Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 8: Trời quang mây tạnh

Tác giả: Vikrom Kromadit

Ngẫm nghĩ, tôi thấy câu thành ngữ “Hết cơn bĩ cực, đến hồi thái lai” là rất đúng, dù tôi mới hoàn hồn sau cú hạ đo ván của Paul Krampe. Tôi luôn phải tự nhắc nhở làm gì cũng phải thận trọng, suy đi tính lại cho kỹ trước khi hành động để tránh lặp lại sai lầm, hay ít ra cũng giảm bớt sai sót.

Tôi thuộc dạng “bị đòn đau thì nhớ dai”, đặc biệt khi đó tôi vẫn còn rất khó khăn, mỗi đồng xu kiếm được đối với tôi đều rất quý giá.

Thực ra, sau khi ông Paul trở về Mỹ, tôi vẫn tiếp tục theo dõi việc Van Kemp Seafood hợp tác giúp đỡ công ty Thai Union nâng cao năng lực sản xuất. Tôi biết rằng, nhờ sự giúp đỡ của Van Kemp Seafood mà năng lực sản xuất của Thai Union được nâng lên đáng kể.

Các quan chức của Van Kemp Seafood cũng liên tục sang Thái Lan làm việc. Tôi luôn theo dõi tin tức để biết khi nào Paul sẽ trở lại Thái Lan để cho hắn ta một bài học vì đã làm nhục tôi.

Thế rồi cơ hội đó cũng đến. Khi Thai Union tăng công suất lên 300 tấn/ngày, Paul buộc phải sang Thái Lan để giám sát tình hình sản xuất. Tôi cử ba tên côn đồ đến phục kích Paul trước cửa khách sạn nhưng dường như linh tính mách bảo nên ông ta không bao giờ bước chân khỏi khách sạn một mình mà luôn có người đi kèm. Không phải chỉ một lần, mà lần nào trở lại Thái Lan, ông ta cũng làm như vậy. Cuối cùng, tôi từ bỏ ý định dạy cho ông ta “một bài học nhớ đời”.

Thời gian trôi qua, nỗi căm phẫn cũng nguôi dần, hơn nữa nhờ thấm nhuần lời dạy của Đức Phật, rằng: “Thù hằn chỉ có thể chấm dứt bằng sự khoan dung” nên tôi không còn theo đuổi ý định trả thù nữa. Nếu không, chưa biết chừng tương lai đầy hứa hẹn của tôi có thể bị tắt ngấm giữa chừng bởi hành động thiếu suy nghĩ đó. Bây giờ, ngồi nghĩ lại chuyện cũ, tôi vẫn cảm thấy hú vía về sự nông nổi và ngông cuồng của mình. Kể ra, cả ông Paul và tôi đều gặp may vì tai họa đã không xảy ra.

Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể hướng cuộc sống của mình theo con đường chúng ta mong muốn bằng cách sống tốt trong hiện tại và không từ bỏ mục tiêu. Khả năng hướng về tương lai nhiều hay ít chính là thước đo sức đề kháng trong con người chúng ta trước những thách thức của cuộc đời. Hướng về tương lai tức là hướng về niềm tin, cơ hội và hy vọng ở tương lai. Nghĩ vậy, tôi lại quyết tâm đi tìm các khách hàng mới, không phân biệt lớn hay nhỏ, miễn là có đơn đặt hàng để nuôi sống công ty. Khách hàng có yêu cầu gì tôi cũng cố gắng tìm cách đáp ứng dù khó khăn đến đâu.

Đặc biệt sau khi tôi hợp tác với anh Terry Fitzgerald làm người môi giới tìm kiếm khách hàng cho tôi tại Mỹ, công việc của tôi được mở rộng nhiều hơn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực cá hộp, mà còn mở rộng sang các sản phẩm khác, tuy cá hộp vẫn là mặt hàng chủ lực của tôi.

Terry là một thanh niên rất hăng hái, chăm chỉ, làm việc có quy củ nên đã giúp tôi được rất nhiều, đặc biệt anh là người trung thực, chín chắn nên chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý. Terry ngày càng tìm được nhiều khách hàng. Cứ mỗi buối sáng, tôi đều đặn nhận được telex của anh thông báo về tình hình khách hàng. Có thể nói anh là một đối tác quan trọng đã giúp tôi đạt được thành công lớn trong kinh doanh sau này.

