Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Ranh Giới

Chương 58: Mùa thu giữa Sài Gòn

Tác giả: Rain8x
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Chọn tập

Nếu như cuộc đời vẫn mãi êm đềm như những áng mây trắng trải dài trên nền trời trong xanh, phản chiếu xuống mặt hồ long lanh kia…

Và hững đám cỏ xanh mướt vẫn nâng niu những bước chân tuổi thơ hồn nhiên chạy trong ngọt ngào hạnh phúc. Dẫu có lúc nắng khi mưa, nhưng chưa bao giờ gợn những ưu phiền. Chỉ có bình yên, bên nụ cười hồn nhiên và đôi mắt mơ màng ấy.

Nhưng cuộc đời đâu có được như vậy.

Giấc mộng đã qua.

Chỉ còn sân ga quạnh vắng trong buổi chiều tàn với những đắng cay ngập tràn. Hồ nước và những tán cây xác xơ buông rủ thê lương. Thấy đôi chân mình cứ bước mải miết trong sương mù u ám. Và nhưng giọt mưa lạnh lẽo tái tê cứ vây bám mãi tâm hồn.

Và giờ…

Là hiện thực phũ phàng đây sao?

“Lại nghĩ lan man rồi.”

Đưa tay che những tia nắng chiếu rọi, hé mắt nhìn những tia sáng bỏng rát như thiêu đốt len lỏi qua kẽ ngón tay. Tôi khẽ cười khẩy.

“Mình đang chới với tìm điều gì nữa?”

– Anh dùng thêm bia nữa không ạ?

Tôi hơi giật mình quay trở lại với thực tại.

– Cho anh thêm 1 bia nữa. – Tôi gật đầu trả lời cậu phục vụ.

Câu ta nhanh nhảu cầm cốc bia đã cạn trên bàn để vào khay, đi vào. Lát sau bước ra với một cốc mới sóng sánh, mát lạnh.

Tôi cầm cốc bia tợp một ngụm. Sau những mát lạnh là sự nóng ran khắp toàn thân. Mặt đỏ phừng phừng. Tôi rút thuốc ra châm, lặng lẽ hút, rồi dõi mắt nhìn bâng quơ ra đường.

***

Trở về khách sạn lúc trời đã chạng vạng tối. Sau một ngày lang thang, với hơn chục cốc bia óc ách trong bụng.

– Anh ở phòng 602 ạ?

– Ừ, đúng rồi! Sao em?

– Em gửi anh chìa khóa! – Cô lễ tân lấy chìa khóa trong quầy đưa cho tôi.

– Ủa! Bạn anh không có trên phòng à? – Tôi cầm lấy chìa khóa, thắc mắc.

– Vâng! Các anh ấy trở về lúc sáng, rồi đi ra ngoài từ trưa anh à!

– Ừ! Cảm ơn em nhé!

– Vâng, cần chi anh cứ gọi!

Tôi gật đầu chào cô bé lễ tân rồi loạng choạng bước ra cửa thang máy.

Mở cửa phòng, bước vào. Tôi cởi áo ra rồi nằm vật xuống giường.

– “Chết thật!” – Giờ tôi mới nhớ ra mình đi vật vờ khắp Sài Gòn cả ngày hôm nay với bộ đồng phục điều dưỡng.

– “Thôi, lúc nào gửi Nhi mang vào trả cho anh Toàn vậy!” – Tôi thở dài tự nhủ, rồi gác tay lên trán nhìn lên trần nhà. Chiếc đèn chùm tỏa ánh sáng dìu dịu, điều hòa cũng tỏa ra từng làn hơi mát lạnh. Tôi thấy mệt, mệt thật sự. Mọi thứ cứ quay cuồng, rồi đôi mắt khép dần mở đường cho cơn buồn ngủ kéo đến rất nhanh.

***

– Dậy thôi anh! – Đang trong cơn mê man, chợt một bàn tay khẽ lay nhẹ. Tôi ti hí mắt nhìn, rồi bừng tỉnh trong sững sờ.

