Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thuật Xử Thế Của Người Xưa

Lòng Tự Ái

Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần

NGƯỜI XƯA có nói: “Giữa chốn ba quân có thể đoạt được soái ấn nhưng không thể đoạt được cái chí của kẻ thất phu”.

Kẻ nói câu nầy, thật đã khám phá được cả tâm sự của loài người.

Người ta, dầu là một kẻ tầm thường đến bực nào, bao giờ cũng cho ý kiến mình là quan trọng hơn tất cả. Cái “tôi” có phải là dễ ghét đâu theo như lời của Pascal. Nó là cái chữ dễ yêu nhất trong đời. Nhưng, vì ta đã quá nâng niu chìu chuộng nó… mà thành ra cách xử lý tiếp vật trong đời ta gây không biết bao nhiêu sự vụng về, ân hận, đau khổ, tai ương… Và cũng chính vì thế mà Pascal mới thốt ra câu nói chua cay nầy: “Cái tôi rất đáng ghét”[i].

Nó chẳng những dễ yêu mà thôi, nó lại là trung tâm điểm của vũ trụ là khác. Bao nhiêu sự vật trong đời, chung quy đều quây quần theo cái cốt ấy: Bản ngã.

Bởi thế, muốn đoạt cái chí của một kẻ thất phu, người xưa cho là khó khăn hơn là đoạt soái ấn giữa chốn ba quân.

Dùng cường lực, dùng uy thế mà bức người phải nghe theo mình, không bao giờ làm được; mà dầu có làm được đi nữa thì cũng chỉ là một việc làm có thể được tạm thời thôi.

Ở đời không ai có thể chịu nhận mình là quấy cả. Dầu là tay đại gian, đại ác như Tào Tháo cũng không chịu nhận mình là gian ác. Tào Tháo thường xưng mình là vì dân vì nước, mà Lưu Bị cũng tin mình vì nước vì dân. Godse, người ám sát Gandhi mà thiên hạ phần đông nguyền rủa, vẫn tươi cười trước khi chịu tử hình. Bởi vậy, bàn cãi với người và muốn đem cái lẽ phải của mình ép buộc họ phải nghe theo thì chắc chắn không bao giờ được, lại còn gây thêm lắm điều không hay khác trong tình giao hảo hằng ngày.

*

Thuở nhỏ, tôi là người thích cãi nhất. Tính hiếu thắng xui tôi bao giờ cũng không chịu nhịn một ai cả, dầu trong một lời nói tầm thường cũng vậy. Trong những cuộc cãi vã, không bao giờ tôi chịu nhượng ai một lời. Rủi mà lời nói mình không được người để ý đến hoặc bị ruồng rẫy, bỏ qua, thì không gì buồn khổ bực tức bằng. Nói thì có hơi quá đáng, nhưng sự thật tâm sự tôi bấy giờ không khác gì tâm sự của Khuất Nguyên, có điều là không đến nỗi đi trầm mình nơi sông Bộc…

“Khuất Nguyên, làm quan cho Hoài Vương nước Sở bị sàm báng phải bị đuổi đi. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo… một ông lão đánh cá trông thấy, hỏi: Có phải ông là Tam Lư đại phu đó chăng? Sao mà đến nỗi khốn khổ thế? Khuất Nguyên nói: Đời đục cả, một mình ta trong, người say cả, một mình ta tỉnh… Bởi vậy, ta phải bị bỏ đi…”.

Đâu phải đó là riêng gì tâm sự của Khuất Nguyên, mà là tâm sự chung của mọi người. Tại sao mình muốn cho người ta phải nghe theo mình mà không để cho người ta như mình, nghĩa là theo cái ý nghĩ của người ta?

