Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cát Bụi Giang Hồ

Chương 1: Mộng anh hùng

Tác giả: Cổ Long
Chọn tập

Mộng anh hùng
Tự nhiên trong lòng của Đào Thư Hương, Lữ Ngọc Hồ là bậc anh hùng.
Đào Thư Hương ngồi trên cái ghế mây rộng có lót nệm viền kim tuyến, nàng ngồi dựa nghiêng.
Bên ngoài cửa sổ, bóng của hàng cây mát dịu.
Gió nhẹ thoảng qua, mùi hương sen từ dưới mặt hồ len vào không khí, bàn tay ngọc của Thư Hương nâng chén trà có ướp hương sen, hương trà loãng theo hương sen trong gió.
Nàng đặt chén trà xuống và nâng chén hột sen nấu đường có bỏ vào những khối băng nho nhỏ, lóng lánh như kim cương.
Những khối băng dùng để cho những thức ăn thức uống trong những ngày giờ nóng nực này được những con kiện mã mệnh danh “thiên lý” chuyển vận từ quan ngoại đem về; tại “Cẩm Tú sơn trang” này cũng có những hầm kín chứa băng, những khối băng cũng trong, nhưng Thư Hương chỉ thích thứ băng vùng quan ngoại, vì thứ băng này vừa trong mà ngâm vào thức ăn thức uống lại lâu tan.
Cũng chưa chắc hẳn là như thế, chưa ai đem hai thứ băng so sánh bao giờ, nhưng Thư Hương đã bảo như thế, đã thích như thế thì người ta phải nghe theo như thế, nghe và truyền bá ra, thứ băng quan ngoại bỗng trở thành thứ băng quý giá, nó đắt tiền gấp trăm lần thứ băng tại địa phương.
Bởi vì nàng là đứa con gái cưng yêu, đứa con độc nhất của “Trung Nguyên Mạnh Thường” Đào nhị gia, ông ta là chủ nhân của Cẩm Tú sơn trang.
Chẳng những nàng là một cô gái con nhà giàu, thế lực võ lâm, mà nàng lại còn là một cô gái đẹp, nụ cười của nàng như hoa nở, vừa thấy hàm răng ngọc của nàng hé ra, đứng trong bóng tối cũng sáng như giữa ban ngày, và nhất là đôi mắt của nàng, người ta bảo rằng khi nàng ra đứng trên bờ hồ, cái hồ quanh năm trong vút như mèo trước sân Đào nhị gia, thì nước hồ vụt đục ngầu, vì mắt nàng trong quá.
Nhưng đó là chuyện tất nhiên, một cô gái trong một gia đình như thế, đã đẹp như thế, thì nếu người ta có quá lời một chút cũng không sao.
Chỉ có một điều mà thiên hạ “rạo rực” hơn hết là ít thấy được mặt nào
Chỉ trừ vào đêm Nguyên tiêu, đêm mà Đào nhị gia phóng hoa đăng, nàng có xuất hiện trước công chúng một lần, ngoài ra, quanh năm không ai được chiêm ngưỡng bóng hồng.
Một đóa hoa thật đẹp, thật thơm, nhưng nếu đem bày ra giữa chợ, đóa hoa đó cũng sẽ trở thành tầm thường nhanh nhất, nhưng nếu một đóa hoa kém hơn đôi chút được giấu kín một nơi, ít người được thấy, đóa hoa đó sẽ trở thành thứ hoa tiên.
Huống chi, Thư Hương là một đóa hoa mà hương sắc không hoa nào sánh kịp.
Đào nhị gia được mệnh danh là “Trung Nguyên Mạnh Thường”, nhất định ông phải là con người rộng rãi. Thật vậy, bằng một việc nghĩa nào đó, có tiếng hay không cũng thế, không khi nào ông ta tiếc rẻ ngọc vàng, không khi nào ông ta biết cau mày khi phải bỏ ra một số vàng bạc lớn để giúp đỡ cho bất cứ ai cần đến ông ta, thế nhưng ông ta lại không khi nào chịu để cho bất cứ ai thân cận với con gái ông ta.
Ông ta đã xem đứa con gái của mình như tất cả những ngọc ngà trên thế gian này gọp lại.* * *
Cứ mỗi khi chén hột sen hơi bớt lạnh, hoặc băng đã tan nhiều, là Thư Hương trao lại cho cô tớ gái, cho dầu chén hột sen đó nàng chỉ mới nhấp môi.
Cô tớ gái tên Đào Liễu.
Không biết Đào nhị gia đã mua cô bé ấy và đã nuôi cô bé ấy từ bao giờ, chỉ biết cô ta được “đặc ân” cho đổi thành họ chủ và từ nhỏ đã được chơi đùa với Thư Hương.
Nhưng Đào Liễu vẫn là Đào Liễu. Nàng vẫn là cô tớ gái, không thể nào hơn được.
Tự nhiên chủ của nàng đâu có cho như thế, mà có lẽ chính nàng cũng không bao giờ mong như thế.
Vì tuy đối với Thư Hương, cô bé Đào Liễu vẫn phải giữ đúng địa vị chủ tớ, từ lời nói đến thái độ. Nhưng khi chỉ có một mình nàng và Thư Hương, thì có khi còn thân hơn cả chị em, mặc dầu chưa bao giờ có chuyện gọi chị em.
Thời gian chỉ có hai người lại nhiều hơn là thời gian có mặt người khác, vì thế, Đào Liễu sống cuộc sống thật cởi mở nhẹ nhàng, không giống như những con đòi nha khác.
Với Thư Hương thì cuộc sống của nàng không thể thiếu cô tớ gái Đào Liễu, ăn cũng phải có Đào Liễu, ngủ cũng phải có Đào Liễu, ngồi đón gió thưởng trăng cũng có Đào Liễu.
