Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 9: Phần thưởng dành cho người dám ước mơ

Tác giả: Vikrom Kromadit

Sau một thời gian kinh doanh, tôi bắt đầu có chút tài sản nhờ nhận được liên tục các đơn đặt hàng và không ngừng mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Có tháng khách hàng đặt mua đến 500 tấn bột sắn, không kể hơn 100 con-ten-nơ thức ăn đóng hộp cho mèo, cùng các đơn đặt hàng khác gộp lại khoảng 200 con-ten-nơ mỗi tháng. Lúc này, chúng tôi đã có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc xuất khẩu, với công suất 300 tấn/ tháng.

Có thể nói công việc kinh doanh xuất khẩu thực phẩm đóng hộp đã bắt đầu đi vào nề nếp, còn việc sản xuất thức ăn cho gia súc cũng có triển vọng rất sáng sủa trong tương lai gần. Do vậy, tôi đã vạch ra kế hoạch tập trung vào kinh doanh xuất khẩu và thận trọng hơn trong đầu tư sản xuất, không mở rộng đầu tư ồ ạt để tránh bị thiếu vốn, vì dù sao vốn liếng của công ty vẫn còn hạn chế. Việc tuyển thêm nhân viên cũng thực hiện từng bước phù hợp với mức tăng trưởng doanh số xuất khẩu của công ty.

Sau khi thay dây chuyền sản xuất CPM cũ kỹ, vốn là nguyên nhân làm cho sản phẩm thức ăn gia súc của V&K không xuất được sang Nhật, bằng máy ép thỏi Johndeer của Mỹ thì tình hình được cải thiện, dù phải mất thời gian lẫn chi phí trong hơn một năm.

Mặc dù công việc kinh doanh tiến triển tốt, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm thêm các thị trường mới để mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu và giữ vững sự phát triển ổn định của công ty.

Tôi thu mua nguyên liệu cá ngừ tươi từ nhiều nguồn đánh bắt khác nhau trên thế giới từ đội tàu đánh cá của Pháp, Tây Ban Nha, Đài Loan, Nhật Bản, Nga. Do nắm được cả hai bên, người bán và người mua, nên công việc kinh doanh của tôi diễn ra rất thuận lợi.

Thời gian đó, tôi bắt đầu thâm nhập vào các cộng đồng kinh doanh để tìm kiếm đồng minh. Năm 1982, tôi có dịp tham gia đoàn thương nhân tháp tùng Ngoại trưởng Thái Lan Siddhi Savetsila, trong Chính phủ của Prem Tinsulanond, đi thăm nước Nga. Trong chuyến đi này, tôi đã thương lượng và mua được cá ngừ của đội tàu đánh cá của Nga. Đội này có nhiệm vụ “dò la tin tức” nhiều hơn là đánh bắt cá, do đó chất lượng cá của họ không cao, nhưng giá lại rẻ. Vì vậy tôi vẫn mua để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đang thiếu trong nước.

Tôi không chỉ tìm mua nguyên liệu cá cho các nhà máy chế biến mà còn tìm mua các phụ kiện và gia vị khác, như mua vỏ hộp nhôm easy open hay còn gọi là loại hộp “dễ mở”- một phát minh mới của thời đó, từ Na Uy; hay mua xốt cà chua đặc từ Đài Loan làm phụ gia cho cá mòi, không kể việc vận chuyển nước khoáng từ Kanchanaburi về Bangkok để chế biến cá ngừ xuất khẩu sang Mỹ. Có thể nói, công việc kinh doanh của tôi như một quy trình khép kín.

Nhờ đó doanh thu của V&K không ngừng tăng lên, lợi nhuận cũng tăng theo. Trong giai đoạn từ sau năm 1983, mỗi năm tôi thu mua 40.000 – 50.000 tấn cá ngừ tươi, trong đó 20.000 – 30.000 tấn dành cho khách hàng chính là nhà máy Thai Union, nhà sản xuất cá ngừ hộp cho Van Kemp Seafood. Như vậy, dù không được bán thành phẩm cá ngừ hộp cho Van Kemp Seafoood, tôi cũng gián tiếp kiếm lời qua việc cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến của họ.

