Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thuật Xử Thế Của Người Xưa

Tâm Sự Của Khuất Nguyên

Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần

BỰC QUÂN TỬ thời xưa, ở Á Đông đại khái có thể chia ra làm hai hạng người có hai lối nhân sinh, hai đường xử thế khác nhau rất rõ rệt.

Hai hạng người đó, mỗi hạng đều ôm ấp một tâm sự… Muốn tìm hiểu tâm sự của mỗi người, một quyển sách cả ngàn trang cũng không sao nói được hết ý. Thế mà nếu có thể tóm lại, người ta cũng có thể tóm lại trong một câu chuyện hết sức gọn gàng đầy đủ trong một trang sách nhỏ: Câu chuyện Khuất Nguyên và lão đánh cá. Đấy cũng là chỗ sở trường của người Á Đông vậy.

*

Khuất Nguyên làm quan cho vua Hoài Vương nước Sở, bị sàm báng mà bị phóng khí. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở bên bờ đầm.

Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:

– Ông có phải là Tam lư đại phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói:

– Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say một mình ta tỉnh, bởi vậy ta mới bị phóng khí.

Ông lão đánh cá nói:

– Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu cho đến nỗi phải bị phóng khí?

Khuất Nguyên nói:

– Tôi nghe: mới gội đầu tất phải chải mũ; mới tắm tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ.

Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay chèo bơi đi, hát:

Sông Tương nước chảy trong veo,

Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;

Sông Tương nước đục chảy ra,

Thì ta lội xuống để mà rửa chân…

Hát xong, đi thẳng, không nói gì nữa.

*

Tâm sự của Khuất Nguyên đâu phải riêng gì của Khuất Nguyên, mà nó là tâm sự chung của phần đông nhân loại từ xưa đến nay vậy.

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải, làm sao ta dám nghĩ, dám làm… Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu. Tào Tháo, một tên gian hùng đệ nhất xưa kia, cũng vẫn tin mình thế thiên hành đạo, mà một trái bom nguyên tử trên Hiroshima, giết một loạt sáu trăm ngàn người… cũng chỉ là một việc làm hết sức nhân đạo: sát nhất miêu cứu vạn thử…

Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này thật là một câu nói khám phá được cả tâm sự loài người.

*

Tôi có lý! Đấy là một tin tưởng mà cũng là một quả quyết.

Tôi có lý! Đấy cũng là một cơ hội để nâng cao cái bản ngã của mình lên, kẻ nào dám đương nhiên xâm phạm là chạm đến sinh mạng thiêng liêng của mình vậy. Mình không thể tha thứ được những ai dám bảo mình lầm.

Tin rằng chỉ có một mình mình có lý, và chỉ tín suông như thế thôi, thì có gì là lạ, mà cũng có gì là hại cho ai đâu. Bất quá là ai có ý kiến nấy. Nguy hiểm là, trong khi ta tin ta có lý, ta lại tin rằng kẻ nào không theo về cùng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm… Nghĩa là, trong khi ta tin mình có lý, ta cũng vừa lên án kẻ khác không đồng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm:

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Bởi vậy, đời mà không có ta can thiệp đến… đời sẽ mê loạn đến bực nào.

Đã tự cho là người giác ngộ, thì cũng vừa là tự ban cho cái sứ mạng cứu đời… Bụng thương đời tha thiết của ta khiến ta khó nỗi dửng dưng với thế sự… Lòng nhiệt thành hăng hái về việc cứu đời của ta không cho phép ta có thể thản nhiên được với bọn người dám ngang nhiên công kích kế hoạch cứu thế của ta. Chống lại với ta, là bọn người lạc hậu; nghịch lại với ta, là bọn người phản tiến hóa. Vậy, phận sự của ta, phận sự của con người giác ngộ là phải lo độ kẻ khác, bất cứ bằng phương pháp nào…

Trong khi

Đời đục cả, một mình ta trong,

Đời say cả, một mình ta tỉnh…

thì hơi sức nào chiều theo ý của mọi người… Bất luận là phương pháp nào, nô lệ, dã man… cũng không sao cả, miễn ta cứu độ được người ra khỏi vòng tăm tối là được.

Phận sự của ta chẳng những lo cứu độ đời mà còn phải lo trừng phạt những kẻ nào chặn đứng con đường tiến hóa của nhân loại, nếu cần…

Những khẩu hiệu thế thiên hành đạo, tế thế độ nhơn sở dĩ mọc lên như nấm… cũng chỉ vì cái bụng yêu đời và lo đời ấy của ta… lo cho đời đều theo về cùng một cái khuôn tư tưởng như mình.

