Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Bêtô

Chương 9

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

81

Từ hôm đó, chúng tôi trò chuyện qua bức vách như những kẻ vô hình. Tôi nghe thấy Binô và nó cũng nghe thấy tôi nhưng chúng tôi không nhìn thấy nhau. 

Khi Binô chê bai ông bác sĩ, tôi phản đối ngay: 

– Chỉ những kẻ chết nhát mới rên rỉ. Ông bác sĩ nói thế là đúng rồi. 

– Không đúng chút nào. – Binô tức tối cào chân lên bức vách- Tao rên không phải vì đau mà mà rên để không cảm thấy đau. 

Tôi im lặng một lúc để ý nghĩa trong câu nói của Binô có thì giờ ngấm vào đầu tôi. 

Tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ, vì vậy tôi không biết có nên tin lời nó hay không. 

– Thế khi rên lên mày không thấy đau thật à? 

– Ờ, chả đau tí nào. 

Tôi bán tín bán nghi nhưng tôi không nói nữa: những thắc mắc trong đầu tôi ngay lập tức bị tràng ho sù sụ của Binô nhấn chìm. 

Dạo này tới giờ đi ngủ, chị Ni vẫn xếp hai đứa tôi nằm kế nhau để nửa khuya trở mình dựa vào vách chúng tôi vẫn giữ được cảm giác đang tựa lưng vào nhau, và tôi vẫn nghe Binô ho mỗi đêm, cả những hơi thở nặng nề và đứt quãng của nó trong giấc ngủ. 

Có lúc tôi nghĩ hay là nó nằm mơ thấy mình đang trèo lên một con dốc cao thật cao, cao gấp trăm lần chiếc cầu thang dẫn lên căn gác gỗ của ba chị Ni?

 

Ông bác sĩ chích thuốc cho thằng Binô liên tục bảy ngày. Tới ngày thứ bảy, ông xếp hộp dụng cụ lại, vui vẻ bảo: 

– Chú cún này đã khỏi hẳn rồi, không cần phải chích nữa. 

Quả đúng thế, ông bác sĩ càng lui tới thường xuyên thì những tràng ho của Binô càng giảm dần và hai ngày trước khi ông bác sĩ tuyên bố Binô khỏi bệnh, tôi đã thực sự không còn nghe nữa những tiếng ro ro trong ngực Binô mỗi khi nó thở mạnh bên kia vách. 

Kết luận của ông bác sĩ giống như lời tuyên bố trắng án trong một phiên toà. 

Mẹ chị Ni áp tay lên ngực: 

– May quá! 

Ba chị Ni tháo kiếng ra khỏi mắt như để nhìn Binô cho rõ hơn: 

– Anh biết thế nào nó cũng qua khỏi. Một thằng nhóc như thế mà. Nó khoẻ như một củ khoai. Tôi biết củ khoai. Và tôi không nghĩ có người dùng củ khoai để ví với sức khoẻ. Ba chị Ni đúng là một người nhà quê. 

Chị Ni bế Binô trên tay, âu yếm: 

– Thế là hai đứa được chơi chung rồi nhé. 

Tôi thích nhất câu nói của chị Ni. Cứ như thể chị nghe được tôi và Binô, cũng như chúng tôi nghe được chị. 

Chị không nghe được, nhưng chị thấu hiểu. Cảm thông cũng là một cách nghe. Trái tim có lỗ tai của nó, bạn tin không?

 

Gió vẫn quăng quật trên cách nhánh cây ngoài vườn. 

Khu vườn nhỏ xíu, dựng lên từ các chậu cây đặt trên mái tôn lửng bên ngoài lan can dọc hành lang dẫn xuống bếp. “Ta cần một chút quê trong thành phố!”. Ba chị Ni nói khi hì hục khuân về các chậu cây xù xì, gai góc, đất đen rơi vãi từ ngoài cửa vào tận nhà bếp. 

Cây tre. Cây ổi. Cây chanh. 

