Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngày Đầu Tiên

Chương 8

Tác giả: Marc Levy

Paris

Vì đã thề với Max, Keira dành tất cả các buổi tối trong tuần để chia sẻ những khoảnh khắc tâm sự cùng chị gái của cô.

– Em có thường nghĩ đến bố không?

Keira ngó nhìn qua cánh cửa phòng bếp và thấy Jeanne đang ngắm nghía một chiếc tách bằng sứ.

– Mỗi sáng ông đều uống cà phê bằng chiếc tách này, Jeanne nói rồi rót một chút trà vào trong tách trước khi đưa cho Keira. Ngốc thật, mỗi khi nhìn thấy chiếc tách này trong tủ, chị lại thấy buồn.

Keira lặng lẽ quan sát chị mình.

– Và mỗi lần chị đem chiếc tách này ra dùng, chị lại có cảm giác như ông đang ở đây, ngay trước mặt chị và mỉm cười với chị. Nực cười quá phải không?

– Không hề. Nói thật là em vẫn giữ một trong những chiếc sơ mi của bố; thỉnh thoảng em mang nó ra mặc và em cũng có cảm giác y hệt như chị. Ngay khi mặc chiếc áo vào giống như là ông trải qua ngày hôm đó bên em vậy.

– Em có nghĩ là bố sẽ tự hào về chị em mình không?

– Hai cô con gái đã hơn ba mươi tuổi đầu vẫn sống độc thân, không con cái và vẫn đang sống chung trong một căn hộ ư? Em vẫn nghĩ giả sử thiên đường có tồn tại thật, thì băng rãnh trượt dẫn xuống địa ngục cũng sẽ xuất hiện ngay khi ông liếc mắt xuống đây để xem chúng ta đã trở thành người như thế nào.

– Chị nhớ bố, Keira ạ, em không thể biết được chị nhớ bố đến mức nào đâu, chị cũng nhớ cả mẹ nữa.

– Chị có muốn đổi chủ đề ko Jeanne?

– Em sẽ quay trở lại Êtiôpia thật sao?

– Em không biết nữa. Em thậm chí còn không biết tuần kế tiếp mình sẽ làm gì. Và em sẽ phải tự xoay xở để thật nhanh chóng tìm ra việc gì đó, nếu không chẳng mấy chốc nữa chị sẽ phải nuôi em mất.

– Điều chị sắp nói với em đây có thể sẽ thấy là ích kỷ, nhưng chị rất mong em ở lại. Hai chị em mình đều nhớ bố và mẹ, nhưng đó là theo quy luật của vạn vật, vả lại chị muốn tin rằng bố mẹ đã giải hòa với nhau; nhưng còn chúng ta, chúng ta vẫn còn sống, và nếu em ở xa đến thế thì khoảng thời gian chúng ta đánh mất là quá nhiều.

– Em biết, Jeanne ạ, nhưng sớm hay muộn chị cũng sẽ gặp một Jérôme khác, và lần này sẽ là một người tử ế. Chị sẽ sinh con, và dì Keira sẽ đến thăm lũ cháu mỗi dịp công tác về, với đầy những câu chuyện hay ho để kể cho chúng nghe. Vả lại chị là chị của em, ngay cả khi em ở xa cũng vậy, em luôn nghĩ tới chị. Em hứa với chị là nếu lại ra đi, em sẽ gọi điện thường xuyên hơn và không chỉ gọi để trao đổi những chuyện tầm phào.

– En có lý, đổi chủ đều đi, chị không có quyền nói với em như thế. Chị muốn em sống ở nơi nào em cảm thấy hạnh phúc nhất. Được rồi, chúng ta hãy thực tế hơn và gạt tâm trạng của chị sang một bên. Em cần gì để quay trở lại thung lũng Omo của em nào?

– Một ê kíp, đồ dùng dụng cụ, tiền để trả lương cho ê kíp làm việc và để mua sắm đồ dùng dụng cụ, toàn chuyện vụn vặt ấy mà!

– Bao nhiêu?

– Lớn hơn khoản tiết kiệm mua nhà của chị nhiều.

– Tại sao em không thử xin tài trợ từ lĩnh vực tư nhân?

