Quán bar gần như vắng ngắt. Ở góc phòng, một nhạc công piano đang chơi một giai điệu của Duke. Onega đẩy cái ly rỗng của mình ra và yêu cầu người phục vụ rót thêm cho cô một ly Dry Martini.
– Hãy còn hơi sớm để uống đến ly thứ 3 nhỉ,! – người bồi bàn hỏi khi rót đồ uống cho cô.
– Anh có giờ giấc nào dành cho các nỗi khổ không?
– Các khách hàng của tôi thường hay đến trút buồn phiền vào lúc cuối ngày.
– Nhưng tôi là người Ukcraina. – Onega nói và nâng cốc – và chúng tôi có thói quen coi trọng sự hoài cổ mà không một người phương tây nào có thể sánh được. Cần phải có một thứ tài năng cho cái tâm hồn mà các anh không có!
Onega rời quầy bar đến ngồi chống khuỷu tay vào cây đàn piano, nơi nhạc công đang bắt đầu một bài hát của Nar King Cole. Cô nâng ly rượu lên và nốc cạn. Nhạc công piano ra hiệu cho bồi bàn rót thêm cho cô, và chơi lại đoạn điệp khúc. Thời gian trôi qua, quán đông dần. Đêm đã buông xuống khi Paul bước vào quán. Anh đến gần Onega, làm ra vẻ không biết là cô đã say.
– Có một con vật ăn năn cụp đuôi đi đến – cô nói.
– Anh cứ tưởng là dân Đông Âu uống rượu khá hơn chứ.
– Anh đã thường xuyên nhầm về em rồi, vậy nhầm thêm một tý hay bớt thêm một tý thì có khác gì đâu.
– Anh tìm em khắp nơi – anh nói tiếp và giữ vai cô khi người cô lảo đảo trên ghế.
– Và anh đã tìm thấy em rồi đấy, anh đánh hơi tài lắm!
– Đi thôi, anh đưa em về.
– Anh chưa chán chê cảm giác nên anh bèn đến chơi với con búp bê Nga của anh; tiện nhỉ, anh chỉ việc mở một con matrioska và lấy con nhỏ hơn ra, phải không?
– Em nói linh tinh cái gì thế? Anh đã tạt qua nhà em, anh gọi vào máy di động của em, anh đi đến tất cả các nhà hàng mà em đã nói với anh và rồi anh nhớ ra chỗ này.
Onega dựa vào quầy, đứng dậy.
– Để làm gì hả Paul? Lúc nãy em đã thấy anh ở Marina với cái cô ấy. Em xin anh, đừng có nói với em là chuyện đó không phải như em tưởng, nghe vậy tầm thường kinh khủng và gây thất vọng lắm.
– Chuyện đó không phải như em tưởng! cái cô ấy là người mà Arthur yêu từ mấy năm nay.
Onega chòng chọc nhìn Paul. Mắt cô lấp lánh tuyệt vọng.
– Thế còn anh, anh yêu ai? – cô hỏi, kiêu kì, đầu ngẩng lên.
Paul đặt một ít tiền lên quầy bar và khoác vai cô.
– Em nghĩ là em sắp ốm rồi – Onega nói khi đi được vài mét từ vỉa hè ra chỗ đỗ ô tô.
Phía bên trái họ, một ngõ nhỏ chìm trong bóng tối. Paul dẫn Onega vào đó. Những vạt đường sứt sẹo ánh lên một vết sẫm màu; xa hơn một chút, mấy chiếc thùng gỗ che chở cho họ khỏi những con mắt tọc mạch. Đứng trên một tấm lưới sắt đậy miệng cống, Paul đỡ cho Onega thốc tháo tuôn ra những nỗi phiền muộn ứ tràn. Sau khi thân mình cô giật lên một lần cuối cùng, anh lấy từ túi quần ra một chiếc khăn mùi soa và lau miệng cho cô. Onega đứng thẳng dậy, kiêu kì và xa cách.
– Đưa em về nhà em!
Chiếc xe mui trần đi lên O’Farell. Tóc bay trong gió, Onega đã có lại sắc hồng trên mặt. Paul lái xe một lúc lâu rồi dừng lại trước một tòa nhà nhỏ, nơi cô bạn gái của anh sống. Anh tắt máy và nhìn cô.
– Anh không nói dối em đâu – Paul nói, phá vỡ sự im lặng.
– Em biết! – cô gái trẻ thì thầm.
– Tất cả những cái đó có thật cần thiết không?
– Có thể sẽ có ngày anh học được cách hiểu em. Em không mời anh lên nhà đâu, lúc này em không đủ sức tiếp anh.
Cô xuống khỏi ô tô và đi về phía cửa vào tòa nhà. Đến ngưỡng cửa, cô quay lại, giơ chiếc mùi xoa của Paul lên.
– Em có thể giữ lại cái này được không?
– Đừng quan tâm đến chuyện đó, em cứ vứt nó đi!
– Ở xứ em, người ta không bao giờ vứt bỏ bức thư tình đầu tiên.
Onega bước vào hành lang và trèo lên cầu thang. Paul đợi cho đến lúc cửa sổ phòng cô sáng ánh đèn, ô tô đi xa dần trên đường phố vắng ngắt.
