Nhân viên cấp cứu kiểm tra lại xem chiếc cáng đã được đặt chắc chắn chưa rồi khoá thắt lưng an toàn lại. Anh ta gõ vào tấm kính ngăn cách với buồng lái, và xe lên đường. Nghiêng người trên ban công nhà Arthur, bà Morrison nhìn theo chiếc xe cấp cứu rẽ ở ngã tư rồi biến mất, còi rú ầm ĩ. Bà khép cửa sổ, tắt đèn rồi trở về nhà mình. Paul đã hứa sẽ gọi điện cho bà ngay khi biết thêm được một chút tin tức. Bà ngồi ở ghế bành, chờ đợi tiếng chuông điện thoại vang lên trong yên lặng.
Paul ngồi cạnh nhân viên cấp cứu, anh này theo dõi huyết áp của Arthur. Arthur ra hiệu cho Paul đến gần.
– Đừng để họ đưa chúng mình đến bệnh viện Memorial – Arthur thì thầm vào tai bạn. – tớ vừa ở đó lúc nãy.
– Thế thì càng phải quay lại đó và cho bọn nó một bê bối. Để cậu ra viện trong tình trạng như thế này là phạm vào lỗi nghề nghiệp.
Paul ngừng nói, nhìn Arthur vẻ thận trọng:
– Cậu có gặp cô ta không ?
– Chính cô ấy khám cho tớ.
– Tớ không tin cậu !
Arthur quau đầu đi, không trả lời.
– Thì ra là vì vậy mà cậu bị một cơn xây xẩm thế này đây, ông bạn của tớ; cậu mắc hội chứng trái tim tan nát, cậu đau khổ lâu quá rồi.
Paul mở ô cửa nhỏ trên tấm kính ngăn với buồng lái và hỏi tài xế đang đi đến bệnh viện nào.
– Mission San Perdo – người lái xe trả lời.
– Tốt lắm – Paul càu nhàu và khéo ô kính lại.
– Cậu biết không, lúc chiều tớ đã gặp Carol-Ann đấy – Arthur thì thào.
Paul nhìn bạn, lần này với vẻ ái ngại:
– Không sao đâu, thư giãn đi, cậu hơi mê sảng một tí nên cậu tưởng gặp lại tất cả các cô bồ cũ của cậu, nhưng rồi chuyện này sẽ qua thôi.
Mười phút sau, xe cấp cứu đến nơi đã định. Khi những người khiêng cáng bước vào đại sảnh vắng ngắt của bệnh viện Mission San Perdo, Paul lập tức hiểu rằng mình đã làm điều ngu ngốc khi để cho họ đến đây. Nữ y tá Cybile rời cuốn sách và quầy trực để dẫn các nhân viên cấp cứu vào một phòng khám. Họ đặt Arthur lên giường rồi rút lui.
Trong lúc đó, Paul điền vào tờ trình về tai nạn ở quầy đón tiếp. Đã hơn nửa đêm khi Cybile trở lại chỗ anh; chị đã nhắn tin cho bác sĩ trực và thề rằng ông ta sắp đến. Bác sĩ Brisson đang kết thúc vòng đi thăm bệnh nhân trên tầng. Trong phòng khám, Arthur không còn đau nữa, anh chìm dần vào trạng thái mơ màng của một giấc ngủ sâu. Cơn đau đầu cuối cùng đã ngừng lại như có phép màu. Và từ khi cảm giác đau đớn biến mất, Arthur, sung sướng, lại nhìn thấy được…
Vườn hồng đẹp lộng lẫy, nở rộ những bông hồng hàng ngàn sắc màu. Một bông Cardinale màu trắng, có kích thước mà anh chưa từng thấy bao giờ, nở ra trước mặt anh. Bà Morrison đi đến, miệng khe khẽ hát. Bà cẩn thận cắt một bông hoa, lựa vào đoạn phía trên mắt cây, và mang bông hoa vào dưới mái hiên. Bà ung dung ngồi vào ghế xích đu, Paolo ngủ dưới chân bà. Bà tách từng cánh hoa ra và bắt tay vào khâu chúng một cách cực kỳ tinh tế lên chiếc áo vét bằng vải tuýt. Thật là một ý hay khi dùng những cánh hoa để thay vào chỗ túi áo bị mất. Cánh cửa nhà mở ra, mẹ anh bước xuống bậc thềm. Bà mang trên chiếc khay đan bằng cành liễu một tách cà phê và vài chiếc bánh bích quy cho con chó. Bà nghiêng người về phía con chó để cho nó ăn.
