Sean đứng dựa vào sân khấu phía dưới tấm màn chiếu với sếp của mình, thanh tra, trung úy cảnh sát Martin Friel, nhìn Whitey Powers chỉ đạo chiếc xe của bên pháp y lùi xuống dốc, tiến về phía cánh cửa nơi tìm thấy thi thể của Katie Marcus. Whitey đi giật lùi, hai tay giơ cao ra hiệu cho chiếc xe lúc lùi sang phải, lúc sang trái, miệng huýt sáo ra lệnh, âm thanh lanh lảnh, dồn dập xuyên qua không khí giống hệt tiếng chó sủa nhặng. Ông ta hết nhìn dải băng phong toả hiện trường ở hai bên lại ngó sang bánh xe trước cửa chiếc xe tải và đôi mắt lo lắng của người lái xe trong gương chiếu hậu như thể anh ta đang đi thử việc tại một công ty vận chuyển, điều khiển lốp xe không đi chệch lấy một phân.
“Thêm một tí nữa. Thẳng xuống. Một tí nữa, một tí nữa thôi. Đúng rồi.” Khi điều được chiếc xe vào đúng chỗ mong muốn, Whitey bước sang bên cạnh và đập đập vào cửa xe bảo, “Anh lái xe chuẩn lắm.”
Nói rồi ông mở toang cửa xe trước để nó che hết quang cảnh phía sau màn hình. Lúc này Sean mới nhận ra rằng anh không hề nghĩ tới việc tạo ra một vành đai che chắn xung quanh hiện trường nơi tìm thấy thi thể của Katie Marcus. Whitey đúng là có nhiều kinh nghiệm xử lý hiện trường hơn anh, ông đã là một chiến binh già dặn từ khi anh còn bận nặn mụn trứng cá và tán gái ở trường trung học.
Hai nhân viên pháp y đang nhấp nhổm ra khỏi xe thì Whitey bảo, “Không làm thế được, anh bạn. Các anh sẽ phải đi ra bằng cửa sau.”
Họ đóng cửa xe rồi biến mất đằng sau chiếc xe thùng để đi lấy thi thể nạn nhân và Sean có cảm giác, rằng công việc của họ thế là xong, giờ tới lượt anh giải quyết nốt phần còn lại. Các nhân viên cảnh sát khác, các kỹ thuật viên hiện trường, đám phóng viên lượn lờ trong những chiếc trực thăng ở trên đầu anh hay ở hiện trường xung quanh công viên phía bên kia đều sẽ chuyển sang công việc khác, chỉ còn anh và Whitey phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề nhất trong vụ án này, viết báo cáo, làm lời khai trước toà, tiếp tục điều tra về cái chết của Katie Marcus trong khi phần lớn mọi người đã nhận nhiệm vụ mới – các tai nạn giao thông, trộm cướp, các vụ tự sát trong những căn phòng hôi hám cũ kỹ vì khói thuốc và không khí lưu cữu.
Martin Friel đu người lên sân khấu rồi ngồi đó, hai chân đong đưa trong không khí. Ông ta tới thẳng đây từ sân gôn chín lỗ ở George Wright, người vẫn còn mùi kem chống nắng sau lớp áo polo màu xanh nước biển và quần ka ki. Hai bàn chân của ông ta gõ nhịp vào gờ sân khấu và Sean nhận thấy tâm trạng của ông ta có gì đó không ổn.
“Trước đây, cậu cũng đã từng làm việc với trung sĩ Powers đúng không?”
“Vâng ạ.”
“Có vấn đề gì không?”
“Không.” Sean nhìn Whitey đang xua một nhân viên cảnh sát đi chỗ khác, chỉ anh ta ra rặng cây phía sau màn hình. “Tôi làm cùng với ông ấy vụ mưu sát Elizabeth Pitek hồi năm ngoái.”
“Người phụ nữ có lệnh cách ly của toà án đúng không?” Friel nói. “Chồng cũ cô ta nói gì về cái lệnh này ấy nhỉ?”
“Hắn bảo là lệnh đó chỉ quản đời cô ta thôi không có nghĩa là quản đời hắn.”
“Hắn bị xử hai mươi năm đúng không?”
“Hai mươi năm không giảm án.” Sean từng mong nếu toà án cấp cho nạn nhân một văn bản pháp lý hiệu lực hơn, không cho chồng cũ của cô ta lại gần, thì có lẽ án mạng đã không xảy ra. Giờ đây con của nạn nhân sẽ phải lớn lên trong trại mồ côi mà không hiểu chuyện gì đã xảy ra với bố mẹ mình và giờ đây mình được ai nuôi nấng.
Viên cảnh sát kia đã rời khỏi Whitey và kéo theo một số đồng nghiệp tiến về phía rặng cây.
“Nghe nói ông ấy có vấn đề với rượu,” Friel nói rồi co một chân lên sân khấu, đầu gối áp vào ngực.
“Tôi chưa bao giờ thấy ông ấy uống rượu trong giờ làm việc, thưa sếp.” Sean nói không hiểu trong mắt Friel là anh hay Whitey là người đang cần phải giám sát. Anh nhìn Whitey cúi xuống nhìn chăm chú vào một lùm cỏ gần bánh trước chiếc xe của bộ phận pháp y, vừa làm vừa chăm chút chỉnh lại cạp quần cứ như thể ông ta đang mặc một bộ đồ hàng hiệu của Brooks Brothers.
