Những điều Tony viết lên, mọi người tưởng là bài học đạo đức, chứ thực ra không phải, đó chỉ là cái văn minh nhân loại. Nhiều bạn nhiễm cái thói phi văn minh, nhưng lại xuề xoà bỏ qua, càng ngày càng hết thuốc chữa. Đầu tiên là nói dối. Tony ghét cay ghét đắng cái thói này. Phải từ bỏ ngay, lớn lên quen thói dối trá đó thì sẽ khổ.
Trung thực thiệt thà không có thua thiệt đâu, chỉ là bất lợi chút ít trong giai đoạn ngắn. Về lâu về dài, thói quen trung thực giúp mình nhiều thứ, đặc biệt là lòng tin và tình cảm của người khác. Người ta tin và thương thì làm gì cũng dễ.
Nói dối phải kèm theo trí nhớ siêu việt. Vì phải nhớ hết mọi thứ từng nói để cho khớp. Chi cho mệt vậy, dành trí nhớ cho ngoại ngữ cho việc đọc những áng văn đẹp, những dòng thơ, những bản nhạc tuyệt vời, cho công việc chuyên môn có phải hay hơn không.
Bạn Tony làm ở đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, nó nói trừ trường hợp những người bị coi là nguy cơ ở lại cao nên thường bị đánh trượt, các trường hợp khác được cấp visa hay không phụ thuộc vào sự trung thực của người phỏng vấn. Nhìn cái tướng đi, cái mặt, cái miệng, cái ánh mắt… Là tao biết đứa nói dối, hỏi vài câu cho vui, nó đóng tiền cả trăm đô phỏng vấn không lẽ không hỏi câu nào? Nó phỏng vấn năm lần tao đánh rớt cả năm. Nhiều bạn dù có thư mời nhập học của trường uy tín bên nước ngoài, hay cầm một đống giấy tờ chứng minh sở hữu đất nhưng lãnh sự vẫn không cấp visa. Nguyên nhân là do bệnh nói dối đã ăn vào máu, nói một cáu ra là phải có cái gì đó không sự thật mới chịu được.
Nhiều công ty phỏng vấn nhân sự cũng vậy, họ hỏi: ” Bạn có bao giờ nói dối không?” Và có công ty yêu cầu duy nhất là: ” Bạn đã lỡ nói dối trong quá khứ rồi, nhưng khi vô đây, bạn có đồng ý và thề là sẽ chấm dứt hành vị hạ đẳng đấy không nếu đồng ý thì chúng tôi nhận bạn” . Muốn phỏng vấn xin học bổng, xin vô công ty đa quốc gia, đàm phán với nước ngoài buôn bán làm ăn, trong tình yêu, tình bạn và trong mọi sinh hoạt, cứ phải trung thực làm đầu, sẽ thành công. Mình ma lanh mưu mẹo làm gì lại người ta mà bày đặt. Mình nói hai câu phi logic là sẽ khiến người ta nghi ngờ, mất lòng tin. Mà không có lòng tin, thì không thể làm việc với nhau. Không thể đến được với nhau.
Hồi đó anh bạn làm cùng công ty Nhật, tên Thông, lớn hơn Tony mấy tuổi, ảnh dân Hải Phòng, vào Sài Gòn ở trọ đi làm nên buổi tối ảnh hay rủ Tony đi cafe. Thấy ảnh 30 tuổi rồi mà chưa có vợ nên bố mẹ ngòi Bắc sốt ruột, mới giới thiệu một một cô tên H., làm phóng viên. Điện thoại, email, chat yahoo cả tháng trời, có lần cổ ( tức cô ấy) bay vào Sài Gòn chơi. Cái Tony và Thông đưa đi cafe. Thấy cổ cũng lanh lợi, đẹp gái nên Tony duyệt, nói anh Thông cua đi, O.K đó. Cổ nói em sinh ra ở phố Hàng Ngang Hàng Dọc, cấp 1 học trường Hoàn Kiếm, cấp 2 Ngô Sĩ Liên, cấp 3 Amsterdam chuyên sử, tuyển thẳng vô trường báo chí. Tony hâm mộ liền. Tại hồi xưa Tony thơ ngây lắm, hay thích mấy đứa trường chuyên lớp chọn, nghĩ là đứa giỏi. Cổ nói gốc gác nhà em mấy đời ông Tiến Sĩ thời Gia Long, Minh Mạng. Rồi thu nhập gia đình em cao lắm, đi làm báo cho vui thôi. Em vô chơi với mấy anh hai ngày, mốt là em đi Paris viết phóng sự về nước Pháp.
