91
Không nhìn thấy cái cách mọi người đang nhìn mình, hoặc làm như không thấy, chị Ni thản nhiên đi lại đằng bàn, nhấc điện thoại lên khỏi giá đỡ và áp ống nghe vào tai.
– Bà ơi bà, bà nghe con nói không?
Chị Ni nhẹ nhàng hỏi, ngừng một chút như để nghe bà cố trả lời rồi nói tiếp:
– Thằng bé Laica nó không chịu ăn gì mấy ngày nay, bà ạ.
Sau thoáng ngạc nhiên, ba chị Ni chớp mắt hỏi với nụ cười nhẹ trôi qua hàng ria:
– Thế bà cố nói sao hả con?
Chị Ni một tay bịt ống nghe quay lại đáp:
– Bà bảo nếu thế thì Laica hư quá. Bà không hài lòng chút nào, ba ạ.
Mẹ chị Ni thở dài: – Thế làm sao bà mới hài lòng? – Laica không được nhịn đói nữa. Laica phải ăn uống, chơi đùa, có thế thì bà mới vui.
Chị Ni đáp, từ trước tới nay tôi chưa bao giờ trông thấy chị nghiêm nghị đến thế.
Tôi liếc về phía thằng Laica, thấy hắn từ từ nhấc đầu khỏi hai chân, khó nhọc như thể người ta cố nhấc trái tim lên khỏi nỗi buồn.
Tôi thấy rõ hai tai hắn vểnh lên, thận trọng nghe ngóng. Dường như hắn cố nắm bắt những tiếng nói đang trôi bồng bềnh trong căn phòng như một đứa trẻ đang cố tóm lấy những quả bóng bay.
Tôi và Binô đứng sát vào nhau, hoàn toàn không tự chủ, cả hai nín thở dán mắt vào Laica.
Ba chị Ni và mẹ chị Ni cũng đang kín đáo quan sát hắn từ đằng sau lọ hoa đặt trên chiếc bàn bình oval. Một sự chờ đợi khắc khoải chạy quanh căn phòng và tôi có cảm giác đây chính là thời khắc định nghĩa cả cuộc đời của Laica.
Trong nỗi thấp thỏm của mọi người, Laica chậm chạp đứng lên. Một con cún đang nằm đứng lên thì chỉ là một con cún đang nằm đứng lên, nhưng chúng tôi đón chào hành động đó bằng thái độ hân hoan như đón chào một sự kiện, cứ như thể đó là sự trỗi dậy của một mầm non bị mắc kẹt trong kẽ đá lâu ngày.
Thằng Laica hồi sinh từ một cuộc điện thoại. Đó quả là điều kỳ diệu.
Một hôm, đợi cho Laica về rồi, tôi ngập ngừng hỏi Binô:
– Có thật là hôm đó chị Ni đã trò chuyện với bà cố không?
– Dĩ nhiên là thật.
– Nhưng bà đã mất.
– Bêtô! – Nhà hiền triết trừng mắt nhìn tôi và giọng điệu của nó như thể tên tôi là một sai lầm ghê gớm – Mày quên những gì tao đã nói với mày rồi sao? Nếu chúng ta vẫn luôn sống trong ký ức của một ai đó, chúng ta sẽ không bao giờ chết. Bà cố cũng vậy.
– Nhưng bà không thể nói chuyện được.
– Bà không nói được nhưng chị Ni vẫn nghe được. Đó mới là điều quan trọng.
Tôi không hiểu tại sao người này không nói mà người kia vẫn nghe thấy. Ý tứ của nhà hiền triết Binô sâu xa đến nỗi tôi có cảm giác vỏ não của tôi đang vặn mình răng rắc vì phải vận lộn với câu nói khó hiểu của nó.
Đang lặng lẽ nhìn tôi (trông tôi suy nghĩ chắc là rất vất vả), thốt nhiên Binô động lòng:
– Thế này nhé. Mày thử tưởng tượng mày đang trò chuyện với tao đi.
