Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Bêtô

Chương 8

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

71

Rất giống những đứa trẻ, ba chị Ni cũng có một con heo đất của riêng mình. 

Ông đặt chú heo có cái bụng tròn quay lên tủ sách kế bàn làm việc. Thỉnh thoảng được vào chơi tha thẩn trong phòng, tôi nhiều lần thấy ông lặng lẽ gấp những tờ giấy bạc và cẩn thận nhét vào đường rãnh nhỏ trên lưng chú heo đất. 

Tôi từng nghe người ta bảo trong cuộc sống tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cho phép mình nhìn tiền bạc với thái độ rẻ rúng. 

Có những người tỏ vẻ coi khinh tiền bạc như là coi khinh những gì thuộc và vật chất. Họ làm ra vẻ đồng tiền là thứ gì bẩn thỉu, bởi vì thực sự đó là những đồng tiền họ kiếm được bằng những cách bẩn thỉu. 

Nếu bạn phải làm việc cật lực mới kiếm được tiền, ắt bạn sẽ có thái độ đúng đắn đối với những đồng tiền bạn kiếm được. 

Những người lao động chân chính và lương thiện bao giờ cũng có thái độ quý trọng tiền bạc, giống như những người làm vườn cần mẫn luôn yêu quý hoa trái được sinh ra dưới bàn tay chai sạn của mình. 

Bọn tôi không xài tiền nhưng bọn tôi biết giá trị của đồng tiền, biết rằng đồng tiền tử tế là chính là thành quả và thước đo của lao động. 

Trên đại thể, những đồng tiền đó bao giờ cũng có mùi mồ hôi.

 

Ba chị Ni bỏ tiền vào chú heo đất với vẻ mặt nghiêm trang như thế nào thì khi lấy ra ông cũng khoác một vẻ mặt nghiêm trang như vậy. 

Ông không đập chú heo xuống sàn nhà như lũ trẻ vẫn làm để sung sướng nghe thứ âm thanh loảng xoảng vang lên, sung sướng nhìn ngắm vô số tờ giấy bạc đã được xếp gọn gàng, vuông vức bất thần nhảy ra và nhằm chen chúc giữ những mảnh sành vỡ như một phép mầu. 

Ông dùng một con dao nhọn, loay hoay khoét một lỗ thủng dưới bụng chú heo đất rồi cặm cụi moi ra những tờ giấy bạc. Ông lôi từng tờ một, đều đặn và từ tốn, cứ như thế cho đến tờ cuối cùng. 

Xong, ông cắt một mảnh nhựa cứng, lắp vào chỗ thủng và dùng băng keo dán lại. 

Trông ông làm điều đó với vẻ thận trọng như y tá băng bó vết thương cho một người bệnh, tôi chợt hiểu tại sao ông không đập vỡ chú heo đất như cái cách người ta vẫn làm. 

Có lẽ trong tâm tưởng của ông, chú là một sinh linh. Chú sinh ra từ đất ắt chú vẫn sống đời sống của đất. 

Ông chọn cách đó để lấy được tiền mà không phải vĩnh biệt một sinh linh. 

Cái đó người ra gọi là lòng chẳng nỡ.

 

Ba chị Ni có những đứa cháu. Họ gọi ông bằng chú và sống ở một nơi rất xa. Ông nói với mẹ chị Ni bằng giọng phấn khởi “Tết này tụi nó sẽ đến thăm gia đình ta”. 

Những đứa cháu họ nghèo, tôi đoán thế khi thấy ông lúi húi nhét tiền vào từng bao lì xì rồi đem cất trong ngăn tủ. Hẳn đó là số tiền ông đã lôi ra từ bụng chú heo đất. 

Rồi họ đến – những đứa cháu. Tất cả là sáu người. Họ đều ăn mặc đẹp và rẻ tiền. 

Họ là những người nhà quê, tôi nhận ra điều đó từ thứ mùi xa xăm toả ra từ cơ thể họ, trong đó có trộn lẫn mùi đất ải và mùi gỗ mục, mùi phân bò khô và mùi củi tươi được đốt cháy, cả mùi tóc khét nắng và mùi nước mưa. 

Như những người nhà quê chân chính, họ không biết cách khép kín bản thân. Họ nói rất to, bằng thứ giọng cực kỳ khó nghe, và dù cẩn thận đến mấy thỉnh thoảng họ lại bôi bẩn sàn nhà.