Bây giờ thì Đào Liễu đang ngồi một cái ghế nhỏ hơn, nhưng cũng có lót nệm cách nàng.
Bên ngoài, gió nhẹ mơn man cành trúc, tiếng rì rào y như những câu ân ái của tình nhân.
Đào Liễu đang ngồi đang áo.
Đào Thư Hương thình lình ngẩng mặt lên vào giật phăng que chỉ của cô tớ gái, giọng nàng như gắt :
– Đan, đan hoài, có ai đặt áo cưới đâu mà làm dữ vậy.
Đào Liễu ngẩng mặt cười, hai tay nàng chống nhẹ cạnh hông để uốn mình :
– Không đan thì làm cái gì bây giờ?
Đào Thư Hương cũng cười ngay :
– Nói chuyện chơi.
Đào Liễu nói :
– Tối ngày sáng đêm nói chuyện hoài chớ có làm thinh bao giờ đâu.
Thư Hương nói :
– Kể chuyện nghe.
Đào Liễu hỏi :
– Chuyện gì? Không có chuyện gì mới cả, đám khách mới đến y như là chết khát rượu từ tám đời vương, họ cắm đầu như hũ chìm, có nghe lỏm được chuyện gì đâu mà kể.
Thư Hương mỉm cười :
– Không cần chuyện mới, kể chuyện về cuộc chiến ở gò Bạch Hổ đi.
Đào Liễu trố mắt :
– Trời đất, kể đã mấy ngàn lần rồi mà còn kể nữa à?
Thư Hương vả nhẹ vào mặt cô tớ gái :
– Nói dóc tổ, chưa tới ba trăm lần mà dám nói mấy ngàn lần.
Đào Liễu toét miệng cười :
– Ba trăm lần thì cũng đã thuộc làu từng tiếng từng câu rồi, còn kể làm gì nữa?
Thư Hương cười :
– Thuộc rồi nhưng chính tai ta vẫn muốn nghe chính miệng người khác nói ra về chuyện đó.
Đào Liễu nguýt dài :
– Đã thuộc lòng rồi mà cứ bắt kể hoài…
Thư Hương đỏ mặt, nàng phát vào mông cô tớ gái một cái rồi gắt :
– Ta bảo kể, kể không?
Đào Liễu la oai oái, rồi cô ta ngồi thẳng mình lên, đằng hắng hai, ba tiếng, cất giọng nhừa nhựa như đọc truyện tàu :
– Cuộc chiến tại gò Bạch Hổ tức là một cuộc chiến làm rạng danh thiếu hiệp Lữ Ngọc Hồ, trong vòng bảy tám chục năm nay trong giang hồ chưa có trận chiến nào khủng khiếp như thế ấy, cũng chưa có trận nào mà máu đổ nhiều như trận ấy.
Y như mới lần đầu nghe kể về chuyện ấy, Đào Thư Hương chồm mình tới, mắt nàng sáng lên như tập trung tinh thần, sợ sẽ bỏ sót những chỗ hay.
Đào Liễu nói tiếp :
– Hôm đó là ngày mồng năm tháng năm, tức là tết Đoan Ngũ, mỗi năm vào ngày ấy, trong giang hồ, thiên hạ đều tụ tập tại gò Bạch Hổ – không, đó là sau này, trước đó chỉ có bảy người gọi là “Thất hổ”, gọi là “Hổ” nhưng họ không phải cọp, không phải cọp nhưng còn dữ hơn cọp. Họ ăn thịt người, ăn toàn thịt người, ăn toàn thịt của con gái, ăn theo cái lối… “lột da”.
Làm như chỉ mới nghe một lần đầu, Thư Hương trố mắt hỏi :
– Như thế thì bất cứ ai cũng sợ chúng hơn là sợ… cọp?
Ban đầu, nhiều lúc Đào Liễu cũng suýt bật cười vì cái lối “biết rồi mà còn hỏi” của Thư Hương, nhưng khi kể được một đoạn là cô tớ gái cũng nổi hứng vì câu chuyện, cô ta làm như cũng quên phắt rằng mình đã kể gần đến ba trăm bận, cô ta lại thao thao như mới kể lần đầu.
– Tự nhiên, không phải người thường mà cả nhân vật võ lâm cũng đều sợ họ, vì thế ai ai cũng đều muốn làm anh hùng đả hổ, ai cũng biết ngày đó là chúng tụ tập tại Bạch Hổ Khưu, thế nhưng không một ai dám léo hánh gần nơi đó. Mãi cho đến năm năm trước đây, thì có người dám…
Thư Hương hỏi :
– Sao vậy?
Đào Liễu nói :
– Vì lần đó chúng đến có bắt theo một người con gái đẹp, đó là thói quen, cứ gặp con gái đẹp là họ đều bắt đến gò đó. Không một ai dám làm gì họ cả, vì nghe đến danh “Thất hổ” là thiên hạ đã bay hồn thất vía…
Đào Thư Hương xen vô :
– Thế nhưng lần này thì họ bị…
Đào Liễu gật đầu :
– Lúc đó Lữ Ngọc Hồ chưa có danh tiếng gì cả, không ai có thể ngờ rằng hắn cả gan dám đến gò Bạch Hổ. Lúc hắn nói sẽ đến đánh bọn “Thất hổ”, thì ai nấy cũng phì cười. Có người bảo hắn nói dóc, nhưng có người lại bảo vì cô gái bị bọn “Thất hổ” bắt là người yêu của hắn nên hắn điên.
Thư Hương hỏi :
– Hắn chỉ đến một mình?