– Bởi vì cánh khảo cổ học hiếm khi dạo quanh trước ống kính máy quay của đài truyền hình với những chiếc áo phông ca ngợi các nhãn hiệu bột giặt, những thứ đồ uống có ga hoặc là em cũng chẳng biết kiểu hàng hóa gì nữa. Chính vì thế mà hiếm có Mạnh Thường Quân nào lắm, nếu không muốn nói là họ hoàn toàn không tồn tại. Chị nên nhớ, đó là một ý tưởng, người ta có thể thử tổ chức một cuộc đua tập hợp. Một hình thức đua trong bao khoai tây, trong bàn tay cầm bay của thợ nề. Người đần tiên tìm được một khúc xương sẽ thắng giải một năm tạp chí chuyên về chó.

– Đừng có quay ra nhạo báng như thế, chuyện chị nói với em không hoàn toàn ngu ngốc. Thật chán, ngay khi ta đề xuất một ý tưởng, câu trả lời đầu tiên bao giờ cũng là: “Khong thể được”! Nếu em giới thiệu công việc của mình đến một vài quỹ, bd dâu em lại có được cơ hội thí ao? Em đã biết gì về việc ấy đâu?

– Tất cả mọi người đều chế nhạo những tìm kiếm của em, Jeanne ạ. Ai sẽ sẵn sàng đứng ra đặt cược cho em một đồng euro lẻ đây?

– Chị nghĩ là em chưa đủ tự tin vào bản thân. Em vừa trải qua ba năm trời trên thực địa, em đã viết những trang báo cáo dày đặc. Chị đã đọc luận án của em, và nếu có đủ khả năng tài chính, chị sẽ ngay lập tức tài trợ cho cuộc thám hiểm sắp tới của em.

– Nhưng chị là chị của em! Chị thật tử tế khi nói như vậy, Jeanne ạ, nhưng giả thiết của chị ít khả năng xảy ra lắm. Dù sao cũng cảm ơn chị, chị đã làm em mơ mộng trong vòng hơn ba mươi giây.

– Thay vì cả ngày lãng phí thời gian của mình, tốt hơn em nên truy cập Internet để thống kê những tổ chức, ở Pháp hay ở châu Âu, có thể quan tâm đến việc em đang làm.

– Em không hề lãng phí thời gian của mình!

– Vậy em âm mưu gì với Ivory tại bảo tàng suốt những ngày gần đây?

– Đó là một người khá kỳ cục đúng không? Ông ấy mê mẩn chiếc mặt dây chuyền của em và em phải thú nhận là ông ấy đã kích thích được trí tò mò trong em. Bọn em đã thử xác định niên đại của nó, nhưng không có kết quả. Tuy vậy ông ấy vẫn tin chắc rằng viên đá này rất cổ, và không có gì chứng minh được là ông ấy đúng hay sai.

– Bản năng của ông ấy chăng?

– Với toàn bộ sự tôn trọng em dành cho ông ấy, điều đó là chưa đủ.

– Đúng là vật này khá đặc biệt. Chị có một anh bạn là chuyên gia về đá, em có muốn chị nhờ anh ấy xem qua viên đá không?

– Đó không phải là một viên đá, cũng không phải là gỗ hóa thạch.

– Vậy thì nó là cái gì?

– Bọn em cũng chịu.

– Cho chị xem nào? Jeanne hỏi, đột nhiên trở nên háo hức.

Keira tháo dây đeo cổ ra rồi dưa cho chị gái

– Liệu đây có phải là một mảnh thiên thạch không?

– Chị từng nghe nói đến một mảnh thiên thạch cũng mềm mại như da em bé?

– Chị không thể nhận mình là chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng chị hình dung là chúng ta còn xa mới khám phá được toàn bộ những gì đến với chúng ta từ không gian.

– Đó là một giả thiết, Keira đáp khi tìm lại được những phản xạ của một nhà khảo cổ học. Em còn nhớ đã đọc được ở đâu đó rằng mỗi năm có đến gần năm mươi nghìn mảnh thiên thạch rơi xuống Trái đất.

– Hãy hỏi một chuyên gia!

– Chuyên gia lĩnh vực nào?

– Anh hàng thịt ở góc phố ấy, đồ ngốc, một người chú tâm đến việc này, một nhà thiên văn hay một nhà vật lý thiên văn, chị thì chị không biết.

– Dĩ nhiên, Jeanne của em, em sẽ đi tìm sổ lịch của mình rồi nhìn trang “bạn bè là nhà thiên văn”. Em băn khoăn không biết trong số bọn họ nên gọi ai đầu tiên đây!

Kiên quyết không tranh cãi, Jeanne kod dể ý đến sự hờn dỗi trong câu nói của em gái. Cô đi về phía bên chiếc bàn làm việc nhỏ trong phòng ngoài của căn hộ rồi ngồi xuống trước máy tính.

