– Đi đi đi đi, chỗ chúng tôi không phải nơi làm từ thiện.
Tiểu nhị mặt nhăn mày nhó đuổi đám lưu dân quỳ ngoài cửa:
– Tôi nói này các chư vị phụ lão, tôi thấy chư vị đáng thương, nhưng tôi cũng chỉ là một kẻ chạy vặt nhỏ bé, lời tôi nói không có trọng lượng, có thể làm gì đây? Mau đi đi, lát nữa chưởng quỹ nổi cáu lên thì tôi không có gì tốt mà các vị cũng tội nghiệp… qua chỗ khác thử đi!
Mùa đông năm nay, hai triều Nam Bắc tích trữ thế lực hơn ba năm một lần nữa trở mặt, kích khởi chiến tranh, lưu dân từ nam tới bắc như kiến bị ngập hang, ào ào tuôn ra.
Các lão bách tính nơi biên cương, ngày thường luôn bị thế đạo chèn ép, cực khổ trăm bề, gánh vác trên vai cơm ngon áo đẹp của các đại nhân, đến mức phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, bới móc từng chút từng chút thức ăn trong khe đá.
Còn giờ đây, họ trôi nổi trên thế đạo, như lục bình yếu ớt bấp bênh, không nơi bấu víu, hơi có tí gió thổi cỏ lay là sẽ theo đất vàng khói hiệu (1) cùng bay lên trời.
(1) Khói hiệu: tức ‘lang yên –狼烟’, là khói báo động nơi biên cương, được đốt từ phân sói.
Khi chìm khi nổi, khi nổi khi chìm, là thân giun dế, trăm sự trăm đời, không phải đều sống vậy ư?
Khách điếm tên “Đầu Nhất Hộ”, tiền viện là tửu lâu nhỏ hai tầng, phía sau có sân, quả đúng như tên, là nơi khí phái nhất vùng, lưu dân ở cửa cũng đặc biệt nhiều, đám này đi lại có đám khác tới, đuổi cũng đuổi không được.
Tiểu nhị khuyên một đám đi xong, xách ấm đi châm nước cho khách, vài hán tử áo đen dáng dấp như người trong tiêu cục ngồi ở sảnh lớn, bên cạnh đặt một lá cờ, bên trên viết tên tiêu cục là “Hưng Nam”, mấy hán tử ai nấy đều vẻ mặt phong trần, ở giữa là một đôi thiếu niên thiếu nữ da non thịt mềm.
Trong đó sắc mặt vị thiếu niên không tốt, thần sắc bệnh tật, thỉnh thoảng lại ho khan mấy tiếng, không biết là bị thương hay bị bệnh. Hắn liếc nhìn ra cửa, gọi tiểu nhị đến, lấy ra ít bạc vụn, nói với tiểu nhị:
– Người khác thôi kệ đi, nhưng mấy người già yếu trẻ em thì đáng thương quá, tốt xấu gì cũng cho người ta chút đồ ăn, cứ tính vào phần ta.
Thiếu niên chắc là một thiếu gia không biết khó khăn, thình lình lên tiếng, mấy tùy tùng bên cạnh muốn ngăn đã không còn kịp, đành nhìn hắn với vẻ mặt không tán thành.
Thiếu nữ cau mày nói:
– Ca!
Tiểu nhị kia cười vui vẻ nhưng không đưa tay lấy tiền, chỉ nói với thiếu niên:
– Đa tạ thiếu gia. Không phải tiểu nhân không biết điều, chỉ là mấy vị ở trọ hẳn cũng là khách đi ngang qua, không thường xuyên ở đây, hôm nay có ngài thiện tâm tội nghiệp họ, mấy hôm sau ngài đi rồi thì họ tìm ai? Chi bằng giục họ mau chóng tìm đường sống mới là chính đạo, trận chiến này còn dài lắm, chỉ mới bắt đầu thôi, chưa đến bước đường cùng nhỉ?
Thiếu gia tiêu cục lần đầu tiên ra ngoài, nhất thời nổi lòng tốt nhưng chưa từng nghĩ đến dài lâu, sững sờ tại chỗ.
Tiểu nhị cúi đầu khom lưng chắp tay với hắn, lược bớt câu tiếp theo “có việc gì ngài cứ dặn dò tôi”, bị những khách khác gọi nên chạy đi như một làn khói.