*

Tuổi thanh xuân thường vì huyết khí bồng bột nên không chịu coi vào đâu những ý kiến của các bực cao niên đầy kinh nghiệm hơn. Dầu có muốn cho mấy cũng không làm gì tránh khỏi sự xung đột giữa hai thế hệ. Vậy, làm cha mẹ bây giờ, tại sao ta không biết lấy cử chỉ khôn ngoan của nhà mục sư kia đối với đứa con trai mười lăm tuổi của ông mà xử với con mình? Ông mục sư ấy bảo với con ông: “Từ mười lăm tuổi đến hai mươi tuổi, cha cho phép con tin rằng con thông minh hơn cha. Từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi, thì con cũng có quyền tin rằng con thông minh bằng cha. Nhưng bắt đầu từ hai mươi lăm tuổi sắp lên, thì cha bắt buộc con phải nhìn nhận sự thông minh của cha hơn con nhiều một cách tuyệt đối vậy”. Thật, ông cha nầy là một ông cha thông minh và khôn ngoan nhất. Tôi đã từng trải qua những giai đoạn ấy, những lúc mà huyết khí đã đưa tôi lên tận mây xanh của lòng tự phụ, không xem vào đâu sự kinh nghiệm của bậc tiền nhân và đã đưa tôi vào những cuộc phiêu lưu tinh thần không bờ bến… Mỗi một ý nghĩ gì chạm đến lòng tự phụ của tôi, thì tôi quyết đánh đổ đến kỳ cùng… nhất nguyện không bao giờ chịu để cho ngã lẽ… dẫu biết mình là sai lầm. Lắm khi nằm đêm suy nghĩ biết mình quấy nát, thế mà lòng tự ái cấm cản không cho mình đi về đường phải. Ước gì người ta đều biết cư xử với bọn thanh niên của chúng tôi như ông mục sư kia… thì biết bao nhiêu thanh niên đã không liều lĩnh đi vào con đường lãng mạn và đầy chông gai của những lý tưởng mù mờ, nhưng khôn ngoan là biết chiều theo lòng thị dục đương buổi của chúng tôi. Thật ông mục sư trên đây là người hiểu rõ tâm sự của thanh niên nhiều lắm.

*

Đừng công kích, đừng biếm nhẽ, đừng mạt sát ai… nghĩa là đừng chạm vào lòng tự ái của ai cả, nếu mình muốn người ta nghe theo mình, nghe theo cái lẽ phải của mình. Hơn nữa, cái thiện cảm đầu tiên mà mình gây được nơi lòng người rồi, đó là cái chìa khóa của thành công của mình sau này vậy.

Thương nhau mọi sự chẳng nề,

Dầu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Trái lại, nếu mình vô tình gây lấy ác cảm lúc ban đầu thì con đường thất bại của mình đà gạch sẵn:

Yêu ai, yêu cả đường đi,

Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng.

Huống chi tư tưởng của mình, nếu có sự yêu ghét chen vào trước, thì sự thuận nghịch thấy liền trước mắt. Lý luận đanh thép bực nào, bằng cứ dồi dào bực nào cũng không làm gì chuyển được cái ác cảm gây ra lúc ban đầu[ii].

*

Huống chi trong khi bàn bạc, mình cũng phải kể đến trình độ của kẻ khác. Dầu người ấy có ngu si vụng dại đến đâu, phải biết cho họ cũng có cái lý của họ, hoặc vì trình độ hiểu biết của họ chỉ đến ngần ấy là cùng. Đối với người thấp, đừng dùng lời quá cao mà thành ra cầu kỳ lập dị; đối với người cao đừng dùng lời lẽ quá thấp mà bị người khinh thường búng rẻ.

Khổng Tử có nói: “Trung nhơn dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã; trung nhơn dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã”. Bực trung trở lên, thì có thể dùng lời cao mà nói được; từ bực trung trở xuống, không thể dùng lời nói cao mà nói được nữa. Một câu đọc thuộc lòng thuở nhỏ, đến nay mới hiểu được tất cả ý nghĩa thâm trầm của nó.

Trang Tử lại còn nói rõ ràng hơn: “Đồng ý với ta, cho ta là phải; không đồng ý với ta, cho ta là quấy… Đã cho ta biện bác cùng anh, anh được, ta không được, vậy anh đã hẳn là phải, mà ta đã hẳn là quấy chăng? Ta được, anh không được, vậy ta đã hẳn là phải, mà anh đã hẳn là quấy chăng? Hay là hoặc khi phải hoặc khi trái chăng? Hay là ta cũng phải cả, cùng quấy cả chăng? Ta cùng anh không thể biết được nhau vậy. Giờ ta phải nhờ đến ai để quyết định điều đó? Nhờ kẻ đồng với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với anh, thì làm sao mà quyết định được. Nhờ kẻ đồng với ta để quyết định điều đó ư. Họ đã đồng với ta thì làm sao mà quyết định được. Vậy phải nhờ kẻ khác với ta và với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã khác với ta và với anh thì làm sao mà quyết định được. Vậy thì, ta cùng anh, cùng người đều không thể hiểu biết nhau, còn phải đợi kẻ khác nữa ư?”.