“Đồng sự của anh tạm thời nghỉ làm vì lý do sức khoẻ, có vấn đề gì đó với cột sống, thế mà tôi lại nghe nói anh ta đang dưỡng sức bằng các trò nhảy dù kéo và mô tô lướt sóng ở Florida cơ đấy.” Friel nhún vai. “Powers đề nghị được làm việc với cậu ngay khi cậu trở lại. Giờ thì cậu đã trở lại rồi. Sẽ không xảy ra những chuyện như sự việc lần trước nữa chứ?”
Sean đã chuẩn bị nghe những lời giáo huấn, nhất là từ Friel, nên giọng điệu đầy vẻ ăn năn hối lỗi. “Không, thưa sếp. Chỉ là một phút nông nổi.”
“Không phải một mà là nhiều lần.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Đời tư của cậu đúng là một mớ hổ lốn, nhưng đó là chuyện riêng của cậu. Đừng để nó ảnh hưởng tới công việc của mình là được rồi.” Sean nhìn Friel và bắt gặp một ánh mắt như phát ra tia lửa điện mà anh từng biết, một ánh mắt biểu lộ sự cương quyết của Friel khiến người khác buộc phải tuân thủ.
Và Sean chỉ còn nước gật đầu. Friel mỉm cười lạnh lùng rồi nhìn chiếc trực thăng của bên truyền hình lượn một vòng trên tấm màn chiếu, hạ xuống thấp hơn mức cho phép, trên mặt xuất hiện một vẻ cau có mà hậu quả là chiều nay hẳn có người sẽ phải đóng một khoản tiền phạt lớn.
“Cậu biết gia đình nạn nhân đúng không?” Friel hỏi, mắt vẫn dõi theo chiếc trực thăng. “Cậu lớn lên ở đây mà.”
“Tôi lớn lên ở khu Thượng.”
“Cũng giống nhau cả.”
“Đây là khu Hạ. Có chút khác biệt, thưa sếp.”
Friel phẩy tay bảo, “Cậu lớn lên ở đây. Là một trong những người đầu tiên xuất hiện trên hiện trường và quen biết mọi người ở đây. Tôi có lầm không nhỉ?”
“Lầm gì cơ ạ?”
“Về khả năng xử lý vụ này của cậu.” Ông ta nói rồi trao cho anh một nụ cười dụ dỗ kiểu huấn luyện viên bóng chày mùa hè. “Cậu là một trong những chàng trai xuất sắc nhất của tôi, đúng không nào? Chịu phạt rồi, sẵn sàng trở lại tiếp bóng chứ?”
“Vâng thưa sếp.” Sean nói. “Sếp thừa biết là tôi sẽ cố gắng hết sức để tiếp nhận công việc này.”
Hai người bọn họ quay ra nhìn về phía chiếc xe pháp y sau khi nghe thấy tiếng rơi bịch trong thùng xe và gầm xe khẽ dao động về phía trước rồi lại dịch chuyển về vị trí cũ. Friel bảo, “Cậu có để ý thấy bọn họ toàn quẳng nạn nhân xuống như thế không?”
Họ vẫn luôn làm như thế. Katie Marcus, bọc kín trong chiếc túi đựng xác bằng ni lông màu đen và bức bối, bị quăng trong thùng xe, tóc dính vào túi, lục phủ ngũ tạng nhũn lại.
“Cậu có biết tôi ghét gì hơn cả việc một thằng bé da đen mười tuổi bị trúng đạn trong một cuộc đọ súng giữa các băng đảng không?”
Sean biết rõ câu trả lời nhưng không nói năng gì.
“Những đứa con gái mười chín tuổi bị sát hại trong công viên thành phố. Người ta sẽ không nói những câu như ‘ôi dào, lại do mâu thuẫn quyền lợi đây mà.’ Họ không muốn có cảm giác hứng chịu thảm kịch. Họ giận dữ, kích động và muốn hung thủ bị bắt và xuất hiện trên bản tin lúc sáu giờ chiều.” Friel khẽ huých Sean một cái rồi nói tiếp, “Cậu hiểu ý tôi chứ?”
“Vâng ạ.”
“Đó là thứ họ muốn vì họ cũng như chúng ta thôi, đó cũng là điều chúng ta muốn.” Friel nắm lấy vai Sean và xoay người anh lại cho tới khi anh nhìn thẳng vào mắt ông ta.
“Vâng, thưa sếp.” Sean nói vì cái tia nhìn quỷ dị lại xuất hiện trong mắt Friel cho thấy ông ta hoàn toàn tin vào những lời mình nói giống như người ta tin vào Chúa, vào chỉ số chứng khoán NASDAQ hay tính toàn cầu hoá của Internet. Friel giống như một kẻ được tái sinh nhờ công việc, Sean không biết phải giải thích hiện tượng này như thế nào nhưng rõ ràng là Friel đã tìm thấy một thứ gì đó trong công việc của mình, một thứ mà Sean gần như không thể định dạng, một thứ mang lại sự khuây khoả, thậm chí là một thứ niềm tin vững chắc. Thật lòng mà nói, đôi khi Sean cho rằng sếp của anh là một gã ngớ ngẩn, nếu có ai chịu lắng nghe là lập tức phun ra những triết lý vớ vẩn, nhàm chán về cuộc sống và cái chết, những phương pháp để thay đổi thế giới, chữa trị bệnh ung thư và trở thành một người có trái tim quảng đại.