Một hôm, Terry báo tôi một tin vui rằng Carnation, một nhà nhập khẩu lớn thức ăn cho mèo nhãn hiệu Friskie Buffet, muốn để tôi làm thử hàng mẫu thức ăn cho mèo bằng phế liệu cá ngừ. Những thứ này thường được dùng làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến bột cá và được bán với giá rất rẻ. Nếu bây giờ tôi mua dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho mèo, tôi có thể giúp họ tăng thu nhập cho nhà máy.

Tôi bàn ngay với nhà máy tìm cách làm hàng mẫu thức ăn cho mèo theo quy trình chỉ dẫn của Carnation. Không những thế, tôi còn liên hệ với công ty Betaco sản xuất bột vitamin mà Carnation gửi làm mẫu, đem trộn vào thức ăn cho mèo trước khi đóng hộp. Sau khi thử hàng mẫu và kiểm tra chất lượng hộp không bị méo mó hay biến dạng tại phòng thí nghiệm của nhà máy, tôi gửi hàng mẫu sang Mỹ. Khoảng ba tuần sau, Terry báo tin cho tôi rằng ông Duck Figgo, Giám đốc thu mua của Carnation quan tâm đến mẫu hàng tới mức tỏ ý muốn sang Thái Lan càng sớm càng tốt để tham quan nhà máy.

Nghe Terry nói vậy, tôi lại bắt đầu mơ tưởng đến hình ảnh những đoàn xe tải hàng chục chiếc nối đuôi nhau chở các thùng hàng thức ăn đóng hộp cho mèo ra cảng để xuất khẩu sang Mỹ và quên khuấy đi câu chuyện buồn bị Paul lật lọng trước đây. Một lần nữa tôi lại bắt đầu lập kế hoạch đón tiếp một đoàn doanh nhân lớn từ Mỹ sang. Lần này, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn vì tôi đã có kinh nghiệm. Hơn nữa, tôi quyết tâm không để lặp lại sai lầm cũ.

Đến ngày hẹn, Terry, lần này làm nhiệm vụ người dẫn đường cả đi lẫn về, đưa ông Duck Fiffo cùng một nhóm chuyên viên của Carnation sang Bangkok. Tôi lại đưa xe Mercedes ra đón họ tại sân bay Don Muong và dẫn họ đi thăm các nhà máy. Cũng như đoàn trước, họ kiểm tra nhà máy rất kỹ, đến tất cả các ngõ ngách, kể cả nhà vệ sinh cho công nhân.

Theo chương trình, tôi sẽ đưa Terry cùng đoàn khách Carnation đến thăm ba hoặc bốn nhà máy chế biến cá hộp, kể cả nhà máy Betaco sản xuất vitamin. Ông Duck và đoàn rất hài lòng với các nhà máy của Thái Lan, cả về trang thiết bị lẫn quy trình sản xuất. Họ tỏ ra là những nhà kinh doanh chuyên nghiệp, có thiện chí và rất đường hoàng.

Chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã có cảm tình với họ và tự nhủ rằng mình đã gặp những nhà kinh doanh đích thực, có đạo đức. Sau ba, bốn ngày đi thăm các nhà máy, chúng tôi có cuộc họp với nhau và hai bên đều rất hài lòng về kết quả chuyến đi. Ngồi trong xe trên đường trở về Bangkok, chúng tôi nói chuyện với nhau rất rôm rả, kể cả trao đổi những chuyện tiếu lâm. Kết thúc chuyến đi, tôi ra sân bay tiễn họ về nước, lòng đầy hân hoan. Một lần nữa, tôi lại nuôi hy vọng sắp nhận được những đơn đặt hàng lớn từ Mỹ.

Sau đó không lâu, tôi nhận được telex của Terry nói rằng triển vọng nhận được đơn đặt hàng rất sáng sủa, vì khách hàng rất hài lòng với kết quả chuyến đi. Nghe thế, tôi kiên trì chờ đợi trong tràn trề hy vọng, rằng lần này mình đã đi đúng hướng rồi!

Tôi thích làm tiếp thị theo hướng tấn công, nên muốn có kế hoạch xúc tiến cho công việc diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, tôi bàn với Terry là tôi sẽ sang Mỹ gặp trực tiếp công ty Carnation tại Los Angeles để nắm cơ cấu tổ chức, quy trình sản xuất của họ và nhân thể thăm một số khách hàng khác để mở rộng thị trường.

