Tôi không cảm thấy gì hết.
Cuối cùng cũng có thấy, như có một luồng hơi mạnh. Thậm chí còn hơn thế. Kiểu như một cú đấm mạnh vào bụng và mặt nhưng không gây đau đớn.
Khi người đàn ông đó lên xe buýt số 83 tại bến Fleurus, ngay lập tức tôi đã thấy hắn có vẻ kỳ quặc. Hắn có khuôn mặt của một kẻ cuồng tưởng. Khuôn mặt của một gã vừa mới chạm trán với quỷ dữ và đang tự hỏi không biết con quỷ có còn đi theo mình không. Đôi mắt hắn giống mắt của những tên sát nhân mắc bệnh tâm thần trong các bộ phim kinh dị, và hắn đang lẩm bẩm điều gì đó. Thế nhưng ở Paris này chẳng thiếu gì những kẻ kỳ quặc. Ngay cả chính bản thân tôi, nhiều lúc tôi có cảm tưởng mình cũng thật kỳ cục. Nhưng theo kiểu riêng của tôi.
Chính vào lúc hắn bắt gặp cái nhìn của tôi, tôi thấy sợ. Như là hắn bất ngờ và không hài lòng khi thấy tôi ở đó. Tôi tưởng hắn sẽ tiến đến và kiếm chuyện với tôi. Nói với tôi cái gì đó đại loại như: “Đi xe buýt một mình thật không ổn đúng không nhóc? Nào, xuống ngay trước khi tao tống cổ mày xuống!” Nhưng tôi không thấy có gì phiền cho hắn nếu tôi ngồi đây cả. Thế nên tôi tự trấn an mình rằng hắn nhìn tôi như vậy là vì hắn không thích trẻ con lắm, hoặc là… quá thích, nếu như bạn hiểu tôi định nói gì. Mẹ luôn giữ cho tôi tránh xa bọn điên khùng hay làm hại trẻ con.
Bình thường, tôi không phải đứa nhát cáy. Thôi được, lúc tôi ở trong bóng tối và em tôi giả ma, tôi làm ra vẻ chẳng để ý, nhưng nó làm giống thật đến nỗi rồi tôi cũng phát sợ thật sự! Nhưng đây, cái gã này…
Tôi bắt đầu thấy hối hận vì đã không đi bộ về nhà. Nếu như tôi đi xe buýt, đó là vì bố mẹ không muốn tôi đi bộ về một mình. Quá nhiều con phố phải đi qua. Quá nhiều nguy hiểm.
Nguy hiểm: chuyện khôi hài ư?
Không, thậm chí còn chẳng buồn cười nữa.
Tôi đã nghĩ tới việc áp dụng nguyên tắc thứ ba trong “bộ luật trẻ em một mình trong thành phố” như bố tôi vẫn nói. Nguyên tắc thứ ba: “Nếu bạn cảm thấy bị đe dọa, hãy đến gần một người phụ nữ lớn tuổi và yêu cầu được giúp đỡ”. Thế nhưng, thứ nhất, trong cái xe buýt chật kín người này, người phụ nữ lớn tuổi duy nhất đang ngồi cạnh tôi đây lại đang ngủ. Thứ hai, bà ấy làm tôi sợ không kém người đàn ông kia với những nếp nhăn trên mặt và những sợi lông ở cằm. Thứ ba, tôi không hẳn là bị đe dọa. Chỉ là tôi thấy hơi rờn rợn bởi vì gã kia có đôi mắt kỳ lạ, hắn nói một mình và nhìn tôi.
Dù thế nào, tôi cũng sẽ không đánh thức bà già ngồi cạnh, mà vẫn còn vài bến nữa mới tới nhà tôi, do đó tôi tự đặt ra cho mình một thử thách: “Mày đếm đến ba rồi nhìn thẳng vào mắt gã kia, cho đến khi hắn phải cụp mắt xuống. Nếu làm được, mày là một người đàn ông thực sự!” Tôi rất thích tự đặt ra cho mình những thử thách kiểu như vậy.