Mặt khác, Friel khiến Sean nhớ đến cha anh, người cặm cụi làm những tổ chim dưới tầng hầm nơi không bao giờ có lấy một cánh chim bay tới nhưng Sean lại rất thích ý tưởng ấy của ông.
Friel là thanh tra đội điều tra án mạng thuộc quận sáu suốt mấy đời tổng thống và Sean chưa bao giờ nghe thấy có ai gọi ông một cách thân mật là “Marty”, “anh bạn” hay “ông bạn già”. Nhìn ông trên phố, người ta đều tưởng đó là một viên kế toán hay nhân viên thẩm định của một hãng bảo hiểm. Ông có một giọng nói ôn hoà đi đôi với một khuôn mặt ôn hoà, không có gì đặc biệt ngoài cụm tóc màu nâu hình móng ngựa còn sót lại trên đầu. Ông là một người nhỏ nhắn, nhất là đối với một người đã leo lên tận vị trí này trong ngành cảnh sát, một người có thể dễ dàng bị lẫn vào trong đám đông vì ngay cả dáng đi cũng không có gì cách biệt. Ông yêu vợ và hai đứa con, quên gỡ vé đi cáp treo trượt truyết đính trên áo parka suốt cả mùa đông, chăm chỉ đi lễ nhà thờ, bảo thủ khi bàn tới các vấn đề tài chính và xã hội.
Nhưng cái giọng nói và bộ mặt ôn hoà đó không giống chút nào với tính cách của ông, một sự kết hợp nhuần nhuyễn và cao độ của tính thực tiễn và đạo đức nghề nghiệp. Kẻ nào gây ra trọng án trên địa bàn của Martin Friel – đúng là địa bàn của ông thật, nói thế ai không muốn hiểu thì thôi – sẽ bị ông coi như kẻ thù của chính mình. “Tôi muốn cậu giận dữ nhưng khôn ngoan,” ông nói với Sean ngày đầu tiên anh gia nhập tổ điều tra án mạng. “Tôi không muốn cậu nổi giận một cách công khai vì giận dữ là một thứ cảm xúc, mà cảm xúc thì không bao giờ nên công khai. Nhưng tôi muốn cậu lúc nào cũng cảm thấy tức tối – tức tối vì những chiếc ghế ở đây quá cứng, vì tất cả bạn bè ở trường đại học của cậu giờ toàn đi xe Audi. Tôi muốn cậu cảm thấy tức tối vì lũ tội phạm ở đây quá ngu, ngu tới mức nghĩ rằng chúng có thể phạm những tội ác ghê tởm trên địa bàn của chúng ta. Tức tối vừa đủ, Devine ạ, để không bỏ sót chi tiết nào trong các cuộc điều tra của mình, khiến bên công tố thua trước toà chỉ vì mấy lệnh bắt khả nghi hay không đúng quy trình pháp lý. Tức tối đủ để kết thúc từng vụ án một cách sạch sẽ và tống lũ tội phạm khốn kiếp kia vào trong những nhà tù khốn kiếp cho đến hết cuộc đời khốn kiếp của chúng.”
Trong đồn cảnh sát, mọi người gọi đó là “Bài diễn văn của Friel” vì lính mới nào xuất hiện ngày đầu tiên cũng được nghe một bài y như vậy. Giống như phần lớn những gì Friel nói, không ai biết có bao nhiêu phần là chân thành và bao nhiêu phần là những lời nói láp chỉ để khích lệ tinh thần nhân viên. Nhưng hoặc là chúng ta tin, hoặc là chúng ta bỏ ngoài tai.
Sean đã ở trong đội điều tra án mạng của cảnh sát bang được hai năm và là người có tỉ lệ phá án cao nhất trong tổ của Whitey Powers nhưng Friel đôi khi vẫn nhìn anh với ánh mắt không chắc chắn. Như lúc này đây, ông ta đang nhìn anh vẻ dò xét, phân định xem liệu anh có đủ khả năng giải quyết vụ án này: vụ án một cô gái trẻ bị giết trong công viên của ông ta.
Whitey đang thong thả đi về phía bọn họ, vừa lần giở quyển sổ tay ghi chép vừa gật đầu chào Friel. “Trung uý.”
“Trung sĩ Powers, chúng ta điều tra tới đâu rồi?” Friel hỏi.
“Dấu hiệu ban đầu cho thấy nạn nhân chết vào khoảng hai giờ mười lăm tới hai giờ ba mươi sáng nay. Không có dấu hiệu xâm phạm tình dục. Nguyên nhân tử vong rõ rệt nhất là vết thương do đạn bắn ở phía sau đầu nhưng cũng không loại trừ khả năng bị chấn thương mạnh do bị đánh vào đầu. Người bắn súng thuận tay phải. Chúng tôi đã tìm thấy đầu đạn găm trên một bản lề gỗ phía bên trái thi thể nạn nhân. Có vẻ như đầu đạn Smith ba tám ly nhưng vẫn chờ bên giám sát đầu đạn khẳng định chắc chắn. Thợ lặn đang mò tìm hung khí dưới kênh. Chúng tôi hy vọng hung thủ sẽ vứt súng hay ít nhất là hung khí đã dùng để đánh nạn nhân, có vẻ như là một cây gậy, giống như gậy đánh bóng chày.”
“Một cái gậy ư?” Friel hỏi.