° ° °
Thanh tra Pilguez cài lại cúc áo pyjama, ông nhìn vào chiếc gương dài trong phòng ngủ.
– Anh mặc hợp lắm,- Nathalia nói,- em đã biết ngay thế rồi khi nhìn thấy bộ này ở cửa hàng.
– Cám ơn.- George nói và hôn vào mũi chị.
Nathalia mở ngăn kéo bàn đầu giường và lấy ra một cái lọ thủy tinh nhỏ cùng với một chiếc thìa.
– George!- chị nói bằng một giọng kiên quyết.
– Ồ, không!- ông van xin.
– Anh đã hứa rồi – chị nói tiếp và ấn thìa vào mồm ông.
Vị mù tạc cay xè ngấm vào đầu lưỡi ông, mắt viên thanh tra lập tức đỏ lên. Ông giận dữ đập chân và hít một hơi thật sâu bằng mũi.
– Giời ơi, cái của này sao mà cay thế!
– Em rất tiếc, cưng ạ, nhưng nếu không thì anh sẽ ngáy suốt đêm. – Nathalia nói khi đã nằm trong chăn.- Thôi, nằm xuống đi nào!
° ° °
Ở tầng ba của ngôi nhà kiểu Victoria nằm phía trên cao của Pacific Heights, một nữ bác sĩ nội trú trẻ đang nằm đọc trên giường. Con chó Kali của cô ngủ trên thảm trong điệu ru của tiếng mưa gõ vào ô cửa kính. Lần đầu tiên kể từ lâu nay, Lauren bỏ những cuốn chuyên luận quen thuộc về thần kinh học của mình để đọc một luận án mà cô mượn ở thư viện trường đại học. Đề tài luận án là hôn mê.
*
Pablo đến nằm ép mình vào chân chiếc ghế bành, nơi bà Morrison đang ngủ thiếp đi. Con rồng của Fu Man Chu đã mất công thực hiện một trong những cú ngoạn mục nhất của mình, tối nay thần Morphee đã chiến thắng.
° ° °
Cúi người xuống bồn rửa mặt, Onega hứng nước chảy vào lòng bàn tay. Cô rửa mặt và ngẩng đầu lên, nhìn mình trong gương. Cô lấy tay xoa má, nâng gò má lên rồi dùng ngón tay miết vào một nếp nhăn nhỏ ở gần mắt. Đầu ngón trỏ lần theo đường viền môi, đi dọc theo cổ họng và lướt xuống cổ, cô cố mỉm cười. Cô tắt đèn.
Có ai đó đập khẽ ở cánh cửa ra vào của căn hộ nhỏ một phòng; Onega đi ngang qua gian phòng duy nhất vừa là phòng ngủ vừa là phòng khách, cô kiểm tra lại xem dây khóa an toàn đã móc vào chốt chưa, rồi mở cửa. Paul chỉ muốn biết để yên tâm là mọi việc đều tốt đẹp. Khi còn chưa chết thì không có gì là thực sự nghiêm trọng cả, Onega trả lời. Cô mời anh vào nhà, và khi cô đóng cửa lại, nụ cười hiện lên trên môi cô chẳng giống tý nào với nụ cười đã bị mờ đi trong màn hơi nước phủ trên tấm gương ở buồng tắm.
° ° °
Một nữ y tá bước vào phòng 307 ở bệnh viện Memorial, cô đo huyết áp của Arthur rồi đi ra. Những tia sáng đầu tiên trong ngày đã rọi vào qua ô cửa sổ trông xuống vườn.
° ° °
Lauren vươn người hết cỡ. Mắt hãy còn đờ đẫn vì buồn ngủ, cô vớ lấy cái gối rồi ôm vào người. Cô nhing chiếc đồng hồ báo thức nhỏ, đẩy chăn ra và lăn sang một bên. Kali trèo lên giường và đến rúc vào người cô. Robert mở mắt ra rồi nhắm lại ngay lập tức. Lauren quơ tay về phía anh bạn trai của mình, rồi khựng lại và quay ra cửa sổ. Ánh nắng vàng rực lọt qua khe cửa chớp báo hiệu một ngày đẹp trời.
Cô ngồi lên thành giường và đến lúc đó mới nhớ ra rằng mình không có ca trực.
Cô rời phòng ngủ, đi vào bếp, ấm nút ấm điện và đợi nước sôi. Tay cô trượt về phía máy điện thoại. Cô nhìn đồng hồ trong bếp và thay đổi ý định. Còn chưa đến 8h, Betty chưa đến chỗ làm việc.
Một tiếng đồng hồ sau, cô chạy những bước ngắn dọc theo các con đường trồng cây ở khu Marina. Kali chạy lon ton theo cô, lưỡi thè ra rung lật bật.
Lauren đưa mắt nhìn theo hai chiếc xe cấp cứu hú còi chạy qua. Cô cầm lấy máy điện thoại di động đang đeo ở cổ. Betty nhấc máy.
