NHƯ TA đã thấy: lòng tự ái là nguồn gốc lớn của muôn sự đắng cay chua xót ở đời. Muốn cho tâm hồn được bình tĩnh thời không có gì kỵ bằng lòng tự ái. Trong các thị dục, thị dục về lòng tự ái là vô độ hơn cả: trong các khổ não, cái khổ não do lòng tự ái gây ra là khó tránh và thường thống thiết hơn.
“Lòng tự ái đã là cái cừu địch cho sự bình tĩnh bên trong, nó lại cũng là cái cừu địch cho sự yên ổn bên ngoài nữa. Phàm khi lòng tự ái được thỏa mãn là tất có xâm phạm đến ngoài…
“Lòng tự ái bao giờ cũng chăm chăm đáu đáu chỉ chực có dịp miệt kẻ khác để cho khỏi bị kẻ khác miệt mình, thành ra bao giờ cũng cứ quanh quanh dòm dõ người ta; xem ai có gì xấu thì phô trương lên, ai có gì tốt thì bài bác đi, để nuôi cái lòng tự đắc của mình”.
Xem đấy đủ rõ câu “ẩn ác dương thiện” của cổ nhân, khó khi thi hành biết chừng nào! Tại sao? Tại lòng tự ái của chúng ta quá nặng, thường tin rằng dìm được người ta là đem được mình lên, chê cái dở của người tức là đem được cái hay của mình ra… Thật không gì vụng về bằng… khiến nên, ở đời, trong sự giao tế hằng ngày, gây cho ta không biết bao nhiêu điều khốc hại…
*
Tóm lại, tất cả mật pháp của thuật xử thế có thể gồm trong hai nguyên tắc quan trọng nầy:
1 – Chớ chạm vào lòng tự ái của ai cả;
2 – Ẩn ác dương thiện.
Nguyên tắc thứ nhất thuộc về tiêu cực; còn nguyên tắc thứ nhì, thuộc về tích cực. Cả hai không phải là những câu châm ngôn chỉ sự khôn dại cho người đời mà thôi, mà thật ra nó là câu nói của lòng Nhân, hay ít ra, của lòng yêu chuộng Công Bình.
Người xưa há không có bảo: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn” sao? Cái gì mình không muốn người làm cho mình, thì đừng làm cho kẻ khác. Có ai là người muốn bị người ta chạm đến lòng tự ái của mình không? Thế sao mình lại thích lấn áp người trong lời nói để người ta phải đỏ mặt, tía tai cho cam. “Làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng thật, nhưng đấy là người nông nổi khắt khe làm sao[iv]…”. Thế là bất công, mà cũng là bất nhân nữa…
Nhưng rồi, hả lòng được một ít mà lắm khi còn di hại cho mình đến thảm khốc cũng không chừng… Thế thì đâu phải chỉ bất công, bất nhân mà lại còn bất trí nữa là khác.
Chữ Lễ của người Á Đông trong đạo xử thế thật có thể bao hàm được cả cái ý nghĩa đã vừa nói ở trên. Lễ, theo Á Đông, chẳng những có ý nghĩa là tự trị, tự chủ[v], mà cũng có nghĩa là Nhân nữa. Nếu phải nói tắt một lời, thì tôi nói: tất cả thuật xử thế của người Á Đông, đều ở trong một chữ Lễ.
Lễ, là nhún nhường, đem cái bản ngã của mình để sau kẻ khác, đâu phải vì giả dối du mỵ để mưu lợi cho mình. Lễ, là tránh cái đau khổ cho bản ngã kẻ khác bằng cách hy sinh bản ngã của mình. Lễ, là không chạm đến lòng tự ái của ai cả. Lễ, là che cái xấu, giấu cái dở và biểu dương cái hay cái đẹp của người ta. Phải là một người không ích kỷ, diệt được cái bản ngã của mình rồi mới làm nổi việc ấy, làm một cách thản nhiên, vô tư lợi…
Hiểu được tất cả cái ý nghĩa thâm sâu của chữ Lễ, và học được bấy nhiêu thôi, là đã học được cái mật pháp của thuật xử thế rồi…
A. – Nhất là người trên mà đối với kẻ dưới cần phải cẩn thận nhiều về chữ Lễ, vì kẻ dưới với cái tâm cảm tự ty của họ, khó mà tha thứ những điều sơ suất của ta về lễ độ được. Người trên mà thất lễ với kẻ dưới, là một sự thường rất dễ hiểu: kẻ phú quý hay tài hoa hơn kẻ khác thường dễ sinh tự phụ và kiêu khí. Nhưng họ nào có dè, kết quả của sự kiêu căng vô lễ của họ… nó nguy hiểm thâm độc không biết chừng nào…
Philippe, vua nước Macédoine, khi đang đem quân vây thành Méthone, có một tên cung thủ đại tài tên là Aster đến xin vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng tài nghệ cung tiễn hay lắm, chim bay dầu lẹ đến bực nào, y bắn cũng không sai bao giờ. Vua ghét đứa khoe mình nên phán rằng: Được, để bao giờ ta đánh trận với chim sẻ, bấy giờ ta sẽ dùng đến tài ngươi.