Ba chị Ni không chỉ nhớ quê. Ông thèm quê. 

Ông nói, đây là khu vườn tuổi thơ của ông thu nhỏ. Ông khoe hồi bé ông từng chạy nhảy, leo trèo, nô đùa trong khu vườn giống hệt như vậy ở quê ngoại vào những ngày hè. 

Khu vườn bé xíu đó, dạo này chiều nào cũng lay lắt trong những cơn gió mạnh. 

Rồi mưa xuống, trời lạnh đến mức chim ngoài vườn bay mất, sắc xanh chỉ dám ngập ngừng nơi cuống lá non và không khí trong nhà lúc nào cũng đong đầy hơi nước. 

Mẹ chị Mi nói đó là những cơn mưa trái mùa. Bà chép miệng: Nếu không cẩn thận chúng ta có thể lăn ra ốm bất cứ lúc nào. 

Binô ngó tôi: 

– Chỉ lo cho mày thôi. Tao thì ổn rồi. Không ai ốm hai lần trong vòng một tháng.

 

Bất chấp nỗi lo lắng về các loại bệnh thời mạo đến từ những cơn mưa trái mùa, tôi vẫn hớn hở cùng Binô chui vào dưới chạn thức ăn, nằm nghe mưa rơi lộp bộp trên mái tôn để lại thích thú rúm người trong sợ hãi. 

– Đây là điều thú vị thứ mấy hả mày?- Tôi quay sang Binô, thì thầm hỏi. 

– Thứ mấy không quan trọng. Quan trọng là nó thú vị. Thực sự thú vị. 

Bằng thái độ thản nhiên, có vẻ Binô muốn nhắc tôi nhớ rằng: dù vừa trải qua một trận ốm và bị ông bác sĩ so sánh với bọn thỏ nhút nhát, nó vẫn cứ là một nhà hiền triết đáng kính. 

– Ờ. 

Tôi tán đồng, giọng thờ ơ và thò đầu ra khỏi gầm chạn khoan khoái ngắm những cành là nhún nhảy trong mưa. 

Trong mắt tôi, những cành là trông giống như bọn trẻ con đang chơi trò cập kênh (tôi từng nhìn thấy bọn chơi trò này ở ngoài công viên – chúng vừa nhún nhảy vừa ré lên, sợ hãi một cách khoái trá), chỉ khác cành lá không kêu lên bài hãi mặc dù trông chúng có vẻ rất muốn làm điều đó. 

Nhưng biết đâu chúng từng kêu rất to khi tôi và Binô đã đi ngủ. Nếu bạn ngủ say, bạn sẽ không biết một chiếc lá có thể la hét, một cuốn sách có thể cười nói, một cục gạch có thể chạy nhảy, cũng như một cái chân có thể thở than. 

Thế giới trong khi ta ngủ là một thế giới thấm đẫm những điều kỳ diệu mà ta không bao giờ biết được. Ba bạn và mẹ bạn từng âu yếm hôn lên trán bạn bao nhiêu lần trong khi bạn ngủ, bạn đâu có biết, đúng không?

 

– Binô này, tôi nói trong khi mắt vẫn nhìn ra màn mưa ngoài trời, hôm trước mày bị ốm nhưng bây giờ mày không còn bị ốm nữa, đối với tao chắc chắn đó là điều thú vị nhất trong những điều thú vị. 

Tôi không nghe Binô đáp lời tôi. Chỉ có tiếng mưa gõ trên mái tôn đều đều, mỗi lúc một nhẹ dần như tiếng chân người đang rời đi. Có cảm giác một thế kỷ trôi qua sau câu nói của tôi. 

– Những ngày vừa rồi, tao thật là lo lắng. Lo cho mày và lo cho cả tao. Nhỡ như mày gặp chuyện gì, tao không hình dung được tao sẽ sống như thế nào. Chắc là buồn chết được. – Tôi lại thủ thỉ, ngạc nhiên vì tôi có thể nói dài như thế. 