Những người làm việc ở khoa cấp cứu đã được thông báo về hình thức kỉ luật dành cho Lauren. Toàn thể nhân viên trong khoa đã định chuyền nhau kí một bản kiến nghị đòi phải cho cô trở lại làm việc ngay lập tức, nhưng nữ y tá trưởng, biết rõ Fernstein, đã thuyết phục mọi người thôi không làm việc này. Vẫn tiếp tục chạy, Lauren không thể kìm được nụ cười, cô xúc động vì sự hiện diện của mình giữa các đồng nghiệp không đến nỗi mờ nhạt như cô tưởng. Trong lúc nữ y tá trưởng kể lể chuyện trên trời dưới biển, cô bèn lợi dụng để hỏi tình hình của bệnh nhân phòng số 307. Betty ngừng bặt.
– Anh ta đã gây ra bao nhiêu rắc rối cho em như vậy rồi còn chưa đủ hay sao?
– Betty!
– Tùy em thôi. Chị chưa có lí do để phải lên các tầng trên, nhưng chị sẽ gọi điện cho em ngay khi có tin gì mới. Sáng nay khá yên tĩnh, còn em thì thế nào?
– Em đang học lại cách làm những việc hoàn toàn vô ích.
– Chẳng hạn như việc gì?
– Sáng nay, em trang điểm mất đến 10′
– Rồi sao nữa?- Betty hỏi, sốt sắng vì tò mò.
– Em đã lau sạch son phấn đi ngay sau đó!
Betty xếp một xấp hồ sơ vào ngăn tủ của các bác sĩ nội trú, cổ nghẹo lại để kẹp ống nghe.
– Rồi em sẽ thấy, 15 ngày nghỉ sẽ giúp em lấy lại được ham thích đối với những thú vui nhỏ trong cuộc sống cho mà xem.
Lauren dừng lại ngang quầy giải khát để mua một chai nước khoáng rồi uống cạn gần như liền một hơi.
– Chị chúc cho em như vậy đi, một buổi sáng không làm gì đã khiến cho em phát điên lên rồi đấy, em nhập vào đám tập chạy mà cứ cầu trời cho xung quanh mình có ít nhất một ca bong gân.
Betty hứa sẽ gọi điện lại cho cô ngay khi có thông tin, hai chiếc xe cấp cứu vừa mới đến cửa khoa cấp cứu. Lauren dập máy. Một chân đặt lên ghế băng, buộc lại dây giày, cô tự hỏi liệu có thực là do lương tâm nghề nghiệp mà cô lo lắng đến mức ấy về sức khỏe của một người mà hôm trước đó cô còn chưa hề biết đến.
Paul lấy chìa khóa ô tô và rời phòng làm việc. Anh báo cho Maureen là anh sẽ đến một cuộc gặp suốt cả buổi chiều, anh sẽ cố gắng hết sức là anh sẽ tạt về qua đây vào lúc cuối ngày. Nửa tiếng đồng hồ sau, anh bước vào đại sảnh của bệnh viện San Francisco Memorial và trèo 4 bậc một lên đến tầng 2, 3 bậc một lên đến tầng 3 và từng bậc một lên đến tầng 4, vừa đi trong hành lang vừa tự thề rằng đến ngày nghỉ cuối tuần sẽ trở lại ngay phòng tập thể dục. Gặp Nancy từ một phòng đi ra, anh hôn tay cô và tiếp tục đi, để cô đứng lại sửng sốt giữa hành lang. Anh bước vào phòng và lại gần giường.
Anh làm ra vẻ điều chỉnh lại lưu lượng dịch chuyền, nắm cổ tay Arthur và nhìn đồng hồ đeo tay để đếm mạch đập.
– Thè lưỡi ra xem nào – anh nói, vẻ giễu cợt.
– Tớ có thể biết cậu đang chơi trò gì không?- Arthur hỏi.
– Lấy trộm xe cấp cứu, đánh cắp những người đang hôn mê, bây giờ tớ đã thành thạo lắm rồi. Nhưng cậu bỏ lỡ trò hay nhất, lẽ ra cậu phải xem tớ mặc áo blouse xanh, đeo khẩu trang và đội mũ chụp đầu. Cực kì trang nhã!
Arthur ngồi bật dậy trong giường.
– Cậu có tham dự ca mổ thật à?
– Nói thật, người ta cứ làm như ngành y là ghê ghớm lắm, nhưng bác sĩ phẫu thuật hay kiến trúc sư thì cũng như nhau, đó là vấn đề làm việc tập thể! Họ thiếu người, tớ thì đang ở đó, tớ không thể đứng yên mà không giúp họ, thế là tớ giúp họ.
– Thế Lauren thì sao?
– Ấn tượng lắm. Cô ấy gây mê, cô ấy cắt, cô ấy khâu, cô ấy làm hồi sức, và với đầy nhiệt huyết!Làm việc với cô ấy thích thật đấy.
Gương mặt Arthur tối lại.
– Bây giờ lại có chuyện gì nào? – Paul hỏi.
– Có chuyện là cô ấy sẽ gặp rắc rối vì tớ.
– Ừ, thế thì cậu với cô ấy như vậy là hòa nhé! Nhưng dù sao cũng lạ lùng nhỉ, người duy nhất các vị không bao giờ nghĩ tới khi tổ chức những buổi tiệc tối dở hơi của các vị, đó là tôi!
– Thế còn cậu, cậu có gặp rắc rối gì không?
Paul húng hắng ho và lật một mi mắt của Arthur ra.