“Hai cảnh sát thành phố đã gõ cửa từng nhà trên phố Sydney và nói chuyện với một người phụ nữ khai rằng có nghe thấy tiếng một chiếc xe ô tô đâm vào vật gì đó rồi chết máy vào lúc một giờ bốn mươi lăm phút sáng, khoảng nửa tiếng trước khi xảy ra án mạng.”
“Chúng ta có chứng cớ cụ thể nào không?” Friel hỏi.
“Cơn mưa hôm qua đúng là trêu ngươi chúng ta, thưa sếp. Chúng tôi chỉ tìm thấy vài dấu chân mờ nhạt có thể là của hung thủ và một vài dấu chân thuộc về nạn nhân. Chúng tôi cũng tìm thấy hai mươi lăm dấu chân khác nhau bên ngoài cánh cửa sau tấm màn chiếu. Cũng có thể là của nạn nhân, hung thủ hay chỉ là của hai mươi lăm người chả liên quan gì tới chuyện này, chỉ tới đây ban đêm để uống rượu hay dừng lại nghỉ một chút trong lúc chạy bộ. Chúng tôi cũng tìm thấy các vết máu trên và bên trong cánh cửa, có thể của hung thủ, có thể không. Chắc chắn là có nhiều vết máu thuộc về nạn nhân. Chúng tôi cũng tìm thấy một vài dấu tay trên cửa xe ô tô của nạn nhân. Cho tới giờ phút này, tất cả vật chứng chỉ có thế.”
Friel gật đầu. “Có điểm gì nổi bật để báo cáo với phó biện lý khi ông ta gọi cho tôi trong mười hay hai mươi phút tới không?”
Powers nhún vai. “Sếp cứ bảo với ông ta là trởi mưa đã phá hỏng hết hiện trường vụ án nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.”
“Còn gì nữa không?” Friel siết chặt tay lại thành hình nắm đấm.
Whitey quay đầu lại nhìn về phía con đường mòn dẫn xuống cánh cửa đằng sau tấm màn chiếu, địa điểm cuối cùng Katie Marcus chạm chân tới.
“Thật là phiền phức vì không có dấu chân.”
“Anh muốn nhắc đến cơn mưa…”
Whitey gật đầu. “Nhưng nạn nhân có để lại một vài dấu chân. Tôi cược là dấu chân của cô ấy vì chúng còn mới và lúc thì cô ấy phải đi bằng gót chân, lúc lại bằng gan bàn chân. Chúng tôi tìm thấy ba, có lẽ bốn dấu chân như thế và tôi gần như chắc chắn rằng nó thuộc về Katherine Marcus. Nhưng thủ phạm thì sao? Chả tìm thấy gì cả.”
“Lại nữa,” Sean nói. “Là do trời mưa.”
“Thì do trời mưa mà chúng ta chỉ tìm thấy có ba dấu chân của nạn nhân, tôi đồng ý. Nhưng sao lại không tìm thấy dù chỉ là một dấu chân của thủ phạm?” Nói tới đây Whitey quay sang nhìn Sean và Friel rồi nhún vai. “Mà thôi. Nói chung là bực mình.”
Friel nhảy xuống đất phủi hai tay và bảo. “Thôi được rồi, các cậu nghe đây: các cậu sẽ có trong tay sáu nhân viên điều tra. Chứng cớ của các cậu sẽ được đưa tới phòng xét nghiệm ở tuyến đầu với ưu tiên hàng đầu. Các cậu muốn huy động bao nhiêu cảnh sát tới hiện trường cũng được. Vậy nên trung sĩ, anh có thể cho tôi biết anh sẽ khôn khéo sử dụng nguồn nhân lực dồi dào ấy như thế nào không?”
“Tôi cho là chúng tôi sẽ phải nói chuyện với cha của nạn nhân xem anh ta có biết chương trình tối hôm qua của con gái mình không, cô ta đã đi gặp ai, ai có thể là kẻ thù của cô ta. Sau đó chúng tôi sẽ hỏi han vài người, thẩm vấn lại người phụ nữ nghe thấy tiếng ô tô tắt máy trên phố Sydney, tra khảo tất cả đám say rượu tìm thấy ở công viên và trên phố Sydney, hy vọng bên tổ kỹ thuật có thể tìm thấy những chứng cớ rõ ràng hay những mẫu tóc để có thể đẩy nhanh tiến độ điều tra. Có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy một mẩu da của thủ phạm dưới móng tay của cô gái. Hay dấu tay của hắn trên cánh cửa đó. Hay có thể hắn chính là bạn trai của cô gái và hai người bọn họ vừa mới cãi nhau.” Whitey lại nhún vai kiểu đặc trưng của mình, chân đá đá vào một đống đất. “Cứ thế đã.”
Friel nhìn sang Sean.
“Chúng tôi sẽ bắt được hắn thôi, sếp.”
Friel có vẻ như đang chờ đợi một lời hứa hẹn hấp dẫn hơn nhưng cuối cùng cũng gật đầu, vỗ vỗ vào khuỷu tay Sean trước khi rời khỏi sân khấu đi xuống hàng ghế dành cho khán giả nơi trung uý Krauser của cảnh sát thànhh phố đang đứng nói chuyện với sếp của ông ta, đại uý Gillis của quận sáu, tất cả bọn họ đều ném cho Sean và Whitey một cái nhìn kiểu “Đừng có mà làm hỏng chuyện đấy.”
