Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 12: Gió đổi chiều

Tác giả: Vikrom Kromadit

Hoạt động kinh doanh thương mại, nhất là ngành thực phẩm đóng hộp ngày càng cạnh tranh gay gắt đúng như tôi đã dự kiến, đặc biệt số tay mới nhảy vào nghề ngày càng tăng, với những thủ đoạn quen thuộc là giành giật khách hàng của các công ty thương mại cũ.

Họ giảm giá hoặc kèm theo hứa hẹn các lợi ích khác nhằm giành giật khách hàng mà không đếm xỉa đến đạo đức kinh doanh hay hậu quả lâu dài đối với ngành nghề.

Vì vậy, tôi buộc phải chuyển hướng kinh doanh chứ không thể khoanh tay ngồi nhìn công ty của mình chìm theo con tàu đang nghiêng ngả trong cơn bão dữ. Nhưng phải chuyển sang hướng nào để chắc chắn rằng con đường phía trước sẽ không gặp bão lớn hay đá ngầm?

Lúc đó, ngoài việc môi giới thương mại, tôi chưa biết cách tổ chức kinh doanh ngành nào khác, dù đã thành công được một bước với số tiền kiếm được trên 30 triệu bạt, và là chủ sở hữu một công ty với số nhân viên đáng kể. Nhưng bắt đầu một ngành kinh doanh mới thì không đơn giản chút nào, nhất là khi chưa có kinh nghiệm gì về ngành nghề đó.

Nhưng tôi tin vào câu nói “Trời giúp những kẻ tự giúp mình”, nên chừng nào còn sống tôi sẽ không ngừng phấn đấu, vì phía trước luôn có nhiều cơ hội và nhất định con thuyền của tôi sẽ cập bến an toàn.

Vào đầu năm 1987, tôi đặt ra mục tiêu trong ba năm sau đó phải bắt đầu kinh doanh một ngành nghề mới bằng mọi giá, mặc dù chưa biết đó là ngành nào. Như đã nói, tôi dành nhiều thời gian vào việc tìm kiếm cơ hội, tham gia các hiệp hội và nhất là tháp tùng những đoàn quan chức chính phủ đi thăm các nước để có dịp gặp gỡ tiếp xúc với các nhà kinh doanh tầm cỡ thế giới. Mặt khác, đó cũng là dịp quý báu để làm quen với các quan chức cấp cao của chính phủ Thái Lan. Đó là sự đầu tư cần thiết trong giai đoạn ban đầu.

Việc tham gia làm thành viên của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đã tạo cho tôi cơ hội mở rộng tầm hoạt động, có thể xem đó là “giấy thông hành” để tôi tìm đến cơ hội kinh doanh mới thay thế cho việc kinh doanh thực phẩm đóng hộp đang thoái trào. Tôi rất biết ơn các vị lãnh đạo Liên đoàn công nghiệp đã giúp đỡ tôi nhiều, như ông Anand Panyarachun, Chủ tịch Liên đoàn, sau nay trở thành Thủ tướng Thái Lan, và ông Chokchai Aksornand, người kế tiếp làm chủ tịch Liên đoàn. Do từng học tại Đài Loan và nói được tiếng Hoa nên tôi được Liên đoàn cử làm chủ tịch Hội Thái Lan – Đài Loan của Liên đoàn. Đó chính là điểm khởi đầu của làn gió mới.

Trong cuộc họp của hội cựu du học sinh tại Đài Loan vào năm 1987, tôi đề xuất ý kiến các thành viên nên quay trở lại thăm Đài Loan, nơi họ từng sống và học tập và đã lâu chưa có dịp trở lại, để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh. Các thành viên đều tán thành ý kiến của tôi và ra nghị quyết tổ chức một chuyến đi thăm Đài Loan và cử tôi làm trưởng đoàn. Tôi rất ngạc nhiên vì được hội tín nhiệm dù tôi còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi còn có các thành viên khác lớn tuổi hơn, có thâm niên và địa vị xã hội cao hơn.

Được tín nhiệm, tôi vui vẻ chấp nhận sự phân công, xem đây là một dịp để thử thách bản lĩnh vì từ trước đến nay tôi chưa bao giờ dẫn đầu một đoàn đại biểu gồm nhiều thành viên lớn tuổi, có kinh nghiệm hơn mình như lần này. Đây quả là một vinh dự và cơ hội tốt để tôi gặp gỡ làm quen với các vị cao niên qua chuyến đi này.