– Xoẹt! – Nàng kéo rèm cửa sang một bên. Để ánh nắng chiếu dọi vào căn phòng.

Nàng mở tiếp cánh cửa, từng làn gió nhẹ man mác thổi vào.

– Anh không thấy mình đang có lỗi lắm à? – Nàng ngoảnh lại nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, từng lọn tóc nhung huyền theo làn gió bay mơn man qua đôi má ửng hồng.

– Có lỗi? – Tôi chột dạ.

– Phải?

– Với ai?

– Anh nhìn ra ngoài trời đi, nắng chan hòa, gió đìu hiu. Mùa thu đang hỏi tội anh đó, còn nằm được nữa sao? – Nàng khẽ nhíu mày, đôi môi chúm chím nét tinh nghịch.

– Mình đang ở đâu? – Tôi tung chăn ngồi dậy, ngơ ngác nhìn quanh.

– Mình đang ở trong cuộc đời nhau! – Nàng bật cười khanh khách.

Một làn gió nữa thổi vào, tung bay cả chiếc rèm, và chiếc váy trắng nàng đang mặc. Tôi ngẩn ngơ nhìn, như muốn chết chìm trong khoảnh khắc ấy. Chợt tôi thấy một vài cánh hoa li ti theo gió ban tản mác trong căn phòng.

Tôi đưa tay hứng một cách hoa chao liệng, đáp nhẹ trong lòng bàn tay. Lòng chợt trào dâng những xúc cảm.

– Anh đang nghĩ gì? – Nàng ngồi kế bên tôi từ lúc nào, khẽ tựa đầu vào vai tôi thỏ thẻ.

– Những lúc như thế này, anh thường chẳng muốn nghĩ. – Tôi thở dài.

– Sao anh có vẻ suy tư vậy?

– Anh thấy mệt mỏi!

– Mệt mỏi! – Nàng ngẩng lên rồi quay sang nhìn tôi.

– Phải! – Tôi thở dài.

– Có phải lỗi tại….

– Không… – Tôi đưa tay bịt miệng nàng.

– Đừng nói điều mà anh không nghĩ!

– Nhưng anh lại khiến em phải nghĩ. – Nàng nhíu mày.

– Anh xin lỗi! – Tôi kéo nàng vào lòng.

– Mình đang bên nhau, tâm trạng này của anh có vẻ không thích hợp lắm với hoàn cảnh đâu. Hoàng tử ngốc! – Nàng cũng vòng tay ôm lấy tôi.

– Ngọc à!

– Dạ.

– Anh mệt mỏi vì cứ phải chạy đua với số phận để với tới khoảnh khắc này.

– Anh muốn dừng chân? – Nàng ngỡ ngàng.

– Anh cũng không biết nữa.

Chợt nàng đẩy tôi ra, rồi bước lại phía cửa sổ. Ngoảnh nhìn tôi..

– Ngọc, đừng… đừng khóc! – Tôi hoảng hốt khi thấy hai hàng lệ lăn dài trên má nàng.

– Số phận chỉ đặt ra thử thách, nhưng anh đang quyết định mình là kẻ thua cuộc. – Nàng nghẹn ngào.

– Anh không thể tự quyết định, anh không thể…! – Tôi đưa tay ôm đầu.

Chợt một tiếng sấm rền vang. Tôi giật mình ngẩng lên, khung cảnh căn phòng đã biến mất.

– Choang!!! – Tiếng thủy tinh vỡ rơi ngay bên cạnh. Tôi thấy mình đang đứng dưới sân khách sạn ở Tam Đảo, nhìn mảnh chai bia văng tung tóe. Cậu lễ tân bước ra ngó lên trên, lắc đầu lẩm bẩm mấy câu rồi quay vào trong lấy chổi.

– Tu…tu….tu…. – Tiếng còi tàu hú vang, kéo theo cảnh vật xoay chuyển.

Một bóng người chạy vụt qua tôi, chạy mải miết theo đường ray, đuổi theo đoàn tàu đã đi xa. Chạy cho đến khi sức cùng lực kiệt mới khụy xuống, nước mắt lưng tròng. Tay run run nắm chặt lá thư…

Tôi nhìn theo nhân ảnh quá khứ của chính mình, tim đau nhói với bao ký ức đau thương đang ùa về.

