Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 13: Một bước tiến xa

Tác giả: Vikrom Kromadit

Công ty Khu Công nghiệp Bang Pakong (Bang Pakong Industrial Park) đăng ký thành lập ngày 6 tháng 3 năm 1988 với vốn điều lệ 25 triệu bạt, trong đó tôi nắm giữ 60%, còn lại phân cho các cổ đông khác.

Tôi đem một phần số tiền có trong tay để góp vốn vào công ty, số tiền còn lại 12 triệu bạt, tôi đầu tư xây dựng tòa nhà Kromadit, do căn nhà tôi thuê ở Soi 20 Sukhumvit đã được chủ nhà bán cho người khác. Như vậy tôi đã phải chuyển trụ sở công ty kiêm nơi ở của mình đi nơi khác sau 14 năm gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm.

Lúc đó tôi vẫn tiến hành song song hai công việc kinh doanh, vừa tiếp tục buôn bán cá ngừ đóng hộp vừa triển khai công việc kinh doanh xây dựng khu công nghiệp. Vài năm sau, khi công việc kinh doanh mới tiến triển tốt, tôi đã giao lại công ty V&K cho các nhân viên trong công ty tự cai quản. Đến nay Công ty V&K vẫn còn tiếp tục công việc kinh doanh thương mại như trước đây do các nhân viên cũ của tôi quản lý.

Sau đó tôi và ông Chavalit thỏa thuận mua lại khu đất rộng gần 300 rai của ông Chamroen Pulvornlak, chủ rạp phim Mackana, ở ngã tư Pathumvan. Lúc đó tình hình tài chính của công ty chưa vững, nên tôi phải dùng tiền riêng của mình để đặt cọc và vay thêm vốn của Ngân hàng Thai Thanu với số tiền 60 triệu bạt để chuyển nhượng đất. Đó là vụ đầu tư lớn nhất của tôi tính đến thời điểm đó, có thể nói còn bao nhiêu tiền là tôi dốc hết vào dự án này.

Sau khi mua khu đất 50 ha tại Km 52 trên quốc lộ Bangna-Trat rồi làm đường, xây cầu và phân chia khu đất thành 20 lô nhỏ, thì cuối cùng khu công nghiệp đầu tiên của chúng tôi đã hình thành. Như vậy dự án mà tôi đã bỏ ra ba năm ròng rã để nghiên cứu, khám phá xây dựng, nay đã thành sự thật, thành điểm xuất phát của một giai đoạn kinh doanh mới trong cuộc đời của tôi.

Ngay từ đầu tôi đã liên hệ với các cơ quan quản lý ngành điện và nước để hỏi thông tin thì được họ trả lời việc cung cấp điện nước cho khu công nghiệp không khó khăn gì, vì đã có sẵn điện nước, chỉ cần chúng tôi đầu tư xây dựng thêm đường ống dẫn nước từ nhà máy nước Khao Suwan đến khu công nghiệp là được. Nhưng sau khi đầu tư xây dựng xong đường ống với chi phí 20 triệu bạt thì bị thiếu nước vì công suất của nhà máy nước không đủ cung cấp.

Việc cung cấp điện cũng gặp phải tình hình tương tự vì nguồn điện thiếu ổn định, công suất thường xuyên bị tụt giảm. Chúng tôi phải đầu tư thêm 20 triệu bạt nữa để xây dựng đường dây dẫn mới. Ngoài điện nước, còn một nhu cầu không kém quan trọng khác là điện thoại. Chúng tôi cũng phải đầu tư xây dựng thêm trạm điện thoại mới, làm tăng thêm chi phí đầu tư.

Thông tin ban đầu mà tôi có được từ các cơ quan quản lý hệ thống hạ tầng là không xác thực đã dẫn đến việc tính toán vốn đầu tư của tôi thiếu chính xác. Tôi đã ỷ lại vào thông tin số liệu của các cơ quan quản lý mà không tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, làm tăng thêm chi phí đầu tư rất lớn, trong khi tôi đã không dự phòng kinh phí trong trường hợp này.

Ngoài những vấn đề gây đau đầu nói trên, tôi còn đảm nhận vai trò “đứng mũi chịu sào” trực tiếp nhận điện thoại từ khách hàng khắp nơi gọi đến kêu ca, phàn nàn, trong đó nghiêm trọng nhất là từ khách hàng đầu tiên Srithai Goldstar, liên doanh giữa một công ty Thái Lan và công ty LG của Hàn Quốc. Sau khi mua 30 rai (5ha) đất trong khu công nghiệp thì chỉ trong 4-5 tháng công ty này đã xây lắp xong nhà máy, vì họ dùng kết cấu lắp ráp có sẵn chuyển từ Hàn Quốc sang. Có thể nói đây là nhà máy xây dựng nhanh nhất trong lịch sử của Amata. Trong khi đó cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp của chúng tôi chưa sẵn sàng để nhà máy có thể đi vào hoạt động.