Aster nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành bị vây chờ dịp trả thù.
Một hôm, Aster đứng trên bờ thành, thấy vua Philippe đang đi kinh lý các trại quân đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: “Gởi cho con mắt bên hữu vua Philippe”, rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Vua sai sứ cầm chiếc tên vào trả lại trong thành giặc, phê lên trên mũi tên rằng: “Ta mà lấy được thành nầy, Aster sẽ bị xử giáo”. Sau quả y lời.
Vua Philippe, thật đã mua đắt cái cao thú được nói một lời có ý vị. Nhưng mà, Aster lại mua rất đắt cái thú trả được thù. Cái lòng hiềm thù nhiều khi nó ngộ chúng ta mà đưa chúng ta đến chỗ bại. Cái tính châm chính người ta cũng chẳng nguy hiểm kém gì. Đành rằng nói được những câu thâm trầm khiến cho kẻ khác sợ ta, nhưng chúng sợ ta thì ít mà lòng oán hận lại nhiều. Những lời nhạo báng để lấn áp người, để thỏa được lòng tự ái của mình, khiến cho lòng người bị chạm lấy đau khổ không thể quên được. Thường thường người ta có thể tha thứ cho ta một cái tội ác dễ hơn là tha thứ cho ta một lời nói độc.
*
Nam Cung Trường Vạn, một người trong bầy tôi của Tống Mẫn Công, bị giặc Lỗ bắt.
Tống Mẫn Công cho người đến xin vua Lỗ tha cho. Lỗ Trang Công cho Nam Cung Trường Vạn về nước.
Khi thấy Nam Cung Trường Vạn, Tống Mẫn Công nói đùa: “Ngày trước ta kính trọng ngươi; bây giờ ngươi là tù nhân nước Lỗ, ta không kính trọng nữa”.
Nam Cung Trường Vạn thẹn đỏ mặt, cáo từ lui ra.
Quan đại phu Cừu Mục nói riêng với Tống Mẫn Công: “Vua tôi giao tiếp nhau, cần phải giữ Lễ, không nên đùa bỡn… Đã đùa bỡn thì lòng hết kính mà lòng lại sinh ra mối phản nghịch. Chúa công nên nghĩ kỹ đến điều ấy”.
Tống Mẫn Công nói: “Ta với Nam Cung Trường Vạn là chỗ thân nhau lắm, cần gì điều ấy”.
Ngày kia, Tống Mẫn Công cùng Trường Vạn đánh cờ. Mẫn Công là tay cao cờ. Trường Vạn thua luôn mấy ván, phải bị phạt uống một bát rượu lớn. Trường Vạn đã ngà ngà trong lòng không phục, xin đánh thêm ít ván nữa.
Mẫn Công nói: “Tù nhân thì tất phải thua, lại còn dám xin đánh nữa à!”.
Trường Vạn xấu hổ không nói…
Bỗng có sứ giả nhà Châu đến báo tin vua Trang Vương mất và vua Hi Vương mới lên ngôi.
Mẫn Công nói: “Nhà Châu có vua, vậy ta nên sai người vào triều”.
Trường Vạn thưa: “Tôi nghe nói kinh đô nhà Châu đẹp lắm, mà mắt chưa được xem, xin chúa công cho tôi đi sứ”.
Mẫn Công cười, lại đùa nữa: “Khi nào Tống không còn ai nữa mới sai đến tù nhân đi sứ”.
Các cung nhân đều cười ầm cả lên. Trường Vạn mặt đỏ bừng thẹn quá… chẳng nghĩ gì đến lễ chúa tôi nữa, bèn quát to lên: “Hôn quân! Mầy phải biết tù nhân nầy cũng có thể giết được người chớ!”.