“Chúng tôi sẽ bắt được hắn?” Whitey nhại lại. “Bốn năm đại học mà cậu chỉ nghĩ ra được mỗi một câu như thế à?”
Trong giây lát, Sean lại bắt gặp ánh mắt của Friel liền gật đầu với ông ta, hy vọng nó khẳng định sự tự tin và năng lực của anh. “Ở trong giáo trình ghi thế mà,” Sean quay sang bảo Whitey. “Ngay sau câu ‘Chúng tôi sẽ tóm được tên khốn đó’ và trước câu ‘Nhờ ơn đấng tối cao.’ Ông không nhớ à?”
Whitey lắc đầu. “Hôm đó chắc bị ốm không đi học.”
Họ quay ra nhìn viên trợ lý pháp y đóng cửa sau xe thùng rồi leo lên ngồi vào ghế lái xe.
“Ông có giả thiết nào không?” Sean hỏi.
“Nếu là cách đây mười năm,” Whitey trả lời, “thì tôi sẽ liên tưởng tới một nghi lễ gia nhập băng đảng. Nhưng bây giờ thì chịu. Mẹ kiếp. Tội phạm giảm đi nhưng lại rất khó dự đoán. Thế cậu thì sao?”
“Bạn trai ghen tuông, nhưng chỉ là theo lý thuyết mà nói.”
“Tới mức dùng gậy đánh bóng nện bạn gái? Hắn hẳn là có tiền sử bệnh tiết chế nóng giận.”
“Thì toàn thế cả.”
Nhân viên trợ lý pháp y mở cửa xe nhìn Whitey và Sean hỏi, “Nghe nói sẽ có người dẫn đường cho chúng tôi.”
“Chúng tôi sẽ dẫn đường cho anh,” Whitey trả lời. “Ra khỏi công viên thì anh vượt lên trước, mà này, nạn nhân là người thân, nên khi tới nơi đừng để cô ấy ngoài hành lang nhé. Anh hiểu không?”
Anh ta gật đầu và chui vào xe.
Whitey và Sean leo lên một chiếc xe tuần tra và Whitey chạy lên đằng trước chiếc xe pháp y. Họ cùng đi xuống dốc giữa trập trùng những dải băng phong toả hiện trường màu vàng và Sean nhìn thấy mặt trời bắt đầu lặn dần sau những rặng cây, tạo ra những quầng đỏ lung linh trên ngọn và nhuộm con kênh Penitentiary thành một màu vàng sẫm. Sean chợt nghĩ nếu như anh có chết đi thì có lẽ đây là một trong những điều mà anh luyến tiếc nhất, thứ sắc màu này, cái cách chúng đột nhiên xuất hiện khiến ta cảm thấy bàng hoàng, trong lòng buồn man mác và trở nên nhỏ bé, như thể bản thân không thuộc về nơi đây.
Đêm đầu tiên ở nhà tù Deer Island, Jimmy đã phải ngồi cả đêm từ chín giờ tối tới sáu giờ sáng để đề phòng gã ở cùng buồng giam giở trò.
Gã đó là Woodrell Daniels, đi mô tô suốt đêm từ New Hampshire tới Massachusetts để thực hiện một phi vụ buôn bán thuốc lắc, trong lúc dừng lại làm mấy chầu whisky tại một quán bar đã dùng gậy bi-a chọc mù mắt một người. Woodrell Daniels là một gã hộ pháp khắp người đầy vết xăm trổ và sẹo do dao đâm để lại. Hắn nhìn Jimmy rồi cười khùng khục một cách ám muội khiến người Jimmy căng như dây đàn.
“Chúng ta sẽ gặp lại nhau sau nhé,” Woodrell bảo Jimmy lúc trại giam tắt đèn. Rồi lại giở điệu cười ám muội kia ra và nhắc lại lần nữa, “Chúng ta gặp lại sau nhé!”
Vì thế mà Jimmy thức suốt cả đêm, lắng nghe từng tiếng động kẽo kẹt ở giường trên, hiểu rằng nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ phải chộp lấy họng của Woodrell và tự hỏi không biết liệu có thể thụi cho hắn một cú mà không bị hai cánh tay đồ sộ kia túm lấy. Đấm vào họng, Jimmy tự nhủ. Đấm vào họng, đấm vào họng, đấm vào họng, ôi Chúa ơi, hắn chuẩn bị giở trò…
Nhưng đó chỉ là Woodrell trở mình trong giấc ngủ khiến những tấm giát giường kêu cọt kẹt, sức nặng của cơ thể hắn làm trũng cả tấm đệm, võng xuống đầu Jimmy như một cái bụng voi.
