Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Baby Thượng Hải

Chương 12: Bữa Tiệc Trên Cỏ

Tác giả: Vệ Tuệ

Chống đơn điệu, ủng hộ đa dạng

Chống gò bó, ủng hộ nhiệt tình không trói buộc

Chống nhất trí, ủng hộ đẳng cấp

Bài trừ rau chân vịt, ủng hộ ốc sên.

Salvador Dali

Buổi chiều thu, ánh nắng hắt xuống đường và người qua lại, đọng lại thành cái bóng mờ nhạt. Cây cối đã nhuốm sắc thu, từng phiến lá chớm vàng treo lơ lửng. Gió lướt qua mặt, mát lạnh.

Nhiều chuyện dồn dập xảy ra trong cuộc sống khiến chúng ta quên khuấy mất thời tiết đã chuyển mùa. Thời gian trôi qua thật dễ dàng.

Thiên Thiên vào một trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngày đầu tiên tôi đi cùng anh.

Vì bước vào tòa nhà này, cảm giác thật tệ. Không khí như có thứ gì đó đè nén cơ thể. Hành lang, tranh dán tường, gương mặt bác sĩ đều sạch sẽ quá mức. Bác sĩ khám đeo cặp kính to đùng, nét mặt vô cảm. Ông vừa hỏi Thiên Thiên, vừa cắm cúi viết vào bệnh án.

“Lần đầu tiên di tinh là lúc nào? Buổi sáng có tự ra không? Hàng ngày khi đọc loại sách đó hoặc khi xem loại phim đó có phản ứng gì không? Làm tình có thành công lần nào không? Ý tôi là có cho vào được thuận lợi và kéo dài được trên ba phút không? Cơ thể thường ngày có phản ứng gì khác thường không?”.

Sắc mặt Thiên Thiên ngày càng trắng bệch, trán lấm tấm mồ hôi, nói năng ấp úng không thành câu. Lúc này, chỉ cần tôi kéo tay anh, là anh có thể lập tức chạy như bay ra khỏi đây. Tôi ra ngồi ghế ở hành lang, nhìn Thiên Thiên bị đưa vào phòng chữa bên cạnh. Trông anh rất thảm hại, như sắp ngất đến nơi. Lúc bước qua cửa, anh đột nhiên nhìn tôi bằng ánh mắt khiếp hãi.

Tôi lấy tay che nửa mặt. Điều đó đối với anh thật tàn nhẫn.

Chờ rất lâu, cửa phòng bệnh lại mở. Bác sĩ đi ra, tiếp đó là Thiên Thiên. Anh cúi đầu, không nhìn tôi. Bác sĩ viết trên sổ khám bệnh, ông nói với Thiên Thiên, “Cơ quan sinh dục của anh hoàn toàn bình thường. Quan trọng là điều chỉnh về tâm lý”. Rồi ông gợi ý Thiên Thiên tham gia một nhóm chữa trị tinh thần ở một bệnh viện và dùng thêm một số thuốc bổ trợ.

Cuộc sống của Thiên Thiên đột nhiên thêm một nội dung, hàng tuần phải tới Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, mỗi lần vài tiếng. Có thể anh mê đắm nơi này không phải vì bản thân anh được chữa trị, mà vì nơi này cũng có một nhóm những kẻ có bí mật khó nói như anh. Mọi người cùng ngồi thành một nhóm, lần lượt nói. Trong nỗi cảm thông, họ chia sẻ với nhau về nỗi đau, về áp lực cuộc sống. Theo cách nói của Ngô Đại Duy – anh bạn bác sĩ tâm lý của tôi – thì bầu không khí tập thể đó có tác dụng giúp đỡ xóa bỏ những giày vò nội tâm của từng cá nhân người bệnh.

Nhưng rất nhanh sau đó, Thiên Thiên cảm thấy chán ngán nhóm này cùng trung tâm điều trị. Anh chỉ kết bạn với một thanh niên trong nhóm đó có tên là Lý Lạc, thường mời anh ta cùng tham gia các hoạt động của chúng tôi.

Tiết trời thu rất thích hợp tổ chức các cuộc picnic ngoài trời. Chúng tôi tổ chức một bữa tiệc dã ngoại trên cỏ ở khách sạn Hưng Quốc. Ánh nắng chiều lười biếng dừng chân trên người, gió cuốn theo mùi phoóc môn từ một bệnh viện nhỏ gần đó, khiến mũi hơi ngưa ngứa. Cảnh vật xung quanh rất đẹp, cây cối và nhà cửa rất đối chọi nhau, sắc thu thật ấm áp.