– Ngựa xe như nước, người đông tấp nập, một khi loạn lạc, sụp đổ rã rời, tựa như bình sứ rơi xuống đất, giang sơn xa gần, tất thảy cô liêu…
Lão kể chuyện giọng khàn khàn, nghe vào tai như sắt rỉ cạo tới cạo lui trên mảnh sứ, khách điếm nhất thời yên tĩnh, nghe lão kể chuyện thở dài nặng nề, ngửa đầu nhìn quanh, phẫn nộ vỗ kinh đường mộc vang một tiếng.
Trong góc có một vị khách mặc áo bông dày thật sớm, cằm rúc vào cổ áo, không nhìn rõ tướng mạo, trong tiếng kinh đường mộc, hắn trầm tư nhìn tiểu nhị lăng xăng chạy tới chạy lui, hắn để tiền xuống, lại kéo cổ áo lên trên rồi lặng lẽ rời đi.
Tiểu nhị vất vả bận bịu xong một vòng, thấy có bàn trống liền tới dọn, tiện thể cất mấy đồng tiền do khách để lại, nào ngờ khi đưa tay chạm vào thì giật mình, trên đồng tiền ấy kết một tầng sương lạnh.
Hai ngày sau, trong khách điếm “Đầu Nhất Hộ” nghênh đón vài vị khách trẻ tuổi.
Đi đầu là hai cô nương, chắc là tỷ muội, khoác tay nhau, người lớn tuổi hơn đeo khăn che mặt, người còn lại chỉ khoảng 14 15 tuổi, mặt trái xoan, mắt to tròn, trông có chút trẻ con.
Nơi đây từ sáng đến tối chỉ có lưu dân và khách giang hồ, rất ít thấy cô nương xinh đẹp, hai người họ vừa vào cửa liền có mấy ánh mắt hoặc rõ ràng hoặc âm thầm bắn tới, ai ngờ ngay sau đó là một hán tử mặt đen như than vào theo, tay xách một thanh Nhạn Sí Đại Hoàn đao rất khí thế, hán tử kia nhìn quanh, vung mạnh trường đao trong tay, hừ lạnh một tiếng, vòng sắt trên sống đao bị nội lực của y kích thích, vang lên không ngớt, hiển nhiên là một cao thủ nội ngoại kiêm tu.
Mỹ sắc có tốt đến đâu cũng không quan trọng bằng tính mạng, những ánh mắt nhìn lén lập tức thu lại, ngồi nghiêm chỉnh, chỉ dám dùng khóe mắt liếc qua.
Phía sau hán tử mặt đen còn có người, vì phải giao xe ngựa cho tiệm chăm sóc nên hai người này phải trì hoãn chốc lát mới vào.
Đó là một thanh niên và một cô nương mặc nam trang.
Cô nương đó chắc là để tiện đi đường, không hề dốc sức cải nam trang, trên đầu vẫn búi tóc đơn giản vô cùng tùy tiện, dáng người mảnh khảnh, mặt mày thanh tú, đôi má trắng nhợt, dáng vẻ yếu ớt như vừa khỏi bệnh.
Nhưng không biết vì sao, khi nàng đi tới, không ai dám quan sát trắng trợn như trước.
Trên người cô nương đó có thanh đao, thân đao hơi dài, treo bên hông thiếu nữ không khỏi phiền toái, nàng bèn xách trong tay, vỏ đao đen kịt và mu bàn tay trắng trẻo tôn lên lẫn nhau, hòa hợp với nhau kỳ lạ, phàm là người giang hồ lão luyện, chỉ một ánh mắt là có thể nhìn ra đao này từng liếm máu, tuyệt đối không phải tiểu thanh niên mới ra đời dùng để gạt người.
Họ chính là nhóm Chu Phỉ.
Lần đi này náo nhiệt, cả Lý Nghiên Lý Thịnh đều đi, người đeo khăn che mặt đi đầu cùng Lý Nghiên là Ngô Sở Sở, và Dương Cẩn làm kẻ chọc cười dọc đường.
Hôm đó Chu Phỉ tình cờ gặp Dương Cẩn ở phòng cho khách của 48 trại, chợt nhớ ra gã này có quan hệ không cạn với Hành Tẩu Bang.
