Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 11: Đường đời

Tác giả: Vikrom Kromadit

Đời người là một hành trình không ngừng nghỉ, do đó chừng nào còn thở, bạn đừng hết hy vọng và dừng bước, vì phía trước vẫn có những con đường và cơ hội đang chờ chúng ta.

Sau khi trải qua những thất bại cay đắng trong kinh doanh và vượt qua được tâm trạng bức bối với những tình huống quá khứ đã không thể thay đổi được, tôi dành thời gian chú tâm vào những suy nghĩ và việc làm tích cực có lợi cho bản thân và gia đình.

Việc tránh nghĩ đến những nỗi đau và vấn đề nan giải đôi khi bị coi là thái độ buông xuôi, nhưng đối với tôi đó là một cách tiếp cận khác để nhận ra “bản chất của vấn đề” từ đó có thể tìm ra biện pháp giải quyết một cách đúng đắn, dựa vào sự thật và lẽ phải, có tình có lý. Khi đó các vấn đề nan giải tự nó sẽ được giải quyết theo thời gian.

Kỳ thực, cuộc đời tôi từ nhỏ đến lúc trưởng thành luôn gặp phải vô vàn vấn đề, có thể nói làm việc và giải quyết vấn đề chính là cuộc sống hàng ngày của tôi. Ưu điểm của tôi là luôn sẵn sàng đương đầu với các thách thức và xem đó là thử thách đối với bản lĩnh và lòng kiên nhẫn của mình. Điều đó giúp tôi giải quyết được hầu hết các vấn đề gặp phải. Trước các vấn đề nan giải chưa có hướng giải quyết, tôi tạm gác lại để tiếp tục suy nghĩ, hoặc huy động ý kiến tập thể nhờ họ góp ý.

Một nghệ thuật sống mà tôi luôn vận dụng là tự điều chỉnh bản thân một cách linh hoạt với hoàn cảnh và môi trường sống luôn thay đổi. Đó là những điều mà chúng ta không thể né tránh, nhưng vẫn có quyền lựa chọn đường đi của mình trên cơ sở hiểu rõ vấn đề và chọn cách giải quyết sao cho có lợi nhất.

Nhờ đó, trong thời gian 10 năm hoạt động của công ty, các vấn đề gặp phải đều lần lượt được giải quyết ổn thỏa, một phần cũng là do sức đề kháng của tôi ngày càng cao hơn. Chẳng hạn, tôi đã trang trải sòng phẳng các khoản nợ trên 8 triệu bạt do thua lỗ trong hai vụ buôn bán bột sắn 300 tấn và hai con-ten-nơ cá ngừ hộp bị trả lại. Tôi cảm thấy tự hào và tự tin ở mình vì đã làm việc trung thực, có trách nhiệm và luôn giữ đạo đức trong kinh doanh cũng như trong các mối quan hệ xã hội.

Nghĩ lại, nếu lúc gặp gian khó tôi chùn bước và giải thể công ty theo lời khuyên của một số người thì có lẽ bây giờ trong xã hội Thái Lan cũng như trên thương trường thế giới đã không có chỗ đứng nào dành cho “Vikrom Kromadit”. Vì thực ra cộng đồng kinh doanh Thái Lan và thế giới cũng không phải là lớn vô tận, những tiếng xấu gây ra vẫn có thể quay lại với chúng ta bất cứ lúc nào, khi đó thì khó có thể thanh minh và tiến lên được.

Sau khi làm ăn có lãi liên tục 4-5 năm và trang trải xong nợ nần, tôi mở sổ sách và kiểm lại ngân quỹ thì thấy tổng tài sản có trong tay bây giờ là hơn 30 triệu bạt. Lúc này Kelly đã đi học tiếp thạc sĩ tại Mỹ được một thời gian.

Có được một khoản tiền khá lớn như vậy là do nhiều năm làm việc cật lực và chi tiêu tiết kiệm. Nhớ lại giai đoạn bần hàn ngày nhỏ hay thời kỳ học đại học năm thứ ba khi tôi chỉ có trong tay 20.000 bạt tiền tiết kiệm, hoặc lúc kinh doanh thua lỗ mất 8 triệu bạt, tôi thở phào nhẹ nhõm và tự hào về sự thành công của mình, dù lúc đó tôi chỉ mới 30 tuổi đời.

Tôi vạch ra kế hoạch phân bổ số tiền kiếm được thành hai phần. Phần thứ nhất dành để lo nơi ăn chốn ở cho bản thân và những người thân trong gia đình. Tôi quyết định mua căn hộ đầu tiên trong đời, là căn hộ tại khu nhà Sukhumvit House, Soi 23 với diện tích 115 m2, với giá 28.500 bạt/m2, tổng cộng là 3,2 triệu bạt và chuyển đến ở. Phần thứ hai là để dành cho việc đi học tiếp sau này. Với số tiền 30 triệu bạt trong tay tôi thừa sức thực hiện giấc mơ bấy lâu nay của mình.

Kinh doanh theo kiểu mua đi bán lại là loại hình rủi ro cao và cạnh tranh gay gắt, vì khi thị trường mở rộng thì sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những người làm trung gian.

