Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thủy Triều Đen

Chương 35

Tác giả: Andrew Gross

Gregory Khodoshevsky tăng ga chiếc mô-tô thể thao ba bánh T-Rex trị giá bảy mươi ngàn đô la. Chiếc mô-tô ba trăm mã lực vọt lên trong sân đua dựng tạm trên diện tích hai mươi mẫu Anh trong khu bất động sản Greenwich. Theo sát phía sau là cậu ấm mười bốn tuổi, Pavel, trong chiếc T-Rex màu đỏ, đang liều lĩnh bám đuổi.

“Nào, con trai!” Khodoshevsky cười to qua chiếc mi-crô gắn trong mũ bảo hiểm trong khi vòng qua bục tròn hình nón, vượt qua phía sau lưng cậu con trai ở phía bên kia. – “Con không để lão già khốt ta bít này vượt mặt chứ hả?”

Pavel mở cua đột ngột, khiến chiếc mô-tô gần như tung lên. Sau đó, cậu lấy lại thẳng hướng và tăng tốc lên gần sáu mươi dặm một giờ, bay vọt lên khi chạy qua một mô đất nhỏ.

“Con đang bám ngay sát phía sau đây, ông già khốt ta bít ơi!”

Cả hai tăng tốc quanh chiếc ao nhân tạo, chạy ngang qua sân đỗ trực thăng, vòng lại con đường thẳng tắp trong khu bất động sản của Khodoshevsky. Trên đỉnh đồi là khu nhà kiểu Gru-di-a rộng mười tám nghìn phút vuông xây bằng gạch đỏ đứng như một lâu đài sừng sững với khoảnh sân rộng lớn có đài phun nước và dãy ga-ra tám khoang đang nằm trễ nải. Trong đó, Khodoshevsky để một chiếc Lamborghini Murcielago, một chiếc Hummer màu vàng dành để Ludmila, vợ ông, đi dạo quanh phố; một chiếc Mercedes Maybach hoàn thiện với lớp kính chống đạn và bộ phận bắt tín hiệu vệ tinh Bloomberg. Chỉ riêng số xe này đã ngốn của ông hết nửa triệu đô la.

Mặc dù mới bốn mươi tám tuổi, Khodoshevsky, đôi lúc được người ta gọi với cái tên là “Gấu Đen,” là một trong những người quyền lực nhất trên thế giới, dẫu rằng người ta không thể tìm được tên tuổi ông ta trong bất cứ danh sách nào. Trong một chính quyền tham nhũng tràn lan chuyển đổi sang tư nhân hóa như ở Nga vào những năm 1990, Khodoshevsky đã thuyết phục được một ngân hàng đầu tư của Pháp mua lại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô-tô đang làm ăn thua lỗ ở Irkutsk, sau đó nhảy vào ban quản trị của Tazprost, nhà sản xuất ô-tô lớn nhất – và yếu kém nhất – của Nga, rồi sau cái chết đột ngột của hai thành viên trong ban quản trị ngang ngạnh, vị trí đứng đầu đã rơi vào tay Khodoshevsky khi mới ba mươi sáu tuổi. Từ vị trí đó, Khodoshevsky có quyền mở đại lý phân phối cho Mercedes và Nissan ở Estonia và Latvia, cùng với hàng trăm trạm xăng Gaznost trên khắp lãnh thổ Nga.

Dưới thời Yeltsin, nền kinh tế Nga giống như một khuôn mặt với những vết cứa nhằng nhịt dưới bàn tay của những gã tư sản háo hức với thời cuộc. Theo cách gọi của Khodoshevsky thì đó chẳng khác nào một cửa hàng bánh kẹo khốn kiếp. Trong cuộc loạn đả cuối cùng để trở thành khu vực tài chính công đó, Khodoshevsky đã mở nhiều cửa hàng bách hóa lớn theo mô hình của Harrods chuyên bán các mặt hàng đắt tiền của phương Tây. Ông mua được độc quyền phân phối các loại rượu vang và sâm banh đắt tiền của Pháp. Sau đó là đến lượt các nhà băng và cả các đài phát thanh. Thậm chí cả một hãng hàng không giá rẻ nữa. Hiện tại, qua một công ty mẹ, Khodoshevsky trở thành chủ khách sạn tư nhân lớn nhất Champs-Élysées1!

Trong thời gian mở rộng quyền lực của mình, Khodoshevsky đã làm nhiều điều đáng ngờ. Nhiều bộ trưởng phụ trách kinh tế thương mại trong chính phủ của Putin nằm trong danh sách trả lươrng của Khodoshevsky. Rất nhiều đối thủ của ông bị bắt hoặc bị kết án tù. Không ít đối thủ đã bị thủ tiêu bằng nhiều cách, từ việc ngã từ cửa sổ phòng làm việc hay gặp tai nạn ô-tô không ai lý giải được trên đường đi làm về. Hiện giờ, dòng tiền mặt đầu tư của Khodoshevsky còn lớn hơn cả một nền kinh tế cỡ vừa. Ở nước Nga, nếu có thứ gì không mua được bằng tiền thì Khodoshevsky đánh cắp.