Đào Liễu gật đầu :
– Chớ ai mà dám đi, trên đời này chỉ có hắn chớ không còn ai nữa. Và tuy hắn đã làm mang thương hai tên trong “Thất hổ” nhưng hắn vẫn bị chúng cho mang tất cả bốn mươi chín vết đao.
Thư Hương nhướng mắt :
– Bốn mươi chín vết?
Đào Liễu nói :
– Đó là quy củ của bọn “Thất hổ”. Lệ củA chúng là khi hạ bất cứ người nào, chúng tính theo số người của chúng rồi nhân lên cho bảy, đâm đúng bốn mươi chín vết rồi để người đó mang thương chết lần, chớ chúng không giết ngay.
Thư Hương chắt lưỡi lắc đầu :
– Làm sao mà chịu nổi bốn mươi chín vết thương mà không chết?
Đào Liễu nói :
– Không ai chịu nổi, nhưng Lữ Ngọc Hồ chịu nổi. Hắn cắn răng chịu đau mà không chết. Hắn quyết sống để báo thù. Và hắn đã làm được, nhưng phải mất bốn năm. Mỗi năm vào tiết Đoan Ngũ, Lữ Ngọc Hồ đều đến gò Bạch Hổ và đều mang theo bốn mươi chín vết thương. Nhưng đổi lại, số bị thương của “Thất hổ” cũng tăng lên. Mãi cho đến năm thứ tư, năm thứ tư thì thiên hạ giang hồ vây quanh gò Bạch Hổ rất đông. Thiên hạ bị uy dõng của Lữ Ngọc Hồ thu hút. Và đến khi hắn hạ đến tên cuối cùng của bọn “Thất hổ” thì tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nghe nói vang lên ngoài mười dặm.
Thư Hương nhìn sững vào làn khói trầm bốc lên từ chiếc lư đồng. Ánh mắt nàng long lanh, nàng tưởng tượng đến gã thiếu niên áo đen, cổ tay buộc vuông khăn đỏ đang tung hoành giữa bảy con cọp dữ tại gò Bạch Hổ, nàng nghe thấy tiếng hoan hô…
Đào Liễu nói :
– Lúc bấy giờ trên vành môi của Lữ Ngọc Hồ mới hé nụ cười, nụ cười ngạo nghễ, nụ cười thỏa mãn vì đã rửa được hận thù cho người yêu của hắn, chỉ tiếc vì lúc đó người yêu của hắn không còn sống để thấy một sự vinh quang…
Nàng thở dài và nói tiếp :
– Kể từ hôm đó trở về sau, “Thiết Nhân” Lữ Ngọc Hồ đã trở thành vĩ đại. Cái tên đó bay đi khắp cả đại giang nam bắc.
Thư Hương gật gật đầu :
– Đúng là vĩ đại, đúng là bậc anh hùng, một con người đầy đủ nhiệt tình và dũng cảm.
Đào Liễu nói :
– Với cái dũng cảm đó, với cái chung tình đó, trên đời không làm sao có được Lữ Ngọc Hồ thứ hai.
Thư Hương vụt chụp nắm tay Đào Liễu :
– Vì thế nên ta nhất định ưng hắn chớ không ưng ai cả.
Nàng nói câu đó xong, làn da mặt ửng hồng, với đôi mắt long lanh cương quyết, trông nàng đẹp hơn hẳn lúc bình thường thập bội.
Đào Liễu sặc cười :
– Không biết bây giờ cho đến ngày có chồng thật sự, cô nương sẽ còn “ưng” bao nhiêu người nữa?
Cô tớ gái bấm đầu ngón tay để làm một bài toán cộng :
– Nè, nghen, đầu tiên cô nương bảo nhất định sẽ ưng Nhạc Hoàn Sơn, kế đến lại bảo nhất định ưng Liễu Phong Cốt. Và bây giờ thì đến lượt Lữ Ngọc Hồ, nhưng cuối cùng không biết cô nương sẽ về ai?
Thư Hương chớp mắt :
– Ngươi xem trong ba người ấy, ai anh hùng hơn hết?
Đào Liễu cười :
– Không nói được, vì cả ba đều thuộc vào hàng anh hùng vĩ đại. Thế nhưng chỉ nghe nói thôi chớ chưa gặp mặt lần nào.
Cô gái nghĩ một hồi, mặt cô ta cũng ửng hồng lên, và nhè nhẹ nói tiếp :
– Chỉ nghe rằng Lữ Ngọc Hồ là một thiếu niên đa tình và dũng cảm. Liễu Phong Cốt là bậc tài trí hơn thiên hạ, bất cứ gặp cảnh khốn khó đến đâu, hắn đều có cách giải quyết ổn thỏa và cách giải quyết vấn đề của hắn không một ai không phục. Cô gái nào được về hắn, chắc chắn trọn đời sẽ sung sướng vô cùng.
Thư Hương hỏi :
– Còn Nhạc Hoàn Sơn?
Đào Liễu cắn môi :
– Không được, nghe nói niên kỷ của người đó cũng đã xấp xỉ lão gia rồi…
Thư Hương nhếch nhếch môi :
– Ăn thua gì, già thì già chớ, chỉ cần là anh hùng, là vĩ đại, thì ta ưng chịu liền.
Đào Liễu hỏi :
– Nhưng nếu lỡ họ đã có vợ rồi thì sao?
Thư Hương đáp tỉnh bơ :
– Có sao, làm bé.
Đào Liễu bật cười :
– Nhưng nếu cả ba người cũng đều giống như nhau, cùng anh hùng vĩ đại như nhau, không lẽ cô nương lại ưng hết cả ba?
