31
Sau khi đuổi theo những cánh bướm chập chờn đến mệt nhoài, tôi và thằng Binô lại bỏ ra hàng giờ để đuổi bắt nhau, rồi hăng lên chúng tôi vật nhau ra cỏ. Tôi ngoạm chiếc tai dày và ấm của Binô còn nó cắn đuôi tôi, dĩ nhiên tối cố không làm cho nó đau và nó cũng cố không làm cho tôi đau.
Tôi cũng khoái trò chơi cắn đuôi nhưng tìm cho ra chiếc đuôi ngắn cũn cỡn của thằng Binô giữa mớ lông bù xù của nó còn mệt hơn là tìm một cục phô mai giấu trong đáy tủ.
Chúng tôi lăn vòng vòng trên cỏ nhiều giờ, nô đùa đến khi mớ lông dày và trắng của thằng Binô đã hoàn toàn giống một đám mây bị gió đánh tơi ra, hai đứa tôi mới buông nhau, nằm thở dốc. Dĩ nhiên cả tôi và thằng Binô đều không đổ một giọt mồ hôi nào, đơn giản vì loài chúng tôi không có tuyến mồ hôi.
Khi hai đữa choãi chân đứng dậy, sương từ mặt cỏ đã là đà dâng lên như thể ai đang nhóm bếp trong lòng đất. Bao giờ trong những giấc mơ của tôi, trời cũng vào Thu, không hiểu tại sao. Hay vì những mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Đông mải chơi đâu đó, không kịp quay về?
Tôi kể giấc mơ của tôi cho thằng Binô nghe, nhà hiền triết liền nhanh chóng bổ sung nó vào bảng thống kê những điều thú vị trong cuộc sống. Những giấc mơ của tôi là điều thú vị thứ ba trăm hai mươi sáu.
Như mọi bậc hiền triết khác, Binô có những ý tưởng vô cùng sâu sắc. Bộ óc của nó thật thông thái, nhưng hôm qua tôi ngạc nhiên nhận ra một nhà tư duy giỏi vẫn có thể là một nhà hành động tồi.
Trong nhà có một cầu thang gỗ dẫn lên một căn gác gỗ, nơi ba chị Ni làm việc. Cầu thang ngắn, khoảng mười bậc, hàng ngày tôi vẫn chơi đùa bằng cách chạy lên chạy xuống trên chiếc cầu thang đó.
Tôi lên gác, cào cửa phòng và hồi hộp chờ đợi điều thú vị thứ ba trăm hai mươi bảy trong cuộc sống: cửa phòng xịch mở và ba chị Ni chìa ra một thứ hấp dẫn gì đó, khi thì là một mẩu bánh mỳ khi thì vài con tôm khô, đại khái là thứ mà ông biết tôi sẽ không leo xuống khỏi gác cho đến chừng nào tôi nhìn thấy nó.
Quấy rầy người khác chỉ để kiếm một miếng ăn, đó là điều chẳng hay ho gì và bạn tuyệt đối không nên làm dù gươm kề cổ, trừ phi bạn là cún. Thằng Binô sau nhiều lần kín đáo quan sat tôi, đã thử leo lên căn gác.
Như tôi, Binô vượt qua những bâc thang rất dễ dàng.
Như tôi, nó kiếm được một miếng béo bở từ ba chị Ni cũng rất dễ dàng.
Nhưng nó không dám leo xuống cầu thang. Đó là điểm khác nhau giữa tôi và nó.
Nó ngập ngừng bước tới đầu cầu thang, đảo mắt nhìn xuống khoảng trống vời vợi bên dưới, người run bần bật như thể địa ngục nằm ngay dưới chân.
– Xuống đi! – Tôi đến cạnh Binô, cọ mõm vào tai nó, khuyến khích.
Nghe tôi nói, đáng lẽ tiến tới nó lại thụt lùi ra sau. Tôi không nhìn thấy đuôi nó, nhưng tôi biết chắc chiếc đuôi cụt ngủn đó chắc chắn đang cụp xuống giữa đám lông.
– Chẳng có gì đáng sợ hết.
Tôi nói, và đẩy nó qua một bên, tôi nhẹ nhàng leo xuống từng bậc một. Tôi leo thật chậm, cố ý để Binô nhìn rõ từng động tác.
Vừa xuống tới sàn nhà, tôi lại leo ngược trở lên, đứng cạnh nó:
– Thấy chưa! Rất dễ!
Binô nhìn tôi, không nói gì nhưng tôi đọc được sự lo lắng trong mắt nó. Đôi mắt nó bảo: Chả dễ chút nào!
