11
Bà cố chị Ni là người rất yêu loài vật, đi chưa tới cổng nhà bà chiếc mũi tôi đã cho tôi biết điều đó.
Quả vậy, trong nhà bà có ba con mèo và bốn con chó. Bà đặt tên chúng như tên người, có lẽ đó là cách bày tỏ tình yêu thương của bà.
– Phi Hùng!
Thoạt tiên nghe bà gọi, tôi không nghĩ là bà gọi con mèo tam thể đang khoanh tròn trên nóc tủ.
Phi Hùng nhảy tót xuống, âu yếm sà vào lòng bà. Tôi phát hiện ra đó là một ả mèo và tôi vô cùng buồn cười về cái tên rặt mùi nam nhi của ả.
Nhưng cái tên trái khoáy đó có vẻ không phải là một gánh nặng đối với ả. Ả co người trong lòng bà, lim dim mắt, vẻ thỏa mãn và phớt đời.
Đặc ân của bà dành cho ả mèo khiến bọn chó điên tiết. Bốn gã trước đó đang hè nhau quây tròn lấy tôi, mũi không ngừng khịt khịt. Cả bọn nhìn tôi với vẻ cảnh giác, như thể tôi là kẻ đột nhập trái phép vào vương quốc của bọn chúng, mặc dù làm thế bọn chúng cũng không đủ tạo ra cảm giác về sự thù địch vì ngoại hình của bốn đứa trông giống như những quý ông tốt bụng.
Khi ả mèo cuộn mình trong lòng bà và cố tình cất lên những tiếng gừ gừ du dương đượm vẻ sảng khoái thì bốn gã lập tức bỏ mặc tôi đứng trơ ra đó. Bọn chúng đổ xô lại chỗ đi – văng, ngóc cổ lên hậm hực nhìn ả mèo. Từ xa tôi không nhìn thấy vẻ mặt của bọn chúng nhưng tôi biết chắc ánh mắt của bọn chúng đang rực lên.
Khi một kẻ được đối xử đặc biệt hơn những kẻ khác, tự nhiên hắn trở thành cái gai trong mắt những kẻ còn lại. Dù bản thân hắn và những kẻ không ưa hắn, xét cho cùng thì cũng chẳng ai ác độc gì.
Trong bọn, thằng có tên Laica là thằng hung hăng nhất, có lẽ vì hắn trẻ nhất. Hắn chỉ hơn tôi có vài tháng tuổi.
Các bậc có tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có thể nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết. Còn ở tuổi của hắn, và của tôi nữa, muốn gì là làm ngay. Rồi sau đó mới ngồi ngẫm nghĩ tại sao mình lại làm thế, thường là trong đớn đau và dằn vặt. Để rồi lại quên rất nhanh, thiệt là may. Vì đó là tính bồng bột, người ta nói thế và tôi cũng tin như thế. Cũng như tôi tin rằng đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ, mà còn là phẩm chất của các nhà thơ và các nhà cách mạng.
Lúc này thằng Laica đang nhảy chồm chồm, cố được là kẻ đầu tiên phóng lên đi – văng.
– Hư quá, Laica!
Bà quát khẽ, giọng âu yếm. Cái đó người ta gọi là mắng yêu thì phải.
Laica nhận ngay ra giọng điệu đó. Và hắn ngồi xuống trên mông hắn, đuôi ve vẩy. Ba gã kia ngồi xuống theo. Cũng đuôi ve vẩy.
Bạn thấy không, ở đời đôi khi giọng nói quan trọng hơn lời nói gấp trăm lần. Con người ta có khả năng thể hiện tình cảm bằng giọng điệu. Ngôn ngữ trong trường hợp này chỉ là cái vỏ, chẳng có ý nghĩa gì. Chẳng biết bạn nghĩ thế nào; riêng tôi, tôi chẳng thấy gì là trái khoáy. Chúng tôi cũng thế thôi.