Mẫn Công nổi giận, giật lấy kích của Trường Vạn… thì Trường Vạn thuận tay vác bàn cờ đánh Tống Mẫn Công ngã xuống, rồi đâm luôn mấy cái. Mẫn Công tắt thở.
Trường Vạn làm phản luôn, và lập vua khác lên ngôi.
*
… Công tử Tống và công tử Quy Sinh đều là quý tộc nước Trịnh. Hai người cùng hẹn nhau vào triều.
Bỗng đâu ngón thực chỉ của công tử Tống tự nhiên máy động. Công tử Tống mới giơ ngón tay cho công tử Quy Sinh xem. Quy Sinh lấy làm lạ. Tống nói: “Bao giờ ngón thực chỉ của tôi máy động thì ngày hôm ấy thế nào cũng được ăn một món gì quý lạ”.
Vào đến triều… Trịnh Linh Công nhân vừa bắt được một con giải, bảo làm thịt đãi các quan. Linh Công mời hai công tử cùng ở lại dùng tiệc với vua.
Quy Sinh nhớ lại câu chuyện ngón tay thực chỉ của công tử Tống, bèn ngó Tống mà cười chúm chím mãi…
Linh Công hỏi, Quy Sinh thuật lại cho Linh Công nghe. Linh Công gật đầu, không nói gì, lại nghĩ một việc tác quái… Bèn kêu tên dọn yến, báo ngầm: “Đừng dọn món thịt giải cho công tử Tống”.
Đến lúc dự yến, các quan khách đều được ăn thịt giải, trừ công tử Tống ngồi ngơ ngáo, Linh Công cười bảo: “Thế thì ngón thực chỉ của công tử hết linh rồi”.
Các quan đều cười ầm cả lên.
Công tử Tống thẹn đỏ mặt, đứng dậy, xô bàn và bước đến gần bên vua, lấy tay nhúng vào bát canh giải của vua, cầm lấy một miếng vừa ăn vừa nói: “Ngón thực chỉ của ta vẫn linh kia mà!”
Vua kêu tả hữu vây bắt.
Công tử Tống thoát khỏi, rồi lập mưu giết Linh Công trong giấc ngủ.
*
Tống Mẫn Công và Trịnh Linh Công nào có dè những lời nói đùa của mình có những cái kết quả khốc hại đến thế. Ỷ là chỗ chí thân nên không thận trọng, hai ông đâu có ngờ cái địa vị cao cả của mấy ông đã là một điều mà kẻ dưới của mấy ông khó dung túng mấy ông được rồi, huống hồ lại còn bị các ông điếm nhục…
*
B. – Kẻ nghèo thường hay sợ kẻ giàu khinh. Kẻ hèn thường hay sợ kẻ sang khinh. Cái tâm cảm tự ty thường khiến họ có những cử chỉ tự trọng thái quá: họ rất dễ bị phấn khích vì những thói khinh bạc của người trên. Ta nên biết mà tha thứ trước cho họ: chẳng qua đó là một lối họ trả thù cái địa vị cao sang tài đức của mình hơn họ mà thôi.
*
Vua Tuyên Vương nước Tề đến chơi nhà Nhan Súc.
Vua bảo: “Súc, bước lại đây”.
Nhan Súc cũng bảo: “Vua, bước lại đây”.
Các quan thấy vậy nói: “Vua là bậc chí tôn. Súc là kẻ thần hạ. Vua bảo: “Súc, lại đây”; Súc cũng bảo: “Vua, lại đây”, như thế có nghe được không?”.
Nhan Súc nói: “Vua gọi Súc mà Súc lại, thì ra Súc là người ham mộ thần thế. Súc gọi vua mà vua lại, thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc nầy mang tiếng ham mộ quyền thế thì sao bằng để vua được tiếng quý trọng hiền tài”.
Vua nghe lời nói cao ngạo, giận lắm, gắt lên:
– Vua quý, hay sĩ quý?
– Sĩ quý, vua không quý.
– Có cách nào nói thế không?
– Có. Ngày trước nước Tàu sang đánh nước Tề có hạ lịnh: “Ai dám đến gần mộ Liễu hạ Huệ mà kiếm củi, thì phải xử tử”. Lại cũng có lệnh: “Ai lấy được đầu vua Tề thì được phong hầu và thưởng nghìn lượng vàng”. Xem như thế đủ rõ cái gì quí hơn cái gì…
…Tử Kích là một bực quyền quý, gặp Điền Tử Phương, một hàn sĩ, ở giữa đàng, liền xuống xe chào, Tử Phương làm lơ, không đáp lại.