Nhà hiền triết Binô mãi mãi không dám tự mình leo xuống cầu thang. Điều đó khiến tôi kinh ngạc như bất ngờ khám phá một chú chim không dám một lần vỗ cánh.
Quả thực, Binô mãi mãi đứng chết điếng ở đầu cầu thang gợi đến hình ảnh một chú chim suốt đời run rẩy chôn chân nơi vành tổ.
“Lao ra đi, hỡi chú chim nhút nhát!”, tôi muốn kêu lên như thế khi nhìn thằng Binô rụt rè đến tội nghiệp.
Dĩ nhiên, đã có lúc Binô thử rón rén đặt chân xuống bậc thang và trước ánh mắt ngập tràn hy vọng của tôi, nó bỗng cuống quýt rụt chân lại.
Tôi tin chắc nếu Binô dũng cảm đi bước đầu tiên, nó sẽ đi được những bước tiếp theo, cũng như sẽ nhanh chóng nhận ra không có gì trên đời dễ cho bằng và thích thú cho bằng chạy nhảy trên những bậc thang.
Nếu rộng rãi một chút, có thể xếp cái thú leo trèo này vào hạng thứ ba trăm hai mươi tám trong những điều thú vị.
Nhưng, như bạn thấy đấy, sự thực là có những điều thú vị không dành cho những con tim nhút nhát.
Mười bậc thang giữa căn gác và sàn nhà không phải là khoảng cách không thể chinh phục được. Nhưng khi bạn không thắng được nỗi sợ hãi trong lòng thì bạn sẽ không chinh phục được bất cứ điều gì trong cuộc sống.
Trong trường hợp đó, giải pháp duy nhất của bạn là cấu cứu người khác.
Thằng Binô kêu gào rất to, có cảm giác mọi ngôi nhà trong thành phố đều nghe thấy.
Ba chị Ni mở cửa phòng bước ra. Gặp cứu tinh, thằng Binô cuống quýt nhảy xổ lại, mẩu đuôi ngắn thò ra khỏi đám lông, ngoáy tít như một ngón tay đang hối hả vẽ vô số vòng tròn trong không khí.
Nó mừng rỡ chồm lên người ba chị Ni, vừa rít lên vừa tè vô ống quần của ông.
Bằng cách đó, nó đã được ông ẵm xuống dưới nhà.
Những người trong nhà tôi dần dần đã học được cách làm quen với tiếng kêu cứu của Binô. Nó luôn luôn mắc kẹt trong nỗi sợ hãi.
Nhưng nó lại luôn muốn trèo lên căn gác gỗ. Với tôi, tâm lý này không có gì khó hiểu: chị Ni rất sợ ma nhưng vẫn luôn thích nghe chuyện ma đó thôi. Được sợ hãi, đó là thứ cảm giác mà nhiều người sẵn sàng trả tiền để được thưởng thức. Qua những gì tôi nghe được từ chị Ni, các loại phim kinh dị dường như đang được mùa.
Tóm lại, từ khi phát hiện ra căn gác gỗ, ngày nào thằng Binô cũng vẽ ra một vòng đời như thế này: leo lên gác, cào cửa phòng, ngoạm một mẩu thức ăn và khóc lóc đòi xuống.
Cho đến khi ba chị Ni, mẹ chị Ni hoặc chính chị Ni ẵm nó lên tay có thể coi như một vòng tròn đã khép kín.
Nhà hiền triết Binô rất giỏi vẽ vòng tròn. Vẽ bằng đuôi, dĩ nhiên. Và bằng cả những hành vi ngốc nghếch của mình. Những hành vi cún.
Bất chấp những gì tôi vừa kể, Binô luôn là một đứa bạn thú vị. Nó thông thái một cách thú vị. Và sự ngốch nghếch của nó cũng là một kiểu ngốch nghếch thú vị. Hiếm khi bạn có được một đứa bạn như thế trong đời.
Từ khi Binô xuất hiện, tôi ít qua lại với bọn cún hàng xóm hơn. Tôi cũng bớt phá phách đồ đạc trong nhà.
Bằng tính cách điềm đạm của mình, Binô dạy tôi mõm không chỉ dùng để nhai và nuốt thức ăn hay để gặm hết chiếc giày này đến chiếc giày khác.
Mõm có một chức năng quan trọng hơn: trò chuyện, tâm sự, thậm chí kêu gào hay khóc lóc, nói chung là phát ra những thông điệp của tâm hồn.