Trong thời gian đó, mỗi tháng có từ 2 – 4 tàu, mỗi chiếc có trọng tải 2.000 – 3.000 tấn, chở cá ngừ tươi đến Bangkok. Đôi khi cũng có tàu Hàn Quốc trọng tải đến 8.000 tấn cập cảng…. Cá ngừ tươi nhập khẩu được giữ ở kho đông lạnh với nhiệt độ -25 0 C, còn nước khoáng từ tỉnh Kanchanaburi tôi dùng xe tải10 bánh chở về và bán tại các nhà máy chế biến cá với giá 10.000 bạt một xe 15 tấn. Đây là một nhánh kinh doanh nhỏ tôi giao cho các em tôi đảm trách, do Vitoon đứng đầu.

Về công việc quản lý và điều hành công ty, tôi bắt đầu tìm kiếm liên minh nhằm tăng cường sức mạnh và chia sẻ rủi ro. Tôi đã liên hệ với Công ty Puresbury hay còn gọi là Green Giant, nhà sản xuất rau quả trái cây hàng đầu thế giới, thông qua Công ty KuaChee tại Đài Bắc, sau khi tôi biết tin Puresbury quan tâm đến loại nấm champion và một số rau quả của Thái Lan và muốn tìm cơ sở sản xuất rau quả quy mô lớn ở phía Bắc Thái Lan.

Tôi liên hệ xin gặp Đại tướng Cảnh sát Pao Sarasin, Giám đốc Cục Phòng chống Ma túy Thái Lan (NCB), lúc đó NCB đang có chính sách khuyến khích người dân trồng rau quả thay cho cây thuốc phiện tại các tỉnh vùng cao ở miền Bắc Thái Lan.

Thái Lan khi ấy được các tổ chức quốc tế tài trợ, giúp đỡ trong việc chống tệ nạn buôn lậu ma túy qua biên giới, cũng như trợ giúp kỹ thuật để trồng các loại cây khác thay thế thuốc phiện. Do vậy, việc tôi tìm kiếm các cơ hội để người dân địa phương chuyển sang canh tác các loại cây khác cũng là góp sức giúp xóa cây thuốc phiện ở Thái Lan.

Sau khi tôi trình bày mục đích của mình, Đại tướng Pao mời Thiếu tướng Chavalit Yodmani, lúc đó là Phó Giám đốc NCB cùng tham dự. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp và nói chuyện thân mật với Thiếu tướng Chavalit, người sau này trở thành một cổ đông của công ty tôi cho đến ngày nay.

Trong cuộc gặp hôm đó, Thiếu tướng Chavalit cho tôi biết tình hình và diện tích trồng trọt ở miền núi, cũng như khuyến khích tôi tham gia vào dự án phát triển các loại cây thay thế thuốc phiện. Tôi có ấn tượng sâu sắc đối với Thiếu tướng Chavalit về phong cách, thái độ ân cần và cử chỉ thân thiện của ông, dù lần đầu tiên gặp gỡ và tôi ít tuổi hơn ông nhiều.

Thiếu tướng Chavalit là một người có đạo đức, cởi mở và rộng lượng, xuất thân từ một gia đình khá giả, có học thức, quan hệ xã hội rộng. Từ sự yêu mến và kính trọng, tôi có ý muốn sau này mời ông tham gia làm một cổ đông trong công ty để giúp khâu quan hệ với các cơ quan nhà nước, vì trong giới kinh doanh ai cũng biết một thực tế là việc liên hệ với các cơ quan nhà nước rất phiền toái, mất nhiều thời gian, cứ như phải uống liều “thuốc đắng” nhưng không “giã tật”.

Sau khi xây dựng mối quan hệ với Thiếu tướng Chavalit được hai năm, tôi chính thức mời ông làm một cổ đông của công ty, giai đoạn đầu ông nắm giữ 20% vốn điều lệ và góp vốn bằng tiền mặt 2 triệu bạt. Thiếu tướng Chavalit đồng ý tham gia, dù có vẻ như ông phải huy động gần hết vốn liếng của mình.