Nhưng mà, than ôi, tâm sự của ta, nó cũng lại là tâm sự của mọi người… Rồi đây, có lẽ thiên hạ không còn ai có thể dung túng ai được nữa. Ai ai cũng tin:

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

thì làm gì nhân loại tránh khỏi tao loạn lầm than mà tự cổ chí kim, không thời nào tránh khỏi. Cái bệnh ham làm thầy đời, cái bệnh thà làm đầu con gà hơn làm đít con trâu của ta, nó là cái tâm bệnh của loài người… Bởi vậy, ta mong ước, ta tin tưởng chỉ có một mình ta trong, chỉ có một mình ta tỉnh, để ta có cơ hội lên mặt thầy đời hiu hiu tự đắc: trí hơn người ngu, khôn hơn kẻ dại… Rủi mà ngày nào, cái bọn người ngu si mê muội kia mà tiêu mất hết đi rồi, thì cái bọn thầy đời của chúng ta đây dựa vào đâu mà tồn tại! Thế mà ta lại muốn độ cho bọn ngu mê trong thiên hạ đều phải khôn ngoan sáng suốt như ta cả, ta nào có dè ta lại làm một điều mâu thuẫn, ta đang phá hoại cái ngai vàng của ta vậy…

*

Cái chết của Khuất Nguyên là cái chết dĩ nhiên… cái chết tỏ sự bất lực của mình không đủ uy thế để bắt buộc kẻ khác phải nghe theo mình, vì ai ai vẫn tin như mình:

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

và, bởi có đủ quyền bắt buộc kẻ khác phải nghe theo, nên lẽ dĩ nhiên họ phải sa thải mình, nếu mình không đồng ý kiến với họ… Đó là lẽ dĩ nhiên nó phải vậy: kẻ nào mạnh, thì thắng…

Khuất Nguyên, với một tâm sự dường ấy, chỉ còn có một cách là tự sát: người ta mà không sát phạt được kẻ khác khi họ chạm đến lòng tự ái của mình… thường hay sát phạt lại mình mới hả dạ… Những đứa trẻ… muốn đánh cho kỳ được bạn nó khi uất ức mà phải bị một lẽ gì trở ngại… lòng sát phạt ấy trở sát phạt lại bản thân: nó đấm ngực nó, nó cắn tay nó… cho đến chảy máu mới vừa lòng… Khuất Nguyên với tâm trạng này, tránh sao khỏi sự hủy mình… vào bụng cá…

*

Còn lão đánh cá?

Tâm sự lão thắc mắc không biết chừng nào… Lão là người hiểu tình đời sâu sắc lắm… Lão hiểu người như Khuất Nguyên dầu có cố tâm bàn cãi với họ cũng vô hiệu quả…

*

Ôi! Trách người mê, sao không biết trách mình không biết cách làm cho người ta tỉnh? Dạy người mà dạy không đặng, biết đâu chẳng phải vì ta không biết cách dạy… Cớ sao lại biết chắc là vì người ta ngu? Người trí, mỗi khi làm hỏng một điều gì, đều tìm hiểu nguyên nhân để trách mình trước nhất.

*

Lão sở dĩ không muốn bàn cãi với Khuất Nguyên thêm nữa, nào phải lão đã đuối lý, cũng đâu phải lão là một kẻ yếu hèn, không dám đương nhiên chống đầu với dư luận, không đủ cương quyết để hô hào cổ vũ hay bắt buộc kẻ khác đồng theo… Lão sở dĩ bỏ ra đi là vì lão biết rõ tâm hồn của Khuất Nguyên bị tình dục giày vò: cái tình dục tự tôn tự đại. Thử hỏi trong đời có cái tình dục nào mà nhiễu hại người một cách thống thiết bằng không; mà cũng có cái tình dục nào làm cho người mờ ám ngu nguội bằng không! Khi mà người ta để cho cái tình dục ấy thống trị con tâm của mình rồi thì trong đời, không còn có một lý lẽ nào có thể đem mình trở về con đường sáng suốt điềm tĩnh được nữa. Dùng lý lẽ để nói chuyện với họ là một việc làm vô ích. Tình dục của mình nó có những lẽ phải, mà chính lẽ phải không sao hiểu nổi…