Chúng tôi thể hiện tình cảm bằng đuôi.
Thằng Laica theo chị Ni về nhà tôi chơi.
Thằng chúa quậy. Hắn vùng vẫy rất ghê, chị Ni không thể nào giữ nổi hắn trong tay.
Bỏ hắn vào trong giỏ, hắn giãy giụa như thể kiếp trước hắn là sư tử.
Cuối cùng, bà cố phải đi theo. Bà ngồi xe xích lô, ẵm thằng bợm trên tay, lúc đó hắn mới chịu im.
Nhưng tới nhà tôi rồi thì hắn rất khoái. Tôi bày cho hắn chơi trò gặm quần áo và giày dép. Nhìn cái cách hắn nhay các thứ một cách thuần thục tôi biết tỏng hắn là bậc thầy trong nghệ thuật này. Có khi hắn còn hơn tôi một bậc khi hắn tấn công cả cục xà phòng là thứ mà tôi không tài nào ngửi nổi.
Chơi chán chê, hắn mới sực nhớ đến bà. Thế là hắn cuống quít đi tìm. Tôi nhìn bộ tịch quýnh lên của hắn, cảm thấy hơi bất nhẫn. Vì tôi biết bà đã ra về từ lâu.
Ngay từ tiếng kẹt cửa đầu tiên.
Từ bữa đó, thằng Laica bỏ ăn. Nói chính xác thì hắn chưa hề ăn một bữa nào ở nhà tôi.
Laica nằm bẹp trước đĩa thức ăn chị Ni đặt ngay trước mũi hắn. Hắn không buồn đánh hơi, cũng chả nhúc nhích, như thể hắn là một con chó bằng gỗ.
Cho đến bữa tối cũng vậy. Hắn vẫn đeo bộ mặt của kẻ cảm thấy đời chẳng có gì đáng sống.
Tôi ăn xong phần của mình, lân la đến gần hắn và thú thật tôi không thể nào ngăn được cảm giác thèm thuồng khi nhìn vào đĩa thức ăn trước mặt hắn.
Đó là một khẩu phần đặc biệt, như dành cho vua chúa. Toàn tôm thịt cá. Thêm pa-tê, chả lụa. Tôi chưa bao giờ được chiêu đãi thịnh soạn như thằng bợm này. Thậm chí ngay cả chị Ni cũng chưa chắc đã được ăn sang như thế.
Thằng Laica lại càng không. Ở nhà bà, hắn ăn uống kham khổ, đạm bạc. Tôi đã thấy hắn và ba đứa còn lại sục mõm vào đĩa cơm trộn xương cá, giành nhau như những kẻ khốn cùng.
Nhưng có vẻ như hắn không khoái làm vua.
Bằng thái độ của mình, hắn như muốn nói cái thế giới đơn sơ nghèo khổ ở nhà bà mới là nơi hắn sống thanh thản, không một chút than phiền.
Thằng Laica bỏ ăn qua ngày thứ hai thì chị Ni đành nhấc máy điện thoại gọi cho bà.
Khi chị Ni vừa buông ống nghe xuống, tôi thấy thằng Laica nhảy bắn một phát lên không, biểu diễn một cú san-tô ba vòng rồi ngã đánh uỵch xuống nền nhà.
Như một tấm thảm tự cuộn mình, hắn lăn thêm cả chục vòng, vô cùng phấn khích, va cả vào bàn ghế và chân giường.
Nhưng hắn không hề rên lên một tiếng. Những lúc như vậy, có lẽ con người ta không cảm thấy đau đớn về thể xác.
Chiều, bà đi chưa tới nhà, thằng Laica đã nhào ra đằng trước, chồm hai chân lên tấm cửa lưới, miệng rít lên từng tràng mừng rỡ, đuôi ngoáy tít.
Tôi nhìn hắn, bắt gặp mình đang cảm động.
Tôi cũng thế thôi. Nếu bị bứng ra khỏi mảnh đất quen thuộc của mình, chắc tôi cũng sẽ héo rũ.
