Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thủy Triều Đen

Chương 31

Tác giả: Andrew Gross

Từ mấy gian tạm giam dưới hầm, Hauck quay trở lại văn phòng của mình ở tầng trên. Anh cùng Freddy Munoz vừa mới lấy được lời khai từ một thiếu niên gốc la-tinh đang hoảng loạn. Đây là thành viên của một nhóm tới từ Norwalk chuyên trộm cắp các loại xe đẹp tại các vùng quê thưa người ở Greenwich. Lời khai anh vừa lấy được có thể giúp phá án. Joe Horner, một thanh tra thuộc sở cảnh sát Norwalk, đang chờ anh ở phía đầu dây điện thoại bên kia.

Khi Hauck bước vào từ hành lang, Debbie, trợ lý của đội, vẫy tay ra hiệu cho anh: “Ty, có người cần gặp anh.”

Karen đang ngồi đợi anh trên băng ghế phía bên ngoài văn phòng. Cô mặc một chiếc len cổ lọ và áo khoác nhẹ màu be. Chiếc túi xách phụ nữ đặt trên băng ghế bên cạnh. Hauck không hề dấu diếm nỗi vui mừng được gặp cô.

“Deb1, nói với Horner tôi sẽ gọi lại cho anh ấy sau.”

Karen đứng dậy, mỉm cười, vẻ bồn chồn. Hauck đã không gặp cô vài tháng nay từ sau vụ những người quấy rối cô không còn đến nữa và đội của Hauck cũng đã rút trạm gác an ninh trước nhà cô. Anh cũng đã gọi cho cô một vài lần để đảm bảo rằng mọi việc vẫn ổn. Hauck mỉm cười đi về phía Karen. Trông cô giờ xanh xao, ủ rũ.

“Anh đã nói tôi có thể gọi cho anh.” – Karen nhún vai. – “Nếu xảy ra chuyện.”

“Tất nhiên rồi.”

Karen ngẩng lên nhìn Hauck. – “Xảy ra chuyện rồi.”

“Vào phòng tôi rồi ta nói nào.” – Hauck nắm lấy khuỷu tay Karen. Ty bảo Debbie rằng anh sẽ gọi lại cho viên thanh tra Norwalk sau, rồi đưa Karen đi ngang qua dãy ghế dành cho các thanh tra phía bên kia tấm kính ngăn, đi vào văn phòng của mình. Ty kéo chiếc ghế kim loại bình dân từ phía chiếc bàn trong đối diện bàn làm việc của mình ra bảo: “Mời cô ngồi.”

Karen lộ rõ vẻ không vui. – “Cô uống thứ gì không? Nước lọc hay cà phê?” – Karen lắc đầu từ chối. Hauck kéo một chiếc ghế nữa lại và ngồi xuống, đối diện Karen, hai tay chắp lại sau lưng. – “Vậy hãy cho tôi biết có chuyện gì đã xảy ra.”

Karen hít sâu, mím chặt môi, rồi với đưa tay vào trong túi xách, gương mặt đã có chút biểu hiện của sự dễ chịu và nhẹ nhõm. Cô hỏi: “Anh có máy tính ở đây không, trung úy?”

“Có.” – Hauck gật đầu, ra dấu về phía kệ tủ bên cạnh bàn làm việc của mình.

Karen đưa anh chiếc đĩa. – “Anh bật cái này lên đi.”

Hauck cúi xuống, đưa chiếc đĩa vào máy tính. Chiếc dĩa quay tít và bắt đầu bật lên, một chương trình ti vi hay chương trình thời sự nào đó hiện lên màn hình. Một đám đông chạy trên đường phố New York. Một quang cảnh hỗn loạn. Đoạn phim được quay do một người không chuyên nghiệp, từ máy quay cầm tay trong đám đông. Và ngay lập tức Ty nhận ra mình đang xem lại quang cảnh hậu quả của vụ đánh bom nhà ga Trung tâm.

Karen hỏi, – “Anh đã xem đoạn băng này chưa, trung úy? Nó được phát sóng vào tối thứ tư vừa rồi.”

Hauck lắc đầu. – “Chưa. Lúc đó tôi còn đang làm việc.”

“Nhưng tôi đã xem.” – Karen kéo Ty trở lại với chiếc đĩa: từ nhà ga, người ta chạy túa ra đường. – “Khó có thể chịu đựng được khi xem lại đoạn băng này. Là một sai lầm lớn, như thể một lần nữa phải sống lại những khoảnh khắc đó.”

“Tôi có thể hiểu cảm giác của cô.”

Karen nhấn mạnh. – “Đến quãng này thì tôi không thể xem tiếp được nữa. Tôi bước tới định tắt ti vi.” – Karen bước tới phía sau lưng Hauck, cúi người qua vai anh về phía màn hình. – “Như thể tôi đã hóa điên trong lòng vậy. Phải xem lại cái chết của Charlie khi tất cả đã qua.”