Suy cho cùng, tại sao lại phải sợ một gã chỉ vì hắn bước đi như một âm binh và nói chuyện một mình chứ? Thế là tôi hít một hơi sâu và thở ra thật mạnh trước khi bắt đầu nhìn hắn. 1, 2, 3. Quá muộn, hắn đã quay lại. Hắn để ý tới tôi nhiều hơn. Hắn đang đứng đối diện với cửa xuống và tôi cho rằng hắn nói chuyện với cái bóng của chính mình trong tấm kính cửa.
Xe buýt dừng ở bến Tòa nhà Quốc hội. Đến đó thì nỗi sợ hoàn toàn bao trùm lấy tôi! Khi cửa mở ra, người đàn ông đã hét lên điều gì đó. Tôi không nghe rõ. Một kiểu như là “ô la la, Carambar!” Vâng, tôi biết đó không chính xác là câu hắn ta đã hét lên, tôi đâu phải là đứa ngốc! Bạn có thấy cái gã đang ám sát tất cả hành khách trên một chuyến xe buýt chỉ vì một câu chuyện nhảm nhí về một thanh kẹo Carambar không?
Thật khôi hài đúng không?
Không, thậm chí còn chẳng buồn cười nữa.
Tiếng hét của hắn làm tôi chết khiếp. Các hành khách khác cũng vậy. Tất cả đều nhìn hắn. Tôi cho rằng một vài người đã hiểu chuyện gì đang xảy ra, bởi vì họ có đôi mắt mở lớn vì sợ hãi y như trong các bộ phim kinh dị. Tôi có thời gian chứng kiến tất cả những điều đó vì hắn ta đã không cho nổ quả bom ngay lập tức. Có lẽ hắn đã đợi một hai giây gì đó. Một giây? Hay là hai? Tôi không biết nữa, thật khó để nói chính xác và hơn nữa cũng chẳng ai quan tâm.
Dù thế nào đi nữa, nếu có thể, tôi vẫn muốn được xem quả bom ấy trông như thế nào. Tôi vốn bản tính tò mò, mẹ luôn nói như vậy với tôi! Đâu phải ngày nào người ta cũng có dịp được nhìn thấy một quả bom, phải không? Rõ ràng, không phải ngày nào người ta cũng vô tình bắt gặp một quả bom.
Thật khôi hài, đúng không?
Đúng thế, tôi biết mà…
Thực chất, sự việc xảy ra không giống trong phim chút nào. Không có tiếng nổ lớn, không có khói, không có những tiếng kêu gào đau đớn. Ít ra là không hề có những điều đó đối với những người chết. Chỉ có ánh sáng chói lòa và một sức ép rất mạnh làm người ta ngạt thở… Mãi mãi.
Dù thế nào, ngay cả khi hắn ta khiến tôi sợ vì đôi mắt của kẻ mắc bệnh tâm thần và tiếng thét mà tôi không hiểu, ngay cả khi hắn đã giết tôi, tôi vẫn muốn nhìn thẳng vào mặt hắn, như một người đàn ông, và nói rằng: “Này, chẳng đau tí nào cả!”
— ———
Cuộc đời tôi đã kết thúc kể từ ngày con trai tôi chết tan xác. Mỗi mảnh da thịt của nó là một khoảnh khắc cuộc đời tôi, bị hơi bom thổi bay, bị lửa thiêu cháy. Và cũng ngần ấy mẩu da thịt còn sót lại dính bết trên mặt đường và đống sắt thép, lẫn lộn giữa những thứ khác.
Thu nhặt lại được hết với tôi là điều không thể. Chúng không còn thuộc về tôi nữa. Hoặc rất ít.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải khơi gợi lại một vài điều, cố dựng lại câu chuyện đã vuột khỏi tôi.
Kể lại câu chuyện ấy vì con trai tôi, vì những người còn sống và sẽ phải làm quen với sự vắng mặt của chúng tôi. Vì những người tôi yêu thương nhưng sẽ không bao giờ còn có thể gặp lại họ được nữa. Và vì cả tôi. Để tránh cho cơn điên loạn không hủy hoại tinh thần tôi trước khi đến lượt cuộc đời tôi chấm dứt.
Do vậy, tôi cần phải đối diện với những mẩu kỷ niệm vương vãi đó với một chút sáng suốt còn sót lại trong mình và kể lại cuộc sống cũng như cái chết của tôi.
Cuộc sống của tôi: những năm tháng trước cái ngày khủng khiếp ấy. Một câu chuyện thuộc về quá khứ mà tới bây giờ dường như không hề tồn tại.