Câu này đã làm cho tôi tỉnh ngộ nhiều lắm. Thật vậy, cái phải quấy của thiên hạ chẳng qua ở chỗ thuận nghịch với những ý tưởng có sẵn của mình thôi. Chỉ có một sự đồng cùng không đồng mà lời mình nói, việc mình làm ra phải hay quấy. Và chỉ có thế thôi. Trình độ hiểu biết của ta không thể bắt buộc ta phải nhận được những điều mà ta chưa thể hiểu được. Không chịu hiểu thế, mà gắng gượng làm cho kẻ khác cũng phải ngã lẽ theo mình… thật mình còn mê hơn họ nữa, nếu họ thật là người mê. Đã vậy, lại còn bực tức bất bình chỉ vì người ta không chịu hiểu theo mình… tôi tưởng không còn gì ngu si hơn nữa. Mình nói mà người ta không hiểu, biết đâu không phải vì người ta ngu, mà là vì mình ngu, nghĩa là mình không biết cách làm cho người ta hiểu. Cũng như làm thầy dạy học trò mà học trò không hiểu, đừng vội cho chúng là ngu, mà phải tự trách vì mình không biết cách làm cho chúng hiểu.

*

Tại sao biết chắc điều mình nghĩ là phải mà của người ta quấy? Cái sướng của người trí, kẻ ngu lấy làm bực mình; cái sướng của kẻ ngu, người trí cũng lấy làm bực mình vậy. Phải quấy là một lẽ tương quan, đối với mình cũng như đối với người. Vậy, cãi nhau về điều phải lẽ quấy, thật là một điều khó được ổn thỏa.

*

Lại nữa, biết đâu sự hiểu biết của mình, lại không phải chỉ là một sự hiểu biết vụn vằn, chi ly như cái biết của người mù rờ voi…

Bốn anh mù hội nhau quan sát con voi. Người thứ nhất rờ đụng cái chân, bèn nói: “Con voi giống như cột trụ”. Người thứ hai mò trúng cái vòi, bèn nói: “Đâu phải, nó giống cái chùy”. Người thứ ba đụng cái bụng, vuốt ve một hồi, rồi nói: “Theo tôi, nó giống cái chum đựng nước”. Người thứ tư lại nắm đúng cái lỗ tai: “Trật cả. Nó giống như cái nia”. Bốn người cãi nhau om sòm không ai chịu ngã lẽ cả. Ngã lẽ thế nào được chứ! Chính bàn tay mình rờ mó nó, chứ phải là nghe ai nói lại sao mà bảo là mơ ngủ. Làm cách nào bảo cho mình chịu được rằng con voi giống như cai nia trong khi chính tay mình ôm nó đây, thật tròn và dài như cây trụ…

Có người đi qua, dừng lại hỏi vì đâu có sự cãi lẫy dường ấy. Họ bèn thuật lại những điều họ đã nhận thức đó và cậy người ấy làm trọng tài, người ấy cười, bảo: “Không có một ai, trong bốn anh em, là thấy được rõ con voi như thế nào. Nó đâu có giống cây cột nhà, mà chính chân nó giống như cây cột. Nó đâu có giống cái nia, mà cái tai nó giống cái nia. Nó đâu có giống cái chum đựng nước… mà cái bụng nó giống cái chum đựng nước. Nó cũng đâu có giống cái chùy, mà chính cái vòi nó giống cái chùy. Con voi, là chung tất cả những cái ấy: chân, lỗ tai, bụng và vòi”.

Sự vật trong đời nó thiên hình vạn trạng, chắc gì mình có thể biết được tất cả phương diện của sự đời, và có biết đâu điều mình biết kia chỉ là một trạng thái của sự vật thôi. Chỉ có những bực sáng suốt nhất mới dám tự hào là thấy đặng chân tướng sự vật, nhưng mà cũng biết đâu họ chỉ biết được nhiều phương diện hơn mình thôi, chứ không phải là biết được tất cả phương diện. Sự phải biết thì vô cùng, còn sức hiểu biết của mình thì có hạn; lấy cái hữu hạn mà lượng cái vô cùng… thật khó lòng mà làm nổi.