Tử Kích giận, hỏi Tử Phương: “Kẻ phú quý hay khinh người đã đành, kẻ bần tiện có khinh người được không?”.
Tử Phương nói: “Kẻ bần tiện mới hay khinh người. Vua mà khinh người thì mất nước, quan mà khinh người thì mất nước. Còn kẻ học thức, xử cảnh bần tiện, đi đến đâu mà lời nói vua quan không dùng, việc làm vua quan không theo, thì xỏ chân vào giày đi ngay lập tức, đến chỗ nào chẳng được bần tiện, còn có lo sự gì mà không dám khinh người…”.
*
Đối với kẻ quyền quý, kẻ sĩ thường có những cái ngạo khí ấy, cốt để bù vào cái địa vị thấp kém của mình. Bởi vậy, những thói biếm nhẽ kiêu căng thường thấy trong bọn người bất đắc chí… Xem đấy đủ thấy, kẻ dưới, trong cái địa vị thấp kém của họ, khó mà thoát khỏi cái tâm cảm tự ty, cho nên cũng rất khó mà dung tha cái thói ngạo nghễ của người trên: lòng tự ái của họ rất khắt khe, thắc mắc từng ly, từng tý.
Trong tình bạn bè, kẻ có tài hoa hoặc địa vị hơn bạn mình càng phải biết gắt gao gìn giữ chữ Lễ trong tình giao hữu hằng ngày.
*
Cũng một lời nói, cũng một cử chỉ, mà khi là bạn áo vải với nhau thì không có điều gì xích mích, mà lúc kẻ thành công, người thất bại, kẻ cao sang, người dân đã lại không thể tha thứ cho nhau…
Có nhiều người tự hỏi: Ta và anh ấy là một đôi bạn chí thân, nhường cơm xẻ áo cho nhau. Thế sao ngày nay tình anh em ngày một lạnh nhạt, mặc dầu ở địa vị cao sang mình vẫn không thay đổi tấm lòng. Trong trường hợp nầy, kẻ nghèo kém hơn bao giờ cũng dễ nghĩ mình bị khinh khi. Cái địa vị cao sang của mình là bức rào đã chia đôi tâm hồn. Kẻ thấp kém, vì sợ bị khinh khi, nên hay tỏ ra ngạo nghễ… Vậy muốn nối lại tình bằng hữu, phá tan cái rào giai cấp… kẻ giàu sang hơn cần phải khéo xử nhũn nhặn hơn mới đặng. Cũng như hai bạn mà xích mích với nhau, kẻ không có lỗi phải xin lỗi người có lỗi… đừng để người bạn có lỗi của mình đau khổ về vấn đề thể diện…
*
Phan Thanh Giản có một người bạn thân quen biết từ khi còn đi học. Bạn cụ học giỏi mà nhà nghèo, không thi cử, chỉ lấy việc ruộng nương mà làm kế sinh nhai. Cụ Phan, như ta đã biết, theo con đường hoạn lộ.
Khi đi kinh lý đất Nam kỳ, có dịp cụ ghé thăm người bạn cũ. Một viên kinh lược đến đâu, cố nhiên là có quân lính tiền hô hậu ủng. Nhưng lúc tìm thăm bạn, cụ Phan có cái nhã ý, tránh các nhắc nhở trước bạn áo vải của mình cái quyền tước cao sang hiện thời của mình. Cụ cho quân lính dừng lại cách xa nhà bạn có trên mấy dặm… Rồi mặc áo thâm, bịt khăn đóng… lững thững một mình tiến vào căn nhà lá lụp xụp… Khi cụ đến nhà, ông bạn mắc đi làm ngoài ruộng, không hay cụ đến. Cụ lên võng nằm chờ cho đến tối, ông bạn mới về. Gặp nhau mừng rỡ, bạn ông lật đật dọn cơm, trên mâm chỉ có dĩa rau luộc và một dĩa mắm kho. Cụ cùng bạn ngồi ăn ngon lành vui vẻ như khi còn áo vải…
Ngày xưa, cách xử thế thật khôn ngoan vô cùng, mà cũng nhân hậu vô cùng.
