Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thủy Triều Đen

Chương 24

Tác giả: Andrew Gross

Tháng tư.

Đã một năm trôi qua.

Một năm vắng bóng Charlie. Một năm tự mình nuôi dạy lũ trẻ. Một năm chăn đơn gối chiếc. Đó là ngày kỷ niệm tròn một năm mà cô sợ hãi nhất.

Thời gian là liều thuốc tiên, phải vậy không nhỉ? Đó là điều mọi người vẫn thường nói. Nhưng ban đầu, Karen còn không cho phép mình tin vào điều đó. Mọi thứ đều nhắc cô nhớ đến Charlie; tất cả những gì cô đụng tới quanh nhà; hay mỗi khi cô đi chơi với bạn bè; mỗi lúc xem ti-vi; những bài hát; nỗi đau vẫn còn nhói buốt.

Nhưng dần dần, ngày qua ngày, từng tháng trôi qua, nỗi đau dường như cứ giảm dần đi mỗi ban mai. Ai cũng sẽ phải quen với nó, gần như là trái ngược với lý trí.

Cuộc sống vẫn cứ trôi qua.

Sam đã đi Acapulco với bạn học khóa trên để đổi gió và đang rất vui vẻ ở đó. Alex đã ghi điểm đạt mục tiêu thắng giải trong môn bóng vợt, thằng bé hiện đang rất nổi. Thật tuyệt khi lại được thấy sức sống trở lại trên khuôn mặt lũ trẻ. Karen phải làm một điều gì đó. Cô quyết định đăng ký bất động sản. Cô cũng đã hẹn hò một vài lần gì đó, với một vài người đã ly dị vợ, những nhà tài phiệt giàu có ở Greenwich. Họ không phải là tuýp người cô thích. Một trong số đó đã muốn đưa cô bay đến Paris vào một kỳ cuối tuần, bay bằng máy bay riêng của ông ta. Sau khi lũ trẻ gặp mặt- cả hai đều lắc đầu chê “già quá” và ra dấu không ổn.

Vả lại lúc đó vẫn còn quá sớm, -vẫn khiến người ta cảm thấy rùng mình- và hình như không được đúng cho lắm.

Điều tốt nhất là toàn bộ sự việc liên quan tới công ty Ma Archer đã dần không còn được nhắc tới nữa. Có lẽ thời điểm đó là quá nóng vội, và kẻ nào đó tìm cách tống tiền đã không còn đủ can đảm và cuối cùng là từ bỏ ý định. Dần dà mọi việc cũng trở nên ổn thỏa, trạm gác đảm bảo an ninh cho gia đình Karen đã được xóa bỏ, nỗi sợ hãi cũng tan dần, như thể là tất thảy màn kịch kinh hoàng đó đã không còn nữa.

Hay ít nhất đó cũng là điều mà Karen luôn cầu nguyện vào mỗi đêm trước khi tắt dèn đi ngủ.

Ngày mùng tám tháng tư, một đêm trước ngày tròn một năm của vụ đánh bom, ti-vi có đưa một đoạn phim tài liệu. Đoạn phim được ghi lại bởi nhóm quay phim đi cùng đội cứu hỏa và những đoạn phim ghi lại từ ca-mê-ra cầm tay của những người qua đường ngẫu nhiên ở nhà ga Trung tâm hoặc trên đường phố vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom.

Ngay cả đến bây giờ, Karen vẫn chưa hề xem bất cứ tư liệu nào liên quan tới ngày hôm đó.

Cô không thể. Đó không phải một sự kiện nào khác đối với cô -mà đó chính là cái ngày chồng cô không bao giờ trở về nữa.- Nhưng nó được xen kẽ không ngừng trên các chương trình Thời sự, chương trình về Luật và các Quy định, và thậm chí là cả ở các chương trình bóng đá, bóng rổ…

Vì thế, tất cả gia đình lại ngồi nhớ lại câu chuyện. Lập kế hoạch chỉ riêng gia đình sẽ cùng nhau tổ chức tưởng niệm một năm ngày Charlie ra đi vào tối ngày hôm sau. Tối ngày hôm trước chỉ khiến mọi người rối trí mà thôi. Sam và Alex không muốn xem tin tức liên quan tới sự kiện, vì vậy cả hai đứa đã đi chơi với lũ bạn. Paula và Rick cũng mời Karen đi chơi, nhưng cô từ chối.

