phóng đại hình ảnh để quan sát từng chi tiết hoặc thu nhỏ lại để xem xét sự liên kết của các bộ phận trong hoạt động tổng thể. Bạn cũng có thể xoay bức tranh để quan sát dưới nhiều góc độ. Bức tranh bạn hình dung càng sinh động càng dễ ghi nhớ.
Với việc sử dụng kỹ thuật này, bạn nhận thức được thông tin rõ ràng hơn. Hình dung sự việc càng tốt bạn càng biết cách liên kết chúng một cách phù hợp để ghi nhớ nhanh chóng và hiệu quả.
Hướng dẫn
Để hiểu rõ quy trình, bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng để tìm hiểu nhiệm vụ hoặc ghi nhớ chuỗi hướng dẫn. Khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, bạn thường phải học một loạt chuỗi hướng dẫn. Những hướng dẫn này có thể gây khó khăn cho việc ghi nhớ bởi ngoài việc ghi nhớ các mục, bạn còn phải ghi nhớ thứ tự các bước thực hiện chúng.
Nhưng với trí tưởng tượng, bạn có thể làm điều đó một cách dễ dàng hơn. Hãy tập hợp tất cả các bước hướng dẫn và tưởng tượng bản thân mình đang thực hiện chúng.
Bạn được hướng dẫn cách thi công lắp đặt hệ thống điện gia đình. Tưởng tượng trong đầu bạn hình ảnh các bước thực hiện và tự tay thực hiện quy trình này từ đầu đến cuối. Khi thầy giáo hướng dẫn bạn đấu nối đồng hồ điện, hãy tưởng tượng mình đang thực hiện công việc đó tại chính nhà mình. Suy nghĩ, mường tượng lại các hướng dẫn hoặc nhiệm vụ một cách thường xuyên để khiến chúng trở thành thói quen của bạn.
Danh sách
Tưởng tượng cũng là một trong những công cụ tốt nhất để giúp bạn ghi nhớ các danh sách. Kết hợp với các kỹ thuật ghi nhớ khác như chú tâm và liên kết, tưởng tượng giúp bạn xâu chuỗi các mục trên danh sách thành một khối thống nhất bền chặt.
Ví dụ, bạn được mẹ nhờ đến siêu thị mua một số vật dụng. Vì vội đi, bạn quên đem theo danh sách các món hàng cần mua. Bạn phải ghi nhớ danh sách những thứ cần mua: chuối, cá, chảo rán, ô tô (đồ chơi), khăn tắm, đũa gỗ, bánh mì, sữa, áo sơ mi, chậu hoa. Bạn có thể tiếp cận chúng bằng rất nhiều cách. Trong đó, bạn có thể phân chia 10 món này thành 4 nhóm có cùng đặc điểm như sau:
Thực phẩm: cá, chuối, bánh mì, sữa.
Đồ tơ sợi: áo sơ mi, khăn tắm.
Đồ nhà bếp: chảo rán, đũa gỗ.
Đồ giải trí: chậu hoa, ô tô.
Sau đó bắt đầu ghi nhớ từng nhóm. Để giúp bạn hình dung đầy đủ kỹ thuật này, chúng ta sẽ học cách thức ghi nhớ danh sách đầy đủ 10 món trên mà không có sự phân chia thành các nhóm nhỏ.
Việc đầu tiên bạn cần làm là tưởng tượng ra từ “chuối”. Chúng ta đều biết quả chuối trông như thế nào. Ngay lập tức hãy hình dung ra hình dạng, màu sắc hay mùi vị thơm ngon của nó. Bạn cần cố gắng hình dung ra hình ảnh cụ thể sống động nhất có thể.
Tiếp theo chúng ta ghi nhớ “con cá”. Chúng ta tạo mối liên kết giữa “quả chuối” là từ đã ghi vào trí nhớ với từ “con cá” mà ta muốn nhớ.