– Chịl àm gì thế? Keira nói.

– Chị làm việc vì em! Ngay từ nối nayc hị sẽ bắt đầu, còn em thì vào ngày mai, em sẽ không xê dịch khỏi đây. Em vẫn bị gắn chặt vào màn hình này, và khi chị về, chị muốn thấy một danh sách tất cả những tổ chức hỗ trợ các nghiên cứu về khảo cổ học, cổ sinh vật học, địa chất học, kể cả những tổ chức nghiên cứu về sự phát triển bền vững tại châu Phi, đây là mệnh lệnh!

Zurich

Tầng trên cùng của tòa nhà trụ sở Quỹ tín dụng Quốc gia Thụy Sĩ còn một văn phòng duy nhất có người làm việc. Một người đàn ông lịch thiệp đang đọc nốt các thư điện tử nhận được trong lúc mình vắng mặt. Sáng ngày hôm đó ông đến từ Milan, ngày làm việc hầu như không để ông ngơi ra lúc nào. Những buổi họp hành và nghiên cứu tài liệu nối tiếp nhau. Ông tra giờ trên đồng hồ đeo tay, nếu không lần lữa, ông có thể trở về nhà tận hưởng những giờ cuối cùng của buổi tối. Ông xoay chiếc ghế bành, nhấn một phím trên điện thoại rồi chờ cho tài xế riêng của mình nhận cuộc gọi.

– Chuẩn bị xe đi, năm phút nữa tôi sẽ có mặt dưới chân tòa nhà.

Ông thắt lại nút cà vạt, sắp xếp lại bàn làm việc cho ngăn nắp, rồi chợt nhận ra trên màn hình máy tính có một biểu tượng màu sắc chứng tỏ ông đã quên một dòng nhắc nhở. Ông đọc nó rồi xóa luôn. Ông lấy ra một cuốn sổ nhỏ màu đen trong túi áo vest, lật trang, chỉnh lại kính để đọc số điện thoại mà ông đang tìm rồi mở điện thoại di động ra.

– Tôi vừa đọc tin nhắn của ông rồi, ai khác biết chuyện thế?

– Paris, New York và ông đấy, thưa ông.

– Cuộc gặp gỡ này đã diễn ra khi nào vậy?

– Hôm kia.

– Nửa tiếng nữa hãy đến gặp tôi tại sân trước trường Bách khoa.

– Như thế khó cho tôi lắm, tôi đang vào Nhà hát.

– Tối nay ở đó có gì?

– Puccini, Madame Butterfly.

– Vậy thì bà ta sẽ đợi. Lát nữa gặp nhé.

Người đàn ông gọi lại cho tài xế riêng để hủy bỏ mệnh lệnh vừa ra và trả tự do cho anh ta trong thời gian còn lại của buối tối. Cuối cùng ông lại có nhiều việc hơn ông tưởng, ông sẽ ở lại văn phòng muộn. Ngày mai cũng đừng qua nhà đón ông vô ích, ông có thể sẽ ngủ lại trong thành phố. Kết thúc cuộc nói chuyện, ông tới ngay bên cửa sổ rồi gạt những lá mành sáo ra để quan sát đường phố bên dưới. Khi nhìn thấy chiếc xe riêng ra khỏi bãi đậu và xuyên qua Paradeplatz, ông liền rời khỏi vị trí quan sát, vớ lấy chiếc áo khoác trên giá treo rồi rời khỏi phòng và khóa cửa lại.

Vào giừo muộn này, chỉ một chiếc thang máy duy nhất cho phép rời khỏi tòa nhà. Trong đại sảnh, người gác cổng chào ông và điều khiển mở cánh cửa xoay chính.

Một khi đã ra đến bên ngoài, người đàn ông mở một lối đi giữa đám đông vẫn luôn dày đặc đang tràn ngập quảng trường trung tâm của Zurich. Ông đi về phía Bahnhofstrasse rồi leo lên chiếc xe điện đầu tiên đi ngang qua. Ngồi phía cuối xe, đến trạm tiếp theo, ông nhường ghế cho một cụ già không có chỗ ngồi.

Tiếng kèn kẹt của khung tiếp điện trượt dọc theo đường dây cáp phát ra khi xe điện rời con phố thương mái ầm uất và chuyển hướng để băng qua chiếc cầu bắc ngang sông. Một khi đã sang đến bờ đối diện, người đàn ông xuống xe và bắt đầu cuốc bộ thẳng hướng trạm đường sắt cáp kéo.