Terry tán thành ý kiến của tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại Los Angeles để đi thăm cơ sở thí nghiệm nuôi mèo và thí nghiệm thức ăn cho mèo của Carnation, tìm hiểu xem các loại mèo nuôi ở Mỹ thích loại thức ăn nào và đến thăm phòng thí nghiệm phân tích chất lượng thức ăn cho mèo. Tôi có cuộc gặp với ông Duck cùng các nhà quản lý của ông, giờ đây đã trở thành thân quen sau chuyến đi thăm Thái Lan.

Ông còn trực tiếp dẫn tôi đi thăm các cơ sở của nhà máy. Tôi rất có ấn tượng về sự quý trọng đối với vật nuôi của người Mỹ cũng như người châu Âu. Họ đã thiết lập hệ thống nghiên cứu và thí nghiệm về loài mèo rất toàn diện để đem lại niềm vui cho người nuôi mèo, khiến họ sẵn sàng dốc hầu bao ra mua thức ăn cho mèo. Tôi có ấn tượng đó là vì quá quen thuộc với cách nuôi chó, mèo thường thấy ở Thái Lan, nơi phần lớn chúng được thả rong, không người trông coi, chứ chưa nói đến việc phải có thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin.

Chuyến tham quan Carnation lần đó giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về cách tổ chức và hoạt động của một tập đoàn lớn. Cần lưu ý rằng, đó là năm 1979, thế mà tổng doanh số hàng năm của Carnation đã lên đến 5 tỷ USD, một con số khổng lồ!

Ngoài việc đến thăm Carnation, tôi còn dành ra vài ngày đi tìm thêm vài khách hàng nữa tại Los Angeles, như Quaker Oats, Kitty Cat và 3-4 khách hàng nữa. Đây là những khách hàng có tiềm lực rất lớn, có nhiều cơ hội hợp tác làm ăn. Điều tôi ngạc nhiên là họ biết rất ít về Thái Lan, thậm chí có người còn tưởng nhầm Thái Lan là Đài Loan.

Điều đó không có gì lạ, vì vào thời kỳ đó Đài Loan đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến ra khắp thế giới. Điều đáng chú ý là Đài Loan nhỏ hơn Thái Lan đến 10 lần, dân số chỉ bằng 1/3 dân số Thái Lan nhưng họ lại được thế giới biết đến nhiều hơn Thái Lan. Do vậy, có thể nói trong chuyến đi Mỹ lần này, tôi đã đóng vai trò đại sứ thương mại cá nhân tham gia vào việc xúc tiến thương mại và truyền bá hình ảnh đất nước, con người Thái Lan ra thế giới.

Vào thời kỳ đó, năng lực tài chính của công ty V&K không ngừng được cải thiện, một phần do mở rộng phạm vi kinh doanh, mặt khác do công việc quản trị điều hành công ty của tôi ngày một chuyên nghiệp hơn. Tôi khỏi phải lo giật gấu vá vai như thời kỳ đầu. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất vẫn là công tác tiếp thị mở rộng thị trường cần đẩy mạnh hơn nữa để bảo đảm cho công ty tiếp tục phát triển ổn định.

Khi trở về nước, tôi nhận được tin mừng từ Terry cho biết Carnation muốn đặt mua lô hàng đầu tiên thức ăn cho mèo với số lượng nhỏ để thử nghiệm gồm 10 con-ten-nơ, mỗi con-ten-nơ chứa 1.600 thùng. Nếu kết quả tốt, họ sẽ tiếp tục đặt mua với khối lượng lớn và yêu cầu tôi chuẩn bị tốt nhất. Nghe vậy, tôi giật mình tự hỏi hay là tôi đang mơ, vì họ mới đặt mua thử nghiệm mà số lượng đã lớn như vậy, nếu họ đặt mua thực sự thì khối lượng sẽ còn lớn đến đâu? Phải chăng cơ hội ngàn năm có một của tôi đã đến?

Tôi tức tốc liên hệ với các nhà máy trong mạng lưới của mình, đã được đoàn đến kiểm tra khảo sát kỹ lưỡng lần trước, và bàn bạc kỹ với họ làm thế nào để đợt giao hàng lần đầu tiên này trơn tru không mắc một sai sót nào. Có như vậy chúng tôi mới hy vọng trở thành đối tác của một tập đoàn tầm cỡ thế giới.