Tony phục lăn, đãi đặc sản Sài Gòn liền. Đưa đi ăn cá kèo, có uống mấy li rượu. Nói chuyện một hồi đề tài cao thấp, cổ say say nên kể chuyện hồi bé gánh lứa mãi nên không cao được, một buổi đi học, một buổi đi gánh lúa chăn trâu. Cái mình nói ủa em ở Hàng Ngang Hàng Dọc thì lúa và trâu ở đâu. Cái cổ lật đật đính chính là đi về quê ở Bắc Ninh gánh lúa. Cái Tony hỏi tiếp sao hồi chiều nói bố mẹ em cưng không cho đụng móng tay vào việc gì, 12 năm phổ thông em chỉ sáng đi học chiều đi học để thi học sinh giỏi quốc gia. Cái cổ ấy lúng túng nói em trốn đấy, em trốn về quê đi gánh lúa, bố mẹ em không biết, nhà trường cũng không biết. Vì em thích gánh lúa với chăn trâu mà ở Hà Nội không có. Em thề, em thề là em có làm việc đó.
Anh Thông thấy không ổn nên mới hỏi lại mấy dữ liệu khác cổ đã nói, thấy trật hết trơn, nên vội trả tiền đi về. Ra đón taxi , anh Thông đưa tiền trước cho anh taxi, nói chở cổ về khách sạn. Cổ nói em vào Sài Gòn chỉ ở được khách sạn năm sao khu trung tâm, lần em em ở Rex để shopping cho tiện. Anh Thông chở Tony đi xe máy về, bí mật theo dõi coi cô này xạo tới đâu. Thấy taxi chạy tới Rex, cổ xuống taxi, ngó quanh rồi đi bộ tới đầu đường đón xe ôm tới đường Bùi Thị Xuân, vô cái khách sạn có hai sao. Hóa ra sĩ diện nên phải nói dối với mong muốn tột bậc là được tôn trọng. Bạn nào học tiếng hoa sẽ biết trong cuộc đàm thoại hai bên sẽ nói cả chục câu vòng vo như bie ke qi, bu ke qi, bie zuo ke… tức “đừng khách sáo, đừng khách khí, đừng làm khách, xin cứ tự nhiên, tôi có chi không phải”… tiếng Anh tiếng Pháp đâu có mấy từ vậy, vì họ có sĩ diện khách sáo đâu. Mắc mớ gì phải đánh lừa người khác và đánh lừa ngay cả bản thân mình bằng những lời nói sáo rỗng vậy? Mở miệng rào giậu kiểu “tôi nói chứ không phải”… không phải vậy thì đừng có nói. Đói nói đói, no nói no, tôi chỉ thế, thích thì chơi tiếp, không thì thôi.Cuộc đời đâu phải sân khấu đâu mà đeo mặt nạ hóa trang và diễn xuất? Rồi có diễn mãi được không, hay ba bữa là lòi ra?
Trở lại vụ cá kèo hôm trước, anh Thông nói tôi kinh quá hà, lấy thể loại này về chắc đổ nợ. Tony nói thôi, người ta là con gái, tội nghiệp đừng khinh. Hôm sau cổ gọi cả chục cuộc rủ đi cafe ăn uống nhưng Tony với anh Thông đều không bắt máy.
Hôm sau nữa, cổ nhắn tin trên Yahoo là em đã đến Paris rồi, trời lạnh thế. Hai anh đừng nghi ngờ em, hôm đấy em say rượu nên nói linh tinh, giờ em ân hận mãi. Tony và anh Thông cũng không trả lời.
Ba ngày sau, Tony đưa mấy ông Nhật tham quan chợ Bến Thành, thấy cổ đang ngồi ăn “real noodle” (bún riêu) với một cô bạn nữa
Bỗng dương dượng nói chuyện với mấy ông Nhật mà lộn qua Pháp: “Nous devons aller à I’hootel. J’ai mal à la tete. Pourquoi dites-vous toujours mensonge?*” (Đại ý bài này là Tony khoe Tony biết cả tiếng Hoa và tiếng Pháp.)
* Chúng mình cùng nhau về khách sạn nghỉ ngơi đi. Mình nhức đầu quá à. Sao bạn cứ nói dối hoài vậy?