Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cát Bụi Giang Hồ

Chương 11: Bao họ Nam Du

Tác giả: Cổ Long
Chọn tập

Bao họ Nam Du
Càng nhìn bộ mặt tròn tròn đầy thịt trắng hồng của Trương Dị, Thư Hương bỗng thấy con người của hắn quả là… dị hợm.
Hơn một chút nữa, nàng bỗng thấy hắn quá ngu.
Ngu như Trư Bát Giới.
Nàng nói gằn gằn :
– Được rồi, sớm muộn gì ta cũng sẽ tìm cái tên Lưu tiên sinh bần tiện đó để thanh toán với hắn.
Nín một lúc, nàng lại nói :
– Cái ám khí của tên Lưu tiên sinh ngươi có thể giao cho ta không?
Trương Dị lắc đầu :
– Không!
Thư Hương hỏi :
– Tại sao không?
Trương Dị đáp :
– Không là không chớ chẳng sao hết, chúng ta đã giao ước rồi, không ai ép ai gì cả.
Thư Hương gằn gằn :
– Tốt, không ép thì không ép, đi!
Trương Dị hỏi :
– Gấp dữ vậy sao?
Thư Hương đáp :
– Sao lại không gấp? Đi kiếm chồng mà không gấp à?
Trương Dị rót một chén rượu và nói… từ từ :
– Cô gấp nhưng tôi không gấp, cô cần đi thì cứ đi trước, vả lại chúng ta có nói mạnh ai nấy đi, chỉ cần tôi không để cho người ta bán cô là được rồi.
Thư Hương vụt chụp lấy bầu rượu, ném mạnh xuống đất.
Bầu rượu bằng sành bể nát không còn một miếng nguyên.
Ném xong, nàng bỏ đi ra phía cửa.
Trương Dị quơ một bầu rượu ở bàn bên, cười cười :
– Cũng may là cô ta không thấy cái bầu rượu này…
Hắn rót ra một chén.
Thư Hương vùng quay lại lấy bầu rượu đó quăng luôn.
Bầu rượu nổ nghe cái bốp, nát tan.
Bây giờ thì nàng mới “hạ” được cơn giận, nàng chầm chậm quay lại thì thấy Trương Dị đương ôm… nguyên cái ché rượu.
Hắn vỗ vỗ ché rượu và nói :
– Bầu thì cô cứ việc quăng, nhưng ché này là phải để lại, chỗ miệng bầu nhỏ quá, còn miệng ché này thì rất xứng với tôi.
Thư Hương vừa đi vừa chưởi lầm thầm :
– Đồ hủ chìm, đồ heo hèm, đồ Trư Bát Giới…
Nàng chưởi nhưng rồi nàng lại bật cười.
Nàng nhớ Đào Liễu.
Con nhỏ đó định viết một tập “Đại Tiểu Thư Nam Du Ký”, cái con nhỏ đúng là khỉ láo, đúng là… Tôn Ngộ Không, giá như bây giờ có nó, lại có thêm… Trư Bát Giới này nữa là… đủ bộ.
Đào Liễu mà hay biết chuyện này, nhất định con nhỏ sẽ ôm bụng cười lăn chiêng.
Thế nhưng cái con nhỏ hay nhếch nhếch môi đó không biết bây giờ ở chỗ nào, không biết nó trôi dạt về đâu?
Miệng cười, nhưng Thư Hương lại thở dài. Nhưng cái thở dài của nàng bây giờ cũng không đến áo não cho lắm, bất luận sự việc ra sao, biết có người đi theo sau bảo hộ thì quả không còn gì yên lòng hơn nữa.
Trư Bát Giới tuy có vẻ ngu xuẩn, thế nhưng cái đinh ba của hắn cũng không phải là ai cũng ghẹo được, hắn cũng khá ngon lành.
Không có Trư Bát Giới, nhất định Đường Tăng không thể đến Tây Thiên…
* * * * *
Thế nhưng Trư Bát Giới có thật đần độn lắm không?
Dưới con mắt của mấy trự “Heo” thì kẻ đần độn nhất trên đời có lẽ là… người.
Vì theo Heo thì người ngu quá, cứ lo tranh danh đoạt lợi, tàn sát lẫn nhau, còn Heo thì không, cứ ăn no ngủ kỷ, ai công hầu khanh tướng mặc ai, cứ thủ phận Heo là sướng.