Đêm đó, Jimmy nghe thấy nhà tù giống như một sinh vật sống. Một cỗ máy đang thở. Hắn nghe thấy tiếng lũ chuột cống đánh nhau, nhai gặm, nghiến răng, chí choé một cách tuyệt vọng, điên cuồng. Hắn nghe thấy những tiếng thì thào, rên rỉ, tiếng giát giường bập bênh lên xuống kẽo kẹt. Tiếng nước rỏ tong tỏng, tiếng người nói mớ và tiếng giày của một lính gác từ xa vọng lại. Vào lúc bốn giờ sáng, hắn nghe thấy một tiếng thét – chỉ duy nhất một tiếng thét – tắt ngấm một cách nhanh chóng tới mức âm vang và ký ức của nó còn dài hơn và Jimmy trong giây phút đó đã nghĩ tới việc lấy gối chèn lên mặt Woodrell Daniels khiến hắn chết ngạt. Nhưng hai tay Jimmy lúc đó dính nhớp nhúa và ai mà biết được Woodrell đang ngủ thật hay chỉ giả vờ và rất có thể Jimmy không đủ sức lực để giữ chiếc gối đó ở đúng vị trí khi hai cánh tay đồ sộ của gã đàn ông lực lưỡng kia vung lên, cào cấu vào mặt hắn, dóc ra từng miếng thịt trên cổ tay hắn và đập nát sụn tai hắn bằng những nắm đấm như búa bổ. Giờ cuối cùng là khoảng thời gian tồi tệ nhất. Một luồng ánh sáng màu hồng nhạt, hơi xám chiếu xuyên qua những ô cửa sổ nặng nề ở trên cao, phủ khắp buồng giam một thứ màu kim loại lạnh lẽo. Jimmy nghe thấy tiếng các tù nhân khác thức dậy đi đi lại lại trong buồng giam của họ, nghe thấy những tiếng ho khan cáu kỉnh. Hắn có cảm giác như cỗ máy bắt đầu vận hành, động cơ vẫn còn lạnh nhưng đã sẵn sàng tiếp thu năng lượng, biết là nó sẽ chết nếu thiếu bạo lực và mùi vị da thịt của con người.
Woodrell nhảy bổ xuống sàn, đột ngột khiến Jimmy không kịp phản ứng. Hắn ti hí nhắm hai mắt lại và thở sâu, chờ cho Woodrell lại gần đủ để chộp lấy họng của hắn.
Nhưng Woodrell thậm chí còn chẳng thèm nhìn tới hắn. Gã ta lấy một quyển sách từ trên giá xuống, mở nó ra, rồi quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện.
Gã lẩm nhẩm cầu nguyện, đọc những đoạn thư của Thánh Paul trong Kinh Thánh rồi lại cầu nguyện, thỉnh thoảng phát ra những tiếng cười khẽ nhưng không làm đứt mạch ngôn từ cho tới khi Jimmy hiểu ra rằng điệu cười của gã chỉ là một thứ phản xạ không điều khiển được, giống như những tiếng thở dài của mẹ Jimmy khi hắn còn nhỏ. Bản thân Woodrell có lẽ đã không còn nhận ra điều đó nữa.
Cho tới khi Woodrell quay lại và hỏi Jimmy xem hắn có muốn coi Thiên Chúa là đấng cứu rỗi của mình không thì Jimmy biết rằng đêm dài nhất của đời hắn đã qua. Hắn có thể nhìn thấy trên giương mặt của Woodrell thứ ánh sáng của nỗ lực nhằm cứu rỗi linh hồn, một thứ ánh sáng lung linh trên khuôn mặt gã mà Jimmy không hiểu tại sao mình lại có thể bỏ qua trong lần đầu tiên gặp mặt.
Jimmy gần như không thể tin vào vận may hiếm có của mình, kết thúc trong chuồng sư tử, chỉ có điều con sư tử này lại là một tín đồ Thiên Chúa giáo và Jimmy sẵn sàng chấp nhận hết thảy, Jesus, Bob Hope, Doris Day hay bất cứ nhân vật quái quỷ nào mà Woodrell thờ phụng trong cơn sốt thần thánh của mình, miễn là tên lập dị lấy thịt đè người kia chịu ngủ yên trên giường hắn vào ban đêm và ngồi cạnh Jimmy vào ban ngày trong các bữa ăn.
“Tôi đã một lần lầm lạc,” Woodrell Daniels nói với Jimmy. “Nhưng giờ đây, nhờ ơn Chúa, tôi đã tìm thấy con đường của mình.”
Jimmy suýt nữa thì buột miệng nói: anh làm thế là quá đúng, Woodrell.
Cho tới hôm nay, Jimmy vẫn dùng cái đêm đầu tiên ở nhà tù Deer Island ấy ra làm thước đo tính kiên nhẫn của mình. Hắn tự cho rằng mình có thể đứng yên ở một chỗ bao lâu cũng được nếu cần thiết, một hay hai ngày để đạt được mục đích vì không gì có thể chọi được với cái đêm dài dằng dặc đầu tiên trong cơ thể sống của một nhà tù thở rầm rĩ và hổn hển xung quanh hắn giữa tiếng chuột kêu chí choé, tiếng giát giường kẽo kẹt và những tiếng la hét không thọ được lâu.
Cho tới hôm nay.
Đứng đó ở cổng ra vào công viên Penitentiary trên phố Roseclair, Jimmy và Annabeth chỉ biết chờ đợi. Họ đứng bên trong hàng rào chắn thứ nhất mà cảnh sát bang dựng lên trước cổng công viên nhưng không được phép vượt qua hàng rào tiếp theo. Người ta đưa cà phê và ghế gập cho hai vợ chồng, đối xử tử tế với họ. Nhưng hai người vẫn phải ngồi đó chờ đợi, mỗi khi định hỏi thông tin mới đều bị các nhân viên cảnh sát mặt mũi buồn rầu nhưng cương quyết nhã nhặn từ chối, nói rằng họ cũng không biết gì hơn những người ở bên ngoài công viên.
