Bạn và tôi đã cùng tìm hiểu, thảo luận và áp dụng một vài kỹ thuật gia tăng trí nhớ. Lặp lại, liên tưởng, phân nhóm, tưởng tượng và âm thanh, mỗi kỹ năng có những thế mạnh riêng nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn kết hợp chúng lại với nhau. Kết hợp các kỹ thuật này sẽ làm gia tăng hiệu quả ghi nhớ lên gấp bội. Việc kết hợp hoàn toàn phụ thuộc vào ý thích của bạn, tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số cách kết hợp dưới đây.
Hình ảnh và âm thanh
Ở các phần trước, chúng ta biết đến vai trò của hình ảnh và âm thanh riêng lẻ trong quá trình ghi nhớ thông tin. Tuy nhiên, đến phần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách thức kết hợp hai phương pháp này để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình ghi nhớ.
Một ví dụ điển hình cho phương pháp kết hợp này là học tên và từ mới. Bạn có thể nhìn thấy cách viết của mỗi từ và nghe được phát âm của từ. Sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh sẽ giúp bạn “in đậm” thông tin đó vào trong trí não hơn. Càng nhiều liên kết, khả năng ghi nhớ của bạn càng mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, khi bạn vừa xem tin tức trên tivi, bạn muốn nhớ tên của diễn viên hành động kiêm chính khách người Mỹ, Arnold Schwarzenegger. Để nhớ tên của diễn viên này, bạn hãy tách chúng thành: “Ar” và “nold” cộng với “Sch”, “war” “ze”, “neg” “ger”. Sau đó cố gắng phát âm từng cụm từ ở trên. Tiếp tục nhìn vào từng nhóm và phát âm chúng. Sau đó quay trở lại tên ban đầu, quan sát chúng và đọc lại. Thực hiện điều này một vài lần cho đến khi bạn ghi nhớ.
Một tác dụng khác của việc kết nối hình ảnh và âm thanh xuất phát từ thực tế rằng một số người ghi nhớ âm thanh tốt hơn hình ảnh hoặc ngược lại. Điều này sẽ ngăn cản họ ghi nhớ các thông tin thuộc sở đoản của mình. Chính vì vậy việc kết hợp âm thanh và hình ảnh sẽ giúp họ phát huy khả năng ghi nhớ.
Nếu bạn là người nhanh nhạy với hình ảnh, khi đang nghe thầy cô giảng bài, hãy tập trung, vẽ ra giấy những hình ảnh minh họa thông tin bạn nghe được.
Ví dụ bài giảng đó có nội dung về chu trình hình thành nước trong tự nhiên, bạn có thể minh họa những thông tin mình nghe được trên giấy giống như hình sau:
Nếu là người cảm nhận âm thanh tốt nhưng lại nghèo nàn về hình ảnh, trong khi bạn phải xử lý một số môn học liên quan đến nhiều biểu đồ, mô hình, có một cách đơn giản để giải quyết vấn đề này là thêm những bình luận, nhận xét của mình vào từng phần của bài học. Không cần thiết phải nói lớn, bạn chỉ cần tự nhủ trong đầu là đủ.
Ví dụ, bạn gặp phải một bài tập về địa hình Việt Nam, hãy miêu tả bản đồ để âm thanh hóa những hình ảnh bạn ghi nhận được. Bạn có thể nhận xét ngắn gọn như sau: “Địa hình đồi núi tập trung chủ yếu ở phía Bắc và chạy dọc từ Bắc đến Nam, những ngọn núi cao nhất nằm ở vùng Tây Bắc. Đồng bằng châu thổ tập trung ở phía Đông chạy dọc theo bờ biển, tập trung chủ yếu ở phía Nam. Vì thế miền Nam là vựa lúa chính của cả nước.”
Với cách thức này, các chi tiết của đối tượng cần ghi nhớ được âm thanh hóa, kết hợp với cảm nhận thị giác giúp bạn mở đường đưa thông tin vào não bộ.