Nàng và Tạ Doãn hộ tống Ngô Sở Sở về 48 trại thận trọng như vậy mà y có thể chặn được họ lúc nàng và Tạ Doãn cải trang, năng lực này xem ra còn lợi hại hơn cả “Đoạn Nhạn Thập Tam đao” nổi tiếng Cửu Châu của y.
Có lợi không xài là đồ ngu, đứng trước kẻ ngây thơ toàn thân từ trên xuống dưới đều như viết đầy mấy chữ “mau lợi dụng ta đi” là Dương Cẩn, Chu Phỉ lập tức nảy ra ý nghĩ.
Nàng phát huy vượt bậc, đem chuyện Khấu Đan làm phản 48 trại vì “Hải Thiên Nhất Sắc” thêm mắm dặm muối một phen như thật, đồng thời gom cả chuyện ân oán cũ của Thanh Long chúa và Sơn Xuyên Kiếm vào, vẽ ra cho Dương Cẩn một miếng bánh thần bí to lớn…
– Ngươi chắc chắn không đoán được “Hải Thiên Nhất Sắc” này là gì.
Chu Phỉ nói với Dương Cẩn như thật:
– Đoan vương gia – vị phía nam ấy, nói cho ta biết, “Hải Thiên Nhất Sắc” thực ra là một di sản thu nạp vô số di vật của các môn phái hoặc bị thiên tai hoặc bị sa sút, bao gồm cả Đại Dược cốc, “Quy Dương đan” của Ngư thái sư thúc ta chính là nhờ vậy mà có. Trừ Đại Dược cốc, đương nhiên còn có đủ cả bí tịch võ công của các môn phái khác, ngươi nghĩ xem, Sơn Xuyên kiếm nè, đao của ông ngoại ta nè… có phải đều có chút uyên bác sở trường của mọi nhà không? Tiếc rằng Đoan vương chưa nói xong đã chạy mất, nếu muốn truy xét đến cùng thì phải tìm được hắn đã.
Dương Cẩn nghe ngẩn tò te, tự động loại bỏ những chữ khác, chỉ để lại mấy chữ “bí tịch… đao của ông ngoại ta… uyên bác”.
Mấy lời nhảm nhí này của Chu Phỉ ngay cả Lý Nghiên cũng không gạt được, đại khái chỉ đủ để dụ một mình Dương Cẩn.
Con người Dương Cẩn, nghe đồn vu vơ trên giang hồ có một “truyền nhân Nam đao”, ngay cả người ta là nam hay nữ, già hay trẻ cũng chưa làm rõ đã nhiệt huyết lên đầu, sống chết lao đi tỷ thí, thì kiên quyết không thể dùng lẽ thường để đo lường được. Y chỉ mới nghe một chữ “đao” là tai lập tức dài ra hai tấc, lại bị Chu Phỉ khuếch đại một phen, liền đầy trông ngóng đối với “Hải Thiên Nhất Sắc”, đầu óc u mê bị Chu Phỉ lừa xuống núi.
Còn Ngô Sở Sở đi theo lại là nguyên do khác.
Nàng ấy tuy biết Chu Phỉ đang nói bậy bạ nhưng cũng biết Chu Phỉ không tự dưng bịa chuyện. Bất luận Hải Thiên Nhất Sắc là gì, hiển nhiên nó dính líu không ít với Ngô gia, là thủ phạm hại chết mẫu thân và đệ đệ nàng ấy.
Theo lý thuyết, nàng ấy từ Chung Nam đến 48 trại, dọc đường gió tanh mưa máu, có thể nói là cửu tử nhất sinh, khó khăn lắm mới an ổn lại, thế mà vừa tới đã đi ngay, chẳng phải là tự hành hạ sao?
Nhưng dù chỉ là một tiểu thư khuê các mảnh mai yếu đuối, lẽ nào nàng ấy có thể lấy sự bất tài vô dụng của bản thân làm lý do để yên tâm thoải mái trốn ở Thục Sơn, bưng tai bịt mắt?
Như thế dù bình an cả đời, phú quý tạm bợ thì sao xứng làm người?
Ngô Sở Sở nghe lời kể của Chu Phỉ dành cho hoa văn sóng nước, phát hiện thứ khắc hoa văn sóng nước là khóa trường mệnh mình đeo từ nhỏ, bèn quyết đoán giao nó cho Lý Cẩn Dung, đeo nó vào, nàng ấy là bánh bao thơm phức mà đám Cừu Thiên Cơ tranh đoạt, cởi nó ra, nàng ấy là một cô nhi không nơi nương tựa.