– Trò chuyện trong đầu à?
– Ờ, trò chuyện trong đầu.
Tôi chạy khỏi Binô một quãng, rồi đứng lại, để yên chí rằng tôi đang ở một mình.
Rồi tôi hồi hộp nhắm mắt lại và khẽ hỏi Binô (dĩ nhiên là thằng Binô hiện ra trong tâm trí tôi):
– Mày biết tao thích màu gì nhất không
Ngạc nhiên thay, tôi nghe tiếng Binô văng vẳng trong đầu tôi:
– Màu trắng.
– Vì nó sạch sẽ á?
– Không. Vì đó là màu lông của người bạn tốt nhất của mày.
Binô đáp lại, tiếng nó ong ong như thể có ai bí mật đặt cái loa trong đầu tôi.
Tôi he hé mắt ra, nhìn về phía Binô đang đứng, kinh ngạc hết sức khi thấy nó vãn đang ở tuốt đằng xa.
Bây giờ thì tôi tin rồi.
Tôi tin chị Ni đã thực sự nghe thấy bà cố vào ngày hôm đó.
Đúng như nhà hiền triết Binô nói, một người này có thể sống trong ký ức của một người kia, không chỉ hình ảnh mà cả tiếng nói lẫn thái độ.
Bạn đã bao giờ bắt gặp những cuộc trò chuyện trong tâm tưởng chưa? Trong nhiều trường hợp, những cuộc trò chuyện như vậy lại sống động hơn và chân thật hơn khi đối mặt ngoài đời.
Có thể bạn không tin những gì tôi nói nhưng nếu bạn biết rằng trong vương quốc của tâm tưởng, nơi con người ta không cần phải vót nhọn thái độ theo hoàn cảnh, không cần phải thu xếp lời ăn tiếng nói để sự thẳng thắn khỏi bị đánh lưới thì bờ cõi của sự chân thật được mở rộng đến vô biên và mỗi ý kiến cá nhân đều có một ngai vàng tráng lệ của riêng mình.
Những ngày giá rét cuối cùng cũng trôi qua để nhường chỗ cho tiết lập xuân. Nhưng nắng chỉ hửng lên khoảng mười ngày rồi trời lại bắt đầu ẩm ướt. Tuy nhiên cái lạnh đã giũ áo ra đi cùng những cơn gió mùa đông bắc.
Đến những ngày đầu tháng ba, mọi thứ mới trở về như cũ. Mặt trời đã thong thả dạo bước trên những đám mây, sắc xanh thi nhau nhuộm tới đầu cành và chim vàng đã trở lại khu vườn bên ngoài lan can, líu lo hát.
Những chiếc áo ấm của tôi và Binô đã được chị Ni xếp vào đáy tủ và hai đứa lại tiếp tục thưởng thức cuộc sống khi nằm im lìm bên nhau nhìn nắng sau những ngày mưa trong một cảm giác êm đềm khó tả.
Tới một ngày, tôi và Binô được chị Ni dẫn đi thăm bà.
Lúc mất, bà cố được an táng trong một nghĩa trang rộng rãi và mát mẻ nằm ở ngoại ô thành phố. Khi theo chị Ni đến đó, tôi mới biết được nơi ở mới của bà.
Dĩ nhiên rồi, khi bà chuyển đi, lũ cún chúng tôi buộc phải ở nhà. Trong một ngày bận rộn như vậy, người ta không muốn bọn nhóc chúng tôi quẩn chân gây ra lắm nỗi phiền hà.
Nghĩa trang thật nhiều cây xanh, ở một vài nơi lá kết thành vòm như những cổng chào. Bọn tôi chạy lon ton phía sau chị Ni trên con đường rải sỏi men theo thảm cỏ, chốc chốc lại dừng lại để tranh nhau ngửi những bông hoa nở dọc lối đi.