*

Cãi về con voi của những người mù nầy, cũng không khác gì cãi nhau về con kỳ nhông của cổ tích: một sự bàn cãi về cái chuyển của sự vật.

Có người kia bảo với bạn nó: “Tôi đứng dưới gốc cây đằng kia, thấy rõ ràng một con thú quái lạ, đỏ như lửa”. Người nọ bảo: “Tôi cũng thấy con thú ấy vậy, nhưng nó xanh lè kia mà!”. Một người thứ ba đi ngang qua, nghe vậy xía vô: “Đâu phải, tôi thấy rõ ràng nó vàng như nghệ vậy”. Rồi thì người đi đường xúm lại nghe, ai cũng bảo chính mình thấy như thế nầy… như thế khác… Cãi nhau kịch liệt, không ai chịu của ai đúng hơn của mình… Họ vừa tính choảng nhau, thì có một người lạ khác vào can: “Không! Không! Các anh đừng cãi nữa. Chính tôi là người sống dưới cội ấy nên tôi nhận rõ sự biến đổi của con thú ấy. Nó là con kỳ nhông, nó đổi sắc luôn luôn. Khi thì đỏ, khi thì vàng, khi thì xanh, khi thì tím. Và riêng tôi, có lúc lại thấy nó không có màu sắc gì cả và giống hệt với cái da cây…”

Sự vật ở đời đâu phải luôn luôn như thế nầy, hay luôn luôn như thế kia đâu. Thảy đều là một sự thay đổi không ngừng. Điều mà mình cho là phải hôm nay, biết đâu ngày mai lại thành một sự quấy. Cái lợi hôm nay, biết đâu sẽ là cái hại của ngày mai.

“Một ông lão có con ngựa, một hôm tự nhiên đi mất. Hàng xóm đến chia buồn. Ông nói: “Mất ngựa, nhưng sao các ông biết đó là họa cho tôi?”

Cách mấy tháng, con ngựa lại trở về, dẫn theo một con ngựa hay nữa. Hàng xóm cũng đến chia mừng. Ông nói: “Được ngựa hay, thế nhưng sao các ông biết đó là phúc cho tôi?”

Từ ngày được ngựa hay, con trai ông lão ngày nào cũng thích cưỡi, rủi té, què chân… Hàng xóm đến chia buồn. Ông nói: “Con tôi què nhưng sao các ông biết đó là họa cho tôi?”

Năm sau có giặc. Nhà vua bắt lính… Thanh niên đi lính, mười người chết đến chín. Con trai ông vì què khỏi đi lính, nên cha con còn hủ hỉ với nhau[iii].

*

Một hiền giả Ấn Độ, ngày kia, xem bài các đệ tử phê bình về một bài thơ của mình. Có người đệ tử, trước kia trình cho thầy bài luận của mình, lại đổi nhau xem trước. Họ nên cãi nhau không ai chịu nhận bài của bạn mình là đúng. Thế rồi, họ bảo nhau để coi thầy sẽ phán đoán cách nào. Ông thầy xem đến bài của từng người đều gật đầu khen phải cả. Đến lượt hai người nầy, thầy cũng gật đầu khen đúng nữa. Một người liền đứng lên phản đối: “Thưa thầy, bảo rằng bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chớ như đối với bài của anh nầy, thì con chắc chắn không thể nào thầy cho là đúng được, trong khi thầy cũng nhận cho bài của con cũng đúng nữa. Hai chủ trương của chúng con quả quyết không thể bên nào dung được bên nào: hễ anh ấy phải thì con quấy; mà con phải thì anh ấy quấy.”

Ông thầy mỉm cười, ôn tồn bảo: “Hai trò đều bàn đúng cả đấy. Sở dĩ trò nầy nói vầy là tại cái trình độ hiểu biết của nó chỉ đến đó là cùng. Sao có thể bảo nó nói sai hay hiểu sai cho được! Bài thơ của thầy như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây nào nở hoa nấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bài của người này phải mà bài của kẻ kia quấy!”

*

Nếu ở đời, ai cũng biết lấy cái lượng của hiền giả nầy mà xử, thì ắt không bao giờ cần phải học đến thuật xử thế mà việc gì trong đời cũng sẽ được xuôi chèo mát mái cả…

NGƯỜI XƯA có nói: “Giữa chốn ba quân có thể đoạt được soái ấn nhưng không thể đoạt được cái chí của kẻ thất phu”.