Ông Sumit Lertsumitkul, chủ công ty Srithai, lần nào gặp tôi cũng nói kháy rằng ông tự biến mình thành con chuột bạch để tôi làm thí nghiệm. Thực ra lúc đó hệ thống cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp chúng tôi đang trong thời gian “chờ” hoàn thành, nhưng vì nhà máy của ông ấy xây dựng nhanh hơn dự kiến nên chúng tôi không đáp

ứng kịp. Tôi không có cách nào khác là phải vắt chân lên cổ chạy hết tốc lực để nhà máy sớm đi vào hoạt động, vì nếu khách hàng đầu tiên không xuôi thì những khách hàng tiếp sau sẽ thế nào, nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì triển vọng kinh doanh của tôi sẽ rất đen tối.

Đến lúc này tôi mới nhận ra giữa “ước mơ” và “thực tế” mà tôi đang phải đương đầu là một khoảng cách vô cùng lớn. Sự kém hiểu biết và thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp chính là nguyên nhân khiến tôi mắc phải sai lầm về một vấn đề quan trọng là sự đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng.

Không chỉ có vậy, tiếp đến là vấn đề chuyển nhượng quyền sở hữu đất trong khu công nghiệp vẫn chưa sẵn sàng. Lúc đó đất đai ven quốc lộ Bangna-Trat đang lên cơn sốt. Việc mua bán chuyển nhượng diễn ra rất sôi động từng ngày từng giờ, trong khi đó số lượng viên chức địa chính của tỉnh Chonburi lại không đủ đáp ứng nhu cầu. Tóm lại, nhìn vào chỗ nào cũng chỉ thấy toàn là vấn đề phải giải quyết.

Mặc dù xét về mặt thị trường và bán hàng thì phải nói là rất thành công, vì chỉ trong sáu tháng toàn bộ diện tích khu công nghiệp đã được bán hết cho các khách hàng. Tuy nhiên, do mắc phải vấn đề đầu tư bổ sung hệ thống cơ sở hạ tầng nên trong năm đầu tuy công ty có vốn đăng ký 25 triệu bạt mà phải đóng thuế tới 40 triệu bạt, nên khỏi phải nói đến lãi. Cũng vì tôi làm ăn trung thực, không có chuyện gian lận sổ sách, nên một số cổ đông nói móc rằng đáng lẽ ra công ty phải được thưởng huân chương vì là đơn vị đóng thuế cao nhất nước.

Thời gian đó tôi phải chịu nhiều sức ép và căng thẳng đến mất ăn mất ngủ, ngày đêm lo nghĩ tìm cách giải quyết các vấn đề sao cho nhà máy của khách hàng sớm đi vào hoạt động, sao cho các hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ…

Thậm chí tôi còn nằm mơ thấy cảnh khách hàng xếp hàng đến gõ cửa, gọi điện thoại chất vấn, phàn nàn đủ điều. Chỉ trong vòng sáu tháng, tôi bị bệnh thiên đầu thống tấn công, rụng tóc, sụt ký và suýt chết. Cũng may mà tôi được các cổ đông khác tận tình ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng, kể cả bỏ tiền túi cá nhân ra để “bảo lãnh” vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan.

Như bạn thấy đó, cái giá phải trả cho sự mạo hiểm lao vào một công việc mà mình chưa biết rõ, chưa có kinh nghiệm và chưa làm bao giờ đắt khủng khiếp đến mức nào. Đến khi nhận ra, muốn quay lại thì đã quá muộn.

Sau đó, khi ngồi lại bàn bạc với nhau, mọi người hỏi tôi: “Chúng ta có nên làm tiếp hay không?” Tôi trả lời: “Đến đây coi như tôi đã thi tốt nghiệp xong bậc trung học, tôi muốn học lên đại học… Tôi sẽ làm tiếp vì tôi đã có kế hoạch rồi!”