Con người có lẽ cũng vậy thôi. Nếu phát ra những thông điệp đẹp đẽ của tâm hồn miệng lưỡi sẽ thơm tho hơn là chỉ dùng nó để chuyển thông điệp của thức ăn đến dạ dày.
“Lời chào cao hơn mâm cỗ” là vì vậy.
Trong thế giới trẻ con và trong thế giới cún có một điều giống nhau lạ lùng: đứa bạn xấu bao giờ cũng là đứa bạn quyến rũ nhất.
Với trẻ con, thật không có gì đáng chán hơn một người bạn lúc nào cũng rủ rê học bài hay làm bài. Để làm những điều đúng đắn đó, không cần phải có bạn bè. Cứ ngoan ngoãn tuân theo lời người lớn, một đứa trẻ ắt biết mình nên làm gì và không nên làm gì.
Một đứa bạn hấp dẫn là một đưa bạn lúc nào cũng xúi ta làm những điều không nên làm và không làm những điều lẽ ra đáng phải làm.
Vứt tập vào ngăn bàn để đi đá bóng, trốn ngủ trưa để đi tắm sông, ôi điều đó mới tuyệt vời làm sao!
Với một đứa trẻ đích thực, ngồi trong rạp chiếu phim bao giờ cũng quyến rũ hơn ngồi trong lớp học, ngồi vắt vẻo trên cành mận luôn thú vị hơn ngồi trên dãy ghế ở các trung tâm luyện thi.
Điều đó hiển nhiên như tự do bao giờ cũng hấp dẫn hơn luật lệ.
Bọn tôi cũng vậy. Đứa bạn hấp dẫn phải là đứa bạn có tính cách như thằng Laica.
Ngay lần đầu gặp gỡ, tôi và thằng Laica đã sung sướng nhìn nhau như thể nhìn vào gương. Tại hai đứa tôi giống nhau quá sức, đến nỗi chúng tôi có thể đọc thấu tâm hồn của nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hôm hắn đến nhà tôi, tôi vừa xúi hắn nhai chiếc giày của ba chị Ni, hắn đã vội giục tôi nhằn chiếc dép của mẹ chị Ni. Trong một tiếng đồng hồ, hai đứa thi nhau xem đứa nào gặm nát được nhiều thứ hơn đứa nào và phần thắng luôn luôn thuộc về hắn.
Hắn còn lẻn vào phòng tắm đánh cắp cục xà phòng và hớn hở tha vào gầm tủ.
Hắn hào hứng rủ tôi gặm, và khi thấy tôi nhăn mũi thì hắn tỉnh bơ gặm một mình cái món hôi rình đó.
Sau mười lăm phút thì xà phòng không còn là thứ để làm sạch mà để bôi bẩn bất cứ ai đụng đến: đó là một cục đen sì, nhớp nháp, đầy những vết rỗ và vết xước như vừa vớt ra từ một cuộc chiến.
Trong quãng thời gian ngắn ngủi ở nhà tôi, thằng Laica cũng kịp bày cho tôi cái trò nhảy chồm chồm trong giờ ăn.
Tất nhiên là bọn tôi có bát đĩa riêng của mình. Nhưng ăn một cách đàng hoàng trong bát ăn của mình thì bất cứ một con cún đần độn nào cũng ăn như thế, thằng Laica khinh bỉ nói. Cứ tới bữa lại vục mõm vào cái bát để sẵn trước mặt thì tầm thường quá, chán bỏ xừ!
– Thế phải làm sao?- Tôi háo hức hỏi và nhìn chăm chăm vào mắt hắn như chờ một phép lạ.
Laica lắc đầu.
– Canh đúng lúc ông bà chủ ngồi vào bàn ăn, mày chồm lên chân họ. Thế nào mày cũng được một miếng gì đó.
Nói xong, Laica chồm hai chân lên chiếc ghế trống và ngoái đầu nhìn tôi:
– Như thế này này.
Tôi ngờ vực:
– Nhưng tao đã thấy mày làm thế bao giờ đâu. Thậm chí từ lúc đến nhà tao, mày không hề nhúng mõm vào một món nào.
Laica rụt chân khỏi ghế, mũi khụt khịt:
– Tại tao không buồn ăn. Tao đang nhớ nhà. Khi về tới nhà tao rồi, chắc chắn tao sẽ lại chồm chồm như thế.
Khi nói câu đó, thằng Laica nhìn tôi bằng ánh mắt như thể đang đứng trước mặt hắn là một con cún đần độn thực sự.