1948-1953
Người đàn ông trên ghế đá công viên vừa mới chào Mr. Karlsson bằng tiếng Anh, từ đó Allan đã rút ra hai kết luận. Thứ nhất, ông ta không phải người Thụy Điển, nếu không thì ông ta có thể sẽ cố gắng nói tiếng Thụy Điển. Thứ hai, ông ta biết Allan là ai, bởi vì đã gọi được tên.
Người đàn ông ăn mặc lịch sự, đội chiếc mũ màu xám có vành đen, áo khoác màu xám, đi giày đen. Ông ta có lẽ là một doanh nhân. Trông ông ta thân thiện và chắc chắn có mục đích. Vì vậy, Allan đáp, bằng tiếng Anh.
Liệu có phải cuộc sống của tôi có tình cờ sắp rẽ sang hướng mới bây giờ chăng? Người đàn ông trả lời rằng cũng không loại trừ điều đó, nhưng nói thêm bằng một giọng thân thiện rằng nó phụ thuộc vào chính ông Karlsson. Có chuyện là, sếp của ông ta muốn gặp ông Karlsson để yêu cầu ông Karlsson làm việc cho họ.
Allan đáp rằng mấy hôm nay mình đang rất thảnh thơi sung sướng, nhưng tất nhiên ông không thể ngồi trên ghế đá công viên đến hết đời. Vì vậy, ông hỏi người đàn ông liệu mình có được phép biết tên sếp của ông ta không. Allan nghĩ nó sẽ dễ dàng hơn để nói có hay không khi biết mình đang nói về cái gì. Quý ông có đồng ý như vậy không?
Người đàn ông thân thiện hoàn toàn đồng ý, nhưng sếp của ông ta hơi đặc biệt và có lẽ sẽ thích gặp mặt để tự giới thiệu hơn.
Nhưng tôi thì sẵn sàng đi cùng với ông Karlsson đến gặp ông sếp ngay lập tức, nếu ông Karlsson đi được.
Tất nhiên là được, Allan nghĩ, ông hoàn toàn có thể đi luôn, người đàn ông cho biết quãng đường khá xa. Nếu ông Karlsson muốn lấy đồ đạc của mình từ khách sạn, người đàn ông hứa sẽ đợi ở tiền sảnh. Về việc này, người đàn ông có thể chở ông Karlsson về khách sạn, bởi vì xe và tài xế của ông ta ngay đây.
Chiếc xe cũng rất phong cách, Ford Coupé màu đỏ đời mới nhất. Và một tài xế riêng! Thuộc tuýp người kín đáo. Không có vẻ thân thiện như người đàn ông kia.
Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần về khách sạn, Allan cho biết. Tôi thường đi du lịch rất gọn nhẹ.
Được, thế thì đi thôi, người đàn ông thân thiện nói và vỗ lưng tài xế của mình ra hiệu ‘lái đi’.
Chuyến đi đưa họ tới Dalarö, cách thủ đô hơn một giờ xe về phía nam, theo những con đường quanh co. Allan và người đàn ông thân thiện trò chuyện này kia. Người đàn ông giảng giải về sự diệu kỳ vô tận của Opera, trong khi Allan kể với ông ta làm thế nào để băng qua dãy Hy Mã Lạp Sơn mà không chết cóng.
Mặt trời đã lặn khi chiếc Coupé đỏ lăn bánh vào một ngôi làng nhỏ trên bờ biển vốn rất đông khách du lịch đảo vào mùa hè, nhưng mùa đông thì tối và yên tĩnh.
À, thế ra đây là nơi sếp ông sống, Allan nói.
Không, không hẳn thế, người đàn ông thân thiện đáp.
Viên tài xế không được thân thiện như người đàn ông, chẳng nói chẳng rằng thả Allan và người đàn ông thân thiện ở cạnh bến cảng Dalarö rồi đi luôn. Trước đó, người đàn ông thân thiện đã lấy ra một chiếc áo khoác lông thú từ cốp chiếc Ford, và chu đáo choàng nó lên vai Allan, miệng xin lỗi rằng họ sẽ phải đi bộ một đoạn ngắn trong cái lạnh mùa đông.
Allan không phải là kiểu người hay hi vọng (hoặc ngược lại) về những gì có thể xảy ra trong cuộc sống của mình ở tương lai gần. Chuyện gì đến thì đến. Không việc gì phải lo lắng trước về nó cả.
Tuy thế, Allan rất ngạc nhiên khi người đàn ông thân thiện đưa mình đi khỏi trung tâm của Dalarö và đi trên băng giá vào màn đêm tối đen của đảo.
Người đàn ông thân thiện và Allan tiếp tục bước đi. Đôi khi ông ta bật đèn pin, rọi sáng một chút bóng tối mùa đông trước khi dùng nó để định hướng trên chiếc la bàn của mình. Suốt đoạn đường đi bộ, ông ta không nói chuyện với Allan mà chỉ đếm thành lời từng bước của mình – bằng một ngôn ngữ mà Allan chưa nghe bao giờ.
Sau 15 phút đi bộ khá nhanh giữa chỗ trống, người đàn ông thân thiện nói rằng họ đã đến nơi. Xung quanh họ tối om, ngoại trừ một ánh sáng nhấp nháy trên hòn đảo xa xa. Người đàn ông thân thiện nhân dịp đó cho Allan biết rằng ánh sáng ấy đến từ phía đông nam Kymmendö, nơi mà như ông ta được biết, có liên quan với August Strindberg và lịch sử văn học Thụy Điển. Allan hoàn toàn mù tịt, và cũng không có thời gian để thảo luận về vấn đề này xa hơn bởi vì nền đất (hay đúng hơn, băng) dưới chân Allan và người đàn ông thân thiện bất ngờ toác ra.
Có thể người đàn ông thân thiện đã tính lầm một chút. Hoặc thuyền trưởng của chiếc tàu ngầm đã không đến được chính xác nơi ông ta cần phải đến. Dù vì lí do gì thì con tàu dài 97 mét đã trồi lên qua băng vỡ quá gần Allan và người đàn ông thân thiện. Cả hai ngã ngửa, suýt rơi xuống chỗ nước băng giá. Nhưng mọi việc đã sớm được giải quyết, và Allan được giúp đỡ để trèo xuống chỗ ấm áp.
Chà, mở mắt ra mà ngồi đoán những gì sẽ xảy ra trong ngày thì chỉ phí công, Allan nói. Rốt cuộc, thì phải đoán đến bao giờ mới đoán ra chuyện này?
Bây giờ người đàn ông thân thiện nghĩ rằng ông ta không phải bí mật nữa. Ông nói với Allan rằng tên mình là Yury Borisovich Popov và rằng ông làm việc cho Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, ông là một nhà vật lý, không phải chính trị gia hay quân nhân, và ông được cử đến Stockholm để thuyết phục ông Karlsson đi theo đến Moskva.
Borisovich Yury được giao nhiệm vụ này vì có một điểm tương đồng khá miễn cưỡng giữa một giai đoạn đời ông Karlsson với xuất thân của Yury Borisovitch như một nhà vật lý, có lẽ nó sẽ thuận lợi khi cả hai nói cùng một thứ ngôn ngữ, đại loại thế.
Nhưng tôi không phải là một nhà vật lý, Allan nói.
Có thể thế, nhưng nguồn tin của tôi báo rằng ông biết cái mà tôi muốn biết.
Thực vậy ư? Chà, thế bây giờ thì là điều gì?
Bom, ông Karlsson ạ. Quả bom.
**
Yury Borisovich và Allan Emmanuel ngay lập tức khoái nhau. Đồng ý đi theo mà chẳng biết đi đâu, gặp ai và tại sao – điều đó gây ấn tượng với Yury Borisovich và nó cho thấy Allan có cái tính tùy hứng mà Yury thiếu. Còn với Allan, ông đánh giá cao việc mình có thể trò chuyện với một người mà không cố gắng nhồi nhét chính trị hay tôn giáo vào ông.
Thêm nữa, hóa ra cả Yury Borisovich và Allan Emmanuel đều là fan cuồng của vodka. Tối hôm trước, Yury Borisovich đã có dịp thưởng thức đủ loại của Thụy Điển trong khi ông – nói thật là – phải theo dõi Allan Emmanuel trong phòng ăn tại khách sạn Grand. Đầu tiên, Yury Borisovich nghĩ rằng nó quá mạnh, mà không có vị ngọt Nga, nhưng sau một vài ly, ông đã quen với nó. Và thêm hai ly nữa, ông thấy nó “chẳng tệ chút nào”.
Nhưng cái này tất nhiên là ngon hơn, ông Yury Borisovich nói và giơ một chai Stolichnaya một lít trong căn phòng sĩ quan nơi ông và Allan Emmanuel đang ngồi. Và bây giờ mỗi người sẽ có một ly!
Ý hay đấy, Allan nói. Không khí biển đòi hỏi điều đó.
Ngay sau khi ly đầu tiên, Allan đã đổi cách xưng hô giữa hai người đàn ông. Về lâu dài, mỗi khi cần thu hút sự chú ý của Yury Borisovich mà phải gọi Yury Borisovich là Yury Borisovich thì mệt quá.
Còn ông không muốn bị gọi là Emmanuel Allan, vì chẳng ai gọi thế từ khi ông được giáo sĩ ở Yxhult rửa tội.
Vì thế, từ bây giờ, ông là Yury còn tôi là Allan, Allan tuyên bố. Nếu không, tôi sẽ nhảy khỏi cái tàu này ngay ở đây.
Đừng làm thế, Allan yêu quý, chúng ta đang ở độ sâu 200 mét, Yury nói. Rót đi. Yury Borisovich Popov là một nhà xã hội chủ nghĩa đầy hoài bão và không mong gì hơn là tiếp tục làm việc cho chủ nghĩa xã hội Xô Viết. Đồng chí Stalin là một người đàn ông nghiêm khắc nhưng Yury biết rằng nếu cứ phục vụ chế độ trung thành và hiệu quả thì chẳng việc phải sợ hãi. Allan trả lời rằng ông không định phục vụ bất kỳ chế độ nào, nhưng tất nhiên ông có thể cho Yury một hoặc hai lời khuyên nếu họ đang gặp khó khăn về vấn đề bom nguyên tử. Nhưng trước hết, Allan muốn nếm thử một ly vodka mà ngay cả khi tỉnh táo ta cũng không thể phát âm tên của nó. Và một điều nữa: Yury phải hứa là ông sẽ tiếp tục như đã bắt đầu và không nói chuyện chính trị.
Yury chân thành cám ơn Allan về lời hứa giúp đỡ, và nói thẳng ra rằng Nguyên soái Beria, sếp của Yury, định trả cho chuyên gia Thụy Điển trọn gói một lần 100.000 đôla Mỹ, với điều kiện rằng Allan giúp hướng dẫn chế tạo một quả bom.
– Có vẻ là một thỏa thuận tốt đẹp đấy, Allan nói.
Cái chai vơi đều đặn trong lúc Allan và Yury tán đủ thứ chuyện trên trời dưới biển (trừ chính trị và tôn giáo). Họ cũng đề cập đến vấn đề bom nguyên tử, mặc dù nó thực sự dành cho những ngày tới, Allan có thời gian cho ông ta vài lời khuyên đơn giản. Và thêm nữa.
Hmmm, nhà vật lý cao cấp Yury Borisovich Popov nói. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu…
Chà, tôi thì không, Allan nói. Ông giải thích lại về opera đi. Thế nó không phải chỉ rặt la hét ư?
Yury mỉm cười, nhấp một ngụm lớn vodka, đứng lên – và bắt đầu hát. Trong cơn say, ông ta không hát dân ca cổ mà chọn aria “Nessun Dorma” trong vở Turandot của Puccini.
Chà, đáng kể đấy, Allan nói khi Yury hát xong.
Nessun Dorma! Yury long trọng. Không ai được phép ngủ!
Bất kể liệu có ai được phép ngủ hay không, cả hai đã nhanh chóng rơi vào giấc ngủ trong giường của mình bên cạnh phòng sĩ quan. Khi họ tỉnh dậy, tàu ngầm đã bỏ neo ở cảng Leningrad. Ở đó, một chiếc limousine đang chờ để đưa họ vào điện Kremlin gặp gỡ Nguyên soái Beria.
Saint Petersburg, Petrograd, Leningrad… có thể tưởng tượng nổi không? Allan nói.
Chúc ông buổi sáng tốt lành, Yury đáp.
Yury và Allan vào ghế sau của chiếc limousine Humber Pullman, đi suốt ngày đường từ Leningrad tới Moskva. Một vách trượt ngăn cách chỗ ngồi của lái xe với… salon… nơi Allan và người bạn mới của mình đang ngồi. Salon còn có một cái tủ lạnh với nước, thức uống có ga và tất cả chỗ rượu mà hai vị khách hiện tại không thể thiếu được. Bên cạnh đó là một bát kẹo dẻo mâm xôi và một khay sôcôla tuyệt ngon. Chiếc xe hơi và nội thất của nó đáng lẽ là một ví dụ tuyệt vời cho kỹ nghệ xã hội chủ nghĩa Xô Viết nếu như nó không phải được nhập khẩu hết từ Anh.
Yury kể với Allan về xuất thân của mình, kể cả việc theo học Ernest Rutherford, nhà vật lý hạt nhân huyền thoại người New Zealand đã đoạt giải Nobel. Đó là lý do vì sao Yury Borisovich nói tiếng Anh tốt. Allan, đến lượt mình, mô tả (Yury Borisovitch ngày càng kinh ngạc) cuộc phiêu lưu của mình ở Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc, Hy Mã Lạp Sơn và Iran.
Và chuyện gì đã xảy ra với ông mục sư Anh giáo sau đó? Yury thắc mắc.
Tôi không biết, Allan đáp. Hoặc là ông ta sẽ Anh giáo hóa cả Ba Tư, hoặc sẽ chết thôi. Ít có khả năng nào khác giữa cái đó.
Nghe hơi giống như thách thức Stalin ở Liên Xô, Yury thẳng thắn nói. Ngoại trừ thực tế rằng đó là tội ác chống phá cách mạng, khả năng sống sót là rất ít.
Vào ngày đặc biệt và với người bạn đặc biệt này, sự chân thật của Yury dường như không có giới hạn. Ông dốc bầu tâm sự về Nguyên soái Beria, sếp tình báo, người rất bất ngờ và miễn cưỡng trở thành lãnh đạo của dự án chế tạo bom nguyên tử. Beria là người không biết xấu hổ là gì. Ông ta đã lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em, còn những kẻ chống đối sẽ bị ông tống vào tù – nếu không giết quách đi.
Ông phải hiểu cho tôi, – Yury giải thích. Các thành phần chống đối tất nhiên phải được đào thải càng sớm càng tốt, nhưng chúng phải là chống lại nền tảng cách mạng chân chính. Phải loại bỏ những kẻ không giúp ích cho mục tiêu của chủ nghĩa xã hội! Nhưng không phải là những người không tiếp tay cho các mục tiêu của Nguyên soái Beria. Không! Allan, điều đó thật khủng khiếp. Nguyên soái Beria là không phải là đại diện thực sự của cách mạng. Nhưng ông không thể đổ lỗi cho đồng chí Stalin về điều đó. Tôi chưa bao giờ được hân hạnh gặp ông ấy, nhưng ông ấy có trách nhiệm cho cả quốc gia, gần như toàn bộ một lục địa. Và nếu với tất cả các công việc đó, và trong khoảnh khắc vội vã, ông đã giao cho Nguyên soái Beria nhiều trách nhiệm hơn Nguyên soái Beria có khả năng gánh vác… chà, đồng chí Stalin có quyền làm thế! Và bây giờ, Allan thân yêu ạ, tôi sẽ cho ông biết một tin thực sự tuyệt vời. Ông và tôi, ngay chiều nay, sẽ được vinh dự thuyết trình không chỉ với Nguyên soái Beria mà cả đích thân đồng chí Stalin! Ông mời chúng ta ăn tối.