Kẻ nói câu nầy, thật đã khám phá được cả tâm sự của loài người.

Người ta, dầu là một kẻ tầm thường đến bực nào, bao giờ cũng cho ý kiến mình là quan trọng hơn tất cả. Cái “tôi” có phải là dễ ghét đâu theo như lời của Pascal. Nó là cái chữ dễ yêu nhất trong đời. Nhưng, vì ta đã quá nâng niu chìu chuộng nó… mà thành ra cách xử lý tiếp vật trong đời ta gây không biết bao nhiêu sự vụng về, ân hận, đau khổ, tai ương… Và cũng chính vì thế mà Pascal mới thốt ra câu nói chua cay nầy: “Cái tôi rất đáng ghét”[i].

Nó chẳng những dễ yêu mà thôi, nó lại là trung tâm điểm của vũ trụ là khác. Bao nhiêu sự vật trong đời, chung quy đều quây quần theo cái cốt ấy: Bản ngã.

Bởi thế, muốn đoạt cái chí của một kẻ thất phu, người xưa cho là khó khăn hơn là đoạt soái ấn giữa chốn ba quân.

Dùng cường lực, dùng uy thế mà bức người phải nghe theo mình, không bao giờ làm được; mà dầu có làm được đi nữa thì cũng chỉ là một việc làm có thể được tạm thời thôi.

Ở đời không ai có thể chịu nhận mình là quấy cả. Dầu là tay đại gian, đại ác như Tào Tháo cũng không chịu nhận mình là gian ác. Tào Tháo thường xưng mình là vì dân vì nước, mà Lưu Bị cũng tin mình vì nước vì dân. Godse, người ám sát Gandhi mà thiên hạ phần đông nguyền rủa, vẫn tươi cười trước khi chịu tử hình. Bởi vậy, bàn cãi với người và muốn đem cái lẽ phải của mình ép buộc họ phải nghe theo thì chắc chắn không bao giờ được, lại còn gây thêm lắm điều không hay khác trong tình giao hảo hằng ngày.

*

Thuở nhỏ, tôi là người thích cãi nhất. Tính hiếu thắng xui tôi bao giờ cũng không chịu nhịn một ai cả, dầu trong một lời nói tầm thường cũng vậy. Trong những cuộc cãi vã, không bao giờ tôi chịu nhượng ai một lời. Rủi mà lời nói mình không được người để ý đến hoặc bị ruồng rẫy, bỏ qua, thì không gì buồn khổ bực tức bằng. Nói thì có hơi quá đáng, nhưng sự thật tâm sự tôi bấy giờ không khác gì tâm sự của Khuất Nguyên, có điều là không đến nỗi đi trầm mình nơi sông Bộc…

“Khuất Nguyên, làm quan cho Hoài Vương nước Sở bị sàm báng phải bị đuổi đi. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo… một ông lão đánh cá trông thấy, hỏi: Có phải ông là Tam Lư đại phu đó chăng? Sao mà đến nỗi khốn khổ thế? Khuất Nguyên nói: Đời đục cả, một mình ta trong, người say cả, một mình ta tỉnh… Bởi vậy, ta phải bị bỏ đi…”.

Đâu phải đó là riêng gì tâm sự của Khuất Nguyên, mà là tâm sự chung của mọi người. Tại sao mình muốn cho người ta phải nghe theo mình mà không để cho người ta như mình, nghĩa là theo cái ý nghĩ của người ta?