– Cái này là cho mày đấy, Kali – bà nói.
Tại sao bà Morrison không nói thật với Lili ? Con chó này tên là Paolo, thật lạ lùng khi gọi nó là Kali.
Nhưng Lili cứ nói đi nói lại không ngừng mỗi lúc một to hơn “Kali, Kali, Kali”, và bà Morrison vừa đu mỗi lúc một cao hơn vừa cười và lặp lại theo: “Kali, Kali, Kali”. Hai người đàn bà quay về phía Arthur và ra hiệu, bằng một ngón tay đầy vẻ độc đoán đặt trên môi, rằng anh phải im lặng. Arthur tức điên lên. Sự thông đồng bất ngờ này làm cho anh cáu kỉnh tột độ. Anh đứng dậy và gió cũng nổi lên.
Cơn giông từ ngoài biển ập vào với tốc độ lớn. Những giọt nước to nặng nhảy nhót trên mái nhà. Những đám mây sũng nước bao phủ bầu trời Carmel đã vỡ tung ra không kiểu cách trên vườn hồng. Mưa xói làm thành hàng chục hốc nhỏ trên mặt đất, xung quanh anh. Bà Morrison bỏ lại chiếc áo vét trên ghế xích đu và đi vào trong nhà để trú mưa. Paolo đi theo bà ngay tức khắc, đuôi cụp lại sợ hãi, nhưng khi đến ngưỡng cửa, con vật bỗng quay ngoắt lại, sủa ầm lên như để báo hiệu về một mối nguy hiểm. Arthur gọi mẹ, anh gọi bằng toàn bộ sức lực để chống chọi với cơn gió đang đẩy lùi những lời nói vào lại cổ họng anh. Lili quay người, bà nhìn con trai, gương mặt bà có vẻ thật đau buồn, rồi bà biến đi, mất hút trong bóng tối của hành lang. Cánh cửa chớp ở cửa sổ phòng làm việc đập thình thịch vào mặt tường, bản lề kêu kèn kẹt. Paolo tiến đến bậc thềm đầu tiên, nó rống lên như bị chọc tiết.
Phía dưới ngôi nhà, biển thịnh nộ nổi sóng. Arthur nghĩ rằng không có cách nào đến được cái hang dưới chân vách đá kia. Thế nhưng đó lại là nơi lý tưởng để trú ẩn. Anh nhìn ra xa, về phía vịnh, một đợt sóng lừng dâng cao gây cho anh cảm giác nôn nao dữ dội.
Cơn buồn nôn quặn lên, anh cúi gập người về phía trước.
– Tôi không chắc là tôi còn chịu được tình trạng này lâu hơn nữa – Paul nói, cái chậu nhỏ để nôn cầm trong tay.
Nữ y tá Cybile giữ vai Arthur để anh không ngã từ bàn khám xuống khi toàn thân nghiêng ngả vì những cơn co thắt.
– Cái lão bác sĩ đần độn kia đã sắp đến chưa, hay là tôi phải vác cái gậy bóng chày đi tìm lão ? – Paul gầm lên.
° ° °
Ở tầng trên cùng của bệnh viện Mission San Perdo, ngồi trên chiếc ghế trong bóng tối tại căn phòng của một người bệnh, bác sĩ nội trú Brisson đang nói chuyện điện thoại với cô bạn gái của mình. Cô này đã quyết định bỏ anh ta và gọi điện từ nhà anh, liệt kê một danh sách những điều không phù hợp khiến cho họ không còn cách nào khác ngoài chia tay nhau. Anh bác sĩ trẻ tuổi Brisson không muốn nghe nói là anh ta ích kỷ và hãnh tiến, còn Véra Zlicker thì không muốn thú nhận với anh ta rằng anh bồ cũ của cô đang đợi cô dưới nhà, trong một chiếc ôtô, khi cô đang sắp xếp vali. Thêm nữa, cuộc nói chuyện này không thể tiếp tục từ một phòng bệnh được, đến cả cái việc chia tay nhau mà cũng không thể kín đáo riêng tư được một tí, cô ta kết luận. Brisson áp điện thoại di động của mình vào máy đo tim mạch để cho Véra nghe thấy những tiếng bíp bíp yếu ớt và đều đặn từ tim người bệnh của anh ta. Bằng một giọng lạnh lùng, anh ta nói rõ rằng với tình trạng hiện giờ thì người bệnh sẽ không làm phiền gì họ cả.