Chà. tôi thực sự mong đến lúc đó, Allan nói. Nhưng làm thế nào chúng ta cầm cự được đến tận lúc ấy? Liệu chúng ta có phải cầm hơi bằng kẹo dẻo quả mâm xôi không?
Yury lo liệu để chiếc limousine dừng lại ở một thị trấn nhỏ trên đường, mua ít bánh mì kẹp cho Allan. Rồi hành trình tiếp tục với cuộc trò chuyện thú vị.
Vừa nhai bánh mì kẹp, Allan vừa nghĩ rằng Nguyên soái Beria, theo như mô tả của Yury, có vẻ giống với ông sếp mật vụ mới qua đời ở Teheran.
Về phần mình, Yury ngồi đó cố gắng hiểu anh bạn đồng nghiệp Thụy Điển của mình. Anh bạn Thụy Điển sắp được ăn tối với Stalin, và đã nói rằng rất mong được như thế. Tuy nhiên, Yury phải hỏi rõ ý ông là nói đến bữa ăn tối hay nhà lãnh đạo.
Phải ăn để sống chứ, Allan lịch sự đáp và đánh giá cao chất lượng của bánh mì Nga. Tuy nhiên, Yury thân mến, tha lỗi cho tôi nếu tôi mạn phép đặt một hai câu hỏi chứ?
Tất nhiên, Allan thân mến. Cứ hỏi đi, tôi sẽ sức trả lời.
Allan nói rằng thực tình ông không lắng nghe khi Yury vừa ba hoa về chính trị, bởi vì chính trị không phải là thứ Allan quan tâm lắm trong thế giới này. Thêm nữa, ông nhớ rõ ràng đêm hôm trước Yury đã hứa không nói chuyện theo hướng này.
Tuy thế, Allan đã để ý đến mô tả của Yury về nhược điểm trong nhân cách của Nguyên soái Beria. Allan tin rằng mình đã từng gặp những người loại đó. Một mặt, nếu Allan hiểu chính xác, thì Nguyên soái Beria rất tàn nhẫn. Mặt khác, ông ta lại vô cùng chăm sóc Allan, với chiếc xe limousine và tất cả mọi thứ.
Đâm ra tôi thắc mắc tại sao ông ta không đơn giản là bắt cóc tôi và sau đó dùng bạo lực vắt của tôi ra những gì ông ta muốn biết, Allan hỏi. Thế thì ông ta sẽ không bị lãng phí kẹo dẻo mâm xôi, sôcôla ngon, hàng trăm ngàn đôla và rất nhiều thứ khác.
Yury cho biết bi kịch mà Allan vừa nêu cũng đã từng xảy ra. Nguyên soái Beria đã hơn một lần – dưới danh nghĩa cách mạng, tra tấn những người vô tội. Yury biết trường hợp đó. Nhưng tình hình bây giờ, Yury cảm thấy rất khó để diễn đạt chính xác mình, nó là như thế, Yury rồi mở tủ lạnh lấy một lon bia mặc dù vẫn chưa đến 12 giờ trưa, tình hình là… Yury thừa nhận, Nguyên soái Beria mới đây đã thất bại trong chiến lược mà Allan vừa vẽ ra. Một chuyên gia phương Tây đã bị bắt cóc ở Thụy Sĩ và được đưa đến chỗ Nguyên soái Beria, nhưng tất cả đã kết thúc trong một mớ hỗn độn khủng khiếp.
Yury xin lỗi rằng mình không muốn nói nữa, nhưng Allan phải tin những gì Yury đã nói: bài học từ sự thất bại mới đây là các dịch vụ hạt nhân cần thiết, theo quyết định từ trên, sẽ được mua trên thị trường phương Tây dựa trên cung và cầu, dù là trắng trợn đến đâu.
**
Chương trình vũ khí nguyên tử của Liên Xô bắt đầu với một lá thư của nhà vật lý hạt nhân Georgij Nikolajevitch Flyorov gửi đồng chí Stalin, trong đó ông ta đã chỉ ra vào tháng 4 năm 1942 rằng trong các phương tiện truyền thông của liên minh phương Tây chưa từng nghe nhắc đến một tiếng hay có văn bản nào liên quan đến sự phân hạch hạt nhân kể từ khi nó được phát hiện vào năm 1939.
Đồng chí Stalin không phải là trẻ con. Và cũng giống như nhà vật lý hạt nhân Flyorov, Stalin nghĩ rằng sự im lặng chung trong ba năm quanh phát hiện về phân hạch chỉ có thể hiểu là có nhiều điều để nói, chẳng hạn như ai đó trong quá trình chế tạo quả bom sẽ ngay lập tức đặt Liên bang Xô Viết – nói theo kiểu Nga là – vào thế chiếu tướng.
Như vậy là không thể chần chừ, nếu không phải vì tình tiết nhỏ là Hitler và Đức Quốc xã đã hầu như chiếm hết các phần mà Liên Xô thâu tóm – có nghĩa là toàn bộ phía tây sông Volga, gồm cả Moskva, và tệ hơn là ngay cả Stalingrad!
Trận Stalingrad, nhìn một cách nhẹ nhàng, là một vấn đề cá nhân với Stalin. Tất nhiên, khoảng một triệu rưởi người đã chết, nhưng Hồng quân chiến thắng và bắt đầu đẩy Hitler lùi lại, cuối cùng là đến tận đường hầm ở Berlin.
Tận đến khi người Đức phải rút lui thì Stalin mới cảm thấy an toàn về bản thân và đất nước mình có tương lai, nhưng rồi sau đó mọi thứ lại thay đổi khi động đến nghiên cứu phân hạch, như một biến thể hiện đại hơn của bảo hiểm nhân thọ đã hết hạn từ lâu dưới cái tên Hiệp ước Ribbentrop-Molotov.
Nhưng tất nhiên, bom nguyên tử không phải là thứ có thể làm xong trong một buổi sáng, đặc biệt là khi thậm chí nó còn chưa được phát minh ra. Công việc nghiên cứu bom nguyên tử của Liên Xô đã được tiến hành một vài năm mà không có tiến triển nào cho đến ngày có một vụ nổ ở New Mexico.
Người Mỹ đã thắng cuộc đua, nhưng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì họ đã bắt đầu chạy đua từ sớm hơn nhiều. Và sau thử nghiệm ở sa mạc New Mexico, đã có hai vụ nổ thật: một ở Hiroshima, cái kia ở Nagasaki. Bằng vào đó, Truman đã véo mũi Stalin, cho thế giới thấy ai nắm quyền quyết định, và kể cả những người không biết Stalin cũng có thể hiểu rằng ông sẽ không chịu bó tay trước tình hình như vậy.
Giải quyết vấn đề đi, đồng chí Stalin nói với Nguyên soái Beria. Tôi nói rõ là:
Giải quyết vấn đề!
Nguyên soái Beria nhận ra rằng các nhà vật lý, nhà hóa học và toán học của mình đã sa lầy, và tống một nửa số họ đến trại tù Gulag cũng chẳng giúp được gì. Bên cạnh đó, nguyên soái không nhận được dấu hiệu nào cho thấy các nhân viên trong lĩnh vực này phá khóa tại cơ sở Los Alamos và đoạt lấy báu vật. Vào thời điểm này thì không thể ăn cắp bản thiết kế của người Mỹ.
Giải pháp là họ sẽ phải nhập khẩu tri thức, điều quyết định trong việc bổ sung vào những gì họ đã biết ở trung tâm nghiên cứu tại thành phố bí mật Sarov cách Moskva vài giờ xe chạy về phía đông nam. Vì Nguyên soái Beria chỉ chấp nhận cái gì tốt nhất, ông đã nói với người lãnh đạo bộ tình báo quốc tế:
Lấy Albert Einstein về xem sao.
Nhưng… Albert Einstein… Vị sếp tình báo quốc tế lắp bắp.
Albert Einstein là bộ não sắc bén nhất trên thế giới. Ông định làm như tôi nói, hay đang muốn chết? Nguyên soái Beria nói.
Viên sếp tình báo quốc tế vừa quen một phụ nữ mới trong đời và không có gì trên trái đất này thơm như cô ấy, vì vậy ông không muốn chết tí nào. Nhưng trước khi viên sếp tình báo quốc tế kịp nói ra điều này với Nguyên soái Beria, thống chế đã ra lệnh:
Giải quyết vấn đề. Tôi nói rõ ràng hơn: Giải quyết vấn đề!
Tất nhiên, nó chẳng dễ dàng gì để bắt Albert Einstein rồi đóng gói gửi đi Moskva. Trước hết, họ phải tìm ra ông ta. Ông sinh ở Đức, nhưng đã chuyển tới Ý, sau đó đến Thụy Sĩ và Mỹ, và từ đó, ông đi qua lại giữa tất cả các nơi này vì đủ thứ lý do. Hiện thời ông có nhà riêng ở New Jersey, nhưng theo các điệp viên tại chỗ, ngôi nhà dường như bỏ không. Thêm nữa, nếu có thể, Nguyên soái Beria muốn vụ bắt cóc xảy ra ở châu Âu. Đưa lậu người nổi tiếng ra khỏi Hoa Kỳ và xuyên qua Đại Tây Dương không phải dễ.
Nhưng ông ta ở đâu? Ông hiếm khi hoặc không bao giờ nói với mọi người mình đi đâu trước một chuyến đi, và khét tiếng là đã đến muộn vài ngày cho những cuộc họp quan trọng đã định trước.
Viên sếp tình báo quốc tế đã viết một danh sách các địa điểm liên quan gần gũi với Einstein, rồi cử đến mỗi nơi một điệp viên để theo dõi. Tất nhiên, cả nhà của ông ta ở New Jersey, và nhà của bạn thân nhất của ông ở Genève. Ngoài ra là cả phát ngôn viên của Einstein ở Washington và hai người bạn khác, một ở Basel, một ở Cleveland, Ohio. Mất vài ngày kiên trì chờ đợi, nhưng rồi cũng có kết quả – dưới hình ảnh một người đàn ông mặc áo mưa màu xám, cổ dựng lên và đội mũ. Người đàn ông đi bộ đến nhà Michele Besso, bạn thân nhất còn sống của Albert Einstein. Ông ta bấm chuông cửa và được chính Besso chân thành và nhiệt tình chào đón, ngoài ra còn có một cặp vợ chồng già, họ cần được điều tra thêm. Điệp viên theo dõi đã triệu tập đồng nghiệp đang thi hành phận sự ở cách Basel 250km, và sau hàng tiếng đồng hồ nhòm qua cửa sổ, so sánh với những bộ ảnh mà họ mang theo, hai điệp viên đi đến kết luận rằng đây chính là Albert Einstein, đến thăm người bạn thân nhất của mình. Cặp vợ chồng già có lẽ là anh rể của Michele Besso và vợ ông ta, Maja, em gái của Albert Einstein. Một cuộc gặp mặt gia đình!
Albert ở đó với bạn mình và vợ chồng em gái suốt hai ngày theo dõi, trước khi lại mặc áo khoác, đi găng đội mũ và rời đi, cũng kín đáo như khi đến.
Nhưng ông không đi xa hơn được khúc quanh thì đã bị tóm lấy từ phía sau rồi nhanh như chớp bị đẩy vào ghế sau một chiếc xe hơi và gây mê bằng chất chloroform.
Sau đó ông được đưa qua Áo tới Hungary nơi có quan hệ hữu hảo với liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, vì thế không chất vấn lôi thôi khi phía Liên Xô tỏ muốn hạ cánh xuống sân bay quân sự ở Pécs lấy nhiên liệu cho máy bay, nhân tiện đón hai công dân Xô Viết và một người đàn ông rất buồn ngủ, rồi ngay lập tức cất cánh đi về đâu không rõ.
Ngày hôm sau, họ bắt đầu thẩm vấn Albert Einstein trong các cơ sở của công an mật ở Moskva, do Nguyên soái Beria phụ trách. Câu hỏi là liệu Einstein có chọn hợp tác, vì lợi ích sức khỏe bản thân, hay phản đối mà chẳng giúp được ai.
Tiếc thay, nó hóa ra lại là cái sau. Albert Einstein không chịu thừa nhận rằng mình từng nghĩ đến kỹ thuật phân hạch hạt nhân (mặc dù ai cũng biết ngay từ năm 1939, ông đã liên lạc với Tổng thống Roosevelt về vấn đề này, từ đó đã dẫn đến dự án Manhattan). Thực ra, thậm chí Albert Einstein còn không nhận mình là Albert Einstein. Ông khăng khăng với sự bướng bỉnh ngu ngốc rằng thực ra mình là em trai của Albert Einstein, Herbert Einstein. Tuy nhiên, Albert Einstein không có em trai mà chỉ có một em gái thôi. Do đó, đương nhiên trò lừa đảo này không qua mắt được Beria và các điều tra viên của ông, và họ sắp xuống tay bạo lực thì một chuyện đáng chú ý đã xảy ra ở Đại lộ số Bảy ở New York, phía bên kia của thế giới. đó, tại phòng Carnegie, chính Albert Einstein đang thuyết trình bài giảng nổi tiếng về thuyết tương đối, với khán giả là 2.800 khách mời đặc biệt, trong đó có hai gián điệp của Liên Xô.
Hai Albert Einstein thành ra thừa mất một cho Nguyên soái Beria, cho dù một người ở ở phía bên kia Đại Tây Dương. Chẳng bao lâu có thể xác định rằng người ở phòng Carnegie là thật, thế thì gã chết tiệt kia là ai?
Bị đe dọa phải chịu những điều mà không ai muốn chịu, Albert Einstein rởm hứa sẽ làm rõ mọi chuyện cho Nguyên soái Beria.
– Ông sẽ được biết rõ ràng về mọi thứ, thưa nguyên soái, miễn là ông đừng ngắt lời tôi, Albert Einstein rởm đã hứa.
Nguyên soái Beria hứa sẽ không ngắt lời ông ta bằng bất cứ cái gì khác ngoài một viên đạn trong đầu Einstein rởm, và rằng ông sẽ đợi để làm điều đó ngay nếu biết rõ rằng mình đang nghe toàn những lời dối trá.
– Đấy, ông cứ tiếp tục đi. Đừng để tôi phải ngăn lại, Nguyên soái Beria nói và lên cò súng.
Người đàn ông trước đó đã tuyên bố rằng mình là Herbert, em trai không ai biết của Albert Einstein, hít một hơi thật sâu và bắt đầu bằng cách… nói y như thế một lần nữa (suýt nữa thì bị bắn ngay lúc đó).
Câu chuyện tiếp theo, nếu đúng là sự thật, buồn đến nỗi nguyên soái Beria không thể giết ngay người kể.
Herbert Einstein nói rằng Hermann và Pauline Einstein đã thực sự có hai con: con trai đầu lòng Albert, sau đó là con gái Maja. Về chuyện đó, nguyên soái đã đúng. Nhưng sự tình là bố của Einstein đã không giữ nổi đôi tay và các bộ phận khác của cơ thể mình rời khỏi cô thư ký xinh đẹp (nhưng trí thông minh rất hạn chế) tại nhà máy điện hóa học mà ông điều hành ở Munich. Điều này làm nên bí mật của Herbert, Albert và Maja và người em không hợp pháp.