May mắn là Khodoshevsky không phải là loại người mà lương tâm khiến ông ta phải thức giấc lúc nửa đêm. Hàng ngày ông gặp gỡ với đại diện của nhiều nhân vật có thế lực – từ châu Âu, Nam Mỹ, và cả thế giới Ả Rập. Đây là những người có tiềm lực tài chính lớn đến độ về cơ bản thì dòng tài chính đó điều khiển cả thế giới. Đó là dòng tiền đã tạo ra một nền siêu kinh tế, khiến giá bất động sản nhảy vọt, các mặt hàng xa xỉ đua nhau ra đời, khiến các nhà sản xuất du thuyền luôn phải bận bịu, chỉ số chứng khoán phố Wall tăng cao. Họ điều hành các nền kinh tế theo cách IMF đã từng điều hành các quốc gia: mua trọn sản lượng than ở Smolensk, toàn bộ các cánh đồng mía ở Costa Rica để điều chế ê- ta-non, và các nhà máy sắt thép ở Việt Nam. Dẫu đồng tiền có mất giá đến đâu thì họ bao giờ cũng là người được lợi trên cùng. Đó chính là nghề buôn bán Khodoshevsky đã tạo ra. Quỹ đầu tư hợp tác của các quỹ đầu tư khác! Không bao giờ có thất bại ở đây.

Ngoại trừ hôm nay khi ông thư giãn một chút với cậu con trai của mình. – “Nào, Pavel, hãy thể hiện cho bố xem con là người thế nào. Tăng tốc lên đi!”

Cả hai cùng cười và tăng tốc tiến vào đoạn đường thẳng cuối cùng, rồi cua quanh đài phun nước khổng lồ trong sân trước ngôi nhà. Hai chiếc T-Rex máy nóng rực bất ngờ tăng tốc như hai chiếc ô-tô loại nhỏ. Cả hai nhảy vọt trên con đường trải sỏi kiểu Bỉ để tiến về đích.

“Bố đuổi kịp con rồi, Pavel!” – Khodoshevsky kêu to khi tiến gần tới cậu con trai.

“Tin con đi, bố già!” – Cậu con trai cả quyết kéo ga và cười lớn.

Ở cung đường cua cuối cùng, cả hai đều tăng hết tốc lực. Xe nọ thúc vào bánh xe kia, rít lên, tóe lửa. Khodoshevsky lảo đảo quệt vào bồn đài phun nước khổng lồ thiết kế kiểu ba-rốc ông mới mua từ Pháp về. Gầm chiếc T-Rex làm bằng sợi thủy tinh bẹp dúm như một tờ giấy. Pavel giơ hai tay lên trời khi chạy ngang qua bố. “Con thắng rồi!”

Khodoshevsky khó nhọc bước ra khỏi chiếc xe sứt sẹo. Đúng là thất bại hoàn toàn, ông rầu rĩ. Vậy là mất toi bảy mươi ngàn đô. Pavel cũng nhảy ra khỏi xe, chạy lại: – “Bố có sao không?”

“Trông bố có ổn không?” – Khodoshevsky nhấc mũ bảo hiểm, đưa tay vỗ vỗ quanh người kiểm tra. Khuỷu tay có một vết xước nhỏ. – “Không gẫy cái gì. Cú vượt tốt lắm, con trai ạ! Rất vui, đúng không nào? Con sẽ trở thành một tay đua đấy. Giờ thì giúp bố quăng cái đống rác này vào trong ga-ra trước khi mẹ mày thấy.” — Khodoshevsky vò tóc cậu con trai. – “Còn ai khác có thể có được những món đồ chơi như thế này chứ hả?”

Cùng lúc đó, chuông điện thoại vang lên. Khodoshevsky rút chiếc BlackBerry ra khỏi túi quần jeans. Ngay lập tức, ông ta nhận ra số điện thoại gọi tới. – “Bố sẽ đến ngay.” – Khodoshevsky vẫy Pavel. – “Công việc làm ăn, con trai ạ.” – ông ngồi trên thành đài phun nước, bật điện thoại, tay đưa lên vuốt mái tóc rối bù.

“Khodo nghe đây. ”

Đầu dây bên kia vang lên giọng nói của người chủ nhà băng tư nhân mà Khodoshevsky quen biết, – “Tôi gọi để báo cho ông biết rằng số tiền chúng ta nói tới trước đây đã được chuyển. Tôi sẽ tự chuyển đến cho anh ta phần hàng cuối cùng.”

“Tốt.” — Khodoshevsky khịt mũi. — “Hắn chắc chắn phải có hình của ông, để lấy được lòng tin của ông sau khi đã gây ra cả một đống bừa bộn vào năm ngoái, ông phải cho hắn thấy cái giá của việc làm ăn với chúng ta là thế nào. Lần này ông sẽ thấy là hắn sẽ hiểu, hiểu rất rõ”.

“Ông cứ tin tưởng vào tôi.” – Gã chủ nhà băng người Đức đáp lời. – “Tôi sẽ gửi tới hắn ta lời hỏi thăm tốt đẹp nhất của ông.”

Khodoshevsky cúp máy. Đây không phải là lần đầu tiên bàn tay ông nhúng máu. Và chắc chắn đây cũng chẳng phải là lần cuối. Người đàn ông đó đã từng là bạn tốt. Khodoshevsky đã đi ăn nhiều lần với anh ta, đã uống rất nhiều rượu, nhưng điều đó không quan trọng. Khodoshevsky nghiến chặt hai hàm. Không ai mất tiền mà không cảm thấy như vậy.

Không ai cả.

“Nào, con trai.” – Khodoshevsky đứng dậy đi tới vỗ vai Pavel: – “Giúp bố dọn cái đống hổ lốn này vào trong ga-ra nào. Bố còn một chiếc mới tinh ở trong ấy nữa. Sao nhỉ, có cho ông già này thêm một cơ hội nữa không?”

Chú Thích:

1 Champs-Élysées: một đại lộ lớn ở Pa-ri dẫn tới điện Concorde.

Bình luận
× sticky