Ngôi mộ của bà nằm sâu bên trong, giữa các ngôi mộ khác. Tất cả các ngôi mộ đều vuông vức, ngăn nắp như những ngôi nhà nhỏ nằm kế nhau, được chia thành từng khu.
Lối đi giữa các khu đều có tên đường.
Chị Ni bảo:
– Đây là Thị Trấn Giữa Trời, chúng ta đang đi trên đường Cỏ Lau.
Một lát, chị lại bảo:
– Chúng ta sắp tới đường Ban Mai.
Thị Trấn Giữa Trời là một khu phố đông đúc nhưng yên tĩnh. Nhìn những ngôi mộ nằm san sát nhau có thể biết rất nhiều cư dân trong thành phố đã chuyển về đây.
Có cơ man là người đi lại trong nghĩa trang vào buổi sáng hôm đó. Cũng như chị Ni, họ đến đây để thăm viếng bà con.
Tôi thấy một bà dắt theo thằng cún có đôi tai rất dài. Thằng này chạy nhảy tung tăng và trông vẻ tự tin của hắn tôi đoàn hắn đã đến đây nhiều lần.
– Nhà bà đây, số 26 đường Hoa Giấy.
Chị Ni dừng bước trước một ngôi mộ nhỏ và tôi lập tức nhận ra tấm ảnh của bà gắn trên tấm bia.
Từ trong tấm ảnh, bà nhìn tôi và mỉm cười. Tôi nghe bà hỏi “Bêtô vẫn khoẻ chứ?”. Và tôi nghe tôi đáp “Con vẫn khoẻ, thưa bà”.
Tôi liếc thằng Binô đang tò mò đánh một vòng quanh ngôi mộ, nói thêm: “Thằng Binô vừa ốm một trận nhưng bây giờ cũng khoẻ rồi, bà ạ!”.
Rất nhiều hoa được trồng quanh chân mộ bà cố. Hoa Hồng, hoa Cẩm Chướng, hoa Vạn Thọ và một dây Tóc Tiên bò quanh tấm bia như một tấm rèm lốm đốm những nụ hoa bé xíu.
Sau khi quét dọn, chị Ni cặm cụi nhổ cỏ giữa các luống hoa trong khi tôi và Binô đùa nghịch gần đó.
Đối với bọn cún chúng tôi, chỗ ở mới của bà cố thật tuyệt. Hai đứa tôi rượt đuổi nhau thoả thích mà không sợ va đầu phải chân bàn hay cạnh tủ như lúc ở nhà.
Binô hớn hở nói, sau khi chúng tôi về tới nhà:
– Bêtô, bà vẫn sống với chúng ta!
– Ờ. – Tôi tán thành ngay.
Binô hăng hái:
– Con người ta có thể sống bằng nhiều cách.
Tôi lại “Ờ”, vẫn thấy nó nói đúng.
Nhưng đến khi nó bảo “Và cũng có thể chết bằng nhiều cách” thì tôi bắt gặp mình băn khoăn. Sống bằng nhiều cách thì tôi đã biết rồi, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến cái chết theo cùng một kiểu.
– Chết bằng nhiều cách ư?
– Ừ. Như lão Hiếng đó. Lão đã chết từ lâu.
Tiết lộ của thằng Binô khiến tôi ngạc nhiên quá sức:
– Lão Hiếng chết rồi sao?
– Bêtô, có những người đã chết ngay lúc đang còn sống.
Khi nhà hiền triết Binô đã nói rõ ra như thế thì tôi cảm nhận được ngay.
Tôi không ở trong số những thằng cún có trí nhớ quá ngắn, nhưng sự thực là từ ngày lão Hiếng dọn nhà đi nơi khác tôi đã không còn nghĩ gì đến lão ta nữa.
Tôi không thấy có lý do gì để nghĩ đến lão dù là nghĩ đến để căm giận hay ghét bỏ. Nếu ai đó còn xứng đáng để bạn nuôi nấng sự căm ghét, người đó vẫn còn giá trị trong mắt bạn.