– Đứng dậy đi anh! – Chợt một bàn tay ôm nhẹ tôi từ đằng sau.

– Nhìn ánh hoàng hôn ấy đi, em sẽ giữ lời, chỉ cần anh đứng dậy! – Tiếng nói nhẹ nhàng quen thuộc thoang thoảng.

– Ngọc!! – Tôi vội quay lại. Nhưng không thấy hình bóng yêu thương đâu, chỉ có hồ nước vẫn lung linh. Và một mình tôi đang đứng đó.

– Ngọc!! Ngọc!! – Tôi gào tên nàng, giữa hỗn độn những đan xen quá khứ và giấc mơ trong tuyệt vọng.

***

– Không!!! – Tôi bật ngồi dậy, thở hổn hển.

– Tỉnh rồi!

Tôi đưa tay dụi mắt, khuôn mặt thằng Hòa đang săm soi nhìn tôi dần hiện ra.

– Đại ca! – Thằng Sơn vội bước lại đỡ lấy tôi.

– Gì thế này? – Tôi đảo mắt ngó quanh, thấy mình nằm trong một căn phòng sặc mùi bệnh viện. Cánh tay đau đau, vướng víu, tôi dơ lên, thấy dây dợ truyền nước loằng ngoằng.

– Tao đang ở đâu? – Tôi ngơ ngác.

– Cậu làm tụi này lo gần chết. – Lâm lè lưỡi.

– May mà bọn tớ về đúng lúc, không cậu “tỏi” rồi! – Hòa nhún vai.

– Thế này là thế nào? – Tôi thất thần.

– Đại ca bị cảm nắng, với sốt vi-rút. Vật vã 2 ngày nay rồi, đại ca không biết sao? – Sơn đỡ tôi nằm xuống.

– 2 ngày!? – Tôi thảng thốt.

– Tỉnh rồi à chú em? – Anh Toàn mở cửa bước vào. Tiến lại giường, theo sau là Chi.

– Nhìn chú em đô con thế mà yếu, mới dính một cơn mà hôn mê sâu khủng khiếp, cứ như kiểu chú em không muốn thức dậy nữa hay sao ý. – Anh Toàn vừa lấy ống nghe nhịp tim, rồi kiểm tra huyết áp cho tôi vừa nói.

– Em đang ở đâu vậy anh? – Tôi thều thào, lúc này mới thấy người uể oải, vô lực.

– Nhìn thấy bản mặt anh mà con hỏi. Chú mày chuyển tông từ điều dưỡng sang bênh nhân nhanh quá đấy – Anh Toàn nháy mắt.

– Em… – Tôi bối rối gãi đầu.

– Được trải nghiệm cả mưa lẫn nắng ở Sài Gòn đã quá ha! – Chi bước lại khoanh tay nhìn tôi có vẻ giận dỗi.

– Thôi để cậu ấy nghỉ ngơi đã, có gì nói chuyện sau. – Anh Toàn kiểm tra chai nước truyền. Rồi bước ra cửa.

– Có gì thì gọi anh nhé! Lát nữa sẽ có người mang thuốc qua.

– Vâng, cảm ơn bác! – Hòa gật đầu.

Anh Toàn đi rồi, tôi vẫn nằm thừ người ra. Đầu vẫn mông lung chưa định hình được hiện trạng của mình.

– Ngọc… Ngọc thế nào rồi em? – Mãi một lúc sau tôi mới mở miệng hỏi Chi được một câu.

– Ổn, thay mặt “người ta”, chân thành cảm ơn anh về sự quan tâm! – Chi bĩu môi.

– Anh… anh…! – Tôi lại bối rối, chẳng biết nói sao nữa khi đã phụ sự nhiệt tình của tất cả mọi người.

– Thôi để cho cu Hiếu nghỉ đã bạn, xử lý nó sau! – Hòa xua tay.

– Ai dám xử lý! – Chi ngúng nguẩy bước ra đóng sầm cửa lại.

