Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngày Đầu Tiên

Chương 4

Tác giả: Marc Levy

Luân Đôn

– Không, không, không, Adrian! Lời lẽ của anh sẽ ru ngủ ngay cả công chúng không khác gì một buổi hòa nhạc của AC/DC vậy.

– AC/DC thì có liên quan gì tới chuyện này?

– Hoàn toàn không liên quan, nhưng đó là nhóm nhạc hard-rock duy nhất mà tôi nhớ được tên. Đây không phải là một giải thưởng mà hội đồng giám khảo của Quỹ sẽ trao nữa, mà là một viên đạn bắn thẳng vào đầu những ai vẫn còn tiếp tục nghe anh nói… để rút ngắn những khổ đau chịu đựng của họ!

– Được thôi, lần này thì tôi nghĩ là mình đã hiểu đúng Walter! Nếu bản văn của tôi dễ sợ đến thế, thì anh cứ việc tìm lấy một diễn giả khác.

– Ai cũng sẽ mơ được quay trở lại Chilê nhỉ? Tiếc quá tôi lại không có thời gian.

Tôi lật trang vở của mình và húng hắng ho trước khi đọc tiếp.

– Rồi anh xem, tôi nói với Walter, đoạn tiếp theo sẽ lý thú hơn nhiều, anh sẽ không đủ thời gian để buồn chán đâu.

Nhưng nghe đến câu thứ ba, Walter đã nhại theo một tiếng ngáy.

– Nghe mà phát buồn ngủ quá! Hắn thốt lên và mở con mắt bên phải ra. Hoàn toàn chán ngấy!

– Ý anh muốn nói là tôi làm ăn như cứt?!

– Chính thế, làm ăn như cứt, hoàn toàn chính xác. Những ngôi sao khác thường của anh chỉ là những tổ hợp số và chữ cái không thể nhớ được. Anh muốn các thành viên trong ban giám khảo làm gì với X321 và ZL254 nào, chúng ta đâu phải đang xuất hiện trong một tập phim Star Treck hả anh bạn đáng thương của tôi! Về những thiên hà xa xôi của anh, anh đang xác định cho chúng tôi khoảng cách bằng năm ánh sáng! Ai mà biết tính đếm bằng năm ánh sáng cơ chứ, tôi hỏi anh? Bà hàng xóm đẹp lão của anh hay sao? Gã bác sĩ nha khoa của anh à? Hay là mẹ anh? Chuyện đó thật nực cười. Không ai có thể sống sót sau những dãy số khó tiêu đến mức ấy.

– Nhưng khỉ thật, anh muốn tôi làm gì bây giờ? Muốn tôi đặt tên cho các chòm sao của tôi là cà chua, tỏi tây và khoai tây để mẹ anh có thể hiểu được công trình của tôi hay sao?

– Dĩ nhiên là anh sẽ không tin tôi đâu, nhưng bà ấy đã đọc những gì anh viết rồi đấy.

– Mẹ anh đã đọc luận án của tôi sao?

– Dĩ nhiên!

– Tôi rất lấy làm vui vì chuyện này!

– Bà ấy bị chứng mất ngủ kinh niên mà. Không một loại thuốc nào trị được, và tôi đã nảy ra ý là đem về cho bà một bản tác phẩm đóng bìa mỏng của anh. Anh sẽ phải bắt tay vào viết đi, bà ấy lại sắp thiếu tài liệu đọc rồi đấy!

– Nhưng rốt cuộc, anh trông đợi ở tôi điều gì cơ chứ?

– Trông đợi anh nói cho chúng tôi nghe về những nghiên cứu của anh bằng những thuật ngữ để tiếp nhận hơn với những đối tượng bình thường. Nói cho cùng, cái tật sính những từ ngữ bác học này mới gây khó chịu làm sao. Anh nhìn xem, thí dụ trong ngành y học nhé, tại sao lại phải dùng toàn những lời lẽ khó hiểu đến thế nhỉ? Bị bệnh còn chưa đủ hay sao? Người ta có cần nghe thấy bác sĩ phán là bị chứng loạn sản khớp háng, từ méo mó hay biến dạng nghe không hợp hay sao?