Đúng như các điệp viên của nguyên soái đã xác định, Herbert gần như một bản sao chính xác của Albert, mặc dù trẻ hơn 13 tuổi. Tất nhiên, từ vẻ bên ngoài, người ta không thấy được là Herbert đã không may thừa hưởng tất cả trí thông minh của mẹ mình. Hoặc cũng thiếu như mẹ.
Năm 1895, khi Herbert được hai tuổi, gia đình đã di chuyển từ Munich đến Milan. Herbert đi theo, nhưng mẹ ông thì không. Tất nhiên bố Einstein đã đề nghị với bà một giải pháp thích hợp, nhưng mẹ Herbert không quan tâm. Bà không khoái thay xúc xích Đức bằng mì spaghetti, và tiếng Đức thay bằng… ngôn ngữ gì đó mà họ nói ở Ý. Thêm nữa, đứa bé quấy quá, nó gào thét suốt ngày đòi ăn và bĩnh nhoe nhoét trong tã của mình! Nếu ai đó muốn đưa Herbert đi chỗ khác, cũng tốt thôi, nhưng bà không đi đâu cả.
Mẹ của Herbert nhận một số tiền khá lớn từ bố Einstein để sinh sống. Nghe đồn rằng sau đó, bà đã gặp một bá tước, người đã thuyết phục bà đầu tư tất cả tiền vào cái máy gần hoàn thành của mình để sản xuất của một thứ thần dược chữa khỏi mọi bệnh tật trên đời. Nhưng rồi bá tước đã biến mất, và chắc đã mang thần dược đi theo vì bà mẹ nghèo khổ của Herbert qua đời vài năm sau đó, bị bệnh lao.
Thế là Herbert lớn lên cùng với anh Albert và chị Maja. Nhưng để tránh scandal, bố Einstein đã quyết định rằng Herbert nên được gọi là cháu họ chứ không phải con trai ông. Herbert chưa bao giờ thật gần gũi với anh trai mình, nhưng ông yêu thương chị gái chân thành, dù bị buộc phải gọi là chị họ.
Tóm lại, Herbert Einstein nói, tôi đã bị mẹ bỏ rơi và cha phủ nhận – và tôi thông minh như là một bao khoai tây. Suốt đời tôi chưa làm được việc gì hữu ích mà chỉ sống nhờ thừa kế từ cha tôi, và tôi chẳng có một ý tưởng tài năng nào.
Theo câu chuyện, nguyên soái Beria đã hạ súng lục xuống và gạt lại chốt an toàn. Câu chuyện có vẻ đáng tin, và nguyên soái thậm chí cảm thấy hơi nể sự tự ý thức mà gã Herbert Einstein ngu ngốc đã thể hiện rõ ràng.
Nên làm gì bây giờ? Nguyên soái đứng lên khỏi chiếc ghế trong phòng thẩm vấn. Vì mục đích an ninh, ông đã đặt sang một bên tất cả suy nghĩ đúng và sai, nhân danh cách mạng. Ông đã có đủ rắc rối rồi, không cần thêm một gánh nặng khác. Nguyên soái quay sang hai bảo vệ ở cửa:
Khử hắn đi.
Rồi ông rời khỏi phòng.
**
Sẽ chẳng hay ho gì khi phải báo cáo đồng chí Stalin về vụ lộn xộn Einstein Herbert, nhưng Nguyên soái Beria đã gặp may, vì trước khi ông kịp gặp rắc rối, đã có một bước đột phá tại cơ sở Los Alamos tại New Mexico.
Trong những năm qua, hơn 130.000 người đã làm việc trong cái gọi là Dự án Manhattan, và đương nhiên nhiều hơn một người trong số họ trung thành với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng chưa một ai có thể tiến sâu vào những hành lang bí mật nhất nơi mà Liên Xô có thể thu được những bí mật sâu thẳm nhất về bom nguyên tử.
Nhưng bây giờ họ biết điều gì đó quan trọng gần như thế. Họ biết rằng có một người Thụy Điển đã giải được câu đố, và họ biết tên ông ta!
Sau khi đã huy động toàn bộ mạng lưới tình báo Thụy Điển, nó chỉ mất chừng mười hai tiếng để tìm hiểu Allan Karlsson đang ở tại khách sạn Grand, Stockholm, và theo tin tình báo Liên Xô, cả ngày ông chỉ đi thơ thẩn sau khi sếp của chương trình vũ khí nguyên tử Thụy Điển tuyên bố không cần tuyển dụng Karlsson.
Vấn đề là ai lập kỷ lục thế giới về ngu dốt, Nguyên soái Beria tự nhủ. Sếp của chương trình vũ khí nguyên tử Thụy Điển hay mẹ của Herbert Einstein…
Lúc này, Nguyên soái Beria đã chọn một chiến thuật khác. Thay vì dùng vũ lực bắt người, Allan Karlsson sẽ được thuyết phục để đổi kiến thức của mình lấy một khoản đôla Mỹ đáng kể. Và người đầu tiên được trao nhiệm vụ thuyết phục phải là một nhà khoa học như Allan Karlsson chứ không phải là một điệp viên lúng túng và vụng về. Còn điệp viên ở đây (để cho an toàn) ngồi sau tay lái làm tài xế riêng cho Yury Borisovich Popov, nhà vật lý có lẽ là xuất sắc nhất trong nhóm vũ khí nguyên tử của Nguyên soái Beria.
Và báo cáo hiện nay là mọi thứ đã đi theo kế hoạch, Yury Borisovich đang trên đường trở về Moskva, mang theo Allan Karlsson – và Karlsson đã tỏ ra tích cực giúp đỡ họ.
**
Nguyên soái Beria có văn phòng tại Moskva ở bên trong điện Kremlin, đồng chí Stalin muốn như vậy. Đích thân nguyên soái ra gặp Allan Karlsson và Yury Borisovich khi họ bước vào tiền sảnh.
Chân thành chào đón ông, ông Karlsson, Nguyên soái Beria nói và bắt tay ông.
Cảm ơn nguyên soái, Allan đáp.
Nguyên soái Beria không phải là kiểu người ngồi tán gẫu những chuyện vô bổ. Ông nghĩ cuộc sống quá ngắn để làm điều đó (dù sao ông cũng không giao tiếp tốt lắm). Vì vậy, ông nói với Allan:
Nếu tôi hiểu các báo cáo một cách chính xác thì ông, ông Karlsson, sẵn sàng hỗ trợ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên Xô về vấn đề hạt nhân để đổi lấy thù lao 100.000 đôla.
Allan đáp ông không nghĩ nhiều lắm đến tiền, nhưng sẽ vui lòng giúp Yury Borisovich một tay nếu cần và có vẻ nó đang cần. Nhưng sẽ tiện hơn nếu nguyên soái cùng với quả bom nguyên tử có thể đợi đến hôm sau, vì chuyến đi mới đây quá là dài.
Nguyên soái Beria đáp ông hiểu rằng cuộc hành trình khiến ông Karlsson khá mệt mỏi, và họ sẽ sớm ăn tối với đồng chí Stalin, sau đó, ông Karlsson có thể nghỉ ngơi trong phòng hạng nhất của điện Kremlin.
Đồng chí Stalin không hà tiện về thức ăn. Có trứng cá hồi và cá trích, dưa chuột muối, salad thịt và rau nướng, súp rau chua, thịt viên nhồi pelmeni, bánh rán blini, sườn cừu, bánh pirogues với kem. Kèm theo là rượu vang nhiều loại khác nhau và tất nhiên cả vodka. Và nhiều vodka hơn nữa.
Ngồi quanh bàn là đích thân đồng chí Stalin, Allan Karlsson từ Yxhult, nhà vật lý hạt nhân Yury Borisovich Popov, sếp an ninh của Liên Xô – Nguyên soái Lavrenty Pavlovich Beria và một người đàn ông trẻ, gần như vô hình, không ăn cũng không uống. Anh ta là thông dịch viên, và họ giả vờ như anh không có ở đó.
Stalin có tinh thần phấn chấn ngay từ đầu. Lavrenty Pavlovich luôn luôn được việc! OK, ông đã nhầm lẫn với Einstein, chuyện đến tai Stalin, nhưng nó xong rồi. Thêm nữa, Einstein (thực) chỉ có bộ não, còn Karlsson có kiến thức chính xác và chi tiết!
Và hơn thế, Karlsson có vẻ là một người tử tế. Ông đã kể với Stalin về xuất thân của mình, mặc dù rất ngắn gọn. Cha ông đã chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội ở Thụy Điển và sau đó sang Nga với cùng mục đích. Đáng ngưỡng mộ thực sự! Về phần mình, người con trai đã chiến đấu trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha và Stalin không nhạy cảm đến mức phải hỏi là cho phe nào. Sau đó, ông đã đi du lịch đến Mỹ (chắc phải bỏ chạy, Stalin giả định) và tình cờ phục vụ quân Đồng minh… và điều đó có thể được tha thứ, chính bản thân Stalin, nói cho cùng, cũng làm tương tự ở cuối cuộc chiến tranh.
Sau khi ăn món chính vài phút, Stalin đã biết cách hát chúc rượu kiểu Thụy Điển ‘Helan går, sjunghoppfaderallanlallanlej’ mỗi lúc họ cụng ly. Để đáp lại, Allan đã ca ngợi giọng hát của Stalin, khiến ông kể ra hồi trẻ, mình không chỉ hát trong dàn đồng ca mà thậm chí còn là một nghệ sĩ độc tấu tại các đám cưới, và rồi ông đứng dậy, chứng minh bằng cách nhảy quanh sàn nhà, vung vẩy tay chân tứ tung để hát một bài mà Allan nghĩ gần như… kiểu Ấn Độ… nhưng khá hay!
Allan không biết hát, đơn giản là ông không thể làm gì mang tí giá trị văn hóa, ông thức điều đó, nhưng đang hứng nên vẫn cố tìm cái cái gì đó hơn là chỉ ‘Helan går…’, và cái duy nhất ông có thể nhớ ngay ra là bài thơ của Verner von Heidenstam mà giáo viên trung học ở làng của Allan đã bắt bọn trẻ phải ghi nhớ.
Vì vậy, khi Stalin trở lại chỗ ngồi thì Allan đứng lên và tuyên bố bằng tiếng quê hương Thụy Điển:
Thụy Điển, Thụy Điển, quê hương ta Nơi chốn ta khao khát,
Mái nhà ta trên trái đất này
Giờ là lúc vùng lên, những đoàn quân thắp lửa, làm nên truyền thuyết. Tay trong tay,
người thề lời thề xưa vĩnh viễn trung thành.
Lúc mới tám tuổi, Allan không hiểu những gì mình đọc, và giờ đây đọc lại một lần nữa bài thơ, với màn trình diễn đầy ấn tượng, ông nhận ra rằng 37 năm sau, mình vẫn chẳng hiểu nó nói về cái gì. Nhưng dù sao nó bằng tiếng Thụy Điển nên phiên dịch Nga-Anh (như cái bóng) ngồi im thin thít trên ghế và càng có vẻ vô hình hơn.
Tuy nhiên Allan, (sau khi những tràng pháo tay đã tắt), công bố rằng mình vừa đọc thơ Verner von Heidenstam. Lẽ ra Allan nên nhịn mồm đừng cung cấp thông tin đó, mà chỉnh sửa một tí sự thật, nếu ông biết được đồng chí Stalin sẽ phản ứng thế nào.
Thực tế là đồng chí Stalin vốn là một nhà thơ, thậm chí là một tài năng nữa. Tuy tinh thần của thời đại đã khiến ông trở thành một chiến sĩ cách mạng thay vì nhà thơ nhưng nền tảng thơ ca vẫn còn đó, và dù sao Stalin vẫn quan tâm đến thơ ca và am hiểu về các nhà thơ đương đại hàng đầu.
Khổ thay cho Allan, Stalin biết rất rõ Verner von Heidenstam là ai. Và khác với Allan, ông biết tất cả về tình yêu của Verner von Heidenstam với nước Đức. Và tình yêu đó có qua có lại. Cánh tay phải của Hitler, Rudolf Hess, đã đến thăm nhà của Heidenstam trong những năm 1930, và ngay sau đó Heidenstam đã được trao tặng bằng tiến sĩ danh dự của trường đại học ở Heidelberg.
Tất cả điều này khiến tâm trạng của Stalin thay đổi đột ngột.
Có phải ông Karlsson ngồi ở đây và xúc phạm chủ nhà đã hào phóng đón tiếp ông với vòng tay rộng mở? Stalin nói.
Allan cam đoan rằng không phải thế. Nếu Heidenstam đã làm ông Stalin khó chịu thì Allan hết sức xin lỗi. Có lẽ điều an ủi là Heidenstam đã chết vài năm rồi?
-Thế ‘sjunghoppfaderallanlallanlej’ thực sự có nghĩa là gì? Nó có phải là một cách tôn kính kẻ thù cách mạng, mà ông dám bắt chính Stalin phải nhắc lại? Stalin luôn nói về mình ở ngôi thứ ba khi ông nổi giận.
Allan đáp ông cần một thời gian suy nghĩ để có thể dịch ‘sjunghoppfaderallanlallanlej’ sang tiếng Anh, nhưng ông Stalin có thể yên tâm rằng nó là không khác hơn một câu cảm thán vui vẻ.
Một câu cảm thán vui vẻ à? đồng chí Stalin cao giọng. Ông Karlsson nghĩ rằng Stalin trông giống như một người ham vui sao?
Allan bắt đầu mệt mỏi với sự nhạy cảm quá mức của Stalin. Ông già mặt đỏ bừng, rất tức giận, chẳng vì lí do gì. Stalin tiếp tục:
Thế thực sự ông đã làm gì trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha? Tốt nhất là phải hỏi người hâm mộ Heidenstam – ông chiến đấu cho phe nào?
Ông có một giác quan thứ sáu hay sao, đồ quỷ? Allan nghĩ. Ôi chà, ông ta đã tức giận hết mức có thể, cho nên có lẽ cứ nói thật ra cho xong.
Tôi đã không thực sự chiến đấu, thưa ông Stalin, nhưng đầu tiên tôi đã giúp những người cộng hòa, và cuối cùng, tình cờ tôi đổi bên và trở thành bạn tốt với Tướng Franco.
Tướng Franco? Stalin gầm lên, và đứng bật dậy làm chiếc ghế sau lưng ông đổ kềnh ra.
Hóa ra còn có thể giận dữ hơn nữa. Trong cuộc sống đầy biến cố của Allan, đôi khi có người quát vào mặt ông, nhưng ông không bao giờ bao giờ quát lại, và cũng chẳng định làm thế trước mặt Stalin. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông chẳng phản ứng gì. Ngược lại, ông đã nhanh chóng biết cách chọc tức người đang lớn tiếng ở phía bàn bên kia, theo cách của mình.
Và không chỉ vậy, ông Stalin ạ. Tôi đã ở Trung Quốc để gây chiến chống lại Mao
Trạch Đông, trước khi đến Iran ngăn chặn một nỗ lực ám sát Churchill.
– Churchill ư? Con lợn béo đó! Stalin hét lên.
Stalin định thần một lúc trước khi nốc cạn ly vodka đầy. Allan nhìn một cách ghen tị, ông cũng muốn một ly, nhưng bụng bảo dạ đây không phải là lúc để đưa ra yêu cầu loại đó.