Heo lại còn chê Người hữu thỉ vô chung, ăn cháo đái bát, tối ngày chỉ chịu suy nghĩ tìm thủ đoạn để ăn của kẽ khác, chớ không khi nào chịu khó suy nghĩ tìm cách trả ơn, mà nếu có làm cái chuyện “trả ơn” thì cũng là thủ đoạn “mo” tiếp tục, ít nhất cũng để cho thiên hạ thấy mình là kẻ biết điều, để cho thiên hạ khen ngợi.
Còn Heo thì không, ăn của người là phải trả ơn, ăn cho mập rồi “khẳng khái” để cho người xẻ thịt. Cái chết của Heo không danh vọng, không mong ghi vào… lịch sử.
Chết để trả nợ, sòng phẳng như ruột… Heo.
Chính vì thế cho nên dưới mắt Heo, Người là giống vật ngu xuẩn nhất đời.
Vì, theo Heo, ngu mà cứ chịu để người ta nói “ngu như heo” thì không hẳn là ngu, còn ngu mà lại vỗ ngực tự xưng là thông minh, và lại khoái được tiếng “thông minh nhất trong muôn loài” thì đúng là thứ ngu hết chỗ can…
* * * * *
Chính ngọ.
Mặt trời đứng bóng.
Ngồi dưới một tàn cây rậm mát, ngồi dựa bãi biển, ngồi trong ngôi nhà thủy tạ, đón từng làn gió thoảng qua, tay bưng chén hột sen có những miếng băng trong vắt, thứ băng vùng quan ngoại… lúc đó, lòng người sẽ đầy dẫy hoan ca, sẽ cảm thấy thế gian thật là sáng lạn huy hoàng.
Thế nhưng nếu phải băng mình trên quảng đường thiên lý, quảng đường khô khốc, dưới ánh nắng đổ hột, thì người ta sẽ thấy thế gian này đúng là… hỏa ngục.
Lúc Thư Hương đã nguôi cơn giận, thì nàng mới cảm giác đến sự mệt mỏi, hoa mắt, khát nước, mồ hôi nhễ nhại bụi đường.
Nàng lờ mờ như mình đang trong ác mộng, nàng thở không còn muốn ra hơi.
Con đường thẳng dài mút mãi, như không có chỗ cuối cùng, không khí lợn cợn hừng hừng y như hơi nóng bốc lên từ một lò than đỏ, giá như đem đặt một quả trứng gà trên đường, trong nháy mắt sẽ chín ngay.
Phía trước có một bóng cây, dưới bóng cây, có một cái sạp bán thức ăn và rượu.
Có mấy người ngồi nhâm nhi, vừa cầm roi ngựa quất quất trên đầu cỏ, vừa phẩm bình rượu ngon, rượu dỡ.
“Ngồi trên đống vàng không hề biết thức ăn ngon”.
Con người một khi quá đầy đủ thì hết còn sinh thú.
Bây giờ thì Thư Hương mới thể hội hoàn toàn ý nghĩa của câu nói đó.
Giá như trước đây chừng hai ngày thì những thức ăn bày bán trên cái sạp đó, đối với Thư Hương, chỉ đáng cho chó ăn chớ không khi nào nàng dám đụng tay. Thế nhưng bây giờ, chỉ cần một chút bánh khô, một chén nước lã, nàng biết chắc nàng sẽ ăn uống ngon lành.
Nếu bây giờ, có ai mời nàng một trái chuối dập, một chén nước nguội, chắc nàng sẽ cảm kích đến rơi nước mắt.
Bụng đói đã đành, nhưng cái khốn khổ của nàng bây giờ là khát nước.
Nhưng muốn ăn, muốn uống là phải mua.
Tuy mới ra khỏi nhà lần đầu, nhưng cái chân lý đó nàng cũng biết.
Trong mình nàng bây giờ không có một xu ten.
“Đào tiểu thơ” từ nhỏ đến lớn, cần thứ gì, chỉ há miệng là có người đưa tới, nàng đâu có biết đồng tiền quí, tiện ra sao?
“Trương… Óc Mít chắc chắn có tiền, nhưng biết hắn có cho mình mượn hay không”?
Nghĩ đến chuyện ngửa tay mượn tiền kẻ khác là mặt của Thư Hương đã nóng bừng, bảo nàng hỏi người để mượn tiền, có lẽ giết nàng chớ nhất định nàng không khi nào mở miệng, nhất là đối với tên “Óc Mít” thì nàng lại càng không thể.