Tôi giải thích cho các cổ đông nghe kế hoạch tiếp theo của mình. Ai nấy đều ngạc nhiên vì họ nghĩ rằng tôi sẽ đầu hàng không dám làm tiếp sau bài học sai lầm vẫn còn nóng hổi. Nhưng tôi không nghĩ vậy, vì tôi đã nhận thấy chỗ yếu của mình và cũng đã tìm ra cách khắc phục. Tôi tin rằng rút được bài học từ thất bại chắc chắn lần sau sẽ làm tốt hơn. Quả thật, nếu lúc đó tôi thoái chí thì giờ đây chắc chắn sẽ không có cái tên “Amata” như chúng ta nghe thấy hiện nay.

Thế là đúng vào ngày hôm đó, tôi là người khởi xướng thành lập ra “Công ty Bang Pakong Industrial Park II”, với số cổ đông cũ đồng ý tăng vốn điều lệ công ty từ 25 triệu bạt lên 120 triệu bạt, trong đó 45% là cổ phần dành cho các cổ đông mới gồm các ông Banyong Lumsum, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan, ông Sagawa, Công ty Itochu và một số nhà đầu tư của các gia đình Sri Fuong Fung, Panicheva, Sophonpanich.

Tôi biết Tập đoàn Itochu là do ông Banyong nói với ông Sagawa rằng Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan có góp vốn đầu tư khu công nghiệp với nhóm của tôi. Sau đó ông Sagawa cử hai chuyên gia là ông Sato và ông Misushima đến làm việc cụ thể với tôi. Sau 3-4 tháng làm việc hai bên đồng ý ký một hợp đồng hợp tác liên doanh, do luật sư Tiến sĩ Suwan Valaisathien soạn thảo.

Tôi tự mình rà soát lại lần cuối bản hợp đồng viết bằng tiếng Anh do thói quen của ông chủ nhà buôn thời xưa là cái gì cũng muốn tự làm lấy cho chắc, mặc dù trình độ tiếng Anh về luật của tôi còn hạn chế, nhiều đoạn đọc không hiểu gì. Đáng lẽ ra tôi nên phân việc này cho người khác có trình độ chuyên môn làm sẽ bớt đau đầu hơn.

Thể trạng tôi vốn dĩ không được khỏe do di truyền từ mẹ, cộng thêm sức ép công việc và làm việc quá sức nên sức khỏe của tôi suy giảm trông thấy. Tôi thường xuyên bị mất ngủ, và đêm nọ, sau khi uống rượu vang và thức khuya, nhịp tim của tôi nhảy vọt lên hơn 200 lần trong một phút, mặc dù khi đó tôi chỉ mới hơn 30 tuổi.

Bác sĩ Raphin, bệnh viện Bangkok, sau khi khám bệnh cho tôi rất ngạc nhiên thấy tôi vẫn sống được trong điều kiện như vậy, vì với tình trạng đó nhiều người sẽ đột tử, hoặc ít ra cũng bị sốc hoặc trụy tim. Bác sĩ Raphin vội đưa tôi vào phòng chăm sóc đặc biệt và tiến hành kiểm tra xem có mạch máu nào trong tim bị hẹp hay không. Kết quả bình thường, chỉ có vách tim hơi bị dày. Bác sĩ cho thuốc uống làm giảm nhịp tim và căn dặn phải giảm cường độ làm việc, nhất là giảm stress.

Nghe lời bác sĩ dặn, tôi bắt đầu tổ chức lại cuộc sống của mình, sắp xếp công việc và sinh hoạt hợp lý hơn, bàn bạc với các cổ đông tìm thêm người để san sẻ bớt trách nhiệm vì tôi không hề muốn phải sớm từ giã cõi đời này chút nào.

Mọi người đồng ý và tìm được ông Vichien Rochviranon, 50 tuổi, tốt nghiệp ngành thương mại và kế toán trường đại học Thammasat, là người rất đạo mạo, từng có kinh nghiệm quản lý các công ty tầm cỡ quốc gia.

Tôi vẫn làm nhiệm vụ quản lý công ty thêm một thời gian, cho đến khi ông Chavalit nghỉ hưu khỏi cơ quan nhà nước và đảm nhiệm hoàn toàn chức vụ chủ tịch công ty. Lúc đó, tôi mới rút ra khỏi công việc sự vụ hàng ngày, vì hầu hết công việc quản lý công ty đều do hai ông Chavalit và Vichien chịu trách nhiệm giải quyết, tôi chỉ tập trung vào công việc tiếp thị và bán hàng vì đây là khâu chính trong kinh doanh, nếu bán được hàng thì các vấn đề còn lại sẽ dễ giải quyết. Trong khi đó một số cổ đông cũ lần lượt rút khỏi công ty để lo công việc kinh doanh riêng, chỉ còn lại tôi và ông Chavalit cai quản công ty đang ngày càng lớn lên theo thời gian.