Mỗi người sẽ héo theo cách của mình.
Tươi như hoa lan hoa huệ nghe nói cũng là một cách héo.
Ha ha, có chuyện này thật là vui. Tôi đã thấy chị Ni bị mẹ cho ăn đòn.
Tối đó, chị Ni đi chơi với đám bạn học, vui vẻ như thế nào đó mà rốt cuộc tận khuya mới về tới nhà.
Tới mười giờ thì ba chị Ni bắt đầu nôn nóng đi ra đi vô, với tôi chạy lon ton phía sau.
Trực giác của loài chó mách cho tôi rằng mọi chuyện đều tốt lành, không có gì phải lo lắng. Nhưng tôi lại chẳng nghĩ ra cách nào xoa dịu nỗi bất an trong lòng họ. Điều duy nhất tôi có thể làm là họ đi ra tôi đi ra, họ đi vô tôi đi vô.
Tôi lẽo đẽo làm chiếc đuôi của họ, như chiếc đuôi của tôi đang làm chiếc đuôi của tôi.
Chị Ni về nhà lúc mười một giờ hai mươi. Đón chào chị ở ngay cửa là vẻ mặt rất phức tạp của mẹ chị, giận dữ, vui mừng, xúc động – cùng một lúc.
Ba chị đứng thụt lui ra sau một chút, như không muốn mình là người đầu tiên mắng con gái, mặc dù không thể nói là vẻ mặt ông không nhàu đi vì vật lộn với đủ thứ cảm xúc.
– Sao giờ này con mới về?
Mẹ chị Ni hỏi, có vẻ khó khăn lắm bà mới giữ cho giọng mình nói đừng run lên.
Chị Ni giải thích.
– Thế sao con không gọi điện về nhà?
Chị Ni bảo quên.
– Quên thì phải đánh vài roi cho lần sau đừng quên nữa!
Mẹ chị Ni nói, vẻ mặt cho biết đó không phải là câu nói đùa.
Bà đi ra sau nhà, một lát trở lên với cây chổi lông gà trên tay.
– Thế nào, con đồng ý chứ?
– Dạ.
Chị Ni đáp rất nhanh, chị nằm sấp mặt trên đi-văng.
Tôi rón rén lùi vào góc nhà và hồi hộp giương mắt nhìn ra, tim thắt lại.
Khi người thân yêu của bạn lâm vào nghịch cảnh đó có lẽ bạn cũng giống như tôi, tưởng như địa ngục đang trút xuống đầu mình.
Mẹ chị Ni nhịp cây chổi trong lòng bàn tay, hỏi:
– Tội quên này theo con xứng đáng nhận mấy roi?
Theo con là ba roi.
Tiếng chị Ni vọng lên từ đâu đó, chỗ hai cánh tay đang khoanh tròn dưới mặt, giọng bình tĩnh như đang trao đổi với mẹ về chuyện làm bánh kem- nên bỏ thêm mấy muỗng đường là vừa.
– Có lẽ một roi là đủ nhớ đời rồi.
Ba chị Ni nói giọng khàn khàn như thể ông đang che miệng bằng một chiếc khăn tay.
Tôi nhìn ông, chỉ thấy phía sau lưng, nhưng khi ngọn roi vút xuống tôi có thể hình dựng khuôn mặt ông se lại như thế nào.
Trong khi đó nom chị Ni rất tươi tỉnh.
Chắc chị hiểu mẹ chị yêu chị không kém gì ba chị.
Chỉ khác là mẹ chị dũng cảm hơn. Và tất nhiên là dám chịu trách nhiệm hơn.
Chị Ni kể cho tôi nghe câu chuyện về ông Bá Du.