Phương pháp Loci hay Roman Room
Phương pháp Loci kết hợp thông tin cần nhớ với hình ảnh. Hệ thống trí nhớ trở về trước vô cùng cổ xưa. Trong thời cổ đại, việc rèn luyện trí nhớ đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi các phương tiện và cách thức ghi chú bằng tay chưa xuất hiện thì kỹ thuật ghi nhớ bằng trí não là phương thức duy nhất để những người kể chuyện, nhà thơ, ca sỹ… nhớ được những câu chuyện, bài thơ hay lời bài hát của mình. Những người Hy Lạp và La Mã cổ đại truyền bá kiến thức và tư tưởng của mình đến nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới thông qua hình thức ghi nhớ và truyền miệng.
Họ đã kết nối mỗi ý tưởng của bài phát biểu với một phần của chính căn nhà của họ. Đó là lý do tại sao phương pháp Loci còn được gọi là “địa điểm”. Ý tưởng mở đầu của bài phát biểu có lẽ sẽ được liên kết với cổng vào, ý tưởng tiếp theo liên kết với tiền sảnh, ý tưởng tiếp đến được liên kết với đồ đạc ở tiền sảnh, v.v.. Khi nhà hùng biện muốn nhớ bài phát biểu của mình, lần lượt từng ý tưởng một, anh ta cũng thực hiện một vòng quanh nhà mình bằng trí tưởng tượng. Khi nghĩ đến cửa trước, nó gợi anh ta nhớ tới phần mở đầu của bài phát biểu. “Địa điểm” thứ hai, tiền sảnh, nhắc anh ta đến với ý tưởng phần tiếp theo của mình.
Lấy ví dụ trong trường hợp Julius Caesar phát biểu trước binh lính trước khi ra trận:
– Thông báo về cuộc chinh phục hai vùng đất mới.
– Miêu tả sức mạnh của quân đội La Mã (nhấn mạnh khả năng bách chiến bách thắng, kỷ luật cao độ).
– Ý kiến của các nhân vật chủ chốt trong Viện Nguyên lão về cuộc chinh phục.
– Những yêu cầu khi hành quân.
– Mệnh lệnh trong và sau trận chiến.
– Tưởng thưởng xứng đáng cho những ai lập được chiến công.
Điều Caesar cần phải làm là liên kết những gì ông muốn nói với cấu trúc và đồ đạc trong nhà mình: Hai chiếc cột chạm trổ hai bên cửa ra vào – ông có thể hình dung ra hai vùng đất mới, mỗi vùng đất là những họa tiết tinh xảo trang trí cho hai chiếc cột – những chiếc cột nâng đỡ cấu trúc ngôi nhà cũng chính là nâng đỡ đế chế của ông.
Ngay giữa tiền sảnh, bức tượng thần Jupiter bình thường trông uy nghi nay trở nên dũng mãnh với lưỡi sét chói lòa. Caesar ngay lập tức hiểu được nguyên nhân, và bắt đầu nói về… sức mạnh quân đội La Mã.
Hướng mắt về phòng khách. Ông ta đã nhìn thấy cảnh ồn ào quanh chiếc bàn gỗ với chín nhân vật chủ chốt trong Viện Nguyên lão đang trình bày ý kiến về cuộc chinh phục với ông.
Rời phòng khách, Caesar theo cầu thang bước lên phòng ngủ nhưng không thể. “Hàng trăm người lính tưởng tượng” đang thoăn thoắt lên xuống.
Caesar bước vào phòng ngủ và nhìn thấy vợ con ông đang ngủ ngon lành. Ngay lập tức ông nhớ đến “Mệnh lệnh trong và sau trận chiến” không được sát hại hay làm bị thương phụ nữ và trẻ em.
Bước gần đến cửa sổ, ông nhìn xuống khu vườn cây xanh mát bên đài phun nước. Một cảm giác thoải mái an lành từ từ hiện ra. “Một tưởng thưởng xứng đáng cho những công lao khó nhọc.” Đây là lúc Caesar kết thúc bài phát biểu. Quân lính có niềm tin vào chiến thắng, họ tưởng tượng ra cảm giác được toàn thể người dân La Mã nghênh đón và đích thân các nhân vật cao quý nhất trong đế chế trao thưởng cho những chiến công của họ.