Ngô tiểu thư về viện của mình, để lại một phong thư ngôn từ khẩn thiết cho Lý đại đương gia rồi chạy theo Chu Phỉ.
Có cái loa lớn là Lý Nghiên, động tĩnh của họ đương nhiên không giấu được Lý Thịnh.
Lý Thịnh được Xung Vân Tử nhờ chuyển lời về, bây giờ lời đã chuyển xong, thấy 48 trại có Lý Cẩn Dung tọa trấn, lại có đại quân Nam triều đóng giữ, không cần hắn nữa, bèn cũng dứt khoát xuống núi, hắn không yên tâm vị lão đạo sĩ Xung Vân Tử từng dạy mình mấy tháng, cũng không muốn nép dưới cánh chim trưởng bối, tự cho mình là bất phàm nữa.
Còn Lý Nghiên… là dùng cách “không mang muội theo, ngày mai muội sẽ lan truyền cho cả thế gian biết, mọi người đừng ai hòng đi được” để mặt dày thêm mình vào nhóm.
Hành Tẩu Bang có “xe thuyền tiệm chân cò”, luận về “không đâu không có” thì chỉ hơn Cái Bang chứ không kém, trong đó chỉ phần “tiệm” thôi là có thể gom hết các tửu lâu khách điếm lớn nhỏ làm thành tai mắt, có cái mặt của Dương Cẩn và Ngũ Bức lệnh mã não đỏ trên người Lý Nghiên, Hành Tẩu Bang phục vụ họ rất thoải mái.
Nhưng Tạ Doãn quanh năm đấu đá với hai vị Huyền, Bạch tiên sinh, kinh nghiệm vô cùng phong phú, không dễ bị tóm đuôi như vậy.
Tiểu nhị của “Đầu Nhất Hộ” tranh thủ thời gian họ ngồi vào chỗ gọi món, nói nhỏ bên tai Dương Cẩn:
– Tiểu nhân là dơi màu lam, hôm đó tiểu nhân lắm miệng, nói nhiều với vị khách khác mấy câu, vị khách bàn bên cạnh đại khái nghe được gì đó, để tiền rồi đi ngay, tiểu nhân nhớ lại, tướng mạo người đó hình như rất giống với “chồn nước” mà ngài tìm, hơn nữa vô cùng quen thuộc với người trong bang chúng ta, không biết có phải hay không… à, đúng rồi, người đó còn để lại cái này.
Tiểu nhị lấy ra một đồng tiền, nhỏ giọng giải thích trước ánh mắt khó hiểu của mọi người:
– Đây thực ra là một đồng tiền bình thường, nhưng khi vị khách đó để xuống, bên trên có một lớp sương lạnh.
Mí mắt Chu Phỉ nhảy lên, nhất thời, bàn tay vô cùng lạnh của Tạ Doãn và câu nói loáng thoáng của Tào Ninh trước trận hai quân “huynh không muốn sống nữa sao” vội vàng lướt qua trước mắt nàng, nàng vội truy hỏi:
– Đi hướng bên kia?
Tiểu nhị khách sáo trả lời:
– Thứ lỗi tiểu nhân vô dụng, quả thực không biết. Ngài thấy vầy đi, người này ở bên ngoài không thể nào không ở trọ, không ngồi xe, không đi thuyền, đúng không? Ăn, mặc, ở, đi lại, chúng tôi chiếm một nửa giang sơn, người mà ngài muốn tìm, cẩn thận đến mấy cũng có lúc sơ sảy, ngài bình tĩnh chớ vội, người đó mới đi hai ngày trước, bây giờ chưa chắc đã đi xa, hay là các vị ở lại khách điếm chờ tin tức khác?
Mọi người đều không có biện pháp khác, đành đa tạ, đuổi tiểu nhị Hành Tẩu Bang đi.
– Ta thấy huynh ấy như vậy là đi về phương nam rồi.
Lý Thịnh thấm nước, nhẹ nhàng vẽ trên bàn một đường, nghi hoặc nói:
– Phương nam có gì?
Không ai lên tiếng.
Chu Phỉ lơ đãng bưng chén nước nóng đưa tới miệng, chợt nhớ ngày hôm đó dưới núi 48 trại, Tạ Doãn đã nói với nàng một câu.