Hơn nữa, lão đã hiểu rõ cái lẽ tương quan của sự vật, nhứt là cái luật bất bình đẳng tự nhiên của nhân loại, cho nên lão không tin có một ý kiến nào là tuyệt đối, nghĩa là phải, chung cho tất cả mọi người. Cái phải đối với người này chưa ắt cũng là cái phải đối với người kia; cái quấy đối với người kia, chưa ắt cũng vẫn là cái quấy đối với người nọ. Cũng như, chỗ thích của kẻ ngu, người trí lấy làm bực mình, thì cái thích của người trí, kẻ ngu cũng lấy làm bực mình vậy. Trình độ, tâm tính khác nhau… thì sự ưa ghét cũng phải khác nhau.

Bởi vậy, lão không tin ở đời có ai dạy được ai. Nếu dạy được thì xưa nay, thánh nhân đã dạy được người đời rồi, cha đã dạy được con, thầy đã dạy được trò, anh đã dạy được em, chồng đã dạy được vợ… mà hiện thời nhân loại đã sống được trong cảnh thái bình và thiên đàng rồi vậy. Có dạy được chăng là những kẻ cũng đồng một tâm hồn, một chí hướng như mình, hễ đồng với ta cho ta là phải, không đồng với ta cho ta là quấy. Cái phải, quấy của người ta bất quá chỉ có bấy nhiêu thôi.

Nghĩ thế, lão không chịu cam thiệp, bắt ép người ta phải theo cùng một ý kiến với mình về điều phải lẽ quấy… Nào phải lão sợ gì thiên hạ bất bình… mà bởi lão không chịu những bực thức giả trong đời cười lão là mê muội…

*

Trong thiên hạ ngày nay, hạng người như Khuất-Nguyên lại chiếm hết chín mươi chín phần trăm nhân loại, họ tin quyết rằng:

Đời đục cả, một mình ta trong,

Đời say cả, một mình ta tỉnh…

thế mà mình cũng vẫn bâng khuâng tha thiết lo cho họ nhìn nhận cái mê của họ, lòng tự ái đui mù của họ có cho phép họ nhìn nhận cái mê của họ không? Không khéo, rồi mình lại còn mê hơn họ nữa mà không hay! Vậy, mình thà chịu dại còn hơn.

*

Biết là việc không thể làm, mà cũng cố làm cho kỳ được… người đời cho đó là hạng người đại chí; theo lão, lão cho hạng người ấy là hạng làm liều… Người trí, phải chăng là kẻ biết phân biệt rạch ròi những gì có thể làm được và những gì không thể làm được. Cầu may mà được, kẻ ngu lấy làm thích, mà người trí lấy làm lo… Chứ nào phải lão là một kẻ rụt rè ích kỷ, một vật gỗ đá gì mà có thể dửng dưng với thế sự, lạnh nhạt với tình đời.

*

Bực thánh nhân sao lại câu nệ mà không biết tùy thời… Nếu quả thật “đời đục cả, thì sao ta không biết khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho mình cùng đục một thể?” Nếu quả thật “đời say cả, thì sao ta không biết ăn cả men húp cả bã cho cùng say theo một thể?”. Con cá mà muốn làm khác loài cá, bỏ nước nhảy lên bờ, thì chết; con hổ mà muốn làm khác loài hổ, bỏ núi ra đồng bằng thì chết. Người ta đều ngu cả mà mình muốn tỏ cái khôn của mình ra để khác biệt với họ, biết đâu lại không vời họa đến cho mình? Khôn mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín. Học được cái ngu nầy của lão, đâu phải dễ dàng gì…

*

Trước cử chỉ ngạo nghễ của Khuất Nguyên tin rằng:

Đời đục cả, một mình ta trong,

Đời say cả, một mình ta tỉnh…

nhất quyết không chịu đem cái thân trong sạch (!) của mình để cho vật dơ bẩn (!) dính vào mình thì bực thức giả như lão đánh cá đây, chỉ còn có một nước là tủm tỉm cười… quay chèo bơi đi nơi khác không nói một lời… ôm theo mình một tâm sự lạnh lùng:

Sông Tương nước chảy trong veo,

Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;

Sông Tương nước đục chảy ra,

Thì ta leo xuống để mà rửa chân

*

Người ta sẽ bảo: cử chỉ bất can thiệp của lão sẽ không lợi gì cho đời, lại còn tai hại cho đời là khác… Người ta sẽ không còn ai lo đời nữa, ai ai cũng đều bó gối ngồi không… việc thiên hạ rồi sẽ ra như thế nào?