Sau khi vạch ra chương trình cho chuyến đi và liên hệ với các cơ quan và tổ chức có liên quan của nước chủ nhà, tôi dẫn đoàn gồm 10 cựu sinh viên sang thăm Đài Loan, sau nhiều năm chưa có dịp trở lại.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến thăm là Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Đài Loan. Ngân hàng đón tiếp chúng tôi rất trọng thị, mời đoàn vào hội trường lớn của ngân hàng có sức chứa hàng trăm người, trong khi đoàn chúng tôi chỉ có 10 người. Điều đặc biệt là cả ông Chủ tịch và các nhà quản lý cấp cao khác của Ngân hàng đều có mặt để đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu, có thể vì đây là lần đầu tiên có đoàn cựu du học sinh người nước ngoài của trường Đại học Đài Loan đến thăm, và trong ban lãnh đạo của Ngân hàng biết đâu cũng có người từng là cựu sinh viên của trường này.

Sau khi bắt tay chào hỏi xã giao, đoàn được mời lên ngồi tại chiếc bàn lớn đặt giữa sân khấu, và trưởng đoàn được bố trí ngồi giữa. Đến lúc này tôi cảm thấy rất hồi hộp và căng thẳng vì sắp phải thay mặt đoàn phát biểu ý kiến chính thức với chủ nhà trong buổi đón tiếp long trọng này, một điều tôi chưa từng trải qua trong đời, nhất là với một cử tọa toàn những bậc tiền bối, những người có trọng trách và địa vị xã hội cao.

Tôi liếc mắt nhìn các thành viên cao niên trong đoàn và tỏ ý nhờ họ phát biểu thay, nhưng không ai nhận. Cuối cùng tôi đành phải đứng lên bục phát biểu ý kiến vì không thể đùn đẩy vai trò trưởng đoàn cho người khác, mặc dù tôi cảm thấy run run, chân đứng không vững.

Cuối cùng, khi ở trong thế bí, tôi thấy không còn cách nào tốt hơn là phải bình tĩnh, tự tin vào chính mình. Thực ra, khi còn là sinh viên năm thứ hai, có lần tôi tham gia cuộc thi hùng biện bằng tiếng Hoa tại một hội trường có đến 500 – 600 người tham dự và tôi giành được giải nhất. Nhưng lần đó tôi có thời gian chuẩn bị trước rất chu đáo và chủ động, còn lần này tôi phải ứng khẩu, và không hề có thời gian chuẩn bị trước.

Mở đầu bài phát biểu tôi nói không ra lời, cổ họng như bị nghẹn lại, ấp a ấp úng không ra ngô ra khoai gì cả. Phải mất một lúc tôi mới trấn tĩnh được và nói năng trôi chảy hơn. Cuối cùng, tôi kết thúc bằng câu “xin cảm ơn” trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của cử tọa. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã thoát được một tình thế “nan giải”.

Sau đó đoàn chúng tôi đến thăm các vị lãnh đạo của các bộ ngành theo chương trình đã thu xếp. Các cuộc gặp lần đó rất có ích cho tôi, vì tôi nhận được nhiều gợi ý, lời khuyên và chỉ dẫn rất có giá trị, kích thích suy nghĩ của tôi. Chẳng hạn như câu nói của một vị lãnh đạo cao cấp: “Các anh giống như những người mang hai dòng máu, một nửa là Đài Loan một nửa là Thái Lan, tại sao các anh không làm chiếc cầu nối để người Đài Loan sang đầu tư tại Thái Lan?”

Nghe nói vậy, tôi bắt đầu phác thảo trong đầu vài nét sơ bộ của những cơ hội kinh doanh trong tương lai nhằm vào mục tiêu là các nhà đầu tư Đài Loan. Tôi ngồi nghe các cuộc nói chuyện chỉ với một tai, còn tai kia dành cho tiếng nói từ trái tim mình về những ước mơ trong tương lai, cho đến khi cuộc họp kết thúc.

Khi có dịp thuận lợi, tôi đem những suy nghĩ của mình bàn bạc với các thành viên trong đoàn là chúng tôi nên cùng nhau làm một điều gì đó vì lợi ích chung trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa Đài Loan và Thái Lan.

Sau khi trở về Thái Lan, tôi tổ chức bữa cơm thân mật mời tất cả thành viên đã tham gia đoàn đi Đài Loan đến dự, mục đích để cùng nhau tìm phương hướng cụ thể để thực hiện những gợi ý tiếp thu được qua chuyến đi.

Tôi đề xuất thành lập công ty tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư Đài Loan chưa hiểu biết gì về Thái Lan, vì đây là một dịch vụ có thể kiếm ra tiền. Tôi cũng đề xuất mỗi thành viên nên góp vào công ty một ít vốn, mỗi người khoảng vài chục ngàn bạt, ai có điều kiện thì dành thơi gian tham gia giúp công ty.