Nguyên soái Beria và Yury Borisovich chẳng nói gì. Nhưng biểu hiện trên mặt họ khác nhau. Trong khi Beria nhìn chằm chằm vào Allan một cách giận dữ thì Yury chỉ có vẻ đau khổ.
Stalin dốc hết chỗ vodka vừa rót rồi hạ giọng xuống mức bình thường. Ông vẫn còn tức giận.
Stalin hiểu như vậy có chính xác không? Stalin nói. Ông đã về phe Franco, đã chiến đấu chống lại đồng chí Mao, ông đã… cứu mạng con lợn đó ở London và đã đặt vũ khí nguy hiểm nhất thế giới vào tay bọn tư bản đầu sỏ ở Mỹ.
Ta đáng lẽ phải biết rõ chuyện này chứ, Stalin lầm bầm và trong cơn tức giận quên mất phải nói ở ngôi thứ ba. Và bây giờ ông đang ở đây để bán mình cho chủ nghĩa xã hội Liên Xô? Một trăm ngàn đôla, là mức giá cho linh hồn ông? Hay giá đã tăng lên trong buổi tối nay rồi?
Allan không còn muốn giúp nữa. Tất nhiên, Yury vẫn là một người đàn ông tốt và thực sự cần giúp đỡ. Nhưng thực tế vẫn là kết quả công việc của Yury sẽ rơi vào tay đồng chí Stalin, và ông ta không phải là đồng chí như Allan nghĩ. Ngược lại, ông ta có vẻ thất thường, và có lẽ lành nhất là đừng cho ông ta quả bom để nghịch.
Không hẳn thế, Allan đáp, ngay từ đầu nó chưa bao giờ là chuyện tiền bạc…
Ông chưa nói hết thì Stalin đã lại nổi lôi đình.
Ông tưởng ông là ai, đồ chuột cống khốn kiếp? Stalin gầm lên. Ông có nghĩ là mình, một đại diện của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tư bản Mỹ kinh tởm, hiện thân cho mọi thứ mà Stalin khinh miệt nhất trên trái đất, ông, ông dám đến điện Kremlin, điện Kremlin, và mặc cả với Stalin, mặc cả với Stalin?
Tại sao ông nói cái gì cũng hai lần? Allan thắc mắc, trong khi Stalin tiếp tục:
Liên Xô đang chuẩn bị cho chiến tranh lần nữa, tôi báo ông biết! Sẽ có chiến tranh, chắc chắn sẽ có chiến tranh đến khi nào đế quốc Mỹ bị xóa sổ.
Ồ, thế à? Allan đáp.
Để chiến đấu và giành chiến thắng, chúng ta không cần bom nguyên tử chết tiệt của ông! Những gì chúng ta cần là trái tim và linh hồn xã hội chủ nghĩa! Người cảm thấy không bao giờ có thể bị đánh bại thì sẽ không bao giờ bị đánh bại!
Tất nhiên trừ phi có ai đó thả một quả bom nguyên tử vào anh ta, Allan đáp.
Ta sẽ tiêu diệt chủ nghĩa tư bản! Ngươi nghe chưa! Ta sẽ tiêu diệt từng tên tư bản một! Và ta sẽ bắt đầu với ngươi, đồ chó, nếu ngươi không giúp ta chế tạo bom!
Allan để ý thấy trong khoảng một phút mình đã hóa thành cả chuột và chó. Và Stalin rõ ràng không lành mạnh lắm, vì cuối cùng vẫn định dùng dịch vụ của Allan. Nhưng Allan thì sẽ không ngồi nghe sỉ nhục mình nữa. Ông đến Moskva để giúp họ một tay chứ không phải để bị quát vào mặt. Bây giờ thì kệ Stalin tự lo.
Tôi đang nghĩ một điều, Allan nói.
Cái gì? Stalin giận dữ hỏi.
Tại sao ông không cạo bộ ria mép đó đi?
Thế là bữa tối chấm dứt bởi vì phiên dịch ngất xỉu.
**
Kế hoạch lập tức đảo lộn hết. Allan không bao giờ được đặt chân vào phòng khách sang nhất ở điện Kremlin mà phải vào phòng giam không có cửa sổ trong hầm rượu của công an mật nhà nước. Đồng chí Stalin cuối cùng đã quyết định rằng Liên Xô sẽ có một quả bom nguyên tử, do các chuyên gia của mình tìm ra cách chế tạo, hoặc qua hoạt động gián điệp đàng hoàng kiểu cũ. Họ sẽ không bắt cóc bất kỳ người phương Tây nào nữa và chắc chắn sẽ không mặc cả với bọn tư bản phát xít hoặc cả hai.
Yury hết sức khổ sở. Không chỉ vì ông đã thuyết phục Allan tốt bụng đến Liên Xô, nơi cái chết chắc chắn đang chờ đợi, mà còn vì đồng chí Stalin bộc lộ những nhược điểm tính cách như thế! Lãnh tụ Vĩ đại thông minh, có giáo dục, nhảy rất giỏi và có giọng hát tốt. Và hơn hết, ông ta hoàn toàn điên rồ! Allan tình cờ trích dẫn một nhà thơ sai và trong một vài giây, bữa ăn tối thú vị đã biến thành một thảm họa…
Yury đã liều mạng cố gắng hết sức thận trọng nói chuyện với Beria về vụ xử tử Allan sắp xảy ra và hỏi liệu có giải pháp thay thế nào không.
Về vấn đề này, Yury đã đánh giá sai nguyên soái. Tất nhiên, ông ta đã dùng bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đã tra tấn và giết cả tội phạm lẫn người vô tội, và còn nhiều điều hơn thế nữa… nhưng cho dù nhiều lần hành xử đáng phẫn nộ, Nguyên soái Beria đã làm một việc có ý nghĩa duy nhất vì lợi ích tối cao của Liên Xô.
Đừng lo lắng, Yury Borisovich thân mến của tôi, ông Karlssosn sẽ không chết đâu. Ít nhất là chưa.
Nguyên soái Beria giải thích rằng ông dự định giữ Allan Karlsson ở một nơi nào đó biệt lập để phòng khi Yury Borisovich và các nhà khoa học của mình tiếp tục thất bại không chế tạo được bom trong thời hạn cho phép. Lời giải thích ngầm ẩn chứa sự đe dọa, và Nguyên soái Beria rất hài lòng với điều đó.
**
Trong khi chờ đợi xét xử, Allan ngồi ở một trong rất nhiều phòng giam tại trụ sở của công an mật. Điều duy nhất xảy ra là mỗi ngày Allan được phục vụ một ổ bánh mì, ba mươi gam đường và ba bữa ăn nóng (súp rau, súp rau và súp rau).
Đồ ăn trong điện Kremlin chắc chắn ngon hơn là ở phòng giam. Nhưng Allan nghĩ rằng mặc dù món súp có vị như thế song ít nhất ông còn có thể bình yên thưởng thức nó mà không bị ai đứng đó quát tháo vì những lý do không thể hiểu nổi.
Chế độ ăn uống mới này kéo dài sáu ngày đến khi tòa án an ninh đặc biệt triệu tập một phiên tòa. Phòng xử án, cũng như phòng giam của Allan, đặt tại trụ sở hoành tránh của công an mật cạnh quảng trường Lubyanka, nhưng cao hơn một vài tầng. Allan ngồi trên ghế trước mặt một thẩm phán ở sau cái bục. Bên trái của vị thẩm phán là công tố viên, một người đàn ông với khuôn mặt ảm đạm, và luật sư bảo vệ của Allan, người này mặt cũng ảm đạm nốt.
Để bắt đầu, công tố viên nói gì đó bằng tiếng Nga mà Allan không hiểu. Sau đó, luật sư bào chữa nói gì đó khác bằng tiếng Nga mà Allan mù tịt. Rồi thẩm phán gật đầu như thể đang suy nghĩ, trước khi mở ra đọc lén một tờ giấy nhỏ (để chắc chắn rằng mình hiểu đúng) và sau đó công bố phán quyết của tòa án:
Tòa án đặc biệt buộc tội Allan Emmanuel Karlsson, công dân vương quốc Thụy Điển, là một yếu tố gây nguy hiểm cho xã hội xã hội chủ nghĩa Xô viết, nhận án ba mươi năm trong trại cải tạo tại Vladivostok.
Thẩm phán thông báo cho người bị kết án là có thể xin chống án, và nó sẽ được Xô Viết tối cao xử trong thời hạn ba tháng kể từ ngày hôm nay. Tuy nhiên, luật sư bào chữa của Allan Karlsson đã thay mặt cho Allan Karlsson thông báo với tòa rằng họ sẽ không kháng án. Trái lại, Allan Karlsson rất biết ơn vì án nhẹ. Tất nhiên Allan không bao giờ được hỏi là có biết ơn hay không, nhưng bản án chắc chắn cũng có những mặt tốt của nó. Thứ nhất, bị cáo được sống, mà khi đã bị xếp là một yếu tố nguy hiểm thì rất hiếm. Và thứ hai, thực tế rằng ông sẽ được đưa đến trại Gulag tại Vladivostok nơi có khí hậu “dễ chịu” nhất ở Siberia. Thời tiết cũng không khắc nghiệt hơn ở quê nhà Södermanland nhiều lắm, trong khi xa hơn về phía bắc trong nội địa Nga có thể lạnh tới âm 50, âm 60 và thậm chí còn âm 70 độ C.
Thế là Allan đã may lắm rồi, và bây giờ ông bị tống vào một toa tàu chở hàng trống trải với khoảng 30 nhà bất đồng chính kiến may mắn khác. Số hàng đặc biệt này cũng đã được cấp mỗi tù nhân ba cái chăn sau khi nhà vật lý Yury Borisovich Popov đã hối lộ các lính gác và sếp trực tiếp của họ với một nắm rúp. Sếp của nhóm gác lấy làm lạ rằng một công dân ưu tú như vậy lại quan tâm đến chuyến vận chuyển đơn giản đến trại Gulag, và thậm chí anh ta còn định báo cáo cấp trên của mình, nhưng rồi nhớ ra là mình đã nhận tiền bạc nên có lẽ tốt nhất là đừng gây phiền phức.
Allan không dễ dàng gì tìm được ai đó trong toa xe chở hàng để nói chuyện, hầu như tất cả mọi người chỉ nói được tiếng Nga. Nhưng một người đàn ông khoảng 55 tuổi có thể nói được tiếng Ý và vì Allan tất nhiên nói thạo tiếng Tây Ban Nha, nên họ có thể hiểu nhau khá tốt. Cũng đủ cho Allan hiểu rằng người đàn ông đã vô cùng đau khổ và suýt tự sát, nếu ông ta, tự nhận xét, không phải là một kẻ hèn nhát bên cạnh mọi thứ khác. Allan cố hết sức an ủi ông ta, nói rằng có lẽ mọi thứ sẽ đâu vào đó khi đoàn tàu đến Siberia, bởi vì ở đấy Allan nghĩ rằng ba cái chăn sẽ là không đủ nếu thời tiết ở trạng thái như thế.
Người Ý sụt sịt và co người lại. Rồi ông ta cảm ơn Allan đã động viên mình và bắt tay. Hóa ra ông ta vốn không phải là người Ý mà là người Đức. Herbert là tên ông ta. Họ của ông không liên quan gì, Herbert nói thêm.
**
Herbert Einstein chưa bao giờ gặp may mắn trong cuộc sống. Chỉ vì một rủi ro hành chính, ông đã bị kết án – giống như Allan – đến ba mươi năm trong trại cải tạo thay vì cái chết mà ông chân thành mong mỏi.
Và ông sẽ không chết cóng trên vùng băng giá Siberian nhờ mấy cái chăn được cho thêm. Ngoài ra, tháng Giêng năm 1948 là đỡ lạnh nhất trong năm. Nhưng Allan cam đoan rằng sẽ có nhiều khả năng mới cho Herbert. Sau cùng thì họ đang trên đường đến một trại lao động, cho nên, nếu không có gì thay đổi, ông có thể làm việc cho đến chết. Ông nghĩ sao?
Herbert thở dài đáp có lẽ mình quá lười biếng để làm điều đó, nhưng ông không dám chắc bởi vì cả đời ông chưa bao giờ lao động. Và ở đó, Allan có thể thấy sự khởi đầu. Bởi vì không thể cứ đi lại vẩn vơ trong một trại tù, nếu thế lính gác sẽ bắn cả đống đạn vào người ngay.
Herbert thích ý tưởng này, nhưng đồng thời nó cũng làm cho ông khiếp đảm. Một đống đạn, chẳng phải đau đớn kinh khủng lắm sao?
**
Allan Karlsson đã không đòi hỏi nhiều lắm trong cuộc sống. Ông chỉ muốn có một chiếc giường, rất nhiều đồ ăn, một cái gì đó để làm và thỉnh thoảng một ly vodka. Nếu có những thứ ấy, ông có thể chịu đựng hầu hết mọi thứ. Trại cải tạo ở Vladivostok cung cấp cho Allan mọi thứ ông muốn trừ vodka.
Thời đó, bến cảng ở Vladivostok gồm một phần mở và một phần đóng kín. Phần khép kín được bao quanh bởi một hàng rào cao hai mét, rào kín trại cải tạo Gulag với 40 doanh trại màu nâu xếp hàng bốn cái một. Hàng rào chạy suốt xuống bến cảng. Các tàu chở tù nhân Gulag bỏ neo bên trong hàng rào, những người khác ở ngoài. Trong thực tế, mọi thứ gần như được thực hiện bởi các tù nhân, chỉ trừ những thuyền đánh cá nhỏ và các thuyền viên phải tự xoay sở, hoặc thỉnh thoảng là tàu chở dầu loại lớn hơn.
Trừ vài ngoại lệ, mọi ngày ở trại cải tạo Vladivostok đều giống nhau. Kẻng đánh thức các doanh trại vào sáu giờ sáng, ăn sáng 15 phút sau. Ngày làm việc kéo dài 12 tiếng, từ 6 giờ rưỡi, với nửa tiếng nghỉ ăn trưa ở giữa. Ngay sau khi kết thúc ngày làm việc, có bữa ăn tối, rồi đến giờ bị nhốt lại cho đến sáng hôm sau.
Chế độ ăn uống khá đủ chất: chủ yếu là cá, nhưng hiếm khi dưới dạng súp. Lính canh trại không thân thiện lắm, nhưng ít nhất họ không bắn vào người ta mà không có nguyên nhân. Ngay cả Herbert Einstein cũng vẫn sống, dù trái với nguyện ước riêng của ông. Tất nhiên ông làm việc chậm chạp hơn bất kỳ tù nhân nào khác, nhưng vì ông luôn đứng rất gần Allan chăm chỉ nên không ai để ý.
Allan không phản đối phải làm việc cho hai người. Tuy nhiên ông đề ra một nguyên tắc là Herbert không được đứng phàn nàn suốt ngày về cuộc sống của mình khổ sở như thế nào, bởi vì Allan đã hiểu và có trí nhớ tốt. Nói mãi một điều chẳng để làm gì.
Herbert vâng lời, và thế là OK, như hầu hết mọi thứ đều OK.
Nếu nó không bị thiếu vodka. Allan có thể chịu đựng chính xác là năm năm và ba tuần. Rồi ông nói:
Giờ thì tôi muốn uống rất nhiều. Và chẳng có gì để uống ở đây. Vì vậy, đã đến lúc ra đi.