Cô không biết và cũng không chắc lý do tại sao từ chối.

Có lẽ bởi cô muốn chứng tỏ mình mạnh mẽ. Không phải là trốn tránh. Charlie đã phải trải qua điều đáng sợ đó, thực sự đã trải qua.

Vì thế cô cũng có thể làm được như vậỵ.

Nhưng có lẽ cũng chỉ một phần của điều này là sự thúc giục rất nhỏ nhoi thôi. Cô đôi lúc sẽ phải đối mặt với nó, và có thể là ngay lúc này.

Dẫu lý do có là gì thì Karen cũng tự làm món sa-lát vào buổi tối, đọc qua một vài cuốn tạp chí đã chất đống cả lên, sắp xếp lại một chút những danh mục bất động sản có sức cạnh tranh trên máy tính, uống một ly rượu vang. Tất cả khoảng thời gian Karen làm những công việc đó luôn như có một con mắt nội tâm đang khắc khoải gắn chặt vào chiếc đồng hồ.

Được mà Karen. Đừng có tìm cách trốn chạy.

Chín giờ tối, Karen tắt máy tính, chuyển ti-vi sang kênh NBC.

Khi chương trình bắt đầu, Karen cảm thấy hơi bất an. Cô tự trấn an bản thân: Charlie đã phải trải qua nỗi kinh hoàng này, cô tự nhủ. Vì vậy mình cũng có thể chịu đựng được.

Phát thanh viên tuyên bố chương trình về sự kiện đánh bom bắt đầu bằng việc quay trở lại với chuyến tầu lúc 7 giờ 51 phút tới nhà ga trung tâm Grand Central. Đó là một bộ phim dựng lại dựa trên những sự kiện có thật từ chuyến tàu khởi hành từ nhà ga Stamford.

Hành khách đang đọc báo, giải ô chữ và bàn chuyện với nhau về trận đấu của đội Knicks tối hôm trước.

Tim Karen bắt đầu đập mạnh. Cô gần như còn hình dung thấy Charlie ngồi trên toa đầu, vùi đầu vào tờ tạp chí. Sau đó, ca-mê-ra chuyển qua cảnh hai vị khách Trung đông với ba lô đeo sau lưng, một trong số hai kẻ đó kéo xe đẩy chở một chiếc va-li hành lý. Karen kéo Tobey vào lòng và ôm chặt lấy con vật. Cô cảm giác như cơ thể mình bỗng trở nên trống rỗng, có lẽ đây không phải là ý tưởng hay ho gì.

Tiếp sau đó, màn hình bỗng hiện lên dòng chữ 8:41. Đó là thời điểm xảy ra vụ nổ. Karen quay mặt đi. Ôi, Chúa ơi…

Đó là lúc camêra giám sát an ninh tại nhà ga trung tâm Grand Central ghi lại được tình huống. Cả nhà ga rung chuyển, một tia sáng lóe lên, sáng lòa. Đèn điện trên tàu tắt ngấm. Lúc này những hình ảnh ghi lại được là từ những chiếc điện thoại có gắn camêra. Nhà ga lại rung lên. Bóng tối bao trùm. Tiếng người la hét vang lên.

Các lớp bêtông sụp xuống dưới chấn động của hàng trăm pao thuốc nổ và chất xúc tác gia tăng lượng nổ – ngọn lửa bùng lên, tới gần hai nghìn độ, khói cuộn từ phòng chờ chính của nhà ga lên đường phố, tiếp đó là những cảnh được ghi lại từ trên không. Đó cũng chính là những cảnh Karen chứng kiến vào buổi sáng đáng sợ cách đây một năm ấy. Tất cả đổ sập xuống. Dòng người hoảng loạn túa ra từ nhà ga, ho sặc sụa. Từng chùm khói đen độc hại cuộn lên cao.