Khu Công nghiệp Bang Pakong II bắt đầu từ việc mua khu đất rộng 1.400 rai (khoảng 233 ha) của ông Praphan Chiadamrong. Có một chuyện vui xung quanh việc mua khu đất này. Lúc đầu khi tôi đến dạm hỏi mua khu đất thì ông Praphan tỏ thái độ thờ ơ và thô thiển, rất khó nói chuyện, khiến tôi phải tìm ra kế đóng vai là người trung gian và có “tay trong” trong công ty.

Qua đó tôi tiết lộ thông tin cho ông Praphan biết phản ứng của hội đồng quản trị công ty đối với vụ mua bán này sau khi ông Praphan đưa ra giá đất cao quá mức. Dù vậy, tôi thấy khu đất này có vị trí thuận lợi thích hợp làm khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì nằm không xa Bangkok và gần với thủ phủ tỉnh Chonburi, cảng nước sâu Laem Chabang cũng như cảng Klongtoey.

Với vai trò “nội gián” tôi cố thuyết phục ông Praphan nên đưa ra giá nào để hội đồng quản trị công ty có thể chấp nhận, và đừng quên thưởng cho tôi hoa hồng khi vụ mua bán thành công.

Ông Praphan nghe theo vì tưởng rằng tôi là người cùng phe, nhưng ông ấy vẫn là một nhà thương lượng sành sỏi, không dễ dàng bị thuyết phục. Trước khi đi đến thỏa thuận cần có cuộc thương lượng chính thức giữa ông và công ty. Vì tôi đóng vai người môi giới, nên công ty cử anh Suvat làm đại diện công ty để đàm phán. Khi nói chuyện được một lúc thì tự nhiên ông Praphan nổi nóng, cho rằng anh Suvat bất nhã, xem thường ông và tỏ ý không muốn bán nữa.

Tôi phải vội kéo ông ra nói chuyện riêng với tư cách người trung gian và cùng phe với ông, cố thuyết phục ông chấp nhận mức giá do tôi đề xuất. Cuối cùng ông chấp nhận giá do tôi đưa ra, nhưng đến khi tôi hỏi tiền hoa hồng thì ông lấy đủ lý do để cắt giảm, tôi cũng chấp nhận để mọi chuyện kết thúc tốt đẹp. Tôi lấy khoản hoa hồng đó đem trừ vào tiền mua đất mà hội đồng quản trị đã chi. Như vậy Khu công nghiệp Bang Pakong II đã hình thành từ đó, nằm tại km 57 trên quốc lộ Bangna –Trat, chỉ cách khu công nghiệp đầu tiên 4 km.

Một khâu trọng yếu của việc xây dựng khu công nghiệp là chuyện mua bán đất đai, đây là một việc rất phức tạp và rắc rối mà người ngoài cuộc khó có thể hình dung hết. Bản thân tôi cũng phải cố gắng cật lực mới thích nghi được trong lĩnh vực mà mọi người chạy đua kiếm lợi nhuận này. Tôi phải học hỏi và rèn luyện nhiều thủ thuật từ việc nói chuyện, đàm phán thương lượng và mua bán với hàng trăm chủ đất, đến nỗi trở nên thông thạo như một ông thầy bói, nhìn mặt là biết ngay trong bụng người ta nghĩ gì. Hóa ra cái động cơ “lợi ích” này chẳng chừa ai cả, vì thế tôi thường gặp các trường hợp “lưỡi không xương”, tức là người ta sẵn sàng đổi ý, quay ngoắt 1800 bất cứ lúc nào.

Không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiều trường hợp người ta mâu thuẫn nhau về lợi ích xuất phát từ chuyện đất đai, đến nỗi có trường hợp họ bắn giết nhau chỉ nhằm giành giật quyền lợi…. Bản thân tôi khi xây dựng các khu công nghiệp Bang Pakong I và Bang Pakong II cũng gặp phải vài trường hợp rắc rối, tranh giành quyền lợi về đất đai với một nhóm khoảng mười người tại khu công nghiệp, nhưng tôi chưa bao giờ dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp với ai.

Đó là một số kẻ xấu, những tên côn đồ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tại địa phương, trong đó có cả sự tham gia của một vài quan chức nghỉ hưu, kể cả lính tráng còn đang tại ngũ trong quân đội, cảnh sát, nhân viên địa chính, nếu thấy có cơ hội là họ dùng mọi thủ đoạn để kiếm chuyện, moi tiền.