Khi hàng hóa đã sẵn sàng và được chuyển đến các địa điểm nằm ở khắp nước Mỹ theo yêu cầu của Carnation, mà tại đó họ đều có các cơ sở để kiểm tra cả về mặt thị trường lẫn phòng thí nghiệm. Sau khi hàng được chuyển đến, Carnation tiến hành kiểm tra rất nghiêm ngặt. Sau hai tháng, họ thông báo kết quả rất tốt.

Như vậy lô hàng đầu tiên đã được các phòng thí nghiệm và kiểm tra thị trường ở

Mỹ thừa nhận đạt tiêu chuẩn, tất cả các khâu đều diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch mà không nhờ đến vận may hay phải đi chùa cúng dường, cầu nguyện gì.

Khỏi phải nói tôi và Terry vui mừng phấn khởi đến mức nào. Sau khi nhận được cú điện thoại của Terry thông báo tin mừng, đêm nào tôi cũng ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp. Tôi tự nhủ phen này chắc chắn mình thành công rồi. Tôi càng tin tưởng vào ý chí, quyết tâm và tinh thần làm việc không mệt mỏi của mình, vào phương pháp làm việc có trình tự, biết học hỏi không ngừng và nhất là không để những ý nghĩ tiêu cực chi phối mình.

Không lâu sau đó, đơn đặt hàng thí điểm đợt hai của Carnation cho toàn nước Mỹ cũng đã đến, gồm 100 con-ten-nơ… kèm theo L/C mà tôi còn nhớ có chữ ký của ông Dick Figgo nằm trên đó. Lòng tôi tràn đầy vui sướng… và trong đầu tôi bắt đầu nghĩ đến những đơn đặt hàng tiếp theo với số lượng còn lớn hơn nữa.

Sau khi đã có đơn đặt hàng lớn, tôi quyết định thành lập phòng thí nghiệm và tuyển nhân viên của riêng mình để tự mình kiểm tra mẫu hàng và kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Bước đầu bằng việc cấp giấy tiếp nhận hàng, đồng thời tôi thuê công ty SGS, gồm Tiến sĩ Santi và cô Wanna, là các chuyên gia trong ngành, giúp kiểm tra phân tích chất lượng thêm một lần nữa. Nhờ có hai chuyên gia này giúp đỡ, công việc được tiến hành rất trôi chảy. Tôi cũng đem những kinh nghiệm và hiểu biết học được từ chuyến khảo sát tại Mỹ vận dụng vào công việc để nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhờ đó, sau khi lô hàng đúng 100 con-ten-nơ sẵn sàng được chuyển giao, tôi báo ngay cho Terry chuẩn bị đến gõ cửa thăm hỏi các khách hàng ngay sau khi hàng chuyển đến các thành phố, nhằm tự mình kiểm tra để biết được hàng hóa của mình có sai sót ở khâu nào hay không vì toàn bộ sản phẩm, kể cả vỏ hộp, thùng đóng gói và nhãn mác đều làm tại Thái Lan. Terry tán thành ý kiến của tôi, và bảo rằng anh sẽ tiến hành kiểm tra ngay sau khi hàng đến. Sau mỗi lần đến các thành phố kiểm tra,Terry đều báo tin mừng rằng tất cả hàng hóa đều đạt tiêu chuẩn tốt, không có vấn đề gì.

Thế rồi một ngày nọ, Terry báo tin rằng lần này Carnation quyết định đặt mua hàng chính thức để phân phối qua các đại lý của họ trên toàn nước Mỹ. Mới nghe tôi đã mừng đến choáng váng. Tôi vẫn còn chưa hình dung nổi “trên toàn nước Mỹ” là rộng cỡ nào, vì nước Mỹ rất bao la.

Dần dần tôi mới nhận ra số lượng hàng đó lớn đến mức nào, do sau đó hai ngày, Terry báo tin ông Dick Figgo cho hay, công ty đã quyết định chính thức đặt mua hàng thức ăn cho mèo đầu tiên của tôi, loại đóng hộp cỡ 200 gam, với số lượng tổng cộng 2.000 con-ten-nơ một năm, tức 32 triệu thùng, hay 153 triệu hộp!