Cái chết của tôi: những giây phút đau thương đang tiếp tục hành hạ tinh thần tôi vẫn với mức độ khủng khiếp như thế.
Một ngày, những người đọc tôi có thể tìm thấy một ý nghĩa nào đó trong câu chuyện này. Còn tôi, tôi không thể làm điều đó.
DANIEL
Thằng bé ngồi trên thành bể bơi, hai chân thả xuống nước. Lưng gập lại, cái đầu nghiêng nghiêng, nó đang cắn móng tay. Thằng bé đang cô đơn. Tôi muốn chạy về phía nó, ôm nó trong vòng tay mình.
Tôi từ từ tiến đến, cổ họng nghẹn lại. Bóng hình nó dần tách ra khỏi bóng tối. Tôi ngồi xuống gần nó, quay lưng lại bể bơi. Nó không nói gì, tiếp tục nhay nhay ngón tay.
– Con buồn à?
Nó khẽ nhún vai.
– Bố thấy rõ là con đang buồn.
– Hôm nay là sinh nhật mẹ, nó trả lời.
– Bố biết. Nhưng bố mẹ chẳng có lòng dạ nào để…
– Mẹ chưa thổi nến sinh nhật. Nếu chưa thổi nến thì chưa phải là một sinh nhật thực sự.
– Mẹ con bị nhức đầu. Mẹ đã lên nhà nghỉ rồi. Có lẽ mẹ đang ngủ.
Nó nhíu mày.
– Mẹ đã khóc. Đầu vùi vào gối để bố không nghe thấy tiếng khóc của mẹ.
– Bố có nghe thấy.
Nó nhìn ngón tay, rồi lại đưa vào miệng.
Tình yêu của tôi.
Ánh đèn trong phòng khách rọi một quầng sáng màu vàng trên thềm nhà sau lưng nó, tạo ra một cảm giác giả tạo về sự ấm áp và yên bình.
– Đây không phải là một sinh nhật thực sự. Tất cả mọi người đều buồn. Không có nến, không có bánh ga tô, nó ngập ngừng nói.
– Chúng ta đều nhớ con.
Nó mỉm cười. Một nụ cười hiền hiền, để nói rằng nó hiểu.
– Con không thích mẹ khóc. Con ước không phải nghe thấy tiếng khóc của mẹ. Đó không phải là tiếng khóc, mà là tiếng kêu, như một con thú đang rất đau đớn.
– Mẹ đang rất đau đớn, Jérôme.
– Con ước không phải nghe nữa. Ban đầu, mẹ khóc nức nở. Tiếp đến là sự im lặng, rất lâu, như là mẹ không thở được nữa… rồi sau đó là tiếng kêu.
– Tiếng rên rỉ.
Nó gật đầu ra hiệu đồng ý.
– Đôi khi, điều đó làm con sợ. Nó như là tiếng kêu của một con ma vậy.
Nó im lặng một lát, rồi khuôn mặt nó lại sáng bừng lên.
– Bố biết không, khi con chơi với em Pierre, nó cũng kêu y như vậy. Con đã run sợ và rồi con cười với nó.
Tôi nhớ lại cảnh đó và mỉm cười. Một chút không khí tràn vào phổi tôi.
– Bố nhớ rồi. Thỉnh thoảng bố còn càu nhàu nó nữa.
– Vâng. Đó chỉ là một trò chơi thôi mà. Chơi với Pierre rất vui.
– Con có nhớ việc chơi không?
Nó nhún vai.
– Không. Bây giờ con vẫn chơi. Mà cũng có nhớ một chút. Con không có nhiều thời gian, bố biết đấy. Con vẫn còn ở đây với bố mẹ. Cái con cảm thấy thiếu, đó là chơi với em Pierre kìa.
– Vậy à? Thế mà hai đứa đã cãi nhau suốt ngày cơ đấy!
– Đâu có! Nó kêu lên.
– Có đấy, suốt ngày thấy gây sự với nhau thôi!
– Không đúng mà! Đâu có thường xuyên đến thế.
Nó ngẩng đầu lên và hít đầy lồng ngực.