**
1948-1953
Người đàn ông trên ghế đá công viên vừa mới chào Mr. Karlsson bằng tiếng Anh, từ đó Allan đã rút ra hai kết luận. Thứ nhất, ông ta không phải người Thụy Điển, nếu không thì ông ta có thể sẽ cố gắng nói tiếng Thụy Điển. Thứ hai, ông ta biết Allan là ai, bởi vì đã gọi được tên.
Người đàn ông ăn mặc lịch sự, đội chiếc mũ màu xám có vành đen, áo khoác màu xám, đi giày đen. Ông ta có lẽ là một doanh nhân. Trông ông ta thân thiện và chắc chắn có mục đích. Vì vậy, Allan đáp, bằng tiếng Anh.
Liệu có phải cuộc sống của tôi có tình cờ sắp rẽ sang hướng mới bây giờ chăng? Người đàn ông trả lời rằng cũng không loại trừ điều đó, nhưng nói thêm bằng một giọng thân thiện rằng nó phụ thuộc vào chính ông Karlsson. Có chuyện là, sếp của ông ta muốn gặp ông Karlsson để yêu cầu ông Karlsson làm việc cho họ.
Allan đáp rằng mấy hôm nay mình đang rất thảnh thơi sung sướng, nhưng tất nhiên ông không thể ngồi trên ghế đá công viên đến hết đời. Vì vậy, ông hỏi người đàn ông liệu mình có được phép biết tên sếp của ông ta không. Allan nghĩ nó sẽ dễ dàng hơn để nói có hay không khi biết mình đang nói về cái gì. Quý ông có đồng ý như vậy không?
Người đàn ông thân thiện hoàn toàn đồng ý, nhưng sếp của ông ta hơi đặc biệt và có lẽ sẽ thích gặp mặt để tự giới thiệu hơn.
Nhưng tôi thì sẵn sàng đi cùng với ông Karlsson đến gặp ông sếp ngay lập tức, nếu ông Karlsson đi được.
Tất nhiên là được, Allan nghĩ, ông hoàn toàn có thể đi luôn, người đàn ông cho biết quãng đường khá xa. Nếu ông Karlsson muốn lấy đồ đạc của mình từ khách sạn, người đàn ông hứa sẽ đợi ở tiền sảnh. Về việc này, người đàn ông có thể chở ông Karlsson về khách sạn, bởi vì xe và tài xế của ông ta ngay đây.
Chiếc xe cũng rất phong cách, Ford Coupé màu đỏ đời mới nhất. Và một tài xế riêng! Thuộc tuýp người kín đáo. Không có vẻ thân thiện như người đàn ông kia.
Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần về khách sạn, Allan cho biết. Tôi thường đi du lịch rất gọn nhẹ.
Được, thế thì đi thôi, người đàn ông thân thiện nói và vỗ lưng tài xế của mình ra hiệu ‘lái đi’.
Chuyến đi đưa họ tới Dalarö, cách thủ đô hơn một giờ xe về phía nam, theo những con đường quanh co. Allan và người đàn ông thân thiện trò chuyện này kia. Người đàn ông giảng giải về sự diệu kỳ vô tận của Opera, trong khi Allan kể với ông ta làm thế nào để băng qua dãy Hy Mã Lạp Sơn mà không chết cóng.
Mặt trời đã lặn khi chiếc Coupé đỏ lăn bánh vào một ngôi làng nhỏ trên bờ biển vốn rất đông khách du lịch đảo vào mùa hè, nhưng mùa đông thì tối và yên tĩnh.
À, thế ra đây là nơi sếp ông sống, Allan nói.
Không, không hẳn thế, người đàn ông thân thiện đáp.
Viên tài xế không được thân thiện như người đàn ông, chẳng nói chẳng rằng thả Allan và người đàn ông thân thiện ở cạnh bến cảng Dalarö rồi đi luôn. Trước đó, người đàn ông thân thiện đã lấy ra một chiếc áo khoác lông thú từ cốp chiếc Ford, và chu đáo choàng nó lên vai Allan, miệng xin lỗi rằng họ sẽ phải đi bộ một đoạn ngắn trong cái lạnh mùa đông.
Allan không phải là kiểu người hay hi vọng (hoặc ngược lại) về những gì có thể xảy ra trong cuộc sống của mình ở tương lai gần. Chuyện gì đến thì đến. Không việc gì phải lo lắng trước về nó cả.
Tuy thế, Allan rất ngạc nhiên khi người đàn ông thân thiện đưa mình đi khỏi trung tâm của Dalarö và đi trên băng giá vào màn đêm tối đen của đảo.
Người đàn ông thân thiện và Allan tiếp tục bước đi. Đôi khi ông ta bật đèn pin, rọi sáng một chút bóng tối mùa đông trước khi dùng nó để định hướng trên chiếc la bàn của mình. Suốt đoạn đường đi bộ, ông ta không nói chuyện với Allan mà chỉ đếm thành lời từng bước của mình – bằng một ngôn ngữ mà Allan chưa nghe bao giờ.
Sau 15 phút đi bộ khá nhanh giữa chỗ trống, người đàn ông thân thiện nói rằng họ đã đến nơi. Xung quanh họ tối om, ngoại trừ một ánh sáng nhấp nháy trên hòn đảo xa xa. Người đàn ông thân thiện nhân dịp đó cho Allan biết rằng ánh sáng ấy đến từ phía đông nam Kymmendö, nơi mà như ông ta được biết, có liên quan với August Strindberg và lịch sử văn học Thụy Điển. Allan hoàn toàn mù tịt, và cũng không có thời gian để thảo luận về vấn đề này xa hơn bởi vì nền đất (hay đúng hơn, băng) dưới chân Allan và người đàn ông thân thiện bất ngờ toác ra.
Có thể người đàn ông thân thiện đã tính lầm một chút. Hoặc thuyền trưởng của chiếc tàu ngầm đã không đến được chính xác nơi ông ta cần phải đến. Dù vì lí do gì thì con tàu dài 97 mét đã trồi lên qua băng vỡ quá gần Allan và người đàn ông thân thiện. Cả hai ngã ngửa, suýt rơi xuống chỗ nước băng giá. Nhưng mọi việc đã sớm được giải quyết, và Allan được giúp đỡ để trèo xuống chỗ ấm áp.
Chà, mở mắt ra mà ngồi đoán những gì sẽ xảy ra trong ngày thì chỉ phí công, Allan nói. Rốt cuộc, thì phải đoán đến bao giờ mới đoán ra chuyện này?
Bây giờ người đàn ông thân thiện nghĩ rằng ông ta không phải bí mật nữa. Ông nói với Allan rằng tên mình là Yury Borisovich Popov và rằng ông làm việc cho Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, ông là một nhà vật lý, không phải chính trị gia hay quân nhân, và ông được cử đến Stockholm để thuyết phục ông Karlsson đi theo đến Moskva.
Borisovich Yury được giao nhiệm vụ này vì có một điểm tương đồng khá miễn cưỡng giữa một giai đoạn đời ông Karlsson với xuất thân của Yury Borisovitch như một nhà vật lý, có lẽ nó sẽ thuận lợi khi cả hai nói cùng một thứ ngôn ngữ, đại loại thế.
Nhưng tôi không phải là một nhà vật lý, Allan nói.
Có thể thế, nhưng nguồn tin của tôi báo rằng ông biết cái mà tôi muốn biết.
Thực vậy ư? Chà, thế bây giờ thì là điều gì?
Bom, ông Karlsson ạ. Quả bom.
**
Yury Borisovich và Allan Emmanuel ngay lập tức khoái nhau. Đồng ý đi theo mà chẳng biết đi đâu, gặp ai và tại sao – điều đó gây ấn tượng với Yury Borisovich và nó cho thấy Allan có cái tính tùy hứng mà Yury thiếu. Còn với Allan, ông đánh giá cao việc mình có thể trò chuyện với một người mà không cố gắng nhồi nhét chính trị hay tôn giáo vào ông.
Thêm nữa, hóa ra cả Yury Borisovich và Allan Emmanuel đều là fan cuồng của vodka. Tối hôm trước, Yury Borisovich đã có dịp thưởng thức đủ loại của Thụy Điển trong khi ông – nói thật là – phải theo dõi Allan Emmanuel trong phòng ăn tại khách sạn Grand. Đầu tiên, Yury Borisovich nghĩ rằng nó quá mạnh, mà không có vị ngọt Nga, nhưng sau một vài ly, ông đã quen với nó. Và thêm hai ly nữa, ông thấy nó “chẳng tệ chút nào”.
Nhưng cái này tất nhiên là ngon hơn, ông Yury Borisovich nói và giơ một chai Stolichnaya một lít trong căn phòng sĩ quan nơi ông và Allan Emmanuel đang ngồi. Và bây giờ mỗi người sẽ có một ly!
Ý hay đấy, Allan nói. Không khí biển đòi hỏi điều đó.
Ngay sau khi ly đầu tiên, Allan đã đổi cách xưng hô giữa hai người đàn ông. Về lâu dài, mỗi khi cần thu hút sự chú ý của Yury Borisovich mà phải gọi Yury Borisovich là Yury Borisovich thì mệt quá.
Còn ông không muốn bị gọi là Emmanuel Allan, vì chẳng ai gọi thế từ khi ông được giáo sĩ ở Yxhult rửa tội.
Vì thế, từ bây giờ, ông là Yury còn tôi là Allan, Allan tuyên bố. Nếu không, tôi sẽ nhảy khỏi cái tàu này ngay ở đây.
Đừng làm thế, Allan yêu quý, chúng ta đang ở độ sâu 200 mét, Yury nói. Rót đi. Yury Borisovich Popov là một nhà xã hội chủ nghĩa đầy hoài bão và không mong gì hơn là tiếp tục làm việc cho chủ nghĩa xã hội Xô Viết. Đồng chí Stalin là một người đàn ông nghiêm khắc nhưng Yury biết rằng nếu cứ phục vụ chế độ trung thành và hiệu quả thì chẳng việc phải sợ hãi. Allan trả lời rằng ông không định phục vụ bất kỳ chế độ nào, nhưng tất nhiên ông có thể cho Yury một hoặc hai lời khuyên nếu họ đang gặp khó khăn về vấn đề bom nguyên tử. Nhưng trước hết, Allan muốn nếm thử một ly vodka mà ngay cả khi tỉnh táo ta cũng không thể phát âm tên của nó. Và một điều nữa: Yury phải hứa là ông sẽ tiếp tục như đã bắt đầu và không nói chuyện chính trị.
Yury chân thành cám ơn Allan về lời hứa giúp đỡ, và nói thẳng ra rằng Nguyên soái Beria, sếp của Yury, định trả cho chuyên gia Thụy Điển trọn gói một lần 100.000 đôla Mỹ, với điều kiện rằng Allan giúp hướng dẫn chế tạo một quả bom.
– Có vẻ là một thỏa thuận tốt đẹp đấy, Allan nói.
Cái chai vơi đều đặn trong lúc Allan và Yury tán đủ thứ chuyện trên trời dưới biển (trừ chính trị và tôn giáo). Họ cũng đề cập đến vấn đề bom nguyên tử, mặc dù nó thực sự dành cho những ngày tới, Allan có thời gian cho ông ta vài lời khuyên đơn giản. Và thêm nữa.
Hmmm, nhà vật lý cao cấp Yury Borisovich Popov nói. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu…
Chà, tôi thì không, Allan nói. Ông giải thích lại về opera đi. Thế nó không phải chỉ rặt la hét ư?
Yury mỉm cười, nhấp một ngụm lớn vodka, đứng lên – và bắt đầu hát. Trong cơn say, ông ta không hát dân ca cổ mà chọn aria “Nessun Dorma” trong vở Turandot của Puccini.
Chà, đáng kể đấy, Allan nói khi Yury hát xong.
Nessun Dorma! Yury long trọng. Không ai được phép ngủ!
Bất kể liệu có ai được phép ngủ hay không, cả hai đã nhanh chóng rơi vào giấc ngủ trong giường của mình bên cạnh phòng sĩ quan. Khi họ tỉnh dậy, tàu ngầm đã bỏ neo ở cảng Leningrad. Ở đó, một chiếc limousine đang chờ để đưa họ vào điện Kremlin gặp gỡ Nguyên soái Beria.
Saint Petersburg, Petrograd, Leningrad… có thể tưởng tượng nổi không? Allan nói.
Chúc ông buổi sáng tốt lành, Yury đáp.
Yury và Allan vào ghế sau của chiếc limousine Humber Pullman, đi suốt ngày đường từ Leningrad tới Moskva. Một vách trượt ngăn cách chỗ ngồi của lái xe với… salon… nơi Allan và người bạn mới của mình đang ngồi. Salon còn có một cái tủ lạnh với nước, thức uống có ga và tất cả chỗ rượu mà hai vị khách hiện tại không thể thiếu được. Bên cạnh đó là một bát kẹo dẻo mâm xôi và một khay sôcôla tuyệt ngon. Chiếc xe hơi và nội thất của nó đáng lẽ là một ví dụ tuyệt vời cho kỹ nghệ xã hội chủ nghĩa Xô Viết nếu như nó không phải được nhập khẩu hết từ Anh.
Yury kể với Allan về xuất thân của mình, kể cả việc theo học Ernest Rutherford, nhà vật lý hạt nhân huyền thoại người New Zealand đã đoạt giải Nobel. Đó là lý do vì sao Yury Borisovich nói tiếng Anh tốt. Allan, đến lượt mình, mô tả (Yury Borisovitch ngày càng kinh ngạc) cuộc phiêu lưu của mình ở Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc, Hy Mã Lạp Sơn và Iran.
Và chuyện gì đã xảy ra với ông mục sư Anh giáo sau đó? Yury thắc mắc.
Tôi không biết, Allan đáp. Hoặc là ông ta sẽ Anh giáo hóa cả Ba Tư, hoặc sẽ chết thôi. Ít có khả năng nào khác giữa cái đó.
Nghe hơi giống như thách thức Stalin ở Liên Xô, Yury thẳng thắn nói. Ngoại trừ thực tế rằng đó là tội ác chống phá cách mạng, khả năng sống sót là rất ít.
Vào ngày đặc biệt và với người bạn đặc biệt này, sự chân thật của Yury dường như không có giới hạn. Ông dốc bầu tâm sự về Nguyên soái Beria, sếp tình báo, người rất bất ngờ và miễn cưỡng trở thành lãnh đạo của dự án chế tạo bom nguyên tử. Beria là người không biết xấu hổ là gì. Ông ta đã lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em, còn những kẻ chống đối sẽ bị ông tống vào tù – nếu không giết quách đi.
Ông phải hiểu cho tôi, – Yury giải thích. Các thành phần chống đối tất nhiên phải được đào thải càng sớm càng tốt, nhưng chúng phải là chống lại nền tảng cách mạng chân chính. Phải loại bỏ những kẻ không giúp ích cho mục tiêu của chủ nghĩa xã hội! Nhưng không phải là những người không tiếp tay cho các mục tiêu của Nguyên soái Beria. Không! Allan, điều đó thật khủng khiếp. Nguyên soái Beria là không phải là đại diện thực sự của cách mạng. Nhưng ông không thể đổ lỗi cho đồng chí Stalin về điều đó. Tôi chưa bao giờ được hân hạnh gặp ông ấy, nhưng ông ấy có trách nhiệm cho cả quốc gia, gần như toàn bộ một lục địa. Và nếu với tất cả các công việc đó, và trong khoảnh khắc vội vã, ông đã giao cho Nguyên soái Beria nhiều trách nhiệm hơn Nguyên soái Beria có khả năng gánh vác… chà, đồng chí Stalin có quyền làm thế! Và bây giờ, Allan thân yêu ạ, tôi sẽ cho ông biết một tin thực sự tuyệt vời. Ông và tôi, ngay chiều nay, sẽ được vinh dự thuyết trình không chỉ với Nguyên soái Beria mà cả đích thân đồng chí Stalin! Ông mời chúng ta ăn tối.