*

Việc ấy làm gì có được… Làm gì có thể cấm con chó sủa, con gà gáy, cũng như làm gì cho cái hạng người như Khuất-Nguyên nầy mà đừng can thiệp đến việc đời… Thấy được cái nhu trong cái cương, cũng như thấy được cái cương trong cái nhu… nghĩa là có nhận thức được cái mâu thuẫn ngầm chứa trong mọi sự vật trong đời, thì mới mong hiểu được nỗi lòng của hạng người như lão đánh cá nầy. Những đầu óc chỉ biết suy nghĩ có một chiều như Khuất-Nguyên, chỉ biết có một cái phải hay một cái quấy nào; chỉ biết tịnh là tịnh, mà động là động, chứ không thể hiểu được trong tịnh có động, trong động có tịnh… thì làm gì hiểu nổi hành động của lão đánh cá: hạng người nầy, họ làm, mà như không làm gì cả, họ không làm gì cả, mà không gì là không làm… Sở dĩ lão mỉm cười, bỏ ra đi, không nói một lời… lý do ta có thể hiểu được.

*

Nhưng nói cho cùng mà nghe, nếu việc ấy mà có được, nếu vì chủ nghĩa bất can thiệp của lão mà thiên hạ ai ai cũng chỉ biết lo cho nấy, và việc đời rồi sẽ không còn ai lo cho ai nữa cả… thì có lẽ sẽ là điều may mắn nhất cho nhân loại biết chừng nào! Nếu mỗi người mà được như lão, ai ai cũng biết lo cho mình, lo cho mình một cách sáng suốt, lo cho mình tới chỗ thật biết thật hiểu, cho một thân thể không đau, một tinh thần không loạn… thì có cần ai gì phải can thiệp đến việc ai, mà người người đều hạnh phúc cả. Đời mình mà còn phải có người lo, đâu phải là một cái đời tự do và hạnh phúc. Và, bởi ai ai cũng chỉ biết lo cho đời, hăng hái chỉ có một việc lo đời mà chẳng biết lo mình trước, ai ai cũng tin:

Đời đục cả, một mình ta trong,

Đời say cả, một mình ta tỉnh…

mới có cảnh hỗn độn lầm than ngày nay vậy.

*

Có tự giác mới giác tha, có cứu được mình mới cứu được người. Mình mà còn tham lam thân trữ, nô lệ dục vọng mình, nô lệ thành kiến mình, nô lệ tín ngưỡng mình, còn chết trong một cái lẽ phái nào… thì tốt hơn đừng bận tâm đến việc đời làm chi để đỡ cho đời một cái nạn.

*

Rồi, giữa trời nước bao la… nghĩ đến cái kiếp nhỏ nhen hữu hạn của con người trước cái khoảng mênh mông vô tận của Vũ trụ… lòng lão không thể không thắc mắc…

Ừ! Cuộc đời rồi cũng… chẳng qua là một giấc mộng. Những cuộc doanh hư tiêu trưởng, thành bại, đắc thất ở đời nào đâu phải chỗ sở cầu của con người mà được… Đó chẳng qua là cái luật thăng trầm, như ngày đêm tiếp tục mãi mà không thôi vậy. Hễ, “vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến”, đấy là một cái luật lạnh lùng của tạo hóa, không ai có thể cưỡng cầu. Lấy sức người mà thay vào cái guồng máy to tát của Vũ trụ, liệu có nên trò trống gì không? Hay chỉ rồi:

Quyền họa phúc trời tranh tất cả,

Chút tiện nghi chẳng trả phần ai;

Cái quay búng sẵn trên trời,

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm…

Vậy chứ những lâu đài rực rỡ của những văn minh tự ngàn xưa để lại trên quả địa cầu nầy… đã không chôn vùi lặng lẽ dưới đống tro tàn…

*

Hai lối nhân sinh, hai đường xử thế… mà cũng là hai bầu tâm sự, hai khối tâm hồn… không thể sống chung nhau mà vẫn cùng thời gian bất tuyệt phải sống mãi cạnh bên nhau, phải chăng cũng là một nỗi khổ tâm cho cả hai đàng vậy?

