Cái lạ của con người
Trời đã sáng tỏ.
Y như một phép màu, Thư Hương có cảm tưởng như trời đang tối, vụt sáng trưng.
Nhìn vào bức tường xám xịt trước mắt, nhìn lại bức tường đang dựa phía sau lưng, nàng dụi dụi mắt và nhận ra rằng mình đã ngủ một giấc khá say.
Ánh nắng sớm thật ấm, nhưng ánh nắng chỉ mới phết trên đầu tường, chưa đủ ấm tới dưới đất, Thư Hương vươn vai, nàng nghe các bắp thịt tay chân mỏi nhừ, cổ nàng ê ẩm và bây giờ nàng mới biết ánh nắng chưa xuống tới mà tại sao cơ thể nàng ấm áp.
Khi nàng uốn mình, nàng phát giác ra chuyện lạ.
Tấm chăn bông từ trên vai nàng tuột xuống.
Lữ Ngọc Hồ hãy còn ngáy o o.
Nàng nhớ rất rõ, sau khi lau mặt cho hắn, nàng ngồi co ro dưới chân tường, gió đêm thật lạnh, bụng đói như cào, nàng không biết phải làm sao để qua được một đêm dài và nàng đã ngủ thiếp trong cái cảnh bàng hoàng lo nghĩ đó.
Vậy thì tấm chăn bông này ở đâu ra?
Nhất định không bao giờ có câu chuyện thần thoại, nói về một nàng tiên thấy người hoạn nạn rủ lòng thương, sai “nữ tỳ tiên” mang cho tấm chăn bông đắp.
Cho dầu một cô tiên, cho dầu tiên có lạc vô hẻm này thì nhất định tiên cũng không bao giờ cho nàng ân huệ, vì hoàn cảnh của nàng tuy có vài bất trắc, nhưng căn nguyên xét ra cũng không đáng cho tiên rủ lòng thương.
Nghĩ đến tiên là nàng liên tưởng ngay đến quỷ.
Quỷ hại người chứ không có thương người.
Nếu có con quỷ nào biết thương nàng thì chỉ có một con quỷ… đầu bự.
Đại Đầu Quỷ bây giờ chắc chắn đang nằm trên cái giường thật êm, thật ấm và rất có thể còn có một cô gái loại Trương Hảo Nhi ở một bên.
Đó là cái ý nghĩ hồi hôm, hồi nàng đang lạnh, ý nghĩ đó đeo riết tới bây giờ.
Nó bị gián đoạn khi nàng ngủ thiếp, nhưng khi thấy tấm chăn bông thì ý nghĩ về Đại Đầu Quỷ lại bắt đầu tiếp nối.
Thư Hương lại ngó Lữ Ngọc Hồ, hắn vẫn nằm bất động.
Nàng cắn môi cúi mặt.
Nghĩ tới nghĩ lui, có thể cho nàng tấm chăn bông này, chỉ có mỗi một người.
Nhưng nàng lại không tin, đúng hơn là nàng không muốn tin.
Không phải nàng là kẻ phụ ân, nhưng nếu tin như thế, lòng nàng sẽ khó chịu, ray rứt…
Không muốn tin, nhưng nàng cứ nghĩ đến… Đại Đầu Quỷ, thật là khó chịu vô cùng.
Cầm tấm chăn lên tay, nàng chợt bâng khuâng…
* * * * *
Người ta nói con người có hai trường hợp dễ dàng bộc lộ bản sắc của mình. Hay nói rõ hơn là dễ dàng bộc lộ tâm tình, tư cách con người.
Đó là khi ăn và khi ngủ.
Vì thế, người đàn bà ngày xưa, người ta không ăn với… người lạ, không ngủ nơi chỗ trống.
Bản tính tự nhiên của con người bộc lộ qua cách ăn cách ngủ, cho nên người ta cố gắng giữ gìn… không cho… ai thấy.
Khi đứng khi ngồi, Lữ Ngọc Hồ trông thật hiên ngang, uy vũ, nhưng khi hắn ngủ, nhất là trong lúc ngủ say… như chết này thì hắn nằm trông y như một con tôm… nướng.
Cũng may đây là một cái hẻm, lại là ngỏ cụt, ban đêm không có người qua lại.
Thư Hương thở phào.