Chà. tôi thực sự mong đến lúc đó, Allan nói. Nhưng làm thế nào chúng ta cầm cự được đến tận lúc ấy? Liệu chúng ta có phải cầm hơi bằng kẹo dẻo quả mâm xôi không?
Yury lo liệu để chiếc limousine dừng lại ở một thị trấn nhỏ trên đường, mua ít bánh mì kẹp cho Allan. Rồi hành trình tiếp tục với cuộc trò chuyện thú vị.
Vừa nhai bánh mì kẹp, Allan vừa nghĩ rằng Nguyên soái Beria, theo như mô tả của Yury, có vẻ giống với ông sếp mật vụ mới qua đời ở Teheran.
Về phần mình, Yury ngồi đó cố gắng hiểu anh bạn đồng nghiệp Thụy Điển của mình. Anh bạn Thụy Điển sắp được ăn tối với Stalin, và đã nói rằng rất mong được như thế. Tuy nhiên, Yury phải hỏi rõ ý ông là nói đến bữa ăn tối hay nhà lãnh đạo.
Phải ăn để sống chứ, Allan lịch sự đáp và đánh giá cao chất lượng của bánh mì Nga. Tuy nhiên, Yury thân mến, tha lỗi cho tôi nếu tôi mạn phép đặt một hai câu hỏi chứ?
Tất nhiên, Allan thân mến. Cứ hỏi đi, tôi sẽ sức trả lời.
Allan nói rằng thực tình ông không lắng nghe khi Yury vừa ba hoa về chính trị, bởi vì chính trị không phải là thứ Allan quan tâm lắm trong thế giới này. Thêm nữa, ông nhớ rõ ràng đêm hôm trước Yury đã hứa không nói chuyện theo hướng này.
Tuy thế, Allan đã để ý đến mô tả của Yury về nhược điểm trong nhân cách của Nguyên soái Beria. Allan tin rằng mình đã từng gặp những người loại đó. Một mặt, nếu Allan hiểu chính xác, thì Nguyên soái Beria rất tàn nhẫn. Mặt khác, ông ta lại vô cùng chăm sóc Allan, với chiếc xe limousine và tất cả mọi thứ.
Đâm ra tôi thắc mắc tại sao ông ta không đơn giản là bắt cóc tôi và sau đó dùng bạo lực vắt của tôi ra những gì ông ta muốn biết, Allan hỏi. Thế thì ông ta sẽ không bị lãng phí kẹo dẻo mâm xôi, sôcôla ngon, hàng trăm ngàn đôla và rất nhiều thứ khác.
Yury cho biết bi kịch mà Allan vừa nêu cũng đã từng xảy ra. Nguyên soái Beria đã hơn một lần – dưới danh nghĩa cách mạng, tra tấn những người vô tội. Yury biết trường hợp đó. Nhưng tình hình bây giờ, Yury cảm thấy rất khó để diễn đạt chính xác mình, nó là như thế, Yury rồi mở tủ lạnh lấy một lon bia mặc dù vẫn chưa đến 12 giờ trưa, tình hình là… Yury thừa nhận, Nguyên soái Beria mới đây đã thất bại trong chiến lược mà Allan vừa vẽ ra. Một chuyên gia phương Tây đã bị bắt cóc ở Thụy Sĩ và được đưa đến chỗ Nguyên soái Beria, nhưng tất cả đã kết thúc trong một mớ hỗn độn khủng khiếp.
Yury xin lỗi rằng mình không muốn nói nữa, nhưng Allan phải tin những gì Yury đã nói: bài học từ sự thất bại mới đây là các dịch vụ hạt nhân cần thiết, theo quyết định từ trên, sẽ được mua trên thị trường phương Tây dựa trên cung và cầu, dù là trắng trợn đến đâu.
**
Chương trình vũ khí nguyên tử của Liên Xô bắt đầu với một lá thư của nhà vật lý hạt nhân Georgij Nikolajevitch Flyorov gửi đồng chí Stalin, trong đó ông ta đã chỉ ra vào tháng 4 năm 1942 rằng trong các phương tiện truyền thông của liên minh phương Tây chưa từng nghe nhắc đến một tiếng hay có văn bản nào liên quan đến sự phân hạch hạt nhân kể từ khi nó được phát hiện vào năm 1939.
Đồng chí Stalin không phải là trẻ con. Và cũng giống như nhà vật lý hạt nhân Flyorov, Stalin nghĩ rằng sự im lặng chung trong ba năm quanh phát hiện về phân hạch chỉ có thể hiểu là có nhiều điều để nói, chẳng hạn như ai đó trong quá trình chế tạo quả bom sẽ ngay lập tức đặt Liên bang Xô Viết – nói theo kiểu Nga là – vào thế chiếu tướng.
Như vậy là không thể chần chừ, nếu không phải vì tình tiết nhỏ là Hitler và Đức Quốc xã đã hầu như chiếm hết các phần mà Liên Xô thâu tóm – có nghĩa là toàn bộ phía tây sông Volga, gồm cả Moskva, và tệ hơn là ngay cả Stalingrad!
Trận Stalingrad, nhìn một cách nhẹ nhàng, là một vấn đề cá nhân với Stalin. Tất nhiên, khoảng một triệu rưởi người đã chết, nhưng Hồng quân chiến thắng và bắt đầu đẩy Hitler lùi lại, cuối cùng là đến tận đường hầm ở Berlin.
Tận đến khi người Đức phải rút lui thì Stalin mới cảm thấy an toàn về bản thân và đất nước mình có tương lai, nhưng rồi sau đó mọi thứ lại thay đổi khi động đến nghiên cứu phân hạch, như một biến thể hiện đại hơn của bảo hiểm nhân thọ đã hết hạn từ lâu dưới cái tên Hiệp ước Ribbentrop-Molotov.
Nhưng tất nhiên, bom nguyên tử không phải là thứ có thể làm xong trong một buổi sáng, đặc biệt là khi thậm chí nó còn chưa được phát minh ra. Công việc nghiên cứu bom nguyên tử của Liên Xô đã được tiến hành một vài năm mà không có tiến triển nào cho đến ngày có một vụ nổ ở New Mexico.
Người Mỹ đã thắng cuộc đua, nhưng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì họ đã bắt đầu chạy đua từ sớm hơn nhiều. Và sau thử nghiệm ở sa mạc New Mexico, đã có hai vụ nổ thật: một ở Hiroshima, cái kia ở Nagasaki. Bằng vào đó, Truman đã véo mũi Stalin, cho thế giới thấy ai nắm quyền quyết định, và kể cả những người không biết Stalin cũng có thể hiểu rằng ông sẽ không chịu bó tay trước tình hình như vậy.
Giải quyết vấn đề đi, đồng chí Stalin nói với Nguyên soái Beria. Tôi nói rõ là:
Giải quyết vấn đề!
Nguyên soái Beria nhận ra rằng các nhà vật lý, nhà hóa học và toán học của mình đã sa lầy, và tống một nửa số họ đến trại tù Gulag cũng chẳng giúp được gì. Bên cạnh đó, nguyên soái không nhận được dấu hiệu nào cho thấy các nhân viên trong lĩnh vực này phá khóa tại cơ sở Los Alamos và đoạt lấy báu vật. Vào thời điểm này thì không thể ăn cắp bản thiết kế của người Mỹ.
Giải pháp là họ sẽ phải nhập khẩu tri thức, điều quyết định trong việc bổ sung vào những gì họ đã biết ở trung tâm nghiên cứu tại thành phố bí mật Sarov cách Moskva vài giờ xe chạy về phía đông nam. Vì Nguyên soái Beria chỉ chấp nhận cái gì tốt nhất, ông đã nói với người lãnh đạo bộ tình báo quốc tế:
Lấy Albert Einstein về xem sao.
Nhưng… Albert Einstein… Vị sếp tình báo quốc tế lắp bắp.
Albert Einstein là bộ não sắc bén nhất trên thế giới. Ông định làm như tôi nói, hay đang muốn chết? Nguyên soái Beria nói.
Viên sếp tình báo quốc tế vừa quen một phụ nữ mới trong đời và không có gì trên trái đất này thơm như cô ấy, vì vậy ông không muốn chết tí nào. Nhưng trước khi viên sếp tình báo quốc tế kịp nói ra điều này với Nguyên soái Beria, thống chế đã ra lệnh:
Giải quyết vấn đề. Tôi nói rõ ràng hơn: Giải quyết vấn đề!
Tất nhiên, nó chẳng dễ dàng gì để bắt Albert Einstein rồi đóng gói gửi đi Moskva. Trước hết, họ phải tìm ra ông ta. Ông sinh ở Đức, nhưng đã chuyển tới Ý, sau đó đến Thụy Sĩ và Mỹ, và từ đó, ông đi qua lại giữa tất cả các nơi này vì đủ thứ lý do. Hiện thời ông có nhà riêng ở New Jersey, nhưng theo các điệp viên tại chỗ, ngôi nhà dường như bỏ không. Thêm nữa, nếu có thể, Nguyên soái Beria muốn vụ bắt cóc xảy ra ở châu Âu. Đưa lậu người nổi tiếng ra khỏi Hoa Kỳ và xuyên qua Đại Tây Dương không phải dễ.
Nhưng ông ta ở đâu? Ông hiếm khi hoặc không bao giờ nói với mọi người mình đi đâu trước một chuyến đi, và khét tiếng là đã đến muộn vài ngày cho những cuộc họp quan trọng đã định trước.
Viên sếp tình báo quốc tế đã viết một danh sách các địa điểm liên quan gần gũi với Einstein, rồi cử đến mỗi nơi một điệp viên để theo dõi. Tất nhiên, cả nhà của ông ta ở New Jersey, và nhà của bạn thân nhất của ông ở Genève. Ngoài ra là cả phát ngôn viên của Einstein ở Washington và hai người bạn khác, một ở Basel, một ở Cleveland, Ohio. Mất vài ngày kiên trì chờ đợi, nhưng rồi cũng có kết quả – dưới hình ảnh một người đàn ông mặc áo mưa màu xám, cổ dựng lên và đội mũ. Người đàn ông đi bộ đến nhà Michele Besso, bạn thân nhất còn sống của Albert Einstein. Ông ta bấm chuông cửa và được chính Besso chân thành và nhiệt tình chào đón, ngoài ra còn có một cặp vợ chồng già, họ cần được điều tra thêm. Điệp viên theo dõi đã triệu tập đồng nghiệp đang thi hành phận sự ở cách Basel 250km, và sau hàng tiếng đồng hồ nhòm qua cửa sổ, so sánh với những bộ ảnh mà họ mang theo, hai điệp viên đi đến kết luận rằng đây chính là Albert Einstein, đến thăm người bạn thân nhất của mình. Cặp vợ chồng già có lẽ là anh rể của Michele Besso và vợ ông ta, Maja, em gái của Albert Einstein. Một cuộc gặp mặt gia đình!
Albert ở đó với bạn mình và vợ chồng em gái suốt hai ngày theo dõi, trước khi lại mặc áo khoác, đi găng đội mũ và rời đi, cũng kín đáo như khi đến.
Nhưng ông không đi xa hơn được khúc quanh thì đã bị tóm lấy từ phía sau rồi nhanh như chớp bị đẩy vào ghế sau một chiếc xe hơi và gây mê bằng chất chloroform.
Sau đó ông được đưa qua Áo tới Hungary nơi có quan hệ hữu hảo với liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, vì thế không chất vấn lôi thôi khi phía Liên Xô tỏ muốn hạ cánh xuống sân bay quân sự ở Pécs lấy nhiên liệu cho máy bay, nhân tiện đón hai công dân Xô Viết và một người đàn ông rất buồn ngủ, rồi ngay lập tức cất cánh đi về đâu không rõ.
Ngày hôm sau, họ bắt đầu thẩm vấn Albert Einstein trong các cơ sở của công an mật ở Moskva, do Nguyên soái Beria phụ trách. Câu hỏi là liệu Einstein có chọn hợp tác, vì lợi ích sức khỏe bản thân, hay phản đối mà chẳng giúp được ai.
Tiếc thay, nó hóa ra lại là cái sau. Albert Einstein không chịu thừa nhận rằng mình từng nghĩ đến kỹ thuật phân hạch hạt nhân (mặc dù ai cũng biết ngay từ năm 1939, ông đã liên lạc với Tổng thống Roosevelt về vấn đề này, từ đó đã dẫn đến dự án Manhattan). Thực ra, thậm chí Albert Einstein còn không nhận mình là Albert Einstein. Ông khăng khăng với sự bướng bỉnh ngu ngốc rằng thực ra mình là em trai của Albert Einstein, Herbert Einstein. Tuy nhiên, Albert Einstein không có em trai mà chỉ có một em gái thôi. Do đó, đương nhiên trò lừa đảo này không qua mắt được Beria và các điều tra viên của ông, và họ sắp xuống tay bạo lực thì một chuyện đáng chú ý đã xảy ra ở Đại lộ số Bảy ở New York, phía bên kia của thế giới. đó, tại phòng Carnegie, chính Albert Einstein đang thuyết trình bài giảng nổi tiếng về thuyết tương đối, với khán giả là 2.800 khách mời đặc biệt, trong đó có hai gián điệp của Liên Xô.
Hai Albert Einstein thành ra thừa mất một cho Nguyên soái Beria, cho dù một người ở ở phía bên kia Đại Tây Dương. Chẳng bao lâu có thể xác định rằng người ở phòng Carnegie là thật, thế thì gã chết tiệt kia là ai?
Bị đe dọa phải chịu những điều mà không ai muốn chịu, Albert Einstein rởm hứa sẽ làm rõ mọi chuyện cho Nguyên soái Beria.
– Ông sẽ được biết rõ ràng về mọi thứ, thưa nguyên soái, miễn là ông đừng ngắt lời tôi, Albert Einstein rởm đã hứa.
Nguyên soái Beria hứa sẽ không ngắt lời ông ta bằng bất cứ cái gì khác ngoài một viên đạn trong đầu Einstein rởm, và rằng ông sẽ đợi để làm điều đó ngay nếu biết rõ rằng mình đang nghe toàn những lời dối trá.
– Đấy, ông cứ tiếp tục đi. Đừng để tôi phải ngăn lại, Nguyên soái Beria nói và lên cò súng.
Người đàn ông trước đó đã tuyên bố rằng mình là Herbert, em trai không ai biết của Albert Einstein, hít một hơi thật sâu và bắt đầu bằng cách… nói y như thế một lần nữa (suýt nữa thì bị bắn ngay lúc đó).
Câu chuyện tiếp theo, nếu đúng là sự thật, buồn đến nỗi nguyên soái Beria không thể giết ngay người kể.
Herbert Einstein nói rằng Hermann và Pauline Einstein đã thực sự có hai con: con trai đầu lòng Albert, sau đó là con gái Maja. Về chuyện đó, nguyên soái đã đúng. Nhưng sự tình là bố của Einstein đã không giữ nổi đôi tay và các bộ phận khác của cơ thể mình rời khỏi cô thư ký xinh đẹp (nhưng trí thông minh rất hạn chế) tại nhà máy điện hóa học mà ông điều hành ở Munich. Điều này làm nên bí mật của Herbert, Albert và Maja và người em không hợp pháp.