Trời đất! Nghe Terry nói xong mà tôi vẫn chưa tin là mình nghe đúng con số 2.000 con-ten-nơ! Thú thực là khi đó tôi đã hỏi lại Terry một lần nữa. “Đúng rồi!”, Terry khẳng định với tôi. Nhưng tôi vẫn chưa thật tin nên đã yêu cầu anh ấy gửi telex cho tôi để xác nhận bằng văn bản điều anh vừa nói trên điện thoại.

Tôi vẫn nghĩ mình đang mơ trong khi ngồi chờ Terry gửi telex tới… Chỉ đến khi tờ telex xuất hiện khẳng định đơn đặt hàng 2.000 con-ten-nơ với L/C trị giá 30 triệu USD và vài hôm nữa L/C sẽ được chuyển tới tay tôi. Vậy ra đây đúng là sự thật chứ không còn là một giấc mơ nữa, tôi đã thành công sau những nỗ lực nhiều năm của mình. Những việc còn lại như chuyển giao hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa, cấp giấy chứng nhận sẽ tiến hành như các lần trước. Nghĩa là có giấy chứng nhận tiếp nhận hàng của V&K và SGS là người kiểm tra cuối cùng.

Như vậy sau thời gian 5-6 năm loạng choạng, giờ đây tôi đã có thể đứng vững bằng đôi chân của mình. Mà không những đứng vững, tôi còn có thể chạy xa hơn nữa… Một lần nữa ước vọng làm giàu lại bùng lên trong người tôi trước những cơ hội làm ăn lớn đang hiện ra trước mặt.

Đêm đó tôi không thể ngủ được vì thần kinh phấn khích bởi cái tin L/C trị giá 30 triệu USD mới nhận được. Đầu óc tôi hoạt động mạnh và tính toán kế hoạch sử dụng số tiền thu được qua thương vụ mới này như thế nào. Tôi có nên thanh toán hết số tiền mua xe trả góp còn nợ để khỏi phải trả tiền lãi, hay gửi tiết kiệm để có tiền dự trữ không phải đi vay ai nữa…

Mấy ngày sau tôi nhận điện thoại của chị Valapha từ Ngân hàng Bangkok, thông báo ngân hàng đã nhận được L/C trị giá 30 triệu USD và nói rằng không rõ đối tác của tôi mua hàng gì với số tiền lớn như thế.

Sau khi tôi giải thích rõ câu chuyện làm ăn thì từ đó Ngân hàng Bangkok đã cho tôi vay với số tiền ngày càng lớn. Tôi không phải lo lắng về vốn liếng như trước nữa. Không những thế, nhiều ngân hàng khác cũng liên hệ với tôi và muốn mua lại L/C của tôi. Điều này giúp tôi nhận ra một thực tế là uy tín trong kinh doanh phải kèm theo cái gì.

Cách theo dõi và quản lý L/C của tôi lúc đó như sau: khi có khách hàng nước ngoài chuyển L/C trực tiếp cho tôi, tôi sẽ mở thêm một L/C nữa trong nước, bằng cách lấy L/C gốc làm cơ sở bảo lãnh số tiền L/C tôi mở thêm trong nước, tức bằng giá trị hàng hóa mà tôi sẽ phải trả cho các nhà máy, do vậy tôi có thể kiểm soát số lượng và chất lượng hàng hóa, vì tôi là người quyết định sẽ mua hàng của nhà máy nào, thời gian và cách giao hàng ra sao cho linh hoạt, tiện lợi theo yêu cầu của Carnation.

Sau đó tôi lại nhận được tin mừng khác từ Terry thông báo Quaker Oats, một nhà cung cấp thức ăn cho mèo khác, cũng muốn đặt mua hàng của tôi. Đây cũng là một khách hàng có tiềm năng, dù khối lượng mua hàng không lớn như Carnation.

Tôi và Terry bàn nhau cả hai sẽ cùng đi Canada để gặp khách hàng mới, đích hướng tới là các thành phố như Petersburg và Ontario, nơi tôi từng mong ước đến đó để học tiếp sau đại học. Tôi và Terry hẹn gặp nhau tại San Francisco, từ đó chúng tôi bay sang Canada.

Tại Ontario, tôi gặp bà Kenedy, Giám đốc cung ứng của Quaker Oats. Bà dẫn tôi đi thăm quan cơ sở, giới thiệu về tổ chức và hoạt động của công ty, phương thức nhập khẩu và giao hàng cho các đại lý của công ty. Từ đó tôi hiểu rõ công việc của tôi ở Thái Lan phải tổ chức ra sao để tạo thuận lợi nhất cho họ, giảm tối đa giá thành và có dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi hàng đã được chuyển tới.