– Sắc mặt cậu tốt đấy! – anh nói bằng một giọng bắt chước bác sĩ.
– Cậu làm thế nào mà thoát được?- Arthur gặng hỏi.
– Tớ đã cư xử rất củ chuối nếu cậu muốn biết rõ. Khi cảnh sát đến cửa phòng mổ, tớ trốn xuống dưới bàn mổ, vì thế mà tớ đã phải có mặt suốt cuộc phẫu thuật. Nói thế chứ trừ những lúc tớ bị xỉu ra, thì dù sao tớ cũng có tham dự quãng 5′. Chính là nhờ cô ấy mà cậu được cứu sống, chứ tớ có làm được gì mấy đâu.
Nancy bước vào phòng. Cô kiểm tra huyết áp của Arthur và hỏi anh có muốn thử đứng dậy và bước đi không. Paul đề nghị được giúp bạn.
Họ đi vài bước đến cuối cầu thang. Arthur tự cảm thấy khỏe, anh đã lấy lại được thăng bằng và còn muốn dạo chơi tthêm nữa. Lúc đi trong vườn của bệnh viện, anh nhờ Paul giúp anh hai việc…
Paul ra về ngay sau khi Arthur đã đi nằm. Dọc đường anh dừng lại trước một cửa hàng hoa ở phố Union. Anh đặt làm một bó hoa mẫu đơn trắng, và để vào đó một tấm các trong phong bì mà Arthur đã gửi anh. Hoa sẽ được giao đến nơi trước buổi tối. Sau đó, Paul đi xuống khu Marina và đỗ xe trước một cửa hàng cho thuê video. Vào quãng 7h tối, anh bấm interphone nhà bà Rose Morisson, anh chuyển cho bà những tin tức cửa Arthur và tập phim mới nhất về cuộc phiêu lưu của Fu Ma Chu.
° ° °
Lauren nằm trên thảm, vùi đầu vào bản luận án. Mẹ cô ngồi trên đi văng trong phòng khách, lật những trang tạp chí. Chốc chốc, bà lại rời mắt ngừng đọc để nhìn con gái.
– Cái gì đã khiến cho con làm một việc như vậy?- bà hỏi và ném tờ tạp chí xuống cái bàn thấp.
Lauren ghi lại vài ý vào một cuốn vở gáy xoắn, không trả lời.
– Con đã có thể làm hỏng cả sự nghiệp của mình, bao nhiêu năm làm việc sẽ bị mất trắng vì cái gì cơ chứ? – mẹ cô kết luận.
– Mẹ đã mất bao nhiêu năm với cuộc hôn nhân của mẹ. Mà mẹ cũng có cứu được bố đâu, theo như con biết?
Mẹ Lauren đứng lên.
– Mẹ dắt Kali đi dạo đây – bà nói khô khan và lấy áo khoác của mình từ mắc áo.
Và bà ra khỏi căn hộ, sập cửa.
– Tạm biệt mẹ.- Lauren nói khẽ, tai lơ đãng dõi theo tiếng bước chân đi xa dần.
Bà Kline gặp một người giao hàng ở dưới cầu thang. Anh ta cầm một bó hoa mẫu đơn trắng rất to và đang tìm căn hộ của Lauren Kline.
– Tôi là bà Kline đây – bà vừa nói vừa lấy cái phong bì nhỏ đính ở tờ giấy bóng bọc hoa.
Người giao hàng cứ việc để lại hoa trong đại sảnh, lúc trở về bà sẽ lấy. Bà cho anh ta tiền boa và anh thanh niên đi ra.
Trên đường ra phố, bà mở chiếc phong bì nhỏ. Có vài chữ viết lên một tấm các. “Hẹn gặp lại” và nhét nó vào sâu trong túi áo khoác của mình.
Trong khu phố này chỉ có một vườn hoa cho phép súc vật vào. Nếu như số phận có những lí lẽ của nó, con người không có trí tưởng tượng lại thường cho những lí lẽ đó là không đầy đủ. Bà Kline ngồi xuống ghế băng; ở bên cạnh, một bà lão đang đọc báo muốn làm quen với bà.
Trong khu vực được rào lại dành cho chó, Kali trèo lên mình một con chó giống jack russell đang nằm nghỉ dưới bóng mát dịu của một cây đoạn.
– Bà có vẻ không được khỏe lắm – bà lão nói.
Bà Kline giật mình.
– Tôi đang mải nghĩ thôi – mẹ Lauren trả lời.- Lũ chó của chúng ta có vẻ hợp nhau nhỉ.
– Con Pablo bao giờ cũng bị những con chó to, dài mình hấp dẫn; tôi sẽ phải đọc lại sách giáo khoa cho nó nghe mới được, tôi có cảm giác là chúng đổi vai cho nhau rồi. Điều gì làm cho bà phải lo nghĩ vậy?
– Không có gì cả!
– Nếu như bà cần trút bầu tâm sự thì tôi là lí tưởng đấy, tôi điếc đặc mà!
Bà Kline nhìn bà Morrison, bà vẫn tiếp tục đọc.
– Bà có con không? – bà kline nói bằng một giọng như chịu thua.
Bà Morisson lắc đầu.
– Thế thì bà không hiểu được đâu.
– Nhưng tôi đã yêu những người đàn ông có con!