Tại sao chị kể với tôi chuyện này? Có lẽ do cái cách tôi nhìn chị sau khi chị bị ăn đòn. Chắc là lúc đó mắt tôi ươn ướt. Tôi đã dụi mặt vào lòng chị và rên ư ử như thể chính tôi chịu nạn vào cái đêm xui rủi đó. Chị bảo ông Bá Du làm quan rất to, ra ngoài thì rất mực oai vệ nhưng về nhà vẫn kính sợ mẹ một phép. Mỗi khi làm điều gì lầm lỗi, ông vẫn bị mẹ bắt nằm sấp trên đi-văng (à quên, hồi đó chưa có đi-văng, chắc là ông nằm trên chiếc tràng kỷ) để đánh đòn.
Ông biết mình sái quấy, nghiến răng chịu đau, không bao giờ khóc. Thế nhưng một bữa kia ông khóc. Khóc rất to.
Mẹ ông ngạc nhiên:
– Mọi lần con không khóc, sao hôm nay lại khóc? Chẳng lẽ mẹ đánh oan con?
Ông sụt sịt:
– Thưa mẹ, không phải thế. Mọi lần con không khóc vì mẹ đánh rất đau, con biết mẹ còn khỏe mạnh. Bữa nay thấy mẹ đánh không đau chút xíu nào, biết mẹ đã già yếu, vì thế mà con không cầm được nước mắt. Chị kể xong, vui vẻ nói:
– Cưng thấy chưa.
Ông Bá Du làm quan to mà còn bị mẹ đánh đòn, chị mới học lớp mười, việc gì cưng phải buồn cho chị?
Chị Ni kể chuyện cho tôi nghe, thực ra là tự nói với chính mình. Chị nghĩ là tôi không hiểu được, trong khi tôi hiểu hết. Tôi chỉ không hiểu mỗi một điều tại sao bị đòn đau thì không khóc, còn bị đòn nhẹ hều thì lại khóc.
Chỗ này tôi khác ông Bá Du gì gì đó. Hễ bị đòn càng đau thì tôi khóc càng to.
Tôi có thể chứng minh điều đó, với những gì liên quan đến lão Hiếng.
Lão Hiếng dĩ nhiên có một cái tên như mọi người. Nhưng tôi ghét lão đến mức không thèm gọi tên lão. Lão hiếng mắt, tôi bèn gọi lão là lão Hiếng. Cả bọn cún trong khu nhà tập thể tôi ở cũng gọi lão bằng cái biệt danh đó. Nói chung, không đứa nào trong bọn tôi ưa nổi lão.
Bây giờ thì bọn cún chúng tôi đều không nhớ lão tên thật là gì. Khi người ta không còn nhắc đến tên một ai đó, người đó sẽ bị xóa sạch khỏi ký ức của cộng đồng. Nếu bạn là một nhân vật, bằng cách đó người ta sẽ xóa tên bạn khỏi lịch sử dễ như phủi một hạt bụi.
Với bọn tôi, lão Hiếng thật đã chết. Còn cái lão Hiếng lúc nào cũng ngứa chân đá vào bụng bọn cún chúng tôi những cú đau điếng là một lão hung thần đột ngột mọc lên như một thứ nấm độc trong thế giới yên bình của khu tập thể.
Bọn cún chúng tôi căn bản là thân thiện với loài người. Loài người yêu thương chúng tôi và chúng tôi đáp lại bằng một tình cảm còn sâu sắc hơn. Tình cảm đó không cần phải học. Nó như một thứ bản năng có sẵn trong máu. Thậm chí, tình yêu và lòng tin vô điều kiện đó có thể được coi như một phẩm giá.
Nhưng không phải những gì thuộc về loài người đều tốt. Lão Hiếng thuộc về loài người. Nhưng lão không tốt.
Vì thế chúng tôi phải trả giá cho sự tin cậy của mình. Khi bạn quá tin cậy hoặc sùng bái một ai, chắc chắn bạn không bao giờ đề phòng, thậm chí nghi ngờ. Và đôi khi bạn chết vì niềm tin ngây thơ của mình.