Thu-Giang NGUYỄN-DUY-CẦN

BỰC QUÂN TỬ thời xưa, ở Á Đông đại khái có thể chia ra làm hai hạng người có hai lối nhân sinh, hai đường xử thế khác nhau rất rõ rệt.

Hai hạng người đó, mỗi hạng đều ôm ấp một tâm sự… Muốn tìm hiểu tâm sự của mỗi người, một quyển sách cả ngàn trang cũng không sao nói được hết ý. Thế mà nếu có thể tóm lại, người ta cũng có thể tóm lại trong một câu chuyện hết sức gọn gàng đầy đủ trong một trang sách nhỏ: Câu chuyện Khuất Nguyên và lão đánh cá. Đấy cũng là chỗ sở trường của người Á Đông vậy.

*

Khuất Nguyên làm quan cho vua Hoài Vương nước Sở, bị sàm báng mà bị phóng khí. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở bên bờ đầm.

Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:

– Ông có phải là Tam lư đại phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói:

– Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say một mình ta tỉnh, bởi vậy ta mới bị phóng khí.

Ông lão đánh cá nói:

– Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu cho đến nỗi phải bị phóng khí?

Khuất Nguyên nói:

– Tôi nghe: mới gội đầu tất phải chải mũ; mới tắm tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ.

Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay chèo bơi đi, hát:

Sông Tương nước chảy trong veo,

Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;

Sông Tương nước đục chảy ra,

Thì ta lội xuống để mà rửa chân…

Hát xong, đi thẳng, không nói gì nữa.

*

Tâm sự của Khuất Nguyên đâu phải riêng gì của Khuất Nguyên, mà nó là tâm sự chung của phần đông nhân loại từ xưa đến nay vậy.

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải, làm sao ta dám nghĩ, dám làm… Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu. Tào Tháo, một tên gian hùng đệ nhất xưa kia, cũng vẫn tin mình thế thiên hành đạo, mà một trái bom nguyên tử trên Hiroshima, giết một loạt sáu trăm ngàn người… cũng chỉ là một việc làm hết sức nhân đạo: sát nhất miêu cứu vạn thử…

Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này thật là một câu nói khám phá được cả tâm sự loài người.

*

Tôi có lý! Đấy là một tin tưởng mà cũng là một quả quyết.

Tôi có lý! Đấy cũng là một cơ hội để nâng cao cái bản ngã của mình lên, kẻ nào dám đương nhiên xâm phạm là chạm đến sinh mạng thiêng liêng của mình vậy. Mình không thể tha thứ được những ai dám bảo mình lầm.

Tin rằng chỉ có một mình mình có lý, và chỉ tín suông như thế thôi, thì có gì là lạ, mà cũng có gì là hại cho ai đâu. Bất quá là ai có ý kiến nấy. Nguy hiểm là, trong khi ta tin ta có lý, ta lại tin rằng kẻ nào không theo về cùng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm… Nghĩa là, trong khi ta tin mình có lý, ta cũng vừa lên án kẻ khác không đồng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm:

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Bởi vậy, đời mà không có ta can thiệp đến… đời sẽ mê loạn đến bực nào.

Đã tự cho là người giác ngộ, thì cũng vừa là tự ban cho cái sứ mạng cứu đời… Bụng thương đời tha thiết của ta khiến ta khó nỗi dửng dưng với thế sự… Lòng nhiệt thành hăng hái về việc cứu đời của ta không cho phép ta có thể thản nhiên được với bọn người dám ngang nhiên công kích kế hoạch cứu thế của ta. Chống lại với ta, là bọn người lạc hậu; nghịch lại với ta, là bọn người phản tiến hóa. Vậy, phận sự của ta, phận sự của con người giác ngộ là phải lo độ kẻ khác, bất cứ bằng phương pháp nào…

Trong khi

Đời đục cả, một mình ta trong,

Đời say cả, một mình ta tỉnh…

thì hơi sức nào chiều theo ý của mọi người… Bất luận là phương pháp nào, nô lệ, dã man… cũng không sao cả, miễn ta cứu độ được người ra khỏi vòng tăm tối là được.

Phận sự của ta chẳng những lo cứu độ đời mà còn phải lo trừng phạt những kẻ nào chặn đứng con đường tiến hóa của nhân loại, nếu cần…

Những khẩu hiệu thế thiên hành đạo, tế thế độ nhơn sở dĩ mọc lên như nấm… cũng chỉ vì cái bụng yêu đời và lo đời ấy của ta… lo cho đời đều theo về cùng một cái khuôn tư tưởng như mình.