Đêm hôm vì trời tối, nàng không thấy rõ, nhưng bây giờ thì mới sáng ra, thật đúng là hạnh vận. Nếu ở vào một nơi đông đúc, thì chắc là mạng xấu.
Là ngỏ cụt, nhưng cũng có vài ba cái cửa hậu, bây giờ thì đã sáng rồi, rất có thể thỉnh thoảng người ta cũng ló ra.
Nàng đã quyết định bây giờ bằng bất cứ giá nào, nàng cũng phải đánh thức hắn dậy nếu để có người nhìn thấy quả là muối mặt.
Nàng lay hắn thật mạnh.
Lữ Ngọc Hồ giật mình mở mắt, hay tay ôm đầu cự nự :
– Làm cái gì lắc muốn bể cái đầu người ta vậy?
Bây giờ Thư Hương cũng không còn giữ ý, nàng vùng vằng :
– Bể thì cho bể ra luôn đi, bể ra để nạo rửa cho sạch rượu.
Lữ Ngọc Hồ buông tay ngẩng mặt lên, bây giờ hắn thấy rõ và nhớ lại nàng, hắn hỏi :
– Ủa, làm sao chúng ta lại đến đây?
Thư Hương đáp :
– Tại ta mang ngươi tới.
Thật ra thì nàng cũng muốn tỏ ra thùy mỵ chu đáo, để chứng tỏ cho Lữ Ngọc Hồ nhận thấy nàng luôn luôn lịch sự, để cho hắn nhận thấy tương lai nàng sẽ có nhiều hạnh vận.
Lữ Ngọc Hồ hình như chẳng hề chú ý đến thái độ của nàng, hắn vẫn cứ ôm đầu, nắn nắn hai bên thái dương, nhăn mày chắt lưỡi…
Thấy vẻ mặt như khỉ ăn ớt của hắn, Thư Hương chưa nguôi cơn tức, nàng hỏi :
– Khó chịu trong mình lắm phải không?
Lữ Ngọc Hồ lắc lắc, gật gật :
– Khó chịu lắm, y như là mang bịnh.
Thư Hương hỏi móc :
– Tại sao đến nỗi thế?
Lữ Ngọc Hồ cười, nhưng chỉ nhăn nhăn chớ nói không muốn ra tiếng :
– Suốt ngày đêm nốc rượu vô thì ai mà chẳng phải như thế…
Thư Hương hứ một tiếng :
– Biết vậy sao lại cứ “đổ” vô?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Người đàn ông nào uống rượu cũng phải thế chớ đâu phải riêng tôi…
Thư Hương thở ra :
– Uống rượu như thế để bộc lộ cái anh hùng đó à? Bộc lộ cho ma men thì có.
Lữ Ngọc Hồ nói :
– Anh hùng cũng được, ma men cũng được, chỉ cần là đàn ông thì tự nhiên phải có chỗ hơn đàn bà.
Thư Hương nói :
– Đàn bà cũng không đến nỗi phải khốn đốn như anh bây giờ.
Lữ Ngọc Hồ lắc đầu :
– Chuyện đàn ông của chúng tôi, cô đừng nên hỏi biết nhiều thì tốt hơn.
Hắn đứng dậy, phủi phủi quần áo và phủi cả những bụi cát trên vai Thư Hương và nói :
– Đi, bây giờ thì tôi mời cô uống rượu.
Thư Hương mở tròn đôi mắt :
– Cũng còn uống nữa à?
Lữ Ngọc Hồ gật đầu :
– Tự nhiên là uống nữa chớ thôi à?
Thư Hương hỏi :
– Chưa tởn cái khó chịu sao?
Lữ Ngọc Hồ lắc đầu :
– Khó chịu là một chuyện, uống hay không uống lại là một chuyện khác, cái lý đó đàn bà các cô không biết được đâu.
Hắn cười cười và nói tiếp :
– Huống chi, bây giờ tôi uống vô để gọi là “giải nghề”, cô biết “giải nghề” là gì không? Uống vô một chén là thấy hết khó chịu ngay.
Thư Hương hỏi :
– Uống vô nữa thì sang ngày mai lại khó chịu như vầy nữa?
Lữ Ngọc Hồ nói :
– Như vầy nữa thì… giải nghề nữa. Vả lại ngày mai là chuyện của ngày mai, chứ đâu phải chuyện của ngày nay.
Thư Hương lắc đầu :
– Bây giờ thì tôi mới biết ma men là như thế nào.