Như đã đề cập ở trên, nên tạo “mối liên hệ giữa hai hình ảnh phải thật khác lạ, buồn cười”. Bạn có thể tưởng tượng một con cá khổng lồ, đầu rẽ mái ngồi vắt vẻo trên cây đang bóc từng quả chuối đưa vào miệng.
Tiếp đến là “chảo rán”. Hãy tưởng tượng một con cá chép đang nhảy múa trong lòng chảo. Một bên cầm quả chuối đưa vào miệng, một bên vẫy tay mời gọi bạn. Thậm chí bạn có thể nắm vây của nó để cùng nhảy múa…Bạn đã ghi nhớ được nó rồi chứ? Chúng ta sang từ kế tiếp.
“Ô tô đồ chơi”? Chúng ta tạo mối liên kết giữa “chảo rán” và “ô tô”. Hãy tưởng tượng một chiếc xe BMW hình chiếc chảo rán đang lao nhanh trên đường. Chú ý sự khác lạ của hình dạng chiếc xe với những phương tiện xung quanh.
Để liên kết từ “ô tô” với “khăn tắm”, hãy tưởng tượng chú cá chép to lớn mình quấn chiếc khăn nằm sưởi nắng bên cạnh chiếc “ô tô chảo rán”. Hãy chú ý đến vẻ mặt hợm hĩnh thỏa mãn của chú cá này.
Tạm dừng một chút, bạn theo kịp các đồ vật ở trên chứ? Chậm rãi, cố gắng tưởng tượng và liên kết chúng lại trước khi bước sang đồ vật tiếp theo.
Tiếp đến là “đũa gỗ”. Chúng ta liên kết “khăn tắm” và đũa gỗ”. Điều này khá dễ dàng, tưởng tượng một chiếc khăn tắm in hình đôi đũa gỗ chạm khắc tinh vi cạnh hình một chiếc bát ngộ nghĩnh.
Tiếp đến là từ “bánh mì”. Tưởng tượng chiếc đũa gỗ đâm xuyên qua ổ bánh mì đang quay tròn trên ngọn lửa. Sau mỗi lần chiếc đũa gỗ quay thì hương thơm từ ổ bánh mì càng tỏa ra mạnh hơn.
Với từ “sữa” – hãy tưởng tượng hàng trăm lít sữa được đổ vào khuôn để 3 phút sau cho ra những ổ bánh mì thơm phức. Những ổ bánh mì đặc biệt làm hoàn toàn từ sữa. Chỉ cần dùng dao rạch nhẹ là một dòng sữa tươi từ bên trong ổ bánh mì liền chảy ra.
Tiếp đến là “áo sơ mi”, tưởng tượng đại gia đình bánh mì nướng vừa đề cập ở trên đang mặc áo màu trắng đi tung tăng trên đường với mùi thơm hấp dẫn cuốn hút tỏa ra xung quanh. Hãy chú ý đến vẻ mặt hứng khởi của chúng.
Cuối cùng là “chậu hoa”. Hãy hình dung gia đình bánh mỳ mặc áo sơ mi trắng ở trên bắt gặp một cô bán hàng rong với rất nhiều chậu hoa khoe sắc. Họ dừng lại và cùng nhau mua một số chậu để trang trí thêm cho căn bếp nhà mình.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong danh sách những thứ cần mua. Bây giờ hãy thử liệt kê lại để kiểm tra bạn ghi nhớ được bao nhiêu. Nếu bạn lỡ quên một vật nào đó thì cũng đừng vội thất vọng. Chỉ là các hình ảnh tưởng tượng chưa đủ mạnh để bạn có thể ghi nhớ ngay lập tức. Hãy bắt đầu trở lại bằng những hình ảnh hiệu quả hơn. Bạn sẽ không chỉ ghi nhớ tốt danh sách này mà còn có thể ghi nhớ thêm được nhiều loại danh sách dài và phức tạp hơn.