Công việc kinh doanh bắt đầu tiến triển nhanh. Đôi khi khách hàng mới cũng liên hệ trực tiếp với tôi, đôi khi thông qua các đối tác của tôi là Terry hoặc George Lin.

Tuy nhiên có một điều mà tôi luôn giữ trước sau như một, đó là tôi không bao giờ làm điều gì qua mặt đối tác hay người môi giới, những người đã cùng nhau góp sức với tôi để công việc kinh doanh đi đến thắng lợi. Một phần đó là vì đạo đức kinh doanh mà mỗi doanh nhân chân chính phải có trách nhiệm với các đối tác của mình, nhưng điều quan trọng hơn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà tôi luôn tâm niệm.

Tôi cho rằng sống có tình nghĩa, biết đền đáp công ơn những người đã giúp đỡ mình là một đức tính không thể thiếu, đặc biệt đối với doanh nhân. Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ ức hiếp hay phản trắc bất cứ ai, dù việc làm đó có mang lại lợi ích to lớn đến đâu.

Tôi có phải là một “con người chân chính” đích thực hay không, thời gian sẽ mang lại câu trả lời chính xác nhất. Nhưng cho đến hôm nay, dù làm bất cứ việc gì tôi cũng dựa vào lẽ phải, sự công bằng và lòng rộng lượng. Chính nhờ đó mà tôi luôn được mọi người hợp tác giúp đỡ nhiệt tình. Điều gì tôi đã hứa, tôi cố gắng thực hiện bằng được, bất kể họ là ai và ở đâu, là khách hàng hay người thân, bạn bè hay nhân viên…

Mặc dù đôi lúc tôi có thể quên việc này việc khác, nhưng tôi lập tức thực hiện ngay sau khi được nhắc nhở. Tôi cho rằng lời nói chính là “ông chủ” của mình, vì vậy chúng ta cần suy nghĩ kỹ trước khi nói. Lời nói là sản phẩm được chắt lọc từ suy nghĩ mà ra. Do vậy, “nghĩ kỹ, nói đúng và làm đúng” sẽ giúp chúng ta giảm bớt nhiều rắc rối trong cuộc sống và xây dựng niềm tin nơi người khác cũng như uy tín của mỗi người chúng ta.

Khi công việc kinh doanh được đẩy mạnh đến mức cao, nhiệm vụ chủ yếu của tôi là gặp gỡ khách hàng, các chủ nhà máy và tổ chức hoạt động tiếp thị. Lúc này kết quả kinh doanh cũng sinh sôi nảy nở, thành công nằm trong tầm tay, vấn đề còn lại là củng cố nền tảng tổ chức và quản lý nội bộ công ty cho thật vững chắc.

Tôi luôn tự nhủ hãy xem tất cả những chuyện bất trắc, thua thiệt đã qua là những phép thử nghị lực và lòng quyết tâm của mình. Cái gì đã qua thì hãy cho qua để bắt đầu cái mới, không nên quanh quẩn, bám riết cái cũ đã không thể làm gì được nữa ngoài việc ngáng trở mình.

Dù bị mất cơ hội làm ăn với Van Kemp Seafood, nhưng sau đó tôi lại được những cơ hội làm ăn khác có giá trị rất lớn, giúp tôi xây dựng nên một nền tảng tài chính vững chắc, làm chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần để tôi tiếp tục tiến lên phía trước một cách tự tin hơn.

Tôi luôn quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để rèn luyện thân thể giữ thể trạng tốt để đủ sức đương đầu với mọi công việc căng thẳng. Dù công việc bận đến đâu, tôi cũng phân bổ thời gian thích hợp để nghỉ ngơi dưỡng sức, giữ thăng bằng trong cuộc sống. Nếu đau ốm luôn thì dù có “tiền muôn bạc vạn” cũng khó mà “mua” được sức khỏe. Vì vậy, tôi luôn coi trọng khâu “phòng bệnh” bằng cách thường xuyên chạy bộ hoặc đi xe đạp trong hẻm khoảng 2 km mỗi buổi sáng, đôi khi còn có con chó nuôi chạy cùng…

 

Bình luận