Lữ Ngọc Hồ hình như không để ý đến câu nói của nàng, hắn cúi xuống lượm vuông khăn đỏ vò vò giủ giủ rồi quàng lên cổ…
Thư Hương lắc đầu :
– Trời ơi, cái khăn dơ hầy hè…
Lữ Ngọc Hồ nói :
– Cô mới thấy một lần mà cô đã than dơ. Cô yên tâm, lát nữa tới quán giặt là sạch ngay.
Thư Hương khoát khoát tay ngang mũi :
– Thôi, làm ơn dang dang ra một chút đi, hổng ai chịu nổi đâu.
Lữ Ngọc Hồ cười cười bước đi…
Té nằm bên lề đường là một chuyện, mà đứng dậy đi lại là một chuyện. Đó là lý luận của Lữ Ngọc Hồ, cho nên khi bắt đầu bước đi là hắn ưỡn ngực thẳng lưng đường bệ uy nghi như chưa bao giờ “nằm đường” suốt một đêm như con tôm luộc.
Vả lại, đã là anh hùng, cho dầu trong người có chịu sự khốn đốn đến đâu, chuyện đó cũng không bao giờ họ để lộ ra ngoài mặt.
Bây giờ thì tuy dung quang không được… sáng sủa lắm, nhưng dáng cách vẫn hiên ngang, khí khái anh hùng vẫn lộ trên từng bước chắc chắn, vuông khăn tuy dơ lắm rồi nhưng màu vẫn đỏ, vẫn phất phơ trong gió.
Thư Hương nhìn hắn và bỗng bật cười.
Nàng có ý nghĩ thật ngộ nghỉnh, giá như bây giờ có một thiếu nữ nào cũng như nàng đây mơ ước và bỗng nhiên gặp hắn một mình như thế này, cô ta liều mạng chạy theo hắn thì sẽ bật ngửa ra… bịt mũi.
Thấy nàng bỗng không lại cười một mình, Lữ Ngọc Hồ quay mình lại và hỏi :
– Cô thấy con người của tôi bây giờ ra sao?
Thư Hương cười :
– Tôi thấy thì cũng giống như con mèo ướt.
Và nàng hỏi lại :
– Bây giờ anh định đi đâu uống rượu?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Một Trà quán lớn nhất.
Thư Hương cười mát :
– Trà quán?
Lữ Ngọc Hồ gật đầu :
– Giờ này, chỉ có Trà quán là mở cửa sớm thôi.
Thư Hương hỏi :
– Trà quán mới có rượu sao?
Lữ Ngọc Hồ cười :
– Nó là Trà quán, nhưng ngoài trà ra, cái gì cũng đều có cả.
Thư Hương cười, nhưng rồi nàng lập tức cau mày hỏi :
– Trong túi anh có tiền không?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Cái hơi cũng không còn dính chớ đừng nói đến tiền.
Thư Hương trố mắt :
– Không tiền mà mời tôi đi uống rượu?
Lữ Ngọc Hồ cười :
– “Đại hiệp” uống rượu mà lại cần tiền sao?
Thư Hương ngao ngán :
– Không cần tiền chớ cần cái gì? Biên sổ à?
Lữ Ngọc Hồ cười :
– Đâu phải có lương tháng như quan nha mà biên sổ? Tại vì nơi đó có người mời.
Thư Hương nhăn mặt :
– Anh hay được người ta mời lắm hay sao?
Lữ Ngọc Hồ nói :
– Có lúc cũng không được. Cô tưởng tôi đi ăn chịu người ta sao? Họ mời tôi lại là sự quanh vinh của họ, tôi uống rượu của họ, họ được một cơ hội để có thể diện với người khác.
Hắn cười cười rồi nói tiếp :
– Là một đại hiệp thanh danh anh hùng, cũng không phải hoàn toàn không có chỗ hay của nó.
Thư Hương cũng cười và nàng bỗng phát hiện con người của hắn tuy không phải như trong tưởng tượng của nàng, nhưng lại thẳng thắn hơn là con người mà nàng tưởng tượng.
Dầu gì, hắn cũng vẫn còn trong lứa tuổi hoa niên.
Hắn tự nhiên là có nhiều khuyết điểm, nhưng cũng có điểm khả ái.
Hắn là một anh hùng, nhưng hắn cũng vẫn là một con người.
Một con người bằng xương bằng thịt, một con người thiếu niên.
