Ở một ký túc xá nọ, sinh viên hay truyền nhau về câu chuyện cái Lan và bịch bột giặt. Số là chiều hôm đó, cái Lan đi ra ngoài mua bịch bột giặt rồi về ký túc xá giặt đồ. Tới cổng bảo vệ ký túc xá thì anh bồ đến thăm rủ đi chơi, nên cái Lan gửi bịch bột giặt cho anh bảo vệ rồi leo lên xe đi. Anh bảo vệ do không coi ngó nên người khác lẻn vào lấy mất. Cái Lan về tiếc tiền, tức khóc và bắt anh bảo vệ đền mấy chục ngàn để cô mua bịch bột giặt mới. Ngày hôm sau, trên trường ầm ĩ với nhau là cái Lan, quê Sơn La, ở phòng A217 ký túc, vừa có thai. Tụi mày biết tác giả cái thai là ai không, chính là anh bảo vệ đấy. Anh bảo vệ không chịu thừa nhận nên cái Lan nó khóc đòi anh đền mấy chục ngàn.
Sinh viên là trí thức, mà còn hiếu kỳ và tò mò vậy huống chi dân thường, càng rảnh rang thì càng nhiều chuyện lắm. Ở quê thì nói chung tò mò hơn thị thành, nhưng rồi người ở thị thành cũng không quên thói quen này nên cũng tò mò, hình thành đất màu mỡ cho các tờ báo lá cải. Người nổi tiếng thì càng bị tò mò chuyện đời tư. Nói chuyện một hồi thì ai cũng quen ca sĩ này diễn viên kia. Và ai cũng khẳng định là có quen biết hay tận mắt thấy, tận tai nghe, để tăng dần tính thuyết phục. Lúc Tony còn đi học đại học, ở trọ chung với nhiều bạn. Nửa đêm cả nhà trọ xôn xao, đánh thức nhau dậy, ra cầu Sài Gòn coi vì có người nhảy cầu tự tử. Thế là cả nhà trọ đi hết, Tony bị bắt đi coi xe máy giùm, để mọi người lên lan can cầu quan sát cho dễ. Trời thì khuya, tới 2-3 giờ sáng rồi mà hàng trăm người vẫn cứ nhìn chăm chăm xuống dòng nước trong khi đội cứu hộ thì tất bật. Tony nói thôi về nha, mai tao đi thi thì tụi nó chửi dữ dội, nói phải ở lại coi cho biết chứ, thi thi cái gì, thi lại được. Hiếu kỳ tức là “ưa thích sự kỳ lạ”, vốn nằm trong gen của nhiều người, hầu như không thể bỏ được.
Ở một làng quê nọ, đêm đến hai vợ chồng nhà X to tiếng trị tội thằng con, thằng con quì gối không được nói, cửa thì đóng nên hàng xóm bỏ ăn bỏ ngủ bu quanh nhà, miệng mồm im thin thít để lắng nghe và thấu hiểu. Khổ là tiếng được tiếng mất, do lúc đó các đương sự tự nhiên nói nhỏ lại. Đám đông ghé tai sát vách, ráng lắng nghe nhưng chả rõ gì cả, có nhiều dấu ba chấm trong một câu nói. Thế là đám đông bên ngoài tự động điền vào chỗ trống đó, tùy theo khả năng sáng tạo.
Cả làng suốt đêm trằn trọc không ngủ, chỉ mong tinh sương sớm mai ra chợ kể nhau nghe. Đâu trưa trưa bà vợ nhà X đi chợ, gặp ai cũng nghe nói kiểu sáng nay vẫn dậy đi chợ được à, hay mua thịt cho nó ăn làm chi em ơi, đàn ông nó vậy đó em, em có hầu hạ cho lắm thì nó cũng có bồ khác thôi. Chị vợ nghe xong không biết là chuyện nhà mình, tưởng chị hàng thịt có tâm sự nên nước mắt lưng tròng vì thương chị ấy. Đi về, quăng miếng thịt xuống bếp, lên nhà trên để kể cho chồng nghe rằng chị bán thịt chợ mình vừa bị chồng bỏ tội lắm anh à. Anh chồng liền gọi bạn bè qua làm xị rượu làng Vân để thảo luận đề tài khoa học cấp thôn: “Vì sao mấy cô hàng thịt hay bị chồng bỏ”.
Xưa Tony có một anh tài xế rất vui vẻ. Bữa đó đừng khá đông nhưng anh không tập trung lái gì cả, chỉn nhìn ra cái gương chiếu hậu bên phải. Thấy anh nhìn hoài nên Tony cũng nhìn theo, nhìn thấy hai thanh niên đang đi xe máy, vừa đi vừa chỉ chỏ bàn tán về cái xe của Tony. Nó chạy theo khá dài nên Tony nghĩ chắc là sợ nó bẻ gương hay gì đó nên anh ấy đề phòng. Ai ngờ lúc đèn đỏ ngừng lại, thấy anh tài xế hạ kính xuống, thò đầu ra nói: “Xe này bảy tỉ chứ không phải hai tỉ đâu Phúc ơi, Minh nó nói đúng đó”. Tony hỏi ủa chuyện gì vậy, anh quen tụi nó hả? Ảnh nói đâu có, tại tui nhìn qua gương, thấy hai đứa nhép miệng nói qua nói lại về đề tài cái xe mình, tui hiểu hết. Thằng lái xe tên Phúc, thằng sau tên Minh, tụi nó nói đúng hết các chi tiết, chỉ trừ cái giá xe nên tui lật đật đính chính.