Thư Hương ngồi nhìn vào khoảng trống không. Mắt nàng thật xa xôi, hình như nàng không nghe câu nói bông đùa của Đào Liễu. Thật lâu, nàng vụt chụp tay cô tớ gái và hạ thấp giọng :
– Nè, đi ra chợ mua cho ta mấy bộ quần áo đàn ông đi.
Đào Liễu sửng sốt :
– Cô nương mua quần áo đàn ông làm chi?
Thư Hương nói :
– Ngươi nhớ chuyện Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài không? Nhớ chuyện Hoa Mộc Lan không? Một cô gái muốn đi ra ngoài là cần phải cải nam trang.
Đào Liễu tròn xoe đôi mắt :
– Cô nương muốn đi ra ngoài?
Thư Hương cắn môi gật đầu :
– Ta cần phải nhìn tận mặt xem trong ba người đó ai xứng đáng là anh hùng hơn hết.
Đào Liễu không còn cười được nữa, cô ta há hốc mồm :
– Cô nương nói chơi à?
Thư Hương nghiêm mặt :
– Ai nói với ngươi là ta nói chơi? Hãy đi mua quần áo cho ta.
Đào Liễu không còn cười được nữa mà lại thiếu điều phát khóc. Cô ta chắp tay lại nói với cô chủ :
– Cô nương, tha cho tôi mà. Lão gia biết được là tôi chết… Lão gia biết được là sẽ chặt cặp giò của tôi…
Thư Hương trợn mắt :
– Ngươi không chịu đi thì bây giờ ta cũng sẽ chặt cặp giò của ngươi.
Nhưng rồi nàng lại bật cười đưa tay vuốt vuốt má Đào Liễu :
– Vả lại, ngươi cũng đã lớn rồi, chẳng lẽ không muốn đi ra đời để kiếm một người chồng xứng đáng à?
Đôi mắt Đào Liễu vụt sáng lên :
– Cô nương cho tôi đi nữa à?
Thư Hương cười :
– Tự nhiên, không lẽ ta nhẫn tâm để ngươi chèo queo lạnh lẽo một mình?
Da mặt trắng bệt vì sợ của Đào Liễu chợt ửng hồng, hai mắt cô ta rực lên qua cửa sổ, cô ta nhìn ra xa xa hình như đang mơ một khung cảnh tưng bừng…
Thư Hương dịu giọng :
– Bên ngoài vui lắm, chỗ nào cũng có cảnh đẹp, cũng đông người. Con người mà không đến Giang Nam một lần để du ngoạn thì chết cũng làm sao nhắm mắt được…
Đào Liễu bước lại gần cửa sổ hơn, đôi mắt mơ màng của cô ta muốn mọc cánh bay thẳng đến Giang Nam, nơi mà thiên hạ đồn “vạn lục thiên hồng”, nơi thắng cảnh độc nhất vô nhị trên đời, chẳng biết bao nhiêu thiếu niên đa tình, dũng cảm đang chờ đợi…
Cô gái dậy thì nào lại không nuôi mộng?
Thư Hương thúc :
– Đi đi, ta không nói, ngươi không nói, lão gia làm sao biết. Chừng nào mình có một người chồng xứng đáng đưa về, nhất định người sẽ không quở mắng gì cả.
Trong bụng của Đào Liễu bây giờ đã chịu quá rồi, nhưng ngoài miệng cô ta vẫn làm bộ sợ :
– Thôi, tôi hổng dám đâu…
Thư Hương trừng mắt :
– Được rồi, tiểu quỷ, nếu ngươi không nghe lời ta thì thôi. Nhưng lấy tư cách chủ của ngươi, ta gả ngươi cho Vương Đại Quang.
Không biết cái tên của hắn có từ bao giờ, nhưng nói đến hai tiếng “Đại Quang” thì tưởng không còn cái tên nào thích hợp với hắn nữa vì hắn chính là một tên mã phu trong Cẩm Tú sơn trang.
Công việc chính của hắn là giữ chuồng ngựa.
Ngựa của Cẩm Tú sơn trang cũng gần giống như cái tên của sơn trang tráng lệ này, toàn là giống ngựa Ngoại Mông cao lớn, sắc lông của chúng mướt rượt, vì chưa bao giờ chúng bị thiếu tắm.
Vương Đại Quang là nhân vật quan trọng quyết định cho tàu ngựa của Cẩm Tú sơn trang.
Nhưng cái chuyện cai quản bầy ngựa không ăn thua gì đến con người hắn, không ăn thua gì đến cái “đại quang” của hắn.
Hắn chỉ có một điều hơi “bất bình thường”.
Đầu hắn bằng rưởi cái đầu lớn nhất trong thiên hạ, cái hơi quá mức ấy cũng chưa đến đổi nào, nếu đừng có cái vụ tóc hắn quá tiện tặn…
Khắp đầu hắn, chỉ lưa thưa phía sau ót và quanh chỗ mép, còn lại tất cả đều láng bóng.
Đào Liễu thường nói : có Vương Đại Quang trong nhà, tối không cần phải đốt đèn, vì cái đầu của hắn đã đủ để… phát quang.
Đầu hắn thì láng bóng, thế nhưng mặt hắn thì chẳng bóng chút nào. Mỗi lần xuống bếp mà muốn nói đến Vương Đại Quang thì, thay vì gọi tên, Đào Liễu cứ chỉ vào cái rỗ. Mặt hắn y như cái rỗ.
Cứ hễ nói đến Vương Đại Quang “cái rỗ” là Đào Liễu phát rùng mình.
Nhất là nghe cô chủ định gả mình cho hắn là hai chân của cô như muốn sụm xuống luôn, và tự nhiên, khỏi cần nói đến lần thứ hai, cô ta đã dông ra cửa…* * *
Một cái áo lụa mỏng manh màu thiên thanh, một chiếc khăn nho sĩ màu thiên thanh, nhất là cắt vừa vặn, khiến Thư Hương trở thành một công tử thư sinh quá đẹp.