NHƯ TA đã thấy: lòng tự ái là nguồn gốc lớn của muôn sự đắng cay chua xót ở đời. Muốn cho tâm hồn được bình tĩnh thời không có gì kỵ bằng lòng tự ái. Trong các thị dục, thị dục về lòng tự ái là vô độ hơn cả: trong các khổ não, cái khổ não do lòng tự ái gây ra là khó tránh và thường thống thiết hơn.
“Lòng tự ái đã là cái cừu địch cho sự bình tĩnh bên trong, nó lại cũng là cái cừu địch cho sự yên ổn bên ngoài nữa. Phàm khi lòng tự ái được thỏa mãn là tất có xâm phạm đến ngoài…
“Lòng tự ái bao giờ cũng chăm chăm đáu đáu chỉ chực có dịp miệt kẻ khác để cho khỏi bị kẻ khác miệt mình, thành ra bao giờ cũng cứ quanh quanh dòm dõ người ta; xem ai có gì xấu thì phô trương lên, ai có gì tốt thì bài bác đi, để nuôi cái lòng tự đắc của mình”.
Xem đấy đủ rõ câu “ẩn ác dương thiện” của cổ nhân, khó khi thi hành biết chừng nào! Tại sao? Tại lòng tự ái của chúng ta quá nặng, thường tin rằng dìm được người ta là đem được mình lên, chê cái dở của người tức là đem được cái hay của mình ra… Thật không gì vụng về bằng… khiến nên, ở đời, trong sự giao tế hằng ngày, gây cho ta không biết bao nhiêu điều khốc hại…
*
Tóm lại, tất cả mật pháp của thuật xử thế có thể gồm trong hai nguyên tắc quan trọng nầy:
1 – Chớ chạm vào lòng tự ái của ai cả;
2 – Ẩn ác dương thiện.
Nguyên tắc thứ nhất thuộc về tiêu cực; còn nguyên tắc thứ nhì, thuộc về tích cực. Cả hai không phải là những câu châm ngôn chỉ sự khôn dại cho người đời mà thôi, mà thật ra nó là câu nói của lòng Nhân, hay ít ra, của lòng yêu chuộng Công Bình.
Người xưa há không có bảo: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn” sao? Cái gì mình không muốn người làm cho mình, thì đừng làm cho kẻ khác. Có ai là người muốn bị người ta chạm đến lòng tự ái của mình không? Thế sao mình lại thích lấn áp người trong lời nói để người ta phải đỏ mặt, tía tai cho cam. “Làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng thật, nhưng đấy là người nông nổi khắt khe làm sao[iv]…”. Thế là bất công, mà cũng là bất nhân nữa…
Nhưng rồi, hả lòng được một ít mà lắm khi còn di hại cho mình đến thảm khốc cũng không chừng… Thế thì đâu phải chỉ bất công, bất nhân mà lại còn bất trí nữa là khác.
Chữ Lễ của người Á Đông trong đạo xử thế thật có thể bao hàm được cả cái ý nghĩa đã vừa nói ở trên. Lễ, theo Á Đông, chẳng những có ý nghĩa là tự trị, tự chủ[v], mà cũng có nghĩa là Nhân nữa. Nếu phải nói tắt một lời, thì tôi nói: tất cả thuật xử thế của người Á Đông, đều ở trong một chữ Lễ.
Lễ, là nhún nhường, đem cái bản ngã của mình để sau kẻ khác, đâu phải vì giả dối du mỵ để mưu lợi cho mình. Lễ, là tránh cái đau khổ cho bản ngã kẻ khác bằng cách hy sinh bản ngã của mình. Lễ, là không chạm đến lòng tự ái của ai cả. Lễ, là che cái xấu, giấu cái dở và biểu dương cái hay cái đẹp của người ta. Phải là một người không ích kỷ, diệt được cái bản ngã của mình rồi mới làm nổi việc ấy, làm một cách thản nhiên, vô tư lợi…
Hiểu được tất cả cái ý nghĩa thâm sâu của chữ Lễ, và học được bấy nhiêu thôi, là đã học được cái mật pháp của thuật xử thế rồi…
A. – Nhất là người trên mà đối với kẻ dưới cần phải cẩn thận nhiều về chữ Lễ, vì kẻ dưới với cái tâm cảm tự ty của họ, khó mà tha thứ những điều sơ suất của ta về lễ độ được. Người trên mà thất lễ với kẻ dưới, là một sự thường rất dễ hiểu: kẻ phú quý hay tài hoa hơn kẻ khác thường dễ sinh tự phụ và kiêu khí. Nhưng họ nào có dè, kết quả của sự kiêu căng vô lễ của họ… nó nguy hiểm thâm độc không biết chừng nào…
Philippe, vua nước Macédoine, khi đang đem quân vây thành Méthone, có một tên cung thủ đại tài tên là Aster đến xin vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng tài nghệ cung tiễn hay lắm, chim bay dầu lẹ đến bực nào, y bắn cũng không sai bao giờ. Vua ghét đứa khoe mình nên phán rằng: Được, để bao giờ ta đánh trận với chim sẻ, bấy giờ ta sẽ dùng đến tài ngươi.