Nàng ngó hắn và cười :
– Nếu họ trông thấy cái cảnh “oai hùng” của anh hồi hôm thì chắc họ sẽ không bao giờ mời anh nữa quá.
Lữ Ngọc Hồ nói :
– Những cái như thế thì không bao giờ họ thấy được, tôi chỉ cho họ thấy cái hào sảng khi đánh bạc, cái khí thế khi uống rượu, nhưng đến lúc thua sạch và say túy lúy rồi, đến cái thế… như con mèo ướt… như cô đã thấy thì nhất định không cho họ thấy. Cô tưởng tôi điên à? Say chớ đâu có điên, tôi phải biết lúc cần cũng phải biết chỗ ngủ và chỗ đi, cô tưởng cái ngỏ hẻm mình nằm hồi hôm dễ tìm chăng? Không, trước khi biết mình sắp ngã, tôi đã phải nhắm hướng đó đi rồi chứ.
Hắn ngó Thư Hương và cười cười :
– Cô có nghe người ta nói về chuyện tôi bị trăm đao rồi chứ?
Thư Hương gật đầu :
– Tôi nghe ít nhất cũng đã ba trăm bận.
Lữ Ngọc Hồ nói :
– Nếu cô nghe là như thế, và người ta cũng tưởng là như thế, nhưng có khi nào cô nghe chuyện sau khi tôi tưởng đã chết đi sống lại, khi tỉnh lại tôi lăn lộn rên la, khóc lóc y như một con chó ghẻ hay không?
Thư Hương trố mắt lắc đầu.
Lữ Ngọc Hồ cười :
– Đâu có ai thấy mà cô nghe được. Đó, tôi nói như thế chắc là cô đã thừa thông minh để hiểu sự thật về bề trái của một vấn đề.
Quả thật, bây giờ thì Thư Hương đã hiểu rõ rồi.
Người trong giang hồ, có thể thấy, có thể nghe cũng chỉ một phương diện vinh quang của hắn mà thôi.
Họ không bao giờ nhớ, cũng như họ đã quên rằng luôn luôn bên sau cái sáng rực huy hoàng ấy, vẫn còn có chỗ tối tăm.
Không những chỉ riêng Lữ Ngọc Hồ như thế, mà từ xưa đến nay, bao nhiêu anh hùng, bao nhiêu nhân vật cỡ lớn, cũng đều có cái mặt trái như thế cả…
Thư Hương thở ra :
– Như vậy thì anh hiểu nhiều quá về nhân tình thế thái…
Lữ Ngọc Hồ nói :
– Một con người lăn lộn trong giang hồ nhiều năm, tự nhiên không hiểu cũng phải học để mà hiểu chứ.
Thư Hương hỏi :
– Anh có biết đêm hồi hôm tôi đã nhìn anh bằng cặp mắt như thế nào không?
Lữ Ngọc Hồ lắc đầu.
Thư Hương cười :
– Tôi đã nhìn anh như kẻ vừa thô lậu, nhà quê, vừa lỗ mãng.
Lữ Ngọc Hồ nhướng mắt :
– Sao lại thô lậu quê mùa?
Thư Hương đáp :
– Bởi vì đến cái tên Trương Tử Phòng mà anh cũng không biết là ai?
Lữ Ngọc Hồ mỉm cười…
Lâu lắm hắn vụt hỏi :
– Cô nghĩ rằng tôi không biết thật?
Thư Hương hỏi :
– Chứ anh biết à?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Cứ cho tôi quê mùa thô lậu như cô nói đi, nhưng cô cứ hỏi lại những người thô lậu chính đáng về Trương Tử Phòng coi họ nói thật không? Ai cũng biết Trương Tử Phòng là Trương Lương, người nước Hàn, Hàn mất, theo Lưu Bang, lập nhiều công lớn.
Riêng trận đập Tần Thủy Hoàng một chùy tại Bát Lăng Sa đã đủ nổi danh rồi, đã đành người đạp nát xe của Tần không phải là Trương Lương nhưng linh hồn của chuyện đó là Trương Lương, ông ta là bậc anh hùng danh lưu vạn đại, làm sao lại không biết được.
Thư Hương mở tròn đôi mắt :
– Rõ ràng là anh biết…
Lữ Ngọc Hồ cười :
– Một người thô lậu cách mấy, nếu không biết sâu thì họ cũng thừa biết Trương Tử Phòng ba lần dâng dép tại Tỵ Kiều để cầu học với Hoàng Thạch Công, chớ không phải một mình tôi.