Những người ngồi nghĩ chân ăn uống dưới bóng cây nhìn nàng chăm bẳm, không phải người ta hay tò mò, nhưng người ta lấy làm lạ, không hiểu trời nắng đổ lửa như thế này, tại sao nàng không ghé nghỉ chân uống nước?
Có nhiều người không đói không khát, nhưng khi ngang qua đây như thế giữa cơn nắng đốt người, họ vẫn ngồi và gọi một chén rượu, một tô nước, ngồi nhấp nháp để nghỉ chân và để dịu cơn nóng đốt.
Nhưng nàng thì không ghé được, vì trong túi không tiền.
Có lẽ ghé ngồi một chút không ăn không uống cũng không ai nói gì, nhưng đó là thái độ bất lịch sự, nếu không, cũng dễ làm cho thiên hạ thấy cái khốn đốn của mình.
Nàng không muốn bất lịch sự đối với ai, càng không muốn ai nhìn thấy cái khốn đốn của mình cả.
Nàng cúi đầu cắn răng bước đi qua.
“Không hiểu cái con heo hèm đó tại sao bây giờ lại chưa tới, hay là hắn đã nhủi đầu chết trong cái ché rượu đó rồi”?
Bây giờ nàng đâm tức tại sao vừa rồi bàn tiệc ê hề mà lại không ăn không uống một ít rồi hẳn đi?
“Không ăn là uổng, không uống là phí”.
Bây giờ Thư Hương mới thể nghiệm câu nói của Trương Dị ít nhiều hữu lý.
* * * * *
Cộc… cộc…
Cộc… cộc…
Tiếng vó ngựa và tiếng bánh xe khua.
Cỗ xe chạy rất thong dong.
Một gã thanh niên úc na úc núc ngồi đánh xe, hắn ngồi ngửa vào thành xe nhịp tay “tróc tróc”…
Con ngựa bỏ nước kiệu thong dong.
Thân hình mập ú của gã đánh xe lúc lắc theo đà xe qua qua xốc lại, mắt hắn lim dim, mặt hắn nhếch nhếch cười.
Đúng là Trương… Óc Mít.
Như vậy là hắn không say.
Dáng cách thong dong khoan khái của hắn y như đang ngự theo đường, bộ vận thiểu não xác xơ của nàng giống như lún dưới chín từng địa ngục.
Thư Hương nghiến răng kèn kẹt.
Nàng đâm tức tối, tức hắn thì ít mà tức mình thì nhiều.
Rõ ràng cỗ xe đậu ngay trước cửa gian nhà đó tại sao khi đó nàng lại không chợp trước, để hắn đi sau mà hắn lại… khôn hơn nàng…
Bây giờ giá như “con heo hèm” đó gọi nàng một tiếng, thì nàng chắc chắn sẽ không hề khách sáo.
Thế nhưng hắn lại như không ngó thấy nàng, mắt hắn cứ lim dim…
Hắn không vung roi, con ngựa cất vó… từ từ cỗ xe lẻo đẻo theo nàng, trước nàng, bên phải, bên trái của nàng, làm như không muốn chạy mau.
Không nhìn bộ mặt úc na úc núc của hắn thì thôi, nhìn vào càng phát ghét, Thư Hương tức tối kêu lên :
– Ê!
Trương Dị hé mắt ra rồi nhắm lại, chân hắn nhịp nhịp thành xe, miệng hắn “tróc tróc”.
Thư Hương hầm hầm bước lại gần, giọng nàng hằn hộc :
– Ê, bộ điếc hả?
Bây giờ thì Trương Dị mới mở mắt lớn hơn một chút, hắn hỏi :
– Ừ, cô nói chuyện với ai vậy?
Thư Hương trừng trừng mắt :
– Nói với ngươi chớ không lẽ nói với con ngựa?
Trương Dị thản nhiên :
– Tôi không phải họ “Ê”, tôi họ Trương, cô gọi “Ê” thì làm sao tôi biết.
Thư Hương nghiến răng :
– Ê, họ Trương.
Trương Dị hé mắt rồi nhắm lại.
Thư Hương giận tái mặt, nàng la lớn :
– Ta gọi họ Trương, bộ ngươi không phải họ Trương hả?
Trương Dị nói :
– Trong thiên hạ họ Trương nhiều lắm, chớ đâu phải một mình tôi, tôi làm sao biết cô gọi Trương nào?