Đúng như các điệp viên của nguyên soái đã xác định, Herbert gần như một bản sao chính xác của Albert, mặc dù trẻ hơn 13 tuổi. Tất nhiên, từ vẻ bên ngoài, người ta không thấy được là Herbert đã không may thừa hưởng tất cả trí thông minh của mẹ mình. Hoặc cũng thiếu như mẹ.
Năm 1895, khi Herbert được hai tuổi, gia đình đã di chuyển từ Munich đến Milan. Herbert đi theo, nhưng mẹ ông thì không. Tất nhiên bố Einstein đã đề nghị với bà một giải pháp thích hợp, nhưng mẹ Herbert không quan tâm. Bà không khoái thay xúc xích Đức bằng mì spaghetti, và tiếng Đức thay bằng… ngôn ngữ gì đó mà họ nói ở Ý. Thêm nữa, đứa bé quấy quá, nó gào thét suốt ngày đòi ăn và bĩnh nhoe nhoét trong tã của mình! Nếu ai đó muốn đưa Herbert đi chỗ khác, cũng tốt thôi, nhưng bà không đi đâu cả.
Mẹ của Herbert nhận một số tiền khá lớn từ bố Einstein để sinh sống. Nghe đồn rằng sau đó, bà đã gặp một bá tước, người đã thuyết phục bà đầu tư tất cả tiền vào cái máy gần hoàn thành của mình để sản xuất của một thứ thần dược chữa khỏi mọi bệnh tật trên đời. Nhưng rồi bá tước đã biến mất, và chắc đã mang thần dược đi theo vì bà mẹ nghèo khổ của Herbert qua đời vài năm sau đó, bị bệnh lao.
Thế là Herbert lớn lên cùng với anh Albert và chị Maja. Nhưng để tránh scandal, bố Einstein đã quyết định rằng Herbert nên được gọi là cháu họ chứ không phải con trai ông. Herbert chưa bao giờ thật gần gũi với anh trai mình, nhưng ông yêu thương chị gái chân thành, dù bị buộc phải gọi là chị họ.
Tóm lại, Herbert Einstein nói, tôi đã bị mẹ bỏ rơi và cha phủ nhận – và tôi thông minh như là một bao khoai tây. Suốt đời tôi chưa làm được việc gì hữu ích mà chỉ sống nhờ thừa kế từ cha tôi, và tôi chẳng có một ý tưởng tài năng nào.
Theo câu chuyện, nguyên soái Beria đã hạ súng lục xuống và gạt lại chốt an toàn. Câu chuyện có vẻ đáng tin, và nguyên soái thậm chí cảm thấy hơi nể sự tự ý thức mà gã Herbert Einstein ngu ngốc đã thể hiện rõ ràng.
Nên làm gì bây giờ? Nguyên soái đứng lên khỏi chiếc ghế trong phòng thẩm vấn. Vì mục đích an ninh, ông đã đặt sang một bên tất cả suy nghĩ đúng và sai, nhân danh cách mạng. Ông đã có đủ rắc rối rồi, không cần thêm một gánh nặng khác. Nguyên soái quay sang hai bảo vệ ở cửa:
Khử hắn đi.
Rồi ông rời khỏi phòng.
**
Sẽ chẳng hay ho gì khi phải báo cáo đồng chí Stalin về vụ lộn xộn Einstein Herbert, nhưng Nguyên soái Beria đã gặp may, vì trước khi ông kịp gặp rắc rối, đã có một bước đột phá tại cơ sở Los Alamos tại New Mexico.
Trong những năm qua, hơn 130.000 người đã làm việc trong cái gọi là Dự án Manhattan, và đương nhiên nhiều hơn một người trong số họ trung thành với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng chưa một ai có thể tiến sâu vào những hành lang bí mật nhất nơi mà Liên Xô có thể thu được những bí mật sâu thẳm nhất về bom nguyên tử.
Nhưng bây giờ họ biết điều gì đó quan trọng gần như thế. Họ biết rằng có một người Thụy Điển đã giải được câu đố, và họ biết tên ông ta!
Sau khi đã huy động toàn bộ mạng lưới tình báo Thụy Điển, nó chỉ mất chừng mười hai tiếng để tìm hiểu Allan Karlsson đang ở tại khách sạn Grand, Stockholm, và theo tin tình báo Liên Xô, cả ngày ông chỉ đi thơ thẩn sau khi sếp của chương trình vũ khí nguyên tử Thụy Điển tuyên bố không cần tuyển dụng Karlsson.
Vấn đề là ai lập kỷ lục thế giới về ngu dốt, Nguyên soái Beria tự nhủ. Sếp của chương trình vũ khí nguyên tử Thụy Điển hay mẹ của Herbert Einstein…
Lúc này, Nguyên soái Beria đã chọn một chiến thuật khác. Thay vì dùng vũ lực bắt người, Allan Karlsson sẽ được thuyết phục để đổi kiến thức của mình lấy một khoản đôla Mỹ đáng kể. Và người đầu tiên được trao nhiệm vụ thuyết phục phải là một nhà khoa học như Allan Karlsson chứ không phải là một điệp viên lúng túng và vụng về. Còn điệp viên ở đây (để cho an toàn) ngồi sau tay lái làm tài xế riêng cho Yury Borisovich Popov, nhà vật lý có lẽ là xuất sắc nhất trong nhóm vũ khí nguyên tử của Nguyên soái Beria.
Và báo cáo hiện nay là mọi thứ đã đi theo kế hoạch, Yury Borisovich đang trên đường trở về Moskva, mang theo Allan Karlsson – và Karlsson đã tỏ ra tích cực giúp đỡ họ.
**
Nguyên soái Beria có văn phòng tại Moskva ở bên trong điện Kremlin, đồng chí Stalin muốn như vậy. Đích thân nguyên soái ra gặp Allan Karlsson và Yury Borisovich khi họ bước vào tiền sảnh.
Chân thành chào đón ông, ông Karlsson, Nguyên soái Beria nói và bắt tay ông.
Cảm ơn nguyên soái, Allan đáp.
Nguyên soái Beria không phải là kiểu người ngồi tán gẫu những chuyện vô bổ. Ông nghĩ cuộc sống quá ngắn để làm điều đó (dù sao ông cũng không giao tiếp tốt lắm). Vì vậy, ông nói với Allan:
Nếu tôi hiểu các báo cáo một cách chính xác thì ông, ông Karlsson, sẵn sàng hỗ trợ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên Xô về vấn đề hạt nhân để đổi lấy thù lao 100.000 đôla.
Allan đáp ông không nghĩ nhiều lắm đến tiền, nhưng sẽ vui lòng giúp Yury Borisovich một tay nếu cần và có vẻ nó đang cần. Nhưng sẽ tiện hơn nếu nguyên soái cùng với quả bom nguyên tử có thể đợi đến hôm sau, vì chuyến đi mới đây quá là dài.
Nguyên soái Beria đáp ông hiểu rằng cuộc hành trình khiến ông Karlsson khá mệt mỏi, và họ sẽ sớm ăn tối với đồng chí Stalin, sau đó, ông Karlsson có thể nghỉ ngơi trong phòng hạng nhất của điện Kremlin.
Đồng chí Stalin không hà tiện về thức ăn. Có trứng cá hồi và cá trích, dưa chuột muối, salad thịt và rau nướng, súp rau chua, thịt viên nhồi pelmeni, bánh rán blini, sườn cừu, bánh pirogues với kem. Kèm theo là rượu vang nhiều loại khác nhau và tất nhiên cả vodka. Và nhiều vodka hơn nữa.
Ngồi quanh bàn là đích thân đồng chí Stalin, Allan Karlsson từ Yxhult, nhà vật lý hạt nhân Yury Borisovich Popov, sếp an ninh của Liên Xô – Nguyên soái Lavrenty Pavlovich Beria và một người đàn ông trẻ, gần như vô hình, không ăn cũng không uống. Anh ta là thông dịch viên, và họ giả vờ như anh không có ở đó.
Stalin có tinh thần phấn chấn ngay từ đầu. Lavrenty Pavlovich luôn luôn được việc! OK, ông đã nhầm lẫn với Einstein, chuyện đến tai Stalin, nhưng nó xong rồi. Thêm nữa, Einstein (thực) chỉ có bộ não, còn Karlsson có kiến thức chính xác và chi tiết!
Và hơn thế, Karlsson có vẻ là một người tử tế. Ông đã kể với Stalin về xuất thân của mình, mặc dù rất ngắn gọn. Cha ông đã chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội ở Thụy Điển và sau đó sang Nga với cùng mục đích. Đáng ngưỡng mộ thực sự! Về phần mình, người con trai đã chiến đấu trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha và Stalin không nhạy cảm đến mức phải hỏi là cho phe nào. Sau đó, ông đã đi du lịch đến Mỹ (chắc phải bỏ chạy, Stalin giả định) và tình cờ phục vụ quân Đồng minh… và điều đó có thể được tha thứ, chính bản thân Stalin, nói cho cùng, cũng làm tương tự ở cuối cuộc chiến tranh.
Sau khi ăn món chính vài phút, Stalin đã biết cách hát chúc rượu kiểu Thụy Điển ‘Helan går, sjunghoppfaderallanlallanlej’ mỗi lúc họ cụng ly. Để đáp lại, Allan đã ca ngợi giọng hát của Stalin, khiến ông kể ra hồi trẻ, mình không chỉ hát trong dàn đồng ca mà thậm chí còn là một nghệ sĩ độc tấu tại các đám cưới, và rồi ông đứng dậy, chứng minh bằng cách nhảy quanh sàn nhà, vung vẩy tay chân tứ tung để hát một bài mà Allan nghĩ gần như… kiểu Ấn Độ… nhưng khá hay!
Allan không biết hát, đơn giản là ông không thể làm gì mang tí giá trị văn hóa, ông thức điều đó, nhưng đang hứng nên vẫn cố tìm cái cái gì đó hơn là chỉ ‘Helan går…’, và cái duy nhất ông có thể nhớ ngay ra là bài thơ của Verner von Heidenstam mà giáo viên trung học ở làng của Allan đã bắt bọn trẻ phải ghi nhớ.
Vì vậy, khi Stalin trở lại chỗ ngồi thì Allan đứng lên và tuyên bố bằng tiếng quê hương Thụy Điển:
Thụy Điển, Thụy Điển, quê hương ta Nơi chốn ta khao khát,
Mái nhà ta trên trái đất này
Giờ là lúc vùng lên, những đoàn quân thắp lửa, làm nên truyền thuyết. Tay trong tay,
người thề lời thề xưa vĩnh viễn trung thành.
Lúc mới tám tuổi, Allan không hiểu những gì mình đọc, và giờ đây đọc lại một lần nữa bài thơ, với màn trình diễn đầy ấn tượng, ông nhận ra rằng 37 năm sau, mình vẫn chẳng hiểu nó nói về cái gì. Nhưng dù sao nó bằng tiếng Thụy Điển nên phiên dịch Nga-Anh (như cái bóng) ngồi im thin thít trên ghế và càng có vẻ vô hình hơn.
Tuy nhiên Allan, (sau khi những tràng pháo tay đã tắt), công bố rằng mình vừa đọc thơ Verner von Heidenstam. Lẽ ra Allan nên nhịn mồm đừng cung cấp thông tin đó, mà chỉnh sửa một tí sự thật, nếu ông biết được đồng chí Stalin sẽ phản ứng thế nào.
Thực tế là đồng chí Stalin vốn là một nhà thơ, thậm chí là một tài năng nữa. Tuy tinh thần của thời đại đã khiến ông trở thành một chiến sĩ cách mạng thay vì nhà thơ nhưng nền tảng thơ ca vẫn còn đó, và dù sao Stalin vẫn quan tâm đến thơ ca và am hiểu về các nhà thơ đương đại hàng đầu.
Khổ thay cho Allan, Stalin biết rất rõ Verner von Heidenstam là ai. Và khác với Allan, ông biết tất cả về tình yêu của Verner von Heidenstam với nước Đức. Và tình yêu đó có qua có lại. Cánh tay phải của Hitler, Rudolf Hess, đã đến thăm nhà của Heidenstam trong những năm 1930, và ngay sau đó Heidenstam đã được trao tặng bằng tiến sĩ danh dự của trường đại học ở Heidelberg.
Tất cả điều này khiến tâm trạng của Stalin thay đổi đột ngột.
Có phải ông Karlsson ngồi ở đây và xúc phạm chủ nhà đã hào phóng đón tiếp ông với vòng tay rộng mở? Stalin nói.
Allan cam đoan rằng không phải thế. Nếu Heidenstam đã làm ông Stalin khó chịu thì Allan hết sức xin lỗi. Có lẽ điều an ủi là Heidenstam đã chết vài năm rồi?
-Thế ‘sjunghoppfaderallanlallanlej’ thực sự có nghĩa là gì? Nó có phải là một cách tôn kính kẻ thù cách mạng, mà ông dám bắt chính Stalin phải nhắc lại? Stalin luôn nói về mình ở ngôi thứ ba khi ông nổi giận.
Allan đáp ông cần một thời gian suy nghĩ để có thể dịch ‘sjunghoppfaderallanlallanlej’ sang tiếng Anh, nhưng ông Stalin có thể yên tâm rằng nó là không khác hơn một câu cảm thán vui vẻ.
Một câu cảm thán vui vẻ à? đồng chí Stalin cao giọng. Ông Karlsson nghĩ rằng Stalin trông giống như một người ham vui sao?
Allan bắt đầu mệt mỏi với sự nhạy cảm quá mức của Stalin. Ông già mặt đỏ bừng, rất tức giận, chẳng vì lí do gì. Stalin tiếp tục:
Thế thực sự ông đã làm gì trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha? Tốt nhất là phải hỏi người hâm mộ Heidenstam – ông chiến đấu cho phe nào?
Ông có một giác quan thứ sáu hay sao, đồ quỷ? Allan nghĩ. Ôi chà, ông ta đã tức giận hết mức có thể, cho nên có lẽ cứ nói thật ra cho xong.
Tôi đã không thực sự chiến đấu, thưa ông Stalin, nhưng đầu tiên tôi đã giúp những người cộng hòa, và cuối cùng, tình cờ tôi đổi bên và trở thành bạn tốt với Tướng Franco.
Tướng Franco? Stalin gầm lên, và đứng bật dậy làm chiếc ghế sau lưng ông đổ kềnh ra.
Hóa ra còn có thể giận dữ hơn nữa. Trong cuộc sống đầy biến cố của Allan, đôi khi có người quát vào mặt ông, nhưng ông không bao giờ bao giờ quát lại, và cũng chẳng định làm thế trước mặt Stalin. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông chẳng phản ứng gì. Ngược lại, ông đã nhanh chóng biết cách chọc tức người đang lớn tiếng ở phía bàn bên kia, theo cách của mình.
Và không chỉ vậy, ông Stalin ạ. Tôi đã ở Trung Quốc để gây chiến chống lại Mao
Trạch Đông, trước khi đến Iran ngăn chặn một nỗ lực ám sát Churchill.
– Churchill ư? Con lợn béo đó! Stalin hét lên.
Stalin định thần một lúc trước khi nốc cạn ly vodka đầy. Allan nhìn một cách ghen tị, ông cũng muốn một ly, nhưng bụng bảo dạ đây không phải là lúc để đưa ra yêu cầu loại đó.