Vải ca rô được trải trên thảm cỏ, một số đồ ăn trông thật hấp dẫn được bày lên. Bạn bè tản mác xung quanh như những quân cờ, người ngồi, người nằm như trong bức tranh “Bữa ăn trên thảm cỏ” của Manet. Tôi vẫn luôn tò mò về cảnh sống trưởng giả sung túc giữa thập kỷ. Sống trong phòng đã quá bức bối, suy ngẫm, viết lách, trầm ngâm, mộng mơ, tưởng tượng… tất cả đều khiến người ta dễ phát điên. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng chỉ cần nhốt một người vào một căn phòng khép kín khoảng bốn ngày cũng đủ cho anh ta phải lao vọt ra ngoài cửa sổ như một viên đạn không kiềm chế nổi. Con người rất dễ bị phát điên. Trong tấm thiệp mừng năm mới gần đây trong chuyến đi du lịch với mẹ tôi ở Hàng Châu, bố tôi đã viết cho tôi rằng: “Con gái yêu, nên đi ra ngoài nhiều hơn. Thảm cỏ và không khí trong lành mới là tặng phẩm quý giá nhất của cuộc sống đối với một con người”. Giờ đây, ông thường dùng những lời lẽ cảnh báo như vậy để giao lưu với tôi.

Lý Lạc cũng tới, mặc bộ đồ thời trang trông rất bẩn. Anh nhỏ thó, gầy guộc, mắt rất to và đầu trọc hếu, đem cho tôi ấn tượng đầu tiên rất muốn chửi bậy những câu như “Mẹ kiếp”, “đếch gì”… Anh ta thường ngoáy mũi làm nó vừa đỏ vừa bẩn. Tôi không thích anh ta. Nghe nói anh ta bắt đầu thích phụ nữ hơn tuổi từ năm lên 10. Mười một tuổi, anh đã bị mẹ của bạn học khêu gợi, làm mất tân. Từ đó về sau, anh ta chỉ thích lên giường với các bà các chị sồn sồn, tính được cũng ngót nghét hơn năm mươi người. Một năm trước, anh quan hệ với vợ người khác bị bắt quả tang tại giường, bị người chồng điên tiết đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, cắt phéng mái tóc dài mà anh ta rất đỗi tự hào. Do quá khiếp sợ, từ đó anh bị liệt dương.

Bố mẹ anh ta đều không ở Thượng Hải nên không ai quản lý và quan tâm tới anh ta. Hiện giờ anh làm nhân viên bán hàng tại tiệm Adidas trên đường Nam Kinh. Hàng ngày anh tập đánh trống dưới tầng hầm, có một nhóm nhạc Rock tự thành lập. Nhạc Rock tạm thay thế cho tình dục, an ủi thân hình trẻ trung của anh. Thiên Thiên có cảm tình với anh ta không chỉ ở thái độ sống kỳ quái của anh ta (buông thả, mềm yếu, chân thành, tự do thích làm theo ý mình), mà còn bởi vì anh ta rất thích đọc sách và thích suy ngẫm về những vấn đề cuối cùng của đời người.

Chu Sa cũng nhận lời mời của tôi, tới tham gia bữa tiệc này. Chị còn mang cho tôi một món quà, một lọ dưỡng da Shiseido. Chị khoe mua nó trong một chuyến công tác Hồng Kông. Đồ bên đó rẻ hơn ở Thượng Hải tới một trăm đồng. Đã lâu lắm không gặp chị, vẻ cao quý đoan trang đầy nữ tính của chị vẫn không thay đổi. Xem ra chị đã hồi phục trong cái bóng của ly hôn.

“Nghe cô nói em lại bắt đầu viết tiểu thuyết?”, chị vừa uống nước hoa quả vừa cười và nhìn tôi. Ánh nắng tỏa sáng nhàn nhạt trên người chị. Nom chị thật tươi tắn. “Này”, chị rút ra một tấm danh thiếp, đưa cho tôi, “Đây là công ty mới mà chị vừa nhận làm”.

Tôi cầm xem, sững người. Đó chẳng phải là công ty cố vấn đầu tư của Mark đó sao?