*

Tuổi thanh xuân thường vì huyết khí bồng bột nên không chịu coi vào đâu những ý kiến của các bực cao niên đầy kinh nghiệm hơn. Dầu có muốn cho mấy cũng không làm gì tránh khỏi sự xung đột giữa hai thế hệ. Vậy, làm cha mẹ bây giờ, tại sao ta không biết lấy cử chỉ khôn ngoan của nhà mục sư kia đối với đứa con trai mười lăm tuổi của ông mà xử với con mình? Ông mục sư ấy bảo với con ông: “Từ mười lăm tuổi đến hai mươi tuổi, cha cho phép con tin rằng con thông minh hơn cha. Từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi, thì con cũng có quyền tin rằng con thông minh bằng cha. Nhưng bắt đầu từ hai mươi lăm tuổi sắp lên, thì cha bắt buộc con phải nhìn nhận sự thông minh của cha hơn con nhiều một cách tuyệt đối vậy”. Thật, ông cha nầy là một ông cha thông minh và khôn ngoan nhất. Tôi đã từng trải qua những giai đoạn ấy, những lúc mà huyết khí đã đưa tôi lên tận mây xanh của lòng tự phụ, không xem vào đâu sự kinh nghiệm của bậc tiền nhân và đã đưa tôi vào những cuộc phiêu lưu tinh thần không bờ bến… Mỗi một ý nghĩ gì chạm đến lòng tự phụ của tôi, thì tôi quyết đánh đổ đến kỳ cùng… nhất nguyện không bao giờ chịu để cho ngã lẽ… dẫu biết mình là sai lầm. Lắm khi nằm đêm suy nghĩ biết mình quấy nát, thế mà lòng tự ái cấm cản không cho mình đi về đường phải. Ước gì người ta đều biết cư xử với bọn thanh niên của chúng tôi như ông mục sư kia… thì biết bao nhiêu thanh niên đã không liều lĩnh đi vào con đường lãng mạn và đầy chông gai của những lý tưởng mù mờ, nhưng khôn ngoan là biết chiều theo lòng thị dục đương buổi của chúng tôi. Thật ông mục sư trên đây là người hiểu rõ tâm sự của thanh niên nhiều lắm.

*

Đừng công kích, đừng biếm nhẽ, đừng mạt sát ai… nghĩa là đừng chạm vào lòng tự ái của ai cả, nếu mình muốn người ta nghe theo mình, nghe theo cái lẽ phải của mình. Hơn nữa, cái thiện cảm đầu tiên mà mình gây được nơi lòng người rồi, đó là cái chìa khóa của thành công của mình sau này vậy.

Thương nhau mọi sự chẳng nề,

Dầu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Trái lại, nếu mình vô tình gây lấy ác cảm lúc ban đầu thì con đường thất bại của mình đà gạch sẵn:

Yêu ai, yêu cả đường đi,

Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng.

Huống chi tư tưởng của mình, nếu có sự yêu ghét chen vào trước, thì sự thuận nghịch thấy liền trước mắt. Lý luận đanh thép bực nào, bằng cứ dồi dào bực nào cũng không làm gì chuyển được cái ác cảm gây ra lúc ban đầu[ii].

*

Huống chi trong khi bàn bạc, mình cũng phải kể đến trình độ của kẻ khác. Dầu người ấy có ngu si vụng dại đến đâu, phải biết cho họ cũng có cái lý của họ, hoặc vì trình độ hiểu biết của họ chỉ đến ngần ấy là cùng. Đối với người thấp, đừng dùng lời quá cao mà thành ra cầu kỳ lập dị; đối với người cao đừng dùng lời lẽ quá thấp mà bị người khinh thường búng rẻ.

Khổng Tử có nói: “Trung nhơn dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã; trung nhơn dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã”. Bực trung trở lên, thì có thể dùng lời cao mà nói được; từ bực trung trở xuống, không thể dùng lời nói cao mà nói được nữa. Một câu đọc thuộc lòng thuở nhỏ, đến nay mới hiểu được tất cả ý nghĩa thâm trầm của nó.

Trang Tử lại còn nói rõ ràng hơn: “Đồng ý với ta, cho ta là phải; không đồng ý với ta, cho ta là quấy… Đã cho ta biện bác cùng anh, anh được, ta không được, vậy anh đã hẳn là phải, mà ta đã hẳn là quấy chăng? Ta được, anh không được, vậy ta đã hẳn là phải, mà anh đã hẳn là quấy chăng? Hay là hoặc khi phải hoặc khi trái chăng? Hay là ta cũng phải cả, cùng quấy cả chăng? Ta cùng anh không thể biết được nhau vậy. Giờ ta phải nhờ đến ai để quyết định điều đó? Nhờ kẻ đồng với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với anh, thì làm sao mà quyết định được. Nhờ kẻ đồng với ta để quyết định điều đó ư. Họ đã đồng với ta thì làm sao mà quyết định được. Vậy phải nhờ kẻ khác với ta và với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã khác với ta và với anh thì làm sao mà quyết định được. Vậy thì, ta cùng anh, cùng người đều không thể hiểu biết nhau, còn phải đợi kẻ khác nữa ư?”.