Nhờ có mối quan hệ rộng, bản thân lại là người vui tính, biết lắng nghe ý kiến người khác nên Thiếu tướng Chavalit đã giúp cho công ty rất nhiều, nhất là trong quan hệ với các cơ quan nhà nước và quan hệ công chúng. Quan hệ giữa tôi và ông ngày càng thân tình, gắn bó. Chúng tôi đã hợp tác kinh doanh với nhau trong suốt 30 năm qua và hiện nay vẫn còn tiếp tục.

Trong các năm 1983-1986 doanh thu của công ty tôi đạt mức 1,3 – 1,5 tỷ bạt, là một trong các công ty xuất nhập khẩu cá hộp có doanh thu cao nhất của Thái Lan lúc đó, từ việc xuất khẩu 2.000 con-ten-nơ cá hộp và nhập khẩu cá ngừ tươi từ 40.000 – 50.000 tấn một năm, cùng một số mặt hàng khác. Ngoài cá ngừ là mặt hàng chính, tôi vẫn duy trì xuất khẩu bột sắn với số lượng vừa phải. Lợi nhuận ròng hàng năm của công ty đạt mức 4-7 triệu bạt. Do biết cách chi tiêu và tiết kiệm nên đến năm 1988 tôi đã tích lũy được hơn 30 triệu bạt, nhờ đó có thể mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác.

Tôi luôn tin tưởng làm việc theo lẽ phải, có tình có lý và công bằng sẽ dẫn đến thành công. Trong kinh doanh ai cũng muốn thu được nhiều lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó phải do làm ăn chính đáng, chứ không phải do lừa đảo hay gian lận mà có. Tôi vốn không phải là kẻ dối trá, lật lọng. Tôi coi trọng danh dự, biết hổ thẹn trước việc làm xấu hoặc không đàng hoàng và luôn tâm niệm rằng lợi nhuận mình kiếm được phải minh bạch, không phải do gian lận hay ức hiếp kẻ yếu hơn mà có.

Tôi tin vào câu châm ngôn “Kẻ gian ăn không được lâu, người ngay ăn mãi không hết”, vì việc lợi dụng người khác dù có làm ai đó giàu lên, nhưng bản thân họ sẽ không bao giờ cảm thấy tự hào và thanh thản. Khi gặp khó khăn bất trắc, không nên mất thời giờ đi tìm nơi cúng lễ cầu xin các đấng thiêng liêng cứu giúp, mà nên xem lại cách làm việc của mình, xem chúng ta đã dùng hết trí tuệ, sức lực và thời gian một cách đúng đắn, khoa học và có đạo đức hay chưa? Có phù hợp với xu thế phát triển của thị trường thế giới và năng lực về mọi mặt của chúng ta hay không?

Mỗi khi gặp phải trở ngại, chúng ta nên dùng trí tuệ để vượt qua mà không nên đổ lỗi cho số mệnh hay sự may rủi vì điều đó chẳng làm cho tình hình khá hơn chút nào. Chúng ta phải hành động bằng lý trí, kiên trì phấn đấu, không đầu hàng trước khó khăn trở ngại. Có thể tôi đã gặp may khi chọn đúng ngành kinh doanh phù hợp với thị trường thế giới và trong nước, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi chỉ làm được chăng hay chớ.

Ngược lại, tôi đã thực sự lao vào công việc và bắt tay hợp tác với những người chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong nghề, qua đó không ngừng nâng cao hiểu biết và tay nghề của mình. Dù vậy, không phải mọi chuyện đều dễ dàng, tôi cũng từng gặp nhiều khó khăn và vô vàn trở ngại. Đó là điều rất bình thường trong cuộc sống… Cũng giống như mặt trăng, không phải đêm nào cũng sáng.

Việc xây dựng công ty trở thành Tập đoàn Amata (Amata trong tiếng Thái có nghĩa là “vĩnh cửu”) không hề dễ dàng, nhưng cũng không phải là quá khó.

 

Bình luận