Tự hỏi rằng không biết cái áo phông mà cô đang gập có đúng là của cô không, Véra im lặng một chút. Cô rất khó tập trung được cùng một lúc vào hai chủ đề. Brisson cứ tưởng là cuối cùng cô đã lưỡng lự, nhưng rồi Véra lại hỏi liệu có thiếu thận trọng không nếu cứ tiếp tục cuộc nói chuyện này, cô vẫn thường nghe nói rằng điện thoại di động làm rối loạn hoạt động của các máy móc y tế. Anh chàng bác sĩ nội trú gào lên rằng vào chính lúc này đây thì anh ta cóc quan tâm đến chuyện đó, và anh ta ra lệnh cho người mà bây giờ đã là bồ cũ của mình rằng ít ra cũng phải giữ phép lịch sự để đợi đến sáng mai, lúc anh ta đi trực về đã. Tức giận, Brisson tắt luôn chiếc máy nhắn tin đang reo lên lần thứ ba trong túi áo anh ta; ở đầu dây bên kia, Véra vừa dập máy.
° ° °
Tĩnh mạch con nằm phía sau bộ não đã bị tổn hại ở thời điểm xảy ra cú va đập và quầy kính. Trong ba tiếng đồng hồ đầu tiên sau khi xảy ra tai nạn, chỉ có một lượng máu không đáng kể rỉ ra từ mạch máu bị hư hại, nhưng đến đầu buổi tối, sự xuất huyết đã đủ để gây ra những rối loạn đầu tiên về thăng bằng và thị giác. Một nghìn miligramme aspirine ngấm vào qua đường dưới lưỡi đã biến đổi hẳn tình hình. Mười phút là đủ cho những phân tử acide acétylsalicylique làm máu tan lỏng ra ở những nơi mà thuốc đã ngầm vào. Qua vết rách, dòng máu trào ra xung quanh bộ não, giống như một con sông tràn bờ. Lúc Arthur đang trên đường đến bệnh viện, lượng máu chảy ra không còn chỗ dưới vòm sọ để tràn vào, nó bắt đầu chèn ép màng não.
Trong ba màng bao bọc bộ não, màng đầu tiên lập tức phản ứng. Tưởng rằng đây là một dạng nhiễm trùng, nó bèn thực hiện vai trò đã được giao cho nó. Vào lúc tám giờ mười phút tối, nó tấy lên để cố kìm giữ kẻ xâm nhập. Trong một vài giờ nữa, khối máu đang hình thành sẽ chèn ép bộ não tới mức đủ để gây ra sự ngừng các chức năng sống. Arthur rơi vào trạng thái bất tỉnh. Paul quay ra tìm nữ y tá; chị yêu cầu anh vui lòng ngồi đợi ở một chiếc ghế bành, bác sĩ trực là người rất nguyên tắc trong việc tuân thủ nội quy. Paul không có quyền đứng ở phía bên này cửa kính.
Brisson cáu kỉnh ấn nút thang máy xuống tầng trệt.
° ° °
Cách đó không xa, cánh cửa thang máy mở ra ở đại sảnh khoa cấp cứu của một bệnh viện khác. Lauren đi ra quầy đón tiếp và nhận một hồ sơ mới từ tay Betty.
Người đàn ông bốn mươi lăm tuổi đến đây với một vết thương sâu ở bụng, kết quả của một cú dao đâm tai hại. Ngay sau khi anh ta nhập viện, độ bão hoà máu đã tụt xuống quá ngưỡng nguy hiểm, báo hiệu một sự xuất huyết quan trọng. Tim anh ta có những dấu hiệu cho thấy sắp xảy ra một cơn rung thất và Lauren quyết định phải can thiệp bằng phẫu thuật trước khi quá muộn. Cô đã rạch một đường thẳng để kẹp lại mạch máu đang tuôn ra ào ạt; nhưng cú dao đâm lúc trước, khi rút ra, còn gây ra những hư hại khác. Huyết áp của người bị thương vừa tăng lên, lập tức có nhiều đường rách khác hình thành ở phía dưới vết thương ban đầu.