Aster nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành bị vây chờ dịp trả thù.
Một hôm, Aster đứng trên bờ thành, thấy vua Philippe đang đi kinh lý các trại quân đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: “Gởi cho con mắt bên hữu vua Philippe”, rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Vua sai sứ cầm chiếc tên vào trả lại trong thành giặc, phê lên trên mũi tên rằng: “Ta mà lấy được thành nầy, Aster sẽ bị xử giáo”. Sau quả y lời.
Vua Philippe, thật đã mua đắt cái cao thú được nói một lời có ý vị. Nhưng mà, Aster lại mua rất đắt cái thú trả được thù. Cái lòng hiềm thù nhiều khi nó ngộ chúng ta mà đưa chúng ta đến chỗ bại. Cái tính châm chính người ta cũng chẳng nguy hiểm kém gì. Đành rằng nói được những câu thâm trầm khiến cho kẻ khác sợ ta, nhưng chúng sợ ta thì ít mà lòng oán hận lại nhiều. Những lời nhạo báng để lấn áp người, để thỏa được lòng tự ái của mình, khiến cho lòng người bị chạm lấy đau khổ không thể quên được. Thường thường người ta có thể tha thứ cho ta một cái tội ác dễ hơn là tha thứ cho ta một lời nói độc.
*
Nam Cung Trường Vạn, một người trong bầy tôi của Tống Mẫn Công, bị giặc Lỗ bắt.
Tống Mẫn Công cho người đến xin vua Lỗ tha cho. Lỗ Trang Công cho Nam Cung Trường Vạn về nước.
Khi thấy Nam Cung Trường Vạn, Tống Mẫn Công nói đùa: “Ngày trước ta kính trọng ngươi; bây giờ ngươi là tù nhân nước Lỗ, ta không kính trọng nữa”.
Nam Cung Trường Vạn thẹn đỏ mặt, cáo từ lui ra.
Quan đại phu Cừu Mục nói riêng với Tống Mẫn Công: “Vua tôi giao tiếp nhau, cần phải giữ Lễ, không nên đùa bỡn… Đã đùa bỡn thì lòng hết kính mà lòng lại sinh ra mối phản nghịch. Chúa công nên nghĩ kỹ đến điều ấy”.
Tống Mẫn Công nói: “Ta với Nam Cung Trường Vạn là chỗ thân nhau lắm, cần gì điều ấy”.
Ngày kia, Tống Mẫn Công cùng Trường Vạn đánh cờ. Mẫn Công là tay cao cờ. Trường Vạn thua luôn mấy ván, phải bị phạt uống một bát rượu lớn. Trường Vạn đã ngà ngà trong lòng không phục, xin đánh thêm ít ván nữa.
Mẫn Công nói: “Tù nhân thì tất phải thua, lại còn dám xin đánh nữa à!”.
Trường Vạn xấu hổ không nói…
Bỗng có sứ giả nhà Châu đến báo tin vua Trang Vương mất và vua Hi Vương mới lên ngôi.
Mẫn Công nói: “Nhà Châu có vua, vậy ta nên sai người vào triều”.
Trường Vạn thưa: “Tôi nghe nói kinh đô nhà Châu đẹp lắm, mà mắt chưa được xem, xin chúa công cho tôi đi sứ”.
Mẫn Công cười, lại đùa nữa: “Khi nào Tống không còn ai nữa mới sai đến tù nhân đi sứ”.
Các cung nhân đều cười ầm cả lên. Trường Vạn mặt đỏ bừng thẹn quá… chẳng nghĩ gì đến lễ chúa tôi nữa, bèn quát to lên: “Hôn quân! Mầy phải biết tù nhân nầy cũng có thể giết được người chớ!”.