– Đó là chuyện khác hẳn!
– Thật là bực mình! – Bà rose phản đối – những người có con cứ nhìn những người không có con như thể họ thuộc về một hành tinh khác. Yêu một người đàn ông cũng phức tạp như nuôi trẻ con vậy.
– Tôi không hoàn toàn tán thành quan điểm của bà.
– Thế bà vẫn sống cùng ông nhà chứ?
Bà Kline nhìn bàn tay mình, thời gian đã xóa mờ vết đeo nhẫn cưới.
– Nào, con gái bà đã khiến cho bà lo lắng về cái gì nào?
– Sao bà biết đó không phải con trai?
– Thì một trong hai khả năng là đúng mà!
– Tôi nghĩ là tôi đã làm một điều không tốt.- bà Kline nói khẽ.
Bà lão gập tờ báo lại và chăm chú lắng nghe điều mà bà Kline đang rất cần thú nhận.
– Cái chuyện mà bà làm với bó hoa thật tệ quá! Thế tại sao bà lại sợ cô ấy gặp lại anh chàng kia đến thế?
– Tại vì anh ta có nguy cơ làm thức dậy một quá khứ có thể gây tổn hại cho cả hai chúng tôi.
Bà lão quay trở lại với tờ báo của mình, suy nghĩ một chút, rồi bà đặt tờ báo xuống ghế băng.
– Tôi không biết phải nói sao với bà, nhưng người ta không thể bảo vệ bất cứ ai bằng một điều dối trá được.
– Tôi rất tiếc, – bà Kline nói, – tôi đã nói với bà một điều mà bà không thể hiểu được.
Bà Rose Morisson có đủ thời gian để hiểu. Mẹ Lauren do dự, nhưng nghĩ cho cùng, có gì nguy hiểm đâu nếu như bà thổ lộ với một người không quen biết. Ước muốn xua đuổi sự cô độc là ước muốn mạnh mẽ nhất, bà trấn tĩnh lại và kể câu chuyện về người đàn ông đã bắt cóc một người phụ nữ trẻ để cứu cô ta, trong khi mẹ đẻ của cô ta đã bỏ cuộc.
– Chàng trai trẻ của bà chẳng rõ có ông nội, ông ngoại nào sống độc thân không nhỉ?
– Sau khi anh ta trả lại tôi chìa khóa căn hộ, tôi không bao giờ còn biết tin tức của anh ta nữa.
– Thế tự nhiên anh ta biến mất như vậy à?
– Có thể nói là chúng tôi đã giúp anh ta một tý.
– Chúng tôi?
– Một bác sĩ phẫu thuật thần kinh danh tiếng đã nhận trách nhiệm giải thích cho anh ta hiểu sức khỏe của con gái tôi dễ bị suy sụp đến mức nào. Ông ấy đã tìm ra được hàng ngàn lí do để thuyết phục anh ta rời xa con bé.
– Thế là trước từng ấy điều hiển nhiên, anh ta đã rút lui?
Mẹ Lauren thở dài.
– Đúng vậy.
– Tôi nghĩ là còn có những lí do khác ngoài chuyện đó ra! – bà lão nói tiếp.- bà có nhận thấy không, khi người ta yêu điên cuồng, thì người ta đánh mất nhiều khả năng của mình. Thế điều mà ông giáo sư ấy nói có thành thực không?
– Thành thực thì chắc chắn rồi, còn đúng hay không thì tôi cũng chẳng biết rõ nữa. Lauren đã hồi phục rất nhanh, sau vài tháng con bé đã trở lại như cũ.
– Bà nghĩ là bây giờ đã quá muộn để nói chuyện này với con gái của bà à?
– Tôi tự đặt câu hỏi này cho mình hàng ngày, và tôi không thể nào tưởng tượng ra được phản ứng của nó.
– Tôi đã thấy không ít cuộc đời bị phá hỏng bởi những bí mật gia đình. Tôi không có cái may mắn được có con, và bất chấp những điều mà tôi vừa nói với bà lúc trước để tỏ ra bình thản, bà không biết là tôi thèm có con đến mức nào đâu. Nhưng tôi hay vướng vào những chuyện yêu đương quá nên tôi không tin là mình có khả năng làm được điều này, tức là, đó là cái cớ để tôi viện ra để khỏi phải nhìn thẳng vào sự ích kỉ của mình mà thôi. Tôi hiểu sự lưỡng lự của bà, dù rằng tôi tin là bà đã nhầm. Tình yêu được tạo nên bởi sự khoan dung, đó chính là cái đem lại cho nó sức mạnh.
– Tôi thực rất mong là bà nói đúng.
– Khi ta rời bỏ một người đàn ông, ta cứ tưởng là ta quên họ…cho đến lúc một kỉ niệm nhắc ta nhớ đến người ấy, vậy thì làm sao có thể hình dung được rằng người ta có thể gạt bỏ nổi tình yêu đối với cha mẹ mình. Người ta thường để quá nhiều thời gian trôi qua mà không nói ra tình yêu của mình đối với cha mẹ, để rồi cuối cùng sẽ tỉnh ngộ ra, sau khi cha mẹ mất, là mình nhớ thương cha mẹ biết chừng nào.