Kevin Savage đã đưa Nadine và Sara về nhà nhưng Annabeth ở lại với Jimmy. Cô ngồi cạnh Jimmy trong chiếc váy màu tím oải hương mặc tới dự lễ ban thánh thể đầu tiên của Nadine, cứ như sự kiện này đã xảy ra từ lâu lắm rồi, im lặng và căng thẳng trong niềm hy vọng cùng cực. Hy vọng rằng Jimmy chỉ hiểu nhầm biểu hiện trên gương mặt Sean Devine. Rằng nhờ một phép nhiệm mầu nào đó mà chiếc xe bị bỏ rơi của Katie cũng như sự vắng mặt cả ngày hôm nay của con bé thật ra không liên quan tới sự hiện diện của cảnh sát trong công viên Penitentiary. Rằng sự thật mà cô đang nghi ngờ hoá ra chỉ là một sự dối trá.
“Anh lấy cho em một ly cà phê nữa nhé?” Jimmy hỏi.
Cô mỉm cười đờ đẫn. “Không cần. Thế là đủ rồi.”
“Em chắc chứ?”
“Vâng.”
Nếu chưa thấy xác, Jimmy nghĩ, nghĩa là con bé chưa chết. Trong suốt mấy tiếng đồng hồ vừa qua, kể từ khi hắn và Chuck Savage bị lôi ra khỏi con dốc phía trên bãi chiếu bóng, Jimmy vẫn dựa vào lý do đó để nuôi hy vọng. Có thể là một đứa con gái khác trông giống Katie. Hay con bé vẫn còn đang hôn mê. Hay con bé bị mắc kẹt trong kẽ hở phía sau màn hình và họ không tìm cách nào lôi nó ra được. Con bé bị đau, có lẽ là rất đau nhưng vẫn còn sống. Và đó chính là hy vọng, mỏng mảnh như sợi tóc trẻ thơ, loé lên trong sự mập mờ của thông tin chưa được xác nhận.
Và ngay cả khi biết rõ rằng hy vọng đó thật hão huyền, Jimmy cũng không đành lòng buông trôi.
“Ý em là, chưa ai nói gì với anh cả, đúng không?” Annabeth trước đó có hỏi hắn.
“Chả ai nói gì cả.” Jimmy vỗ vỗ lên tay Annabeth để trấn an, trong lòng biết rằng bản thân việc họ được phép vào tận đây cũng đã là một sự xác nhận rồi.
Tuy nhiên thứ vi trùng hy vọng nhỏ bé kia nhất định không chịu chết một khi chưa nhìn thấy người ta mang tới một cái xác và gật đầu thừa nhận, “Đúng vậy, chính là con bé. Là Katie. Con gái tôi.”
Jimmy quan sát đám cảnh sát đứng trước chiếc cửa vòm sắt dẫn vào công viên. Chiếc cổng vòm đó là tất cả những gì còn sót lại của khu nhà tù cũ trước khi người ta biến nó thành bãi chiếu phim ngoài trời, giờ là công viên, trước khi tất cả những người đang có mặt ở đây hôm nay chào đời. Nó nhường chỗ cho thị trấn sinh sôi nảy nở quanh mình. Những người quản giáo thì định cư ở khu Thượng còn gia đình phạm nhân thì xây tổ ở khu Hạ. Khi khu vực này sáp nhập vào thành phố thì những người quản giáo cũng đến độ tuổi tranh cử vào các vị trí chức trách ở địa phương.
Chiếc máy bộ đàm của viên cảnh sát đứng gần cửa nhất phát ra tín hiệu và anh ta đưa nó lên trước miệng.
Bàn tay của Annabeth siết tay Jimmy chặt tới mức các khớp xương của hắn như cọ vào nhau.
“Là Powers ở đầu dây. Chúng tôi sẽ đi ra bây giờ.”
“Đã xác nhận.”
“Ông bà Marcus vẫn ở ngoài đó chứ?”
Viên cảnh sát nhìn về phía Jimmy rồi cụp mắt xuống. “Đúng thế.”
“Được rồi. Ngừng nhé.”
“Ôi Chúa ơi, Jimmy. Ôi Chúa ơi.” Annabeth thì thào.
Jimmy nghe tiếng bánh xe rít lên và nhìn thấy vài chiếc ô tô và xe thùng đi ra phía ngoài hàng rào chắn trên phố Roseclair. Những chiếc xe thùng đều có gắn thiết bị liên lạc vệ tinh trên nóc. Đám phóng viên và quay phim lập tức nhảy bổ ra, chen lấn xô đẩy lẫn nhau, những chiếc máy quay và micro không dây giơ cao.
“Đuổi bọn họ đi chỗ khác!” một nhân viên cảnh sát đứng cạnh cổng công viên nói. “Đẩy họ ra, ngay lập tức!”
Các nhân viên cảnh sát đứng trước rào chắn bắt đầu xông vào giữa đám phóng viên, tiếng la hét nổi lên.
Viên cảnh sát kia lại nói vào máy bộ đàm. “Đây là Dugay. Trung sĩ Powers có đó không?”
“Powers nghe đây.”
“Chúng tôi bị chặn ở đây. Là đám phóng viên.”
“Giải tán bọn họ đi.”
“Đang tiến hành, thưa trung sĩ.”
Cách cổng công viên khoảng hai mươi mét, Jimmy nhìn thấy một xe tuần tra của cảnh sát rẽ ra khỏi khúc ngoặt và đột ngột dừng lại. Hắn nhìn thấy một người ngồi sau tay lái, máy bộ đàm giơ ngang miệng, ngồi bên cạnh là Sean Devine. Một chiếc xe khác dừng lại đằng sau họ, chỉ nhìn thoáng qua mũi xe miệng Jimmy đã trở nên khô khốc.
