Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 6: Chiếc xe hơi đúng nghĩa đầu tiên

Tác giả: Vikrom Kromadit

Sau 5 năm, công việc kinh doanh của V&K ngày một tốt hơn, số nhân viên không ngừng tăng lên, dù công ty vẫn đóng tại ngôi nhà thuê vừa dùng làm trụ sở vừa là nơi trú ngụ của tôi. Lúc đầu chỉ có cô Piu, vừa trực điện thoại, vừa đánh máy kiêm kế toán, kể cả giúp nấu ăn.

Sau đó có thêm cô Ngampis, tốt nghiệp trường ngoại thương Assumption, vào phụ trách công việc hành chánh và thanh toán L/C. Tuy nhiên công việc chính về giao dịch mua bán như soạn thư từ, chuyển telex vẫn do Kelly làm. Nhờ có Kelly giúp sức nên tôi có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu thị trường, trọng tâm của hoạt động thương mại, vì chỉ có bán được hàng thì công việc kinh doanh mới đi lên được.

Đôi khi giữa đêm khuya có telex từ châu Âu hay Mỹ gửi đến, nghe thấy tín hiệu tôi lập tức xuống nhà dưới đọc tin và trả lời ngay mà không chờ đến sáng hôm sau, như vậy công việc được giải quyết nhanh gọn hơn. Có lần khách hàng nước ngoài thắc mắc hỏi có phải tôi thức suốt đêm để làm việc hay không.

Thực ra lý do chỉ đơn giản là ngôi nhà tôi làm văn phòng công ty cũng là chỗ ở của tôi, việc kết hợp này có ưu điểm là công việc lúc nào cũng có thể giải quyết một cách linh hoạt, giống như cách sinh hoạt và làm việc theo truyền thống của các chủ hiệu buôn người Hoa. Ngoài sự tiện lợi ra, tôi cảm thấy rất gần gũi với tiếng kêu của chiếc máy telex, thậm chí tôi còn ưa thích nữa là đằng khác. Mỗi lần nghe tiếng máy reo lên là tôi mừng rỡ, vì đó là âm thanh báo hiệu một cơ hội kinh doanh mới, mặc dù đôi khi nó kêu rất to trong đêm khuya đánh bật tôi ra khỏi những giấc mơ đẹp.

Thời gian đó tôi và Kelly kết hôn với nhau. Chúng tôi như một đôi uyên ương cùng xây dựng tổ ấm ngay từ buổi đầu. Nhờ Kelly lo việc văn thư giấy tờ, tôi có thời gian lo việc khác, đặc biệt là khâu chăm sóc khách hàng nước ngoài. Tôi thường dẫn họ đi thăm quan các nhà máy đã chuẩn bị kế hoạch từ trước tùy theo mặt hàng mà họ quan tâm. Có thể nói tôi vừa làm giám đốc công ty vừa đóng vai nhân viên bán hàng cùng một lúc.

Sau khi mở rộng kinh doanh, chỉ trong một thời gian ngắn, tầng dưới ngôi nhà tôi thuê làm văn phòng đã chật kín nhân viên. Lúc đó, Viboon, em trai tôi, cũng dọn đến
ở với tôi. Tôi tranh thủ những ngày nghỉ tự tay sắp xếp, trang hoàng văn phòng. Tôi sắm đủ các dụng cụ đồ nghề thợ điện, cơ khí, mộc như khoan tay, cưa, giũa… để sẵn trong nhà để lúc nào có thời gian rỗi là tôi làm. Những hoạt động phụ này rất có lợi, vừa cắt giảm chi tiêu, vừa là dịp vận động chân tay thư giãn đầu óc.

Tôi cũng rất thích làm vườn, trồng và chăm sóc cây cảnh, kể cả đào ao nuôi cá cảnh, xây non bộ, làm thác nước nho nhỏ… tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình ngay khoảng sân phía trước phòng làm việc. Thói quen đó bây giờ tôi vẫn giữ. Tôi tự đi mua sắm, sưu tầm các loại nội thất, trang trí và tự trang hoàng ngôi nhà của mình bởi tôi rất thích sáng tạo ra các sản phẩm của riêng mình.