Thư Hương hừ hừ :
– Ở đây có ai họ Trương nữa? Chẳng lẽ con ngựa này cũng họ Trương?
Trương Dị nói… từ từ :
– Cũng hổng biết chừng, có thể nó họ Trương, mà cũng có thể nó họ Đào… Mà nè, sao cô không hỏi thử nó xem?
Hắn ngáp một cái thật dài và nói tiếp :
– Nếu cô muốn nói chuyện với tôi thì nên gọi tôi là “Trương đại ca”.
Thư Hương càng giận dữ hơn nữa, nàng hỏi lớn :
– Tại làm sao ta phải gọi ngươi là Trương đại ca chớ?
Trương Dị đáp :
– Thứ nhất, tôi họ Trương; thứ hai, tuổi tôi lớn hơn cô ít nhất cũng vài ba tuổi; thứ ba, bởi vì tôi đây là đàn ông, cô không lẽ gọi tôi là “đại thư”?
Hắn dựa ngửa vào thành xe cười chậm rãi :
– Nhưng nếu cô gọi tôi là Trương đại thúc thì thật tình không dám nhận.
Thư Hương trừng trừng :
– Đồ heo hèm, đồ Trư Bát Giới…
Trương Dị nói :
– Chỉ có heo mới nói chuyện với heo, nhưng tôi xem cô không được giống heo cho lắm.
Thư Hương giận run quay đầu bỏ đi, thề có chết cũng không thèm nhìn… mặt hắn nữa.
Thình lình nghe “trót” một tiếng, Trương Dị giật cương cho cỗ xe chồm tới lướt ngang qua Thư Hương và chạy thẳng.
Phía trước con đường thênh thang mút mắt, những tia nắng thi nhau đổ xuống, xông lên hừng hực, cứ như thế mà đi thì cho có cắn răng chịu đựng thì chắc cái mạng cũng phải đi đời…
Thư Hương vụt kêu lên :
– Trương Đại Đầu, chờ đi với.
Nàng kêu theo lối “ăn gian”.
Tiếng “Trương” tiếng “Đại” thì nàng kêu thật lớn, nhưng tiếng “Đầu” thì lại nhỏ, nàng cố làm cho hắn mập mờ mắc bẫy.
Quả nhiên, Trương Dị ghịt cương dừng lại cười :
– Đào tiểu thơ, cần chi đó?
Thư Hương bật cười.
Người con gái nào cũng khoái hơn được người khác, dầu chỉ hơn một tiếng, dầu nhờ vào sự lấp lững mà hơn thì họ cũng muốn hơn.
Đối với tên Trương… đại đầu này, nàng nói chuyện cứ thua hoài, nàng tức, bây giờ hơn được một tiếng, nàng khoái quá, nàng cười thật hả hê.
Nàng chớp mắt nhìn Trương Dị và hỏi trổng :
– Xe trống, cho ngồi một đổi được không?
Trương Dị cười :
– Có thể.
Thư Hương nói :
– Đã bằng lòng thì không có quyền đuổi xuống.
Nói chưa dứt tiếng là nàng đã nhảy tót lên xe…
Nàng lại hơn hắn được thêm lần nữa, nàng lại cảm thấy khoan khoái vô cùng, khoan khoái đến quên cả khát.
Nhưng có một chuyện thua mà nàng không thấy.
Đó là chuyện nàng đã phải bằng lòng gọi hắn lại để đi nhờ xe.
Trên tinh thần, đó là một cái thua, thua đau.
Trương Dị không nói gì, hắn cứ cười cười…
Vừa thót lên xe xong, Thư Hương thò đầu ra cái cửa nhỏ thông phía trước, nàng nói lớn vào tai hắn :
– Vừa rồi ngươi có lẽ không nghe rõ, ta đâu có gọi ngươi là Trương đại ca? Ta gọi ngươi là Trương “Đại Đầu”, cái đầu của ngươi bằng ba cái đầu thiên hạ, biết không?
Nàng chấm dứt câu nói bằng một chuỗi cười như nắc nẻ.
Quả thật là nàng đã khoái chí, vì nàng cảm thấy hơn hắn bộn phần.
Trương Dị vẫn lắc lắc thân mình theo đà xốc của xe, hắn cười cười :
– Đầu lớn biểu lộ sự thông minh, tôi vẫn biết rằng mình rất thông minh lâu rồi, chớ đâu cần cô phải nhắc?