Lauren buộc phải thọc tay vào bụng người đàn ông; bằng ngón cái và ngón trỏ, cô kẹp chặt lại hẳn một phần ruột non để ngăn chặn những chổ chảy máu quan trọng. Thao tác được thực hiện khéo léo và huyết áp lại tăng lên. Betty đã có thể đặt hai tay cầm của máy sốc điện mà lúc trước chị nắm chắc trong tay xuống, tăng thêm lưu lượng dịch truyền. Lauren ở vào một tư thế khá bất tiện, từ lúc này cô không thể rút tay ra đường, sức ép mà cô đang duy trì có tầm quan trọng sống còn.
Năm phút sau, khi êkíp phẫu thuật đến, Lauren phải đi theo họ đến tận phòng mổ, tay vẫn để trong bụng bệnh nhân.
Hai mươi phút sau, bác sĩ phẫu thuật chịu trách nhiệm về ca mổ ra hiệu cho cô có thể rút tay ra và để kíp mổ giải quyết nốt, sự xuất huyết đã được cầm lại. Bàn tay cứng đờ, Lauren lại đi xuống đại sảnh khoa cấp cứu, ở đó lượng người bị thương chen chúc còn lâu mới được giải toả hết.
° ° °
Brisson bước vào phòng khám. Anh ta xem hồ sơ và ghi lại những hằng số sống của Arthur, chúng đều ổn định. Do vậy, chỉ có trạng thái mê man là có thể đáng lo. Không tuân theo những chỉ thị của nữ y tá, Paul chất vấn bác sĩ ngay khi anh ta vừa ra khỏi phòng khám.
Bác sĩ trực lập tức yêu cầu Paul ra đợi trong khu vực dành cho người ngoài. Paul đập lại rằng trong cái bệnh viện vắng ngắt này, những bức tường sẽ không tức giận đâu nếu anh bước quá đi vài mét khỏi cái đường kẻ màu vàng vạch trên cái nền nhà khá là cũ kỹ ấy. Brisson ưỡn ngực và giơ một ngón tay đầy vẻ áp đặt để chỉ rằng nếu cần phải nói chuyện thì cuộc nói chuyện sẽ diễn ra ở bên kia đường kẻ. Lưỡng lự không biết nên bóp cổ gã bác sĩ nội trú ngay lập tức hay là đợi đến khi biết được anh ta chẩn đoán thế nào, Paul đành tuân lệnh. Hài lòng, anh chàng bác sĩ trẻ bảo rằng hiện giờ anh ta không nói trước điều gì được. Anh ta sẽ gửi Arthur đi chụp X-quang ngay khi có thể. Paul nhắc đến máy scanner, nhưng bệnh viện không có máy này. Brisson ra sức trấn an Paul, bảo rằng nếu phim chụp X-quang cho thấy bất cứ thứ vấn đề gì thì anh ta sẽ cho chuyển Arthur đến một trung tâm chẩn đoán hình ảnh ngay ngày mai.
Paul hỏi tại sao không chuyển Arthur ngay bây giờ, nhưng gã bác sĩ trẻ từ chối. Từ lúc Arthur vào bệnh viện Mission San Perdo, anh ta là người duy nhất chịu trách nhiệm về Arthur. Đến lúc này thì Paul bèn nghĩ không biết anh có thể giấu xác của gã bác sĩ nội trú ở đâu sau khi bóp cổ gã.
Brisson quay trở lại và đi lên gác. Anh ta đi kiếm một chiếc máy chụp X-quang xách tay. Anh ta vừa biến đi, Paul đi ngay vào phòng khám và lay Arthur :
– Đừng có ngủ, cậu không được buông xuôi, cậu có nghe tớ nói không ?
Arthur mở mắt, ánh mắt lờ đờ, anh sờ soạng tìm tay bạn.
– Paul, cậu có nhớ thời niên thiếu của bọn mình chấm dứt chính xác vào ngày nào không ?
– Chuyện ấy có khó gì lắm đâu, thì vừa mới lúc nãy thôi mà !… Cậu có vẻ khá hơn rồi đấy, bây giờ cậu phải nghỉ ngơi.
– Khi bọn mình từ trường nội trú trở về, mọi thứ không còn ở chỗ của nó trước đây, cậu bảo “Sẽ có ngày, nơi mình lớn lên không còn là nhà mình nữa”. Tớ cứ muốn đi ngược trở lại, nhưng cậu thì không.