Riêng tôi, tôi sẵn sàng dùng văn phòng công ty của mình để làm trụ sở cho công ty mới này. Làm như vậy chi phí hoạt động sẽ không bao nhiêu, chỉ phải bỏ thêm công sức và thời gian trong giai đoạn đầu thôi. Mọi người đều tán thành ý kiến của tôi.

Hai tháng sau, Công ty Unicom, một công ty tư vấn đầu tư, được thành lập và ông Thavi Mokranurak làm Tổng giám đốc, ông Joseph Han, người Đài Loan, làm cộng tác viên tìm khách hàng. Ông Joseph cũng là cựu sinh viên cùng trường đại học với chúng tôi.

Còn tôi là người đứng sau hỗ trợ về mặt hậu cần. Sau ba tháng hoạt động, đã có nhiều nhà đầu tư Đài Loan đến thuê dịch vụ tư vấn đầu tư của công ty. Tôi nhận ra rằng Thái Lan đã trở thành địa bàn mà các nhà đầu tư Đài Loan ngày càng quan tâm.

Nhớ lại hai mươi năm trước đây, người Đài Loan đến Thái Lan buôn bán và đầu tư rất thành công và trở nên giàu có giống như cách làm của người Nhật. Lý do có thể là người dân Thái rất rộng lượng và mến khách, người nước ngoài được đối xử bình đẳng không phân biệt với người bản xứ. Điều quan trọng nữa là Thái Lan là quốc gia có đất đai phì nhiêu màu mỡ, nông sản thực phẩm dồi dào, có vị trí địa lý thuận tiện trong giao thông quốc tế. Thái Lan là một địa điểm đầu tư rất hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư đã đến đây đầu tư lâu dài. Chẳng hạn, công ty Honda của Nhật đã đầu tư sản xuất xe máy tại Thái Lan và xuất sang các nước như Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam.

Giai đoạn đầu khi Unicom đi vào hoạt động, chúng tôi chỉ làm dịch vụ tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi họ nhờ tư vấn xây dựng nhà máy, chúng tôi giới thiệu họ đến các khu công nghiệp tập trung như Bang Pu, Lat Krabang… Lúc đó, tôi chưa nghĩ đến việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp của riêng mình.

Thế rồi một ý nghĩ vụt sáng trong đầu tôi khi ông Nobu Shen, một doanh nhân, chủ nhà máy sản xuất dù, nói với tôi rằng “ Cứ ba chiếc dù làm ra trên thế giới, thì có một chiếc làm tại Đài Loan, nếu Vikrom có khu công nghiệp riêng thì tôi sẽ là khách hàng đầu tiên đến thuê đất và sẽ kéo theo các nhà sản xuất dù khác đến khu công nghiệp của Vikrom, vì chúng ta nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng.” Tôi cũng đang suy nghĩ theo hướng đó, nên khi nghe ông Shen nói thế, liền đồng ý ngay, vì tôi cũng đang tìm cách thoát khỏi công việc kinh doanh thương mại đang gặp bế tắc.

Với số vốn có trong tay kết hợp với các cổ đông khác tôi nghĩ mình có đủ sức để làm, nhưng lúc đó tôi chưa hiểu đầu tư xây dựng khu công nghiệp tập trung thì người ta phải làm thế nào, cần bao nhiêu vốn. Nhưng với mong muốn đi tìm ngành kinh doanh mới thay cho kinh doanh thương mại, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi triệu tập cuộc họp của hội đồng quản trị Unicom để đưa ra sáng kiến của mình.

Hôm đó tất cả thành viên đều có mặt, tôi cố gắng thuyết phục mọi người nhìn thấy cơ hội và triển vọng tốt đẹp của việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp vì nhu cầu của các nhà đầu tư rất lớn, trong khi công ty đã có sẵn khách hàng và nhân lực có thể tiến hành ngay, chỉ có điều là cần phải có thêm vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, bắt đầu bằng một khu công nghiệp quy mô nhỏ trước.

Quan sát nét mặt của các thành viên, tôi thấy họ chưa quan tâm lắm bèn tiếp tục thuyết phục… nhưng dường như mọi người vẫn còn băn khoăn vấn đề vốn. Một thành viên hỏi tôi: “Số vốn đầu tư cần bao nhiêu?”. Tôi trả lời: “Chưa thể biết chính xác, còn phải nghiên cứu khả thi đã, nhưng tôi dự kiến không quá 100 triệu bạt.” Nghe vậy, mọi người càng im lặng hơn, không ai có ý kiến gì nữa. Tôi lo lắng bụng bảo dạ: Chắc là không ăn thua rồi… Việc thuyết phục họ đồng ý với tôi đầu tư xây dựng khu công nghiệp chẳng khác gì “đẩy cối đá leo dốc”.