Polybahn, với màu đỏ rực rỡ của nó, là một cỗ máy kỳ lạ; mọc lên như nhờ có phép lạ giữa mặt tiền của một tòa nhà nhỏ, nó leo lên dọc theo một mặt dốc đứng, xuyên qua tầng tán của đám dẻ để lạ xuất hiện nơi đỉnh đồi. Người đàn ông không nấn ná lâu ở tầm nhìn toàn cảnh mà sân trước trường Bách khoa đem lại nhờ vị trí nhô cao trên thành phố. Ông băng qua khoảng sân lớn bằng những bước đều đặn, vòng tránh cái vòm bát úp của Viện Khoa học, men theo những bậc thang dẫn xuống mấy hàng cột. Người có hẹn với ông đã đứng đợi sẵn.

– Xin lỗi vì đã quấy rầy buổi tối của anh, nhưng chuyện này không thể chờ đến ngày mai.

– Tôi hiểu, thưa ông, người đối thoại với ông đáp.

– Chúng ta đi dạo đi, không khí rất có lợi cho tôi, tôi đã trải qua cả ngày trời bị nhốt trong phòng làm việc rồi. Tại sao Paris lại được báo cho biết trước chúng ta?

– Ivory đã liên lạc trực tiếp với hắn.

– Thực sự một cuộc gặp đã diễn ra à?

Người đàn ông gật đầu xác nhận và nói rõ rằng cuộc gặp đã diễn ra tại tầng hai của tháp Eiffel.

– Anh có một tấm ảnh à?

– Ảnh về bữa trưa đó ấy ạ? Người đàn ông kinh ngạc hỏi.

– Ôi không, coi nào, ảnh của món đồ ấy.

– Ivory chưa gửi bức nào cả và vật mà chúng ta quan tâm đã rời khỏi phòng thí nghiệm tại Los Angeles trước khi chúng ta kịp can thiệp.

– Ivory nghĩ là vật này cùng loại với vật chúng ta đang có sao?

– Lão ta vẫn tin chắc là còn có nhiều vật khác cùng loại, nhưng như ông biết đấy, thưa ông, chỉ có mình lão tin như thế.

– Hay chỉ mình lão cả gan lớn tiếng nói điều đó. Ivory là một lão già điên khùng, nhưng đặc biệt thông minh và tinh ranh. Lão ta có thể đeo đẳng một ý ngông hoặc chơi chúng ta một vố để giễu cợt chúng ta.

– Làm thế thì lão được lợi gì?

– Một sự trả thù mà lão đã rắp tâm bấy lâu nay… lão thù dai kinh khủng.

– Và trong giả thiết trái ngược?

– Trong trường hợp này, một vài biện pháp sẽ được áp dụng. Bằng mọi giá chúng ta phải đoạt lại vật này.

– Theo Paris thì Ivory đã hoàn trả vật này cho nữ chủ nhân rồi.

– Chúng ta có biết người phụ nữ này là ai không?

– Chưa, lão không muốn tiết lộ gì thêm.

– Lão còn ngu hơn tôi hình dung đấy, nhưng chuyện này càng thuyết phục tôi tin là lão đang nghiêm túc. Anh sẽ thấy là trong vài ngày nữa, lão đồng thời sẽ xoay xở sao cho chúng ta khám phá ra tung tích của cô ta.

– Tại sao ông lại nghĩ vậy?

– Bởi vì, khi hành động theo kiểu đó, lão buộc chúng ta phải động não, và tập hợp nhau lại. Như thế này tôi đã làm mất khá nhiều thời gian của anh, hãy quay trởl ại với nhà hát của anh đi, tôi sẽ lo phần còn lại của vụ việc rầy rà này.

– Hồi thứ hai nửa tiếng nữa mới bắt đầu, nói cho tôi biết ông định tiến hành thế nào đây?

– Tôi sẽ lên đường ngay tối nay và gặp lão vào sáng sớm để thuyết phục lão đưa ra một thời hạn cho thủ đoạn của lão.

– Ông sẽ vượt biên giới giữa đêm khuya ư? Việc ông di chuyển có nguy cơ lộ mất.

– Ivory đã đi trước chúng ta một bước. Tôi sẽ không để cho lão ta đầu têu từ đầu chí cuối cuộc chơi đâu. Tôi phải thuyết phục lão làm theo lẽ phải.