– Nếu tao chết đi, chắc là mày rất nhớ tao? – Như choàng tỉnh trong tiếng mưa, Binô đột ngột cất tiếng, chỉ để hỏi một câu chán phèo- loại câu hỏi người ta chỉ hỏi khi trên đời không còn gì để hỏi nữa. 

Nhưng tôi vẫn bùi ngùi đáp: 

– Chắc chắn là vậy, Binô à. Tao sẽ nhớ mày mãi mãi, cho đến chừng nào tao cũng chết đi như mày. 

– Nếu tao vẫn luôn sống trong ký ức một ai đó, tao sẽ không bao giờ chết, Bêtô. 

Binô đáp bằng giọng nghiêm nghị, tôi cảm thấy thế và câu nói lạ lùng của nó làm tôi nghĩ ngợi mấy ngày liền. 

Đối với tôi, cái chết thật là tăm tối nhưng Binô lại không có vẻ gì sầu muộn khi nhắc tới chuyện đó.

 

Binô dĩ nhiên vẫn sống khoẻ khoắn bên cạnh tôi. Nó đã qua được chứng viêm phổi từ hôm đó và không bao giờ phải cong người để thở trước ánh mắt thắc thỏm của tôi nữa. 

Nhưng ở cách nhà tôi một quãng, bà cố chị Ni đã không chống chọi được những cơn giá rét bất thường. 

Cậu chị Ni gọi điện thoại lúc nửa đêm, báo tin trong tiếng nấc: 

– Bà mất rồi. 

Những người bị hen suyễn như bà xưa nay vẫn sử dụng loại thuốc xịt giúp làm giảm phế quản. Thỉnh thoảng, khi quá mệt, bà thở qua một đường dây nối với bình oxy. Như thế, đã nhiều năm nay. Nhưng những năm trước, thời tiết không lạnh đột ngột như những ngày vừa qua. 

Mẹ chị Ni bảo chưa năm nào mùa đông kéo dài lê thê như vậy. 

Mùa đông trượt chân, vắt qua cả mùa xuân và đem bà cố đi mất.

 

Chị Ni mắt đỏ hoe, ôm lấy cổ hai đứa tôi: 

– Thế là bọn cưng không còn dịp gặp bà nữa rồi. 

Tôi nhớ đến câu nói của Binô hôm trước, rằng nếu tôi vẫn luôn nghĩ về bà nghĩa là bà vẫn còn sống trên đời. 

Nhưng dù sao tôi sẽ không còn nhìn thấy nữa con bé Phi Hùng nũng nịu sà vào lòng bà. Tôi cũng không còn dịp nghe bà tủm tỉm: “Một con cún không nghịch là một con cún bỏ đi”. 

Tôi rên lên vơi những ý nghĩ trong đầu khiến chị Ni phải vuốt ve cổ tôi: 

– Nín đi cưng. Chị biết cưng buồn mà. 

Đúng là tôi đang rất buồn. Tôi đang nhớ đến con hẻm nhỏ dẫn vào nhà bà, nhớ đến cổng rào hoa giấy đỏ hồng và những trái mận non rụng đầy mặt sân như những hòn cuội trắng. 

Lúc nào bạn bắt gặp những hình ảnh quen thuộc lần lượt hiện ra trong tâm trí, sau đó từ từ tan chảy vào từng ngóc ngách trong tâm hồn bạn khiến tim bạn thắt lại, ấy là lúc bạn đang đi dưới ngôi sao dẫn đường của tình yêu và điều đó chắc chắn sẽ giúp bạn trưởng thành hơn về mặt cảm xúc. 

Nhà hiền triết Binô bổ sung: 

– Cả phẩm giá nữa!

 

Một tuần sau, chị Ni dắt thằng Laica về nhà tôi chơi. 

Nếu không nhờ chiếc mũi, tôi hầu như không nhận ra hắn. Mặt mày lơ láo, trông hắn gầy xọp đi như vừa ra khỏi một trận dịch. 