Tôi hiểu suy nghĩ của họ, vì 100 triệu bạt vào thời kỳ đó là số tiền rất lớn, trong khi người nào cũng đã vào tuổi ngũ tuần, đã có vợ con và gia đình ổn định nên không ai muốn mạo hiểm lao vào dự án đầu tư đầy rủi ronày. Hơn nữa, vào thời kỳ đó hệ thống cơ sở hạ tầng bên ngoài các khu công nghiệp do nhà nước đầu tư còn thiếu rất nhiều nên nhiều nhà đầu tư càng do dự trong việc đầu tư vào khu công nghiệp. Tôi nghĩ bụng, ngoài tôi ra, chắc khó có thể lôi kéo được người khác cùng tham gia vào dự án này.

Cuối cùng tôi đề nghị cuộc họp ra nghị quyết tiếp tục nghiên cứu khả thi, và giao cho tôi tập hợp đầy đủ các số liệu và nghiên cứu kỹ địa điểm để đưa ra cuộc họp lần sau xem xét.

Một tháng trôi qua, tôi vẫn còn bề bộn với công việc chuẩn bị dự án, nhưng trong đầu đã bắt đầu mường tượng ra tính khả thi của dự án này, vấn đề là nên bắt đầu từ đâu, vì lúc đó các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu kéo nhau sang Thái Lan đầu tư ngày càng nhiều.

Tôi mời các thành viên hội đồng quản trị đến ăn trưa tại Khách sạn Siam Intercontinental. Trước khi ăn tôi tranh thủ trình bày dự án kèm theo các con số tính toán mà tôi đã chuẩn bị, trong đó nêu lên giai đoạn đầu cần có vốn tự có là 25 triệu bạt và số vốn còn lại, gấp 3-4 lần số vốn tự có, sẽ phải đi vay ngân hàng. Nghe tôi nói như vậy mọi người ngồi ngẩn ra theo đuổi suy nghĩ riêng của mình, trên nét mặt lộ rõ thái độ dửng dưng, thiếu tin tưởng, vì tính tổng cộng, số vốn của dự án này vẫn vào khoảng 100 triệu bạt, trong khi chưa có gì đảm bảo dự án sẽ thành công, và nếu thất bại thì chắc chắn họ sẽ bị nợ ngập đầu.

Cuối cùng thì dự án do tôi đưa ra xem như thất bại vì các thành viên hội đồng quản trị công ty quyết định không tham gia, mà để tôi tự làm lấy, tuy nhiên công ty vẫn tiếp tục công việc tư vấn đầu tư như cũ và sẽ hỗ trợ tìm kiếm các nhà đầu tư cho tôi.

Không đầu hàng, tôi tiếp tục nuôi hy vọng để thực hiện ước mơ của mình. Tôi đem tất cả hồ sơ dự án kèm theo các số liệu đã chuẩn bị đến gặp hai ông Suvan Tensathit và Thavichai Amornprasert tại trụ sở chính Ngân hàng Bangkok, là những người đã từng duyệt cho tôi vay vốn lần đầu tiên trước đây.

Nhưng nghe tôi trình bày xong hai vị tỏ ra không thông, có lẽ thấy lực của tôi vẫn còn quá mỏng so với tầm cỡ của dự án này. Mặt khác, việc tôi chuyển từ ngành buôn bán cá hộp sang đầu tư xây dựng khu công nghiệp tập trung, một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi tôi chưa hiểu biết lại chẳng có kinh nghiệm gì là một sự quay ngoắt 180 độ và chứa đựng rủi ro rất cao, vì vậy hai vị này không quan tâm đến dự án của tôi.

Tôi vẫn không từ bỏ ý định mà tiếp tục đi tìm kiếm các đồng minh và các ngân hàng khác để thực hiện dự án này cho bằng được. Bởi tôi tin chắc rằng Thái Lan lúc đó đã sẵn sàng để đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt tại các vùng ven biển phía Đông, vốn rất thích hợp cho việc phát triển công nghiệp.

Ông Chavalit, một cổ đông của công ty, rất tán thành với tôi trong việc cố gắng thúc đẩy thực hiện dự án này, vì nó tỏ ra có nhiều triển vọng, trong khi việc kinh doanh buôn bán cá hộp của công ty không lâu nữa sẽ phải chấm dứt. Vì vậy, tôi bắt đầu đi tìm các nhà tư vấn và những cổ đông khác có cùng chí hướng như tôi.

