Đó là một con trăn lớn to cỡ một vòng ôm.
Theo lý thuyết, Thục Trung hiếm khi có trăn to như vậy, vả lại đa phần đều hoạt động chậm chạp, dù đi săn cũng theo kiểu mai phục ôm cây đợi thỏ, nếu tấn công một đòn không trúng thì sẽ không bám riết đuổi theo.
Nhưng con cự mãng này như phát điên, bị Lý Cẩn Dung đánh một đao vào mặt, lại bị bó đuốc vuột tay của cô bé đốt mà không hề có ý chùn bước, ngược lại còn nhanh chóng điều chỉnh tư thế, nhanh như chớp há cái miệng to về phía Lý nhị lang, lao tới.
Lý nhị lang sợ tới mức không quan tâm nước mũi nổi bong bóng, mở to mắt, đưa tay sờ loạn trên người chốc lát, phát hiện trừ ống sáo mình lén lấy ra ngoài thì trên người ngay cả mảnh sắt cũng không có, thấy con trăn lớn tới ngay trước mắt, đôi chân lớn của Lý nhị lang như dính chặt xuống đất, không nhúc nhích được.
Đúng lúc này, một thanh trường đao bay ngang tới, va vào sườn mặt con trăn, cái đầu to lớn hung hăng bị chệch đi, nó phẫn nộ quay phắt đầu, xoay người đối diện với kẻ thấp kém dám cả gan ngăn nó săn mồi.
Lý Cẩn Dung phát huy khinh công toàn thân tới cực hạn – dù cho đến nay, tổng cộng cũng chưa luyện được mấy năm, cô bé vọt lên giẫm lên mình con trăn, cảm giác dưới chân trơn không mượn lực được, cô bé vội xoay eo, lảo đảo ngã xuống, hiểm hóc lướt qua cái miệng to đầy gai nhọn của nó.
Cô bé quay đầu quát đám trẻ bị dọa choáng váng:
– Còn không mau chạy!
Lý Cẩn Dung rất ít khi cùng đi quậy phá với bọn trẻ Thục Trung, nhưng có lẽ vì mỗi đứa đều từng bị cô bé đánh nên trong tình huống nguy cấp, bọn trẻ đều vô cùng nghe lời, tập thể vắt giò lên cổ chạy như điên ra ngoài, tuy tuổi còn nhỏ nhưng dẫu sao cũng là hậu nhân danh môn, không hề hỗn loạn.
Con trăn lớn hoàn toàn bị chọc giận, ngóc cao đầu, thân mình to khỏe quét qua như du long vẫy đuôi. Lý Cẩn Dung vốn chưa đứng vững, chật vật lăn tại chỗ, tránh được nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, nhiều lần suýt bị trăn quấn lấy. Tư chất cô bé trác tuyệt, luôn tự cao tự đại, lúc này lại bị một con thú ép lăn lộn khắp nơi, trong lòng Lý Cẩn Dung chẳng những không sợ, ngược lại còn đốt lên một ngọn lửa vô danh, cô bé nhảy về trước một bước, nghe tiếng ma sát khiến da đầu tê rần phía sau, cô bé tung người nhảy lên vách sơn động, xoay người, rút đao chém xuống.
Trường đao trên tay cô bé đụng phải cái miệng há to của con cự mãng, suy cho cùng cô bé vẫn còn nhỏ tuổi, sức lực không đủ, tay nhỏ cầm đao lập tức bị chấn động tét ra, lưng đập mạnh vào vách đá, đau rát. Con trăn lớn da dày thịt béo chỉ rướm tí máu, càng giận không nhịn nổi, sau đó lại há to cái miệng như chậu máu, Lý Cẩn Dung gần như có thể thấy rõ những cái răng không đều trong miệng nó.
Đúng lúc này, một ánh lửa chợt vút qua, vừa khéo chắn ngang giữa cô bé và con trăn, con trăn thấy lửa thì hơi sợ hãi, ngửa cổ về sau, một cái tay nhân lúc đó thò qua kéo Lý Cẩn Dung, đẩy mạnh cô bé về phía cửa hang.
Lòng bàn tay kéo cô bé toát đầy mồ hôi lạnh, ngón tay lạnh như đồ sắt để cả đêm, Lý Cẩn Dung không ngờ lúc này còn có người đợi mình, không khỏi sững sờ, ngẩng đầu nhìn thì thấy là tiểu thư sinh mà một ngón tay cô bé cũng có thể đẩy ngã.
Chu Dĩ Đường không biết lấy từ đâu được hai bó đuốc, ném một bó đi, trên tay còn cầm một bó.
Cậu siết chặt cổ tay Lý Cẩn Dung, dùng sức đẩy cô bé ra ngoài trước, còn mình thì hơi dịch nghiêng sau cô bé nửa người, dùng nửa người cầm đuốc chắn giữa cô bé và con trăn.