Chị Ni nói: 

– Từ ngày vắng bà, Laica không chịu ăn uống gì cả. 

Thằng Laica không chịu ăn uống, cũng không chịu chơi đùa. 

Tới nhà tôi, hắn chui vào một xó, mõm gục trên hai chân trước như thể cái đầu trở nên quá nặng đối với hắn. 

Tôi và Binô rón rén lượn quanh Laica, vừa đi vừa cẩn thận quan sát động tĩnh của hắn trong khi hắn làm như thể hai đứa tôi là những con cún vô hình. Hắn vẫn nằm bất động, thậm chí không buồn chợp mắt ngay cả khi bọn tôi diễu qua trước mặt hắn. 

Cuối cùng tôi đành lấy chân gại gại lên lưng hắn, một động tác mà tôi ít khi nào làm: 

– Mày nhất định không ăn uống gì thật à? 

Lần này thì tôi ngờ ngợ thằng bợm này đánh mất khả năng nói. 

– Cứ như thế, mày sẽ chết đấy. – Tôi lại nói, không chút gì là hù dọa. 

Nhưng trông bộ tịch của thằng Laica lúc này, cái chết không có vẻ là điều đáng sợ đối với hắn. Có thể hắn đang nghĩ tới cái chết và cái chết cũng đang nghĩ đến hắn. 

Cả hai đang chờ để được gặp nhau chăng?

 

Chị Ni nhìn Laica bằng ánh mắt như thể đang nhìn một chiếc xe lăn xuống dốc. Tôi đọc trong đáy mắt chị sự phiền não và tuyệt vọng, có lúc ngờ rằng chính tâm trạng của tôi đang phản chiếu trong đó. 

Chị lắc đầu như để những ý nghĩ đen tối văng ra khỏi tâm trí: 

– Đó không phải là một lựa chọn hay! 

Tôi hiểu chị muốn nói đến thái độ của thằng Laica. Nhưng tôi biết Laica không lựa chọn hành vi của mình. Đó là một phản ứng tự nhiên, bị chi phối sâu xa bởi tình yêu thương. Bạn cũng thế thôi, khi nỗi sầu muộn vây lấy bạn, bạn sẽ không muốn làm gì hết ngoài ước muốn chôn mình trong sự cô độc. 

Thậm chí còn hơn cả nỗi buồn, bọn cún chúng tôi thường rơi vào cảm giác bất an khi vắng những người thân thuộc ở bên cạnh. 

Ở điểm này, chúng tôi rất gần với trẻ con.

 

Trong ba ngày liền, thằng Laica vẫn không nhúng mõm vào đĩa thức ăn đặt trước mặt. 

Tôi và Binô sau những lần khuyên nhủ bất thành, chỉ biết đưa mắt ngó nhau, thầm nghĩ đến ngày chia tay thằng Laica. Tôi có linh cảm thời khắc buồn bã đó không còn xa nữa. 

Ba chị Ni vò đầu: 

– Làm sao bây giờ nhỉ? 

Mẹ chị Ni ôm lấy mặt và đằng sau những kẽ tay giọng nói yếu ớt của bà như vẳng ra từ một chốn nào thật là xa vắng: 

– Em cũng không biết nữa. 

Chị Ni đang vuốt ve thằng Laica chợt vùng dậy: 

– Con có cách rồi. 

– Cách gì hả con? – Mẹ chị Ni ngước mặt nhìn con gái, ngờ vực hỏi. 

– Mách bà. 

Câu trả lời của chị Ni giống như câu đánh đố, đến mức ngay cả tôi và Binô cũng nghĩ chị dường như không còn kiểm soát được mình và chúng tôi chợt lo sợ cơn lốc của sự đau buồn đang bắt đầu cuốn tới chị sau khi gói kín thằng Laica trong vòng tay tăm tối của mình.

Bình luận
× sticky