Ghé thăm, thấy từ trưởng phòng đến giám đốc trong công ty của anh bạn đều là Tây hết, Tony ngạc nhiên hỏi nên anh mới kể. Ba năm nay anh thuê Tây vô quản lý, dù phải trả lương cao gấp đôi. Ảnh cũng 60 tuổi ngoài nên khá chững chạc, trải qua nhiều ngóc ngách cuộc sống nên nội dung câu chuyện rất sâu. Từng là giảng viên trường du lịch, thành lập doanh nghiệp lữ hành được gần 20 năm. Anh nói Tây nó làm quần quật, chiều hết giờ làm ra quán bar uống bia rồi về ngủ. Mai đi làm tiếp. Chưa kể, giao dịch cũng được thuận lợi hơn vì một số người mắc bệnh “sợ Tây”, khi giao tiếp với đồng chủng thì quát tháo ầm ầm nhưng đứng trước mặt Tây thì nhũn như con chi chi ấy em ạ…
Thấy Tony tròn xoe mắt, nên anh kể tiếp. Từ lúc thành lập, cũng cả chục đời trưởng phòng người Việt rồi, vô làm một thời gian là thành ma thành quỷ. Thuê xe, ép nhà xe không còn nước nào để sống, ví dụ 5 triệu cho 1 chuyến xe đi Cần Thơ 3 ngày, em coi có ai làm được. Nhà xe bị ép quá, bèn đưa chiếc xe cũ mèm, không máy lạnh, thường xuyên bị tắt máy giữa đường. Tài xế mới ngáo ngơ thì mới chịu lương thấp, không biết đường biết sá, chạy tới chạy lui. Họ báo công ty giá thuê tới 10 triệu, rồi bắt nhà xe trả lại 5 triệu vào túi riêng. Gọi là nghệ thuật “Gửi Giá”. Nhà xe cũng ngậm đắng nuốt cay chứ không đi là có thằng khác nó giật mất. Thuê tàu cũng vậy, vì bên này ép quá nên bên kia lấy tàu cũ ra sử dụng, không ít lần gây tai nạn thương tâm.
Ảnh kể, chưa hết. Bữa ăn 1 triệu đồng/bàn chứ tụi nó “ gửi giá” thành 2 triệu, rồi lấy 1 triệu bỏ túi sau khi khách ăn xong. Khách sạn thì ép 10% hoa hồng. Nên thành hệ thống cạ cứng, khách nào cũng ép ở khách sạn đó và vô ăn nhà hàng đó. Thiết kế tour tham quan thì ít, shopping thì nhiều. Một số chỗ ép chi hoa hồng đến 40% tiền khách mua. Nhiều khách một đi không trở lại như dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy, nói nước mày đâu phải thiên đường mua sắm, giá thì mắc gấp mấy lần Thái Lan mà cứ bắt shopping hoài. Còn sales thì ăn lương bên anh chứ còn nhận làm cộng tác cho cả chục công ty khác. Bắn đơn hàng này cho công ty này, bắn hợp đồng kia cho công ty kia. Nghe điện thoại thì cứ lén lút chạy ra chạy vô, có cả chục sim chục số khác nhau. Tháng nào cũng đem về 1 hợp đồng cho có, còn lại thì không rõ giao cho ai. Vấn đề là tụi nó không nghĩ đó là mất đạo đức, nghĩ đó là khôn ngoan mới chết.
Ảnh nói, đứa nào mới vào làm cũng như pha lê. Cái đi chơi nhậu nhẹt, tụi kia bày cho. Nói mày ngu quá. Có sống bằng lương hay hoa hồng thì sao giàu có nhanh chóng được. Phải tham gia cuộc đua làm giàu, bất chấp mọi thứ. Rồi từ từ bị ma lanh hóa, đến khi công ty biết thì đuổi việc. Ảnh nói, gần 20 năm kể từ ngày thành lập công ty, chưa có tiệc farewell party ( tiệc chia tay) nào vui cả. Nhìn ở nước ngoài, khi nghỉ việc, người ta làm tiệc chia tay bịn rịn. Rồi hàng năm có dịp gì đó, các “khai quốc công thần” và nhân viên cũ tập trung về, vui hết biết. Ở Việt Nam bây giờ, ảnh nói ngành khác không biết sao, chứ ngành của anh, phần lớn nhìn nhau bằng ánh mắt hình viên đạn ở bữa làm việc cuối cùng. Sếp thì nói sao bạn lại ăn cắp, bạn làm ở đây mà sao không hoàn thành nhiệm vụ ở đây, quyền lợi không OK thì có thể thương lượng lại chứ sao làm vậy. Còn họ thì gân cổ lên cãi, nói tôi mang tiền về cho công ty bao nhiêu, tôi nhớ hết. Nên giờ phải tìm cách lấy lại. Khách hàng là của chung, mạnh ai nấy hưởng.