Đằng này, ngay lúc này đây, lão Hiếng không hề gắn với cảm xúc nào trong tôi.
Nói cách khác, lão đã trượt khỏi cuộc sống của tôi.
Bây giờ nghe thằng Binô nhắc tới, tôi mới sực nhớ là trên đời từng có một người như lão Hiếng.
Nhưng lão Hiếng không chắc đã là một người, đúng theo nghĩa lấp lánh nhất của từ này.
Mỗi người sinh ra đều có một cái tên.
Cái tên là dấu hiệu để phân biệt người này với người khác. Không có tên, người ta gọi là vô danh. Vô danh thì không đọng lại được trong tâm trí bất kỳ ai, không phân biệt được với ai. Nó không có hình thù. Nó chỉ là một khối nhờ nhờ.
Bạn cũng biết rồi đó, cái tên đôi khi được cha mẹ đặt cho một cách ngẫu nhiên, nhưng chính cách sống của bạn đã không ngừng chưng cất cái tên của mình năm tháng, giúp cho nó tỏa hương.
Lão Hiếng chắc cũng từng có một cái tên như những người khác. Nhưng tính cách của lão đã lấn át và nhuộm đen cái tên cha mẹ đặt cho lão và bằng cách đó lão đã tẩy xóa cả lão lẫn cái tên của lão khỏi ký ức mọi người. Chúng tôi gọi lão Hiếng như gọi một thế lực, một hiểm họa hay một bệnh dịch chứ không như gọi một con người.
Điều đó có nghĩa là nhà hiền triết Binô đã đúng: Lão Hiếng thật, với tư cách một người đã chết.
Nếu những gì gắn với lão Hiếng đều xa lạ với con người thì những gì thuộc về con người đều không xa lạ với chúng tôi.
Cho đến lúc này, khi cuốn sách trên tay bạn sắp sửa khép lại, hẳn các bạn đã biết rằng cũng như các bạn, chúng tôi có khả năng sở hữu tình yêu thương, lòng biết ơn, thậm chí cả sự minh bạch và khát vọng tự do.
Và thật là tuyệt khi mỗi con cún đều có một cái tên.
Tôi nhìn Binô, vờ hỏi:
– Ê, bạn tên gì vậy?
Binô nhìn lại tôi với vẻ ngơ ngác, nhưng vẫn đáp:
– Tôi là Binô.
Nó kịp nhận ra tôi vừa nghĩ ra một trò chơi mới và lấy vai nó huých vào vai tôi:
– Thế còn bạn tên gì?
– Tôi là Bêtô.
Tôi chưa bao giờ tự gọi tên tôi. Hôm nay là lần đầu và tôi ngạc nhiên nhận ra mình tự gọi tên mình rồi lim dim mắt lắng nghe cái âm thanh vừa thân thiết vừa bỗng nhiên lạ lẫm đó ngân nga trong tai là một điều vô cùng thú vị.
Nếu không tin bạn hãy thử gọi tên bạn một lần đi, bạn sẽ thấy lòng bạn nảy mầm một cảm xúc gì đó như là sự trìu mến, nỗi hân hoan và niềm kiêu hãnh – cùng một lúc.
Đó cũng là một trong vô vàn những điều thú vị mà cuộc sống cố tình giấu kín ở ngóc ngách nào đó trong tâm hồn của mỗi chúng ta theo cái cách các bậc cha mẹ vẫn giấu quà tặng con cái ở những nơi bất ngờ nhất trong nhà.
Khám phá những điều thú vị đó, hay tìm thấy những món quà đó, chính là làm giàu thêm ý nghĩa của cuộc sống và bổ sung thêm lý do để cuộc sống trở nên đáng sống.
Chính nhà hiền triết Binô đã nói như thế.
TPHCM, 4.4.2007