Thư Hương hỏi :
– Thế sao hồi hôm anh lại làm như thế?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Tôi cố ý làm như thế.
Thư Hương cau mặt :
– Tại làm sao phải làm bộ ngu đần như thế?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Bởi vì tôi biết nguyên nhân mà thiên hạ được biết tôi, họ biết về tôi, bởi biết tôi là con người đánh lộn gan lỳ, đánh bạc thẳng tay và uống rượu chết bỏ, ngoài ra tôi không còn biết gì nữa cả. Đó, họ đã biết như thế đó và tôi phải làm như thế đó.
Thư Hương hỏi :
– Tại sao anh muốn làm một con người như thế?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Tại vì họ không làm được.
Hắn cười cười nói :
– Bất cứ một chuyện gì, làm liều mạng, làm chết bỏ, cũng đều không phải là chuyện dễ làm.
Thư Hương thở ra :
– Tôi hiểu rồi, bởi vì chính tôi chấy cái chịu khổ sở của anh.
Lữ Ngọc Hồ gật đầu :
– Đúng rồi, muốn liều mạng là phải chuẩn bị để chịu khổ sở.
Thư Hương hỏi :
– Nhưng tại sao anh không làm thứ anh hùng vừa thông minh vừa liều mạng?
Như thế không phải họ sẽ càng phục hơn không?
Lữ Ngọc Hồ lắc đầu :
– Cô không biết, vừa thông minh vừa liều mạng thì sự thông minh đã có nghĩa đã hạn chế sự liều mạng rồi, hai cái đó không thể đi chung. Nhưng cô cũng đừng tưởng tôi không sử dụng cái thông minh, chỉ có điều tôi dùng nó thật ít, thật kín, nếu không, thần tượng của tôi sẽ bị bể ngay.
Thư Hương nháy nháy mắt, nàng có vẻ kinh ngạc :
– Tại sao người ta lại có ý nghĩ về con người của anh như thế?
Lữ Ngọc Hồ cười :
– Không có gì lạ cả, tại vì quan niệm rằng, không nhất thiết tất cả những cái gì đặc biệt là cái đó hay…
Hắn lại ngó Thư Hương cười cười :
– Chẳng hạn như một người đàn ông thô bạo, hành hạ đàn bà một cách hung ác, nhưng có khi lại dám liều chết vì một người đàn bà, đó là hai điểm nổi, cho nên nhiều cô gái bu theo, ngược lại một người đàn ông biết yêu, biết chiều chuộng đàn bà, xử sự tốt với đàn bà, anh chàng ấy giỏi lắm chỉ được một người vợ mà thôi, có khi còn bị cắm sừng nữa là khác, cô thấy có lạ không?
Thư Hương nhíu mày :
– Như vậy anh thành danh để…
Lữ Ngọc Hồ chặn nói :
– Tôi thành danh anh hùng là nhờ cái liều, cái liều sanh ra cái mà người ta sùng bái tôi về cái lạ. Chẳng hạn như đối với Thất Hổ tại gò Bạch Hổ độ nọ, đâu phải mình tôi thắng họ, có người còn giỏi hơn tôi nữa, thế nhưng họ không liều, đối với bọn Thất Hổ, không liều là chết. Và nếu chỉ một trận đầu là tôi toàn thắng, tôi cũng không nổi danh, vì mạnh hơn là thắng, chuyện đó xưa nay đã là chuyện tầm thường. Thứ nữa là cũng không phải bọn Thất Hổ đã thua tôi về võ công, họ chỉ thua tôi vì tôi đã liều mà họ không liều, họ nhấp nhứ nên sợ thua. Thêm nữa, nếu vì một vấn đề gì khác, mà giao tranh với họ, tôi thắng họ, tôi tiêu diệt được họ thì cũng khó thành danh, đằng này tôi vì người yêu, nội lý do đó thôi, chưa nói thắng bại, tôi đã nổi danh rồi. Nói chung, tại vì tôi có điểm nổi, điểm đó có hơn người.
Thư Hương nói :
– Chính vì thế cho nên khi say, anh thừa nhận anh hùng sẽ khốn khổ?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Đúng thế.