Rồi ra riêng, cùng nhau thành lập doanh nghiệp mô hình y chang cạnh tranh khốc liệt. Gọi khách hàng cũ, vì chẳng lấy gì làm quà bèn lôi chuyện thâm cung bí sử công ty cũ ra kể, vì dân mình ai cũng tò mò với văn hóa tiểu nông ăn sâu hàng thế hệ. Rồi thêm thắt vô cho nó hấp dẫn. Nói bà sếp đó ngủ với tao rồi, đảm đang lắm. Ông sếp đó cặp với em này em kia. Rồi giá mua giá bán, em làm ở đó sao không biết, tour đó có 5 triệu mà nó charge anh tới 10 triệu, qua em đi, em làm y chang vậy chỉ có 6 triệu thôi. Phá giá để giật mối cho hết…
Việc bạn trẻ ra riêng là rất tốt cho xã hội, nếu thật sự có tài năng và có may mắn, vì góp phần làm cái bánh GDP của quốc gia tăng lên. Làm chủ là ước mơ chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, tư thế làm chủ như thế nào mới là đáng nói. Năm 2012, hơn 25 triệu khách khách đến Malaysia, hơn 22 triệu khách đến Thái Lan, đến Singapore là 15 triệu, trong khi đến nước mình chỉ có 7 triệu, dù lượng di sản và cảnh đẹp để tham quan đều hơn. Anh nói, hàng ngàn công ty du lịch chứ chỉ có khoảng vài ba trăm công ty là có đam mê, có tâm với nghề, số còn lại mở ra vài tháng rồi đóng cửa. Thế giới 7 tỷ người, mà Việt Nam thì mới nhận có 7 triệu du khách, thì không lo thiếu nguồn cung, nếu thật sự đầu tư thời gian cho việc tìm kiếm khách. Đằng này không, trí tuệ toàn dùng vào việc hướng về công ty cũ, coi bên đó làm gì thì phá. Rủ hết nhân viên về, vây cánh với nhau cạnh tranh cho sếp cũ biết mặt, không rõ hận thù gì dữ dội vậy. Nhưng đâu vài ba tháng lại tan rã, chửi nhau ỏm tỏi vì ăn chia không đều, thằng này nói thằng kia ăn gian.
Tony nghe mà lòng buồn. Mới hỏi anh sao không tuyển nhân sự cấp cao người Việt, trả lương y chang Tây vậy. Ảnh nói cũng thử 3 lần rồi, nhưng 1 thời gian ngắn thì bị công ty khác săn mất. Thể loại đến với mình chỉ vì tiền, thì cũng có thể bỏ mình ra đi nếu có ai đưa tiền nhiều hơn. Còn mấy công ty khác, thay vì tuyển người mới ra trường về đào tạo để sử dụng, họ lại thích đi dụ dỗ nhân sự mấy công ty khác cho khỏe. Nên sinh viên tốt nghiệp thì hẻm có việc làm, mà doanh nghiệp cứ mãi đi săn bắn chứ hẻm chịu gieo trồng.
Anh nói, chưa bao giờ niềm tin giữa các doanh nghiệp với nhau lại đắt đỏ như bây giờ. Em có thấy cảnh cả trăm người nhảy vô hôi bia trong ánh mắt bất lực của anh tài xế không. Em có thấy hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau để lấy được 1 quả quýt, 1 nhành hoa để làm lộc trên bàn thờ đức Thánh Trần không. Miễn là mình có, ai chết mặc ai. Nhà phố lô nhô, ai cũng làm nhà mình cao hơn, đẹp hơn, sạch hơn, còn rác thì quét qua nhà bên cạnh. Đi xe máy giành làn, lấn tuyến, bóp còi inh ỏi, chửi con này thằng kia sao không nhường cho họ. Xếp hàng thì thích chen ngang, mình phải hưởng trước, chen lấn cả với bà bầu, người già và trẻ em. Làm cái gì cũng coi có khả năng phết phẩy trong đó không thì mới làm. Suốt ngày suy nghĩ chuyện trục lợi cỏn con nên dáng vóc nó dần thấp đi và trí óc nó dần bé lại. Không dám bước hiên ngang. Đi đâu cũng sợ gặp người quen cũ, mặt cúi gầm, miệng mồm lí nhí, đớn hèn.
Nghe anh nói, Tony thấy bắt mệt. Mặc dù gật gù nhưng trong lòng nghĩ khác. Chắc anh này suy nghĩ tiêu cực bi quan mà nói quá, chứ xã hội thiếu gì người tốt. Vẫn còn đó bao nhiêu con người “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, trung thực, hào sảng, quả cảm, nhân cách đẹp lung linh. Bao nhiêu người cần mẫn làm giàu bằng chính sức lực và trí tuệ của mình, vinh quang và chân chính, sẵn sàng buông bỏ mọi lợi ích vật chât để giữ giá tri. Chứ đâu phải ai cũng rẻ tiền như anh nói vậy.
Thấy anh căng thẳng nên Tony mới nói đùa, thôi để em tham gia cạnh tranh với anh cho vui nhé, em sẽ mở công ty trách nhiệm hữu hạn Chụp Giật. Tên tiếng Anh là “ Grasping and Tugging Co., Ltd”. Có 2 thành viên góp vốn. Chủ tịch Hội đồng quản trị, anh Trần Văn Chụp và phó chủ tịch, chị Lê Thị Giật.
Ai gọi tới, tiếp tân sẽ “Alo, dạ công ty Chụp Giật xin nghe”!
Thôi chơi tổng đài tự động nhờ bạn nào nói giọng Huế lồng tiếng cho hay.“Cạm ơn quỵ khạch đã gọi đện công ty trạch nhiệm hữu hạn Chụp Giật. Gặp anh Chụp, bậm phím 1. Gặp cô Giật, bậm phím 2. Còn nệu không gặp ai thì làm ơn cụp mạy”.