– Tình trạng sức khỏe của ông có cho phép lái xe liên tục bảy tiếng đồng hồ không?

– Không, hẳn là không, người đàn ông trả lời và đưa tay vuốt khuôn mặt mệt mỏi.

– Xe của tôi đang đỗ cách đây hai con phố, để tôi đi cùng ông, chúng ta sẽ thay nhau lái.

– Cảm ơn anh, làm thế quả là hào hiệp, nhưng một tấm hộ chiếu ngoại giao đã đủ gây chú ý tại biên giới rồi, đến hai tấm thì sẽ là chơi với lửa một cách vô ích. Trái lại, nếu anh chấp nhận giao lại chìa khóa xe anh cho tôi, anh sẽ giúp tôi tiết kiệm được một quãng thời gian quý báu. Tôi đã cho tài xế riêng nghỉ buổi tối nay rồi.

Chiếc xe hai chỗ thể thao của người đồng nghiệp thực ra ở không xa lắm. Jorg Gerlstein ngồi sau vô lăng, đẩy lùi ghế lại để thuận với tư thế ngồi duỗi chân rồi vặn chìa khóa khởi động.

Nghiêng người xuống cửa xe, người nói chuyện với ông mời ông mở hộp đựng đồ vặt trên xe.

– Nếu cơn mệt mỏi trở nên quá nặng nề, ông sẽ thấy vài chiếc đĩa CD. Chúng là của con gái tôi, con bé mới mười sáu tuổi và tôi đảm bảo với ông là thứ nhạc mà con bé thường nghe sẽ đánh thức được cả một xác chết.

Vào lúc 21h10, chiếc xe tiến vào Universsitat-Strasse, ngược về phía Bắc.

Xa lộ thông thoáng. Jörg Gerlstein lẽ ra phải rẽ sang làn đường bên trái để sang tuyến đường nối thẳng hướng Mulhouse, nhưng ông thích chạy xe theo hướng Bắc hơn. Đi qua nước Đức, chuyến hành trình sẽ dài hơn, nhưng Gerlstein lại có thể vào Pháp mà không phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Paris sẽ không biết gì về chuyến viếng thăm của ông.

Đến nửa đêm, ông đến vùng ngoại ô Karlsruhe, nửa tiếng sau, ông rời khỏi Baden-Baden. Nếu những tính toán của ông là chính xác, ông sẽ đến Thionville vào lúc 2h30 và đến trung tâm Paris vào lúc 6h.

Những ánh đèn pha rọi sáng con đường ngoằn ngoèo, động cơ kêu ro ro vui tai, đáp ứng đòi hỏi nhỏ nhất của bộ tăng tốc. Lúc 1h40, chiếc xe hơi lạng về phía bên phải. Gelstein nhanh chóng kiểm soát được chiếc xe và hạ cửa kính xuống hết cỡ. Không khí mát lạnh quất vào mặt ông xóa tan nỗi mệt nhọc đang đè nặng đến tận gáy ông. Ông nghiêng người để mở hộp đựng đồ vặt và mò mẫm tìm những đĩa nhạc của cô con gái người đồng nghiệp, thứ hẳn sẽ giúp ông tỉnh táo cho đến khi tới đích. Ông không bao giờ có đủ thời gian để nghe bản nhạc đầu tiên. Bánh xe bên phải phía trước đã ăn vào vệ đường trước khi lao xuống một cái hố, chiếc xe lật úp và xoay nhiều vòng. Lát sau, nó nảy lên một tảng đá và kết thúc hành trình của mình khi nằm bẹp gí cạnh một gốc thông cổ thụ. Sự giảm tốc đột ngột từ 75 xuống 0 kilômét trên giờ trong vòng chưa đầy một giây đã đẩy bộ não của Gerlstein đụng mạnh vào hộp sọ dưới tác dụng của một lực đẩy ba tấn. Bên trong lồng ngực ông, trái tim chịu chung số phận, các tĩnh mạch và động mạch bục vỡ ngay lập tức.

Một tài xế xe tải đường trường nhận ra bộ khung xe dưới ánh đèn pha xe mình đã gọi cứu hộ, lúc đó là năm giờ sáng. Đội hiến binh quốc gia tìm thấy xác của Gerlstein tắm trong một vũng máu. Viên đại úy làm nhiệm vụ không cần đợi ý kiến của bác sỹ pháp y đã tuyên bố người điều khiển xe đã chết mà vẻ nhợt nhạt và độ lạnh của thân thể không cho phép nghi ngờ gì thêm.