Thư Hương trầm ngâm :
– Nhưng anh hùng cũng có nhiều loại, loại của anh là một, nếu đau khổ, sao anh không chọn loại khác?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
– Quen rồi, ban đầu lừa người, nhưng sau đó thành thói quen, đến bây giờ tôi cũng chưa biết rõ được tôi như thế là thật hay là giả nữa. Tôi cũng không biết được “liều” vốn có phải là bản sắc của tôi tạo ra nó?
Thư Hương ngẫm nghĩ thật lâu, nàng lắc đầu :
– Tôi chịu thua, không hiểu.
Lữ Ngọc Hồ cười :
– Cô cũng đừng phí công tìm hiểu vô ích, vì đó là chuyện thường tình.
Thư Hương lại ngẫm nghĩ thật lâu, sau cùng nàng gật gật đầu nói :
– Khi tôi chưa gặp anh, thật tôi không làm sao tưởng tượng con người anh như thế ấy…
Lữ Ngọc Hồ hỏi :
– Chớ trước đây cô nghĩ tôi là người thế nào?
Thư Hương hỏi lại :
– Theo anh thì tôi tưởng như thế nào?
Lữ Ngọc Hồ cười :
– Nhất định cô cho tôi là một nhân vật lớn, một anh hùng có một không hai, chính vì thế cho nên hôm nay tôi muốn mời cô uống rượu.
* * * * *
Thư Hương đã uống rượu ăn tiệc do thiên hạ mời Lữ Ngọc Hồ.
Hắn có thể không phải là… nhân vật lớn, không phải là đại anh hùng, nhưng dưới mắt thiên hạ, hắn là một hào khí siêu nhân, một người đáng cho bọn họ hoan nghinh.
Bất luận hắn đi đâu, những kẻ nơi đó đều nhất loạt hoan hô, sùng bái.
Thư Hương đã chứng kiến tận mắt sự nhiệt thành ngưỡng mộ của thiên hạ đối với hắn và chính nàng, nàng cũng mơ hồ không biết thật hay giả, và chính nàng đi với hắn cũng được lây cái vinh hạnh đó.
Bây giờ thì Thư Hương rất thấm thía câu nói của hắn.
Ban đầu lừa người, riết thành thói quen, quen đến mức cũng cảm thấy mình quả là một… nhân vật lớn.
Khi ngồi vào bàn tiệc, ban đầu nàng thiếu điều sặc cười, khi thấy thái độ sùng bái của thiên hạ đối với hắn, nàng sực nhớ “thảm cảnh” hồi đêm rồi.
Nàng nhớ hắn cắm đầu vào chân tường, hắn vừa ói vừa rên, vừa hồng hộc thở, vị “đại nhân vật” lúc đó trông thảm não làm sao.
Nàng liên tưởng đến anh kép hát bội trong vai Triệu Tử Long, cờ xí rợp trời, oai phong lẫm liệt, đến chừng “cởi giáp” thì… ghẻ lở đầy mình.
Thật ra thì Lữ Ngọc Hồ không tệ đến như thế, nhưng không hiểu sao, hình ảnh anh hùng nằm mẹp và vuông khăn đỏ hôi hám của hắn luôn lãng vãng mãi trong đầu nàng.
Nàng len lén liếc Lữ Ngọc Hồ, hắn thản nhiên ngồi uống từng chén lớn, cười cười nói nói sang sảng và nàng bỗng thấy lẫm liệt và hạo khí xung thiên.
Đến giữa tiệc thì nàng hoàn toàn thấy hắn không còn giống cái vẻ như là “con tôm luộc” nữa mà mường tượng hắn quả là một nhân vật lớn.
Không khí hoan hô sùng bái của thiên hạ đã đồng hóa nàng rồi.
Nàng bỗng cảm thấy Lữ Ngọc Hồ không phải đóng kịch mà hắn đã làm đúng theo bản sắc của hắn. Nàng cứ nhìn hắn và bỗng nghe lòng… ngưỡng mộ.
Mãi cho đến bây giờ, khi hai người ra khỏi tiệc, khi hai người vào một hẻm nhỏ, nàng bỗng nhớ lại và bật cười.
Nhưng nàng nhìn qua Lữ Ngọc Hồ, nàng thấy hắn vẫn bước những bước hiên ngang. Nàng bỗng đâm ngờ vực. Nàng không biết hắn anh hùng thật hay anh hùng giả, nàng không tin luôn về nhận xét của nàng về hắn…