“Ngăn bọn họ lại, Dugay. Kể cả nếu cậu phải vắn vào mông chúng tôi cũng mặc. Đuổi cái lũ bám dai như đỉa ấy đi cho tôi.”
“Rõ, thưa sếp.”
Dugay và ba nhân viên cảnh sát khác đi qua mặt Jimmy và Annabeth. Dugay vừa đi vừa quát, tay chỉ vào đám đông phía trước. “Các người đang xâm phạm hiện trường vụ án. Yêu cầu mọi người quay trở lại xe của mình ngay lập tức. Các người không được phép đi vào khu vực này. Mọi người lập tức quay trở lại xe của mình ngay.”
“Ôi trời,” Annabeth lẩm bẩm. Jimmy cảm thấy luồng gió của một chiếc trực thăng thổi tới trước khi nghe thấy tiếng động cơ của nó. Hắn ngẩng lên nhìn chiếc máy bay lướt qua đầu rồi quay trở lại với chiếc xe tuần tra đang đỗ lại trên đường. Hắn thấy người lái xe hét vào máy bộ đàm của mình rồi những tiếng còi báo động bắt đầu vang lên rầm rĩ, như một bản hợp xướng hỗn loạn và những chiếc xe cảnh sát màu bạc và xanh lính thuỷ đột ngột lao ra từ các ngóc ngách trên phố Roseclair khiến đám phóng viên lật đật chạy trở về xe của mình còn chiếc máy bay trực thăng thì rẽ ngoặt sang phía công viên.
“Jimmy,” Annabeth lên tiếng và Jimmy chưa bao giờ thấy giọng vợ mình buồn như thế. “Jimmy, làm ơn, làm ơn.”
“Làm ơn gì cơ, em yêu?” Jimmy nắm lấy tay vợ. “Gì cơ?”
“Ôi, Jimmy, làm ơn. Không. Không.”
Chính là những tiếng động đó – tiếng còi hú, tiếng lốp xe kêu rít trên mặt đường, tiếng động cơ cánh quạt máy bay. Tiếng động đó như gào thét vào tai họ rằng Katie đã chết và Annabeth bắt đầu trở nên suy sụp trong vòng tay Jimmy.
Dugay lại chạy qua trước mặt bọn họ, di chuyển những trụ nhựa đặt trước cổng công viên và trước khi Jimmy kịp nhận ra chiếc ô tô kia chuyển động thì nó đã đỗ xịch bên cạnh hắn và một chiếc xe thùng màu trắng vượt lên rẽ trái sang phố Roseclair. Jimmy kịp nhìn thấy hàng chữ PHÁP Y HẠT SUFFOLK bên sườn xe và mọi khớp xương trên cơ thể hắn, từ mắt cá chân tới vai, trên hông, dưới hai đầu gối, đều như sụm xuống và tan ra thành nước.
“Jimmy.”
Jimmy nhìn xuống Sean Devine. Từ chỗ ngồi của mình bên cạnh người cầm lái, Sean ngước nhìn hắn qua ô cửa xe đã mở hết kính.
“Jimmy, đi thôi. Xin cậu hãy lên xe.”
Sean ra khỏi xe và mở cánh cửa bên hông trong khi chiếc máy bay trực thăng quay trở lại, bay cao hơn lúc trước nhưng Jimmy vẫn cảm thấy gió thốc vào đầu mình.
“Cả bà Marcus nữa,” Sean nhắc lại. “Jimmy, anh bạn, lên xe đi.”
“Nó chết rồi ư?” Annabeth lên tiếng. Những từ đó cứa vào Jimmy như a xít.
“Bà Marcus, làm ơn. Xin bà hãy lên xe.”
Một đội xe tuần tra xếp thành hàng đôi hộ tống đang chờ họ trên phố Roseclair rú còi ầm ĩ, vẻ sốt ruột.
Annabeth gào lên, át cả tiếng động xung quanh, “Có phải là con gái tôi…”
Jimmy thúc vợ mình lên xe vì hắn không thể nghe cái từ kia thêm một lần nữa. Hắn kéo cô ngồi vào ghế sau. Sean đóng cửa lại rồi leo lên đằng trước. Viên cảnh sát ngồi sau tay lái nhấn ga đồng thời bật còi hụ. Chiếc xe lao đi, nhập với đoàn xe hộ tống trên phố Roseclair, một binh đoàn xe cảnh sát với những cỗ máy gầm rú, những tiếng còi báo động không ngừng gầm rú đạp gió lao về phía đường cao tốc.
Con bé nằm trên một cái bàn kim loại.
Hai mắt nó nhắm nghiền, chân mất một bên giày.
Da nó tím đen, một thứ màu mà Jimmy chưa bao giờ nhìn thấy.
Hắn vẫn ngửi thấy mùi nước hoa của con bé, thoảng qua, giữa mùi thuốc phooc môn nồng nặc trong căn phòng lạnh lẽo, thực sự lạnh lẽo này.
Sean đặt một tay lên lưng Jimmy. Jimmy nói mà gần như không biết mình đang nói gì vì giây phút đó hắn cũng đã chết như thi thể đang nằm kia.
“Đúng vậy, là con bé,” hắn nói.
“Là Katie,” hắn nói.
“Là con gái tôi.”