Lúc mười giờ sáng, một thông cáo của AFP báo tin về cái chết của một nhân viên ngoại giao Thụy Sĩ, quan chức hành chính của Quỹ tín dụng Quốc gia Thụy Sĩ, nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông vào giữa đêm trên hệ thống xa lộ thuộc miền Đông nước Pháp. Hàng loạt phân tích không cho thấy dấu hiệu nào của cồn trong máu và những nguyên do của thảm kịch hẳn có thể quy cho trạng thái ngủ lơ mơ khi điều khiển xe. Thông tin không ngừng được trích đăng ngắn gọn trên các trang web tin tức. Ivory biết tin này vào buổi trưa qua màn hình máy tính cá nhân, đúng lúc ông chuẩn bị ra ngoài dùng bữa. Giận điên người, ông không thiết ăn uống nữa, trút những thứ có trong ngăn kéo vào túi đeo vai rồi rời khỏi văn phòng, đồng thời trông chừng để cửa ra vào vẫn mở. Ông rời khỏi viện bảo tàng rồi đi thẳng tới một trong các buồng điện thoại công cộng hiếm hoi mà người ta vẫn còn tìm được trên bờ phải của sông Seine.

Tại đó, ông lập tức gọi điện cho Keira và hỏi cô liệu họ có thể gặp nhau trong vòng một tiếng đồng hồ nữa được không.

– Nghe giọng ông lạ lắm, Ivory.

– Tôi vừa mất đi một người bạn hết sức thân thiết.

– Tôi thành thật lấy làm tiếc, nhưng chuyện đó thì có liên quan gì đến tôi?

– Không hề liên quan, tôi xin đảm bảo với cô. Tôi sắp đi nghỉ phép, cái chết của ông bạn thân nhắc cho tôi nhớ cuộc sống mong manh biết chừng nào, thời gian gần đây, tôi đã chết gí tại bảo tàng này đủ rồi, rốt cuộc tôi sẽ nằm trong số những bộ sưu tập này mất. Giờ là lúc tôi thực hiện chuyến đi ngắn ngày theo mơ ước bấy lâu nay.

– Ông định đi đâu?

– Hay là chúng ta bàn luận về toàn bộ chuyện này bên một cốc sô cô la nóng sốt? Quán Angelina, phố Rivoli, bao giờ cô có thể gặp tôi?

Bấy giờ Keira đang trên đường tới khách sạn Meurice, nơi cô đã hẹn với Max để ăn trưa vào giờ muộn. Cô nhìn đồng hồ đeo tay và cam đoan với giáo sư rằng cô sẽ gặp ông trong khoảng mười lăm phút nữa.

Jeanne tranh thủ lúc giải lao để thực hiện ý tưởng khiến cô bận tâm từ hôm qua, khi cô dùng một tách cà phê cùng Ivory. Ngày còn bé, Keira đã nói với cô: “Sau này em sẽ là chuyên gia tìm kiếm kho báu”. Trái ngược với cô, em gái cô luôn biết rõ cái nghề con bé muốn theo đuổi sau này. Ngay cả khi Jeanne căm ghét cái khoảng cách vốn trở thành quy định bắt buộc trong nghề của Keira, cô sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp con bé quay trở lại Êtiôpia.

Ivory đã ngồi đợi ở chiếc bàn phía cuối quán. Ông vẫy tay chào Keira đang đi tới chỗ ông ngồi.

– Tôi đã tự tiện gọi hai chiếc bánh ngọt nhân hạt dẻ. Món này ở đây rất ngon, tôi hy vọng cô thích hạt dẻ chứ?

– Vâng, Keira đáp, nhưng tôi còn chưa ăn trưa và có người đang đợi tôi.

Ivory bĩu môi hệt như một đứa trẻ đang thất vọng.

– Ông không bảo tôi đến gặp chỉ để mời tôi một chiếc bánh ngọt đấy chứ?

– Qủa thực là không. Tôi muốn gặp cô trước khi lên đường.

– Tại sao ông lại vội vã như thế?

– Cái chết của người bạn thân, tôi đã kể với cô đấy, không phải thế sao?

– Ông ấy làm sao mà…?

– Một tai nạn xe hơi. Ông ấy ngủ thiếp đi sau vô lăng, và điều tệ nhật, đó là tôi có cảm giác ông ấy đã lên đường đến thăm tôi.

– Mà không báo trước cho ông?