Nhưng mà, than ôi, tâm sự của ta, nó cũng lại là tâm sự của mọi người… Rồi đây, có lẽ thiên hạ không còn ai có thể dung túng ai được nữa. Ai ai cũng tin:

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

thì làm gì nhân loại tránh khỏi tao loạn lầm than mà tự cổ chí kim, không thời nào tránh khỏi. Cái bệnh ham làm thầy đời, cái bệnh thà làm đầu con gà hơn làm đít con trâu của ta, nó là cái tâm bệnh của loài người… Bởi vậy, ta mong ước, ta tin tưởng chỉ có một mình ta trong, chỉ có một mình ta tỉnh, để ta có cơ hội lên mặt thầy đời hiu hiu tự đắc: trí hơn người ngu, khôn hơn kẻ dại… Rủi mà ngày nào, cái bọn người ngu si mê muội kia mà tiêu mất hết đi rồi, thì cái bọn thầy đời của chúng ta đây dựa vào đâu mà tồn tại! Thế mà ta lại muốn độ cho bọn ngu mê trong thiên hạ đều phải khôn ngoan sáng suốt như ta cả, ta nào có dè ta lại làm một điều mâu thuẫn, ta đang phá hoại cái ngai vàng của ta vậy…

*

Cái chết của Khuất Nguyên là cái chết dĩ nhiên… cái chết tỏ sự bất lực của mình không đủ uy thế để bắt buộc kẻ khác phải nghe theo mình, vì ai ai vẫn tin như mình:

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

và, bởi có đủ quyền bắt buộc kẻ khác phải nghe theo, nên lẽ dĩ nhiên họ phải sa thải mình, nếu mình không đồng ý kiến với họ… Đó là lẽ dĩ nhiên nó phải vậy: kẻ nào mạnh, thì thắng…

Khuất Nguyên, với một tâm sự dường ấy, chỉ còn có một cách là tự sát: người ta mà không sát phạt được kẻ khác khi họ chạm đến lòng tự ái của mình… thường hay sát phạt lại mình mới hả dạ… Những đứa trẻ… muốn đánh cho kỳ được bạn nó khi uất ức mà phải bị một lẽ gì trở ngại… lòng sát phạt ấy trở sát phạt lại bản thân: nó đấm ngực nó, nó cắn tay nó… cho đến chảy máu mới vừa lòng… Khuất Nguyên với tâm trạng này, tránh sao khỏi sự hủy mình… vào bụng cá…

*

Còn lão đánh cá?

Tâm sự lão thắc mắc không biết chừng nào… Lão là người hiểu tình đời sâu sắc lắm… Lão hiểu người như Khuất Nguyên dầu có cố tâm bàn cãi với họ cũng vô hiệu quả…

*

Ôi! Trách người mê, sao không biết trách mình không biết cách làm cho người ta tỉnh? Dạy người mà dạy không đặng, biết đâu chẳng phải vì ta không biết cách dạy… Cớ sao lại biết chắc là vì người ta ngu? Người trí, mỗi khi làm hỏng một điều gì, đều tìm hiểu nguyên nhân để trách mình trước nhất.

*

Lão sở dĩ không muốn bàn cãi với Khuất Nguyên thêm nữa, nào phải lão đã đuối lý, cũng đâu phải lão là một kẻ yếu hèn, không dám đương nhiên chống đầu với dư luận, không đủ cương quyết để hô hào cổ vũ hay bắt buộc kẻ khác đồng theo… Lão sở dĩ bỏ ra đi là vì lão biết rõ tâm hồn của Khuất Nguyên bị tình dục giày vò: cái tình dục tự tôn tự đại. Thử hỏi trong đời có cái tình dục nào mà nhiễu hại người một cách thống thiết bằng không; mà cũng có cái tình dục nào làm cho người mờ ám ngu nguội bằng không! Khi mà người ta để cho cái tình dục ấy thống trị con tâm của mình rồi thì trong đời, không còn có một lý lẽ nào có thể đem mình trở về con đường sáng suốt điềm tĩnh được nữa. Dùng lý lẽ để nói chuyện với họ là một việc làm vô ích. Tình dục của mình nó có những lẽ phải, mà chính lẽ phải không sao hiểu nổi…