Việc đầu tư mua chiếc xe hơi đầu tiên trong đời để phục vụ cho công việc làm ăn của tôi cũng giống như thế. Tôi suy đi tính lại nhiều lần trước khi đi đến quyết định sắm xe. Ba mươi năm trước đây, một chiếc xe Mercedez có giá khoảng 870.000 bạt, rất đắt và đó là một khoản đầu tư lớn nhất trong đời tôi cho đến lúc đó, ngay cả tiền thuê nhà của tôi mỗi tháng cũng chỉ có 5.000 bạt.

Do đó, việc mua trả góp chiếc xe này trong vòng 5 năm cũng không phải là chuyện nhỏ. Tôi tính toán sơ bộ: nếu bán chiếc xe Nhật cũ đang dùng, hiệu Galand Sigma, tôi có thể thu về gần 100.000 bạt và tôi cần phải bỏ thêm vào đó 400.000 bạt nữa cho kỳ trả góp đầu tiên nhằm giảm gánh nặng cho các đợt trả góp về sau. Đây là chiếc xe Mercedes 200 thuộc thế hệ đầu tiên lắp ráp tại Thái Lan, trông nó đồ sộ và sang trọng hơn nhiều so với chiếc xe cũ của tôi.

Sau khi vắt óc nghĩ kỹ, tôi quyết định bán chiếc xe Galand Sigma và mua chiếc Mercedez 200 mới, chiếc xe hơi đúng nghĩa đầu tiên trong đời tôi mua bằng tiền do chính mình làm ra. Tôi tự nhủ rằng việc đầu tư này là cần thiết để tạo ra “vị thế” khi đi giao tiếp với khách hàng, tạo niềm tin ở họ vào khả năng tài chính của tôi.

Trên thực tế, tất cả những tài sản mà tôi sở hữu chỉ là những vật dụng nhỏ bé trong văn phòng công ty mà thôi, nên việc sở hữu một chiếc xe sang trọng là “vật trang sức” quan trọng để đánh bóng hình ảnh công ty. Mặt khác, sau 5 năm hoạt động, công việc kinh doanh đã không ngừng phát triển, có triển vọng rất sáng sủa, tôi phải thường xuyên đi lại giữa Bangkok và Kanchanaburi để trông nom nhà máy thức ăn gia súc đang trong giai đoạn hình thành, công việc xuất khẩu bột sắn cũng đang phát triển tốt, còn mặt hàng cá hộp thì số hợp đồng mua hàng ngày càng tăng. Tóm lại, tôi thấy công việc kinh doanh của mình đang diễn ra thuận lợi nên cần tậu ngay chiếc xe đắt tiền, nhưng cần thiết này.

Kỳ thực, trước đó tôi chưa bao giờ đầu tư vào thứ gì có giá trị hơn 50.000 bạt, vì nhiều lý do như: không có tiền, cần phải tiết kiệm nên không dám tiêu pha xa xỉ. Quyết định mua xe này chủ yếu xuất phát từ lý do kinh doanh, ngoài ra cũng là phần thưởng đầu tiên dành cho bản thân, tạo cảm giác vui sướng và tự hào về thành công bước đầu của mình.

Việc trở thành chủ sở hữu chiếc xe Mercedez sang trọng, màu xanh nước biển và rất đắt tiền vào thời đó đem lại cho tôi cảm giác rất hưng phấn. Tôi vui như tết, vì đây là một tài sản lớn do mồ hôi nước mắt của mình làm ra.

Ngày đầu tiên nhận xe, tôi không biết làm gì khác ngoài việc ngồi ngắm nghía, vuốt ve nó và đọc cuốn cẩm nang hướng dẫn sử dụng trong niềm thích thú tột độ. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ sở hữu một vật nào đắt tiền như thế.