Câu này đã làm cho tôi tỉnh ngộ nhiều lắm. Thật vậy, cái phải quấy của thiên hạ chẳng qua ở chỗ thuận nghịch với những ý tưởng có sẵn của mình thôi. Chỉ có một sự đồng cùng không đồng mà lời mình nói, việc mình làm ra phải hay quấy. Và chỉ có thế thôi. Trình độ hiểu biết của ta không thể bắt buộc ta phải nhận được những điều mà ta chưa thể hiểu được. Không chịu hiểu thế, mà gắng gượng làm cho kẻ khác cũng phải ngã lẽ theo mình… thật mình còn mê hơn họ nữa, nếu họ thật là người mê. Đã vậy, lại còn bực tức bất bình chỉ vì người ta không chịu hiểu theo mình… tôi tưởng không còn gì ngu si hơn nữa. Mình nói mà người ta không hiểu, biết đâu không phải vì người ta ngu, mà là vì mình ngu, nghĩa là mình không biết cách làm cho người ta hiểu. Cũng như làm thầy dạy học trò mà học trò không hiểu, đừng vội cho chúng là ngu, mà phải tự trách vì mình không biết cách làm cho chúng hiểu.

*

Tại sao biết chắc điều mình nghĩ là phải mà của người ta quấy? Cái sướng của người trí, kẻ ngu lấy làm bực mình; cái sướng của kẻ ngu, người trí cũng lấy làm bực mình vậy. Phải quấy là một lẽ tương quan, đối với mình cũng như đối với người. Vậy, cãi nhau về điều phải lẽ quấy, thật là một điều khó được ổn thỏa.

*

Lại nữa, biết đâu sự hiểu biết của mình, lại không phải chỉ là một sự hiểu biết vụn vằn, chi ly như cái biết của người mù rờ voi…

Bốn anh mù hội nhau quan sát con voi. Người thứ nhất rờ đụng cái chân, bèn nói: “Con voi giống như cột trụ”. Người thứ hai mò trúng cái vòi, bèn nói: “Đâu phải, nó giống cái chùy”. Người thứ ba đụng cái bụng, vuốt ve một hồi, rồi nói: “Theo tôi, nó giống cái chum đựng nước”. Người thứ tư lại nắm đúng cái lỗ tai: “Trật cả. Nó giống như cái nia”. Bốn người cãi nhau om sòm không ai chịu ngã lẽ cả. Ngã lẽ thế nào được chứ! Chính bàn tay mình rờ mó nó, chứ phải là nghe ai nói lại sao mà bảo là mơ ngủ. Làm cách nào bảo cho mình chịu được rằng con voi giống như cai nia trong khi chính tay mình ôm nó đây, thật tròn và dài như cây trụ…

Có người đi qua, dừng lại hỏi vì đâu có sự cãi lẫy dường ấy. Họ bèn thuật lại những điều họ đã nhận thức đó và cậy người ấy làm trọng tài, người ấy cười, bảo: “Không có một ai, trong bốn anh em, là thấy được rõ con voi như thế nào. Nó đâu có giống cây cột nhà, mà chính chân nó giống như cây cột. Nó đâu có giống cái nia, mà cái tai nó giống cái nia. Nó đâu có giống cái chum đựng nước… mà cái bụng nó giống cái chum đựng nước. Nó cũng đâu có giống cái chùy, mà chính cái vòi nó giống cái chùy. Con voi, là chung tất cả những cái ấy: chân, lỗ tai, bụng và vòi”.

Sự vật trong đời nó thiên hình vạn trạng, chắc gì mình có thể biết được tất cả phương diện của sự đời, và có biết đâu điều mình biết kia chỉ là một trạng thái của sự vật thôi. Chỉ có những bực sáng suốt nhất mới dám tự hào là thấy đặng chân tướng sự vật, nhưng mà cũng biết đâu họ chỉ biết được nhiều phương diện hơn mình thôi, chứ không phải là biết được tất cả phương diện. Sự phải biết thì vô cùng, còn sức hiểu biết của mình thì có hạn; lấy cái hữu hạn mà lượng cái vô cùng… thật khó lòng mà làm nổi.