Bà lão nghiêng người về phía bà Kline.
– Nếu như chàng trai đó đã cứu sống con gái bà, thì bà chịu ơn anh ta đấy. Bà hãy đi tìm anh ta đi.
Và bà Morisson lại chăm chú đọc báo. Bà Kline đợi một lát, bà chào bà bạn ngồi cùng ghế băng, gọi con Kali và đi ra khỏi công viên.
Lúc trở về bà cầm bó hoa ở chân cầu thang lên. Trong nhà không có ai. Bà cắm những bông mẫu đơn vào một bình hoa, đặt lên cái bàn thấp ở phòng khách và đi ra, đóng cửa lại.
Những ngày trong tuần trôi qua với sự đều đặn của một chiếc máy chỉnh nhịp. Sáng nào cũng vậy, Lauren đi dạo một lúc lâu dưới những bóng cây của công viên Presidio. Có lần cô còn đi tận đến bãi tắm ven biển Thái Bình Dương. Cô ngồi xuống cát và vùi đầu vào bản luận án mà mỗi tối cô đều đọc.
Thanh tra Pilguez cuối cùng cũng đã thích ứng được với giờ giấc của Nathalia. Hằng ngày , vào buổi trưa, họ ăn cùng nhau, một bữa ăn mà đối với người này là bữa ăn trưa, đối với người kia là bữa ăn tối.
Giữa một ngày chia năm xẻ bảy của những cuộc họp với ban nghiên cứu và những chuyến đi giám sát công trường, Paul đến tìm Onega, cô đợi anh trên chiếc ghế băng ở cuối con đê, đối diện với vịnh.
Bà Morisson đưa Pablo đi tận hưởng những buổi chiều mùa hè đẹp trời trong công viên nhỏ gần nhà bà. Có lúc bà gặp bà Kline, và một hôm bà đã nhận ra Lauren nhờ con chó đi theo cô. Vào cái hôm thứ 5 rực nắng ấy, bà rất muốn bắt chuyện với cô, nhưng cuối cùng bà lại thôi không làm xao lãng việc đọc của cô. Khi Lauren rời khỏi lối đi chính, bà nhìn theo cô với con mắt thích thú.
Hàng ngày vào giờ đầu buổi tối, George Pilguez chở Nathalia đến trước cửa đồn cảnh sát.
Trước lúc tìm gặp Onega để đi ăn tối, Paul đến thăm bạn mình; Paul đưa cho bạn xem những bản phác thảo và những bản thiết kế, Arthur chỉnh sửa bằng một nét bút chì, hoặc bổ sung một vài ghi chú về việc chọn màu sắc và vật liệu.
Ngày thứ 6 ấy, Fernstein vui mừng về tình trạng sức khỏe bệnh nhân của ông. Ông sẽ cho bệnh nhân này chụp kiểm tra bằng máy scanner ngay khi có chỗ trống và nếu như mọi thứ đều bình thường, điều mà ông tin chắc, ông sẽ ký phiếu xuất viện cho anh ta. Không còn lí do gì để anh giữ một giường trong bệnh viện nữa. Sau đó, cần phải chừng mực một thời gian, nhưng rồi cuộc sống sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Arthur cảm ơn giáo sư về tất cả những sự chăm sóc mà ông đã dành cho anh.
° ° °
Paul đã đi về từ lâu, các hành lang không còn vang lên tiếng bước chân nhộn nhịp ban ngày, bệnh viện đã khoác lên mình bộ đồ đêm. Arthur bật tivi đặt trên chiếc bàn nhỏ đối diện giường của anh. Anh mở ngăn kéo bàn đầu giường và lấy điện thoại di động của mình ra. Cặp mắt đầy vẻ nghĩ ngợi, anh bấm lần lượt hiện ra những cái tên trong danh mục địa chỉ rồi từ bỏ ý định quấy rầy bạn thân nhất của mình. Điện thoại từ từ rơi khỏi tay anh và lăn xuống vải trải giường, đầu anh trượt xuống gối.
Cánh cửa hé mở, một nữ bác sĩ nội trú bước vào phòng. Cô đi ngay đến cuối giường và xem hồ sơ y khoa. Arthur hé mắt và nhìn cô, yên lặng, cô có vẻ như đang tập trung suy nghĩ.
– Có vấn đề gì à? – anh nói.
– Không – Lauren trả lời và ngẩng lên.
– Cô làm gì ở đây? – anh sửng sốt hỏi.
– Đừng nói to thế – Lauren thì thầm.
– Tại sao phải nói khẽ?
– Tôi có những lí do của tôi.
– Và đó là những lí do bí mật?
– Đúng vậy!
– Thế thì tôi cần phải thú nhận với cô, dù bằng cách nói khẽ, là tôi rất vui vì được gặp cô.
– Tôi cũng vậy, tức là, tôi muốn nói rằng tôi vui vì anh đã khỏe hơn. Tôi thực rất tiếc là đã không chẩn đoán được cái chỗ xuất huyết ấy trong lần khám đầu tiên.
– Cô không có lí do gì để tự trách mình cả. Tôi nghĩ là tôi đã chẳng tạo điều kiện cho cô làm việc được là bao.
– Lúc ấy anh rất vội đi!