– Tôi rất lấy làm tiếc khi anh bị đau xương cốt đấy Walter.

– Phải, à mà thế nào nhỉ, đừng có tiếc vì chuyện ấy, vì tôi đâu có bàn đến tôi. Con chó của tôi đang mắc phải chứng “loạn sản khớp háng”.

– Anh nuôi chó ư?

– Vâng, một con giống jack russell rất kháu. Nó hiện đang ở nhà mẹ tôi, và nếu bà ấy đọc cho nó nghe những trang cuối cùng trong luận án của anh thì cả hai hẳn phải làm lăn ra ngủ kỹ.

Tôi muốn bóp cổ Walter, nhưng tôi hèn nhát đành lòng với việc nhìn chòng chọc vào mặt hắn. Sự kiên trì của hắn khiến tôi bối rối, ý chí của hắn cũng vậy. Mà tôi cũng thực sự không biết như thế nào, lưỡi tôi duỗi ra, và lần đầu tiên từ khi còn bé, tôi nghe thấy mình cất cao giọng nói:

“Bình minh bắt đầu từ đâu?…

Đến sáng sớm tinh mơ hôm sau, Walter vẫn chưa ngủ.

Paris

Keira không tài nào chợp mắt được. Vì sợ đánh thức chị gái dậy, cô đã rời khỏi phòng ngủ để đến ngồi trên tràng kỷ phòng khách. Đã bao lần cô nguyền rủa độ cứng của chiếc giường cắm trại rồi nhỉ? Thế mà giờ cô lại nhớ nó biết bao! Cô lại đứng dậy và tiến lại gần cửa sổ. Ở đây không có đêm đầy sao, chỉ là một dãy những cột đèn đường tỏa sáng trong con phố vắng tanh. Giờ là năm giờ sáng, cách nơi đó năm nghìn tám trăm cây số, trong thung lũng Omo, trời đã sáng rõ và Keira tìm cách doán xem Harry có thể đang làm gì vào lúc này. Cô quay trở lại tràng kỷ, rồi chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man, rốt cuộc cô cũng ngủ thiếp đi.

Vào giữa buổi sáng, một cuộc gọi của giáo sư Ivory kéo cô ra khỏi cơn mộng mị.

– Tôi có hai tin muốn báo cho cô biết.

– Bắt đầu bằng tin xấu trước đi! Keira vừa đáp vừa vươn người.

– Cô có lý, ngay cả với lưỡi dao kim cương mà tôi hết sức hãnh diện, tôi vẫn không thể lấy ra được, dù là một mảnh nhỏ từ món đồ trang sức của cô.

– Tôi đã bảo rồi mà. Thế còn tin tốt?

– Một phòng thí nghiệm bên Đức có thể giải quyết yêu cầu của chúng ta nội trong tuần này.

– Chuyện này sẽ tốn kém nhiều chứ?

– Giờ cô đừng lo chuyện đó, đây sẽ là một phần đóng góp nhỏ của tôi.

– Không có chuyện đó đâu, Ivory, vả lại chẳng có lý do nào để làm như thế cả.

– Chúa ơi, ông lão thở dài, tại sao cứ phải tìm ra cho mỗi một việc một lý do thế nhỉ. Niềm vui thích khám phá còn chưa đủ hay sao? Cô muốn có một cái cớ, vậy thì đây chính là một cái cớ, món đồ vật bí ẩn của tôi đã khiến cho tôi thức hầu như suốt đêm qua, và tin tôi đi, đối với một ông già luôn miệng ngáp cả ngày vì buồn chán, điều này đáng giá hơn nhiều so với khoản tiền mọn phải trả theo yêu cầu của phòng thí nghiệm.

– Vậy thì chia năm mươi-năm mươi, hoặc là thế hoặc là thôi vậy!

– Vậy thì năm mươi-năm mươi! Cô để tôi gửi cho họ món đồ quý giá của cô nhé, hai vị phải xa nhau ít lâu rồi.

Keira chưa nghĩ đến chuyện đó và ý nghĩ không được đeo chiếc mặt dây chuyền đó nữa khiến cô phiền lòng nhưng vị giáo sư dường như quá nhiệt tình, quá vui sướng vì được đối mặt với một thách thức mới đến nỗi Keira không đủ dũng khí để từ chối.