Hơn nữa, lão đã hiểu rõ cái lẽ tương quan của sự vật, nhứt là cái luật bất bình đẳng tự nhiên của nhân loại, cho nên lão không tin có một ý kiến nào là tuyệt đối, nghĩa là phải, chung cho tất cả mọi người. Cái phải đối với người này chưa ắt cũng là cái phải đối với người kia; cái quấy đối với người kia, chưa ắt cũng vẫn là cái quấy đối với người nọ. Cũng như, chỗ thích của kẻ ngu, người trí lấy làm bực mình, thì cái thích của người trí, kẻ ngu cũng lấy làm bực mình vậy. Trình độ, tâm tính khác nhau… thì sự ưa ghét cũng phải khác nhau.

Bởi vậy, lão không tin ở đời có ai dạy được ai. Nếu dạy được thì xưa nay, thánh nhân đã dạy được người đời rồi, cha đã dạy được con, thầy đã dạy được trò, anh đã dạy được em, chồng đã dạy được vợ… mà hiện thời nhân loại đã sống được trong cảnh thái bình và thiên đàng rồi vậy. Có dạy được chăng là những kẻ cũng đồng một tâm hồn, một chí hướng như mình, hễ đồng với ta cho ta là phải, không đồng với ta cho ta là quấy. Cái phải, quấy của người ta bất quá chỉ có bấy nhiêu thôi.

Nghĩ thế, lão không chịu cam thiệp, bắt ép người ta phải theo cùng một ý kiến với mình về điều phải lẽ quấy… Nào phải lão sợ gì thiên hạ bất bình… mà bởi lão không chịu những bực thức giả trong đời cười lão là mê muội…

*

Trong thiên hạ ngày nay, hạng người như Khuất-Nguyên lại chiếm hết chín mươi chín phần trăm nhân loại, họ tin quyết rằng:

Đời đục cả, một mình ta trong,

Đời say cả, một mình ta tỉnh…

thế mà mình cũng vẫn bâng khuâng tha thiết lo cho họ nhìn nhận cái mê của họ, lòng tự ái đui mù của họ có cho phép họ nhìn nhận cái mê của họ không? Không khéo, rồi mình lại còn mê hơn họ nữa mà không hay! Vậy, mình thà chịu dại còn hơn.

*

Biết là việc không thể làm, mà cũng cố làm cho kỳ được… người đời cho đó là hạng người đại chí; theo lão, lão cho hạng người ấy là hạng làm liều… Người trí, phải chăng là kẻ biết phân biệt rạch ròi những gì có thể làm được và những gì không thể làm được. Cầu may mà được, kẻ ngu lấy làm thích, mà người trí lấy làm lo… Chứ nào phải lão là một kẻ rụt rè ích kỷ, một vật gỗ đá gì mà có thể dửng dưng với thế sự, lạnh nhạt với tình đời.

*

Bực thánh nhân sao lại câu nệ mà không biết tùy thời… Nếu quả thật “đời đục cả, thì sao ta không biết khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho mình cùng đục một thể?” Nếu quả thật “đời say cả, thì sao ta không biết ăn cả men húp cả bã cho cùng say theo một thể?”. Con cá mà muốn làm khác loài cá, bỏ nước nhảy lên bờ, thì chết; con hổ mà muốn làm khác loài hổ, bỏ núi ra đồng bằng thì chết. Người ta đều ngu cả mà mình muốn tỏ cái khôn của mình ra để khác biệt với họ, biết đâu lại không vời họa đến cho mình? Khôn mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín. Học được cái ngu nầy của lão, đâu phải dễ dàng gì…

*

Trước cử chỉ ngạo nghễ của Khuất Nguyên tin rằng:

Đời đục cả, một mình ta trong,

Đời say cả, một mình ta tỉnh…

nhất quyết không chịu đem cái thân trong sạch (!) của mình để cho vật dơ bẩn (!) dính vào mình thì bực thức giả như lão đánh cá đây, chỉ còn có một nước là tủm tỉm cười… quay chèo bơi đi nơi khác không nói một lời… ôm theo mình một tâm sự lạnh lùng:

Sông Tương nước chảy trong veo,

Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;

Sông Tương nước đục chảy ra,

Thì ta leo xuống để mà rửa chân

*

Người ta sẽ bảo: cử chỉ bất can thiệp của lão sẽ không lợi gì cho đời, lại còn tai hại cho đời là khác… Người ta sẽ không còn ai lo đời nữa, ai ai cũng đều bó gối ngồi không… việc thiên hạ rồi sẽ ra như thế nào?