– Giữ sức đi, bọn mình sẽ có thời gian để nói về tất cả những chuyện đó sau.
Paul nhìn Arthur, anh lấy một cái khăn và ra vặn vòi nước ở bồn rửa mặt. Anh vắt khăn rồi đặt lên trán bạn. Arthur có vẻ dễ chịu hơn.
– Hôm nay tớ đã nói chuyện với cô ấy. Suốt thời gian vừa qua, có một cái gì đó tự đáy lòng tớ nói với tớ rằng có lẽ mình đã duy trì một ảo ảnh. Rằng cô ấy là một nơi trú ẩn, một cách để tự yên lòng, bởi vì chẳng có gì nguy hiểm khi muốn đạt đến cái không thể với tới được.
– Chính tớ đã nói với cậu như thế cuối tuần vừa rồi, đồ ngốc, giờ thì quên cái mớ triết lý ngu xuẩn của tớ đi, chỉ vì lúc ấy tớ đang bực tức thôi.
– Vì sao cậu bực tức ?
– Vì bọn mình không làm sao có thể hạnh phúc cùng một lúc được nữa. Đối với tớ, như thế tức là già đi.
– Già đi là một điều hay cậu ạ, một sự may mắn kỳ lạ đấy. Tớ phải thổ lộ với cậu một bí mật. Khi tớ nhìn những người già, tớ thường ghen với họ.
– Ghen vì tuổi già của họ ấy à ?
– Ghen vì họ đã đến được tuổi già, đã sống được đến tận đó !
Paul nhìn huyết áp kế. Huyết áp vẫn hạ xuống thêm, anh nắm chặt tay lại, tin chắc rằng cần phải hành động. Gã lang băm này sắp giết chết thứ quý nhất trên đời của anh, người bạn có ý nghĩa như cả một gia đình đối với anh.
– Ngay cả khi tớ không qua khỏi thì cũng đừng nói gì với Lauren nhé.
– Cậu tiết kiệm lời đi còn hơn là nói những chuyện ngớ ngẩn như vậy.
Arthur lại xỉu đi, đầu ngoẹo sang một bên. Lúc đó là một giờ năm mươi hai phút theo đồng hồ treo tường trong phòng khám, chiếc kim giây không ngớt phát ra những tiếng tích tắc vờ vĩnh. Paul đứng dậy và bắt Arthur phải mở mắt ra.
– Cậu sẽ còn được già đi nhiều, đồ ngốc, việc này tớ sẽ lo, và đến khi cậu toàn thân thấp khớp, không giơ nổi cái gậy chống lên để đập tớ nữa, tớ sẽ nói cho cậu hay rằng vì tớ mà cậu khổ như vậy đấy, rằng vào một trong những buổi tối tồi tệ nhất đời tớ, lẽ ra tớ có thể tránh cho cậu tất cả những chuyện này. Nhưng lẽ ra cậu đừng nên bắt đầu như thế.
– Tớ đã bắt đầu cái gì ? – Arthur thì thào.
– Bắt đầu không vui với những niềm vui giống tớ, bắt đầu hạnh phúc theo cái kiểu mà tớ không hiểu nổi, bắt đầu buộc tớ cũng phải già đi nữa.
Brisson bước vào phòng khám, cùng đi là nữ y tá, đẩy theo chiếc xe chở máy chụp X-quang.
– Anh kia, ra ngoài ngay lập tức ! – Anh ta quát Paul bằng một giọng tức giận.
Paul nhìn anh ta từ đầu đến chân rồi đưa mắt về phía chiếc máy mà nữ y tá Cybile đang đặt vào vị trí ở đầu giường và quay sang nói với chị bằng một giọng điềm tĩnh :
– Cái máy này nặng cỡ bao nhiêu vậy ?
– Nặng đến mức khi phải đẩy cái của đáng ghét ấy đi tôi đau hết cả lưng.
Paul bất thình lình quay người lại và túm lấy cổ áo Brisson. Anh giải thích cặn kẽ một cách khá cương quyết cho gã bác sĩ về những sửa đổi trong nội quy của bệnh viện Mission San Perdo, sẽ có hiệu lực kể từ phút anh thả gã ra.
– Giờ thì anh đã hiểu những điều tôi nói chưa ? – Paul nói thêm trước cặp mắt thích thú của nữ y tá Cybile.
