Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 19: Xuất xứ các tên gọi

Tác giả: Vikrom Kromadit

Ai bảo rằng tên gọi không quan trọng thì đó là quyền của họ. Riêng tôi, tôi thấy nó rất quan trọng vì tôi từng có nhiều bài học xung quanh chuyện đặt tên. Đặt tên là điểm xuất phát của mọi công việc, vì tên gọi nói lên biểu tượng, mục tiêu và khuôn khổ của công việc bạn định làm .

Đặc biệt, khi đặt tên cho một cuốn sách, một công ty, hay một tổ chức nào đó… nếu những tên đó rất đúng và rất hay thì có thể nói bạn đã đi được nửa đường.

Ngay cả tên riêng của tôi “Vikrom Kromadit” cũng vậy. Nhân đây, tôi cũng xin kể lại xuất xứ của nó dành cho bạn đọc mới nghe lần đầu. Có lần, trên chuyến bay sang Việt Nam, tôi ngồi cạnh một hành khách người Ấn Độ. Chúng tôi nói chuyện và trao đổi danh thiếp cho nhau. Khi ông ta đọc thấy họ tên tôi in trên tấm thiệp, ông liền kể cho tôi rằng thời xưa ở Ấn Độ có một ông vua tên là “Vikromathit” làm tôi ngượng đỏ mặt, nhưng cũng mỉm cười vui vẻ.

Đến cuối năm 2003 nhân chuyến đi thăm Ấn Độ, tôi tranh thủ ghé thăm thành phố mà trước đây vua Vikromathit trị vì để tìm hiểu nguồn gốc cái tên “Vikrom” là từ đâu đến và ý nghĩa của nó. Hay như cái tên “Amata” hoặc tên ngôi nhà “Kudakarn”(từ tiếng Phạn có nghĩa là “lâu đài”) – mà tôi đang ở – cũng vậy, điều đó chứng tỏ tôi rất thấm nhuần và gắn bó với nền văn hóa cổ của Thái Lan và Ấn Độ, điều tôi chưa lý giải được lý do vì sao.

Có thể nguyên do từ nhỏ tôi lớn lên tại vùng thôn quê Thái Lan, được bà ngoại, là người Thái chính cống, nuôi nấng dạy dỗ, truyền lại cho tôi những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.

Mặt khác, bà nội tôi lại là người Triều Châu, từ tỉnh Sua Tao, Trung Quốc di cư sang Thái Lan. Bà luôn nói chuyện với tôi bằng tiếng Triều mà có những từ tôi không hiểu, nhất là khi tức giận bà tuôn ra những lời mắng bằng thứ tiếng mà bà quen thuộc từ nhỏ. Ông nội tôi cũng là người Thái gốc Hoa, nên từ nhỏ tôi đã lớn lên trong môi trường văn hóa hỗn hợp Thái Lan và Trung Quốc hòa quyện vào nhau, ngấm văn hóa và nói thành thạo cả hai ngôn ngữ, Thái và Hoa.

Thuở nhỏ tôi học tại trường làng nằm cạnh một ngôi chùa ở tỉnh Kanchanaburi. Cứ mỗi buổi trưa, tôi lẻn vào sân chùa đánh một giấc ngon lành. Tôi khắc sâu trong lòng những ánh nến lung linh và những bức tượng Phật đặt bên trong chùa. Đến bữa cơm tối, cả nhà ngồi quây quần trên một chiếc chiếu dưới ánh sáng lờ mờ của cây đèn dầu.

Ngày nhỏ, tôi được giao nhiệm vụ trông coi vườn mía của gia đình, nên có dịp trải nghiệm cuộc sống giữa những cánh rừng, núi non và sông suối.