Tiến sĩ Voraphat Tonakaserm, làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan, ủng hộ ý tưởng đầu tư của tôi nên đã dẫn tôi đến gặp bà Atcharee Visertsiri, phụ trách bộ phận kinh doanh của Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan.

Sau khi tôi trình bày dự án xây dựng khu công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất hàng xuất khẩu là chủ yếu, bà Atcharee và Tiến sĩ Voraphat rất đồng tình vì dự án sẽ thu hút vốn nước ngoài vào Thái Lan và sau đó là dòng ngoại tệ đổ vào qua hoạt động xuất khẩu. Bà Atcharee rất quan tâm đến dự án này và nói rằng Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan sẽ cho vay vốn và tham gia làm một cổ đông vì dự án này rất có lợi cho nền kinh tế và sản xuất công nghiệp. Tôi rất mừng trước kết quả kép này, vì vừa được vay vốn lại vừa có thêm cổ đông chiến lược làm chỗ dựa cho dự án của mình.

Bước kế tiếp là tìm thêm một số cổ đông tham gia điều hành công ty, theo nguyên tắclà: mời các chuyên gia, am hiểu về từng lĩnh vực mà tôi không nắm vững; ưu tiên cho những người đã quen biết, để dễ hợp tác với nhau trên cơ sở hiệu quả công việc. Kết quả là tôi đã có những cổ đông chủ chốt trong công ty, đều là những người quen biết, có chuyên môn, tuy chưa từng làm việc với nhau nhưng độ tin cậy rất cao, như ôngChavalit Yodmani, lo về khâu quan hệ với các cơ quan nhà nước; ông Suwat Lippanlop phụ trách về xây dựng; chị Supalak Ampuch phụ trách tiếp thị và quảng cáo; còn về khâu hành chánh quản trị đã có ông Prayoon Bunsung phụ trách, người có nhiều kinh nghiệm về công việc quản lý. Tôi phân cho mỗi vị kể trên mỗi người 5-10% cổ phần, số còn lại do tôi nắm giữ.

Thế là kể từ đầu năm 1988 chúng tôi đã thành lập một công ty mới, có tên là “Công ty Khu công nghiệp Bang Pakong”, do tôi làm Tổng giám đốc, với vốn điều lệ 25 triệu bạt để thực hiện dự án đầu tiên là xây dựng một khu công nghiệp với diện tích 300 rai (1 ha = 6 rai).

Đối với những tay mới vào nghề như tôi và các cộng sự thì trong giai đoạn đầu của việc xây dựng khu công nghiệp, chúng tôi chưa nghĩ đến việc phải kéo những công ty chuyên về xây dựng các khu công nghiệp tham gia, mà chỉ nghĩ đơn thuần là về tài chính đã có Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan đứng phía sau, về khách hàng đã có công ty tư vấn Unicom lo giúp, còn lại chỉ là vấn đề quản lý việc mua đất đai và xây dựng cơ sở hạ tầng, mà xem ra chẳng mấy khó khăn.

Đó là cách nhìn phiến diện, thiếu kinh nghiệm thực tế do lúc đó tay nghề của chúng tôi còn rất non yếu, lại chủ quan tưởng là mình giỏi giang nên cứ nhắm mắt lao vào mà không biết rằng con đường phía trước đầy rẫy cạm bẫy, nhất là các vấn đề liên quan đến luật lệ thủ tục của nhà nước mà trước đó chúng tôi chưa hề biết.

Tôi cứ làm như điếc không sợ súng được một thời gian, do non kinh nghiệm và ít tuổi đời, vừa mới lột bỏ cái vỏ bọc của một ông chủ nhỏ theo kiểu cổ điển để chuyển sang làm nhà quản lý một công ty có tính chuyên nghiệp theo kiểu hiện đại. Dù sao thì cái tính hăng hái tích cực vẫn có mặt tốt là giúp tôi vượt qua khó khăn trở ngại, vì tôi luôn cho rằng “không có việc gì khó đến mức không thể làm được”.

Nhìn lại những ngày trước, khi có trong tay 30 triệu bạt, tôi không hiểu sao lúc đó mình lại liều lĩnh đến mức đem tất cả số tiền tích lũy được qua nhiều năm làm việc bằng mồ hôi nước mắt để đầu tư vào một dự án mà mình chưa biết rõ sẽ tiến xa đến đâu. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi đã trở thành một “nhà đầu tư phát triển các khu công nghiệp” kể từ ngày đó.

 

Bình luận