Tính Lý Cẩn Dung bẩm sinh khác với người thường, gặp phải tình huống đột biến, cô bé rất ít khi hoảng sợ như người khác, dường như cô bé căn bản không có dây thần kinh sợ. Dù theo tuổi tác ngày càng lớn, cô bé có thể dần phán đoán thứ gì mạnh hơn mình, nhưng biết thì biết chứ khi thật sự gặp chuyện thì cảm giác hưng phấn hoặc phẫn nộ luôn chiếm thế thượng phong, cái gì cô bé cũng nóng lòng khiêu chiến.
Giống như bây giờ, trong thời khắc mấu chốt, cô bé vẫn có thể nhàn hạ dùng ánh mắt vô cùng mới mẻ đánh giá Chu Dĩ Đường.
Tên mọt sách này là một kẻ mặt trắng ẻo lả, hàng mày thẳng và con ngươi đen nhánh, trắng đen rõ ràng, vô cùng thanh tú, khuôn mặt nhỏ căng ra, môi không còn chút máu, mồ hôi lạnh chảy xuống theo thái dương, khiến Lý Cẩn Dung nhớ tới con mèo rừng con mà cô bé từng bắt, rõ ràng là một cục lông nhỏ run cầm cập mà cứ nơm nớp thò móng vuốt vụng về ra. Thế là không biết có sợi dây thần kinh nào sai sai, cô bé phì cười ra tiếng.
Chu Dĩ Đường quả thực không biết thần thánh phương nào chống đỡ hai chân mình, con trăn lớn không biết có phải sống quá lâu nên thành tinh hay không, tuy sợ lửa nhưng hình như nó biết đuốc có thể bị dập tắt, nó vừa đuổi theo vừa bổ nhào tới không ngừng nghỉ, gắng dùng gió tạo ra lúc di chuyển để thổi tắt lửa trong tay cậu bé.
Mỗi lần con trăn lớn lao tới, cậu đều cảm thấy ngọn lửa lắc lư dữ dội sắp xong đời, trái tim đập điên cuồng sắp phá tung sọ não, thế mà trong lúc mấu chốt này, tiểu cô nương không biết bị thiếu dây thần kinh nào kia còn ở đó cười!
Khoảnh khắc này, trong động rắn này, Chu Dĩ Đường cuối cùng nhìn thấu khuôn mặt thật của Lý đại tiểu thư.
Cậu dùng sức đẩy Lý Cẩn Dung ra cửa động, từ khi sinh ra đến nay lần đầu tiên nói chuyện với cô bé lại là lúc thở không ra hơi:
– Cười… cười cái gì mà cười, còn không mau chạy!
Lý Cẩn Dung nói:
– Đồ mọt sách vô lý, chẳng nhẽ khóc thì có thể khóc chết nó à?
Con trăn to lại lao tới lần nữa, ngọn lửa run dữ dội rồi đột nhiên co lại thành một đốm, tim Chu Dĩ Đường cũng co lại theo, ngửi thấy mùi tanh hôi tởm lợm từ miệng rắn, tay cậu mềm nhũn, cùng lúc đó, Lý Cẩn Dung hất tay cậu ra, sải một bước tới, nắm lấy khe hở trong nháy mắt ấy, lại đưa trường đao trong tay ra.
Con trăn to rung mạnh, bàn tay bị thương ban nãy của Lý Cẩn Dung lại trào máu, cô bé lùi mấy bước, dựa vào vách đá mới đứng vững, nghiến răng nghiến lợi:
– Về ta sẽ luyện “Trảm” tự quyết mười vạn tám ngàn lần, phải băm nát đầu con súc sinh này ra hầm canh rắn.
Chu Dĩ Đường cảm thấy cô bé thực giống một đứa trẻ đi đường bị ngã liền muốn nện cho mặt đất nứt ra một lỗ vậy, bất đắc dĩ nói:
– Muội muội à, chi bằng trước tiên muội nghĩ xem chúng ta còn về được hay không đã!
Nhờ một đao đó cản trở nên đốm lửa run lẩy bẩy trong tay Chu Dĩ Đường lại kéo dài hơi tàn hồi sinh lần nữa, cậu bé và con trăn lớn lại bắt đầu giằng co.
Đúng lúc này, bên ngoài truyền đến một tiếng vang, ánh sáng mạnh chiếu vào cửa động, hóa ra không biết là đứa nào mang theo pháo hiệu dùng để liên lạc trộm được từ người lớn, lúc nãy chạy hoảng lên, giờ mới nhớ ra, sau đó, Lý nhị lang lâm trận bỏ chạy chạy một hồi mới phát hiện tỷ tỷ mình không đuổi theo, bèn vội vàng run rẩy nhấc đôi chân ngắn chạy về, vừa chạy vừa kêu to ở cửa động:
– Tỷ! Tỷ! Tỷ ở đâu?
Thằng nhóc xúi quẩy này gọi thôi chưa đủ, có lẽ nghi ngờ mình gây ra động tĩnh chưa đủ lớn, còn ra sức giẫm xuống đất, rồi lại dùng ống sáo hình rắn kia thổi mạnh, ống sáo ban nãy thổi không kêu tiếng nào “không phụ mong đợi mọi người” lúc này kêu một tiếng chói tai có thể đâm thủng màng nhĩ.