*

Cãi về con voi của những người mù nầy, cũng không khác gì cãi nhau về con kỳ nhông của cổ tích: một sự bàn cãi về cái chuyển của sự vật.

Có người kia bảo với bạn nó: “Tôi đứng dưới gốc cây đằng kia, thấy rõ ràng một con thú quái lạ, đỏ như lửa”. Người nọ bảo: “Tôi cũng thấy con thú ấy vậy, nhưng nó xanh lè kia mà!”. Một người thứ ba đi ngang qua, nghe vậy xía vô: “Đâu phải, tôi thấy rõ ràng nó vàng như nghệ vậy”. Rồi thì người đi đường xúm lại nghe, ai cũng bảo chính mình thấy như thế nầy… như thế khác… Cãi nhau kịch liệt, không ai chịu của ai đúng hơn của mình… Họ vừa tính choảng nhau, thì có một người lạ khác vào can: “Không! Không! Các anh đừng cãi nữa. Chính tôi là người sống dưới cội ấy nên tôi nhận rõ sự biến đổi của con thú ấy. Nó là con kỳ nhông, nó đổi sắc luôn luôn. Khi thì đỏ, khi thì vàng, khi thì xanh, khi thì tím. Và riêng tôi, có lúc lại thấy nó không có màu sắc gì cả và giống hệt với cái da cây…”

Sự vật ở đời đâu phải luôn luôn như thế nầy, hay luôn luôn như thế kia đâu. Thảy đều là một sự thay đổi không ngừng. Điều mà mình cho là phải hôm nay, biết đâu ngày mai lại thành một sự quấy. Cái lợi hôm nay, biết đâu sẽ là cái hại của ngày mai.

“Một ông lão có con ngựa, một hôm tự nhiên đi mất. Hàng xóm đến chia buồn. Ông nói: “Mất ngựa, nhưng sao các ông biết đó là họa cho tôi?”

Cách mấy tháng, con ngựa lại trở về, dẫn theo một con ngựa hay nữa. Hàng xóm cũng đến chia mừng. Ông nói: “Được ngựa hay, thế nhưng sao các ông biết đó là phúc cho tôi?”

Từ ngày được ngựa hay, con trai ông lão ngày nào cũng thích cưỡi, rủi té, què chân… Hàng xóm đến chia buồn. Ông nói: “Con tôi què nhưng sao các ông biết đó là họa cho tôi?”

Năm sau có giặc. Nhà vua bắt lính… Thanh niên đi lính, mười người chết đến chín. Con trai ông vì què khỏi đi lính, nên cha con còn hủ hỉ với nhau[iii].

*

Một hiền giả Ấn Độ, ngày kia, xem bài các đệ tử phê bình về một bài thơ của mình. Có người đệ tử, trước kia trình cho thầy bài luận của mình, lại đổi nhau xem trước. Họ nên cãi nhau không ai chịu nhận bài của bạn mình là đúng. Thế rồi, họ bảo nhau để coi thầy sẽ phán đoán cách nào. Ông thầy xem đến bài của từng người đều gật đầu khen phải cả. Đến lượt hai người nầy, thầy cũng gật đầu khen đúng nữa. Một người liền đứng lên phản đối: “Thưa thầy, bảo rằng bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chớ như đối với bài của anh nầy, thì con chắc chắn không thể nào thầy cho là đúng được, trong khi thầy cũng nhận cho bài của con cũng đúng nữa. Hai chủ trương của chúng con quả quyết không thể bên nào dung được bên nào: hễ anh ấy phải thì con quấy; mà con phải thì anh ấy quấy.”

Ông thầy mỉm cười, ôn tồn bảo: “Hai trò đều bàn đúng cả đấy. Sở dĩ trò nầy nói vầy là tại cái trình độ hiểu biết của nó chỉ đến đó là cùng. Sao có thể bảo nó nói sai hay hiểu sai cho được! Bài thơ của thầy như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây nào nở hoa nấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bài của người này phải mà bài của kẻ kia quấy!”

*

Nếu ở đời, ai cũng biết lấy cái lượng của hiền giả nầy mà xử, thì ắt không bao giờ cần phải học đến thuật xử thế mà việc gì trong đời cũng sẽ được xuôi chèo mát mái cả…

Bình luận
× sticky