Hồi đi thực tập, Tony ở nhà ròng rã cả tuần ngồi bịa ra một cái luận văn, xong đem nộp để rảnh thời gian đi làm. Tony được bạn bè cùng lớp yêu mến, đứa nào cũng hỏi Tony ơi có việc làm chưa, công ty tui cần tuyển một nhân viên thông minh lanh lợi đẹp trai, tui nghĩ đến ông ngay. Đấy, việc ăn ở như bát nước đầy nó có lợi như vậy đấy.
Nói để biết ơn bạn V.A, bạn T.A. Hồi đó, bạn T.A tiến cử Tony đi làm cho một công ty thủy sản. Bạn ấy phụ trách xuất khẩu tôm sang Nhật, còn Tony thì lo mảng nhập nguyên liệu sản xuất từ Ấn Độ. Tony thâu đêm suốt sáng ngồi suy nghĩ cách phát triển công ty, vừa mở mắt dậy thì nghĩ về công việc, chỉ mong chạy lên công ty để gọi điện bán hàng. Anh sếp cũng bận nên thay vì ngồi chờ cầm tay chỉ việc như các bạn mới ra trường khác, Tony xông xáo, sáng viết ra các việc phải làm hôm nay, tuần tự thực hiện. Hết việc này lại nghĩ ra việc mới để làm, nên cảm thấy công việc hết sức thú vị. Đi lên hiệp hội thủy sản VASEP tìm hết danh sách các công ty từ Bắc chí Nam, suốt ngày gọi điện hỏi có mua tôm của Ấn Độ không. Internet hồi đó phải mua thẻ dial up 1260 và 1269, dùng chung với dây điện thoại. Viết mail xong phải để một đống trong outbox, rồi mới gửi một lần cho tiết kiệm. Mỗi lần dial up là nó kêu teng tèng teng rồi bay cái vèo xuống góc phải màn hình, có biểu tượng hai cái máy tính nhấp nháy, lúc đó email mới gửi và nhận.
6 giờ chiều khi mọi người về hết là Tony đi ăn cơm, xong vô làm tiếp, đêm nào cũng một mình ở văn phòng đến 9-10 giờ. Lên mạng tìm khách hàng mua tôm từ mấy nước khác, tránh phụ thuộc vào khách hàng Nhật hoặc vô website của các doanh nghiệp ở các nước như Bangladesh, Indonesia,…để tìm thêm nguồn cung cấp tôm nguyên liệu cho mình. Làm nhiệt tình nên khách hàng và đơn hàng tăng lên đáng kể. Anh sếp thương, sắm cho các Nokia màu đen có ăng ten dài, và tháng được 300 ngàn tiền mua card. Tiết kiệm tiền cho công ty nên chỉ dùng điện thoại để bàn công việc, còn gọi việc riêng thì toàn gọi kiểu nói nhanh mấy giây không tốn tiền, nói như nạt nộ, kiểu “qua tao chơi”, hay “ăn cơm chưa” rồi cúp máy…
Để kể tiếp, một lần, Tony được bên Ấn Độ cho đi tham quan. Tự nghĩ nếu đi một mình thì uổng nên đứng ra tổ chức đưa đâu chục khách, toàn chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản cả nước đi cùng. Bữa Tony về quê làm hộ chiếu, đứng giữa làng nói tiếng Anh qua điện thoại với anh Naidu bên Ấn, cả làng bu lại nghe. Đồn thổi rân trời, nói thằng Tèo con bà Hai dạo này nói tiếng Anh như mấy ông Mỹ trên tivi.
Tony cũng mò lền lãnh sự quán làm visa, rồi lên phòng vé Singapore Airlines trả giá khí thế để tìm chuyến bay giá rẻ nhất. Tác phong nhoay nhoáy. Xong cái gọi mời mọi người lên Sài Gòn họp đoàn, chuẩn bị đi. Mới 22 tuổi mà đứng phát biểu hướng dẫn mọi người khi đi nước ngoài phải chuẩn bị cái này, chuẩn bị cái kia, trong khi khách toàn là các đại gia đi Mỹ như đi chợ.
Còn nhớ chuyến bay hôm đó là chuyến SQ172 qua Sing vào lúc 4 giờ chiều, ở đêm để nối chuyến sang Chennai lúc 8 giờ tối. Trên máy bay Tony còn bày đặt giải thích cho một em tiếp viên sự khác nhau giữa “transit” và “transfer”. Ai cũng đinh ninh Tony là hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhưng thật ra, đó là lần đầu tiên đi máy bay và xuất ngoại.
Dẫn đoàn xong, khi về lại Sài Gòn ai cũng dúi cho 50 hay 100 đô, nhưng mắc cỡ hẻm nhận. Khách ép quá nên cũng đành phải lấy, ngày mai lên công ty nộp lại cho sếp, anh cười ha hả, nói người ta boa là do em đối xử dễ thương với người ta, em lấy đi chứ mắc mớ gì nộp cho công ty. Mừng rơn, bèn rủ bạn T.A lên Nguyễn Thượng Hiền ăn ốc. Còn dư ít tiền, nộp hồ sơ xếp hàng để mua chiếc Wave Alpha 10 triệu, thay thế chiếc cúp cánh én 1 số sau 2 số trước cũ quá. Đi xe xấu nên cua gái đẹp miết hẻm được vì tụi nó hồi đó đòi phải có xe Dream.
Tin Tony đã đi ngoại quốc làm bạn bè vui lắm, lâu lâu nhận một cuộc điện thoại hẹn ra cà phê nhờ chia sẻ kinh nghiệm. Trong xóm trọ có bạn Ngọc Diệp, nhà khá giả, chuẩn bị đi du học, cũng chạy qua hỏi. Mặc dù chỉ mới có đi Ấn Độ nhưng Tony cũng tích cự tư vấn. Cái Diệp hỏi khi người ta mời mình đi xe ô tô, mình phải đứng ngồi thế nào để thể hiện là đứa sang trọng vậy ông? Tony nói bạn mở cửa xe ra hén, phải đưa mông vô ngồi trước, rồi mới rút hai chân lên, rồi mới đóng cửa lại. Chứ không phải lom khom chui đầu vô đâu nha. Cái Diệp lắng nghe, nuốt từng lời. Vừa sang Úc, ngày đầu tiên áp dụng liền. Đứng xếp hàng chờ xe đến trường, xe vừa tới, cửa vừa mở, cái Diệp liền đưa mông vô ngồi xuống liền, sau đó rút hai chân lên. Ông tài xế hoảng hốt. Mọi người trên xe nhìn cái Diệp với con mắt thương cảm.
Cũng lỗi tại Tony. Lẽ ra phải nói kiểu ngồi ấy chỉ cho xe ô tô con bốn chỗ, không áp dụng cho xe buýt.