– Tôi nghĩ có thể trả nó lại cho cô muộn nhất vào thứ Tư. Tôi sẽ gửi nó đi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. Trong thời gian chờ đợi, tôi sẽ lại vùi đầu vào mấy cuốn sách cũ để xem liệu có tập tranh ảnh nào đó tiết lộ về một vật tương tự hay không.

– Ông dám chắc là tất cả những việc khó khăn mình đang làm là bõ công chứ? Keira hỏi.

– Nhưng rốt cuộc cô đang nói đến những việc khó khăn nào vậy? Tôi chỉ thấy toàn việc tốt đẹp thôi! Tôi gác máy đây, nói tóm lại, nhờ có cô mà một công việc đích thực đang đợi tôi đấy!

– Cảm ơn ông, Ivory, Keira nói rồi gác máy.

Tuần trôi qua. Keira nối lại liên lạc với các đồng nghiệp và bạn bè đã lâu cô không gặp. Mỗi buổi tối đến lại trở thành dịp ăn uống giữa bạn bè với nhau trong một nhà hàng nhỏ của thủ đô, hoặc trong căn hộ của chị gái cô. Những cuộc trò chuyện thường xoay quanhcùng các chủ đề, phần lớn là về quãng thời gian xa lạ với Keira, cô liền cảm thấy muộn phiền. Jeanne thậm chí còn trách mắng cô về chuyện đó, trong khi hai chị em rời khỏi một bữa tối hơi có phần ồn ĩ hơn những bữa trước.

– Em đừng đến nữa nếu những buổi tiệc tối này khiến em bực mình đến thế, Jeanne quở trách.

– Nhưng em có bực mình đâu!

– Thế thì hôm nào em thực sự bực mình nhớ báo cho chị nhé, để chị còn chuẩn bị chứng kiến cảnh tượng đó. Lúc nãy ngồi dùng bữa, em trông chẳng khác nào một con moóc mắc cạn trên vỏ băng vậy.

– Nhưng khỉ thật, Jeanne, làm thế nào chị lại có thể chịu nổi những cuộc trò chuyện kiểu như vậy nhỉ!

– Như thế gọi là có một cuộc sống xã hội mà.

– Như thế mà gọi là cuộc sống xã hội á? Keira vừa cười phá lên vừa vẫy một chiếc taxi. Cái gã nhắc lại tất cả những chuyện tầm thường đọc được trên báo để bưats chúng ta phải nghe một bài diễn văn không có hồi kết về cuộc khủng hoảng này sao? Cái gã ngồi bên cạnh thì nghe hóng hớt các kết quả thi đấu thể thao như khỉ thưởng thức chuối ấy: Mầm non bác sỹ tâm lý với những câu sáo rỗng về sự thiếu chung thủy? Gã luật sư với hai mươi phút miên man về tình hình gia tăng tội phạm hình sự tại khu vực thành thị bởi vì anh ta đã bị mất trộm chiếc scooter? Ba tiếng đồng hồ tuyệt đối vô liêm sỉ! Lý thuyết và phản-lý thuyết của niềm tuyệt vọng ở con người, thật là thống thiết!

– Em không thích ai cả, Keira ạ! Jeanne nói trong khi chiếc taxi thả hai chị em dưới chân tòa nhà nơi họ ở.

Cuộc tranh luận kết thúc vào tối muộn hơn một chút. Tuy nhiên, ngày hôm sau, Keira lại đi cùng chị gái đến một bữa tiệc tối khác. Có lẽ bởi nỗi cô đơn cô đã trải qua khoảng thời gian gần đây sâu sắc hơn là mức cô muốn công nhận.

Chính vào dịp cuối tuần tiếp theo, khi băng qua vườn Tuileries, trong khi một cơn mưa rào sắp sửa trút xuống, cô đã gặp Max. Cả hai người đều đang chạy trong lối đi chính, cố gắng tới được cổng vào Castiglione, trước khi cơn mưa rào nổ ra. Mệt đứt hơi, Max dừng lại trước cầu thang, ở chân bệ tượng nơi hai con sư tử bằng đồng thanh đang tấn công một con tê giác; từ phía bên kia các bậc thang, Keira dựa vào bệ tượng nơi hai con sư tử cái đang xé xác một con lợn lòi hấp hối.