Mẫn Công nổi giận, giật lấy kích của Trường Vạn… thì Trường Vạn thuận tay vác bàn cờ đánh Tống Mẫn Công ngã xuống, rồi đâm luôn mấy cái. Mẫn Công tắt thở.
Trường Vạn làm phản luôn, và lập vua khác lên ngôi.
*
… Công tử Tống và công tử Quy Sinh đều là quý tộc nước Trịnh. Hai người cùng hẹn nhau vào triều.
Bỗng đâu ngón thực chỉ của công tử Tống tự nhiên máy động. Công tử Tống mới giơ ngón tay cho công tử Quy Sinh xem. Quy Sinh lấy làm lạ. Tống nói: “Bao giờ ngón thực chỉ của tôi máy động thì ngày hôm ấy thế nào cũng được ăn một món gì quý lạ”.
Vào đến triều… Trịnh Linh Công nhân vừa bắt được một con giải, bảo làm thịt đãi các quan. Linh Công mời hai công tử cùng ở lại dùng tiệc với vua.
Quy Sinh nhớ lại câu chuyện ngón tay thực chỉ của công tử Tống, bèn ngó Tống mà cười chúm chím mãi…
Linh Công hỏi, Quy Sinh thuật lại cho Linh Công nghe. Linh Công gật đầu, không nói gì, lại nghĩ một việc tác quái… Bèn kêu tên dọn yến, báo ngầm: “Đừng dọn món thịt giải cho công tử Tống”.
Đến lúc dự yến, các quan khách đều được ăn thịt giải, trừ công tử Tống ngồi ngơ ngáo, Linh Công cười bảo: “Thế thì ngón thực chỉ của công tử hết linh rồi”.
Các quan đều cười ầm cả lên.
Công tử Tống thẹn đỏ mặt, đứng dậy, xô bàn và bước đến gần bên vua, lấy tay nhúng vào bát canh giải của vua, cầm lấy một miếng vừa ăn vừa nói: “Ngón thực chỉ của ta vẫn linh kia mà!”
Vua kêu tả hữu vây bắt.
Công tử Tống thoát khỏi, rồi lập mưu giết Linh Công trong giấc ngủ.
*
Tống Mẫn Công và Trịnh Linh Công nào có dè những lời nói đùa của mình có những cái kết quả khốc hại đến thế. Ỷ là chỗ chí thân nên không thận trọng, hai ông đâu có ngờ cái địa vị cao cả của mấy ông đã là một điều mà kẻ dưới của mấy ông khó dung túng mấy ông được rồi, huống hồ lại còn bị các ông điếm nhục…
*
B. – Kẻ nghèo thường hay sợ kẻ giàu khinh. Kẻ hèn thường hay sợ kẻ sang khinh. Cái tâm cảm tự ty thường khiến họ có những cử chỉ tự trọng thái quá: họ rất dễ bị phấn khích vì những thói khinh bạc của người trên. Ta nên biết mà tha thứ trước cho họ: chẳng qua đó là một lối họ trả thù cái địa vị cao sang tài đức của mình hơn họ mà thôi.
*
Vua Tuyên Vương nước Tề đến chơi nhà Nhan Súc.
Vua bảo: “Súc, bước lại đây”.
Nhan Súc cũng bảo: “Vua, bước lại đây”.
Các quan thấy vậy nói: “Vua là bậc chí tôn. Súc là kẻ thần hạ. Vua bảo: “Súc, lại đây”; Súc cũng bảo: “Vua, lại đây”, như thế có nghe được không?”.
Nhan Súc nói: “Vua gọi Súc mà Súc lại, thì ra Súc là người ham mộ thần thế. Súc gọi vua mà vua lại, thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc nầy mang tiếng ham mộ quyền thế thì sao bằng để vua được tiếng quý trọng hiền tài”.
Vua nghe lời nói cao ngạo, giận lắm, gắt lên:
– Vua quý, hay sĩ quý?
– Sĩ quý, vua không quý.
– Có cách nào nói thế không?
– Có. Ngày trước nước Tàu sang đánh nước Tề có hạ lịnh: “Ai dám đến gần mộ Liễu hạ Huệ mà kiếm củi, thì phải xử tử”. Lại cũng có lệnh: “Ai lấy được đầu vua Tề thì được phong hầu và thưởng nghìn lượng vàng”. Xem như thế đủ rõ cái gì quí hơn cái gì…
…Tử Kích là một bực quyền quý, gặp Điền Tử Phương, một hàn sĩ, ở giữa đàng, liền xuống xe chào, Tử Phương làm lơ, không đáp lại.