Có lẽ xuất phát từ nếp sống và những ấn tượng có từ nhỏ mà sau này khi trưởng thành, tôi vẫn thích ngồi ăn cơm dưới ngọn nến lung linh chứ không thích ánh sáng chói chang. Tôi yêu thiên nhiên, thích nơi yên tĩnh và gắn bó với lối sống giản dị của người Thái chứ không thích màu mè, chạy theo mốt hiện đại.

Khi thành lập công ty để làm khu công nghiệp, tôi suy nghĩ rất lung trong việc tìm một cái tên thích hợp cho công ty. Việc tôi đặt tên công ty là “Bang Pakong” ngoài lý do đó là tên con sông nằm cạnh khu công nghiệp, còn vì khi nhìn trên bản đồ thì thấy rõ các địa danh “Con sông Bang Pakong” và “Huyện Bang Pakong”. Khi lái xe đi về hướng Pattaya, ai cũng nhìn thấy biển báo suốt hai bên đường cái tên “Bang Pakong”.

Như vậy, ai muốn đến Khu Công nghiệp Bang Pakong thì khó mà bị lạc. Hơn nữa bài hát “Bang Pakong” của nhạc sĩ Nakorn Mongklaiyon đã được lưu truyền rộng rãi trong dân chúng hàng chục năm càng củng cố lý do tôi chọn tên này. Vì vậy, hội đồng quản trị công ty đã nhất trí đặt tên công ty là “Công ty Khu Công nghiệp Bang Pakong” kể từ tháng 3 năm 1988.

Cái tên “Khu công nghiệp Bang Pakong 2” được đặt cho dự án mới năm 1989 như một lẽ đương nhiên, vì khách hàng bắt đầu quen thuộc với cái tên này. Nhưng một hôm, có một khách hàng trong khu công nghiệp xin danh thiếp của tôi kèm theo chữ ký. Tôi hỏi, “Anh cần thiệp của tôi làm gì?” Anh ta trả lời: “Để lúc nào đi mát xa thì được giảm giá !”

Tôi giật mình, không hiểu tại sao mình lại có liên quan đến chuyện mát-xa ở đây, vì trong khu công nghiệp của chúng tôi không hề có cơ sở dịch vụ mát xa nào. Hỏi mãi tôi mới té ngửa ra rằng, ở gần đó có một cơ sở dịch vụ mát-xa cũng có tên là “Bang Pakong” và anh bạn khách hàng này tưởng rằng tôi cũng là chủ của cơ sở mát-xa đó. Như vậy rất có thể nhiều người khác không liên quan đến khu công nghiệp cũng có thể hiểu nhầm rằng tôi còn kinh doanh cả dịch vụ mát-xa nữa, và nếu những cơ sở này làm ăn bất chính gây tai tiếng thì ảnh hưởng của nó thật khó lường .

Ngoài ra, cạnh đường cao tốc Bangna-Trat, tại km 40 còn có khu chế biến xuất khẩu cũng có tên là “Bang Pakong”, nhưng chỉ treo biển quảng cáo khoảng một năm rồi đóng cửa. Thế vẫn chưa hết, một hôm, trên đường đến khu công nghiệp tôi nhìn thấy biển một nhà máy cơ khí cũng có tên là “Bang Pakong”, và khi đến cuối đường thì có một khu dân cư cũng có tên là Bang Pakong.

Việc dùng tên lẫn lộn như vậy nếu cứ để kéo dài sẽ không ổn vì tôi không muốn công chúng nhầm lẫn rằng công ty của chúng tôi là cơ sở dịch vụ mát xa, là nhà máy cơ khí, khu dân cư hoặc khu chế biến xuất khẩu đã bị bỏ hoang. Do đó tôi phải tìm cách xử lý ngay chuyện này.

Sau khi xem xét tình hình, tôi thông báo với toàn thể nhân viên rằng công ty sắp đổi tên mới cũng như tên các dự án, yêu cầu mọi người gửi tên dự thi. Điều kiện đặt ra: đó phải là tên tiếng Thái Lan, dễ phiên âm sang tiếng Anh và chỉ gồm không quá ba âm tiết.