*

Việc ấy làm gì có được… Làm gì có thể cấm con chó sủa, con gà gáy, cũng như làm gì cho cái hạng người như Khuất-Nguyên nầy mà đừng can thiệp đến việc đời… Thấy được cái nhu trong cái cương, cũng như thấy được cái cương trong cái nhu… nghĩa là có nhận thức được cái mâu thuẫn ngầm chứa trong mọi sự vật trong đời, thì mới mong hiểu được nỗi lòng của hạng người như lão đánh cá nầy. Những đầu óc chỉ biết suy nghĩ có một chiều như Khuất-Nguyên, chỉ biết có một cái phải hay một cái quấy nào; chỉ biết tịnh là tịnh, mà động là động, chứ không thể hiểu được trong tịnh có động, trong động có tịnh… thì làm gì hiểu nổi hành động của lão đánh cá: hạng người nầy, họ làm, mà như không làm gì cả, họ không làm gì cả, mà không gì là không làm… Sở dĩ lão mỉm cười, bỏ ra đi, không nói một lời… lý do ta có thể hiểu được.

*

Nhưng nói cho cùng mà nghe, nếu việc ấy mà có được, nếu vì chủ nghĩa bất can thiệp của lão mà thiên hạ ai ai cũng chỉ biết lo cho nấy, và việc đời rồi sẽ không còn ai lo cho ai nữa cả… thì có lẽ sẽ là điều may mắn nhất cho nhân loại biết chừng nào! Nếu mỗi người mà được như lão, ai ai cũng biết lo cho mình, lo cho mình một cách sáng suốt, lo cho mình tới chỗ thật biết thật hiểu, cho một thân thể không đau, một tinh thần không loạn… thì có cần ai gì phải can thiệp đến việc ai, mà người người đều hạnh phúc cả. Đời mình mà còn phải có người lo, đâu phải là một cái đời tự do và hạnh phúc. Và, bởi ai ai cũng chỉ biết lo cho đời, hăng hái chỉ có một việc lo đời mà chẳng biết lo mình trước, ai ai cũng tin:

Đời đục cả, một mình ta trong,

Đời say cả, một mình ta tỉnh…

mới có cảnh hỗn độn lầm than ngày nay vậy.

*

Có tự giác mới giác tha, có cứu được mình mới cứu được người. Mình mà còn tham lam thân trữ, nô lệ dục vọng mình, nô lệ thành kiến mình, nô lệ tín ngưỡng mình, còn chết trong một cái lẽ phái nào… thì tốt hơn đừng bận tâm đến việc đời làm chi để đỡ cho đời một cái nạn.

*

Rồi, giữa trời nước bao la… nghĩ đến cái kiếp nhỏ nhen hữu hạn của con người trước cái khoảng mênh mông vô tận của Vũ trụ… lòng lão không thể không thắc mắc…

Ừ! Cuộc đời rồi cũng… chẳng qua là một giấc mộng. Những cuộc doanh hư tiêu trưởng, thành bại, đắc thất ở đời nào đâu phải chỗ sở cầu của con người mà được… Đó chẳng qua là cái luật thăng trầm, như ngày đêm tiếp tục mãi mà không thôi vậy. Hễ, “vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến”, đấy là một cái luật lạnh lùng của tạo hóa, không ai có thể cưỡng cầu. Lấy sức người mà thay vào cái guồng máy to tát của Vũ trụ, liệu có nên trò trống gì không? Hay chỉ rồi:

Quyền họa phúc trời tranh tất cả,

Chút tiện nghi chẳng trả phần ai;

Cái quay búng sẵn trên trời,

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm…

Vậy chứ những lâu đài rực rỡ của những văn minh tự ngàn xưa để lại trên quả địa cầu nầy… đã không chôn vùi lặng lẽ dưới đống tro tàn…

*

Hai lối nhân sinh, hai đường xử thế… mà cũng là hai bầu tâm sự, hai khối tâm hồn… không thể sống chung nhau mà vẫn cùng thời gian bất tuyệt phải sống mãi cạnh bên nhau, phải chăng cũng là một nỗi khổ tâm cho cả hai đàng vậy?

Thu-Giang NGUYỄN-DUY-CẦN

Bình luận
× sticky