Nguyên soái Beria và Yury Borisovich chẳng nói gì. Nhưng biểu hiện trên mặt họ khác nhau. Trong khi Beria nhìn chằm chằm vào Allan một cách giận dữ thì Yury chỉ có vẻ đau khổ.
Stalin dốc hết chỗ vodka vừa rót rồi hạ giọng xuống mức bình thường. Ông vẫn còn tức giận.
Stalin hiểu như vậy có chính xác không? Stalin nói. Ông đã về phe Franco, đã chiến đấu chống lại đồng chí Mao, ông đã… cứu mạng con lợn đó ở London và đã đặt vũ khí nguy hiểm nhất thế giới vào tay bọn tư bản đầu sỏ ở Mỹ.
Ta đáng lẽ phải biết rõ chuyện này chứ, Stalin lầm bầm và trong cơn tức giận quên mất phải nói ở ngôi thứ ba. Và bây giờ ông đang ở đây để bán mình cho chủ nghĩa xã hội Liên Xô? Một trăm ngàn đôla, là mức giá cho linh hồn ông? Hay giá đã tăng lên trong buổi tối nay rồi?
Allan không còn muốn giúp nữa. Tất nhiên, Yury vẫn là một người đàn ông tốt và thực sự cần giúp đỡ. Nhưng thực tế vẫn là kết quả công việc của Yury sẽ rơi vào tay đồng chí Stalin, và ông ta không phải là đồng chí như Allan nghĩ. Ngược lại, ông ta có vẻ thất thường, và có lẽ lành nhất là đừng cho ông ta quả bom để nghịch.
Không hẳn thế, Allan đáp, ngay từ đầu nó chưa bao giờ là chuyện tiền bạc…
Ông chưa nói hết thì Stalin đã lại nổi lôi đình.
Ông tưởng ông là ai, đồ chuột cống khốn kiếp? Stalin gầm lên. Ông có nghĩ là mình, một đại diện của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tư bản Mỹ kinh tởm, hiện thân cho mọi thứ mà Stalin khinh miệt nhất trên trái đất, ông, ông dám đến điện Kremlin, điện Kremlin, và mặc cả với Stalin, mặc cả với Stalin?
Tại sao ông nói cái gì cũng hai lần? Allan thắc mắc, trong khi Stalin tiếp tục:
Liên Xô đang chuẩn bị cho chiến tranh lần nữa, tôi báo ông biết! Sẽ có chiến tranh, chắc chắn sẽ có chiến tranh đến khi nào đế quốc Mỹ bị xóa sổ.
Ồ, thế à? Allan đáp.
Để chiến đấu và giành chiến thắng, chúng ta không cần bom nguyên tử chết tiệt của ông! Những gì chúng ta cần là trái tim và linh hồn xã hội chủ nghĩa! Người cảm thấy không bao giờ có thể bị đánh bại thì sẽ không bao giờ bị đánh bại!
Tất nhiên trừ phi có ai đó thả một quả bom nguyên tử vào anh ta, Allan đáp.
Ta sẽ tiêu diệt chủ nghĩa tư bản! Ngươi nghe chưa! Ta sẽ tiêu diệt từng tên tư bản một! Và ta sẽ bắt đầu với ngươi, đồ chó, nếu ngươi không giúp ta chế tạo bom!
Allan để ý thấy trong khoảng một phút mình đã hóa thành cả chuột và chó. Và Stalin rõ ràng không lành mạnh lắm, vì cuối cùng vẫn định dùng dịch vụ của Allan. Nhưng Allan thì sẽ không ngồi nghe sỉ nhục mình nữa. Ông đến Moskva để giúp họ một tay chứ không phải để bị quát vào mặt. Bây giờ thì kệ Stalin tự lo.
Tôi đang nghĩ một điều, Allan nói.
Cái gì? Stalin giận dữ hỏi.
Tại sao ông không cạo bộ ria mép đó đi?
Thế là bữa tối chấm dứt bởi vì phiên dịch ngất xỉu.
**
Kế hoạch lập tức đảo lộn hết. Allan không bao giờ được đặt chân vào phòng khách sang nhất ở điện Kremlin mà phải vào phòng giam không có cửa sổ trong hầm rượu của công an mật nhà nước. Đồng chí Stalin cuối cùng đã quyết định rằng Liên Xô sẽ có một quả bom nguyên tử, do các chuyên gia của mình tìm ra cách chế tạo, hoặc qua hoạt động gián điệp đàng hoàng kiểu cũ. Họ sẽ không bắt cóc bất kỳ người phương Tây nào nữa và chắc chắn sẽ không mặc cả với bọn tư bản phát xít hoặc cả hai.
Yury hết sức khổ sở. Không chỉ vì ông đã thuyết phục Allan tốt bụng đến Liên Xô, nơi cái chết chắc chắn đang chờ đợi, mà còn vì đồng chí Stalin bộc lộ những nhược điểm tính cách như thế! Lãnh tụ Vĩ đại thông minh, có giáo dục, nhảy rất giỏi và có giọng hát tốt. Và hơn hết, ông ta hoàn toàn điên rồ! Allan tình cờ trích dẫn một nhà thơ sai và trong một vài giây, bữa ăn tối thú vị đã biến thành một thảm họa…
Yury đã liều mạng cố gắng hết sức thận trọng nói chuyện với Beria về vụ xử tử Allan sắp xảy ra và hỏi liệu có giải pháp thay thế nào không.
Về vấn đề này, Yury đã đánh giá sai nguyên soái. Tất nhiên, ông ta đã dùng bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đã tra tấn và giết cả tội phạm lẫn người vô tội, và còn nhiều điều hơn thế nữa… nhưng cho dù nhiều lần hành xử đáng phẫn nộ, Nguyên soái Beria đã làm một việc có ý nghĩa duy nhất vì lợi ích tối cao của Liên Xô.
Đừng lo lắng, Yury Borisovich thân mến của tôi, ông Karlssosn sẽ không chết đâu. Ít nhất là chưa.
Nguyên soái Beria giải thích rằng ông dự định giữ Allan Karlsson ở một nơi nào đó biệt lập để phòng khi Yury Borisovich và các nhà khoa học của mình tiếp tục thất bại không chế tạo được bom trong thời hạn cho phép. Lời giải thích ngầm ẩn chứa sự đe dọa, và Nguyên soái Beria rất hài lòng với điều đó.
**
Trong khi chờ đợi xét xử, Allan ngồi ở một trong rất nhiều phòng giam tại trụ sở của công an mật. Điều duy nhất xảy ra là mỗi ngày Allan được phục vụ một ổ bánh mì, ba mươi gam đường và ba bữa ăn nóng (súp rau, súp rau và súp rau).
Đồ ăn trong điện Kremlin chắc chắn ngon hơn là ở phòng giam. Nhưng Allan nghĩ rằng mặc dù món súp có vị như thế song ít nhất ông còn có thể bình yên thưởng thức nó mà không bị ai đứng đó quát tháo vì những lý do không thể hiểu nổi.
Chế độ ăn uống mới này kéo dài sáu ngày đến khi tòa án an ninh đặc biệt triệu tập một phiên tòa. Phòng xử án, cũng như phòng giam của Allan, đặt tại trụ sở hoành tránh của công an mật cạnh quảng trường Lubyanka, nhưng cao hơn một vài tầng. Allan ngồi trên ghế trước mặt một thẩm phán ở sau cái bục. Bên trái của vị thẩm phán là công tố viên, một người đàn ông với khuôn mặt ảm đạm, và luật sư bảo vệ của Allan, người này mặt cũng ảm đạm nốt.
Để bắt đầu, công tố viên nói gì đó bằng tiếng Nga mà Allan không hiểu. Sau đó, luật sư bào chữa nói gì đó khác bằng tiếng Nga mà Allan mù tịt. Rồi thẩm phán gật đầu như thể đang suy nghĩ, trước khi mở ra đọc lén một tờ giấy nhỏ (để chắc chắn rằng mình hiểu đúng) và sau đó công bố phán quyết của tòa án:
Tòa án đặc biệt buộc tội Allan Emmanuel Karlsson, công dân vương quốc Thụy Điển, là một yếu tố gây nguy hiểm cho xã hội xã hội chủ nghĩa Xô viết, nhận án ba mươi năm trong trại cải tạo tại Vladivostok.
Thẩm phán thông báo cho người bị kết án là có thể xin chống án, và nó sẽ được Xô Viết tối cao xử trong thời hạn ba tháng kể từ ngày hôm nay. Tuy nhiên, luật sư bào chữa của Allan Karlsson đã thay mặt cho Allan Karlsson thông báo với tòa rằng họ sẽ không kháng án. Trái lại, Allan Karlsson rất biết ơn vì án nhẹ. Tất nhiên Allan không bao giờ được hỏi là có biết ơn hay không, nhưng bản án chắc chắn cũng có những mặt tốt của nó. Thứ nhất, bị cáo được sống, mà khi đã bị xếp là một yếu tố nguy hiểm thì rất hiếm. Và thứ hai, thực tế rằng ông sẽ được đưa đến trại Gulag tại Vladivostok nơi có khí hậu “dễ chịu” nhất ở Siberia. Thời tiết cũng không khắc nghiệt hơn ở quê nhà Södermanland nhiều lắm, trong khi xa hơn về phía bắc trong nội địa Nga có thể lạnh tới âm 50, âm 60 và thậm chí còn âm 70 độ C.
Thế là Allan đã may lắm rồi, và bây giờ ông bị tống vào một toa tàu chở hàng trống trải với khoảng 30 nhà bất đồng chính kiến may mắn khác. Số hàng đặc biệt này cũng đã được cấp mỗi tù nhân ba cái chăn sau khi nhà vật lý Yury Borisovich Popov đã hối lộ các lính gác và sếp trực tiếp của họ với một nắm rúp. Sếp của nhóm gác lấy làm lạ rằng một công dân ưu tú như vậy lại quan tâm đến chuyến vận chuyển đơn giản đến trại Gulag, và thậm chí anh ta còn định báo cáo cấp trên của mình, nhưng rồi nhớ ra là mình đã nhận tiền bạc nên có lẽ tốt nhất là đừng gây phiền phức.
Allan không dễ dàng gì tìm được ai đó trong toa xe chở hàng để nói chuyện, hầu như tất cả mọi người chỉ nói được tiếng Nga. Nhưng một người đàn ông khoảng 55 tuổi có thể nói được tiếng Ý và vì Allan tất nhiên nói thạo tiếng Tây Ban Nha, nên họ có thể hiểu nhau khá tốt. Cũng đủ cho Allan hiểu rằng người đàn ông đã vô cùng đau khổ và suýt tự sát, nếu ông ta, tự nhận xét, không phải là một kẻ hèn nhát bên cạnh mọi thứ khác. Allan cố hết sức an ủi ông ta, nói rằng có lẽ mọi thứ sẽ đâu vào đó khi đoàn tàu đến Siberia, bởi vì ở đấy Allan nghĩ rằng ba cái chăn sẽ là không đủ nếu thời tiết ở trạng thái như thế.
Người Ý sụt sịt và co người lại. Rồi ông ta cảm ơn Allan đã động viên mình và bắt tay. Hóa ra ông ta vốn không phải là người Ý mà là người Đức. Herbert là tên ông ta. Họ của ông không liên quan gì, Herbert nói thêm.
**
Herbert Einstein chưa bao giờ gặp may mắn trong cuộc sống. Chỉ vì một rủi ro hành chính, ông đã bị kết án – giống như Allan – đến ba mươi năm trong trại cải tạo thay vì cái chết mà ông chân thành mong mỏi.
Và ông sẽ không chết cóng trên vùng băng giá Siberian nhờ mấy cái chăn được cho thêm. Ngoài ra, tháng Giêng năm 1948 là đỡ lạnh nhất trong năm. Nhưng Allan cam đoan rằng sẽ có nhiều khả năng mới cho Herbert. Sau cùng thì họ đang trên đường đến một trại lao động, cho nên, nếu không có gì thay đổi, ông có thể làm việc cho đến chết. Ông nghĩ sao?
Herbert thở dài đáp có lẽ mình quá lười biếng để làm điều đó, nhưng ông không dám chắc bởi vì cả đời ông chưa bao giờ lao động. Và ở đó, Allan có thể thấy sự khởi đầu. Bởi vì không thể cứ đi lại vẩn vơ trong một trại tù, nếu thế lính gác sẽ bắn cả đống đạn vào người ngay.
Herbert thích ý tưởng này, nhưng đồng thời nó cũng làm cho ông khiếp đảm. Một đống đạn, chẳng phải đau đớn kinh khủng lắm sao?
**
Allan Karlsson đã không đòi hỏi nhiều lắm trong cuộc sống. Ông chỉ muốn có một chiếc giường, rất nhiều đồ ăn, một cái gì đó để làm và thỉnh thoảng một ly vodka. Nếu có những thứ ấy, ông có thể chịu đựng hầu hết mọi thứ. Trại cải tạo ở Vladivostok cung cấp cho Allan mọi thứ ông muốn trừ vodka.
Thời đó, bến cảng ở Vladivostok gồm một phần mở và một phần đóng kín. Phần khép kín được bao quanh bởi một hàng rào cao hai mét, rào kín trại cải tạo Gulag với 40 doanh trại màu nâu xếp hàng bốn cái một. Hàng rào chạy suốt xuống bến cảng. Các tàu chở tù nhân Gulag bỏ neo bên trong hàng rào, những người khác ở ngoài. Trong thực tế, mọi thứ gần như được thực hiện bởi các tù nhân, chỉ trừ những thuyền đánh cá nhỏ và các thuyền viên phải tự xoay sở, hoặc thỉnh thoảng là tàu chở dầu loại lớn hơn.
Trừ vài ngoại lệ, mọi ngày ở trại cải tạo Vladivostok đều giống nhau. Kẻng đánh thức các doanh trại vào sáu giờ sáng, ăn sáng 15 phút sau. Ngày làm việc kéo dài 12 tiếng, từ 6 giờ rưỡi, với nửa tiếng nghỉ ăn trưa ở giữa. Ngay sau khi kết thúc ngày làm việc, có bữa ăn tối, rồi đến giờ bị nhốt lại cho đến sáng hôm sau.
Chế độ ăn uống khá đủ chất: chủ yếu là cá, nhưng hiếm khi dưới dạng súp. Lính canh trại không thân thiện lắm, nhưng ít nhất họ không bắn vào người ta mà không có nguyên nhân. Ngay cả Herbert Einstein cũng vẫn sống, dù trái với nguyện ước riêng của ông. Tất nhiên ông làm việc chậm chạp hơn bất kỳ tù nhân nào khác, nhưng vì ông luôn đứng rất gần Allan chăm chỉ nên không ai để ý.
Allan không phản đối phải làm việc cho hai người. Tuy nhiên ông đề ra một nguyên tắc là Herbert không được đứng phàn nàn suốt ngày về cuộc sống của mình khổ sở như thế nào, bởi vì Allan đã hiểu và có trí nhớ tốt. Nói mãi một điều chẳng để làm gì.
Herbert vâng lời, và thế là OK, như hầu hết mọi thứ đều OK.
Nếu nó không bị thiếu vodka. Allan có thể chịu đựng chính xác là năm năm và ba tuần. Rồi ông nói:
Giờ thì tôi muốn uống rất nhiều. Và chẳng có gì để uống ở đây. Vì vậy, đã đến lúc ra đi.
**