“Bình thường đến mùa đông, ta đều thích chạy về phương nam, mấy khách điếm nhỏ vì tiết kiệm tiền đều không đốt lửa cho ta, lỡ bỏ qua nơi trú chân, phải ở lại nơi hoang vu bốn bề lộng gió thì mùi vị đó lại càng khỏi phải nói, thà rằng đi Nam Cương phơi nắng còn hơn.”
Hắn quấn áo bông đi về phương nam, có phải chỉ là để đi phơi nắng?
Không biết tại sao, trong thế cục hỗn loạn người người ầm ĩ nóng nảy này, Chu Phỉ cảm thấy đó rất giống như chuyện mà Tạ Doãn có thể làm.
– Vậy chúng ta cũng đi phương nam chơi?
Lý Nghiên nóng lòng muốn thử, thân thiết dùng cùi chỏ huých Dương Cẩn:
– Nè, cục than, quê các ngươi có phải ở Nam Cương không, nghe nói các ngươi ăn cả sâu hả, có thật không?
Dương Cẩn suýt bị cú động tay động chân của muội ấy làm văng nước, quay đầu nhìn hằm hằm muội ấy.
Y còn chưa kịp phát tác, ngoài cửa chợt có tiếng ngựa hí dài, lại một đám người vào khách điếm.
Người đang ăn cơm uống rượu trong khách điếm đều yên tĩnh lại. Kẻ tới ai nấy đều mặc trang phục đen, đầu đội mũ rộng vành, đồng loạt đứng ở cửa, hung thần ác sát, không giống nghỉ chân cũng không giống ở trọ mà giống trả thù.
Tiểu nhị sửng sốt rồi vội tươi cười bước lên nghênh tiếp:
– Chư vị khách quan đến ở trọ à? Xin mời vào, còn phòng đấy.
Người áo đen dẫn đầu thờ ơ lướt qua hắn, đi thẳng vào trong quán, chiếm ba cái bàn, nhất thời, tiểu lâu hai tầng sát đường cái có vẻ như không đủ dùng.
Người của “Hưng Nam tiêu cục” trong góc cẩn thận đưa mắt ra hiệu cho nhau, vài hán tử đứng dậy, bảo vệ đôi huynh muội kia vào giữa.
Lý Nghiên tò mò rướn cổ lên nhìn:
– Mấy người này làm gì vậy?
Chu Phỉ liếc mắt qua, đưa tay gõ nhẹ lên bàn.
Lý Nghiên hỏi:
– Gì?
– Nào giờ tỷ luôn chưa nói.
Chu Phỉ ngước mắt trêu muội ấy:
– Hôm nay tỷ phải ra quy ước với muội. Lần này ra ngoài không có ai bảo vệ muội, ở ngay trước mắt tỷ, nếu muội dám chạy loạn như lần trước ở Thiệu Dương thì tỷ sẽ đánh gãy chân muội. Lý Nghiên, tỷ cảnh cáo muội, đừng có hi vọng tỷ cũng…
Nói đến đây, nàng không khỏi ngừng lại, nuốt xuống câu “cũng chiều muội như Mã thúc”.
Chu Phỉ không nói nhưng người khác đều nghe ra, Lý Nghiên sững sờ, không biết nhớ ra gì, khẽ “ừm” một tiếng.
– Không có chuyện gì thì đừng kiếm chuyện.
Chu Phỉ nhìn Dương Cẩn sâu xa:
– Nếu thật ngứa tay muốn luyện thì ta có thể phụng bồi.
Dương Cẩn hừ lạnh một tiếng, bàn tay móc trên Đoạn Nhạn đao thả trở lại, nói:
– Mấy tên này là người của núi Hoạt Nhân Tử Nhân, ta từng đánh… từng gặp một lần.
Lý Thịnh cau mày:
– Thuộc môn hạ nào?
– Huyền Vũ.
Dương Cẩn:
– Ngươi nhìn tay người kia kìa.
Lý Nghiên “thiên lý nhãn” mở to mắt đảo qua, thu hết đại sảnh lầu một vào mắt, nhỏ giọng báo cáo:
– Muội thấy rồi, trên mu bàn tay người kia chính là con rùa đuôi to!
Mặt Lý Thịnh không chút cảm xúc:
– Ngoan. Câm miệng.