Ai đưa ra cái tên mà tôi tâm đắc nhất sẽ được thưởng 50.000 bạt! Mọi người rất hăng hái tham gia, nhưng mãi chưa có cái tên nào làm tôi vừa ý.

Bản thân tôi cũng không ngừng suy nghĩ. Thời gian cứ trôi đi, và cái tên Bang Pakong càng trở nên quen thuộc, cổ đông Nhật trong công ty cũng không muốn thay đổi tên vì bên Nhật cũng bắt đầu quen với tên này, dù một số người nước ngoài phát âm nó không chính xác. Chẳng hạn có một ông khách Việt Nam thường đến nhà tôi ăn cơm, mỗi khi nhắc đến tên “Bang Pakong” thì ông phát âm kiểu người Việt đọc tiếng Anh thành “Pơla Kapong” (tiếng Thái có nghĩa là “cá hồng”). Quả thật, cái tên “Bang Pakong” rất khó phát âm đối với người nước ngoài, và nếu mỗi người đọc một kiểu, thì ý nghĩa của nó sẽ hoàn toàn thay đổi.

Một hôm, trong dịp đi khảo sát thành lập khu công nghiệp tại Thượng Hải, trên đường trở về khách sạn cùng với vài người bạn, đột nhiên anh Chitrakorn nhắc đến chuyện Khách sạn Amari tại Bangkok, lập tức trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ sửa cái tên “Amari” thành “Amata” vì phát âm nghe rất hay, lại ngắn gọn và có ý nghĩa. Amata là tiếng Thái cổ nhưng không lỗi thời, nói lên tính chất bền vững, lâu dài rất thích hợp để đặt tên cho sản phẩm là Khu công nghiệp mà sau này sẽ biến thành thành phố.

Tôi nói với Chitrakorn, “Khi trở về Thái Lan, anh giúp tôi kiểm tra xem trong cuốn niên giám Trang vàng, đã có ai dùng tên “Amata” hay chưa?”. Sau khi trở về Thái Lan, Chitrakorn báo với tôi rằng trong cuốn trang vàng không có tên đó. Tôi vội cử nhân viên đến Bộ Thương mại để kiểm tra tên các tổ chức có tư cách pháp nhân đã đăng ký. Sau khi kiểm tra không thấy có ai đăng ký tên đó, tôi cho người đến Phòng đăng ký doanh nghiệp để đăng ký trước tên đó, rồi sau đó làm thủ tục đổi tên công ty theo đúng quy định.

Như vậy, ngày 13 tháng 6 năm 2000, công ty Bang Pakong đã được đổi thành “Công ty Amata” (Amata Coporation). Việc đổi tên này đã được thực hiện mà không cần hỏi thầy địa lý, hay xem tướng số, ngày giờ gì cả mà chỉ lấy mục tiêu, ý nghĩa, và tính hợp lý của nó làm nền tảng.

Tên gọi “Amata” (xuất xứ từ tiếng Bali và tiếng Phạn, có nghĩa là “bất diệt”, “vĩnh cửu”- ND) có ý nghĩa rất hay, mang truyền thống của Thái Lan, lại dễ đọc, dễ nhớ, dễ viết bằng tiếng Thái cũng như tiếng Anh vì chỉ có 3 âm tiết. Người Nhật nghe tên gọi này thì liên tưởng đến tiếng Nhật, còn người trong khu vực (chịu ảnh hưởng nền văn hóa Ấn Độ- ND) nghe tên gọi này thì hiểu ngay ý nghĩa của nó là “sự bất diệt”, “vĩnh cửu” hay “trường tồn”, còn người Phương Tây thì đọc tên này rất dễ dàng, chính xác, không gây nhầm lẫn khó chịu, và rất thuận tiện trong giao dịch tại Thái Lan cũng như ở nước ngoài.