“Vâng, em lại viết, hy vọng nó sẽ bán chạy để em có tiền đi du lịch châu Âu”, tôi nói.

“Bạn trai em thế nào rồi? Vẫn sống với nhau chứ? Chị vẫn chưa tưởng tượng nổi cuộc sống như vậy. Trong hai người, không ai muốn đi làm sao? Như vậy không tốt, sẽ biến người ta ngày càng yếu đuối”, Chu Sa nói bằng giọng dịu dàng.

“Bọn em thường đi dạo, có lúc đi quán bar uống rượu, nhảy nhót”, tôi trả lời. Lòng thầm nghĩ nếu tôi đi châu Âu du lịch, Thiên Thiên chắc chắn sẽ tình nguyện đi theo. Du lịch chẳng qua chỉ là thay đổi không gian, cũng có thể tạo nên những tác động nhất định đối với tâm sinh lý của con người. Tôi tưởng tượng ra cảnh làm tình với Thiên Thiên trong một khách sạn nhỏ ở một thị trấn nào đó của nước Pháp (ở những nơi này chắc hẳn anh làm được), tiếp đó là khách sạn ở Đức, nhà thờ bỏ hoang tại Vienne, đấu trường thế kỷ 15 ở Rome, tàu nhanh trên Địa Trung Hải… Câu chuyện sẽ cứ kéo dài từng tí một, chỉ cần có tình yêu và tình dục, rừng sâu, hồ nước và bầu trời sẽ là vũ điệu của tự do và tình yêu.

Tôi tới bên Thiên Thiên, ngồi xuống, hôn anh. Anh ngừng câu chuyện với Lý Lạc, mỉm cười với tôi. “Chơi ném đĩa đi”, tôi nói, “Ừ”, anh đứng dậy. Ánh nắng rọi trên người anh, trông cực kỳ trẻ trung, như học sinh cấp ba vậy. Mái tóc đen ngắn gọn ghẽ, mặc chiếc áo vải bông màu đen kẻ sọc. Đôi mắt anh thật trong sáng.

Chúng tôi ngắm nhau vài giây. Một cảm giác mới mẻ trào dâng khắp người. Tôi thấy tim đập thình thịch. Anh cười phá lên, đĩa được ném qua ném lại, như một chiếc UFO nhỏ xinh, rơi xuống bên chân Chu Sa. Chị mỉm cười, đưa trả lại cho Thiên Thiên. Chị và Dick đang ngồi trò chuyện, xem chừng cũng rất vui vẻ.

Madona và bạn bè trong khách sạn xong việc, cũng vừa ra tới nơi, cùng chúng tôi ném đĩa. Anh Ngũ – cao thủ đua xe – và cô bạn gái Cissy đang phơi lưng trần dưới nắng đánh cờ. Họ đeo kính đen, mảng lưng trần trắng trẻo lấp lóa dưới nắng. Dù thế nào đi nữa, trông họ thật đẹp đôi.

Cả đám đang đùa giỡn vui vẻ trên bãi cỏ, đột nhiên một bà già nước ngoài trông rất nghiêm nghị xuất hiện. Tôi và Madona lại gần, những người khác vẫn chơi đùa. “Xin lỗi, tôi muốn mời các cô rời khỏi đây”, bà ta nói tiếng Anh giọng Mỹ, đầu lưỡi cứ cuốn lên.

“Tại sao?”, tôi hỏi lại bằng tiếng Anh.

“Hừ”, bà ta nhún vai, “Tôi và chồng tôi sống ở phía trước”, bà ta chỉ tay. Tôi nhìn theo. Đó là một biệt thự ba lầu kiểu Pháp tuyệt đẹp, chỉ cách thảm cỏ một dãy tường thấp lè tè. Bên trên có ống khói cao, cánh cửa sổ kính màu, hai ban công uốn lượn hình hoa. “Chúng tôi thường ngồi ở ban công ngắm thảm cỏ này”.

“Vậy thì sao?”, tôi vẫn dùng thứ tiếng Anh không mấy lễ độ. Tôi cũng không muốn lịch sự. Bà già người Mỹ này rút cục muốn cái gì nhỉ?