Thư Hương hứ một cái “cốc” và đóng sập cửa cái rầm.
Trương Dị bật cười ha hả và giục xe chạy tới thật nhanh, vừa vung roi, hắn vừa cười nói :
– Đầu lớn là óc dầy, người ta có gia tài, tôi có đầu lớn… Đầu lớn nhiều chỗ rất hay ho, về sau cô sẽ còn thấy nhiều cái hay ghê lắm.
* * * * *
Có những người hình như trời sanh sấp sẵn cho một vận may, đó là những người không phải giàu sang, quyền thế, nhưng họ sống cuộc sống rất là thanh thản, họ không hay tức tối giận hờn.
Đó là loại người của Trương Dị.
Ai muốn làm cho hắn tức, người đó sẽ bị tức trước.
Cho nên bất cứ nắng như thế nào, hắn vẫn cứ nghe mát mẻ như thường.
Bây giờ thì đã xế rồi.
Trời hơi dịu nắng thì trên đường thiên hạ qua lại đông hơn.
Đi bộ có, đi xe có, già có, trẻ có, đủ các hạng người.
Cũng có cả những thanh niên kỵ mã, người mạnh, người khỏe, họ phi như bay trong gió.
Thư Hương vụt thấy có một thanh niên kỵ sĩ, phất phới vuông khăn màu đỏ.
Vuông khăn của hắn buộc ở cổ tay.
Tự nhiên, hắn không phải là Ngọc Hồ, nhưng hắn chắc chắn là từ hướng Giang Nam đi đến.
– “Không biết hắn có quen với Lữ Ngọc Hồ không?”
Thư Hương thò đầu ra khỏi xe nhìn trân trối, nghĩ mông lung.
Nàng hy vọng mình sẽ có đủ nghị lực toàn tâm toàn ý đi tìm Lữ Ngọc Hồ, gạt bỏ tất cả những gì trở ngại…
Hãy quên tất cả, hãy chuyên chú vào mỗi một việc đó để thực hiện cho kỳ được…
Hãy quên tất cả…
Thế nhưng nàng vẫn không thể quên được.
Vì nàng đang đói.
Đói đến mức muốn ngủ để quên mà vẫn không ngủ được.
Một con người khi mà trong bụng đã trống không thì bao nhiêu chuyện tình thơ mộng cũng mất luôn.
Thư Hương thò đầu ra hỏi Trương… Óc Mít, mà đã là “óc mít” thì chỉ có thể hỏi trổng thôi :
– Có biết phía trước đây là chỗ nào không?
Trương Dị đáp :
– Không biết, nhưng chắc chắn là cách Giang Nam còn xa lắm.
Thư Hương nói :
– Ta muốn kiếm chỗ dừng xe, vì… ta hơi đói.
Trương Dị hỏi :
– Muốn ăn à?
Thư Hương nuốc nước bọt :
– Ăn thì cũng… không cần lắm, nhưng cũng phải ăn chút ít.
Trương Dị hỏi :
– Không cần thì ăn làm chi?
Nhưng hắn lại thở ra và nói tiếp, hắn nói lầm thầm như nói riêng với mình, nhưng cái lầm thầm của hắn cũng đủ để cho Thư Hương nghe thấy :
– Kể ra thì đàn bà vẫn có bản lãnh nhiều hơn đàn ông, trọn ngày cũng không cần gì phải ăn, nếu đổi lại là tôi thì chắc tôi ngoẻo luôn!
Thư Hương vụt kêu lên :
– Ta cũng đói gần chết đây!
Trương Dị cười :
– Vậy thì ăn, chỉ có điều ăn là phải có tiền, cô có tiền không?
Thư Hương ngập ngừng :
– Tôi… ta…
Trương Dị nói… từ từ :
– Không tiền mà đi ăn thì đó là ăn… chạy. Ăn chạy thì phải chịu đòn. Cái thứ roi mây vừa cứng vừa dẻo mà nét vô mông thì khó chịu lắm.
Thư Hương cắn môi gần chảy máu.
Giống y như người luyện võ, phải thật lâu mới vận đủ… thành công lực, Thư Hương cũng phải chờ cho đầy đủ dõng khí rồi mới bật nói :
– Ngươi… ngươi có tiền hông?
Trương Dị đáp :
– Cũng có chút chút, chỉ có điều tiền đó là của tôi, cô đâu phải là vợ tôi, cho nên tôi đâu có thể… nuôi.