 

Bọn họ có cách thể hiện tình cảm khá lạ lùng. Họ ôm lấy ba chị Ni, mẹ chị Ni, chị Ni, ôm như thế và khóc ồ ồ. Có cảm giác họ vừa nhặt lại được một món gì đó thân thiết mà họ trót đánh mất. 

Khi buông tay ra, họ bắt đầu cười, vừa cười vừa lấy tay áo chùi nước mắt. 

Nhìn họ cười cười khóc khóc, tôi không biết lúc nào thì họ vui, lúc nào họ buồn. 

Nhà hiền triết Binô cọ mõm lên má tôi, thì thầm: 

– Họ vui đấy. 

– Họ khóc cơ mà? 

Binô nhìn tôi bằng ánh mắt như thể tôi là một con chó bằng đá: 

– Khóc, đôi khi là một kiểu cười. Và ngược lại.

 

Những người cháu chỉ ở chơi nhà tôi có một ngày, sau đó họ còn đi thăm nhiều người khác và nhiều nơi khác. 

Nhưng đó là một ngày thật đặc biệt: không ai chịu để cho cái miệng và tay chân ở yên. Đi lên đi xuống, nấu nướng và ăn uống. Rồi nói, cười, khóc, xì mũi, rồi ôm lấy nhau đập đập vỗ vỗ, rồi lại nói, cười, khóc và xì mũi. 

Buổi tối, khi những người cháu đứng dậy cáo từ, ba chị Ni dúi vào tay mỗi người một bao lì xì ông nhét sẵn trong túi áo. 

– Chú ơi, chú cho tụi cháu nhiều quá! 

Đứa cháu nhỏ nhất mở bao, nhìn vào và la lớn. 

Ba chị Ni kín đáo liếc mẹ chị Ni qua khoé mắt, giọng khoả lấp: 

– Chỉ là quà đầu năm cho các cháu thôi. Có đáng bao nhiêu đâu. 

– Năm trăm ngàn trong này, chú ơi. Vậy là nhiều lắm. 

Tôi thấy ba chị Ni thoắt lộ vẻ ngẩn ngơ, trông mặt ông như thể trái đất đột ngột ngừng quay mất một giây. Lần này ông xoay hẳn người về phía mẹ chị Ni nhưng bà đã không còn ở đó. 

Có thể ông mô tả được chính xác cảm xúc của mình trong lúc đó nhưng chắc ông đã kịp đoán ra ai là người bí mật nhét thêm những tờ giấy bạc vào các phong bì của ông. 

Bạn cũng thế thôi, có những chuyện bạn đinh ninh chỉ có mình bạn biết nhưng sự thực thì bạn không phải là người duy nhất nắm giữ chìa khoá bí mật của cuộc sống.

 

Những ngày lễ Tết đã chấm dứt nhưng mùa hè còn lâu lắm mới bắt đầu. Trời không chịu ấm lên và nửa khuya gió vẫn miệt mài luồn qua các khe cửa. Những ngày này nhiệt độ xuống thấp một cách bất thường và chúng tôi không còn những giấc ngủ bình yên như tuần lễ trước đó. 

Trong nhiều đêm liền, rúc trong áo ấm và rúc vào nhau, tôi và Binô vẫn cảm nhận được những ngón tay lạnh lẽo của sương giá trườn vào nhà và không ngừng mươn man da thịt của hai đứa từ nửa đêm cho đến lúc mặt trời nhô lên khỏi đầu tường của căn hộ đối diện. 

Bây giờ, sáng nào tôi và Binô cũng bò dậy ngắm nhau, thích thú và sợ hãi khi thấy bọn mình tự nhiên thở ra những làn khói trắng. 

Trong thời gian đó chị Ni bắt hai đứa tôi khoác áo cả ban ngày. 

Ban đêm, tôi và Binô được ngủ trên tấm thảm dày, bên trên còn đắp thêm một tấm chăn dạ. 

Trông chúng tôi như được ủ trong một đống tro xám xịt.

 

Một hôm, cả nhà nghe thấy tiếng ho khúc khác của Binô vẳng ra từ dưới lớp chăn. 

Đêm hôm trước tôi đã nghe nó thở khò khè khó nhọc như thể có một cái bơm bị nghẹt trong cổ. 