Không, đây là một sai lầm. Karen siết chặt hai nắm tay, lắc đầu. Cô ôm chặt lấy Tobey, nước mắt giàn giụa. Thật sai lầm. Cô không thể xem những thước phim này được. Tâm trí cô chợt hướng tới Charlie đang mắc kẹt dưới đó. Tới những gì anh phải trải qua. Karen ngồi lặng yên như hóa đá, dội ngược lại phía sau bởi chính nỗi hoảng loạn của ngày hôm đó. Với cô, điều đó gần như không thể chịu đựng được. Nhiều người đang chết dần dưới nhà ga, và chồng cô cũng ở dưới đó…

Không. Em xin lỗi, anh yêu, em không thể xem được nữa.

Cô với chiếc điều khiển, chuẩn bị nhấn nút tắt ti-vi.

Cũng ngay lúc đó, trên ti-vi chuyển qua hình ảnh trên hè phố. Đó là cảnh ghi lại được ở một trong những cổng ra vào xa nhất ở đường Bốn mươi tám và Madison. Hình ảnh cũng được ghi lại bởi camêra cầm tay của người qua đường. Những hình ảnh lướt qua: hành khách lảo đảo buớc lên đường phố, bàng hoàng và choáng váng, nôn ọe, mặt mũi đen sạm vì khói bụi, nhiều người ngã vật ra trên hè phố. Có người bật khóc, có người mắt rơm rớm, hạnh phúc vì mình còn đuợc sống.

Thật kinh khủng. Cô không thể tiếp tục xem thêm được nữa.

Ngay khi cô chuẩn bị tắt ti-vi thì một cảnh tượng đập vào mắt cô. Và Karen chớp mắt, không tin vào mắt mình.

Cảnh tượng đó chỉ diễn ra trong giây lát – một thoáng rất nhanh. Karen có cảm giác như đôi mắt cô đang chơi một trò chơi tàn độc. Không thể như vậy được…

Cô nhấn nút tua lại trên điều khiển, đợi vài giây trước khi cho chiếu lại, chầm chậm, chầm chậm tiến lại gần hơn với màn hình ti-vi. Dòng người đang chen lấn nhau đổ ra khỏi nhà ga…

Mỗi tế bào trong cô như đông cứng lại. Quá hoảng loạn, Karen tua lại một lần nữa, tim cô như muốn đứng lại. Khi quay lại đúng cảnh tượng đó lần thứ ba, Karen hít một hơi thật sâu, và ngừng lại.

Ôi, Chúa ơi…

Hai mắt Karen căng ra muốn rách. Ngực cô se thắt lại. Karen đứng bật dậy, miệng đắng ngắt, chầm chậm đi lại phía màn hình ti-vi. Không thể thế được…

Đó là một khuôn mặt.

Khuôn mặt mà tâm trí cô muốn gào lên với chính bản thân rằng đó không phải là sự thật.

Bên ngoài nhà ga; giữa tất cả những hỗn loạn; sau vụ đánh bom; không quay về hướng camêra.

Đó là khuôn mặt của Charlie.

Bụng dạ cô như đảo lộn hết cả.

Không ai để ý đến cảnh tượng đó. Không ai ngoại trừ cô. Và nếu như cô chỉ cần chớp mắt một cái thôi, hay chỉ quay khỏi màn hình một chút thôi là toàn bộ cảnh tượng đó sẽ tan biến. Nhưng cảnh tượng đó là sự thật, được ghi lại ngay tại nhà ga, dẫu Karen có muốn phủ nhận điều đó đến đâu đi chăng nữa!

Đó chính là khuôn mặt của Charlie.

Karen nhìn chăm chăm vào gương mặt chồng mình.

Bình luận