Một dạo, khi tôi buôn bán thành công mặt hàng nào đó, ngay lập tức tôi thấy xuất hiện một số khuôn mặt mới cũng nhảy vào buôn bán cùng mặt hàng đó với số lượng ngày càng tăng lên, đến mức dần dần tôi thấy không còn chỗ đứng trong lĩnh vực đó nữa, cảm giác như có rất nhiều người giành giật nhau mua bán trong một cái chợ cực kỳ chật chội.

Đến lúc này tôi thấy không thể để Công ty V&K cứ ở trong tình trạng đó mãi, nên suy nghĩ tìm cách để công ty đứng vững và phát triển lâu dài hơn, vì tôi không muốn làm kinh doanh chỉ đến mức đủ tiền tiêu xài là được.

Có lần tôi bàn bạc với các nhân viên trong công ty rằng cứ theo đà này thì khoảng ba năm nữa công việc kinh doanh tốt đẹp hiện tại của công ty sẽ cạn kiệt vì có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường, đó là một điều rất tự nhiên vì khách hàng luôn muốn hạ giá thành, do đó rất khó có thể giữ chân được khách hàng mãi mãi. Đến một ngày nào đó, khách hàng sẽ bỏ chúng ta để quay sang các nhà buôn trung gian khác chào giá thấp hơn, hoặc thậm chí mua trực tiếp của nhà sản xuất mà không qua trung gian nào, như trường hợp tôi đã bị Paul Krempe cho một vố trước đây.

Tình hình nói trên nhắc nhở tôi phải sớm tìm ra hướng đi mới trong sự nghiệp kinh doanh của mình và do vậy tôi không thể bỏ công ty đi đâu đó lâu vào lúc này. Nếu tôi rời xa công ty thì khi quay về sẽ là quá muộn, công việc kinh doanh của công ty xem như không còn nữa. Điều quan trọng là lúc đó tôi nghĩ rằng mình có thể làm ra nhiều hơn số tiền 30 triệu bạt đã có, và nếu có nhiều tiền hơn thì tương lai của tôi sẽ vững chắc hơn như đã từng mong ước. Do vậy, tôi tập trung sức lực suy nghĩ phải làm gì và làm như thế nào.

Tôi dành từ 10-20% thời gian làm việc hàng ngày cho việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, tìm kiếm các đồng minh trong kinh doanh, kể cả gặp gỡ làm quen với những người tôi chưa từng gặp bao giờ. Tôi tích cực tham gia vào các hiệp hội doanh nghiệp, các phòng thương mại, các câu lạc bộ doanh nhân, kể cả hội những người Nhật tại Thái Lan, hội cựu du học sinh Đài Loan, tham gia những đoàn của Thủ tướng và quan chức cấp cao đi thăm các nước…

Việc tăng cường quan hệ với nhiều người, trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã giúp tôi có tầm nhìn rộng hơn và dễ nhận ra các cơ hội kinh doanh mới hơn.

Tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và mở rộng các mối quan hệ đối với hoạt động kinh doanh và sự phát triển của công ty. Xã hội Thái Lan rất coi trọng các mối quan hệ, sự hợp tác tương trợ lẫn nhau, khi người ta quen biết nhau thì làm bất cứ công việc gì cũng trở nên dễ dàng, thuận lợi.

Cùng lúc đó tôi đầu tư mua thêm một chiếc xe hơi mới nữa, vì chiếc Mercedes 200 trước đây đã cũ và trở nên rệu rạo vì đã qua nhiều năm sử dụng với cường độ cao. Tuy tôi là người biết gìn giữ chăm sóc chiếc xe chu đáo, nhưng nó không còn đáp ứng yêu cầu công việc nữa. Có lần tôi đưa xe đi đón khách là một người Phương Tây cao lớn. Dù trong xe máy điều hòa đã mở hết cỡ nhưng vẫn không đủ lạnh, nhìn ông khách mồ hôi nhễ nhại, tôi rất ái ngại. Nay đã đến lúc tôi phải sắm chiếc xe mới to hơn, sang trọng hơn vì khả năng tài chính bây giờ cũng đã khá hơn trước…

Sau khi cân nhắc tôi mua chiếc Mercedes 380 SEL, sản xuất năm 1983 với giá 1,8 triệu bạt. Tuy là xe đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Anh nhưng chất lượng vẫn rất tốt. Tôi cho sơn lại xe màu đen, thay thế ghế đệm và một số vật dụng nội thất, và lấy biển số 007. Sau khi tân trang, tình trạng xe rất hoàn hảo, phải bằng 90% xe mới. Cộng giá mua và tất cả chi phí sửa chữa, chiếc xe giờ đây trị giá 2 triệu bạt. Còn chiếc xe cũ, tôi bán đi để bù vào chiếc xe mới mua này.

Chiếc Mercedes mới mua này chạy rất tốt, mỗi khi đi đón đưa khách tôi cảm thấy yên tâm và dễ chịu hơn, vì chỗ ngồi rộng rãi thoải mái, xe chạy rất êm. Ngoài ra, về hình thức trông nó cũng sang trọng hơn chiếc xe cũ rất nhiều. Tóm lại, tôi thấy việc đầu tư mua chiếc xe này là rất đáng tiền.

Đến hôm nay dù đã qua hơn 20 năm sử dụng nhưng chiếc xe vẫn chạy tốt, tôi đã tặng lại chiếc xe này cho Vibool, em trai của tôi, để sử dụng trong công ty.

 

Bình luận