– Con gái Sài Gòn ghê thiệt! – Lâm lè lưỡi.

– Tớ thấy cá tính đấy chứ! – Hòa ha hả cười.

Sơn không nói gì lẳng lặng bước ra ngoài. Lát sau thấy nó mang vào một tô cháo nghi ngút khói.

– Đại ca nạp hết chỗ này vào đi, 2 ngày qua không ăn được gì rồi!

– Tao tưởng tao không xứng đáng làm đại ca của mày nữa mà.

– Lúc giận quá không kiểm soát được thì em nói vậy thôi, suy tính lại thì đại ca cũng chẳng thoải mái gì. Mấy ngày nay đã minh chứng rõ ràng rồi.

– Là sao?

– Đại ca ăn đi đã, mọi chuyện sẽ nói sau. – Nó cẩn thận để tô cháo vào khay rồi đặt lên người tôi.

Bụng đói cồn cào, tôi cầm thìa múc cháo ăn ngon lành. Một loáng đã hết, tự nhiên cảm thấy người có thêm tí sức lực.

– Nữa không đại ca?

– Thôi, tao đủ rồi! – Tôi xua tay.

– Mọi chuyện là như thế nào? – Tôi với cốc nước làm một ngụm, rồi cất giọng hỏi.

– Sáng hôm ấy sau khi đại ca bỏ đi, tụi em cũng về khách sạn. Đến trưa thì gọi cho đại ca mãi không được. Mấy thằng mới kéo nhau đi ăn rồi đi vật vờ lượn lờ khắp Sài Gòn, chiều điện lại cũng không thấy đại ca nghe máy. Tối về khách sạn mới thấy đại ca nằm mê man, sốt hừng hực. Mới đưa đại ca vào đây.

– Vậy là tao cũng đang ở Chợ Rẫy?

– Thì còn ở đâu nữa?

– Ngọc… có biết tình hình gì của Ngọc không?

– Sếp sức khỏe đã ổn định rồi, thấy anh Toàn bảo khoảng gần một tuần nữa là có thể ra viện.

– Chúng mày gặp chưa?

– Chưa, bọn em thi thoảng bịt khẩu trang tạt té ngó nghiêng qua phòng sếp đang nằm, nhưng lúc nào cũng đóng cửa nên không nhìn thấy được sếp. Chỉ hỏi qua anh Toàn thôi. Mọi người vẫn nhờ anh Toàn giấu việc cả lũ vào trong này và đại ca đang vật vã ở đây.

– Ừ, nên như vậy! – Tôi thở dài.

– Đại ca, đại ca không thể buông được chuyện này đâu!

– Đó là việc của tao.

– Em biết đại ca đang dằn vặt vụ bố của sếp mất, nhưng suy cho cùng đấy là số phận, đại ca không thể tự đổ lỗi cho chính mình mà bỏ đi tất cả những gì đại ca đã xây dựng và theo đuổi…

– Im đi! – Tôi gắt lên cắt lời nó.

– Sơn nói đúng đấy cậu. Đã mất công vào đây mà cậu lại xử lý mọi việc như vậy, tớ và tất cả mọi người đều không cam tâm. – Hòa cũng chen vào.

– Tao đã bảo không phải việc của chúng mày, đừng lên mặt dạy đời nữa. – Tôi quát lớn.

– Đại ca đừng bảo thủ. Hãy đợi mọi chuyện yên ắng rồi tìm phương hướng giải quyết!

– Ra ngoài, tất cả ra ngoài hết! – Tôi bực mình hét lớn.

– Thôi được rồi, đi ăn đi chúng mày! – Lâm khoát tay rồi bước ra cửa. Sơn với Hòa nhìn tôi khẽ lắc đầu rồi cũng bước theo sau.

– Từ từ đã! – Tôi vội gọi giật lại.

– Sao hả? – Sơn ngoái lại nhìn tôi.

– Vứt… vứt tao điếu thuốc.

– Đại ca điên mất rồi! – Sơn nhìn tôi ngạc nhiên.