Nàng đứng trước tấm gương lớn, quay qua quay lại và tự trầm trồ trong bụng.
Nàng hất mặt lên để tỏ ra một “tu mi ngang tàng bảy thước”, thế rồi lại không thể nín cười :
– Thơ đồng, thấy “cậu” đã được chưa?
“Chú” thơ đồng Đào Liễu cũng chống nạnh tay nghiêng qua nghiêng lại :
– Ối chà, nhất hạng rồi! Nếu Phan An, Tống Ngọc mà có sống lại, chắc chắn khi thấy cô… à quên, khi thấy cậu là họ cũng sẽ lắc đầu mà nằm trở xuống quan tài.
Thư Hương bỗng cau mày :
– Bây giờ thì ta chỉ còn ngại một việc…
Đào Liễu hỏi :
– Ngại chi?
Thư Hương đáp :
– Một thư sinh công tử như vầy đi ra ngoài đường, nhất định các cô gái sẽ bu theo.
Trong khi ta chưa kiếm được một tấm chồng lý tưởng thì có một bè đeo theo đòi “sửa tráp nâng khăn”, hỏi vậy chớ có chết không nè?
Đào Liễu nhìn sững thầy mình, và cô ta vùng nghiêm giọng :
– Đúng là một vấn đề lớn rồi đó, chính tôi đây mà nếu không biết cô nương giả dạng thì nhất định cũng phải trầm trồ!
Thư Hương nói :
– Được rồi, như thế thì hay lắm, vậy thì ta sẽ… yêu ngươi.
Cô tay quay mình lại, dang hai tay ra :
– Lại đây, cô bé…
Đào Liễu sặc cười :
– Thôi, đừng có đùa ác như thế. Có chuyện này lạ lắm, tôi ra ngoài vừa mới nghe, chuyện có quan hệ đến cô nương…
Thư Hương hỏi :
– Chuyện gì?
Đào Liễu xích lại gần nói nhỏ :
– Nghe nói lão gia đã hứa gả cô nương cho đại công tử Trương tam gia.
Thư Hương hốt hoảng :
– Trương tam gia nào?
Đào Liễu nói :
– Thì Trương tam gia là tay cự phách trong phủ này chớ Trương tam gia nào?
Ngẫm nghĩ hồi lâu, Thư Hương vụt nói :
– Đào Liễu, thu xếp y phục đi. Tối nay chúng ta phải lìa khỏi nơi này.
Đào Liễu trố mắt :
– Làm chi mà gấp vậy?
Thư Hương nói :
– Nghe nói đến… quái vật của Trương tam gia là ta muốn mọc cánh bay ngay. Hồi nhỏ hắn học đạo trong chùa, luôn mấy vị hòa thượng trong chùa cũng gọi hắn là quái vật đầu thai. Con người đó xin né.
Đào Liễu mới vừa há miệng thì Thư Hương đã nói luôn :
– Thôi, để ta thu xếp y phục, ngươi hãy đi thuê cỗ xe mau lên.
Đào Liễu hỏi :
– Thuê xe làm chi?
Thư Hương nói :
– Đồ đạc của ta ít nhất cũng bảy, tám rương. Không thuê xe thì làm sao?
Đào Liễu trố mắt :
– Trời đất, cái gì mà đến bảy, tám rương? Cô nương định mang theo giống gì mà dữ vậy?
Thư Hương nói :
– Nhiều lắm chớ sao không, chẳng hạn như đồ trang điểm, bàn rửa mặt, rương lượt, nội những thứ đó một rương cũng đã không đủ chỗ. Tuy chúng ta đã cải nam trang, nhưng có lúc cũng cần những thứ đó chớ. Vả lại đàn ông thì cũng phải rửa mặt chớ đâu phải đàn ông là ở dơ?
Nàng đưa mắt nhìn quanh phòng rồi nói tiếp :
– Rồi còn mùng mền, chăn nệm, gối… những thứ ấy một rương nữa chứ! Đúng rồi, cần phải chén dĩa, tô muổng nữa. Ngươi biết ta có bao giờ dùng đồ của người khác, nhưng chén đũa thì có thể chặn bao lại thành một gói. Ngoài ra còn lư hương trầm, bàn cờ, cũng có thể gói luôn.
Đào Liễu ngồi bệt xuống ghế lắc đầu :
– Tiểu thơ, bộ tính về nhà chồng luôn sao vậy? Trời ơi, “người lý tưởng” kiếm chưa ra mà đã sửa soạn rồi, sao mà sớm thế?
Thư Hương nói :
– Không mang những thứ ấy theo, không lẽ đến nghỉ nơi nào là ngươi bảo ta đắp cái thứ đồ hôi hám của bọn đàn ông ấy à? Không lẽ ta phải ăn uống trong những cái chén cái tô nhầy mỡ của người ta?
Đào Liễu nói :
– Nếu tiểu thơ không chịu dùng đồ của người ta thì dọc đường mình mua sắm.
Thư Hương lắc đầu :
– Mua, cũng dơ. Vả lại mua rồi cũng phải mang theo chớ không lẽ ăn rồi quăng đi mua cái khác? Bộ ngươi nói mua đồ mới là sạch à?
Đào Liễu nói :
– Thì những thứ cô nương dùng bây giờ cũng mua chớ làm sao?
Thư Hương vẫn không chịu :
– Thây kệ, gì thì gì cũng cứ mang đi. Ngươi phải nghe ta, nếu không nghe thì…
Đào Liễu thở dài sườn sượt :
– Không thì cô nương sẽ gả tôi cho “cái rỗ” phải không?* * *
Nói muốn cái gì nhất định phải có cái đó.