Có lần một nhóm côn đồ đến gây sự nhằm vòi vĩnh. Chúng vào chiếm một số lô đất trong khu công nghiệp, nơi đặt nhà máy kính Asahi ngày nay, bọn chúng mang cả súng đứng gác và hung hăng đe dọa, khiến tôi phải nhờ đến Đại tướng Bunrit can thiệp. Ông cho xe chở một toán quân nhân đến dẹp loạn, buộc bọn chúng giải tán. Nếu cứ để cho một vài tên côn đồ lộng hành gây rối như vậy, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lo ngại và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư đang trên đà tăng mạnh.

Tôi may mắn có hai nhân viên phụ trách kinh doanh chủ chốt là anh Piếc Samosaman và anh Chairat, cả hai rất tháo vát, vui tính và kiên nhẫn, rất thích hợp với công việc giao tiếp và thương lượng với khách hàng cũng như với các quan chức nhà nước. Sau một thời gian công việc quản lý kinh doanh của công ty dần dần đi vào nề nếp, chúng tôi ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc quản lý điều hành, nhất là nghệ thuật thương lượng với các chủ đất, những người dễ trở mặt vì hám lợi.

Có hôm anh Piếc nói với tôi, những tên côn đồ, gần mười đứa, từng gây rối về chuyện đất đai tại khu công nghiệp của chúng tôi, đều lần lượt biến mất vì gặp những kết cục chẳng lành… Tôi nghĩ bụng đúng là ác giả ác báo.

Việc làm khu công nghiệp tại các nước theo chế độ dân chủ như Thái Lan đúng là không dễ dàng gì, nếu so sánh với các nước theo chế độ cộng sản như Trung Quốc hay Việt Nam. Ở những nước này, chính phủ lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và ra lệnh di dời dân cư để thực hiện dự án theo quy hoạch mà không phải lo sợ về vấn đề đền bù giải tỏa, vì họ lấy lợi ích chung về kinh tế và xã hội làm cơ sở để phát triển. Vì thế, hai nước này phát triển kinh tế rất nhanh, không gặp phải vấn đề trở ngại như Thái Lan.

Ở giai đoạn đầu, công ty tôi vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan để đầu tư. Chị Aichari, ủy viên hội đồng quản trị, chuyên lo về vấn đề tài chính nên tôi đỡ được một phần gánh nặng.

Ngoài ra tôi còn được sự hỗ trợ tài chính của gia đình Srifuong Fung, chủ sở hữu quỹ Cathay Trust, do ông Sombat Panichcheva làm đại diện, nên tôi có đầy đủ nguồn vốn để mua đất cho việc xây dựng cũng như mở rộng khu công nghiệp. Tôi thỏa thuận cách làm việc với Cathay Trust rằng mỗi khi tôi có kế hoạch mua khu đất nào, thì Cathay chỉ có nhiệm vụ chi tiền ra để mua, vì tôi chỉ thực hiện theo đúng quy hoạch được chụp ảnh từ trên máy bay xuống mà thôi.

Tôi yêu cầu Quỹ không được cử chuyên viên đến điều tra tại chỗ vì sợ rò rỉ thông tin, các bên đều tán thành đề nghị của tôi và phê duyệt cấp vốn ngay để đầu tư mua đất. Vì vậy, công ty của tôi trở thành khách hàng lớn nhất của Cathay Trust. Tôi cũng đem cách này áp dụng với Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan để mua đất trong các khu vực liền nhau, làm cho việc mở rộng khu công nghiệp rất tiện lợi.

Nhờ những người đồng nghiệp có năng lực trong từng lĩnh vực nên công việc của tôi trong 2-3 năm đầu được san sẻ rất nhiều. Tôi không cần phải lo chuyện vay tiền, thiết kế, xây dựng, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp như trước đây nữa, nên có nhiều thời gian để lo chuyện khác, như vấn đề tiếp thị cần nhiều thời gian và rất quan trọng, vì chỉ có bán được đất trong khu công nghiệp thì công ty mới có thể đứng vững và mở rộng kinh doanh.

Khi tôi đã có kinh nghiệm và nắm vững phương pháp làm việc, thì công việc điều hành công ty ngày càng dễ dàng hơn. Tất nhiên luôn luôn có những vấn đề mới xuất hiện cần phải giải quyết, nhưng giờ đây tôi đã đỡ đau đầu hơn, mặc dù tóc vẫn bị rụng, may mà tóc tôi vẫn còn đen tự nhiên chưa bị bạc sớm.

 

Bình luận
× sticky