– Max? Là anh đấy à?

Vẻ bề ngoài khá điển trai, độ cận thị của Max không kém phần kinh khủng; đằng sau cặp kính đọng đầy hơi nước, tất cả chỉ là sự mù mịt, nhưng anh có lẽ vẫn nhận ra giọng của Keira giữa cả trăm giọng nói khác.

– Em đang ở Paris sao? Anh ngạc nhiên hỏi trong lúc lau kính.

– Vâng, như anh thấy đấy.

– Giờ thì anh nhìn thấy em rồi! anh nói khi đeo lại kính lên mũi. Em ở đây lâu chưa?

– Trong công viên này ấy ạ? Được khoảng gần nửa tiếng ạ, Keira đáp với vẻ hơi ngại ngùng.

Max quan sát cô chăm chú.

– Em ở Paris từ vài ngày nay, cô rốt cuộc cũng nhượng bộ.

Một tiếng gầm vang trên trời khiến cả hai người nhận ra là nên đi tìm chỗ trú dưới những mái vòm của phố Rivoli. Một cơn mưa như trút nước bắt đầu ập tới.

– Em không nghĩ đến chuyện gọi cho anh à? Max hỏi vặn.

– Dĩ nhiên là có chứ.

– Vậy thì tại sao còn chưa gọi cho anh? Thứ lỗi cho anh nhé, anh hỏi em dồn dập toàn những câu ngu ngốc. Nếu muốn chúng ta gặp nhau thì hẳn em đã gọi cho anh rồi.

– Em thực sự không biết phải tiến hành chuyện đó như thế nào nữa.

– Vậy thì em có lý, chỉ cần đợi để một sự may mắn thuận theo ý trời đặt chúng ta trên cùng một con đường…

– Gặp lại anh em vui lắm, Keira cắt ngang.

– Anh cũng vui khi gặp lại em.

Max rủ cô đi uống một ly trong quán bar của khách sạn Meurice.

– Em ở đây bao lâu? Mà đấy, anh lại bắt đầu tra hỏi rồi.

– Có gì đâu ạ, Keira đáp. Em vừa trải qua sáu buổi tối liên tiếp ở đó người ta chỉ nói về chính trị, bãi công, chuyên làm ăn và những chuyện vặt vãnh ngồi lê đôi mách. Chẳng ai có vẻ quan tâm đến ai cả, em rốt cuộc nghĩ rằng mình là người vô hình; em sẽ tự treo cổ mình lên bằng chiếc khăn trải bàn để ai đó hỏi em rằng em có khỏe không và dành thời gian mà lắng nghe câu trả lời của em.

– Em khỏe không?

– Như một con sư tử trong chuồng vậy.

– Mà em ở trong chiếc chuồng này từ bao lâu rồi, ít ra là một tuần rồi nhỉ?

– Hơn thế một chút.

– Em ở lại hay em lại đi?

Keira kể cho Max nghe về những biến cố mình gặp phải tại Êtiôpia và về chuyến trở về bắt buộc của mình. Hy vọng tìm ra nguồn kinh phí cho một cuộc thám hiểm mới có vẻ như rất mong manh với cô. Lúc tám giờ tối, cô lẩn đi để gọi điện cho Jeanne và báo cho chị gái biết là mình sẽ về muộn.

Max và cô dùng bữa tối tại khách sạn Meurice và mỗi người kể về chuyện họ đã làm trong đời trong quãng thời gian ba mươi sáu tháng gần đây họ không gặp nhau. Sau khi Keira lên đường, cũng là thời điểm họ chia cách, Max rốt cuộc đã bỏ ngang công việc giảng dạy ngành khảo cổ tại đại học Sorbonne, để tiếp quản xưởng in của ông bố năm ngoái đã qua đời vì một chứng ung thư.

– Giờ anh làm chủ xưởng in sao?

– Câu chuẩn ở đây phải là: “Em lấy làm tiếc về chuyện bố anh” chứ, Max vừa chỉnh lại vừa mỉm cười.