Cô con gái cưng của Cẩm Tú sơn trang là như vậy.
Lần thứ nhất trong đời, vị đại tiểu thơ của Cẩm Tú sơn trang, cô con gái cưng của Đào nhị gia ra khỏi cửa.
Hướng nhắm của nàng là đất Giang Nam.
Giang Nam là giải đất ra sao, phong cảnh như thế nào, đi đến bao xa, nàng chỉ nghe nói chớ chưa hề thấy, thế nhưng nàng không ngại, vì nàng đã quyết.
Nàng phải ra đi vội vã là vì chuyện Đào nhị gia định gả nàng cho gã công tử họ Trương, và nàng quyết đến Giang Nam vì ba “nhân vật lớn” mà nàng định chọn một để làm chồng đều ở Giang Nam.
Thế giới giang hồ đã thu gọn lại trong Cẩm Tú sơn trang, nàng không hề hay biết rằng bên ngoài đầy dẫy nguy hiểm. Nàng cho rằng chưa bao giờ có ai dám nói với nàng một câu hkông phải, đừng nói chi đến chuyện xúc phạm nàng.
Nói đến Đào nhị gia là nói đến “nhất hô bá ứng”, nói đến tiểu thư của Cẩm Tú sơn trang là nói đến “lá ngọc cành vàng”. Nàng nghĩ cả giang hồ mênh mông đều như Cẩm Tú sơn trang, ai nghe đến họ Đào là đều nể mặt.
Nàng cứ tưởng tìm đến một trong ba người mà nàng mơ tưởng cũng y như nàng gọi Vương Đại Quang ở nhà nàng. Chỉ cần họ nghe tiếng gọi là họ có mặt ngay, hay ít ra, khi nàng hỏi thăm, bất cứ ai cũng cung kính dẫn đường.
Thư Hương mang cái tâm trạng “đầy đủ” ấy ra đi.
Nàng không ngờ rằng trên con đường đi đến Giang Nam, nếu phải kể lại những chuyện mà nàng đã gặp, thì có lẽ phải kể mười năm không hết, y như bảo ngửa mặt đếm những vì sao…* * *
Bắt đầu của đêm lên đường là một đêm đầy sao và ánh trăng vằng vặt.
Gió đêm thật mát, đúng là đêm lý tưởng của kẻ viễn du.
Rèm xe được vén lên, cây dọc hai bên đường chạy lùi trở lại. Ngựa được gió mát nên chạy khỏe vô cùng.
Y như một con chim bị nhốt trong lòng quá lâu, bây giờ được thả ra, càng bay nhanh, càng bay xa càng tốt.
Gió lướt qua cửa xe, gió lùa vào thùng xe, gió phớt lên mình nàng như đôi bàn tay của tình nhân ve vuốt. Từ trong cửa xe thò đầu dòm ra, vầng trăng vành vạnh vẽ ức vạn vì sao lấm tấm giữa trời trong vút, tâm tình của Thư Hương bỗng nghe thích thú lạ thường, y như trong đời lần đầu tiên mới thấy được vầng trăng.
Nàng gọi Đào Liễu :
– Xem kìa, ngươi có thấy trăng không, đẹp ơi là đẹp!
Đào Liễu phụ họa, nhưng chính cô ta cũng nghe thích lắm :
– Đẹp, đẹp ghê đi…
Thư Hương nói :
– Trăng Giang Nam nghe nói đẹp hơn gấp bội, không chừng còn hơn trăng ở đây nữa đó nghe.
Đào Liễu chớp đôi mắt mơ màng giống y như đôi mắt của chú chó con :
– Bộ trăng Giang Nam khác còn trăng đây khác hay sao?
Thư Hương nguýt dài :
– Thật là con người không có một chút thi tứ nào cả!
Đào Liễu vụt nói :
– Đúng rồi, nói đến thơ mới nhớ, cảnh đẹp như thế này thì tại sao mình lại không làm thơ?
Thư Hương nheo nheo mắt :
– Thơ gì?
Đào Liễu ấp úng :
– Thì thơ… thơ gì cà?… À à, chẳng hạn như Tây Du Ký!
Thư Hương cười hăng hắc :
– Sao lại có chuyện… Đường Tăng trong này? Mà thơ mình làm ra đặt tựa là gì?
Đào Liễu bóp trán :
– Phải rồi, mình đề là “Đại tiểu thơ Nam Du Ký”, được không?
Thư Hương vỗ tay :
– Hay, mình đi Giang Nam, đặt “Nam Du Ký” là hạng nhất.
Nhưng nàng vụt thấp giọng :
– Đào Liễu nè, hồi nãy uống trà nhiều quá, bây giờ…
Đào Liễu cũng hỏi nhỏ :
– Sao? Bây giờ sao?
Thư Hương cú lên đầu Đào Liễu cái nhẹ và hứ luôn :
– Thì bây giờ… mắc tiểu chớ làm sao?
Đào Liễu định cười, nhưng lại không cười được, cô ta càng cao giọng :
– Như vậy thì làm sao? Hông lẽ.. làm đại trên xe?
Thư Hương nói :
– Ta quên, tức chết, cái gì cũng nhớ mà cái… thùng tiểu không mang theo!
Bây giờ thì Đào Liễu không còn nín nổi nữa, cô ta ôm bụng cười.
Thư Hương lại cú thêm cái nữa :
– Vui lắm sao cười? Chẳng lẽ ngươi lại không mắc à?
Y như lời trù ếm, Thư Hương vừa mới hỏi thì Đào Liễu bỗng ôm bụng. Cô ta không cười nữa mà đâm lo :
– Làm sao bây giờ? À, đường vắng lại tối, mình cứ tấp vô ngay bên vệ đường. Kêu xe ngừng lại đi.
