Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 24: Nếp sống tề gia

Tác giả: Vikrom Kromadit

Trong thế giới thu nhỏ của tôi, ngoài những công việc bận rộn, tôi luôn gắn bó với gia đình. Những chuyện của bố mẹ, anh em, họ hàng thường xuyên là mối bận tâm của tôi. Bất kể ai có việc gì cần giúp là tôi có mặt ngay.

Tôi cảm thấy niềm vui nho nhỏ từ những việc làm đó, dù dưới mắt người khác nó không đáng gì, nhưng đối với một đứa trẻ như tôi những việc đó rất có giá trị, giống như tôi đang leo lên từng nấc thang vậy.

Tôi kể những điều trên để bạn thấy rằng việc được rèn luyện trong một môi trường sống từ nhỏ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự trưởng thành của một người như thế nào.

Ngày 5 tháng 12 năm 1975, ngày đầu tiên tôi dọn đến nhà số 20 Soi Sukhumvit 20, ngôi nhà riêng đầu tiên trong đời của tôi, dù đó là nhà thuê. Tôi tự thiết kế nội thất, sửa thành nhà ở kiêm văn phòng làm việc mà không cảm thấy khó chịu gì, ngược lại, tôi còn thấy rất thích thú. Có một dạo các em tôi gần 10 đứa kéo nhau đến ở cùng tôi tại ngôi nhà này và nó trở nên chật chội không đủ chỗ ngủ, nhiều đứa phải xuống ngủ ở văn phòng dưới nhà. Tình cảnh đó gợi lại trong tôi cuộc sống thuở nhỏ, với vai trò là người anh cả luôn trông nom chăm sóc đàn em của mình.

Hai năm sau đó, công việc buôn bán tốt đẹp hơn, tôi tìm chỗ ở mới để các em tôi có nơi sinh hoạt rộng rãi hơn, nhưng vẫn không đủ. Chỗ ở mới của tôi là căn hộ ở lầu một, Soi Sukhumvit 53, gần nhà cũ, với giá thuê 4.500 bạt/tháng. Việc tách chỗ ở và văn phòng làm việc có cái lợi là tôi được ngủ yên vào ban đêm. Nhưng thói quen “tề gia” đã in sâu trong tôi, nên không lâu sau đó tôi lại quay về lối sống cũ, dù tôi chuyển đến sống ở đâu, nơi đó “vừa là nhà ở vừa là văn phòng làm việc”, bảo đảm tính tiện lợi và luôn bao quanh bởi khung cảnh thiên nhiên như nơi tôi từng lớn lên.

Ấn tượng từ thuở nhỏ đã hằn sâu vào máu thịt, nên khi ở tại căn hộ của tòa nhà chung cư cao cấp “Prom Pong”, Soi Sukhumvit 39, tôi đã dùng nơi này làm chỗ ở “kiêm” văn phòng làm việc, giao lưu tiếp khách trong suốt 14 năm trời. Nhưng càng về sau, mỗi khi có cuộc họp với các lãnh đạo công ty Amata, mọi người kéo đến nhà tôi tại căn hộ PromPong, tổng cộng hơn 10 người, chỉ mình tôi là không phải mất thời gian đi lại, nghĩ kỹ tôi thấy mình cũng hơi ích kỷ.

Do đó, tôi lập kế hoạch sửa sang, nâng cấp ngôi nhà theo kiến trúc cổ của Thái Lan trên tầng thượng của tòa nhà Kromadit, vì đây cũng là trụ sở của công ty Amata, các nhân viên và lãnh đạo đều làm việc ở đây. Mỗi khi cần họp hành với tôi, họ chỉ việc đi thang máy lên lầu 6, tôi không còn phải ái ngại nữa.