– Đó là cách làm thông thường khi người ta muốn tạo bất ngờ mà.

– Các vị thân nhau đến mức đó ư?

– Tôi quý ông ấy, nhưng không yêu mến nhiều, một người hết sức tự phụ, thậm chí đôi khi còn khinh khỉnh.

– Tôi không hiểu, Ivory, ông đã nói đây là một người bạn.

– Tôi chưa bao giờ hoan hỉ vì cái chết của một ai đó, bạn bè, kẻ thù, ngày nay ai có thể đoan chắc về điều đó? Nhận biết bạn bè, đây là một trong những việc khó khăn nhất trong đời.

– Ivory, chính xác thì ông muốn gì ở tôi? Keira vừa hỏi vừa nhìn đồng hồ đeo tay.

– Hãy hủy bỏ hoặc ít ra là hoãn bữa trưa của cô lại, tôi thực sự cần nói chuyện với cô!

– Nhưng rốt cuộc là về chuyện gì?

– Tôi có đầy đủ lý do để nghĩ rằng người đàn ông chết vì tai nạn đêm qua đã lên đường vì chiếc mặt dây chuyền của cô. Keira, cô có thể chọn cách quên đi tất cả những gì tôi vừa nói. Cô sẽ tha hồ nghĩ rằng tôi là một lão già khùng điên đang buồn chán và thêm mắm thêm muối vào cuộc sống riêng bằng những ý nghĩ ngụ ngôn lố bịch, nhưng bây giờ tôi phải thú nhận với cô rằng tôi chưa nói hết với cô về món đồ trang sức cô đeo trên cổ.

– Ông còn chưa nói với tôi những gì?

Cô phục vụ bàn đặt xuống bàn hai chiếc bánh ngọt tuyệt đẹp được trang trí hào phóng bằng những sợi kem tươi. Ivory chờ cho cô ta đi xa trước khi nói tiếp.

– Vẫn đang tồn tại một mảnh khác.

– Một mảnh gì khác?

– Một mảnh khác, cũng được đẽo gọt và trơn nhẵn hoàn toàn như mảnh cô đang đeo. Và ngay cả khi hình dạng của nó hơi khác đi một chút thì vẫn không một xét nghiệm nào, không một nghiên cứu nào cho phép xác định niên đại của nó, cả nó cũng vậy.

– Ông đã nhìn thấy nó rồi sao?

– Tôi thậm chí đã cầm nó trong tay, từ rất lâu rồi. Đúng ra là hồi tôi bằng tuổi cô bây giờ.

– Và cái vật sinh đôi ấy hiện ở đâu?

Ivory không đáp mà dùng thìa xắn một miếng bánh.

– Tại sao ông lại cho viên đá này quan trọng đến thế? Keira gặng hỏi.

– Tôi đã nói với cô rồi, đó không phải là một viên đá, nhưng hẳn là một hợp kim. Chẳng hề gì, vấn đề không nằm ở chỗ đó. Cô có biết truyền thuyết về Tikkun Olamu không?

– Không, tôi chưa nghe nói đến truyền thuyết này bao giờ.

– Nói đúng ra đó không phải là một truyền thuyết, mà là một câu chuyện trích từ Kinh Cựu ước. Điều thú vị nhất trong những bản Kinh thánh không phải lúc nào cũng là điều chúng nói với chúng ta, những cách giải thúch thường mang tính chủ quan và thường bị con người xuyên tạc qua các thời đại; không, điều lý thú nhất là hiểu được tại sao chúng được viết ra, và sự biến nào thôi thúc.

– Và trong trường hợp của Tikkun Olamu?

– Bản văn này cho chúng ta biết cách đây lâu lắm rồi trái đất đã tách ra làm nhiều mảnh và nhiệm vụ dành cho mỗi người là tìm đủ các mảnh để ghép chúng lại vói nhau. Chỉ đến khi con người hoàn thành được nhiệm vụ này thì trái đất, nơi con người sinh sống mới trở nên hoàn thiện.

– Truyền thuyết này và chiếc vòng cổ của tôi có liên quan gì với nhau?

– Tất cả phụ thuộc vào cái ý nghĩa mà người ta gán cho từ “trái đất”. Nhưng hãy bỏ một giây để hình dung rằng chiếc mặt nạ dây chuyền cô đang đeo là một trong những mảnh của trái đất này mà xem?

Keira nhìn vị giáo sư hết sức chăm chú.