Thư Hương lại cú cô ta :
– Quỷ, lỡ có người đi tới làm sao? Mình chớ đàn ông sao mà dễ?
Đào Liễu nói :
– Không sao đâu, mình thay phiên coi chừng.
Thư Hương lắc đầu :
– Không, nhất định là không được.
Đào Liễu nói :
– Không được thì biết làm sao? Chỉ còn cách… nín.
Nhưng Thư Hương đã nín rồi, bây giờ vô phương nín nổi. Mặt nàng đã đỏ, ngồi đã phải khum.
Mà thật là ác, cái thứ kỳ cục. Đừng nói tới còn đỡ, khi đã nói tới thì như là “kêu” nó.
Đói thì có thể nhịn. Chớ vụ này thì phải chịu thua.
Thư Hương vụt kêu lớn :
– Ông đánh xe, ngừng lại!
Đào Liễu che miệng :
– Thôi phải không, trở lại chớ làm sao?
Thư Hương trừng mắt :
– Ngu, ngươi đúng là con nít, cái gì cũng phải có người lớn mới xong.
Xe ngừng, Thư Hương nhảy xuống, nhưng nàng không dám nhảy mạnh vì bụng đã cứng rồi.
Nàng gọi :
– Ông đánh xe, lại tôi dặn đây.
Tên đánh xe lót tót nhảy xuống, chậm chạp bước ra sau, dáng cách của hắn thật là cục mịch.
Tự nhiên là Thư Hương khoái lắm, chuyến đi bí mật của nàng cần gặp kẻ ngơ ngơ ngáo ngáo như thế này.
Nàng hỏi :
– Bác đánh xe nè, bác có biết chúng tôi là ai không? Quen không?
Tên đánh xe lỏ mắt :
– Có đâu? Chưa gặp lần nào, lạ hoắc.
Thư Hương gióng thêm câu nữa :
– Bác không biết bọn ta từ đâu đến à?
Tên đánh xe cười, cái cười của hắn cũng ngơ ngơ :
– Bộ tôi điên sao mà không biết?
Thư Hương đâm lo, nàng hỏi :
– Ở đâu?
Tên đánh xe nói thật nghiêm trang :
– Thì từ nhà đi chớ còn đâu nữa?
Đúng là hắn không điên, nhưng chắc có lẽ hơi… khùng.
Thư Hương thở phào :
– Chú có biết nhà của bọn ta ở đâu không?
Từ “bác” hạ xuống thành “chú” một cách… vô nguyên tắc, nhưng gã đánh xe hình như chẳng thèm chú ý, gã nói :
– Không biết.
Thư Hương hỏi :
– Như vậy chú biết bọn này đến đâu không?
Tên đánh xe lắc đầu :
– Không biết.
Thư Hương chớp chớp mắt :
– Chú xem bọn này là trai hay là gái nè.
Tên đánh xe cười, lần này hắn cười có rộng hơn, và hàm răng phơi ra trọn vẹn.
Hắn nói :
– Nếu nhị vị mà là con gái thì chắc tôi cũng sẽ biến thành con gái…
Thư Hương cũng cười, cố nhiên là cái cười khoái ý, nàng muốn chọc thêm thằng cha ngơ ngơ này một chút nữa chơi, nhưng hiềm vì bụng bây giờ gần muốn bể, nên nàng nói vội :
– Bây giờ bọn ta muốn… tản bộ một chút, chú ở đây chờ, chớ không được bỏ xe nghe không?
Tên đánh xe cười hì hì :
– Tiền xe chưa có thì bỏ đi đâu, giết chết cũng không thèm đi.
Thư Hương gật đầu :
– Tốt lắm, đi thì không có tiền xe, ở lại đây rồi còn được thưởng.
Bây giờ thì nàng yên lòng.
Mà yên lòng rồi là cái… chuyện kia nôn lên. Nàng không thể đứng lại được nữa.
Nàng kéo tay Đào Liễu mà bước đi, nghe nặng nhọc y như sắp sửa… tới nơi rồi.
Hai người đi tấp vô rừng.
Trời có trăng thật ác. Trăng bây giờ không còn nên thơ nữa, vì trong rừng mà nó vẫn cứ sáng hoài. Cũng may là không có một ai.
Đào Liễu nói nhỏ :
– Đây đi, không nên đi xa quá bỏ xe.
Thư Hương lắc đầu :
– Không được, chỗ này không được. Cái thằng cha đánh xe đó đừ câm mà sợ nổi gì.
Bất cứ ai cũng đều nghĩ chỗ càng tối là càng bảo đảm an toàn. Thư Hương chọn một chỗ tối nhất, nàng bảo Đào Liễu :
– Coi chừng nghe, cứ hễ có người thì kêu lên nghe.
Đào Liễu không trả lời mà lại cười khúc khích.
Thư Hương gắt :
– Cười cái gì, quỷ, bộ chưa thấy ai tiểu tiện lần nào sao mà cười?
Đào Liễu nói nhỏ, làm như là chuyện bí mật ghê lắm :
– Không phải sợ người. Tôi đang nghĩ chỗ này chắc chắn không có người, nhưng rất có thể là có một con rắn…
Đè cái thứ ngán nhất mà lại nói, Thư Hương xanh mặt mày, xách thắt lưng chưa kịp buộc, một tay quơ quơ như muốn tìm vật gì đó để nhét vô cái miệng… vô duyên.
Đào Liễu chạy né ra, Thư Hương chụp chụp làm cho cái quần tuột lên tuột xuống…
Hai người vừa quần nhau vừa cươi hăng hắc, cười giỡn cho nên tiếng ngựa hí bên ngoài cũng chẳng nghe, mãi cho đến khi đã rồi, đi lần ra, mới hay rằng cỗ xe và cái gã đánh xe “đừ câm” đã mất tiêu.