Từ đó tên của các dự án cũng được thay đổi từ “Khu công nghiệp Bang Pakong II” thành “ Khu Công nghiệp Amata Nakorn” và “Khu công nghiệp Amata City” tại tỉnh Rayong. Còn dự án khu công nghiệp tại Việt Nam thì có tên là “Khu công nghiệp Amata (Việt Nam)”.

Các công ty con khi thành lập đều mang tên “Amata”, như nhà máy điện “Amata Power”, nhà máy nước “Amata Water”, nhà máy phân phối khí đốt “Amata NGD”, hay sân gôn “Amata Spring”. Nhiều công ty khác trong tập đoàn đều mang tên “Amata” với cùng logo, chỉ khác ở tên sản phẩm đứng sau mà thôi. Điều đó tạo ra cảm giác như chúng tôi đều nằm trong một đại gia đình gắn bó chặt chẽ với nhau, một tổ chức chung có tên là “Amata”.

Tất cả các công ty mà chúng tôi góp vốn đều mang tên “Amata”, về lâu dài tôi đặt ra mục tiêu sẽ có khoảng 100 công ty như vậy. Tôi tin rằng rồi đây Amata sẽ trở thành một tập đoàn lớn trên thế giới, xứng đáng với cái tên “Amata” của nó. Ngoài ra, tôi còn cho đăng ký nhãn hiệu “Amata” và tên công ty tại tất cả các nước mà chúng tôi đã và sẽ đầu tư.

Tôi còn giao cho Văn phòng luật của giáo sư Sanguon Lewmanomont, chuyên trách theo dõi việc bảo vệ nhãn hiệu và tên công ty, nếu có ai vi phạm luật bản quyền và nhãn hiệu thì phải xử lý ngay. Chẳng hạn có công ty bán thức ăn làm sẵn lấy tên là “Amata Inter” để gây nhầm lẫn trong dư luận họ là công ty con của Tập đoàn Amata. Sau khi chúng tôi kiện ra tòa, họ buộc phải từ bỏ cái tên đó.

Nhân đây xin nói thêm một chuyện vui nhỏ. Có người thắc mắc không hiểu có phải vì tôi quá hâm mộ James Bond hay không nên đã dùng con số 007 để làm số hiệu riêng. Xin trả lời là tôi không hề muốn bắt chước James Bond, chỉ vì ngẫu nhiên mà tôi sinh vào ngày 17 lúc 00:00 giờ, khi đảo lại sẽ là con số 007. Do đó con số 007 được coi là số hiệu riêng của tôi từ lúc sinh ra. Tôi chọn biển số xe cũng là 0007, để khi đón khách họ dễ nhớ.

Tôi bắt đầu sưu tầm biển số xe từ hơn 20 năm nay, đến nỗi xe của công ty và xe riêng đều có con số 0007 ở cuối, tổng cộng là 30 chiếc. Ngoài các biển số xe thì số điện thoại của các công ty trong Tập đoàn Amata cũng đều có các con số cuối cùng giống nhau là 0007, chỉ có 3 con số đầu là thay đổi.

Hiện tại, số điện thoại của cấp lãnh đạo và nhân viên trong công ty, tổng cộng là 50 số, cũng đều có số tận cùng giống nhau, kể cả số điện thoại của các văn phòng công ty và số điện thoại nhà ở trong khu công nghiệp Amata Nakorn. Điện thoại cầm tay của các nhân viên Amata cũng thường mang số 0007. Như vậy con số 0007 trở thành số hiệu chung của “dòng họ Amata”, một biểu tượng chung, dễ nhớ.

Ý tưởng dùng số điện thoại có số tận cùng giống nhau này, tôi học từ chuỗi khách sạn Hilton, số điện thoại của tất cả các khách sạn Hilton trên toàn thế giới đều có số tận cùng giống nhau là 1234, từ đó tôi đã đem áp dụng cho Amata.

 

Bình luận
× sticky