– Ông bạn này, các người vừa chết đêm qua ấy, vừa ra lệnh cho tôi là không được tiết lộ gì với cô, và hẳn là ông ta cũng đang tìm cách để đoạt chiếc mặt dây chuyền này từ tay cô.

– Ông cho rằng ông ta đã bị mưu sát?

– Keira, dù cô có quyết định coi vật này quan trọng hay không, tôi xin cô hãy hết sức cẩn trọng giữ gìn nó. Không phải là không có khả năng người ta đang cố đoạt lấy nó từ cô đâu.

– “Người ta” là ai vậy?

– Chuyện đó không hề quan trọng. Cô hãy tập trung vào điều tôi đang nói với cô.

– Nhưng tôi chẳng hiểu gì về điều ông đang nói, Ivory. Viên đá này, rốt cuộc là chiếc mặt dây chuyền này, tôi đã đeo nó từ hai năm nay và không ai thèm mảy may quan tâm đến nó. Vậy thì tại sao bây giờ lại có người quan tâm?

– Bởi vì tôi đã phạm phải lỗi bất cẩn, tội kiêu ngạo… để chứng minh cho họ thấy là tôi có lý.

– Có lý về chuyện gì?

– Tôi đã kể với cô là có tồn tại một vật gần giống với vật cô đang đeo, tôi tin chắc đó không phải là vật duy nhất. Không ai muốn tin lời tôi và sự xuất hiện của chiếc mặt nạ dây chuyền của cô là một cơ hội quá đẹp để chứng minh rằng tôi có lý, trong khi tôi đã già cả thế này.

– Được, cứ cho là tồn tại nhiều vật giống như vật tôi đang đeo và chúng có mối liên hệ nào đó với cái truyền thuyết khó tin của ông đi, vậy thì có thể làm gì với những thứ đó?

– Chính cô là người quyết định chuyện đó, chính cô là người tìm kiếm. Cô còn trẻ, cô sẽ có đủ thời gian để tìm ra.

– Tìm ra cái gì hả Ivory?

– Theo cô, một thế giới hoàn thiện sẽ như thế nào?

– Tôi không biết, một thế giới tự do chăng?

– Đó là một câu trả lời xuất sắc, Keira thân mến ạ. Hãy tìm ra cái điều ngăn không cho con người đạt tới tự do, hãy tìm kiếm nguyên do của tất cả các cuộc chiến tranh, vậy thì có lẽ cuối cùng cô sẽ hiểu được.

Vị giáo sư già đứng dậy và để lại vài tờ bạc trên bàn.

– Ông đi ư? Keira kinh ngạc hỏi.

– Một bữa trưa đang đợi cô, tôi đã nói với cô tất cả những gì tôi biết. Tôi phải xếp đồ vào va li, tối nay tôi bay rồi. Thành thực hân hạnh được làm quen với cô. Cô có nhiều tài năng hơn cô tưởng đấy. Tôi chúc cô một chuyến đi dài và bình an; thêm nữa, tôi chúc cô hạnh phúc. Hạnh phúc, đó rốt cuộc không phải là thứ tất cả chúng ta vẫn luôn chạy theo mà không bao giờ thực sự biết đến hay sao?

Vị giáo sư già rời khỏi quán và vẫy tay chào Keira lần cuối.

Cô phục vụ bàn thu số tiền Ivory để lại thanh toán.

– Tôi nghĩ thứ này là dành cho cô, người phụ nữ trẻ vừa nói vừa đưa cho Keira một mẩu giấy nhỏ đặt dưới chiếc cốc.

Keira giật mình mở mẩu giấy ra.

Tôi biết cô sẽ không từ bỏ đâu, tôi sẽ đồng hành cùng cô trong chuyến phiêu lưu này, theo thời gian tôi sẽ chứng minh cho cô thấy tôi là một người bạn. Tôi sẽ luôn ở bên cô. Người bạn tận tâm của cô. Ivory.

Khi rời khỏi phố Rivoli, Keira không hề để ý đến chiếc xe trọng tải lớn đang đỗ trước cổng công viên Tuileries, ngay đối diện với quán trà, cũng không chú ý đến người đàn ông ngồi trên mô tô đang ngắm cô trong ống kính, càn gko thể nghe thấy tiếng động cơ máy ảnh đang chụp mình lia lịa. Cách đó năm mươi mét, Ivory đang ngồi ở ghế sau một chiếc taxi, mỉm cười và nói với tài xế là giờ thì anh ta có thể cho xe chạy được rồi.

Bình luận