Thư Hương đứng khựng, Đào Liễu cũng khựng.
Hai người nhìn nhau sửng sốt hồi lâu, Đào Liễu mới thở dài :
– Mình bảo người ta khật khùng, không ngờ chính mình lại khật khùng.
Thư Hương cắn răng, nàng giận đến phát run, giận không nói được.
Đào Liễu nói :
– Bây giờ mình làm sao?
Thư Hương nói ngay :
– Làm sao cũng được, nhưng nhất định không trở về nhà!
Và nàng vụt nói :
– Có phải ngươi gói cả vòng vàng tư trang của ta mang theo không?
Đào Liễu gật đầu.
Thư Hương dậm chân :
– Thật là tức, những thứ đó đáng lý lộn trong mình chớ sao lại bỏ trên xe…
Đào Liễu móc trong lưng ra một cái gói, gói bao vải cột bên ngoài :
– Đây nè.
Thư Hương nhảy dựng lên :
– Ta biết mà. Ta biết ngươi thì lúc nào cũng luôn cẩn thận.
Đào Liễu lắc đầu :
– Con nít cuối cùng vẫn là con nít. Việc gì cũng không cẩn thận bằng người lớn!
Cô ta lại nói một câu mà thường ngày Thư Hương thường hay mắng cô ta.* * *
Nhờ có trăng nên đường đi không tối lắm.
Hai người thong thả bước đi, bây giờ họ mới đúng là khách nhàn du.
Nhờ vào gió đêm mát mẻ, bao nhiêu sự giận dữ vừa rồi bây giờ đã hết, y như chuyện xảy ra là một trò đùa.
Họ lại bắt đầu cười giỡn.
Thư Hương nói :
– Mất của nhưng hình như có nhẹ nhàng hơn phải không?
Đào Liễu chớp chớp mắt :
– Bây giờ không sợ đắp chăn mền hôi của đàn ông, ăn chén dính mỡ nhầy nữa à?
Thư Hương nói :
– Sợ cái gì chứ. Còn vàng là còn mua giường mới, đồ mới.
Đào Liễu cười :
– Biết sao tôi thích hầu hạ cô nương không? Vì cô nương hay giận nhưng lại rất mau quên.
Thư Hương vụt nói :
– Lạ một điều là sao hắn không chờ lấy tiền xe rồi hẳn đi?
Đào Liễu cũng hơi ngạc nhiên, nhưng suy nghĩ hồi lâu, cô ta chắt lưỡi :
– Đúng là cầu toàn, cái gì cũng muốn đầy đủ, nhớ rằng xe là xe của hắn mướn, trong khi đồ vật của mình dư sắm hai cỗ xe hơn như thế thì còn cần quái gì tiền xe?
Thư Hương gật đầu :
– Ờ hé…
Đúng là lối nói chuyện của những cô nhà giàu, họ nói nhiều câu nghe phát giận mà cũng dễ tức cười luôn.* * *
Trời đã sáng.
Gà trong rừng, trong xóm đã gáy ó o, bao tử của hai cô cũng ngáy nghe ọt ọt.
Thư Hương lầm bầm :
– Không hiểu tại sao bao tử người ta lại có thể kêu ọt ọt như vậy?
Đào Liễu nói :
– Đó là sôi bụng chớ có gì mà lạ.
Thư Hương nói :
– Nhưng tại sao đói lại sôi?
Đào Liễu chịu thua.
Cô ta thường hay chịu thua, không làm sao trả lời hết những câu hỏi của cô mình.
Thư Hương thở ra :
– Thật không ngờ con người ta đói bụng lại khó chịu như thế này.
Đào Liễu hỏi :
– Cô nương chưa từng đói bao giờ sao?
Thư Hương nói :
– Cũng có, đó là những lúc trưa không thèm ăn cơm, đến xế chiều thì đói cồn lên, nhưng bây giờ thì ta thấy rằng những lúc đó chưa đúng gọi là đói như bây giờ.
Đào Liễu cười :
– Cô nương chẳng từng nói, một con người sống trên đời, cái gì cũng cần phải nếm qua sao?
Thư Hương nói :
– Nhưng đói thì kể như nếm đã quá đủ rồi, bây giờ cần ăn. Giá bây giờ có một con gà quay, hay một khúc thịt quay, thì ngon biết mấy…
Đào Liễu lắc đầu :
– Chỉ có nước về nhà.
Thư Hương nhướng mắt :
– Ủa, chớ bộ dọc đường người ta không bán sao?
Đào Liễu nói :
– Bây giờ thì chắc chắn là không có, tiệm cơm bây giờ đâu đã mở cửa.
Cô ta suy nghĩ hồi lâu rồi nói :
– Nghe nói có quán ăn sáng sớm là mở cửa, nhưng những quán như thế thường thường là gần chợ.
Thư Hương vỗ tay :
– Phải rồi, ta rất thích đến chợ chơi một lần mà chưa đi được. Đào Liễu nè, nghe nói chuyện hay chuyện lạ trong giang hồ thường được kể ra trong những quán rượu đó nghe.
Đào Liễu gật đầu :
– Đúng rồi, bởi vì những chỗ đó có đông người, hạng nào cũng có, quân tử anh hùng cũng có, trộm cắp gian manh cũng có.
Thư Hương chưởi :
– Lo quái gì, mình cẩn thận đề phòng thì gian manh nào cũng không gạt nổi mình. Trừ những kẻ ngu đần chớ mình mà để đến bị lừa thì cũng còn lâu!

Chọn tập
Bình luận