– Thôi phắn đi, tao đếch cần! – Tôi bực bội xua tay.

Sơn tròn mắt nhìn tôi thêm giây lát, rồi nó quẳng vào giường bao thuốc với cái bật lửa, sau đó đóng cửa lại.

Chúng nó đi được một lúc, tôi mới bắt đầu gượng dậy. Cầm lấy bao thuốc và bật lửa nhét vào túi áo bệnh nhân, với tay lấy điện thoại trên bàn, sau đó kéo cả cái cây treo chai nước truyền, uể oải bước ra ngoài.

***

Trời đã tối hẳn. Tuy nhiên tiết trời vẫn bức bối và ngột ngạt. Tôi lững thững đi dọc hành lang, dạo lòng vòng, rồi đi xuống khoảng sân phía dưới cho thoáng. Ngồi xuống ghế đá, rút máy ra điện về cho mẹ. Hỏi han tình hình, rồi nói qua việc nhập học cho mẹ yên tâm. Sau đó ngồi phì phèo hút thuốc.

Nghĩ đời trớ trêu thật, lúc vào đây cũng chẳng thể nghĩ được gì, chỉ biết vào với nàng, ở bên nàng. Vậy mà giờ thỉ sao?? Gần ngay bên nhau mà khoảng cách còn hơn cả những ngày chúng tôi xa nhau gấp trăm nghìn lần. Chẳng biết điều tôi đang làm là đúng hay sai? Nhưng giấc mơ trong cơn mê sảng ấy, như đang muốn vấn tội lương tâm của chính mình vậy.

Hút xong hai điếu thuốc tôi đứng dậy, kéo cái cây truyền nước trở lên phòng. Bỗng tôi khựng lại, rồi cuống cuồng nấp vào một gốc cây.

– Đi từ từ thôi con.

– Dạ!

– Vận động nhiều thế này, lát phải ăn hết tô cháo nghen!

– Dì đừng ép con nữa, con sợ cháo lắm rồi!

– Không ép sao được, phải ăn thì mới mau bình phục chứ.

Hai người dìu nhau bước qua, vừa đi vừa nói chuyện. Tôi đứng hình, tim đập thình thịch. Mồ hôi vã ra như tắm.

– Ngồi nghỉ một chút đi!

– Vâng!

Họ ngồi ngay xuống chiếc ghế đá mà tôi vừa ngồi, cách tôi có mấy bước chân. Tôi cố nép người vào gốc cây, may mà đêm tối, tán cây che bớt ánh đèn, nên cũng không ai để ý.

– Dì có cầm điện thoại theo không?

– Có, sao hả con?

– Cho con gọi nhờ một cuộc!

Người phụ nữ trung tuổi rút điện thoại ra đưa cho cháu gái.

– Nãy má con vừa vào rồi mà!

– Con không điện cho mẹ ạ, con điện cho bạn hỏi tình hình nhập học thôi. À, con khát nước quá, dì mua con chai nước nghen.

– Trời, nãy bảo mang nước theo mà không mang. Ngồi đây đợi dì!

Người phụ nữ cẩn thận chỉnh lại dây treo cánh tay đang bó bột của cháu gái rồi đứng dậy bước đi.

Liền sau đó tôi thấy túi áo rung rung. Chiếc điện thoại đang có cuộc gọi đến, nhưng vì trước lúc bị ốm, bọn thằng Sơn điện nhiều nên tôi chuyển sang chế độ rung, nên cũng chỉ báo rung.

Tôi rút điện thoại ra.

Nhìn màn hình điện thoại nhấp nháy mà tôi như muốn khụy xuống.

Tôi ngó ra nhìn đôi vai gầy quen thuộc. Tay run bắn nắm chặt chiếc điện thoại.

Cô gái đó, Mai Ngọc của tôi… nàng điện liền mấy cuộc. Nhưng tôi không dám nghe. Cứ cầm máy lên rồi lại buông thõng xuống. Môi mím chặt, từng dòng lệ tuôn rơi nóng hổi.

Chiếc điện thoại vẫn cứ rung liên hồi, như xoáy thêm vào tim tôi những đau đớn và kéo theo cả nỗi tuyệt vọng của nàng.