Được thả, Brisson rặn ra một tràng ho nhưng vội ngừng bặt ngay khi Paul vừa khẽ nhíu mày.
– Tôi thấy không có gì đáng phải lo ngại cả – mười phút sau, bác sĩ nội trú nói, sau khi đã xem những tấm phim gắn trên chiếc bảng được rọi sáng.
– Nhưng liệu một bác sĩ khác có thể thấy điều này đáng lo ngại không ? – Paul hỏi.
– Tất cả những chuyện này có thể đợi đến sáng mai – Brisson trả lời khô khan. – Ông bạn của anh chỉ bị choáng thôi.
Brisson ra lệnh cho nữ y tá đem cỗ máy trở lại phòng X-quang, nhưng Paul đã can thiệp.
– Bệnh viện chắc chẳng phải là nơi cuối cùng còn giữ được tính galăng, nhưng ta cứ thử một cái xem sao nhé ! – anh nói.
Che giấu một cách khó khăn cơn tức giận của mình, Brisson thừa hành, lấy lại chiếc xe đẩy từ tay Cybile. Anh ta vừa mất hút trong thang máy, nữ y tá bèn đập tay vào tấm kính ở quầy đón tiếp và ra hiệu cho Paul đến gặp chị.
– Cậu ấy đang ở trong tình trạng nguy hiểm phải không ? – Paul hỏi, mỗi lúc một thêm lo lắng.
– Tôi chỉ là y tá thôi, ý kiến của tôi có thực là quan trọng không ?
– Quan trọng hơn ý kiến của một số lang băm đấy – Paul nói để nữ y tá yên lòng.
– Thế thì anh nghe kỹ tôi nói đây – Cybile thì thầm. – Tôi cần công việc này, nếu có ngày anh kiện cái gã đần độn ấy ra toà thì tôi không thể ra làm chứng được đâu. Bọn họ cũng bao che cho nhau như giới cảnh sát vậy; trong trường hợp có sự cố, người nào nói ra thì sau đó có thể đi kiếm việc làm cả đời. Sẽ không có bệnh viện nào nhận họ hết. Chỉ có chỗ cho những người bênh vực lẫn nhau khi gặp rắc rối thôi. Cái bọn quan liêu ấy quên rằng ở chỗ chúng tôi, những chuyện rắc rối đều liên quan đến mạng người cả. Tóm lại, hai anh hãy chuồn khỏi đây đi, trước khi Brisson kịp giết chết bạn anh.
– Tôi không biết làm cách nào đây, chị bảo chúng tôi nên đi đâu ?
– Tôi rất muốn nói với anh rằng chỉ có kết quả mới là cái quan trọng, nhưng anh hãy tin theo linh cảm của tôi, trong trường hợp của bạn anh, thời gian cũng quan trọng lắm.
Paul đi đi lại lại cả trăm bước, tức giận với chính mình. Ngay khi họ vừa bước vào bệnh viện này, anh đã biết đó là sai lầm rồi. Anh cố lấy lại bình tĩnh, nỗi sợ đã khiến cho anh không tìm ra được giải pháp.
– Lauren ?
Paul vội vã đi đến bên chiếc giường, Arthur đang rên rỉ. Anh mở to mắt và cái nhìn của anh dường như hướng vào một thế giới khác.
– Rất tiếc, đó chỉ là tớ thôi – Paul nói và cầm tay bạn.
Giọng nói của Arthur đứt đoạn.
– Hãy lấy đầu tớ ra… để thề rằng… cậu sẽ không bao giờ nói cho cô ấy biết sự thật.
– Vào lúc này thì tớ thích lấy đầu tớ ra để thề hơn – Paul nói.
– Bởi vì cậu sẽ giữ lời hứa !
Đó là những lời nói cuối cùng của Arthur. Sự xuất huyết giờ đây đã nhấn chìm toàn bộ phần phía sau bộ não của anh. Để bảo vệ những trung khu thần kinh cốt tử chưa bị tổn hại, cỗ máy tuyệt vời đã quyết định ngừng hoạt động tất cả các trạm cuối của hệ thần kinh ngoại biên. Các trung khu thần kinh thị giác, lời nói, thính giác và vận động thôi không vận hành nữa. Lúc đó là hai giờ hai mươi phút theo đồng hồ treo tường ở phòng khám. Từ lúc này, Arthur chìm vào hôn mê.