Tử Kích giận, hỏi Tử Phương: “Kẻ phú quý hay khinh người đã đành, kẻ bần tiện có khinh người được không?”.
Tử Phương nói: “Kẻ bần tiện mới hay khinh người. Vua mà khinh người thì mất nước, quan mà khinh người thì mất nước. Còn kẻ học thức, xử cảnh bần tiện, đi đến đâu mà lời nói vua quan không dùng, việc làm vua quan không theo, thì xỏ chân vào giày đi ngay lập tức, đến chỗ nào chẳng được bần tiện, còn có lo sự gì mà không dám khinh người…”.
*
Đối với kẻ quyền quý, kẻ sĩ thường có những cái ngạo khí ấy, cốt để bù vào cái địa vị thấp kém của mình. Bởi vậy, những thói biếm nhẽ kiêu căng thường thấy trong bọn người bất đắc chí… Xem đấy đủ thấy, kẻ dưới, trong cái địa vị thấp kém của họ, khó mà thoát khỏi cái tâm cảm tự ty, cho nên cũng rất khó mà dung tha cái thói ngạo nghễ của người trên: lòng tự ái của họ rất khắt khe, thắc mắc từng ly, từng tý.
Trong tình bạn bè, kẻ có tài hoa hoặc địa vị hơn bạn mình càng phải biết gắt gao gìn giữ chữ Lễ trong tình giao hữu hằng ngày.
*
Cũng một lời nói, cũng một cử chỉ, mà khi là bạn áo vải với nhau thì không có điều gì xích mích, mà lúc kẻ thành công, người thất bại, kẻ cao sang, người dân đã lại không thể tha thứ cho nhau…
Có nhiều người tự hỏi: Ta và anh ấy là một đôi bạn chí thân, nhường cơm xẻ áo cho nhau. Thế sao ngày nay tình anh em ngày một lạnh nhạt, mặc dầu ở địa vị cao sang mình vẫn không thay đổi tấm lòng. Trong trường hợp nầy, kẻ nghèo kém hơn bao giờ cũng dễ nghĩ mình bị khinh khi. Cái địa vị cao sang của mình là bức rào đã chia đôi tâm hồn. Kẻ thấp kém, vì sợ bị khinh khi, nên hay tỏ ra ngạo nghễ… Vậy muốn nối lại tình bằng hữu, phá tan cái rào giai cấp… kẻ giàu sang hơn cần phải khéo xử nhũn nhặn hơn mới đặng. Cũng như hai bạn mà xích mích với nhau, kẻ không có lỗi phải xin lỗi người có lỗi… đừng để người bạn có lỗi của mình đau khổ về vấn đề thể diện…
*
Phan Thanh Giản có một người bạn thân quen biết từ khi còn đi học. Bạn cụ học giỏi mà nhà nghèo, không thi cử, chỉ lấy việc ruộng nương mà làm kế sinh nhai. Cụ Phan, như ta đã biết, theo con đường hoạn lộ.
Khi đi kinh lý đất Nam kỳ, có dịp cụ ghé thăm người bạn cũ. Một viên kinh lược đến đâu, cố nhiên là có quân lính tiền hô hậu ủng. Nhưng lúc tìm thăm bạn, cụ Phan có cái nhã ý, tránh các nhắc nhở trước bạn áo vải của mình cái quyền tước cao sang hiện thời của mình. Cụ cho quân lính dừng lại cách xa nhà bạn có trên mấy dặm… Rồi mặc áo thâm, bịt khăn đóng… lững thững một mình tiến vào căn nhà lá lụp xụp… Khi cụ đến nhà, ông bạn mắc đi làm ngoài ruộng, không hay cụ đến. Cụ lên võng nằm chờ cho đến tối, ông bạn mới về. Gặp nhau mừng rỡ, bạn ông lật đật dọn cơm, trên mâm chỉ có dĩa rau luộc và một dĩa mắm kho. Cụ cùng bạn ngồi ăn ngon lành vui vẻ như khi còn áo vải…
Ngày xưa, cách xử thế thật khôn ngoan vô cùng, mà cũng nhân hậu vô cùng.