Binô lập tức được bế ra giữa nhà. Ba chị Ni, mẹ chị Nị, chị Ni quỳ lom khom thành một vòng tròn quanh Binô, cẩn thận dùng mắt mân mê khắp người nó, chốc chốc áp tai vào mớ lông trắng, nghe ngóng. 

Binô ngước nhìn mọi người bằng ánh mắt như muốn nói không có gì nghiêm trọng nhưng rồi nó hấp tấp cúi đầu xuống, lưng cong lên và trong tư thế kỳ cục đó nó thở dốc từng cơn. 

Mặc dù đứng tuốt đằng xa tôi vẫn nghe thấy âm thanh ro ro chạy đi chạy lại trong cổ Binô, tưởng như nó đang đánh nhau với một con quái vật vô hình nấp trong người và ý nghĩ đó khiến tôi cụp đuôi xuống một lúc. 

Chị Ni vuốt ve Binô: 

– Binô nhà ta bị cảm lạnh rồi, ba ơi. 

Mẹ chị Ni lo lắng: 

– Không khéo nó bị viêm phổi.

 

Ông bác sĩ thú y xuất hiện vào buổi trưa. 

Ông không khoác áo choàng như những ông bác sĩ tôi từng nhìn thấy. Ông đeo túi xách trên vai, tay ôm kè kè một chiếc hộp đựng dụng cụ và thuốc men, trông ông như những người chào hàng thường gõ cửa nhà tôi. 

Tôi nấp trong kẹp cửa tò mò ngó ra, thấy chị Ni ẵm Binô trên tay, còn ông bác sĩ đeo ống nghe vô tai và bắt đầu khám bệnh bằng cách áp đầu kia của ống nghe vô người nó. 

Ông bác sĩ loay hoay mất một hồi vì thằng Binô không chịu nằm yên. Đến khi ông chích mũi kim tiêm vô mông của nó thì Binô quay phắt lại và nhe nanh ra khiến chị Ni phải ôm ghịt đầu nó vào lòng, tay kia không ngừng ve vuốt bộ lông mềm mại của nó: 

– Ngoan nào, Binô! 

Binô dừng ngay phản ứng, từ từ quay đầu lại và ngoan ngoãn mọp người xuống. 

Tôi không rõ nó nghe lời chị Ni hay vì nó chợt nhận ra rằng thà chịu nỗi đau nhỏ để khỏi phải nhận lãnh một nỗi đau đớn hơn mới đúng là cách ứng xử thông minh?

 

Ông bác sĩ còn trở lại nhiều lần nữa. 

Những lần sau, Binô không nhũc nhích gì khi mũi kim tiêm lầm lũi đi qua da nó. Binô nằm im trong tay chị Ni, nếu nó không rên lên khe khẽ có thể nghĩ nó là một con cún nhồi bông. 

– Chú cún này nhát quá, tôi cứ tưởng tôi đang chữa bệnh cho một con thỏ. 

Ông bác sĩ rút mũi kim tiêm ra khỏi mông Binô, khôi hài nhận xét. 

– Không phải thế! Ông ta chả biết gì!- Từ bên kia cánh cửa ngăn, Binô hậm hực nói với tôi khi ông Bác sĩ đã ra về. 

Nó nói như thể nó mới là bác sĩ, còn ông bác sĩ kia chỉ là một kẻ giả vờ.

 

Cánh cửa ngăn ghép từ những thanh gỗ mỏng được dựng lên cũng từ ý kiến của ông bác sĩ. 

Ông bảo, ngay hôm đầu tiên: 

– Phải tách hai chú cún này ra. Nếu không, đứa này sẽ lây bệnh cho đứa kia. 

Chiều hôm đó, ba chị Ni lôi ra từ trong nhà kho những thanh gỗ xỉn màu và đầy bụi bặm, hì hục đóng đóng gõ gõ trước ánh mắt hiếu kỳ của hai đứa tôi. 

Nửa tiếng đồng hồ sau, một cái gì đó giống như một thứ cửa rào mọc lên ngăn đôi hành lang thông nhà trước và nhà sau. 

Dĩ nhiên Binô một bên, và tôi ở một bên. 

Tôi lại gần, ngửi ngửi cánh cửa một lát rồi ịn mõm vào khe hở nhỏ xíu giữa hai thanh gỗ, buồn bã nói: 

– Thế là hai đứa mình không được chơi chung.

Bình luận