Hauck không hiểu tất cả chuyện này rồi sẽ dẫn đến đâu. Karen với lấy chuột máy tính. Cô chờ đợi, cho tới khi hình ảnh trên màn hình mở ra, mọi người loạng choạng lao ra từ một lối ra ở phía xa của nhà ga, ho sặc sụa, nôn thốc tháo, mặt mũi xạm đen vì khói. Máy quay giật nhẹ lên.

“Khi tôi nhìn thấy cảnh tượng này.” – Karen chỉ. Cô đặt trỏ chuột lên thanh công cụ, nhấn chuột. Khung hình trên màn hình dừng lại. Lúc đó là 9 giờ 16 phút buổi sáng.

Trong khung hình là một người phụ nữ đang đưa tay an ủi ai đó đã gục xuống trên đường phố. Phía trước người phụ nữ là một người khác, một người đàn ông, khuôn mặt hơi quay đi khỏi máy quay. Người đàn ông đang chạy qua máy quay. Hai mắt Karen như dán chặt vào màn hình máy tính, có điều gì đó gần như đông cứng lại trong cô, đông cứng lại nhưng cùng lúc Hauck cũng nhận thấy ở đó còn có cả nỗi buồn.

“Đó là chồng tôi.” – Karen nói, cố kiềm chế để giọng nói của mình không lạc đi. Cô nhìn thẳng vào mặt Ty. – “Đó là Charlie, trung úy à.”

Tim Hauck như ngừng đập. Phải mất một vài giây anh mới hiểu ý nghĩa những gì Karen vừa nói. Chồng Karen đã chết ở nhà ga này. Cách đây đã một năm rồi. Anh cũng đã tới nhà cô, tới dự lễ tưởng niệm Charlie. Điều đó là quá rõ ràng. Anh quay lại nhìn màn hình máy tính. Những đường nét trên khuôn mặt trong đó hơi giống so với những tấm hình anh đã nhìn thấy ở nhà Karen. Hauck chớp mắt quay ra nhìn Karen.

“Ý cô là sao?”

“Tôi không biết ý tôi là gì nữa.” – Karen nói. – “Charlie đã đi chuyến tàu đó, – đó là điều tôi biết rõ nhất. Charlie đã gọi điện cho tôi khi đang ngồi trên tàu, ngay trước khi vụ nổ xảy ra. Người ta cũng đã tìm thấy nhiều mẩu da từ chiếc cặp của anh ấy trong đống đổ nát…” – Karen lắc đầu. – “Nhưng bằng cách nào đó, Charlie đã không chết.”

Hauck đẩy xa người khỏi bàn, đôi mắt lại dán chặt vào màn hình. — “Có đến hàng trăm người trông giống vậy. Anh ấy chìm trong đám khói bụi. Chưa chắc đã phải là Charlie.”

“Đó cũng là điều tôi đã tự nhủ,” – Karen nói — “Đó là lúc ban đầu. Ít nhất thì đó cũng là những gì tôi hy vọng.” – Karen quay trở lại bên chiếc bàn họp. – “Tuần vừa rồi, tôi đã xem đi xem lại cảnh này tới cả nghìn lần.” Cô với tay lấy một mảnh giấy trong túi xách. – “Sau đó, tôi phát hiện ra điều này. Dẫu đó có là chuyện gì thì cũng chẳng quan trọng. Điều quan trọng là nó đã đưa tôi tìm ra một chiếc két sắt ký gửi tại một ngân hàng ở Manhattan mà tôi chưa từng biết chồng tôi có nó.”

Cô đẩy mảnh giấy qua bàn về phía Hauck.

Đó là bản phô-tô mẫu kích hoạt tài khoản từ ngân hàng Chase dành cho một chiếc két sắt và kèm theo đó có vẻ là một danh mục ghi lại nhật ký của tài khoản. Đã có nhiều hoạt động được ghi lại trong nhật ký trong một vài năm trở lại đây. Tất cả những mục này đều có chữ ký xác nhận của cùng một người. Đó là Charlie Friedman.

Hauck đọc lướt nhanh xuống dưới.

“Anh hãy kiểm tra ngày cuối cùng,” – Karen nói. – “Và thời gian của ngày đó nữa.”

Hauck nhìn theo, rồi cảm thấy như ngực mình bị nỗi đau bén ngọt xé toang ra. Đôi mắt đen của anh nhìn cô, không hiểu nổi. Không thể…

“Charlie vẫn còn sống.” – Karen Friedman nhìn vào mẳt Hauck. Hai con ngươi long lên. – “Charlie đã tới đó, tới ngân hàng đó, bốn tiếng rưỡi sau khi vụ đánh bom xảy ra. Bốn tiếng rưỡi sau khi tôi cho rằng anh ấy đã chết.”

“Đó chính là Charlie.” – Karen gật đầu, đưa mắt nhìn sang màn hình. – “Chồng tôi, trung úy ạ. ”

Chú Thích:

(1) Deb: Tên thân mật của Debbie

Bình luận
1440
× sticky