– Đó là vì cái thói ham công tiếc việc ấy mà, sẽ có ngày tôi chết vì nó!
– Anh là kiến trúc sư , phải không?
– Đúng vậy!
– Đó là một nghề rất gai góc, cần nhiều đến toán!
– Đúng vậy, tức là cũng như ngành y học ở đại học ấy, còn sau đó thì ta để những người khác làm toán hộ mình.
– Những người khác?
– Các tính toán về lực đỡ, sức bền, tất cả những cái ấy trước hết là công việc của các kĩ sư.
– Vậy các kiến trúc sư làm gì trong khi các kĩ sư làm việc?
– Họ mơ mộng!
– Thế anh mơ điều gì?
Arthur nhìn Lauren hồi lâu,anh mỉm cười và chỉ tay về phía góc phòng.
– Cô đi ra cửa sổ đi.
– Để làm gì? – Lauren ngạc nhiên
– Để làm một cuộc hành trình nhỏ.
– Một cuộc hành trình nhỏ ở cửa sổ?
– Không, một cuộc hành trình nhỏ từ cửa sổ.!
Cô nghe theo, một nụ cười gần như giễu cợt hiện ra ở khóe miệng.
– Còn bây giờ thì làm gì?
– Cô mở ra đi!
– Cái gì cơ?
– Mở cửa sổ!
Lauren làm chính xác điều mà Arthur yêu cầu.
– Cô nhìn thấy gì? – anh hỏi, vẫn bằng một giọng thì thầm.
– Một cái cây! – cô trả lời.
– Tả nó cho tôi nghe đi.
– Sao cơ?
– Nó có to không?
– Nó cao như nhà hai tầng, nhưng nó có những chiếc lá to xanh.
– Giờ thì cô nhắm mắt lại nhé.
Lauren nhập vào trò chơi, và giọng nói của Arthur đến với cô trong một sự mơ hồ ngẫu hứng.
– Những cành cây không lay động, vào giờ này trong ngày, gió biển còn chưa nổi lên. Cô hãy lại gần thân cây, những con ve sầu thường trốn trong các hốc vỏ cây. Dưới gốc cây trải ra một tấm thảm làm bằng những chiếc lá thông hình kim. Chúng đã bị mặt trời đốt cháy xém. Bây giờ, hãy nhìn tất cả xung quanh cô. Cô đang ở trong một khu vườn rộng. Rải rác trong vườn có những luống to đất đỏ trồng một vài cây thông lọng. Ở phía bên trái cô sẽ nhìn thấy những cây thông bạc, phía bên phải là những cây cù tùng, phía trước là những cây lựu và xa hơn là những cây minh quyết dường như lan ra đến tận biển. Hãy đi theo những chiếc cầu thang nhỏ làm bằng đá ở bên lề đường.Những bậc thang không đều nhưng cô đừng sợ, nó thoai thoải thôi. Hãy nhìn phía tay phải cô, bây giờ cô đã đoán ra được những dấu tích còn lại của một vườn hoa hồng rồi chứ? Hãy dừng lại ở phía dưới và nhìn trước mặt cô.
Và Arthur tạo ra một thế giới chỉ nhờ vào ngôn từ. Lauren nhìn thấy ngôi nhà với những cánh cửa sổ đóng kín mà anh mô tả cho cô. Cô bước về phía bậc thềm, trèo lên trên những bậc thang và dừng lại dưới mái hiên. Phía dưới kia, đại dương dường như muốn đập vỡ những mỏm đá, các đợt sóng cuốn đi những đám rong rêu quyện lẫn những búi lá kim. Gió lùa vào tóc cô, cô cảm thấy gần như muốn hất tóc lại về phía sau.
Cô đi vòng quanh nhà và tuân theo một cách sát sao những chỉ dẫn của Arthur , anh dẫn dắt cô đi từng bước một vào miền đất tưởng tượng của anh. Bàn tay cô chạm nhẹ vào mặt tường, tìm một miếng chêm nhỏ, dưới một cánh cửa sổ. Cô làm như anh nói và dùng đầu ngón tay kéo nó ra. Tấm cửa gỗ mở ra và cô thậm chí còn như nghe thấy tiếng ken két của bản lề. Cô tháo nhẹ cái chốt cửa, nó chịu để bị đẩy theo cái khe dành cho nó, rồi cô nâng lên tấm của kính kiểu máy chém.
– Cô đừng dừng lại ở căn phòng này, nó tối lắm, hãy đi xuyên qua phòng, cô sẽ ra đến hành lang.
Cô bước những bước chậm rãi, sau những bức tường, mỗi căn phòng dường như chứa đựng một bí mật. Cô đã vào bếp. Trên bàn, có một chiếc ấm pha cà phê cũ kiểu Ý, dùng để pha một thứ cà phê hảo hạng và trước mặt cô là cái bếp kiểu mà người ta thường nhìn thấy ngày xưa trong những ngôi nhà cổ.
– Đây là bếp củi à?- Lauren hỏi.
– Nếu cô muốn thì cô còn tìm thấy củi nữa cơ, nó được cất trong một cái nhà ngay bên ngoài, đi ra theo lối cửa sau.
– Tôi muốn ở lại trong nhà và tiếp tục tham quan – Lauren nói khẽ.