Thời đó, ai có may mắn được ngồi vào chiếc xe Mercedez là một diễm phúc lớn. Trước kia, mỗi khi nhìn thấy một người nào đó ngồi trong xe Mercedez, tôi cảm thấy điều đó thật xa vời đối với mình. Nay, đến lượt tôi làm chủ chiếc xe này, cảm giác hạnh phúc tràn ngập làm tôi không thể rời khỏi nó. Tôi ngồi một mình trong xe với cảm giác yêu đời, nhìn đâu cũng thấy đẹp, tựa như tôi đang sống trong một thế giới thu hẹp bằng ngôi nhà có bốn bánh xe thật lộng lẫy, thật đáng tự hào làm sao!

Tôi ngồi trong chiếc xe rất lâu, đến nỗi người nhà tưởng rằng tôi định cư ngụ luôn trong xe. Sau khi hiểu rõ cách sử dụng, tôi kéo Kelly cùng ngồi vào xe để tôi lái thử ra đường. Sau đó tôi lái xe về quê nhà Kanchanaburi để khoe với mẹ và anh em họ hàng. Ai nấy đều sửng sốt khi trông thấy chiếc xe, trầm trồ khen tôi nay đã trở thành triệu phú thật rồi.

Họ không ngờ việc này xảy ra, vì họ chỉ thấy tôi về quê để vay tiền mẹ, mỗi lần 2.000 – 5.000 bạt và trông có vẻ khó ăn nên làm ra. Thế mà đột nhiên lần này tôi trở về nhà với chiếc xe Mercedez bóng loáng, không những thế, mọi khoản tiền tôi vay của mẹ, tôi đều trả hết.

Hôm đó mẹ và các em tôi đều ngồi thử chiếc xe mới mua của tôi, nó vẫn còn nguyên mùi của một chiếc xe “mới bóc tem”. Mọi người vẫn chưa hết thắc mắc không hiểu tôi làm thế nào mà sắm được chiếc xe đắt tiền đến vậy. Có người nghĩ rằng hoặc tôi trúng số độc đắc, hoặc tôi làm ăn phi pháp gì chăng?

Riêng bố tôi, khi nhìn thấy tôi lái chiếc xe mới đến khoe, ông chẳng nói chẳng rằng, nhưng tôi đoán trong thâm tâm ông cũng không khỏi thắc mắc vì sao tôi có thể làm được như vậy, vì lâu nay ông không tin vào chuyện “hậu sinh khả úy”, nhất là đối với tôi.

Nhân đây, tôi muốn nói thêm một chút về vấn đề chi tiêu.

Biết chi tiêu một cách hợp lý sẽ giúp chúng ta trở thành người tự do, không bị lệ thuộc vào người khác. Tôi không phải là người chi tiêu hoang phí, thậm chí còn là người hà tiện là đằng khác. Tôi không thích mua hàng hiệu ở các cửa hàng sang trọng vì nó đắt tiền, ngược lại, tôi thường đi tìm mua đồ bình dân ở các chợ trời Sanam Luông hay Chatuchak. Đối với những thứ thiết yếu cho cuộc sống, đặc biệt là đồ ăn thức uống, thì tôi xem trọng vấn đề chất lượng và các vitamin cần thiết cho cơ thể để bảo đảm sức khỏe tốt.

Tôi luôn yêu cầu người nấu bếp phải mua thực phẩm tươi ngon, không nhất thiết phải là thứ đắt tiền, nhưng phải có lợi cho sức khỏe và hợp khẩu vị. Đối với các đồ dùng khác trong nhà như TV, tủ lạnh, máy điều hòa… tôi thường cân nhắc kỹ sự phù hợp giữa giá cả với tính năng sử dụng và độ bền của chúng.

Riêng đối với chiếc xe Mercedez, như đã nói, việc bỏ ra một số tiền lớn để mua chiếc xe này nhìn bề ngoài có vẻ là phung phí, nhưng đối với tôi đây là trường hợp đặc biệt, vì nó là thứ cần thiết để tạo vị thế và đánh bóng hình ảnh công ty, trong khi ngoài nó ra tôi không có tài sản nào khác có giá trị để thể hiện được điều đó. Hơn nữa, xét về mặt công dụng, nó còn là phương tiện đưa cả gia đình thỉnh thoảng về thăm quê nhà, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cả gia đình.