“Nhưng các người đã phá vỡ sự yên tĩnh của thảm cỏ. Các người quá ồn ào”, bà ta cau mày nói. Cặp mắt xanh của bà ta có thứ gì đó thật lạnh lùng và không dễ gì cưỡng lại nổi. Bà ta cũng có mái tóc bạc giống hệt bà ngoại tôi, cũng những nếp nhăn như vậy, nhưng quả thực tôi không thấy chút gì đáng yêu hiền từ ở bà ta. Tôi dùng tiếng Trung, khẽ nói qua đại ý của bà ta cho Madona.

“Cái gì? Bà ta dám đuổi chúng ta?”, vừa nghe Madona đã điên tiết. Rõ ràng yêu cầu vô lý này khiến cô nổi xung. Cô lại là kẻ không dễ bị khuất phục, rất thích đấu tranh và giành giật.

“Hãy nói với bà ta, thảm cỏ này không thuộc về bà ta, nên không có quyền đưa ra yêu cầu đó”. Tôi dịch lại ý này cho bà già.

Bà ta cười phá lên, thái độ như ngầm nói “Đúng là lũ đàn bà Trung Quốc thô lỗ”. Madona châm một điếu thuốc, “Chúng ta không đi, kêu bà già về nhà nghỉ đi”.

Bà ta dường như cũng hiểu ý của cô, vẫn dùng thứ tiếng Anh nhạt nhẽo, nói tiếp, “Chồng tôi là chủ tịch ngân hàng Mỹ Lăng. Chúng tôi thuê cả biệt thự này cũng chính vì thảm cỏ. Chúng tôi đã già rồi, cần có không gian sạch sẽ và không khí trong lành. Tìm được thảm cỏ như thế này ở thành phố Thượng Hải thật không dễ dàng”.

Tôi gật đầu, “Đúng là không dễ, vì vậy chúng tôi mới tới đây thư giãn”. Bà ta cười khẩy, hỏi tôi, “Cô cũng thuê nhà phải không?”. Tôi gật đầu. “Thuê bao nhiêu?”, bà ta hỏi tiếp. Tôi cười đáp, “Đó là chuyện riêng của tôi, không liên quan tới bà”.

“Chúng tôi thuê một tháng 25.000 USD”, bà ta dằn từng từ một. “Giá thuê này có liên quan tới thảm cỏ. Người Trung Quốc các người cũng rất hiểu khung cảnh đẹp có thể bán với giá cắt cổ, vì thế tôi mời các người mau đi khỏi nơi đây”. Bà ta vẫn cười, nhưng giọng rất nặng nề. Cái giá đó quả thực khiến chúng tôi giật mình. Không biết ông chồng bà ta bao nhiêu tuổi, có quan hệ riêng tư thế nào với ông chủ khách sạn. Madona quả nhiên là một tay lão luyện trong giang hồ, cô cười nhạt, chấp thuận, “Ok. Chúng tôi sẽ đi. Hẹn gặp lại”.

Trên đường về, mọi người kể về chuyện tấm bia ở khu tô giới Pháp thuộc trước kia. Trên tấm bia ghi rõ: “Cấm người Trung Quốc và chó”. Nhưng giờ đây đủ các tập đoàn đa quốc gia, các tên chủ tài phiệt lại lần lượt quay về. Không còn nghi ngờ gì nữa, động lực kinh tế mạnh lại mang tới những ưu việt về mặt tâm lý và bá quyền văn hóa. Vì thế trong buổi chiều đó, lớp người mới này lần đầu tiên va chạm và cảm nhận được lòng tự tôn dân tộc, suy nghĩ nghiêm túc về một số thứ khác trong cuộc sống.

Buổi tối, khi Mark gọi điện cho tôi, Thiên Thiên đang trong phòng tắm. Tôi thì thào trả lời, “Lần sau không được gọi điện tới. Không hay đâu”.

Anh nhất trí, “Nhưng làm sao liên hệ với em được?”.

“Em cũng không biết, có thể em sẽ gọi cho anh”.

“Em làm hộp mail điện tử nhé”, anh chân thành gợi ý.

“Được”, tôi nói, rồi không nhịn nổi kể lại câu chuyện ban chiều. “Nếu anh sống ở tòa biệt thự đó, anh có đuổi tụi em đi không?”, tôi nghiêm nghị hỏi, như là một kiểm nghiệm ngoại giao, có liên quan tới lòng tự tôn dân tộc.

“Tất nhiên là không rồi”, anh đáp, “Như thế, anh có thể được ngắm em mãi”.

Bình luận