– Nước cam nè con, ủa!! Bé Ngọc!! Sao vậy? – Giọng người phụ nữ thảng thốt.

– Con… con không sao?

– Làm sao mà nước mắt ngắn dài thế này con? Nói dì nghe?

– Dì! Con… con đau!

– Trời! Con đau ở đâu? Chỗ nào?

– Con không biết, con chỉ cảm thấy đau, đau lắm…!! – Nàng òa khóc nức nở.

– Khổ quá! Dì đã bảo vận động tại phòng thôi mà không nghe! Thôi mau lên phòng để dì gọi bác sĩ qua khám lại.

Người phụ nữ sốt sắng dìu nàng dậy, rồi bước đi. Tiếng nức nở của nàng xa dần, xa dần…

Tôi chẳng thể trụ vững được nữa, mà ngồi bệt hẳn xuống. Tựa vào gốc cây. Dây truyền nước bị căng ra bật tung, khiến cánh tay rỉ máu. Lúc này sự kìm nén đã đến giới hạn, tôi bật khóc…

Từng làn gió thoảng thổi qua rì rào trên kẽ lá. Những oi bức mau chóng tan biến, tôi bỗng thấy một cảm giác nồng nàn quen thuộc của mùa thu. Nhưng đằng sau những nồng nàn ấy là một sự day dứt khôn nguôi. Nước mắt lưng tròng, tôi ngước lên nhìn trời, thấy ảo ảnh của những cánh hoa bay tản mác trong không trung.

Và cả những chiếc lá vàng rơi rớt xuống với bao ám ảnh của hoài niệm.

“Anh nhìn ra ngoài trời đi, nắng chan hòa, gió đìu hiu. Mùa thu đang hỏi tội anh đó, còn nằm được nữa sao?”

“Số phận chỉ đặt ra thử thách, nhưng anh đang quyết định mình là kẻ thua cuộc”

“Em đã dứt khoát chọn lựa vận mệnh của mình, tình yêu của mình…vậy mà có người lại không hiểu điều đó?”

Từng lời nói trong giấc mơ và cả quá khứ ùa về văng vẳng trong đầu tôi. Nó khiến tôi như bừng tỉnh những u mê đang phủ lấp tâm trí.

Bống nhiên có một giọng hát ngân nga, ê a quen thuộc, mộc mạc mà vô cùng sâu lắng, da diết với ngữ điệu dân tộc khẽ cất lên. Tôi sửng sốt ngó nhìn về phía ghế đá nàng vừa ngồi, thấy một hình bóng gầy gò. Chẳng phải là bà đó sao? Bà đang quay lại nhìn tôi kìa, vẫn nụ cười móm mém hiền từ.

Tôi đưa tay dụi mắt nhìn lại thì chỉ còn chiếc ghế đá trống không. Nhưng dư âm giọng hát của bà như vẫn vang vọng đâu đây.

“ Bà đang chúc phúc cho chúng mình!”

“Chúng con sẽ hạnh phúc!”

“Chúng con sẽ quay lại!”

Những hình ảnh, giọng hát trầm mặc thiết tha của bà, và những lời chúng tôi đã hứa khi quay trở lại ngôi nhà tranh của bà cách đây không lâu cứ chập trờn trước mắt và thoang thoảng bên tai.

Đột nhiên tôi đứng bật dậy, như quên hết mọi mệt nhọc, đau đớn. Gạt đi hết những mớ suy nghĩ ngổn ngang…

Chẳng muốn chần chờ nữa, tôi loạng choạng bước, rồi chạy…

-“Ngọc! Anh không thể là kẻ thua cuộc!”

-”Anh sẽ đứng dậy, sẽ trở lại con đường, sẽ lại dang tay đón hoàng hôn của anh trở về”

Sự quyết tâm đã được khẳng định rõ rệt hơn sau khi lập trường được được khôi phục. Tôi khẽ lầm nhẩm và chạy lại hướng người phụ nữ vừa dìu nàng đi qua…

Chọn tập
Bình luận