– Vậy thì cô hãy ra khỏi bếp. Cô mở cánh cửa ngay trước mặt đi.
Cô bước vào phòng khách. Một chiếc đàn piano dài nằm im lìm trong bóng tối. Cô bật đèn lên và bước lại khá gần để ngồi lên ghế.
– Tôi không biết chơi đàn.
– Đó là một nhạc cụ đặc biệt, được đem về từ một vùng đất xa xôi.; nếu cô nghĩ thật tập trung đến giai điệu mà cô ưa thích, đàn sẽ chơi bản nhạc đó cho cô, nhưng cô phải đặt tay lên những phím đàn mới được.
Lauren hết sức tập trung tư tưởng và bản nhạc “Ánh trăng” của Werther tràn ngập tâm trí cô.
Cô có cảm giác là một ai đó đang chơi đàn bên cạnh cô và cô càng thả mình trong những mộng mơ thì tiếng nhạc càng thấm sâu và hiện diện. Cứ như vậy, cô đi xem từng chỗ một, trèo lên gác, từ phòng này sang phòng khác, và từng tí một, những từ dùng để mô tả ngôi nhà biến thành vô số chi tiết tạo ra một cuộc sống xung quanh cô. Cô trở lại căn phòng duy nhất mà cô chưa vào xem. Cô bước vào căn phòng làm việc nhỏ, nhìn chiếc giường và rùng mình, cô mở mắt ra và căn nhà tan biến.
– Tôi nghĩ là tôi đã để mất căn nhà đó rồi.
– Không sao đâu, bây giờ ngôi nhà ấy là của cô, cô có thể trở lại đó khi nào cô muốn, chỉ cần cô nghĩ đến nó là được.
– Tôi sẽ không thể làm lại chuyện này một mình, tôi không có khướu lắm với việc tưởng tượng.
– Cô không tin vào bản thân là nhầm đấy. Tôi cho rằng đối với lần đầu tiên thì cô xoay xở như thế là khá.
– Thế ra nghề của anh là như vậy. Anh nhắm mắt lại và anh tưởng tượng ra các nơi ?
– Không, tôi tưởng tượng cuộc sống sẽ có ở bên trong và chính nó đã gợi ý cho tôi những thứ còn lại.
– Đó là một cách làm việc thật lạ lùng.
– Đúng hơn đó là một cách thật lạ lùng để làm việc.
– Tôi phải đi đây, các y tá sắp đi tua rồi.
– Cô sẽ trở lại chứ?
– Nếu tôi có thể.
Cô đi ra cửa phòng và quay lại ngay trước lúc bước ra.
– Cảm ơn anh về cuộc thăm quan này, thật thú vị, tôi thích cái khoảnh khắc đó.
– Tôi cũng vậy.
– Ngôi nhà này có tồn tại thật không?
– Lúc nãy cô có nhìn thấy nó rồi chứ?
– Nhìn rõ như là tôi đã ở trong đó!
– Vậy thì, nếu nó tồn tại trong trí tưởng tượng của cô, có nghĩa là nó tồn tại thật.
– Anh có lối nghĩ thật lạ.
– Do cứ nhắm mắt lại mãi với những cái xung quanh mình, một số người đã trở nên mù mà không tự biết. Tôi bằng lòng với việc học để biết nhìn, nhìn cả trong bóng tối nữa.
– Tôi biết một chú cú có lẽ rất cần lời khuyên của anh.
– Con cú tròn túi áo blouse của cô hôm nọ ý à?
– Anh còn nhớ sao?
– Tôi không có dịp quen biết nhiều bác sĩ, nhưng khó mà quên được một bác sĩ khám bệnh cho mình với một con thú nhồi bông túi áo.
– Con cú ấy nó sợ ánh sáng ban ngày, và ông của nó đã đề nghị tôi chữa bệnh cho nó.
– Cần phải tìm cho nó một cặp kính râm dành cho trẻ con, tôi có một cặp kính hồi tôi còn bé, đeo cặp kính ấy vào có thể nhìn thấy những cái thật khó tin.
– Chẳng hạn như?
– Những giấc mơ, làm bằng những vùng đất tưởng tượng.
– Cảm ơn về lời khuyên của anh.
– Nhưng hãy chú ý, khi cô đã chữa lành bệnh cho chú cú của cô, hãy nói với chú ta rằng chỉ cần ngừng tin 1s thôi là giấc mơ sẽ vỡ tan ra thành hàng ngàn mảnh.
– Tôi sẽ nói với chú ta, anh cứ tin ở tôi. Còn bây giờ, anh cứ nghỉ ngơi đi.
Và Lauren đi ra khỏi phòng.
Một vệt trăng lọt qua khe cửa chớp. Arthur tung chăn và đi ra cửa sổ. Anh đứng lại ở đó, dựa vào bệ cửa, nhìn cây cối trong vườn đang im lìm bất động. Anh hoàn toàn không muốn nghe theo lời khuyên của bạn mình. Từ lâu lắm rồi, anh đã tự nuôi dưỡng mình bằng sự kiên nhẫn, và không điều gì có thể tách anh ra khỏi kỉ niệm về cô gái ấy, cả thời gian lẫn những chuyến đi chứa đầy những ánh nhìn khác. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ ra khỏi đây.