Thư Hương nghiến răng, nhưng vẫn không thể chưởi, nàng giả cự nự sơ sơ :
– Ai biểu ngươi nuôi?
Trương Dị nói :
– Đã không cần tôi nuôi mà lại không tiền, chẳng lẽ cô định nhịn đói như thế để đi đến Giang Nam à?
Thư Hương như khựng lại, ngập ngừng :
– Ta… ta có thể nghĩ cách kiếm tiền.
Trương Dị nói :
– Như thế thì còn gì bằng… Nhưng cô đã nghĩ ra cách kiếm tiền chưa?
Thư Hương lại khựng.
Từ nhỏ đến lớn, trải qua mười tám năm trời, nàng đâu có “kiếm” đồng nào? Càng không biết bằng cách nào để kiếm ra tiền.
Thật lâu, nàng buông một câu hỏi nhóng :
– Tiền của ngươi làm sao có vậy?
Trương Dị đáp :
– Tự nhiên làm… kiếm ra.
Thư Hương hỏi :
– Nhưng kiếm bằng cách nào?
Trương Dị đáp :
– Kiếm tiền có nhiều cách lắm, múa võ chợ đông, dạy võ cho môn sinh, bảo tiêu cho tiêu cục, đó là những chuyện cần nhiều bản lãnh, ngoài ra còn những việc khác dễ hơn như giữ cửa, đi săn, hái thuốc, chạy bàn cho những tiệm ăn… chuyện gì tôi cũng đều có làm…
Hắn cười cười nói tiếp :
– Một con người nếu không muốn nhịn đói, thì phải lấy sức mình để mưu cầu sự sống, chỉ cần là đồng tiền kiếm bằng minh chánh, bằng sức lực của mình, thì bất cứ chuyện gì cũng có thể làm, kể cả chuyện đi ở đợ. Nhưng chẳng hay Đào tiểu thơ có thể làm được chuyện gì?
Thư Hương nghẹn ngang.
Chuyện gì nàng cũng không biết cả.
Nàng chưa từng rửa chén, chưa từng quét nhà, cho đến mùng màn trong giường ngủ của nàng cũng có người lo sẵn.
Những chuyện lặt vặt trong sinh hoạt hàng ngày của chính nàng, nàng còn chưa làm được, nói chi đến chuyện làm việc để kiếm tiền?
Trương Dị nói giọng lững lờ :
– Có hạng người sanh ra chỉ để tiêu tiền chớ không biết kiếm tiền, những người đó nếu có chết đói chắc cũng chẳng ai thương.
Thư Hương trừng mắt :
– Ai biểu ngươi thương?
Trương Dị gật gù :
– Hay, có khí khái. Nhưng con người có khí khái thì cũng vẫn phải ăn, khi đói thì không thể đem khí khái ra làm no bụng được. Theo cô thì cô có thể chịu đói nổi bao lâu?
Thư Hương cắn răng, nàng cố không cho bật khóc.
Trương Dị nói :
– Tôi có thể nghĩ ra cách cho cô làm kiếm tiền.
Thư Hương chồm tới :
– Cách gì?
Trương Dị nói :
– Bây giờ cô hãy đánh xe cho tôi, mỗi giờ tôi sẽ trả cho cô một đồng tiền.
Thư Hương nhướng mắt :
– Một đồng tiền?
Trương Dị nói :
– Một đồng tiền mà cô còn chê ít hay sao? Nên nhớ một tiền có mười đồng điếu, người đánh xe giỏi nhất bây giờ, mỗi tiếng đồng hồ cũng chỉ kiếm có năm điếu thôi.
Cô là người “tập sự” tôi trả một tiền là hậu đó chớ.
Thư Hương cắn răng :
– Được rồi, một tiền thì một tiền, thế nhưng… thế nhưng…
Trương Dị hỏi :
– Sao? Thế nhưng sao?
Thư Hương đỏ mặt :
– Ta chưa hề đánh xe bao giờ cả.
Trương Dị cười :
– Tưởng gì chớ cái đó thì dễ, là người thì đánh xe được ngay. Vả lại, con ngựa này dễ lắm, chỉ cần giữ cương và nhịp roi là nó đi chớ không có khó lắm đâu. Không điều khiển được ngựa là… lừa, nhưng người ta thì đâu có thể là… lừa?
Thư Hương cố nuốt nước mắt để cầm lấy dây cương…

Chọn tập
Bình luận