Con trăn lớn trong sơn động như bị làm phép định thân, toàn thân cứng đờ, con mắt màu vàng nhạt với đường sổ thẳng bên mặt, cơn run rẩy trước nay chưa từng có bò lên sau lưng Chu Dĩ Đường, cậu quyết đoán, dùng toàn lực đẩy Lý Cẩn Dung:
– Mau…
Con trăn lớn đột nhiên di chuyển, nó ngẩng phắt đầu lên, dường như phát ra một tiếng gầm gừ không nghe thấy, tiếp đó không thèm quan tâm lửa nữa mà cắn xuống. Trong lúc nguy hiểm, Chu Dĩ Đường hết cách, đành ném bó đuốc trong tay, vận may của cậu không tồi, bó đuốc đập thẳng vào mặt con trăn, đốm lửa tung tóe văng vào miệng nó, nó đau đớn giãy giụa thân thể khổng lồ, Chu Dĩ Đường nhân cơ hội liều túm lấy Lý Cẩn Dung vẫn còn muốn xông lên đại chiến ba hiệp với nó, chạy về phía cửa động.
Lúc này đã gần tảng sáng, nơi cửa động đã có ánh sáng lờ mờ, Chu Dĩ Đường cảm thấy chân không còn là của mình nữa, toàn bộ đều dựa vào bản năng, tiếng sột soạt đòi mạng phía sau càng lúc càng gần.
Chu Dĩ Đường thấy Lý nhị lang ở cửa động mặt đầy sợ hãi, cùng lúc đó, cơn kình phong đánh úp sau lưng cậu, cậu quay đầu theo bản năng, chỉ nhìn thấy một cái miệng to cắn xuống. Thời khắc ấy, trong đầu tiểu thư sinh ngay cả hai chữ “tiêu đời” cũng không có, đầu óc đầy kinh sử tử tập nửa hiểu nửa không hoàn toàn trống rỗng, cậu chỉ nhớ mình buông Lý Cẩn Dung ra, giang hai cánh tay tê dại, gắng chắn giữa cô bé và con trăn, thậm chí nhắm đôi mắt lại…
Lý Cẩn Dung không phải loại người sẽ nhắm mắt chờ chết, cô bé khẽ quát một tiếng, lại nhấc đao, nhưng đao chưa kịp đẩy ra, trước mắt liền có ánh đao cực sáng lóe lên lướt qua đầu cô bé, đâm từ dưới lên trên, “phụp” một tiếng nhỏ, đầu con trăn to có vẻ cứng như thành đồng bị một đao ấy đẩy thẳng lên đỉnh hang đá, thân đập vào vách núi, phát ra một tiếng vang.
Lý Cẩn Dung khó hiểu:
– Hở?
Cô bé vẫn giữ nguyên động tác đưa đao ra một nửa, ngẩng đầu nhìn liền thấy gương mặt tức giận xanh lè xanh lét của Lý Chủy.
Nửa canh giờ sau, hơn phân nửa Thục Trung đều bị đánh thức, các nhà nghe được một đêm kinh hồn này, ai nấy đều lôi con cái và chó nhà mình về làm món “măng xào thịt”, Lý Cẩn Dung và Lý Cẩn Phong thì bị Lý đại hiệp mỗi tay túm sau gáy một đứa xách về. Vì Chu Dĩ Đường nhận sai kịp thời, mà Lý đại hiệp lại không có cái tay thứ ba nên tiểu thư sinh tránh được một kiếp, có thể có “tôn nghiêm” tự đi về.
Về sau mới biết, hóa ra ống sáo mà Lý nhị lang trộm là “sáo gọi rắn”, người ở Tiểu Dược cốc Nam Cương dùng nó để điều khiển rắn, Nam Cương xưa nay luôn có cách khống chế rắn, nếu dùng thỏa đáng, có thể gọi rắn trong vòng mấy dặm lại hết, mặc cho sai khiến. Đương nhiên, nếu dùng không thỏa đáng thì chỉ có thể bị rắn nổi cơn phẫn nộ điên cuồng đuổi theo.
Vì chuyện này mà Lý nhị lang bị Lý đại hiệp đánh đến mức tiếng khóc quẩn quanh ba ngày chưa dứt, suýt bị nước mũi sặc chết, Lý Cẩn Dung thấy tình thế không ổn, nhân lúc đệ đệ gặp xui xẻo liền trực tiếp nhảy lên cây, trốn hai ngày không dám xuống. Chu Dĩ Đường tập võ mới nhập môn, không chịu đòn nổi – thế là biến thành mỗi ngày đứng tấn trên cọc gỗ.
Trải qua chiến dịch này, Chu Dĩ Đường triệt để thân quen với bọn trẻ Thục Trung, đồng thời cũng triệt để hiểu rõ mình không dám nói gì trước mặt Lý cô nương là điều ngu xuẩn cỡ nào.
Tiếc rằng ảo giác tốt đẹp về cô bé mắt hạnh lạnh lùng vào lần đầu gặp gỡ đã định là… hoàn toàn sụp đổ.