Thị hiếu tiêu dùng cá nhân cũng phản ánh tính cách của mỗi con người. Bản thân tôi không thích chạy theo mốt, hay hàng hiệu, hàng nhập khẩu đắt tiền mà chú trọng đến công dụng và chất lượng của sản phẩm hơn, đặc biệt về vấn đề ăn mặc. Từ khi ra trường cho đến 10- 20 năm gần đây, tôi chỉ dùng hàng mua ở các chợ trời là chính, trừ đồng hồ đeo tay.

Từ lâu tôi đã ngắm nhìn trên quảng cáo loại đồng hồ mà tôi ước ao có một ngày sẽ mua một chiếc. Khi có lợi nhuận từ việc bán lô hàng lớn bột sắn, tôi quyết định tự thưởng cho mình một chiếc đồng hồ Thụy sĩ hiệu Cartier, với giá gần 2.000 USD. Ngoài ra tôi cũng mua một chiếc đồng hồ Rolex tặng Kelly.

Năm tôi 30 tuổi, một tạp chí thời trang đến phỏng vấn tôi về đề tài “Phong cách Vikrom”. Bản thân tôi không khỏi ngạc nhiên vì phần lớn trang phục và đồ dùng của tôi đều mua ở chợ trời Chatuchak cả, hoàn toàn không phải mua từ các cửa hàng thời trang hay từ các catalogue thời thượng nào. Liệu đó có thể tạm gọi là thị hiếu của Vikrom chăng? Tức là chọn mua đồ không đắt tiền, nhưng hợp với sở thích cá nhân, và nhất là phải thể hiện được tính độc đáo của mỗi người.

Có lần tôi đến thăm nhà một người Đức tại Soi Prasarnmit và rất ấn tượng về cách trang trí ngôi nhà theo truyền thống Thái Lan của ông ấy. Nó nói lên thị hiếu của chủ nhà, được phản ánh qua cách trang trí ngôi nhà, nội thất, sân vườn, cách lựa chọn và sử dụng đồ dùng trong nhà tuy đơn giản, nhưng hài hòa và đẹp mắt, thể hiện tính cách giản dị, ngăn nắp, hiệu quả cao; và điều quan trọng là những thứ đó không phải là hàng đắt tiền. Chính đó là nguồn cảm hứng cho tôi suy nghĩ tìm ra cách sửa sang, trang trí lại ngôi nhà của mình cho đẹp hơn, độc đáo hơn theo phong cách truyền thống của Thái Lan.

Tôi cho rằng cách sinh hoạt và lối sống của mỗi người cơ bản phụ thuộc vào sở thích và hoàn cảnh của họ. Cách trang trí đồ vật quanh mình sao cho đẹp mắt, hài hòa và tiện lợi phản ánh tính cách của người chủ nhà, không nhất thiết cứ phải là người giàu mới có thị hiếu tốt.

Tôi thấy rất nhiều ngôi nhà của những người giàu có ở Bangkok mà phần lớn thuê người khác thiết kế theo kiểu Châu Âu hay Phương Tây với giá rất đắt mà không thể hiện được chút nào tính cách của chủ nhà, gây phản cảm cho người đối diện.

Trong khi đó tôi cũng nhìn thấy một số ngôi nhà có kết cấu và trang trí đơn giản, nhưng bao quanh bởi khung cảnh thiên nhiên trông rất nên thơ, đầu tư không nhiều nhưng lại thể hiện được tính cách của người chủ. Đó là những kiểu nhà đáng để học hỏi và có thể vận dụng vào chính ngôi nhà của chúng ta.

Nói tóm lại, “thị hiếu” hay “phong cách” Vikrom đơn giản là thế.

 

Bình luận
× sticky