– Không Max ạ, nhưng anh biết em rồi đấy, em không bao giờ nói được cái câu cần phải nói. Em lấy làm tiếc về chuyện bố anh… em nghĩ mình còn nhớ được là anh và ông cụ, hai người không được hòa hợp cho lắm.

– Cuối cùng bố con anh cũng đã giảng hòa với nhau rồi… tại bệnh viện Villejuif.

– Tại sao anh lại bỏ chỗ làm của mình, anh yêu nghề giảng viên lắm cơ mà?

– Anh yêu nhất là những lý do thoái thác nó đem lại cho anh.

– Những lý do thoái thác nào cơ? Anh từng là một giảng viên vô cùng xuất sắc còn gì?

– Anh chưa bao giờ có được niềm ham mê vẫn khích lệ em và lôi cuốn em trên thực địa.

– Thế còn xưởng in, như thế tốt hơn ạ?

– Ít ra anh cũng nhìn thẳng vào sự thật. Anh không khoe khoang là đang chờ đợi cái nhiệm vụ lẽ ra đã cho phép anh thực hiện phát kiến tầm cỡ thế kỷ nữa. Anh đã phịa ra đủ thứ chuyện rồi. Anh từng là một nhà khảo cổ của giảng đường chỉ giỏi quyến rũ sinh viên thôi.

– Vậy thì cứ cho là em cũng là một thành viên trong câu lạc bộ người hâm mộ của anh! Keira ra giọng mỉa mai.

– Em đã từng hơn như thế nhiều, và em thừa biết chuyện đó còn gì. Anh là một gã thích phiêu lưu của vùng ngoại ô Paris. Giờ thì chít ít, anh cũng đã tỉnh táo. Còn em, em có tìm ra thứ em vẫn tìm kiếm dưới đó không?

– Nếu anh đang nhắc đến những khai quật của em thì không, chỉ một vài thứ trầm tích thuyết phục em rằng em đang đi đúng hướng, rằng em đã không lầm. Nhưng cái mà em phát hiện ra, đó là một lối sống phù hợp với em.

– Vậy thì em sẽ lại ra đi thôi…

– Thực sự mà nói, em muốn qua đêm với anh, Max ạ, và tại sao không phải là đêm mai. Nhưng đến thứ Hai, em sẽ muốn ở một mình, và những ngày tiếp theo cũng vậy. Nếu em muốn lại ra đi, em sẽ làm vậy ngay khi có thể. Khi nào ư? Em cũng chẳng biết. Từ giờ đến lúc đó, em cần phải tìm việc làm.

– Trước khi đề nghị anh ngủ với em, ít ra em có thể hỏi anh liệu rằng anh đã có ai trong đời chưa nhỉ?

– Nếu anh đã có ai đó rồi thì anh hẳn đã gọi cho họ, giờ đã quá nửa đêm rồi còn gì.

– Nếu anh đã có ai đó rồi thì anh đã chẳng ăn tối cùng em. Em có hướng tìm việc nào chưa?

– Không, hiện tại thì chưa ạ, em không có nhiều bạn bè trong giới lắm.

– Anh có thể viết thoáy trên tờ giấy ăn này, trong hai phút, một danh sách những nhà nghiên cứu sẽ lấy làm vui mừng nếu được nhận một người như em gia nhập nhóm của họ.

– Em không muốn góp công sức vào khám phá của một người khác. Em đã trải qua hàng năm trời thực tập rồi, em muốn theo đuổi dự án của riêng em.

– Trong thời gian dài chờ đợi em có muốn đến làm tại xưởng in không?

– Em vẫn giữ những kỷ niệm tốt đẹp về những năm tháng có anh bên cạnh tại Sorbonne, nhưng hồi đó em mới hai mươi hai. Những động cơ quay, đó thực sự không phải tạng của em. Vả lại em không tin đó là một ý hay, Keira mỉm cười đáp. Nhưng em xin cảm ơn lời đề nghị của anh.

Buổi sáng sớm hôm sau, Jeanne thấy chiếc sofa trong phòng khách trống trơn. Cô nhìn điện thoại di động, em gái cô đã không để lại lời nhắn.

Bình luận