– Chúng con đã chơi hàng giờ liền trong phòng, trong vườn. Chúng con đã đùa rất vui. Thỉnh thoảng bọn con cũng có cãi nhau, đúng là như vậy, nhưng ít thôi. Nhưng mà với bố mẹ, chỉ một hai vụ cãi nhau trong một ngày thôi là bọn con đã trở nên không thể chịu nổi! Thế mà gần đây… bố mẹ cũng luôn to tiếng với nhau.
Điều nó nói khiến tôi xúc động.
– Con nói đúng. Bây giờ, bố thấy nhớ cả những trận cãi nhau của hai đứa.
Pierre vẫn tiếp tục chơi bóng. Nó đá quả bóng vào tường. Có vẻ như nó đã khá hơn. Nó mạnh mẽ hơn bố mẹ.
– Bố chỉ nhìn thấy điều bố muốn thấy thôi, bố ạ. Pierre không hề ổn. Nó ra ngoài chơi để thoát khỏi cái không khí nặng nề trong nhà. Khi nó sút bóng vào tường, đó là để giải tỏa sự bức bối trong nó.
– Làm sao con biết điều đó?
Nó nhìn tôi, vẻ thất vọng.
– Bố à, con xin bố đừng hỏi con những điều tương tự như vậy.
– Bố xin lỗi. Bố hơi ngạc nhiên. Bố cứ nghĩ là… Pierre có vẻ vững vàng đến thế cơ mà.
Nó lắc đầu tỏ ý bực mình:
– Vững vàng ư… (Nó cười nhạt). Trước đây vẫn thế, nó vẫn luôn tỏ ra cứng rắn. Giống y như bố vậy: nó khóc lén lút. Trong căn lều, ở tít cuối vườn.
Cảnh tượng ấy giày vò tâm can tôi.
– Và trên giường, vào buổi tối. Nó tươi cười đến ôm hôn bố mẹ, rồi trở về giường đi ngủ, vùi đầu xuống dưới khăn trải giường, gọi con, nói chuyện với con, gọi con và… khóc.
– Tại sao con lại nói ra điều này với bố? Nó thực sự làm bố đau khổ…
Thằng bé lại lắc đầu.
– Bởi vì bố đến để nghe điều đó.
– Không hề! Bố đến để nói chuyện với con.
Cái nhìn của nó vẫn bập bềnh trên mặt nước hồ bơi.
– Bố đến để tự gây tổn thương cho mình, bởi vì bố tìm một cách khác để khóc. Bố lao mình vào giữa đám dây thép gai nhưng không phải để chạy thoát mà là để tự làm mình bị thương và chảy máu.
Nhận xét ấy khiến tôi lúng túng. Đó là một đứa trẻ đang nói với tôi. Là con của tôi. Nhưng những điều nó nói là lời của một người lớn. Sự chín chắn của nó luôn làm tôi phải ngạc nhiên. Những trò chơi đùa trẻ con, những lời nói trẻ con, nụ cười trẻ con nhưng suy nghĩ của một người đàn ông trưởng thành. Đôi khi những điều nó nói, tôi cảm thấy không phù hợp. Tôi tỏ ra khâm phục nhưng cũng lo lắng. “Thằng bé không thuộc về thế giới này”, thỉnh thoảng tôi nói với Betty như vậy. Vẻ đùa cợt. Nó chỉ đi ngang qua đây thôi.
– Jérôme, bố không biết là liệu có nên… Bố nghĩ là con không nên trở lại nữa.
Ngay lập tức tôi thấy hối hận vì câu nói của mình, tôi không thể chấp nhận sự ra đi của nó. Chưa thể.
Thằng bé không trả lời. Nó đã hiểu.
– Bố vào đi ngủ đi bố.
Tôi sẽ không ngủ. Nhưng tôi vẫn nghe lời nó và đứng dậy.
– Thế còn con? Con không định vẫn ở lại đây chứ?
– Tại sao ạ?
– Một mình trong bóng tối và… ở cái bể bơi này.
Nó khẽ mỉm cười.
– Con đâu có ở trong bóng tối. Với con, không còn ngày hay đêm, sáng hay tối nữa.
– À ừ, tất nhiên rồi. Nhưng cái cảnh tượng con vẫn còn ngồi đây, một mình… Bố không thể chịu được…
– Được rồi bố ạ, con sẽ đi. Bây giờ thì bố quay vào nhà đi.