Thế là tôi lại trở về với nếp sống cũ, tức là ăn ở và làm việc cùng một chỗ trên tầng thượng của tòa nhà Kromadit. Đồng thời, tôi cũng giúp hai em trai là Vitoon và Vivath xây thêm ba ngôi nhà nhỏ hai tầng cũng theo kiểu Thái cổ ở bên cạnh làm nơi nghỉ cho các em tôi. Ngoài ra, khuôn viên trước tòa nhà là sân cỏ cùng với các loại cây lớn nhỏ được trồng san sát, trông như một cánh rừng nhỏ. Ngôi nhà này còn dùng làm nơi tổ chức các bữa tiệc, buổi lễ sinh nhật, đám cưới…

Riêng dinh thự mới, “Lâu đài Amata” (Amata Castle), một công trình mà tôi cùng với kiến trúc sư Thao Thevakul, cùng một nhóm giúp việc, phải mất bốn năm để thiết kế, sẽ nằm giữa sân gôn Spring trong khu công nghiệp Amata Nakorn. Dự kiến phải mất 10 năm để xây dựng. Khi lâu đài được hoàn thành, mỗi khi có khách hàng đến khu công nghiệp, hay lãnh đạo công ty đến họp hành, khách khứa đến dự tiệc tùng… thì sẽ rất tiện lợi, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy tôi luôn ở bên cạnh họ.

Đồng thời, tôi có kế hoạch biến Lâu đài Amata thành một nhà hát cho các nghệ sĩ của tất cả các loại hình nghệ thuật trong nước đến biểu diễn, thi thố tài năng. Cũng có thể xem đây là một viện bảo tàng nghệ thuật, một nhà hát với các nghệ sĩ xuất sắc nhất Thái Lan.

Tôi muốn tặng đất nước tôi một nơi dành để tiếp nhận, khuyến khích, hỗ trợ tài năng của tất cả các ngành nghệ thuật và các nghệ sĩ có thể tập hợp tại đây để lao động nghệ thuật mà họ không phải bỏ tiền ra đầu tư. Những ai quan tâm đến văn hóa nghệ thuật đều có thể đến đây gặp gỡ trao đổi trực tiếp với các nghệ sĩ mà họ yêu thích. Tôi mong có một ngày nào đó, khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan không phải là nhằm đến Pattaya hay Patpong (khu nghỉ mát tỉnh Chonburi và khu hộp đêm tại Bangkok, hai trung tâm ăn chơi trác táng nổi tiếng của Thái Lan – ND), thay vào đó, họ quan tâm tìm hiểu văn hóa và nghệ thuật Thái Lan nhiều hơn.

Ngoài ra, tôi còn có kế hoạch xây dựng “nghĩa trang” gia tộc Kromadit làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho những người trong dòng họ. Tôi sẽ đưa hài cốt của các ông bà cố, ông bà nội ngoại, bố mẹ, họ hàng về nghĩa trang này để tạo cảm giác tất cả chúng tôi, những người trong dòng họ, vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nhau mãi mãi, dù ở thế giới bên kia.

Đây là nếp sống “tề gia” nhưng không phải lối quản lý theo kiểu “gia trưởng” hay “ông chủ” của doanh nghiệp tư nhân, một người quyết định hết thảy mọi thứ, vì cách làm đó không tạo ra một tổ chức vững mạnh lâu dài. Tôi luôn suy nghĩ về việc muốn Amata lớn mạnh không ngừng thì tôi phải làm gì. Có người nói doanh nghiệp thường chỉ tồn tại không quá ba đời, mà tôi không muốn điều đó xảy ra với Amata.

Điều quan trọng, theo tôi, việc quản lý có thể theo hệ thống hay quy trình nào cũng được, miễn là bạn cảm thấy hài lòng, làm gì cũng phải biết người biết ta, đừng vung tay quá trán đến mức lực bất tòng tâm… Dù giàu có đến đâu thì tôi vẫn là một “Vikrom Kromadit” như trước đây, vẫn giữ nếp sống cũ (một số mặt), nhưng vẫn phải quan tâm đến những mặt cần thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thời đại và tính đến tương lai mai sau nữa, nghĩa là tôi phải kết hợp song song cả cũ và mới.

 

Bình luận